Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 25 tháng 12, 2014

DẠY-HỌC NGỮ VĂN TRONG NHÀ TRƯỜNG (14): Dạy Văn: Điều gì là quan trọng?

Bài văn tả bố của con tôi

Lại bàn về vấn đề “Dạy Văn có phải là dạy các em nói dối'', tôi chỉ xin chia sẻ vài suy nghĩ của bản thân rút ra từ những bài văn của các con tôi.

Vâng, những câu dưới đây trích từ một bài văn viết về bố của con tôi:

''Bố tôi lớn tuổi nhưng tóc không một sợi bạc, thích mặc áo phông màu sắc rực rỡ thay vì áo sơ mi quần tây, thích uống trà thay vì cà phê như những ông bố khác...''

''Bố tôi biết nấu cơm, giặt giũ, giúp mọi việc vặt trong nhà cùng mẹ thay vì ngồi xem tivi như những ông bố khác, bố tôi thích đọc báo hơn xem thời sự, thích nói chuyện tiếu lâm hơn nghiêm khắc dạy bảo con cái...''

''Bố tôi không có con trai, chỉ có ba “vịt giời” nhưng lại rất yêu thương chị em chúng tôi mặc cho đầy người nói này nói nọ... Bố tôi luôn chia sẻ với tất cả mọi người kể cả với người chẳng tử tế gì với bố tôi cả..."

Tôi đã vừa khóc vừa cười khi đọc bài văn đó và tôi cam đoan với tất cả các bạn là trung thực 100%, đó chính là ông bố của các con tôi chỉ có điều cháu kể quá thực, không hề có cốt truyện, không hề có xung đột và mâu thuẫn chút nào nên có vẻ như chưa có sức thuyết phục người đọc. Nhưng vì nó là câu chuyện thực của gia đình tôi nên tôi thấy cảm động thực sự, song chắc chắn rằng một người hoàn toàn xa lạ sẽ cảm thấy những điều con tôi nói thực sự là hài hước và không hẳn là có thực.

Tôi thích sự sáng tạo từ cái nền tảng của sự chân thực đó. Văn học nếu đưa sự thực 100% sẽ trần trụi và thiếu đi tính thuyết phục, lôi cuốn người đọc người nghe, bởi vậy tính sáng tạo và khả năng tư duy mềm trong văn học là yếu tố không thể bỏ qua.

Chắc chắn bạn học sinh không có bố sẽ không để giấy trắng nếu bạn phát huy được khả năng mềm và sáng tạo trong văn học. Rất có thể trong tâm trí bạn ấy, trong mơ ước của bạn ấy cũng đã từng mơ mình có một ông bố như thế nào, dù hình ảnh là mờ nhạt chưa có thực nhưng cũng có dấu ấn nhất định nào đó khiến bạn ấy mơ ước. Hoặc thể một người chú, bác, anh… thân thiết trong gia đình mà bạn ấy coi như bố vậy....

Vấn đề quan trọng không phải là dạy các em nói dối hay dạy những điều trung thực mà là dạy các em kỹ năng, dạy các em cảm thụ và dạy các em ứng xử linh hoạt với mọi tình huống trong văn học để mỗi ngày thấy yêu bộ môn Văn học nhiều hơn.

Tâm tư của bạn Võ Thị Mỹ Ngà, tôi thực sự rất đồng cảm, nhìn nhận từ một khía cạnh như một “vấn nạn” trong các trường tiểu học, trung học cơ sở.

Những ngày đầu tiên khi trẻ làm quen với làm văn miêu tả, kể chuyện… thì văn mẫu đã bọc các em trong một thứ vỏ vô hình mà bền chắc khó lòng tự thoát ra ngoài, có chăng thoát được sẽ laị bị đánh giá chưa đạt khiến các em lúng túng, sợ hãi... và rốt cục thì cứ nằm trong vỏ bọc cho an toàn.

Chính vì vậy mới có nhiều chuyện dở khóc dở cười từ những bài văn mẫu được học thuộc nhưng áp dụng nhầm chỗ hoặc không đúng lúc.

Khi con tôi học lớp 4, cháu về quê ngoại, khi mọi người hỏi cháu muốn gì cháu nói chỉ ước được nhìn thấy con lợn thật một lần vì cháu rất yêu lợn.

Trong nhà dễ có tới mấy chục chú lợn đất, lợn sứ, lợn nhựa, lợn thạch cao… đủ màu sắc. Tối về cháu thì thào với mẹ rằng con không thể tin là con lợn thật nó lại bẩn như thế nhưng dù vậy con vẫn rất yêu nó.

Và sau đó cháu đã đem con lợn thật ấy vào bài văn của mình, có điều nó không bẩn mà được tắm rửa sạch sẽ với những sợi lông trắng như cước và cái miệng hồng rực lúc nào cũng sun lại đòi ăn.

Vậy vấn đề ở đây chính là hãy cho các em thoát khỏi vỏ bọc của những bài văn mẫu, hãy cho các em được tự do viết, nghĩ và mô tả bằng cái hiện thực của các em. Thầy cô thay vì khiển trách phê bình hay cho điểm chưa đạt, hãy nghe trước câu chuyện đời thường của các em. Hãy tạo cho các em cảm thấy cái nhẹ nhàng, bay bổng lẫn sự uyển chuyển của môn văn. Khi các em có một bài giảng đầy hứng khởi, khi các em thấy sự hấp dẫn của ngôn từ hình ảnh, thì việc lồng ghép với hiện thực sẽ trở nên dễ dàng.

Văn và đời thường không thể tách rời nhau

Vấn đề đáng bàn ở đây chính là hãy biến những bài văn mẫu thực sự giá trị thay cho những gò ép khuôn mẫu cứng nhắc. Văn mẫu giúp các em biết cách cảm nhận từ việc sử dụng ngôn từ, hình ảnh phù hợp, đúng lúc, đúng chỗ, giúp các em thấy cái hay, cái đẹp của những điều tác giả văn mẫu muốn bộc lộ để từ đó khiến các em thấy yêu thích và cảm được ngày càng sâu hơn cái hay cái đẹp của môn văn. Văn mẫu không thể là một cái khuôn có sẵn để cái ép đúc mọi thứ của các em vào đó vì vậy thầy cô và các bậc phụ huynh là những nhân tố quan trọng giúp các em nắm được vấn đề này.

Tôi rất vui khi thời gian gần đây, văn thường có những đề văn mở giúp các em bộc lộ được khả năng viết cũng như khả năng cảm thụ của các em từ những hiện tượng, nhân vật cụ thể trong các tác phẩm hay trong đời sống vào bài viết của mình, và cũng chính từ đó tôi cảm thấy hình như các em thấy có hứng thú hơn khi viết, bàn luận cũng sôi nổi hơn rất nhiều.

Phải chăng đó cũng là một cách giúp các em không thấy nhàm chán hay buồn ngủ trong giờ văn. Tôi thiết nghĩ tại sao chúng ta không đưa mô hình giảng dạy môn văn theo cách đó thậm chí từ bậc tiểu học trở đi. 

Văn và đời thường không thể tách rời nhau, bởi vậy bài văn sẽ sáo rỗng khi nội dung tách khỏi đời thường, sẽ không thể có cảm xúc thực khi nhân vật hoàn toàn không có thực. Diễn viên có thể khóc, có thể hóa thân vào nhân vật khi họ hiểu sâu sắc về hình tượng nhân vật đó, và như vậy diễn viên đó sẽ mang dấu ấn trong lòng khán giả. Ca sĩ thể hiện ca khúc cũng vậy, họ khóc khi xúc cảm dâng trào bởi họ hiểu sâu sắc ca khúc của mình, họ đang cống hiến cho ai… Vậy tại sao chúng ta lại muốn các em học sinh khi còn ngồi trên ghế nhà trường lại phải nói không thật cảm xúc và suy nghĩ của mình chỉ vì cái khuôn sáo rỗng kia.

Nếu giáo viên giảng văn hóa thân vào tác phẩm, các em cũng hóa thân vào nhân vật, chúng ta có thể đọc tác phẩm, kể tác phẩm, diễn tác phẩm, thậm chí hát, hò vè, ngâm, ca... cuốn các em vào tác phẩm chắc chắn các em sẽ không thể buồn ngủ trong giờ văn được.

Tôi muốn kể rất nhiều, đăng rất nhiều những bài văn của các con tôi để bạn đọc tham khảo, bởi tôi day dứt rất nhiều với bộ môn này mỗi khi đọc mỗi bài văn của các con. Chứng kiến sự phát triển của các con từ khi tập làm văn đến khi viết được một bài văn nghị luận, tôi chỉ muốn kết lại một điều văn sẽ không hay nếu không có đời thực trong đó, đời thực theo nhân vật, đời thực gắn với đời sống mỗi thế hệ chúng ta, đời thực gắn với sự phát triển của xã hội… trong đó bao gồm cả tâm sinh lý và nhận thức của các em. Bởi vậy các em không thể nói dối trong văn, hãy dạy các em viết bằng  nhận thức và xúc cảm chân thực của chính mình, hãy dạy các em nói thực lòng mình.

Trần Hà Phương

http://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/day-van-dieu-gi-la-quan-trong-1008041.htm

Đâu rồi những giáo viên dạy Văn tâm huyết?

Dân trí “Tôi cho là, những giáo viên dạy Văn tâm huyết một đời với nghiệp dạy Văn giờ không còn nhiều nữa, nếu ta không mau chóng tạo nguồn, không có cuộc chuyển giao thế hệ, tôi e việc dạy Văn tới đây sẽ là một… bi kịch của thời đại”.

Tiếp theo những trao đổi của các giáo viên dạy Văn quanh việc dạy môn Văn ở trường phổ thông, thầy Nguyễn Văn Nhượng, giáo viên dạy Văn cấp 2 ở Giao Thủy (Nam Định), gửi đến ban Giáo dục báo Dân trí những chia sẻ tâm huyết của mình. Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc:

“Người khoa văn chân thành lắm

Người yêu văn nhân hậu nhiều

Cha mẹ dạy con mai lớn

Chọn người khoa ấy… Mà yêu…”

Tôi còn nhớ khi học Sư phạm được đọc khổ thơ trên của Nguyễn Thị Việt Nga (cũng là cô giáo dạy văn) thì trong lòng luôn dâng lên niềm tự hào và tin yêu; luôn vững tâm vào con đường mình đã chọn, đó là dạy Văn. Trải nghiệm qua bao năm tháng đứng trên bục giảng, được tiếp xúc với học trò, tôi thấy tâm hồn mình như tươi trẻ ra, và mỗi ngày trôi qua, tôi thấy cuộc đời thật đáng yêu, mỗi trang văn trang thơ như lại “mới ra” mỗi khi mình khám phá, ngộ ra được các tầng bậc, ý nghĩa nhân văn, nhân bản của chúng. Nhưng niềm hạnh phúc ấy lâu ngày, có lúc như bị bào mòn, và mỗi khi cảm thấy như thế, tôi phải tự “xốc” lại tinh thần cho mình, để tránh những thiệt thòi cho người khác.

Đó là về bản thân, còn xung quanh tôi, chứng kiến những giờ giảng văn của đồng nghiệp, không phải không có những giờ thực sự đúng là văn, còn nhìn chung, tôi thấy cách dạy, cách học, cách ra đề chấm thi… hiện nay quá giáo điều, rệu rã, vô hồn.

Phải chăng đã hết thời “Thầy đau nỗi niềm dâu bể / Trò day dứt cùng thế nhân”?

Thực tế cho thấy những thầy giáo dạy văn khả kính, tâm huyết một đời với nghiệp dạy văn, tôi cho là không còn nhiều nữa, nếu ta không mau chóng tạo nguồn, không có cuộc chuyển giao thế hệ, tôi e việc dạy văn tới đây sẽ là một... bi kịch của thời đại.

Xin tản mạn từ bậc học phổ thông, tôi thấy bao chuyện lôi thôi. Cứ tưởng có chương trình sách giáo khoa mới, có đổi mới phương pháp giáo dục… là sẽ có tất cả nhưng thực tế lại không như mong muốn bởi sự chuẩn bị về yếu tố con người -người thầy (có tính chất quyết định) thì ta chưa làm được, thành ra cứ hết hội thảo này đến hội thảo khác, dạy Văn vẫn luôn là đề tài “nóng” được nói hoài, nói mãi, chán rồi thì lại thôi… Những bài văn thỉnh thoảng xuất hiện, được coi là thành quả của đổi mới, những bài văn “lạ” được đăng tải trên các tạp chí, trang mạng… được coi như là của hiếm, đem ra trưng bày, hô hào bàn tán, người ta cứ thấy mà mừng vui, reo hò như bình minh của đổi mới dạy học Văn đang lên vậy. Nhưng tôi cứ tự hỏi: Tại sao đổi mới nghe hoành tráng, lại chỉ tạo ra ngần ấy đề văn và bài văn có tính sáng tạo? Lối mòn nào, thực trạng nào, đang che chắn, làm nghẽn lối việc đổi mới, sáng tạo trong dạy học Văn? Làm cách nào để trả lại cho môn Văn những chức năng, bản chất đa nghĩa đặc thù vốn có của nó? Câu hỏi như đang thách thức cả giới nghiên cứu phương pháp lẫn người dạy Văn ở mọi cấp bậc.

Ở phổ thông hiện nay, số học sinh không thích học môn Văn thật là thê thảm, mà đã không thích, không yêu, không đam mê, thử hỏi làm sao có được năng lực cảm thụ văn chương, làm sao không chệch hướng thẩm mỹ, làm sao không chệch hướng nhân sinh…

Các em học sinh chán học Văn, tôi không trách, bởi cũng có nhiều nguyên nhân khách quan bên ngoài tác động. Là người dạy Văn các em, tôi thường trách chính mình và đồng nghiệp của mình, đã không hoặc không thể/không bao giờ, tạo được ấn tượng, dư ba; không tạo được hứng thú để hấp dẫn, cuốn hút học trò vào bài giảng. Điều này đều do những nguyên nhân chủ quan từ phía người thầy.

Tôi cho những yếu tố ngoài bài dạy như lối sống, cách hành xử... đối với giáo viên nói chung và giáo viên dạy Văn nói riêng, là rất quan trọng. Chúng tác động không nhỏ đến ấn tượng, tâm thế tiếp nhận của học sinh với tác phẩm văn học, nó ảnh hưởng lâu dài đến nhân sinh quan của học sinh sau này khi các em bước ra cuộc đời.

Bây giờ tôi thấy xuất hiện nhiều thầy cô không “xứng tâm và tài” với dạy văn chương, thiếu mẫu mực, tế nhị trong đi đứng, nói năng, ứng xử với học trò, thành ra hình ảnh một người thầy dạy Văn không để lại dấu ấn gì, chỉ nhạt nhòa như một người “bảo học” hơn là dạy Văn theo đúng nghĩa, dạy cái đẹp. Xưng hô với học trò thì “mày, tao”, gọi học sinh thì thậm chí “thằng kia”, “con kia” đặc giọng chợ búa (tất nhiên không phải ai cũng vậy), đi đứng nói năng thì cục cằn, thô thiển… Vì vậy, ngay từ cái nhìn đầu tiên của học trò với thầy cô đã bị triệt tiêu trong mắt nhau rồi. Xin đừng coi thường học trò, các em rất tinh tế, chúng nhận ra hết, các em so sánh được hết, chỉ có điều giáo viên có được nghe, có muốn nghe hay không mà thôi.

Dạy học là cả một nghệ thuật, dạy học văn là một siêu nghệ thuật, từ nguyên mẫu người thầy trong lối sống hàng ngày đến bài giảng trên lớp phải tạo ra ít độ chênh nhất để học trò còn chút niềm tin vào những điều thầy dạy răn, đó là điều tôi luôn tự nhắc nhở, điều chỉnh mình. Khi bàn về đổi mới toàn diện giáo dục có ý kiến cho rằng hãy bắt đầu biết trung thực từ những viên gạch xây trường mà đi, tôi thấy thực là chí lý.

Nguyễn Văn Nhượng