Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 17 tháng 12, 2014

Diễn từ nhận giải Nobel của Patrick Modiano đọc ngày chủ nhật 7 tháng Chạp 2014 tại Stockholm, Thụy Điển

(Các tiêu đề nhỏ trong bài là của Ban biên tập báo Le Monde)

Nguyên Ngọc dịch

Tôi muốn được thưa cùng quý vị một cách giản dị rằng tôi thật hạnh phúc được có mặt hôm nay tại đây cùng quý vị và tôi rất cảm động vì vinh dự quý vị đã trao cho tôi khi dành cho tôi giải thưởng Nobel về văn học.

Đây là lần đầu tiên tôi phải đọc một diễn từ trước một cử tọa đông như thế này và quả tôi có phần e ngại. Người ta thường ngỡ rằng đối với một nhà văn đây là một công việc tự nhiên và dễ dàng. Nhưng một nhà văn - hay ít ra một nhà tiểu thuyết - lại thường có những mối quan hệ khó khăn với lời nói. Và nếu ta nhớ ở nhà trường vẫn có phân biệt giữa môn viết với môn nói, thì một nhà tiểu thuyết thường thạo về viết hơn là nói. Anh ta có thói quen lặng thinh và nếu muốn thâm nhập được vào một bầu không khí anh ta phải tự hòa tan mình vào đám đông. Anh lắng nghe các cuộc trò chuyện mà làm ra vẻ như không, và nếu anh có chen vào đó chút ít thì bao giờ cũng là để đặt đôi câu hỏi kín đáo nhằm hiểu thêm những người đàn bà và đàn ông ở quanh mình. Lời anh nói thường ngập ngừng vì anh có thói quen hay gạch xóa những cái đã viết ra. Đương nhiên, sau nhiều gạch xóa, văn anh có thể có vẻ trong sáng hơn. Nhưng khi nói, anh không còn khả năng gạch xóa những chỗ ngập ngừng của mình.

Vả lại tôi thuộc một thế hệ mà người ta không để cho trẻ con được nói, trừ đôi trường hợp khá hiếm hoi và nếu chúng có xin phép. Nhưng người ta không lắng nghe chúng và rất thường ngắt lời chúng. Điều đó cắt nghĩa sự khó khăn trong lời nói của một số người trong chúng tôi, khi thì ngập ngừng khi lại quá nhanh, cứ như lúc nào chúng tôi cũng sợ bị ngắt lời. Hẳn từ đó mà, cũng như nhiều người khác, khi vừa qua tuổi thơ, tôi đã có cái ham muốn được viết. Chúng tôi hy vọng người lớn sẽ đọc chúng tôi. Họ sẽ buộc phải nghe chúng tôi mà không ngắt lời chúng tôi và chí ít cũng biết tất cả những gì đang chất chứa trong lòng chúng tôi.

« Một nhà tiểu thuyết không bao giờ có thể là độc giả của chính mình »

Tin báo giải thưởng này đối với tôi cứ như là không có thật và tôi nóng lòng được biết vì sao quý vị lại chọn tôi. Ngày hôm ấy tôi nghĩ chưa bao giờ tôi cảm thấy một cách rõ rệt như vậy rằng một nhà tiểu thuyết mù lòa biết bao nhiêu đối với những cuốn sách của chính mình và độc giả thì hiếu thấu hơn anh biết bao nhiêu về những gì anh viết ra. Một nhà tiểu thuyết không bao giờ có thể là độc giả của chính mình, trừ khi để chữa lại những lỗi cú pháp, những chỗ lặp lại hay bỏ một đoạn thừa trong bản thảo. Anh ta chỉ có được một hình dung không rõ ràng và từng phần về các cuốn sách của mình, cũng giống như một họa sĩ nằm ngửa trên một cái giàn giáo để vẽ một bức tranh lên trần nhà, chăm các chi tiết, quá gần, không có được một cái nhìn toàn bộ.

Lạ thay cái hành vi cô đơn được gọi là viết. Anh trải qua những lúc nản lòng khi viết những trang đầu tiên của một cuốn tiểu thuyết. Mỗi ngày anh lại có cảm giác đã đi nhầm đường. Và lúc ấy trào lên cái ý muốn xúi mình quay lui và lao vào một lối khác. Không được ngã lòng vì sự xúi dục đó mà cứ phải tiếp tục con đường ấy. Gần giống như lái một chiếc xe, ban đêm, giữa mùa đông và chạy trên lớp băng mỏng, chẳng nhìn thấy gì sất. Không có lựa chọn nào khác đâu, cứ phải tiếp tục đi tới vừa tự nhủ cuối cùng mặt đường sẽ chắc hơn và sương mù sẽ tan.

Sắp xong một cuốn sách, thì cứ như nó đã bắt đầu tách rời khỏi anh và nó đã hít thở được không khí tự do rồi, giống như bọn trẻ, ở lớp học, ngày hôm trước của kỳ nghỉ hè. Chúng lơ đãng và ồn ào và không chịu nghe thầy giáo nữa. Tôi thậm chí muốn nói rằng lúc anh viết những đoạn cuối, cuốn sách cứ như tỏ ra chống đối lại anh vì nóng lòng muốn được tự giải phóng khỏi anh. Và nó chia tay anh khi anh vừa viết hết từ cuối. Thế là xong, nó chẳng cần đến anh nữa, nó đã quên bẳng anh rồi. Từ nay người khiến cho nó tự nhận ra chính nó là độc giả. Lúc đó quanh anh là một khoảng trống mênh mông và cảm giác bị bỏ rơi. Và một dạng không thỏa mãn vì mối liên kết giữa cuốn sách với anh bị cắt đứt quá nhanh. Cảm giác không thỏa mãn và như là dang dở đó dục anh viết cuốn sách tiếp theo để lấy lại cân bằng, một sự cân bằng sẽ mãi mãi không tới được. Năm này qua năm khác các cuốn sách cứ thế nối tiếp nhau và độc giả sẽ nói đến một « sự nghiệp ». Còn anh, anh lại có cảm giác một cuộc chạy trốn dài mãi về phía trước.

Vâng, độc giả biết về cuốn sách nhiều hơn chính tác giả. Giữa cuốn tiểu thuyết và người đọc diễn ra một hiện tượng giống như thao tác tráng ảnh thời chưa có kỹ thuật số. Trong phòng tối bức ảnh cứ hiện dần lên. Đọc dần một cuốn tiểu thuyết, cũng diễn ra một tiến trình hóa học như vậy. Nhưng để có được một sự hòa hợp như thế giữa tác giả với người đọc của mình, điều cần thiết là nhà tiểu thuyết không bao giờ được thúc ép người đọc – theo nghĩa như khi ta nói một ca sĩ ép giọng của mình lên –, phải kéo anh ta đi theo mình mà không hề hay biết và dành cho anh ta một khoảng lề đủ rộng để cho cuốn sách cứ thế từ từ thấm vào anh, và làm điều đó với một nghệ thuật giống như trong khoa châm cứu, chỉ cần chích mũi kim vào một điểm hết sức chính xác cho dòng chảy cứ thế lan tỏa vào hệ thần kinh.

« Mỗi cuốn sách mới, lúc anh viết nó, xóa đi cuốn sách trước »

Tôi nghĩ ta tìm thấy trong lĩnh vực âm nhạc điều tương tự với mối liên hệ và bổ sung cho nhau đó giữa nhà tiểu thuyết và người đọc của mình. Tôi luôn nghĩ rằng viết là rất gần với âm nhạc nhưng ít tinh khiết hơn nhiều và tôi luôn thèm được như các nhạc sĩ là những người theo tôi thực hành một nghệ thuật cao hơn tiểu thuyết – tôi cũng thèm các nhà thơ nữa, vốn gần với các nhạc sĩ hơn các nhà tiểu thuyết. Tôi đã bắt đầu viết những bài thơ lúc còn nhỏ và hẳn nhờ điều đó mà tôi hiểu hơn ý tưởng này tôi đã đọc được ở đâu đó: « Chính từ những nhà thơ tồi mà người ta làm ra các nhà văn xuôi. » Rồi lại còn, về chuyện âm nhạc, thường một nhà tiểu thuyết phải đưa tất cả những con người, những cảnh quan, những con đường anh ta đã quan sát được vào một đoạn nhạc trong đó ta gặp lại cùng những mẩu giai điệu từ cuốn sách này qua cuốn sách khác, nhưng đấy là một đoạn nhạc mà anh thấy là không được hoàn chỉnh. Ở nhà tiểu thuyết, có niềm nuối tiếc đã không được thuần là một nhạc sĩ và không sáng tác được những bản Nocturnes của Chopin.

Sự thiếu tỉnh táo và độ lùi phê phán của một nhà tiểu thuyết đối với toàn bộ các cuốn sách của mình còn do một hiện tượng mà tôi đã chú ý trong trường hợp của tôi cũng như của nhiều người khác: mỗi một cuốn sách mới, khi được viết ra, xóa đi cuốn sách trước đến mức tôi có cảm giác đã quên mất nó. Tôi ngỡ đã viết chúng cuốn này tiếp sau cuốn kia một cách gián đoạn, theo những lần quên lãng liên tiếp, nhưng thường là vẫn cùng những khuôn mặt ấy, những cái tên ấy, những nơi chốn ấy, những câu ấy trở lại từ cuốn này qua cuốn kia, giống như những họa tiết của một tấm thảm ai đó dệt trong một một giấc ngủ nửa tĩnh nửa mơ. Một giấc ngủ nửa tĩnh nữa mơ hay một giấc mơ tỉnh thức. Một nhà tiểu thuyết thường là một kẻ mộng du, quá đắm mình trong những gì anh ta đang phải viết, và rất đáng lo anh bị xe tông khi qua đường. Nhưng nói vậy là ta đã quên mất rằng những người mộng du đi trên các nóc nhà một cách cực kỳ chính xác chẳng bao giờ bị ngã.

Trong thông báo về giải Nobel lần này tôi chú ý câu sau đây có ý nhắc về cuộc thế chiến thứ hai: « Ông ấy phơi bày cho chúng ta cái thế giới của thời kỳ bị chiếm đóng». Cũng như tất cả những người sinh năm 1945, tôi là một đứa con của chiến tranh, và chính xác hơn, vì tôi sinh ra ở Paris, nên tôi là một đứa con do Paris bị chiếm đóng sinh ra. Những người đã từng sống trong cái thành Paris đó đều muốn quên nó đi cho nhanh, hoặc chỉ nhớ những chi tiết hằng ngày, những chi tiết cho ta cái ảo tưởng rằng dẫu thế nào đi nữa thì cuộc sống hằng ngày hồi đó cũng không quá khác biệt so với thời bình. Một giấc mơ tồi và cũng lại có gì đó như là một niềm ân hận mơ hồ sao mình lại thuộc số những người sống sót. Và về sau khi con cái họ hỏi họ về thời kỳ ấy và về cái thành Paris-ấy thì câu trả lời của họ thật mơ hồ. Hoặc họ im lặng cứ như họ muốn gạch xóa khỏi ký ức những năm đen tối ấy và họ giấu chúng tôi một điều gì đó. Nhưng trước sự im lặng ấy của bố mẹ chúng tôi, chúng tôi đã đoán ra tất cả, cứ như là chúng tôi đã từng sống qua thời ấy.

Paris thời Chiếm đóng, một thành phố « như vắng bóng của chính mình »

Lạ thay là cái thành phố Paris thời Chiếm đóng ấy. Bề ngoài, cuộc sống vẫn tiếp diễn, « hệt như trước »: các nhà hát, các rạp chiếu bóng, các phòng hòa nhạc, các quán ăn vẫn mở cửa. Trên đài phát thanh vẫn nghe các bài hát. Thậm chí các nhà hát và các rạp chiếu bóng còn đông người hơn hồi trước chiến tranh, cứ như đấy là những chỗ trú ẩn nơi người ta tụ lại và chen sát vào nhau để mà cảm thấy an tâm hơn. Nhưng có những chi tiết bất thường cho thấy Paris không còn giống như trước nữa. Vì không có xe hơi, đây là một thành phố im lặng – một im lặng trong đó ta nghe được tiếng rì rào của cây lá, tiếng vó ngựa gõ trên đường, tiếng chân của những đám người bước trên các vỉa hè và tiếng người nói xôn xao. Trong im lặng của đường phố và bóng tối vào mùa đông năm giờ chiều đã đổ xuống và mỗi chút ánh sáng lọt qua khe cửa sổ đều bị cấm, thành phố này như bị vắng bóng của chính nó – thành phố « mù nhìn», như chính bọn phát-xít chiếm đóng gọi. Những người lớn và những đứa trẻ con có thể biến mất bất cứ lúc nào, chẳng để lại chút dấu vết, và ngay giữa bạn bè cũng phải nói thầm và chẳng bao giờ người ta nói thật với nhau, bởi vì người ta cảm thấy một mối đe dọa bàng bạc trong không khí.

Trong cái Paris ác mộng ấy, nơi người ta có nguy cơ là nạn nhân của một vụ tố giác hay một cuộc ruồng bố khi vừa bước ra khỏi một ga tàu điện ngầm, đã diễn ra những cuộc gặp gỡ tình cờ giữa những người chưa hề bao giờ gặp nhau trong thời bình, những mối tình thoáng qua đã nảy sinh trong bóng tối của thiết quân luật mà chẳng có gì chắc sẽ còn gặp lại nhau những ngày sau đó. Và rồi những đứa con đã được sinh ta từ chính những cuộc gặp gỡ thường chẳng có ngày mai, những cuộc gặp gỡ tồi tệ đó. Chính vì vậy mà đối với tôi Paris của thời Chiếm đóng đã mãi mãi là một đêm sinh thành. Không có nó tôi đã không bao giờ được ra đời. Cái Paris ấy không ngừng ám ảnh tôi và nguồn sáng của nó đôi khi tắm đẫm các cuốn sách của tôi. Đấy là bằng chứng cho thấy một nhà văn bị in dấu ấn không gì xóa mờ được bởi ngày sinh và thời đại của mình, dẫu anh ta không tham gia trực tiếp vào hoạt động chính trị, dẫu tưởng chừng anh rất cô độc, giấu mình trong cái mà người ta gọi là « tháp ngà của anh». Và nếu anh viết những bài thơ, thì chúng sẽ là hình ảnh của thời anh sống và không thể được viết ra vào một thời khác. Bài thơ Những con thiên nga hoang dã ở Coole của Yeats nhà thơ lớn người Irland là vậy đó. Trong một công viên Yeats ngắm những con thiên nga lướt đi trên mặt nước : 

Mùa thu thứ mười bảy đã rơi xuống trên tôi
Kể từ khi tôi đếm chúng lần đầu ;

Tôi thấy chúng, trước khi kịp đếm xong

Chúng đã đột ngột bay lên

Ríu rít quay thành những vòng tròn vỡ vụn

Trên những đôi cánh xôn xao

Nhưng giờ đây chúng lướt đi trên mặt nước lặng yên

Uy nghi và thật đẹp.

Trong đám lát nào chúng sẽ xây tổ,

Bên bờ hồ nào, ao nào

Sẽ đem lại niềm vui cho những đôi mắt nào khi tôi sẽ thức dậy

Và một ngày kia, nhận ra chúng đã bay rồi ?

Thiên nga đã thường xuất hiện trong thơ thế kỷ XIX - ở Beaudelaire hay Mallarmé. Nhưng bài thơ trên thì không thể viết vào thế kỷ XIX. Vì nhịp điệu đặc biệt của nó và nổi buồn của nó, nó thuộc về thế kỷ XX và thậm chí về đúng cái năm nó đã được viết ra.

Cũng có thể một nhà văn thế kỷ XXI, đôi lúc, cảm thấy bị cầm tù trong thời của mình và việc đọc những nhà tiểu thuyết lớn thế kỷ XIX – Balzac, Dickens, Tolstoï, Dostoïevski – gợi lên ở anh ta một nỗi hoài tiếc. Vào cái thời đó, thời gian trôi chậm hơn hôm nay và sự chậm rãi ấy hợp với công việc của nhà tiểu thuyết vì anh ta có thể tập trung năng lượng và sự chú tâm tốt hơn. Kể từ đó, thời gian đã tăng tốc và đi tới theo lối giật cục, đấy là điều phân biệt giữa những công trình tiểu thuyết đồ sộ với kiến trúc của các giáo đường, và những tác phẩm đứt đoạn và phân mảnh ngày nay. Trong bối cảnh đó, tôi thuộc về một thế hệ trung gian và tôi rất muốn biết những thế hệ tiếp sau đây sinh ra cùng thời với internet, điện thoại di động, email và tweet sẽ diễn đạt bằng văn học như thế nào cái thế giới mà mỗi con người thường xuyên bị « kết nối » vào và ở đấy các « mạng xã hội » ngoạm đi cái phần riêng tư và bí mật vốn còn là tài sản của chúng tôi cho mãi đến một thời kỳ mới gần đây - cái bí mật ban cho con người một chiều sâu và có thể là một chủ đề tiểu thuyết lớn. Nhưng tôi muốn là người còn lạc quan về tương lai của văn học và tôi tin rằng các nhà văn tương lai sẽ đảm nhiệm cuộc chạy tiếp sức như mỗi thế hệ đều đã làm, kể từ Homère…

Vả chăng, một nhà văn, cũng như mọi nghệ sĩ khác, dẫu có gắn chặt với thời đại mình đến mức không thoát ra được và chỉ nguyên cái không khí anh thở cũng được người ta gọi là « không khí của thời đại », thì anh vẫn luôn biểu đạt trong các tác phẩm của mình một điều gì đó phi thời gian. Trong khi dựng các vở kịch của Racine hay của Shakespeare, chẳng quan trọng gì việc các nhân vật ăn vận theo lối cổ hay các nhà đạo diễn cho họ mặc quần bleujean và áo khoác da. Đấy là những chi tiết không quan trọng. Đọc Tolstoï ta quên mất Anna Karénine mặc những chiếc áo dài thời 1870, bởi nàng quá gần gũi với ta sau một thế kỷ rưởi. Và một số nhà văn, như Edgar Poe, Melville hay Stendhal hai trăm năm sau khi đã mất lại được hiểu tốt hơn là bởi những người đương thời với các ông.

« Toltoï đã hòa tan cùng bầu trời và cảnh quan ông đã mô tả »

Rốt cuộc, thì một nhà văn đứng ở một khoảng cách chính xác là bao nhiêu? Anh ta đứng bên lề cuộc sống để mô tả nó, bởi nếu anh chìm sâu vào đó - trong hành động – anh sẽ (chỉ) thấy được một hình ảnh mờ nhòe về nó. Song cái khoảng cách nhỏ đó không làm mất đi khả năng tự đồng nhất của anh với các nhân vật của mình và với những con người trong đời thật đã gợi hứng cho các nhân vật đó. Flaubert từng nói : « Bà Bovary, ấy là tôi ». Tolstoï đã tự đồng nhất tức thì với người đàn bà đã gieo mình xuống dưới đoàn tàu một đêm nọ ở một nhà ga nước Nga. Và cái tài năng tự đồng nhất mạnh đến nổi Tolstoï đã tự hòa tan vào bầu trời và cảnh quan ông mô tả và ông hấp thụ lấy tất cả cho đến cái đập mi của nàng Anna Karénine. Trạng thái thứ hai đó ngược hẳn với thói tự mê bởi nó đồng thời đòi hỏi một sự quên mình và một sự tập trung rất mạnh, để có thể thụ cảm được đến tận chi tiết nhỏ nhất. Điều đó cũng đòi hỏi một sự cô đơn nhất định. Đấy không phải là co mình lại, mà nó cho phép ta đạt đến một độ quan tâm và siêu minh mẩn đối với thế giới để có thể chuyển tải nó vào một cuốn tiểu thuyết.

Tôi luôn tin rằng nhà thơ và nhà tiểu thuyết khiến những con người dường như bị chìm nghỉm trong cuộc sống hằng ngày và những điều trong có vẻ nhàm chán trở nên bí ẩn, và điều đó là bằng cách quan sát họ với một sự chăm chú ráo riết và theo cách gần như là thôi miên. Dưới cái nhìn của họ, cuối cùng cuộc sống thường nhật sẽ phủ đầy bí ẩn và nhiểm một lớp lân quang thoạt nhìn tưởng nó không hề có, kỳ thực vốn bị giấu rất sâu. Nhiệm vụ của nhà thơ và nhà tiểu thuyết, của nhà họa sĩ là lột ra điều bí ẩn đó, cái chất lân quang vốn nằm trong tận đáy của mỗi con người. Tôi nghĩ đến người anh em họ xa của tôi, họa sĩ Amedo Modigliani mà những bức tranh xúc động là những bức anh đã chọn mẫu là những người vô danh, những đứa trẻ và những người đàn bà đường phố, những cô giúp việc, những người nông dân hèn mọn, những người thợ trẻ tập việc. Anh vẽ họ bằng một nét sắc nhọn gợi nhớ đến truyền thống lớn của Toscane, truyền thống của Botticelli và những họa sĩ xứ Sienne thời Quattrocento[i]. Anh đã đem lại cho họ - hay đúng hơn anh đã phơi lộ ra ở họ - tất cả vẻ đẹp và sự cao quý vốn có trong họ dưới cái vẻ bên ngoài hèn mọn. Công việc của nhà tiểu thuyết phải đi theo hướng đó. Trí tưởng tượng của anh ta, thay vì bóp méo hiện thực, phải xuyên thấu vào nó và phát hiện cái hiện thực ấy cho chính nó, với sức mạnh của những tia hồng ngoại và tia cực tím để mà chiết tách cho ra những gì ẩn dấu đằng sau các vẻ bên ngoài… Và còn là một cái địa chấn ký nữa, sẵn sàng ghi lại những chấn động nhỏ nhất.

Tôi luôn đắn đo trước khi đọc tiểu sử của nhà văn này hay nhà văn nọ. Những người viết tiểu sử đôi khi bám vào các chi tiết nhỏ, các bằng chứng không phải lúc nào cũng chính xác, những nét tính cách trông chừng dễ gây bối rối hay đáng thất vọng và tất cả những cái đó gợi tôi nhớ đến những tiếng rè rè làm nhiểu một số buổi phát thanh trên đài khiến ta không nghe được nhạc và giọng nói. Chỉ có việc đọc các cuốn sách của họ mới đưa bạn vào tới chỗ sâu kín của một nhà văn và đấy là nơi hay nhất của anh ta, ở đấy anh nói với bạn bằng giọng trầm chẳng bị chút tiếng nhiễu nào làm rối giọng.

Nhưng đọc tiểu sử của một nhà văn đôi khi ta khám phá ra một sự kiện đáng chú ý trong tuổi thơ của anh ta nó như là cái dạ con của tác phẩm về sau của anh và không phải bao giờ anh ta cũng có ý thức rõ ràng về nó, cái sự kiện đáng chú ý đó lại trở lại, dưới những hình thức khác nhau, ám ảnh các cuốn sách của anh. Hôm nay tôi nghĩ đến Alfred Hitchcock, ông không phải là nhà văn nhưng các bộ phim của ông có sức mạnh và sự gắn kết của một công trình tiểu thuyết. Khi cậu con trai của mình lên năm, người cha của Hitchcock đã giao cho cậu mang một lá thư đến cho một người bạn của ông, là cảnh sát trưởng. Cậu bé đã trao cho ông ấy bức thư và viên cảnh sát trưởng đã giam cậu bé trong khu có bọc lưới sắt của sở cảnh sát là nơi dùng làm xà lim và ở đó ban đêm người ta giam giữ những kẻ phạm pháp đủ loại. Cậu bé, khiếp đảm, đã phải chờ suốt một tiếng đồng hồ, trước khi viên cảnh sát trưởng thả cậu ra và nói với cậu : « Nếu cậu làm bậy trong đời, thì bây giờ cậu đã biết điều gì chờ đợi cậu. » Viên cảnh sát trưởng có cái lối giáo dục kỳ quặc ấy hẳn là nguồn gốc của cái không khí hồi hộp và lo lắng mà ta sẽ gặp trong tất cả các phim của Alfred Hitchcock.

« Mãi rất lâu về sau tôi mới nhận ra tuổi thơ của tôi thật bí ẩn »

Tôi không muốn làm phiền quý vị vì trường hợp cá nhân của tôi song tôi nghĩ một số giai đoạn nào đó trong tuổi thơ của tôi đã như là cái dạ con cho các cuốn sách của tôi về sau. Tôi thường ở xa bố mẹ, ở nhà những người bạn mà bố mẹ gửi trông hộ tôi và tôi thì chẳng biết chút gì về họ, ở những nơi và những ngôi nhà nối tiếp. Ngay lúc ấy, đứa bé chẳng hề ngạc nhiên gì cả, và ngay cả khi nó lâm vào những hoàn cảnh bất thường, thì đối với nó chuyện ấy cũng là hoàn toàn tự nhiên. Rất lâu về sau tôi mới thấy tuổi thơ của tôi thật bí ẩn và tôi mới cố tìm biết thêm về những người khác nhau mà bố mẹ tôi đã gửi tôi và những nơi chốn khác nhau cứ thay đổi liên tục. Nhưng tôi đã không xác định được phần lớn những người đó và cũng không định vị được chính xác tất cả những nơi chốn và những ngôi nhà quá khứ. Ý muốn giải đáp những bí ẩn mà chẳng làm sao được và cố tìm cho ra điều bí mật ấy khiến tôi muốn viết, cứ như là cuối cùng viết và tưởng tượng có thể giúp tôi giai đáp được tất cả các câu đố và các bí ẩn nọ.

Và vì đã nói đến chuyện « bí mật », do liên tưởng, tôi nghĩ đến tên một cuốn tiểu thuyết Pháp thế kỷ XIX : Những bí mật của thành Paris. Thành phố lớn, trong trường hợp này là Paris, thành phố quê hương của tôi, gắn với những ấn tượng tuổi thơ đầu tiên của tôi và những ấn tượng ấy mạnh đến nỗi từ đó tôi không ngừng khám phá những « bí mật của thành Paris ». Có những lần, hồi chín hay mười tuổi, tôi đã đi một mình, và bất chấp nỗi sợ bị lạc, ngày càng đi xa hơn, đến những khu phố tôi không hề biết, phía hữu ngạn sông Seine. Đấy là giữa ban ngày và điều đó khiến tôi yên tâm. Bắt đầu tuổi trưởng thành, tôi đã cố át đi nổi sợ và lang thang về đêm, đến những khu xa hơn, bằng tàu điện ngầm. Tôi đã học biết thành phố của mình như vậy đấy, và trong việc này, tôi đã đi theo kinh nghiệm của phần lớn các nhà văn tôi hằng hâm mộ, đối với họ, từ thế kỷ thứ XIX, thành phố lớn – dù nó tên là Paris, Londres, Saint-Pétersbourg, Stockholm – đã là khung cảnh và là một trong những đề tài chính của các cuốn sách của họ. Edgar Poe trong truyện ngắn Người của đám đông là một trong những người đầu tiên đã gợi lên tất cả những làn sóng người ấy mà ông quan sát từ sau tấm kính cửa một quán cà phê cứ tiếp nối nhau không ngừng trên các vỉa hè. Ông nhắm một người già có dáng vẻ khác thường và đi theo người ấy ban đêm qua các khu khác nhau của Luân Đôn để cố biết về con người đó. Nhưng con người không quen biết kia là «người của đám đông » và theo đuổi họ chỉ hoài công, bởi họ sẽ mãi mãi là một người vô danh và ta sẽ không biết được chút gì về họ. Họ không tồn tại như một cá nhân, họ chỉ đơn giản là một bộ phận của đám bộ hành chen chặt vào nhau mà đi hay xô đẩy nhau và biến mất trên đường.

« Nhờ có bản đồ địa hình của một thành phố, toàn bộ cuộc sống của ta sẽ sống dậy trong tâm trí ta »

Và tôi nghĩ đến một tình tiết thời trai trẻ của nhà thơ Thomas De Quincey sẽ mãi mãi in dấu ấn sâu đậm suốt đời ông. Ở Luân Đôn, trong đám đông đường Oxford, ông làm quen với một cô gái, một trong những cuộc gặp gỡ tình cờ ta vẫn gặp trong một thành phố lớn. Ông đã sống nhiều ngày bên cô và rồi ông phải đi xa Luân Đôn một thời gian. Họ hẹn nhau sau một tuần, buổi chiều nào cô cũng sẽ chờ anh đúng vào một giờ ấy ở góc Tichfield Street. Nhưng rồi họ chẳng bao giờ còn găp lại nhau. « Chắc chắn rất nhiều lần chúng tôi đã tìm nhau, vào cùng một lúc, trong cái mê cung Luân Đôn khổng lồ ; có thể chúng tôi chỉ cách nhau có 18 mét – chẳng cần nhiều hơn nữa đâu để thành một cuộc chia cách vĩnh cửu ».

Đối với những người được sinh ra và sống trong một thành phố, năm tháng đi qua, mỗi khu phố, mỗi con đường ở đấy gợi cho anh một kỷ niệm, một cuộc gặp gỡ, một nỗi đau, một phút giây hạnh phúc. Và thường khi vẫn một con đường đó gắn ta với những kỷ niệm nối tiếp, khiến nhờ bản đồ địa hình một thành phố cả cuộc đời ta trở lại với ta lớp này tiếp lớp khác, cứ như ta có thể lần đọc ra những lớp chữ viết chồng lên nhau trên một tấm da cừu cổ. Và cả cuộc đời của những người khác nữa, hàng nghìn hàng nghìn người vô danh, gặp trên đường hay trong các hành lang tàu điện ngầm giờ cao điểm.

Vậy đấy, hồi trẻ, để giúp mình viết tôi đã cố tìm lại những cuốn danh mục điện thoại cũ của Paris, nhất là những cuốn trong đó các tên người được xếp theo đường phố với các số nhà. Lật từ trang này sang trang khác, tôi có cảm giác đang có dưới mắt mình một tấm phim X quang của thành phố, nhưng là một thành phố đã bị nhấn chìm, như lục địa Atlantide[ii] vậy, và ngửi được mùi vị của thời gian. Vì những năm tháng đã trôi qua, dấu vết duy nhất còn lại của hàng nghìn hàng nghìn người không quen biết ấy là tên của họ, địa chỉ của họ và số điện thoại của họ. Đôi khi, năm nay sang năm khác, một cái tên biến mất. Có gì đó như là cảm giác chóng mặt khi giở những trang danh bạ ấy và nghĩ rằng các số điện thoại sẽ không trả lời nữa. Về sau, tôi kinh ngạc vì những câu thơ trong một bài thơ của Ossip Mandelstam :

Tôi trở về trong thành phố thân quen

cho đến những thổn thức của tôi

Cho đến những hạch thần kinh hồi nhỏ,

cho đến những đường gân dưới da.

Pétersbourg ! […]

Điện thoại của tôi, ngươi có số đấy mà.
Pétersbourg !

Tôi có những địa chỉ ngày xưa

Ở đấy tôi nhận ra giọng những người đã chết.

Vâng, chính là khi tra lại những danh bạ cũ ấy mà tôi đã muốn viết những cuốn sách đầu tiên của tôi. Chỉ cần gạch bằng bút chì dưới những cái tên của những người không quen biết, địa chỉ và số điện thoại của họ và tưởng tượng họ đã sống thế nào, trong số hằng trăm hằng trăm nghìn tên người.

Người ta có thể lạc mất hay biến mất trong một thành phố lớn. Thậm chí có thể thay đổi danh tính và sống một cuộc sống khác. Có thể lao vào một cuộc điều tra rất dài để tìm lại dấu vết một người nào đó, xuất phát chỉ cần có trong tay một hay hai địa chỉ ở một khu phố hẻo lánh. Chỉ dẫn ngắn gọn đôi khi được ghi trên tấm phiếu tìm kiếm : Chỗ ở cuối cùng được biết bao giờ cũng gợi lên trong tôi rất nhiều. Chủ đề về sự biến mất, về căn cước, về thời gian trôi đi gắn liền chặt chẽ với địa hình của các thành phố lớn. Chính vì vậy mà từ thế kỷ XIX, chúng thường là lĩnh vực của các nhà tiểu thuyết và đôi nhà văn lớn nhất trong số họ gắn với một thành phố : Balzac và Paris, Dickens và Luân Đôn, Dostoïevski và Saint-Pétersbourg, Tokyo và Nagaï Kafû, Stochkholm và Söderberg.

Tôi thuộc một thế hệ chịu ảnh hưởng của các nhà tiểu thuyết ấy, và đến lượt mình, muốn khám phá cái mà Beaudelaire gọi là « những nếp gấp quanh co của các đô thành lớn ». Đương nhiên, từ năm mươi năm nay, nghĩa là từ thời những anh chàng độ tuổi tôi mới lớn lên có những cảm xúc rất mạnh khi khám phá thành phố của mình, các thành phố ấy đã thay đổi. Một vài thành phố, ở châu Mỹ và cái nơi được gọi là thế giới thứ ba, đã trở thành những siêu đô thị có kích cỡ đáng ngại. Cư dân ở đấy bị nhốt trong những khu thường bị bỏ rơi, và trong một bầu không khí chiến tranh xã hội. Các khu dân nghèo ngày càng nhiều và càng vươn vòi ra tứ phía. Cho đến thế kỷ XX, các nhà tiểu thuyết vẫn giữ một cách nhìn « lãng mạn » đối với thành phố, không khác mấy thời Dickens hay Beaudelaire. Và vì vậy tôi rất muốn được biết các nhà tiểu thuyết của tương lai sẽ nói như thế nào về các nơi tập trung đô thị khổng lồ ấy trong những tác phẩm giả tưởng.

Sinh ra năm 1945 « khiến tôi thành nhạy cảm với các chủ đề về ký ức và lãng quên »

Quý vị đã rộng lượng đối với các cuốn sách của tôi khi nói đến « nghệ thuật ký ức gợi lên những số phận con người khó nắm bắt nhất ». Nhưng lời khen đó vượt quá cá nhân tôi. Cái ký ức đặc biệt cố nhặt lấy đôi mẩu quá khứ và ít nhiều dấu vết mà những con người vô danh và những con người ta không hề biết còn để lại ấy, cả nó nữa cũng gắn với năm sinh của tôi: 1945. Được sinh ra vào năm 1945, sau khi các thành phố bị tàn phá và những dân tộc trọn vẹn biến mất, hẳn đã khiến tôi, cũng như những người cùng tuổi với tôi, nhạy cảm hơn với các chủ đề về ký ức và lãng quên.

Đối với tôi, khốn thay, hình như cuộc đi tìm thời gian đã mất không còn có thể làm với sức mạnh và sự thẳng thắn của Marcel Proust. Cái xã hội ông ấy mô tả còn ổn định, một xã hội của thế kỷ XIX. Ký ức của Proust làm sống dậy quá khứ trong từng chi tiết nhỏ nhất, như một bức tranh sống. Tôi có cảm giác ngày nay ký ức ít tin chắc hơn vào chính nó và nó cứ phải không ngừng chiến đấu chống lại chứng mất trí nhớ và lãng quên. Vì cái lớp, cái khối quên lãng phủ lên tất cả đó, người ta chỉ có thể năm bắt được những mẩu quá khứ, những dấu vết đứt đoạn, những số phận con người thoáng qua và gần như không thể chộp lấy được.

Nhưng trước trang giấy trắng mênh mông của lãng quên ấy, hẳn thiên chức của nhà tiểu thuyết chính là làm bật dậy đôi từ đã bị xóa đi một nửa, như những tảng băng lạc trôi dạt trên mặt đại dương.


[i] Quattrocento là cách viết ngắn gọn của millequattrocento, chỉ thời thế kỷ XV của nước Ý, là giai đoạn manh nha của Thời Phục hưng; trong đó, vùng Toscane thuộc trung tây Ý, với thủ phủ Fkorence, là một trung tâm quan quan trọng nhất. Boticelli là một trong những họa sĩ tiêu biểu của thời kỳ này.

[ii] Atlantide: Lục địa truyền thuyết, được xác định trên khoảng vùng Đại Tây Dương ngầy nay, đã bị chìm mất.