Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 9 tháng 12, 2014

CHỈ CÓ NHỮNG NGƯỜI CHƯA BỊ BẮT

Người Buôn Gió

Năm nọ đến một nước nọ chơi. Thật tình cờ, bà con ở đó bảo hôm nay có một cuộc hội thảo về tự do nhân quyền ở Việt Nam tại toà nhà kia. Một số nghị sĩ của hai đảng lớn nhất nước này và một nhóm luật sư ở Việt Nam sẽ thảo luận về vấn đề tự do ngôn luận, quyền tự do của con người trong xã hội Việt Nam.

Đoàn luật sư Việt Nam có 3 người. Một chị có vẻ là sếp, ánh mắt sắc lạnh không nói gì chỉ ngồi quan sát. Còn anh luật sư và chị luật sư đăng đàn nói tiếng Anh như gió.

Bà con hải ngoại thật tinh ý, vài người nhìn thấy vẻ khó khăn của mình khi nghe. Lập tức họ rỉ tai nhau, lúc sau có ngay một chị Việt Kiều giỏi tiếng Anh và tiếng sở tại đến ngồi cạnh mình để dịch cho mình nghe.

Anh luật sư nói Việt Nam có tự do, anh ví dụ trường hợp lấy ý kiến hiến pháp vừa rồi, nhà nước Việt Nam đã mang bản dự thảo đến tận vùng sâu vùng xa cho người dân tộc góp ý. Việc góp ý anh thấy diễn ra khắp mọi nơi, mọi người góp ý thoải mái.

Chị luật sư thì tránh va chạm hơn, chị chỉ nói là nhà nước đang có những cải cách pháp luật, ví dụ quốc hội đã thảo luận về việc ra luật biểu tình. Sắp tới sẽ bỏ đi một số hạn chế về đi lại, cư trú cho Việt kiều.

Ông nghị sĩ thì nói, tôi thấy Việt Nam có người bị bắt, có người không bị bắt. Chứng tỏ là không phải ai tự do ngôn luận cũng bị bắt cả. 

Lúc ấy mình bắt gặp nụ cười mỉm đắc thắng của cái chị sếp hai vị luật sư kia.

Mình hỏi mấy đồng hương có thể phát biểu được không. Mọi người bảo cái này phải đăng ký trước. Mình bảo ai có thể vào mạng lấy ngay thông tin về tôi, in ra và đưa ban tổ chức, giới thiệu vài câu, có thể họ sẽ cho tôi nói.

Mọi người hối hả bảo nhau, hai cô cậu trẻ lập tức có mặt, nghe yêu cầu của mình lại lần nữa. Mười phút sau một đã có 5 tờ giấy có nội dung, hình ảnh liên quan đến mình. Xấp giấy được trình lên ban tổ chức, mình được gọi lên.

Khi người thông dịch đọc tên mình. Vị sếp của 3 luật sư kia có vẻ ngỡ ngàng, mình nghe loáng thoáng 3 người thì thầm gì đó về tên mình. Đúng là một cuộc chiến tình cờ, bất đắc dĩ. Nhưng dù có thể mình không đủ tài hoặc mình sợ bị liên lụỵ, thì nụ cười đắc thắng của vi sếp luật sư kia đã khiến mình tức giận. Mà khi tức thì việc sợ hay đắn đo khả năng không làm được chả có nghĩa lý mẹ gì.

Thứ nhất mình nói về vụ dự thảo hiến pháp. 

Việc nhà nước Việt Nam in bản dự thảo và phát đi các nơi, cả vùng sâu vùng xa là có thật. Tuy nhiên thì chúng ta cũng biết, hiến pháp là văn bản luật cao nhất. Nó cần phải có một trình độ nhất định mới hiểu được. Ở những vùng sâu xa có nhiều dân tộc họ không có vốn từ vựng quốc ngữ Việt Nam nhiều, thậm chí họ còn không biết đọc. Hoặc họ không hiểu gì về hiến pháp, cứ hỏi từ hiến pháp là gì họ cũng chả hiểu.

Có những người trí thức trong xã hội Việt Nam, như luật sư, nhà văn, nhà báo, linh mục… thậm chí là cả những quan chức về hưu họ đã cùng nhau bàn bạc, thảo luận và thống nhất soạn ra hai bản góp ý hiến pháp. Một của các trí thức, cán bộ Việt Nam. Hai là của những linh mục, giám mục Việt Nam.

Nhưng nhà nước Việt Nam đã không để ý hay nhắc nhở gì đến hai bản này. Thậm chí một số người tham gia dự thảo còn bị sách nhiễu, đe doạ. Nếu các quý vị cần, tôi sẽ cung cấp số điện thoại, email của họ để các vị kiểm chứng. Cũng như tôi sẽ cung cấp hai bản dự thảo hiến pháp đó.

Vậy tại sao một bản hiến pháp, cần hội tụ những tinh hoa trí thức của nhân dân, lại không màng đến ý kiến của những giáo sư, tiến sĩ, giáo sĩ, văn nghệ sĩ mà lại cần tốn công đi tận vùng rừng núi xa xôi gặp những người dân tộc tiếng quốc ngữ còn không thạo để lấy ý kiến? Tôi nghĩ các vị đã là thượng nghị sĩ, đại diện cho nhân dân một nước phát triển cao, chắc không cần tôi giải thích thêm điều này.

Việc thứ hai về cải cách pháp luật, như ví dụ về cân nhắc ra luật biểu tình. Điều này cũng có, nhưng  cứ năm này qua năm khác. Họ mào đầu là có thể sẽ bàn. Sẽ bàn ở quốc hội thôi nhé, chưa phải là quyết. Nhưng rồi họ lại bảo để kỳ sau bàn. Đã khoảng tầm 4 năm nay, năm nào họ cũng thông tin là sẽ bàn rồi lại gác lại. Đến bây giờ vẫn chưa bàn. Luật thì chưa bàn, nhưng nghị định, một dạng văn bản dưới luật thì lại được thực thi chặt chẽ. Đó là nghị định nếu có tụ tập 5 người trở nên mà không xin phép chính quyền là vi phạm nghị định, từ nghị định này họ sẽ áp vào luật hình sự đó là tội tụ tập trái phép hoặc gây rối trật tự công cộng.

Những người biểu tình đã làm đơn xin chính quyền biểu tình, nội dung, số lượng người, khẩu ngữ, khẩu hiệu trình bày rõ trong đơn. Chính quyền sở tại trả lời rất đúng pháp luật. Việt Nam chưa có luật biểu tình, chúng tôi không có căn cứ để cấp giấy cho phép, vì thế tôi khuyên các anh không được biểu tình, nếu tiếp tục chúng tôi sẽ xử lý theo nghị đinh và luật hình sự vì tội tụ tập đông người trái phép.

Hiện nay có rất nhiều người dân bị bắt vì biểu tình, bởi tội danh là gây rối trật tự, tụ tập đông người, xúi giục biểu tình. Cũng như vấn đề một, nếu các ông cần, tôi sẽ có tên tuổi, hồ sơ những người bị bắt vì tội danh này, cũng như nhân chứng và thân nhân của họ để các ông tham khảo.

Vấn đề thứ ba là việc tại sao có người bị bắt, có người không bị bắt (quay sang ông nghị sĩ nói câu đó nói). Tôi biết ông có những bản báo cáo từ Việt Nam về vấn đề này. Tôi không đọc nhưng cũng hiểu nội dung đại khái trình bày là những người bị bắt là có vấn đề, vi phạm luật hình sự, cấu kết với các tổ chức khủng bố để âm mưu phá hoại chính quyền Việt Nam. Ngoài những đối tượng ấy ra, Việt Nam không ai bị bắt vì quyền tự do ngôn luận hay bất đồng chính kiến. Phải vậy không thưa ông?

Phiên dịch nói xong, vị thượng nghị sĩ gật đầu cười xác nhận.

Mình hỏi tiếp.

- Ông nói có người bị bắt, có người chưa bị bắt. Vậy chắc ông đã nắm được tên tuổi của một số người bị bắt và một số người chưa bị bắt đúng không. Vì ông phải biết tên một số người nào đó, thì ông mới có cơ sở để nói rằng có người bị bắt và có người chưa bị bắt?

Ông nghị sĩ gật đầu, lúc này ông không cười và căng thẳng nghe.

Mình tiếp tục, lúc này mình để ý khi mình bắt đầu nói, cả hội trường đều im lặng chú ý nghe, đến người phục vụ cũng đứng luôn tại chỗ không đi lại. Chỉ có mấy phóng viên họ di chuyển rất lặng lẽ.

Mình tiếp.

- Những người chưa bị bắt có nhiều loại, một loại nhà nước ví dụ ra một thông điệp nói cần một loại phí mới với mức tiền là 100 đồng, loại một này ngay lập tức sẽ phản đối là chỉ nên thu 80 đồng. Phản đối rất gay gắt, họ đưa ra những thống kê, tính toán là thu 80 đồng là hợp lý nhất. Báo chí sẽ đăng tải những cuộc tranh luận gay gắt giữa 100 đồng và 80 đồng. Nhìn vào sẽ thấy sự tự do tranh luận. Nhưng cuộc tranh luận này đã làm át đi những người chống đối việc ra loại phí mới này, bất kể nó là 5 hay 10 đồng. Và có thể những người bị át tiếng này sẽ bị bắt vì tội hình sự là phá hoại chính sách của nhà nước. Khi đó như báo cáo mà ông có, đó là nhà nước Việt Nam chỉ bắt những người vi phạm hình sự chống phá nhà nước chứ không bắt người góp ý, bất đồng chính sách.

Chuyện nữa là chúng ta ở đây, đều thấy năm nay chính quyền Việt Nam bắt một số, năm sau họ bắt một số, năm này qua năm khác đều thế. Hãy hình dung về chuyện săn cá voi, tại sao cá voi vẫn còn, tại sao người ta săn chỗ này, bắt con này mà không bắt con kia. Nếu chúng ta hỏi thế thì chẳng cần ra luật cấm săn bắn cá voi. Vì rõ ràng có một số cá voi vẫn bơi đâu đó đấy thôi.  Rồi khi họ giết sạch cá voi chúng ta càng không nên cấm, vì còn đâu nữa để mà cấm. Chả ai người ta cấm săn khủng long, bởi chúng tuyệt chủng rồi.

Việc bắt bớ vẫn diễn ra, vẫn thêm những người bị bắt. Vậy chỉ là có những người đã bị bắt và những người chưa bị bắt tức là sắp bị bắt vì quyền tự do ngôn luận. Thực sự là tôi ngỡ ngàng trước câu hỏi của ngài, tôi nghĩ lẽ ra ngài phải hỏi rằng: Chừng nào Việt Nam không có người bị bắt? Như thế thì đúng hơn, chừng nào là một khoảng thời gian khó xác đinh, xin cứ tạm mặc định là trong một năm nào cụ thể Việt Nam không có các blogger, nhà báo, nhà văn bị bắt vì phát biểu hay bài viết của họ. Xin đừng hỏi tại sao Việt Nam có người bị bắt, có người không bị bắt. Mà hãy hỏi khi nào Việt Nam thôi bắt những người như thế.

Buổi thảo luận ngày hôm đó đã qua lâu, ông thượng nghị sĩ đó hôm nay hình như đã được làm phó thủ tướng, ông đồng nghiệp ở đảng khác hôm đó đã là bộ trưởng. Có lẽ mình sẽ soạn lại hồ sơ những người bị bắt mới đây như Ba Sàm Nguyễn Hữu Vinh, Hồng Lê Thọ, Nguyễn Quang Lập để xin gặp ông. Nhắc lại câu hỏi của ông và lời đề nghị thay đổi câu hỏi của mình năm ấy.

————————–

Mình chỉ là thằng vô học, bụi đời. Tuy nhiên khác với các bài biết bình luận tào lao, chém gió. Bài viết trên là sự thật có nhiều kiều bào chứng kiến. Một con người tàn tật nhưng đầy nhân cách như Nguyễn Quang Lập mà phải bị bắt tù vì điều 258 thì sự đánh động lương tri đến một kẻ vô học, bụi đời, cơ hội, xảo trá như mình chả có gì là lạ cả. Bởi sự bất công và tàn nhẫn ấy nó quá lớn để những ai dù ở thân phận nào mà còn có chữ Người đều phải thấy cần làm gì đó ngăn cản.

Nguồn: https://www.facebook.com/notes/902653806426508/