Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

ĐI VỀ NƠI HOANG DÃ (KỲ 11)

Tiểu thuyết

Nhật Tuấn

Hai mươi ba.

Thực khó biết được sức mạnh nào khiến tôi làm được việc phi thường đến thế? Hoặc hoảng sợ cái cuộc sống chen chúc nơi phố chợ hoặc ăn năn đã làm buồn lòng cô nàng nhỏ nhắn, không rõ ra căn nguyên nào, chỉ biết ngay từ mờ đất, tôi đã trở dậy mặc thằng liên lạc vẫn ngủ mê mệt, khoác lên người năm mươi cân gạo, hai chục cân gà và thực phẩm, chẳng nhìn ngang ngó ngược, cứ con đường bữa trước phăm phăm bước trở về. Qua nơi con gấu sập bẫy, qua ngôi nhà sàn đôi vợ chồng trẻ, qua bản Mù U hoang vắng, mặc kệ, tôi cứ bỏ qua tất chẳng còn biết đói khát, mệt nhọc là gì, tôi cắm đầu cắm cổ, nhoay nhoáy đôi chân như ma đuổi. Trời tối mịt, không còn nhìn thấy đường mà bước được nữa: tôi mới tới nơi mấy bữa trước cả bọn đã ăn thịt chó hoang. Hỡi ôi, gọi khản cả cổ chẳng có ai lên tiếng, cả toán hẳn đã chuyển theo tuyến lên phía trước rồi. Quẳng ba lô, nằm vật dưới gốc cây, lúc này tôi mới rời rã chân tay, bao nhiêu nước trong người dường như đã túa ra hết làm ướt đẫm-bộ quần áo. Miệng khát khô mà không sao nhấc lên nổi chiếc bi đông đã gần cạn. Tôi kiệt sức quá rồi, hơi lạnh của đất ngấm dần vào da thịt mỗi lúc làm tôi thêm cảm thấy mình đang bị chôn sống trong lòng đất hoang vu. Hệt một con ruồi dãy dụa trong mạng nhện, tôi cũng nằm chờ cái chết dưới hình dạng một con quái vật khổng lồ có những cái vòi hút máu và những đôi chân nguều ngoào.

Nỗi sợ đè lên ngực mỗi lúc một nặng làm tôi cố vùng ra nhưng chân tay đã cứng lại như hoá đá, tôi chết rồi, ý nghĩ lóe lên rồi tắt ngấm như một tia tri giác cuối cùng. Sau này, tôi cứ tự hỏi không hiểu cái sống cái chết liệu có do cái “số” của người ta đã được an bài trong “tử vi”hay không? Quả thực nếu cái lần đó khi chuyển quân thằng cấp dưỡng không bỏ quên con dao phay, nếu nó không tiếc đứt ruột quay lại tìm, nếu nó không mò tới được chỗ tôi đang nằm chết giấc, nếu vậy hẳn tôi đã trở thành đồng xương khô làm mồi cho giun và kiến. May mắn thay, phát hiện ra tôi nằm còng queo dưới gốc cây chò chỉ, thằng cấp dưỡng la hoảng, lập tức nó đốt ngay đang lửa, hà hơi vào miệng tôi lay gọi rối rít. Tôi hé mắt nhìn và chưa kịp hiểu chuyện gì đang diễn ra đã nghe nó hét váng: “Sống rồi, sống rồi, mày có nhận ra tao không? “Tôi gật gật và chẳng hiểu sao nước mắt cứ ứa ra giàn giụa. Lập tức nó móc ra lọ dầu “con hổ”, chà sát khắp người tôi, miệng quát tháo:

“Mày có là trâu không mà thồ nặng thế kia? Thằng hộ pháp đâu, sao không chia ra mỗi thằng vác một nửa? Mẹ ơi tao mà không quay lại tìm con dao thì mày ăn đất rồi. Quái thật, không hiểu sao đêm qua ruột gan tao cứ nóng như lửa đốt. Mất con dao thì là cái gì, ấy thế mà tao cứ bồn chồn chỉ mong trời chóng sáng quay lại đây mới lạ chứ? Vậy là cái số mày chưa chết nên nó mới ám vào giun giủi tao như thế?”

Tôi cứ muốn được nghe nó nói mãi, nói mãi, cái giọng quen thuộc của nó tạo cho tôi cảm giác trở về nhà, về với cuộc sống thường ngày của tôi. Thật lạ, mới xa bọn nó vài ngày mà tưởng như lâu lắm.

“Giờ mày cứ nằm yên nghỉ ngơi. Tao sẽ... thịt con gà, kiếm cái ống bương bỏ vào đó với bát gạo. Mẹ ơi, mày chỉ cần húp bát cháo gà là tỉnh như sáo sậu ngay, chẳng cần thuốc men gì sất. Tại mày kiệt sức lại đói với cả cảm lạnh nữa nên mới chết giấc vậy thôi. Cứ nằm yên đó, tao làm loáng cái xong ngay...”

Tôi lại chìm vào giấc ngủ mê mệt, mệt cho tới lúc thằng cấp dưỡng xốc dậy. Quả thực bát cháo gà tôi húp đến đâu khỏe đến đấy, máu lại chảy giần giật khắp người, mồ hôi vã ra, tôi nhoẻn một nụ cười:

“Thuốc tiên thật mày ạ, tao tỉnh cả người...”

“Ấy đấy tao đã bảo mà, cứ ăn thật lực vào là sống con người, này thêm cái buồng gan này nữa này...”!

Hết cái buồng gan rồi đến cái đùi, cái lườn, chẳng mấy chốc hai thằng đã nuốt hết cả con gà lẫn ống bương cháo. Lúc đó thằng cấp dưỡng mới nhấc thử cái ba lô gạo, thực phẩm và lè lưỡi:

“Dễ phải non một tạ. Nặng thế này mà mày cõng được: lại đi một mạch có một ngày lên đến đây thì đến thằng hộ pháp cũng thua.”

Nó kể mấy hôm rồi ba người vẫn “đi làm thằng học giả bỗng đốc chứng làm như điên vừa phát cây, vừa kéo thước đo, có ngày đạt năng xuất hai ngàn mét rồi ông toán trưởng có ý cho nghỉ sớm mà nó không chịu, cứ đòi làm nữa để vượt năng xuất lấy thành tích chào mừng đại hội công đoàn.

“Thất tình làm cho nó dở hơi phải không?”

“Chẳng dở hơi tý nào. Nó tỉnh ra là khác.”

Không ngờ câu trả lời của tôi còn thấp hơn sự thực, thằng học giả không những tỉnh ra mà còn khôn ranh, nhạy cảm không ngờ. Nó không tin chuyện tôi bịa đặt về thằng hộ pháp bị sốt rét phải nằm lại Mù càng điều trị, có lẽ khi không còn quan tâm tới những bức thư gửi qua bưu điện, nó dồn hết chú ý vào người xung quanh, nó kéo tay tôi ra chỗ vắng, hất hàm:

“Mày nói láo phải không? Thằng ấy khỏe như voi, ốm sao được, nó đào ngũ rồi chứ gì?”

Tôi hất tay nó ra:

“Chuyện đó không việc gì đến mày. Tao bảo nó ốm là nó ốm. Có vậy thôi.”

Riêng với ông toán trưởng, tôi cứ băn khoăn không biết có nên nói thực không, báo cáo sai đã là một tội, che giấu cho thằng hộ pháp lại thêm một tội nữa, nhưng thà chịu hai lần tội còn hơn để ông điện về Ban chỉ huy làm hỏng việc nó. Tuy nhiên, ông toán trưởng không để cho tôi phải phân vân, buổi tối sau ngày tôi trở về, ông cho gọi riêng tôi:

“Tôi đã điện về Ban chỉ huy biểu dương thành tích chuyển gạo và thực phẩm của cậu.”

Tôi hiểu đó chỉ là khúc dạo đầu, quả nhiên, sau vài lời hỏi han sức khỏe chiếu lệ, ông hỏi độp luôn:

“Thằng hộ pháp đào ngũ rồi phải không?”

“Thưa không, nó bị sốt rét, tôi đã báo cáo rồi.”

“Cậu nói dối, chính trước khi đi nó đã bàn chuyện với cậu trốn về cướp vợ người ta...”

Tôi lạnh toát người, nhớ ngay đến buổi tối thằng học giả ngộ độc thức ăn và nằm nghe hết mọi chuyện thằng hộ pháp tỉ tê với tôi.

“Mày đừng có xui thằng hộ pháp làm bậy. Manh động chỉ có chết...”

Nó đã dọa tôi như thế và thật không ngờ, nó đã báo hết với ông toán trưởng. Mẹ kiếp, phải cho nó một bài học chừa cái tính bép xép. Tôi nghiến răng, trừng mắt như thể chính nó đang ngồi trước mắt làm ông toán trưởng phát hoảng:

“Thôi được, nếu cậu không báo cáo láo thì thôi, chẳng việc gì phải cáu giận, trợn trừng như thế.”

Tôi trở về võng nằm, giận cả thằng học giả lẫn thằng hộ pháp, vắt óc ra nghĩ cách sao cho êm chuyện. Rõ rắc rối, tự dưng tôi bị đẩy vào một tình thế thật khó xử; nói thật ra thì phản bạn, che giấu cho nó, sau này vỡ chuyện ra, tôi sẽ lĩnh đủ trách nhiệm. Thôi đành, nghĩ mãi cũng thế, tôi lại giở cái phương châm quen thuộc “bấc đến đâu dầu đến đấy” để cố dỗ giấc ngủ, thế rồi thằng cấp dưỡng không chịu để tôi nằm yên, nó dựng tôi dậy để bắt tôi nghe câu chuyện về “ngôi nhà tương lai” của nó. Tao nghĩ kỹ rồi mày ạ, đất tao là vùng chiêm trũng cho nên cái nền nhà dứt khoát là phải tôn cao ít nhất một mét, sao cho trận lụt năm Ất Dậu mẹ tao vẫn kể có xảy ra nữa thì nước cũng chỉ mấp mé bực cửa... Tôi ngồi bếp lửa vừa ngáp vừa cố giỏng tai nghe, mẹ kiếp, thằng này cũng thuộc một dạng điên, xây được ngôi nhà đúng như nó tưởng tượng dễ phải có bạc triệu, ấy thế mà một tháng lương nó không quá vượt con số trăm. Tôi bảo nó cái lâu đài của mày nguy nga thật đấy nhưng không khéo nó đang được xây trên cát bởi vì có đến ngày về hưu nó cũng chẳng góp nổi số tiền lớn như thế.

Nghe tôi nói, thằng cấp dưỡng vỗ bồm bộp vào bụng, cười khảy:

“Mày đừng có coi thường tao, một nửa ngôi nhà đã nằm gọn ở đây rồi.”

Nó ghé tai tôi khoe thầm ngoài tiền ra nó còn có cả vàng nữa mấy cái nhẫn đây bằng cả mấy lần số tiền nó có.

Tôi lo sợ:

“Mày phải giữ cẩn thận, tao không ngờ mày lại giàu đến thế...”

Thằng cấp dưỡng trợn mắt:

“Tao nói riêng mày thôi đấy, cấm không được lộ chuyện, nói thực với mày tao đéo tin được thằng nào, nhất cái thằng học giả sao hồi này mắt nó láo liên như mắt rắn ráo.”

“Tốt nhất mày tìm cách gửi về cho mẹ”

“Ấy đấy tao cũng định đánh bài chuồn ít ngày không ngờ thằng hộ pháp lại chặn trước, tao mà biến nữa thì hết người làm. Thôi đừng có cãi, tao biết thừa mày chống chế cho nó rồi, nó mà ốm thật, mày đã chẳng cuống lên đòi ông toán trưởng cử người xuống với nó, đằng này cứ bằng chân như vại thế, rõ thật dấu đầu hở đuôi.”

Tôi cười gượng lảng chuyện hỏi han mấy hôm tôi đi vắng, ông toán trưởng có nhận thêm bức điện nào không?

Nó sờ vào bụng như để yên tâm gia tài của nó vẫn nằm yên chỗ đó rồi mới thủng thẳng:

“Có đấy hôm trước ông vừa họp phổ biến lệnh của Ban chỉ huy hạ quyết tâm tới được đỉnh Hua Ca trước mùa mưa.”

Mẹ kiếp, có mọc cánh cũng chả được, con người ta có phải cái máy đâu, cứ mang tinh thần chọi thế chó nào được với rừng rậm núi cao. Thằng hộ pháp lại chuồn rồi, mày với thằng học giả liệu có gánh được phần của nó không?”

Tôi nhìn thẳng vào mặt thằng cấp dưỡng, cười khảy:

“Khi cần thì mày cũng phải đi phát cây với bọn tao”.

“Vậy rồi ai sẽ nấu cơm?”

“Cần gì, đi làm về cả toán xúm vào cùng nấu…”

Thằng cấp dưỡng sờ tay vào bụng, lo lắng ra mặt. Tôi hiểu nó không ngại đi làm, nó chỉ ngại không biết sẽ giấu cái gói của kia vào đâu khi nó cũng phải đi tuyến leo trèo, phát cây vất vả như bọn tôi. Tôi đành giở giọng an ủi:

“Tao nói đùa vậy thôi, thế nào mày cũng phải ở nhà nấu cơm chứ, đi ra tuyến hết nhỡ thằng nào nó mò đến bưng hết đồ đi thì sao?”

Tôi nói đùa vậy mà thành thật, chỉ hai hôm sau trong cuộc họp tôi, thằng học giả đã phát biểu rất hùng hồn về “quyết tâm tới được đỉnh Hua Ca trước mùa mưa”, về “các khó khăn thuận lợi” và sau cùng “trong tình hình thiếu nguời hiện nay, “ nó đề nghị đưa cả cấp dưỡng ra tuyến làm, buổi sáng nó xung phong dậy sớm nấu cơm, còn buổi chiều, đi làm về cả toán cùng nấu. Nó nói xong, cả toán im phăng phắc, nghe rõ cả tiếng “cộc, cộc” con gõ kiến, tiếng lửa lép bép và từ xa lắm tiếng con nai “tác” trong đêm. Thằng cấp dưỡng cúi gằm mặt, tay cầm cành cây chọc cho ngọn lửa bùng lên, ông toán trưởng giở ra giở vào cuốn sổ vẫn để trên đùi, vẻ lúng túng hiện rõ trong các ngón tay run run, tôi đoán chắc ý kiến thằng học giả cũng làm ông chới với, thực bụng ông không muốn vậy, nhưng phản đối một đề nghị tích cực của một quần chúng tích cực hẳn là ông không dám. Vậy thì ngoài tôi ra, ai là người ra mặt phản bác, tôi đành phải nói:

“Tôi không tán thành để đồng chí cấp dưỡng ra tuyến làm việc, đảm bảo đời sống anh em cũng quan trọng không kém gì sản xuất...”

Tôi định nói thật dài, đưa ra những lý lẽ thật sắc nhưng chẳng hiểu sao, chắc do cái lưỡi cứng quá làm tôi ấp úng được có thế, bị thằng học giả đốp lại ngay một bài giảng về “tinh thần làm chủ của một người công nhân”, về nhiệm vụ chính trị cao nhất của tất cả những người ngồi đây là phải đi tới cho bằng được đỉnh Hua Ca trước mùa mưa...

Lý lẽ của nó vừa chặt chẽ, vừa sắc bén lại ngầm có ý muốn răn đe ông toán trưởng làm ông chẳng còn cựa được đành phải biểu dương tinh thần của nó, và quyết định ngày mai thằng cấp dữơng cũng phải đi tuyến phát thay cho thằng hộ pháp hiện đang ốm sốt rét dưới bản Mù Cang. Tuy ấm ức vì ông không dám bác bỏ ý kiến của thằng học giả, nhưng trong bụng tôi vẫn cảm ơn ông vì đã không moi móc và điện về Ban chỉ huy vụ thằng hộ pháp bỏ trốn. Họp xong, thằng cấp dưỡng đi lại chỗ tôi, mặt hầm hầm:

“Cứ cái đà này mai kia nó bắt mình đốt đuốc làm cả đêm cũng nên. Ông toán trưởng bị nó xỏ mũi rồi, còn mày thì ấp a ấp úng như cái thằng bị ong đốt lưỡi. Rõ chán”.

“Chịu thôi, về cái khoản lý sự thì tao thua nó rồi”.

Thằng cấp dưỡng thở dài:

“Cứ khinh nó là thằng trí thức rởm nữa đi. Bụng nó chứa cả đống sách thế thì đến ông toán trưởng cũng chịu chẳng cãi nổi ba cái mớ lý luận của nó. Cứ cái đà này không khéo mai kia nó vượt cả ông toán trưởng là cái chắc”.

Sáng hôm sau, trời còn tối, bên tai tôi bỗng choáng lên vì tiếng còi từ lâu rồi ông toán trưởng chẳng buồn thổi và tiếng thằng học giả choe choé giục mọi người dậy tập thể dục. Tôi đành nhảy khỏi võng, giơ chân giơ tay theo nó và bỗng nghĩ tới lời nó nói ngày trứớc về mỗi sáng dậy tập thể dục nhìn dãy núi xung quanh nom giống như bức tường trại giam. Bây giờ, nó còn cảm giác đó không, nếu có, chắc hẳn nó phải dấu biến và tìm mọi cách vượt ra ngoài bằng mọi thủ đoạn. Cái nguy cơ xuất hiện một thằng đê tiện, liệu ông toán trưởng có nhận ra không mà vẫn trao cái còi cho nó? Chúng tôi lặng lẽ ăn bữa cơm do thằng học giả chẳng hiểu đã dậy từ lúc nào, nấu nướng quấy quá cốt xong việc.

Hôm nay tất cả sẽ đi làm hết nên ông toán trưởng phải cất thật kỹ cái máy VTĐ vào tận trong góc hang, thế còn thằng cấp dưỡng, nó đã tìm ra chỗ giấu cái gia tài của nó chưa?

Lại một tiếng còi nữa từ miệng thằng học giả báo hiệu giờ đi làm. Nó mặc quần áo phòng hộ, đầu đội mũ cối, chân đi giày ghệt, ngang lưng thắt bao dao, vai khoác thước đo đường hùng dũng đi đầu nom thật khác hẳn cái vẻ “gà rù” thất thểu ngày trước. Bỗng nhiên tôi nảy ra ý nghĩ bữa đó thà nó tự bắn một phát vào đầu còn hơn là nhắm vào con gõ kiến đang bổ cồng cộc những “tiếng gõ cửa” của định mệnh”. Đúng đấy, nó đã bắn vào “định mệnh”, cưỡng lại cái ông toán trưởng vẫn gọi là quy luật chi phối con người, tự biến thành một thằng lố lăng, nhắng nhít đến như thế kia, thà chết đi còn hơn. Bây giờ, suốt ngày nó hùng hục leo trèo, đo thước, phát cây cắm vè, cậy mồm cũng chẳng ra một câu lảm nhảm như trước, ngược lại, lúc nghỉ trưa, nó thường xán lại ông toán trưởng xem bản đồ, cộng giúp ông sổ đo tuyến, phàn nàn tôi và thằng cấp dưỡng phát cây không sạch, làm cầm chừng giữ sức làm nó phải để mắt thúc giục không thì chẳng biết tới cái thủa nào cả toán mới tới được đỉnh Hua Ca như Ban chỉ huy đã hạ quyết tâm.

Những lúc đó, tôi bỏ ngoài tai những lời ỏn thót của nó, cứ nằm ngửa ra ngắm nhìn những đỉnh núi xa xa chìm khuất trong làn mây trắng. Chúng tôi sẽ phải lần mò đi tới đó, tới một đỉnh núi nào đó trong những đỉnh núi kia mà nguời ta gọi là Hua Ca. Tôi không nghĩ mình đang hoài phí sức lực cho một công trình hão huyền, tôi cũng chẳng tin lời ông toán trưởng rằng chúng tôi đang góp phần khai sinh một con đường huyết mạch, sự phán xét sau cùng còn lâu mới tới, tôi chỉ làm công việc hàng ngày là leo trèo, phát cây giống như người thợ vào nhà máy, ngời nông dân đi ra ruộng.

Rồi tôi cũng phải làm một cái gì cho riêng tôi chứ? Tôi bỗng nhớ đến cô nàng nhỏ nhắn mà nếu như không có cái khăn tay cô tặng tôi vẫn để túi ngực thì hẳn tôi sẽ tưởng cô chỉ là một giấc mơ. Quả thực nhiều đêm tôi nằm mơ thấy nàng đang nhịp nhàng uốn lượn tấm thân thanh mảnh theo tiếng chiêng xoè làm tôi như được nâng lên từ một vùng đất cằn, đầy cỏ lác. Tôi ứa nước mắt, kính cẩn nhìn cô, tôi muốn sống khác như tôi đang sống, tôi muốn làm một cái gì đó để dâng tặng nàng, không phải cái sự nghiệp theo kiểu thằng học giả tặng cô búp bê, cũng không phải con dao có hình đôi chim thằng hộ pháp tặng người yêu của nó, không, tôi muốn dâng tặng nàng một cái gì đó, hoàn toàn khác mà tôi không sao nghĩ ra, chỉ thấy rạo rực trong lòng và khi thức dậy tôi chỉ muốn nhảy lên đỉnh núi, hét lên thật to cho vang vọng khắp đất trời. Thế rồi từ đó ý nghĩ dâng tặng nàng một cái gì đó cứ bám chặt lấy tôi, nhất vào lúc mệt nhọc được nghỉ ngơi như lúc này, nó càng trở nên rõ rệt ở trong đầu. Giá như có thằng hộ pháp ở đây, nhất định tôi sẽ hỏi nó và dẫu chưa chắc nó cho tôi được câu trả lời nghiêm chỉnh nhưng ít nhất nó làm vợi bớt được nỗi day dứt bồn chồn. Không hiểu lúc này nó đang ở đâu, đã gặp được nguời nó khao khát chưa hay vẫn lẩn lút quanh vùng đó?

Cái việc nó đánh rơi con đao dọc đường làm tôi nhẹ nhõm cả người, xóa đi được ám ảnh về khả năng rất xấu có thể tới với nó. Nhưng tôi vẫn không hình dung nổi bằng cách nào nó rủ rê được người đàn bà có chồng bỏ trốn lên miền hoang dã kia và rồi ở nơi con người đã bỏ đi đó liệu nó có thể xây dựng được thiên đàng cho hai người như nó tưởng tuợng? Có lẽ ngoài tôi ra, ở đây chẳng còn ai nhớ tới nó, thằng cấp dưỡng lo cất dấu túi tiền, thằng học giả dốc sức “phấn đấu” lọt được vào mắt xanh ông toán trưởng, còn chính ông toán trưởng ngày càng chìm sâu vào những ý nghĩ của riêng ông. Nhưng vào một tối đã khuya, khi mọi người ngủ cả, tôi đang ngồi bên đống lửa, ông nhẹ nhàng đi tới ngồi bên tôi và cứ ngập ngừng như định nói điều gì làm tôi tưởng ông lại nhắc tới cái việc ông muốn cất nhắc tôi kế cận, thay thế ông lúc cần thiết. Nhưng không, sau khi vứt mẩu thuốc ngắn ngủn vào đống lửa, bỗng dưng ông nói bâng quơ:

“Nghe như từ bản Mù Cang có xe ngựa chạy mất một ngày về tới thị trấn.”

“Vâng”.

“Rồi từ thị trấn lại có Ô tô về xuôi.”

“Vâng”

“Vậy từ đây xuống đó dễ cũng mất cả tuần.”

Tôi chẳng hiểu ông định dẫn câu chuyện đi đâu, nên cứ “vâng” tràn. Hay ông tính đường về với bà vợ quê xa, chẳng có lẽ, trời sụp ông cũng chẳng dám bỏ nhiệm vụ. ông đốt điếu thuốc nữa rồi ngập ngừng:

“Thuận xe thuận tàu, bây giờ thằng hộ pháp đã ở nhà.”

Tôi im thít không dám lên tiếng, sợ ông lân la để tôi thò ra cái chuyện che dấu cho nó. Nhưng hình như ông không có ý đó ông chỉ than phiền vắng nó hóa ra cả toán im ắng hẳn đi, mọi tối mọi người còn cười nói quây quần bên đống lửa, bây giờ đi làm về, anh nào cũng thui thủi nhăm nhăm leo lên võng ngủ. Sau cùng, ông buông một tiếng thở dài:

“Cái thằng lạ thế, làm gì cũng cứ tâm ngẩm, chẳng hé răng ra với ai. Không biết liệu rồi nó có quay về đây nữa không?”

“Có chứ, nhất định nó sẽ phải quay về chứ.”

Tôi thốt lên một câu chắc nịch, cốt an ủi ông đang rầu rĩ trong một nỗi buồn từ trước tới nay tôi chưa hề nhận thấy ở ông, nỗi buồn của người cha thương đứa con lận đận nơi chân trời xa...

Hai mươi bốn.

Đúng một giờ chiều một ngày nắng gắt thằng hộ pháp đặt chân xuống bến xe huyện, ngơ ngác nhìn khắp bốn xung quanh. Sau này khi gặp lại nó, nó kể với tôi rằng cái lúc đó nó vừa mừng rỡ vừa thấp thỏm lo âu, vậy mà vẫn không nín được cười khi nhận ra cái chỗ năm ngoái nó khoác nylông cùng với con vợ thằng xã đội đứng giữa trời mưa. Lần này tuy không được gặp ngay cô ta, nhưng phải chăng ánh nắng chan hòa trên khắp bến xe kia báo hiệu điềm may cho nó? Kể từ cái đêm dứt khỏi vòng tay cô vợ anh chàng chủ nhà, lén mở sắc cốt ăn cắp tiền trong lúc thằng liên lạc và mọi người vẫn ngủ say như chết, nó cứ lùi lũi khoác ba lô chống gậy bước đi chẳng kể gì mỏi mệt.

Nó tới được bản Mù Cang còn kịp nhảy lên chuyến xe ngựa cuối cùng trong ngày, bụng vẫn nơm nớp chỉ sợ thằng liên lạc đuổi theo. Đặt chân xuống bến xe ngựa thị trấn nó càng lo hơn, trống ngực đập thình thình mỗi khi có người công an đi ngang qua, và trong suốt mấy ngày chầu chực chực lấy vé xe ô tô, nó nằm bẹp ở nhà trọ. Nhưng rồi có lẽ số phận đã mỉm cười với nó, chẳng thấy mặt mũi thằng liên lạc đâu, chẳng thấy lệnh truy nã nào mà nó vẫn đinh mình sẽ dán khắp mọi nơi, một khi thằng đó mất tiền ắt phải đi trình công an. Tuy nhiên thần may mắn thường chẳng cười được lâu chớ nên quá tin vào lão, nó nghĩ tương tự thế rồi chuồn vội khỏi bến ô tô. Con đường đất đỏ lượn qua những thửa ruộng xanh bát ngát, chân trời lùi tít phía xa nơi ánh chiều tà đang hắt lên những tia vàng rực. Cái phong cảnh đang diễn ra trước mắt thật khác xa nơi núi cao rừng thẳm làm thằng hộ pháp hớn hở trong lòng. Nó cúi xuống xoa xoa tay lên mặt đường thân thuộc từ ngày bé vẫn tung tăng cắp sách đi lên trường huyện. Gia đình tan tác từ ngày bố chết trong chiến trường miền Nam, mẹ bỏ lên thành phố lấy chồng, còn lại một người anh cũng lấy vợ nốt, vừa lớn lên thằng hộ pháp đã bơ vơ giữa xóm làng đang vào kỳ nháo nhác trong những phép thử của đủ mọi cung cách làm ăn mà các ông trên tỉnh huyện có thể nghĩ ra được để đẩy mạnh phong trào hợp tác hóa, khiến hàng loạt nhà ngói mới của các ông cán bộ mọc lên mỗi ngày một nhiều giữa cảnh làng thôn ngày càng xơ xác.

Cây đa đầu làng vẫn lực lưỡng giương ra những đường nét cổ xưa nhưng quán nước chè xanh bà cụ Bính chẳng còn thấy đâu nữa, cụ đã chết hoặc đã được sắp xếp vào tổ mây tre nào đó làm nó cứ bâng khuâng ngồi dưới gốc cây, miệng khát khô mà tưởng nhớ tới bát nước chè xanh sóng sánh ngày trước. Một con trâu đủng đỉnh dạo quanh trên đó nghễu nghện một thằng bé lạ mặt giương cặp mắt gỉ ngoèn nhìn nó. Thôi chớ nên hỏi han, ngộ nhỡ đã có lệnh về xã, chường mặt ra là toi đời, nó đành nín lặng nhìn theo cái đuôi trâu ve vẩy xua đám ruồi bu đầy đít. Mẹ kiếp, trở về làng cũ mà lén lút như thằng ăn trộm, mà đúng trộm thật chứ còn gì, trộm hẳn một cô vợ ông xã đội chứ bỡn đâu, nó nghĩ vậy, tiêu tan hết bực bội, lục ba lô lấy cái bánh chưng mua ở chợ huyện ra ăn.

Một năm trước đây cô nàng cũng mua thứ bánh này, chạy theo xe dúi vào tay nó bây giờ cả hai chẳng còn ngàn trùng xa cách nữa, nỗi hy vọng gặp lại quặn lên cổ làm nó nghẹn họng không sao nuốt được. Bực mình nhất là lần này nó cũng chỉ mang được cái thân xác về, chẳng quà cáp gì, có được con dao nhôm mất bao công đẽo gọt lại để rơi dọc đường món tiền còn lại cũng chỉ đủ lộ phí đưa cô nàng lên bản Mù U. Thôi đành, mai kia được yên ổn sống với nhau, nó sẽ đền bù cô nàng thật bõ lúc truân chuyên. Nó sẽ chặt gỗ về sửa sang ngôi nhà thật kiên cố, đóng một cái giường tây có đôi rồng chầu thật đẹp, sáng ra đánh cho vợ mấy quả trứng gà pha mật ong, buổi trưa ăn qua loa cơm canh rau cải nấu thịt lợn, bữa chiều làm nương về hai vợ chồng mới cùng nhau nấu nướng những món thật khoái khẩu xương hầm bí ngô, gà tẩm bột rán, vịt luộc chấm mắm tỏi... toàn những thứ trong tầm tay cả thôi, lâu lâu đổi món, nó sẽ ra rừng đặt bẫy con nhím, con chồn hoặc xuống suối bắt con cá, con kỳ đà cho lạ miệng. Hai vợ chồng chủ nhà bữa trước đấy chân tay vụng về thế mà cũng có được cơ người như vậy huống hồ khỏe mạnh lại khéo tay khéo chân như nó.

Thằng hộ pháp bỗng dưng cười tủm khi nhớ tới cô vợ thằng chủ nhà, gớm cái con mẹ ấy chẳng khác gì ngọn núi lửa, lạ một điều, hai đứa có hai cái thân hình sao giống nhau đến thế, chỉ khác mỗi chuyện là trong lúc yêu nhau cô vợ chàng chủ nhà cứ im thin thít, trước sau chả nói câu nào. Chuyện này tất nhiên phải giữ thật kín, con vợ thằng xã đội mà biết thì chao ôi, thằng hộ pháp sởn gai ốc đưa mắt nhìn quanh, không, chuyện đó chả là cái gì, nhoáng cái qua đường thôi mà, xong rồi ai lại về đó, thằng chồng kia chẳng mất gì, cô nàng xã đội đâu có biết. Quả thực nếu cô kia không gợi nó nhớ tới người yêu và cũng đừng có đong đưa đôi con mắt thế, hẳn thằng hộ pháp cũng chỉ ngắm suông.

Thôi, quên phứt chuyện đó, đánh một giấc chờ cho thật tối mò vào làng, thằng hộ pháp định bụng vậy nhưng ruột gan cứ như bị cào phần lo chạm trán ông xã đội, phần nghĩ cách sao nhắn nhe được cô nàng. Hơn một năm rồi, chẳng hiểu ngọn roi của thằng chồng quất lên người cô bao nhiêu trận nữa. Thằng hộ pháp nghĩ đến đó mắt trợn lên căm uất cứ như chính nó bị roi vậy. Tiếng cười khúc khích của đôi trai gái ôm nhau trên chiếc xe đạp loằng ngoằng đi qua làm nó vội nép vào gốc cây, ước gì nó không phải lần mò lén lút thế này và cùng người yêu được công khai dắt tay nhau đi giữa mọi người như đôi trai gái kia. “Trốn đi anh ơi, anh mang em trốn đi, đi đâu cũng được, cực khổ mấy em cũng chịu được, còn hơn sống thế này...” Giọng hoảng hốt của cô nàng lại như vang lên trong lòng làm nó trừng mắt lên nhìn đốm sáng tít nơi chân trời xa, chắc ở trạm bơm nào đó. “Ừ thì anh sắp đem em đi biệt khỏi cái làng này đây, đi thật xa, đi tới tận miền hoang dã để không còn ai dòm ngó, quấy rầy tình yêu của mình nữa.”

Mãi tối mịt thằng hộ pháp mới dám rời cây đa, mò mẫm vào làng. Đường ngang ngõ tắt nó đã thuộc như lòng bàn tay nên chẳng mấy chốc đã tìm được bụi cây ngay dưới cửa sổ buồng vợ chồng ông xã đội. Nó cứ ngồi thu lu ở đó, căng mắt nhìn ngôi nhà gạch và thấy lạ hẳn đi so với lần năm ngoái. Một bức tường khá cao mới xây chạy vòng cả khu vườn chè thay vào chỗ hàng dậu lưa thưa cũ, một cái bể nước mái vòm mới xuất hiện ngay cạnh chiếc cối xay cổ xưa và nếu như nó không nhìn thấy cây cau cụt chơ vơ góc vườn thì hẳn nó phải ngờ rằng nó đã nhầm nhà. Trăng đã lên soi rõ mồn một những tàu lá chuối, những bụi trầu lá xum xuê và một con chó cao lớn lừng lững bước đi trên sân.

Tiếng hát cải lương từ máy thu thanh trong nhà, tiếng lách cách bát đĩa, và tiếng cười nói của đám đàn ông chắc đang bữa rượu, trong mớ âm thanh hỗn độn đó, thằng hộ pháp cố giỏng tai tìm tiếng người yêu mà tuyệt nhiên không thấy.

Quái lạ thật không hiểu cô ta có trong đó hay đã đi đâu, trời ơi, giờ chỉ cần cô cất tiếng ho thôi lập tức nó sẽ nhận ra ngay, để nó yên tâm cô còn sống trên đời này, vơi bớt bồn chồn vò xé ruột gan. Vậy như trêu gan nó, từ trong nhà lại vẳng ra một tràng cười đàn ông nhựa nhựa hơi men mà nó cố chú ý cũng không nhận ra có phải của chồng cô ta hay không? Trăng lên cao làm chỗ nấp lồ lộ dưới ánh sáng lạnh lẽo, nó vội vàng bò sang lùm cây khác, đánh lưỡi gọi: “tắc kè... tắc kè...” Tiếng kẹt cửa làm tim nó nảy lên, chắc cô đã nghe thấy mật hiệu và đang đi ra. Nó hồi hộp đến đắng cả miệng, chỉ lát nữa thôi nó sẽ được ghì chặt người đàn bà với biết bao thưong nhớ và rồi nếu trời phật giun giủi, biết đâu nó chẳng đưa được cô trốn đi ngay trong đêm nay.

Nhưng rồi tiếng nước chảy xòe xòe bên gốc cây rơm làm nó cụt hứng, người đàn ông vén quần, đứng một lát rồi quay trở vào sập mạnh cánh cửa. Nó đã nhận ra ai rồi, mặc dầu không xách khẩu súng như cái lần rượt nó, nhưng người đó hiển nhiên vẫn là lão xã đội. Nó thầm văng một câu chửi rất tục khi niềm hứng khởi bị dội gáo nước lạnh đến tê tái người. Thôi được mày cứ cười, cứ đái cho thỏa thích đi, hỡi cái thằng vũ phu kia, rồi mày sẽ trắng mắt để biết được thế nào là sức mạnh của lòng người. Thằng hộ pháp lại tắc lưỡi đánh mật hiệu. “Tắc kè... tắc... kè...” Nó cứ gọi mãi, gọi mãi, chẳng thấy tiếng kẹt cửa đâu chỉ nghe vẳng ra vẫn tiếng hát cải lương và tiếng cười nói đàn ông. Thế rồi con chó đang đi lững thững bỗng xồ tới bụi cây chỗ thằng hộ pháp đang nấp sủa ầm ĩ. Thôi chết, lộ rồi, không chuồn nhanh lão xã đội xách xúng ra “đòm” cho một phát thì xong đời nó khoác vội ba lô lên vai lùi dần ra ngoài ngõ và chạy khỏi tiếng chó nhanh nhách sau lưng.

Mặt trăng đã khuất sau rặng tre, trời tối hẳn, thằng hộ pháp một mình một bóng mò mẫm theo con đường làng mấp mô những lỗ chân trâu, những con đom đóm lập lòe đuổi nhau trên mặt ao đen sẫm, tiếng dế cric cric trong bụi cỏ chao ôi những sắc màu và thanh âm của đêm quê hương bây giờ sao xa lạ và đầy đe dọa. Vĩnh viễn qua rồi những đêm trăng nó náo nức cùng bọn trẻ làng đốt đuốc đi câu ếch, hoặc rủ nhau lũ lượt kéo nhau lên pho huyện xem văn công, hoặc mò mẫm mót lúa vào những đêm ngày mùa. Nó cay đắng nhận ra rằng phận số nghiệt ngã đã biến thằng bé sinh ra và lớn lên trên mảnh đất này trở thành một kẻ trở về lén lút, mưu toan và sợ hãi đến cả tiếng chó sủa trăng.

Lòng dạ rối bời, thằng hộ pháp cứ thất thểu đi trên con đường làng quen thuộc mãi khi trăng xế hẳn sau rặng cau nhà ông anh cuối làng, nó mới tới cửa nhà và gõ bồm bộp lên cánh liếp. Đến khi nó vứt phịch chiếc ba lô lên phản gỗ người anh gày còm mới nhận ra đứa em trai cao lớn lưu lạc đã gây bao phiền toái cho gia đình kể từ ngày nó quyến rũ rủ rê cô vợ trẻ xinh đẹp của ông xã đội. Trách móc, mắng mỏ, hờn giận nhưng mà thương nhớ, người anh sờ nắn xương thịt thằng em, nước mắt rưng rưng. Thằng hộ pháp vùng ra khỏi sự ôm ấp ruột thịt để mà ngớ người trước cái thiếu đói đã bày rành rành trên vẻ hom hem, hốc hác của vợ chồng anh chị, đôi mắt lờ đờ, bụng ỏng da xanh mét của thằng cháu co ro trong tấm chăn vá thằng đụp. Làng mình bây giờ khổ lắm em ơi, hết lũ lụt lại sâu rày, đầu đổ xuống, đít chổng lên, quanh năm một sương hai nắng cũng chẳng đủ nuôi ba cái lỗ miệng nói gì đến sửa sang cửa nhà, đồng quà tấm bánh cho trẻ nhỏ. Thằng hộ pháp móc ba lô chiếc bánh chưng cuối cùng dúi vào tay đứa cháu:

“Tôi về lần này cốt đón nó lên rừng sống với nhau. Nhà cửa yên ổn rồi tôi lại về đón anh chị và cháu cùng lên đó. Phải bỏ làng mà đi thôi, không sống nổi ở cái đất này đâu.”

Người chị dâu ôm đứa con vào lòng giọng ngần ngại:

“Ở trên đó cũng chưa biết thung thổ ra sao. Nghe nói nhiều người lên khai hoang rồi cũng phải bỏ về, ma thiêng nước độc chịu không nổi.”

Người anh bưng lên niêu cơm nấu gạo hẩm với bát nước cáy đặt giữa phản: _ “Em đi ăn bát cơm đã, rõ khổ, nhà chẳng còn gì, đến gà cũng chả dám nuôi, chẳng lẽ lấy sỏi cho nó ăn”.

Người chị dâu nhìn vẻ mặt lầm lì của đứa em hiểu ngay tâm sự của nó, cất giọng an ủi:

“Chú cứ ăn cơm đi rồi tôi khắc kể chuyện cô ta cho mà nghe. Chú đi được ít lâu, cô ta cũng bỏ về nhà mẹ đẻ ở làng bên. Rồi chả hiểu ông xã đội gây sức ép thế nào, gia đình phải áp giải cô ta trả về nhà chồng. Bây giờ mấy ông đó quyền thế ghê gớm lắm, chả ai dám hó hé nửa lời, nhất là gia đình nào có con trai ngấp nghé đến tuổi đi nghĩa vụ quân sự. Ấy cái bà cụ Bính bán nước chè đầu làng đấy còn mỗi đứa cháu trai hầu hạ tuổi già, không có tiền đút lót, cứ xin xỏ bằng nước bọt mãi chả được, lão xã đội cứ khăng khăng bắt đi đợt năm ngoái đấy. Bà cụ buồn phiền nghĩ ngợi quá ốm mà chết, mới chôn hồi tháng trước...”

Thằng hộ pháp sốt ruột cắt ngang:

“Rồi cô ta sống ra sao?”

“Cũng phải ép mình mà sống chứ sao. Được cái lão ta không đòn vọt, trắng trợn như trước nữa. Thỉnh thoảng tôi đi chợ gặp cô ta nom mặt lúc nào cũng buồn buồn”.

“Chị có cách nào giúp cô ấy đi trốn với tôi không?”

“Khó lắm, khó lắm. Vả lại..biết bụng dạ người ta bây giờ ra sao?”

Thằng hộ pháp nói chắc như đanh đóng cột:

“Cái đó tôi biết, bởi vậy tôi mới cất công về đây, chỉ cần chị tìm mọi cách báo được cho cô ấy biết tôi đã về và tối mai đợi tôi ở chỗ hẹn mọi khi.”

Hôm sau, khi người chị dâu bế đứa bé và cắp cái rổ ra đi, thằng hộ pháp lôi cuốc ra vườn huỳnh huỵch bổ xuống đám cỏ dại. Nó làm việc như điên để quên đi cái nỗi hồi hộp, đợi chờ đang thiêu đốt ruột gan nó.