Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Gà ô chân chì

Người Buôn Gió

dsc04742Anh Hưng con nhà ông Bê ở ngõ nhà mình làm nghề chụp ảnh ở bờ Hồ. Dạo đó máy ảnh hiếm, chụp tráng phim, anh làm cũng khá tiền. Anh Hưng vui tính, mồm miệng hoạt bát, rất tếu táo. Lúc nào anh ngồi ở đâu là chỗ đó ầm ĩ tiếng anh, tuy rằng vóc dáng anh rất còi.

Ông Bê làm nghề sửa giày, đồn rằng ông là cao thủ đánh Chắn, ông đọc vanh vách cây bài nào đang ở trong nọc đến mức người ta thì thầm là ông chôn cây dưới nọc.

Anh Hưng không giỏi đánh chắn, anh đam mê chơi gà chọi.

Khi mình viết những dòng này, anh Hưng đã khuất phố phường vĩnh viễn, trước khi mất thì anh cũng lên chức ông từ chục năm rồi.

Câu chuyện này là cách đây 30 năm. Hồi đó mình mới mười mấy tuổi, ham xem đánh gà lắm, ngày nào cũng phải chầu hẫu chuồng gà nhà anh Hưng ngắm. Thích nhất là nghe anh ba hoa về gà.

Một lần anh về quê, mang ra một con gà ô chân chì. Con gà ô lông xỉn không bóng, đuôi như gà mái, chẳng phải loại gà đuôi tôm cong vút dũng mãnh. Cặp chân của nó đã màu chì thì chớ, lại bị hủi trắng, vảy chân dày cộp như sắp bong ra. Một con gà xấu mã đủ đường. Mình hỏi anh mua làm gì, anh bảo mua về làm gà phu.

Gà phu là gà để gà khác tập luyện, như dạng võ sĩ quyền anh phải có bạn tập cùng. Gà phu để chạy hơi, chạy lồng với gà chiến. Thỉnh thoảng lại bị buộc mỏ để gà chiến đánh vài phút lấy gân.

Ở Lò Sũ có con gà tía mơ chân vàng rất đẹp, đợt đó cánh gà chọi quanh đó hay tụ tập ở quán nước trà của mẹ mình. Câu ra, câu vào kích bác nhau là thành cuộc chọi gà. Chủ gà tía mơ chân vàng thách gà tía chân xanh chiến kê của anh Hưng đá. Nhưng con tía chân xanh lại đang bị xưng cục bàn. Anh Hưng khoác lác.

- Loại gà này chỉ đá với gà phu của tôi thôi.

Bên kia tức khí, bảo đánh thì cược tiền, anh Hưng bĩu môi.

- Gì chứ, tiền thằng này để trong tủ, mở ra là phải đứng né một bên, không tiền chả may nó đổ ra đè chết người.

Thế là cộp tiền, hai bên mang gà lên bờ đê sông Hồng chiến.

Con tía mơ chân vàng nổi tiếng về đánh mau, một lần nhấc chân nó có thể đánh tới hai ba cái đòn. Đã thế nó chí mỏ là đá được ngay. Nó ăn hai trận, chả trận nào quá bốn hồ. Trước khi thả gà, mọi người đều đặt cược về phe gà tía mơ. Bên gà ô chân chì đúng ông chủ của nó là anh Hưng cược lại với mọi người. Mình để ý hầu như anh Hưng mang gà ra đánh, toàn một mình một chiến tuyến.

Mình làm chân phục vụ chạy nước cho anh Hưng chữa gà. Mỗi hiệp đấu 15 phút, người ta cho gà nghỉ, xoa bóp, uống nước, ăn cơm, cà chua. Vì thời gian ngắn thế, nên việc phục vụ gà rất khẩn trương. Người chạy nước như một y tá mổ, người chữa gà hô kim chỉ là phải có kim chỉ xâu sẵn đưa ra, kêu nước sôi, cơm, khăn... gì đó là có ngay lập tức.

Hai gà thả vào đá giao nhau, gà tía mơ nhảy cao, chân tanh tách. Người ta chấp tám luôn. Lúc sau hết giao vào díu, gà tía mơ chồng trên hai mang đánh vùi dập gà ô chân chì trong tầm 4 phút. Người ta theo gà tía chấp ô xuống 6.

Lúc sau gà ô đánh mấy cái nhìn thấy nhẹ hều vào người gà tía. Hai con bắt đầu quần nhau, từ lúc này trở đi thấy con gà tía đánh thưa dần rồi chậm hẳn. Đến mấy hồ đấu sau thế trận thành bỉ bo, nhìn nhàm chán. Mỗi con đá đi đá lại vài cái rồi quần nhau, rồi lại đứng thở. Qua bốn hồ mà gà ô chân chì vẫn ngang cơ khiến bên gà tía mơ ngạc nhiên hoài nghi. Họ cho rằng con gà tía mơ có khi bị mất gân.

Mất gân là trường hợp chả may, thỉnh thoảng có gà đang đá tự nhiên hẫng hụt như mất hồn, lờ vờ không hăng hái chiến đấu mau lẹ như ngày thường.

Đến hồ thứ 9 thì tía mơ có vẻ không muốn đá nữa, nó đã nhìn ra ngoài. Nhìn tổng thế trận suốt 9 hồ chỉ có hồ đầu gà tía mơ đánh như vũ bão, sau đó thì tự nhiên hai con bằng đòn nhau, rồi cứ mỗi hồ gà tía mơ xuống sắc, tuy nhìn thì gà ô chân chì đánh nó không đau lắm. Cuối hồ 9 tía mơ dợm chân bước ra cót. Bên chủ tía mơ bưng gà lên xin thua.

Ai cũng nói gà anh Hưng gặp may, chứ nhìn phò thế, lẽ ra phải chạy kêu quang quác trong 3 hồ rồi. Anh Hưng chỉ cười hềnh hệch ngửa tay lấy tiền miệng nói.

- Đấy, các cụ bảo cờ bạc ăn nhau về sáng mà.

Con gà anh Hưng về cũng chả đau lắm, lẽ ra nó phải được nghỉ một tháng, sau đó vần hơi kiểm tra sức khoẻ, vần đòn kiểm tra chân đánh. Nhưng chỉ 20 ngày sau nó đã phải ra trận vì chủ của nó vốn là một kẻ bốc đồng, hay nói thánh tướng. Vảy đòn trận trước bong ra để lại vết sẹo trắng chưa lành. Ô chân chì lại phải đối đầu với một con bịp chân trắng.

Con bịp chân trắng đẹp như tranh, bịp mã mái lông mượt bóng, mắt trắng, mỏ trắng, móng trắng. Hai hàng vẩy đan nhau mỏng tang, rõ nét, hậu độ nổi tròn thẳng tắp đều như hạt cườm. Người ta nói nó có những đòn bất ngờ khiến gà khác vùng lên kêu quang quác, hoảng loạn thần kinh, hoặc mất mắt, mất mỏ. Bip chân trắng ăn bốn trận, trận nào nó cũng có những đòn độc địa như thế.

Hai bên thả gà, lại chấp tám, rồi chấp sáu, lại mỗi mình anh Hưng một cửa. Sang đến hồ thứ hai trở đi trận đấu lại thành chậm rãi, bỉ bo như mấy ông thợ xẻ. Cứ đều đều tà tà đưa đẩy lưỡi cưa. Mỗi con đánh một vài đòn rồi lại quấn, lại thở. Bên gà bịp chân trắng hồ nào cũng gào hét trông đợi đòn '' cáo '' khiến con ô ngu ngơ kia kêu quang quác. Nhưng cứ kẽo kẹt hồ này sang hồ khác chả thấy đòn đấy đâu. Gà bịp thở dốc, chân đánh đàn run lẩy bẩy. Đến hồ tám có lúc mỏi quá nằm bệt dưới đất. Nước da bip xám ngoét không đỏ au nữa. Còn con gà ô khi sắc nó vẫn nhợt nhạt như lúc đầu. Bên gà bịp lại trách nhau là nuôi nấng thế nào để gà bị ốm trong, gặp con gà '' phở '' mà không ăn được. Hồ thứ mười thì gà bịp mỏi quá xoã cánh chạm đất trước, sau đó từ từ nằm uỵnh xuống, mặc kệ con gà ô nó bới lông gà bịp như bới đất tìm thức ăn. Chốc bịp nhô đầu lên, gà ô lại mổ cho vài cái hoặc đá một cái.

Sang hồ 11 chạy chữa xong, mang vào sới, gà bịp nằm ệch luôn. Chủ gà bịp chán quá xin thua.

Mọi người ai cũng bực tức, nói con gà ô mã xấu, đánh thì chả có đòn nào ra hồn, cứ toàn gặp may lúc gà khác nó bị mất gân, ốm trong. Rồi lằng nhằng từ hồ này sang hồ khác, ăn được đoạn gà khác mất sức.

Anh Hưng vẫn cười hềnh hệch ngửa tay lấy tiền cược.

Từ đó anh đi hạ nhục đối thủ là chỉ cần gà phu của anh ấy cũng làm cho gà chiến người khác thất bại. Anh tả lại thì oanh liệt lắm, người ta nghe như hai con gà đấu nhau long trời lở đất, cuối cùng gà anh ấy dũng mãnh, tài hoa  hơn đã khiến chủ gà khác sợ mà phải bê gà xin thua, trước khi gà chạy kêu như gà mái bị ngỗng sư tử hiếp. Anh tả trận thứ nhất gà anh đánh một đòn, con gà tía mơ rung phao câu, rụng luôn hai hòn dái, nằm quay lơ. Chủ gà tía mơ mang về đến nhà thì gà chết, mổ ra làm thịt thấy hai hòn dái bên trong (ngọc kê ) đã bị rời ra từ lúc nào. Trận thứ hai anh tả gà ô của anh đánh con bịp chân trắng một đòn kêu to như gõ trống vào mu lưng, đúng chỗ phổi. Ngay lập tức phổi tụ máu đông đặc, gà bịp sau trận về chết, mổ ra y như rằng phổi tụ máu đông lại như bát tiết canh.

Mình thì biết hai con gà tía mơ và bịp sau trận về nó chả sao, thậm chí trận sau này con bịp nó còn thắng phủ đầu gà khác bởi những đòn đặc trưng hiểm hóc của nó.

Con gà ô lại đấu tiếp trận thứ ba, nó vẫn thế, lông xỉn xơ xác, da dẻ nhợt nhạt, chân hủi. Mặt mũi buồn rười rượi khi thấy đối thủ. Lần này nó gặp con gà ô chân vàng khét tiếng. Gà ô mới đánh hai trận ăn cả hai. Trận thứ nhất nó đánh đòn mé rút gáy làm đối thủ xoè cánh giẫy đành đạch chết luôn tại hồ ba. Trận thứ hai nó buông đòn dọc gà đối thủ gãy cổ, mất kiểm soát chạy loăng quoăng  đầu cứ vung vẩy như trẻ con cầm cái  đoạn lốp cao su vẫy giả làm mình rắn, thần kinh tức thì ở hồ thứ tư. Anh Hưng cũng sợ tiếng gà ô chân vàng, nhưng trót nói phét, lại bị người ta muốn sửa cho anh ấy bài học về tôi ba hoa, nên họ hùa nhau khích bác.

- Tiền đè chết người mà phải sợ à?

- Gà đánh rụng dái, vỡ phổi gà khác mà sợ à?

- À, gà nó không sợ, nhưng chủ gà dái bé nên sợ, có khi hòn dái chủ gà bé hơn dái gà.

- Nói phét gặp thời, ai đánh thuế thằng nói phét, ăn may hai trận thôi.

- Trận này mà đá xong, thì úp mo vào mặt, bảo đảm thay lông ba vụ.

Anh Hưng nghe điên lên, thế là giao hẹn ngày đá, cộp tiền trước. Không đá là mất tiền.

Không ầm ĩ, gào hét hùng hổ như những người bên ngoài. Hai con gà chỉ được hiệp đầu, các hiệp sau lại chậm rãi, quần nhau, đòn đi, đòn lại mươi cái trong một hồ. Cũng chả thấy đòn gẫy cổ của gà ô chân vàng. Đến hồ mười thả vào là gà ô chân vàng đi ra khỏi sới, nó còn khoẻ đến mức nhảy cả qua cót. Bắt nó thả vào nó lại bỏ ra, không hề kêu, không hề có vẻ sợ, kiểu như nó chán chơi. Nó nhảy đến ba lần, anh Hưng bảo theo luật nhảy cót ba lần không đánh là thua. Bên kia kêu là gà mày phải đuổi, nó nhảy cót mới là thua. Gà mày có đuổi đâu. Hai bên ngừng lại bắt gà ra xoa, dỗ dành rồi đẩy sát vai nhau. Gà ô chân chì mổ cái, gà ô chân vàng quay đầu đi ra cót nhảy ra ngoài. Thế là bên ô chân vàng phải nhận thua trong tức tối. Họ bảo chắc đợt trước vần hơi sâu, gà họ mất hơi nên bỏ đá.

Con gà ô chân chì ăn hai trận nữa, những với gà xoàng. Nhưng dù là hai đối thủ sau này xoàng xoàng, gà ô cũng chả đánh đòn nào đẹp mắt hay hiểm độc, cứ loàng xoàng như nhau, gà ô chân chì nhỉnh hơn tí, rồi khuya hồ gà kia chạy.

Thế là nó ăn 5 trận, gà tài danh hay gà phò phạch nó đều chiến thắng. Chả chiến thắng nào thuyết phục, gà khác đỏ khoẻ cứ đá với nó một lúc là xuống sắc như bị bệnh sẵn trong người. Trận đấu cứ lê thê mười hồ đổ ra, gà tài danh hay bún phở đều thua như nhau. Thua trong thế trận mệt mỏi, chán chường.

Con gà ô ốm không cứu nổi, anh Hưng thịt làm món giả cầy, xào lăn với sả ớt. Anh chẳng hề tiếc nuối, có lẽ anh nghĩ nó quá may mắn trong cuộc đời chính chiến. Nhiều con gà chết đi, danh tiếng của nó vẫn nhắc đến với những trận đánh oai hùng, oanh liệt và hấp dẫn. Riêng gà ô chân chì chết trong lãng quên. Những trận nó đánh chả có ấn tượng gì ngoài sự nhàm chán.

Hơn hai mươi năm qua đi, tôi xem nhiều trận bóng đá của các đội đỉnh cao nhiều khi diễn ra trong nhàm chán vì tính chặt chẽ chiến thuật hết hiệp chính, hiệp phụ rồi đá luân lưu, hoặc những trận quyền anh của các võ sĩ từng có thành tích mười mấy trận nốc ao đối thủ, cũng diễn ra bỉ bo hết mười mấy hiệp rồi tính điểm. Cảm giác xem cũng thất vọng vì không có những pha bóng hào hoa, những cú đấm hiểm hóc. 

Ngày nọ tôi gặp một ông cụ già chơi gà chọi, vui miệng kể câu chuyện con gà ô chân chì. Cụ già sững người rồi trầm ngâm nói.

- Đó là một con gà quỷ. Những con gà quỷ nó khiến gà khác hay đến đâu khi gặp nó cũng trở thành tầm thường. Những con gà hay nó chiến thắng đẹp, vì gà khác hay nó đánh hay hơn. Con gà quỷ nó không thế, nó khiến đối thủ trở nên tầm thường hơn nó để nó thắng. Những con gà hay thì dễ thấy. Còn con gà quỷ đã rất hiếm, mà có khi nó xuất hiện người ta cũng không biết, nhìn nó đánh đấy, chiến thắng đấy những vẫn nghĩ nó ăn may. Nói là quỷ, nhưng nó là thần kê đấy cháu ạ. Mắt thường không thấy nổi đâu. Chỉ có linh cảm mới hiểu được nó. Nó mã đã xấu, nhìn không thấy rồi, kể cả được xem nó đánh nữa cũng chả thấy hay gì, nên khó biết là phải.

Tôi về nghĩ mãi, có thể con gà ô chân chì không phải thần kê. Nhưng nó ăn năm trận kiểu như thế thì khó là may mắn, gà hay gà dở nó đều chiến thắng cách như vậy cả. Đó là điều tôi băn khoăn.

Trong cuộc đời mình, làm nhiều nghề khác nhau. Tự dưng tôi nhớ đến những người thợ lặng lẽ, cần cù. Chả thấy họ có gì nổi bật, nhưng phần việc nào họ nhận làm, họ làm cần mẫn, chăm chỉ và hoàn thành. Những việc tưởng khó khăn, trắc trở nhưng vào tay họ, mọi việc cứ trở thành dơn giản. Khiến nhiều khi tôi hoài nghi không phải việc khó khăn gì như mình tưởng, mà chẳng qua mình cảm giác là nó khó khăn thế thôi. Nhất là khi làm xong, thái độ họ dửng dưng, thản nhiên như không phải làm xong một việc khó khăn nữa.

Có lẽ bây giờ tôi phải nghĩ lại nhiều thứ đã chứng kiến, lúc tóc tôi đã rụng và bạc nhiều.

Nguồn: http://nguoibuongio1972.blogspot.com/2014/11/ga-o-chan-chi.html