Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 9, 2014

Bàn về tinh thần lý tính của văn học hiện đại

Lê Văn Tùng

Dễ dàng thừa nhận bản chất của văn học nghệ thuật trước hết là một hoạt động tinh thần dựa trên tình cảm, cảm xúc, rung động tâm hồn của con người trước thế giới. Nhưng văn học nghệ thuật cũng đồng thời là hoạt động của lý tính, của tư duy suy lý để lý giải, phát hiện bản chất, quy luật của thế giới tự nhiên, xã hội và thế giới kỳ lạ, bí ẩn của đời sống tinh thần của con người. Nhờ có hoạt động của tư duy lý tính, nhà văn mới có thể khái quát các hiện tượng thế giới thành những chân lý nghệ thuật trong tác phẩm. Hiển nhiên những chân lý nghệ thuật được khái quát để diễn đạt những lý giải, những phát hiện về bản chất và quy luật của thế giới hiện thực hoàn toàn mang tính lịch sử. Loài người từ hơn 2500 năm sáng tạo ra văn học nghệ thuật (kể từ Hy Lạp cổ đại) không chỉ hướng tới cái đẹp, hướng tới cái thiện mà còn tự đặt mình trên hành trình đi tìm bản chất của thế giới và của sự sống con người, nghĩa là đi tìm cái đúng, đi tìm chân lý. Tư duy lý tính trong sáng tạo văn học nghệ thuật là một phương thức tư duy góp phần vào cuộc tìm kiếm ấy. Nhưng mỗi thời đại văn học, mỗi loại hình văn học trong lịch sử đều có kiểu tư duy lý tính của mình dẫn đến quan niệm chân lý về thế giới cũng đặc trưng cho từng thời đại.

Do đó, ngay trong văn học dân gian từ cổ đại, tinh thần lý tính đã xuất hiện. Đó là một tinh thần lý tính hồn nhiên, chất phác, chủ yếu được “khái quát” từ kinh nghiệm của người cổ đại trong cuộc đối mặt và giành giật sự sống với “kẻ thù bốn chân” và “kẻ thù hai chân”. Về cơ bản, có thể gọi đó là loại lý tính kinh nghiệm. Và không loại trừ trong đó có những kinh nghiệm cổ xưa đến thời hiện đại sẽ được thừa nhận như là những chân lý khoa học, nhất là trong lĩnh vực quan hệ giữa con người với “kẻ thù bốn chân” – với tự nhiên. Từ truyện cổ đến tục ngữ, ca dao… mỗi tác phẩm, tác giả dân gian đều muốn tự mình rút ra những bài học nhận thức cho mình về thiên giới và nhân giới, sau khi đã biểu hiện một cách nghệ thuật những quan sát của mình về thế giới xung quanh. Các bài học nhận thức về thế giới của người cổ đại là chân lý, hiểu theo phương thức và giới hạn của trình độ tư duy lý tính thời đó. Cho đến ngày nay, những bài học ấy của văn học dân gian vẫn còn giá trị ở những bình diện và những cấp độ khác nhau.

Đến thời kỳ trung đại, mà phương Tây gọi là trung cổ, tài liệu nước ngoài đã chỉ ra giới hạn thời gian cụ thể “từ năm 476 khi đế quốc La Mã sụp đổ cho đến khi Mahomet II, vua Thổ Nhĩ Kỳ đánh chiếm Constantinople vào năm 1453”(1). Giới hạn thời gian của thời trung cổ phương Đông hiển nhiên không hoàn toàn trùng khít với phương Tây. Vấn đề quan trọng ở đây là mô hình chứ không phải thời gian: Quan niệm xưa nay nhắc đến thời kỳ trung đại, trung cổ, người ta thường nghĩ tới một ám ảnh “đêm trường”, nhắc đến nó “là nhắc đến sự thiếu vắng lý tính và khoa học”(2), “là sự ngự trị của Nhà thờ và các tiểu vương quốc phong kiến, ở đó mọi con người đều là tôi tớ của lãnh chúa và chỉ được phép ngẩng lên nhìn vào tượng Thánh chứ không được phép nhìn vào chính mình”(3). Hiển nhiên văn học trung đại, trung cổ cũng bị cái “đêm trường” ấy bao vây, bưng bít. Nói như vậy, không có nghĩa là trong văn học trung đại (kể cả phương Đông, phương Tây) không có lý tính. Ở đây phải phân biệt rõ: lý tính là một phương thức tư duy trong văn học mang tính lịch sử mà ở trên đã nhắc đến. Nghĩa là ở đây hiểu lý tính như là một kiểu tư duy suy lý (theo nghĩa rộng), không đồng nghĩa với lý tính theo nghĩa hẹp. Vậy mỗi thời kỳ lịch sử bao giờ cũng có cái của nó và yêu cầu con người trong thời đại đó phải tư duy theo mẫu hình của cái đó. Trên con đường đi lên của nhân loại, cái trong tư duy ngày càng phát triển cao hơn, ngày càng tiếp cận chân lý của sự vật. Theo đó, tình thần lý tính trong văn học trung đại (trung cổ) về cơ bản gắn với các triết luận siêu hình và những ý niệm thiêng liêng của hệ thống tư duy, của ý thức phong kiến và các tôn giáo. Ở phương Tây là đạo Cơ đốc, ở phương Đông là đạo Phật, đạo Lão, đạo Nho (tam giáo vừa là hệ ý thức vừa là tôn giáo) và các đạo khác. Tinh thần lý tính đó được hiểu như những mệnh lệnh chủ quan, những quyền lực tối cao, tạo ra những kiểu tư duy bị áp đặt, mang tính chất siêu hình, giáo điều chưa đủ năng lực để nhận thức chính xác quy luật của thế giới tự nhiên, xã hội và con người. Đó là loại lý tính quyền uy. Kiểu tư duy bị áp đặt bởi lý tính quyền uy, xét từ góc nhìn quan phương cũng áp đặt cho văn học trung cổ một hệ thống quy tắc, công thức nghệ thuật, những chuẩn mực thẩm mỹ yên tĩnh, cố định mà cả người sáng tác và người phê bình tiếp nhận đều phải tuân thủ trong hoạt động của mình. Đó là cái của nghệ thuật trung đại mà ta thường nói đến như là hệ thống các yếu tố bất biến, khép kín và là hệ thống thống trị chiếm ưu thế trong văn học trung đại. Kiểu tư duy theo lý tính quyền uy trung cổ mặc dầu là một giới hạn của tư duy loài người nhưng vẫn tạo ra những nền văn học trung đại rực rỡ. Xét từ góc nhìn văn hoá, quả thật các nền văn học trung đại đó đã góp phần tạo ra “Các phạm trù văn hoá trung cổ” như là những giá trị văn hoá của nhân loại.

*

* *

Theo nghĩa hẹp, tinh thần lý tính thường gắn chặt với tính khoa học trong tư duy của con người. Theo nghĩa này, thì thời trung cổ (trung đại) quả là có “sự thiếu vắng lý tính”. Chỉ bước sang các thời kỳ sau trung cổ, khi ánh sáng khoa học đã soi rọi vào “đêm trường” của tư duy thì lý tính hiện đại cũng bắt đầu “ngự trị”. Đó là ý nghĩa “khai sáng” của lý tính khoa học với tư duy nghệ thuật cũng như mọi phương diện của đời sống văn học hiện đại.

Thế kỷ XX là bước ngoặt lớn của khoa học. Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học kể từ thế kỷ này đã ảnh hưởng trực tiếp tới sự biến đổi của tư duy con người, làm cho tư duy con người ngày càng tinh vi, chính xác hơn. Ảnh hưởng đó chi phối hầu khắp mọi hoạt động của con người, kể cả văn học nghệ thuật.

Phương Tây vái chào từ biệt đêm tối trung cổ từ giữa thế kỷ XV để bước sang thời đại Phục hưng huy hoàng. Ở Việt Nam, có một sự trùng hợp ngẫu nhiên của lịch sử: mở màn thế kỷ XX, người Việt Nam cũng bước từ phạm trù văn học trung đại sang văn học hiện đại dưới ánh sáng của những thành tựu khoa học hiện đại của loài người. Từ đó, một tinh thần lý tính hiện đại mang tính khoa học trở thành một thuộc tính quan trọng của loại hình văn học hiện đại Việt Nam. Nhưng tinh thần lý tính khoa học của văn học hiện đại không phải là thứ của quý “trên trời rơi xuống” mà đã được chuẩn bị, dự báo ngay từ trong văn học trung đại. Nhiều nhà văn trung đại Việt Nam đã từng dũng cảm, trong những tình huống nhất định, dám “bước qua lời nguyền”, giải thiêng những cấm kỵ, những biên giới của lý tính quyền uy để hướng về phía ánh sáng của lý tính khoa học, tạo ra những yếu tố tiền phong của lý tính khoa học trong tư duy nghệ thuật. Chẳng hạn, cách nhìn nghệ thuật của Nguyễn Du trong Truyện Kiều: từ thế giới của những triết lý siêu hình tiên nghiệm, cái nhìn của ông đã bắt đầu hướng về “những điều trông thấy” và ông phát hiện ra sức mạnh của nghệ thuật từ chính cái thực tại của cuộc sống con người mà ông quan sát, tri giác được bằng “đôi tròng thịt” (từ dùng của Xuân Diệu) của mình, mặc dù trong ông tất nhiên vẫn còn diễn ra cuộc xung đột giữa tư duy lý tính quyền uy, tiên nghiệm với tư duy lý tính thực chứng, khách quan.

Thế kỷ XVIII – XIX không chỉ có Nguyễn Du mà còn nhiều nhà văn khác, cả một thế hệ nhà văn có xu hướng muốn ly khai với thế giới “hình nhi thượng”, thế giới linh thiêng bên trên để trở về với thế giới bên dưới, thế giới thực tại trong thực tiễn cuộc sống của con người để kêu cứu về hạnh phúc trần thế, về cuộc sống trần gian của kiếp người. Cái nhìn so sánh tưởng như đã được kiểm nghiệm qua lý tính thực chứng ở Chinh phụ ngâm (Đặng Trần Côn – Đoàn Thị Điểm): Theo kiếp này hơn thấy kiếp sau, quả thật là một động thái báo hiệu sự chuyển hướng ấy. Hàng loạt tiểu loại của phương thức ghi chép “những điều trông thấy” cũng thể hiện dấu hiệu của một kiểu tư duy lý tính mới: tuỳ bút (Vũ trung tuỳ bút Phạm Đình Hổ), chí (Hoàng Lê nhất thống chí Văn phái họ Ngô Thời), ký sự (Thượng kinh ký sự Lê Hữu Trác), lục (Tang thương ngẫu lục Phạm Đình Hổ)… Đây không chỉ là tư duy thể loại có màu sắc lý tính mới mà các lối ghi chép đó còn được nhà văn lúc ấy ý thức như một thao tác tiền sáng tạo có tính cách thực chứng. Lê Quý Đôn từng viết: “đi đến đâu tôi cũng lưu ý sưu tầm, hỏi han sách vở, có khi tai nghe mắt thấy gì, tôi liền ghi ngay vào, phê phán qua loa rồi cất vào túi riêng” (Tựa Kiến văn tiểu lục). Thế giới nghệ thuật “giải thiêng” của Hồ Xuân Hương là kết quả của một lối tư duy lý tính mới bắt nguồn từ những “kiến văn” – những điều mắt thấy tai nghe giữa đời sống thế tục này. Lý tính quyền uy trung cổ dường như không còn vị trí chiếm ưu thế trong tư duy nghệ thuật của bà. Không thể không nói rằng những động thái sáng tác ấy là dự báo cho một cách thức tư duy lý tính mới trong sáng tác của nhà văn hiện đại sau này.

*

* *

Nhà văn hiện đại ngoài việc tiếp thu các yếu tố dự báo đó, họ được thừa hưởng thành quả khoa học và sự tiến bộ của tư duy loài người trong thế kỷ XX.

So với phương Đông, ở phương Tây khoa học tự nhiên và khoa học kỹ thuật phát triển sớm, do đó con người cũng sớm có điều kiện tự giải phóng mình khỏi sự thống trị của những lực lượng siêu hình để trở thành một thế giới độc lập, để nhìn thế giới bằng một lối tư duy khoa học, chính xác trên tinh thần thực nghiệm. Phương Đông trung đại là sự thống trị của tri thức xã hội học dưới áp lực của hệ ý thức phong kiến. Tư duy con người bị mê tín hoá, luôn luôn tự cảm thấy sự lệ thuộc với đủ mọi thế lực từ bên ngoài. Từ cuối thế kỷ XIX, nhất là đến đầu thế kỷ XX, một nền giáo dục mới của phương Tây tràn vào Việt Nam. Đành rằng nền Tây học này chủ yếu đào tạo công chức cho chế độ thuộc địa, song rõ ràng nó đã đem lại cho chúng ta một cách tư duy mới về thế giới, về chính mình. Những thế hệ nhà văn từ thế kỷ XX đã được tiếp nhận ở những mức độ nhất định thành quả của cuộc đổi mới giáo dục này. Và phần lớn nhà văn hiện đại Việt Nam đều được trang bị những trình độ học vấn khác nhau của nền Tây học, đồng thời với nó sẽ là sự cải biến và sự tiến bộ của tư duy lý tính khoa học trong sáng tác.

Thừa nhận trong văn học hiện đại, việc sáng tác có thể do cả những người mà điều kiện cuộc sống – nhất là cuộc sống thời lệ thuộc – không cấp cho họ một học vấn cao. Nhà văn Phùng Quán có kể lại bài học sáng tác của mình trước khi tác phẩm đầu tay Vượt Côn Đảo ra đời. Với trình độ học vấn chỉ lớp ba, lớp bốn, Phùng Quán tự nhận mình chỉ là một người lính mà “Trong chiến đấu… khi đã cầm súng trong tay thì một chọi mười em cũng không ngán. Nhưng viết truyện thì… thú thật với anh là em run”(4) (Lời Phùng Quán nói với Vũ Tú Nam khi nhà văn này khuyên Phùng Quán viết văn). Phùng Quán bắt đầu đời viết văn bằng hành vi đầu tiên: …” chấm mực nắn nót viết lên đầu trang giấy ba chữ Vượt Côn Đảo, tôi tô đậm ba chữ và viết tiếp ở dưới: Chuyện dài”. Vũ Tú Nam giảng giải cho Phùng Quán: “Không phải chuyện dài mà là truyện dài”. “Người ta kể chuyện, còn nhà văn thì viết truyện”. Phùng Quán tự nhận: “Tôi viết tác phẩm đầu tay mà chưa phân biệt được hai từ chuyện hay truyện(5). Câu chuyện nhỏ của Phùng Quán thực chất là bài học lớn về sáng tác. Nhà văn hiện đại phải là những người có một học vấn nhất định để hiểu biết thế giới một cách khoa học, nhất là khoa học sáng tác. Ở thời Phùng Quán viết Vượt Côn Đảo (1954) đa số dân mình chưa biết chữ còn đi học Bình dân học vụ. Nhưng rồi trình độ học vấn của người đọc đại chúng sẽ dần được nâng cao, được xã hội hoá, nếu nhà văn chỉ dừng lại ở cách tư duy “đại chúng hoá” của những năm bốn mươi, năm mươi thì anh sẽ bị bỏ rơi. Và vì vậy, phương châm “đại chúng hoá” nếu hiểu theo ý nghĩa một nguyên tắc cố định, thì có nghĩa là nó trái với lý tính khoa học, nên giải thích nó theo tinh thần lịch sử để thấy nền văn học hiện đại muốn thu hút được công chúng lớn, bản thân nhà văn phải học tập, phải nâng cao trình độ khoa học của sáng tác để hoà nhịp với bước tiến của văn minh và trình độ học vấn của đại chúng. Một tác phẩm ở những năm năm mươi thế kỷ trước viết theo lối vần vè, chịu ảnh hưởng của dân gian có thể thành một tác phẩm được yêu chuộng (Thăm lúa của Trần Hữu Thung hay Đêm nay Bác không ngủ của Minh Huệ), nhưng ở cuối thế kỷ XX đầu thế kỷ XXI nếu ai vẫn viết theo lối đó sẽ chỉ còn tìm được rất ít độc giả. Bởi người ta cần đọc văn học bằng một kiểu tư duy nghệ thuật của thời đại mới. Giờ đây, biết bao khái niệm lý thuyết văn học truyền thống từ thập kỷ tám mươi của thế kỷ XX trở về trước đã có sự tiến hoá, đã bước những bước dài vào biên giới sâu hơn của khoa học về sáng tạo nghệ thuật. Đó là sự tiến hoá của cách hiểu về “hiện thực”, “phản ánh”, “hình tượng”, về “khách thể” và “chủ thể” của sáng tác, về quan hệ “nội dung – hình thức”, đặc biệt là cách hiểu khái niệm “hình thức” trong nghệ thuật… Giờ đây, thế giới khoa học của sáng tạo văn học nghệ thuật đã mở tới những chân trời mới mà trước đây năm ba thập kỷ nhà văn và người đọc Việt Nam mới chỉ nhìn thấy như một dải sương mù ở trước mặt, tưởng như nó chứa đầy tai ương, độc tố, vừa xa lạ “dị ứng” lại vừa bí ẩn khêu gợi tò mò, khám phá. Trong khi văn học nhân loại đã đặt lên thế giới đó những bước chân hiện thực, thì ta mới bắt đầu thám hiểm. Nhưng cũng chỉ vài ba thập kỷ sau đó, từ cuối thế kỷ XX đến đầu thế kỷ XXI những khái niệm lý thuyết mới mẻ đã đi tới những miền sâu của tư duy sáng tác và tiếp nhận của nhà văn, nhà phê bình và một thế hệ người đọc mới của văn học hiện đại. Chẳng hạn: “dòng ý thức”, “tự sự học”, “ký hiệu”, “phi lý”, “vô thức”…, những khái niệm đang trở thành những yếu tố kích thích, hướng dẫn những bước đi mới trong tiến trình văn học hiện đại.

Công việc sáng tác, ngoài những năng lực bẩm sinh do những tố chất đặc biệt của tâm hồn và tình cảm, rõ ràng nhà văn hiện đại còn cần một tư duy lý tính đầy tinh thần khoa học để phát hiện bản chất của hiện thực và quy luật của thế giới. Một trình độ tư duy như vậy rõ ràng “phải học”. Nhiều nhà văn mặc cảm với khái niệm này, họ cho rằng không ai có thể “dạy” cho nhà văn sáng tác, một số nhà văn vài chục năm trước còn đề nghị giải tán trường viết văn Nguyễn Du. Có người bảo: Thơ cao hơn mọi hiểu biết về thơ. Thực ra đó chỉ là một cách nói, một cách quan niệm mà thường khi các nhà văn vẫn hay “vót nhọn” vấn đề để nhấn mạnh một phương diện nào đó thôi. Còn trong ý thức và hành động của họ nhà văn không bao giờ xa lánh chuyện học. Có điều học như thế nào? Họ khác với nhà văn trung đại ở chỗ: nhà văn trung đại ngồi ở trường học để học công thức sáng tác, quy tắc nghệ thuật, học người xưa, ngày xưa viết gì, học thuộc điển cố, điển tích để mô phỏng, để tập theo trong sáng tác của mình. Còn nhà văn hiện đại học ở trường, học trong sách, học ở thực tế… để hiểu biết đặc trưng của nghệ thuật, để có tư duy sáng tạo vượt thoát những gì đã có, đã được giải quyết một phần hay tất cả…

Khái niệm “đi thực tế”, “nghiên cứu thực tế” một cách có ý thức là một nhu cầu tự thân của nhà văn hiện đại. Tô Hoài kể lại trong hồi ký Chiều chiều những chuyến đi thực tế vừa gian khổ vừa lý thú, bổ ích của các nhà văn. Nhà văn hiện đại đi thực tế, thực chất là họ đang khảo sát thế giới một cách tỉ mỷ, chính xác như thao tác của nhà khoa học khi nghiên cứu đối tượng của mình. Chẳng có nhà văn hiện đại nào không có “sổ tay nhà văn”, có người hàng chục cuốn, trong đó là những ghi chép về các hiện tượng đời sống. Đó là cứ liệu cho các thao tác tiếp theo: đối chiếu, lựa chọn, phân loại sự kiện, hiện tượng để chọn chi tiết quan trọng chuẩn bị đi tới hành động sáng tạo. Đó là những thao tác có sự tham gia của lý tính khoa học.

Nhu cầu học tập trong các nhà trường cũng là nhu cầu thiết thân của nhà văn. Do nhiều điều kiện, “có người muốn cũng không được”(6). Tô Hoài nhận ra rằng “tự mình cả đời làm theo, thấy ra, nhận thức, phân tích đều lờ mờ sai đúng, đúng sai mù mịt. Tôi thật sự thèm được trình độ hệ thống hoá về lý luận và vận dụng được sự liện hệ và sáng tạo”(7).

Một ý kiến như vậy cũng đủ cho thấy vai trò của khoa học và lý luận quan trọng thế nào với sáng tác. Tuy thế, ở nhà văn, từ tri thức của các lý thuyết triết học, mỹ học, nghệ thuật học phải trở thành một phẩm chất, một thuộc tính của tư duy khoa học trong thao tác sáng tạo thực tế mới có hiệu quả. Nhà văn hiện đại không thể vận dụng các lý thuyết khoa học sáng tác một cách sống sít, máy móc theo kiểu rập khuôn của tư duy văn học trung đại. Lý thuyết sáng tác cần phải được tự giác tan thấm vào phẩm chất và tài năng nghệ sỹ của nhà văn. Nói như một nhà lý luận của chủ nghĩa trực giác phương Tây, Benedetto Croce cho rằng tư tưởng, lý tính của khoa học sáng tác trong văn học phải được chuyển hoá thành ý tưởng và cách tư duy nghệ thuật của nhà văn kiểu như “viên đường đã hoà tan trong cốc nước, trong từng giọt, đường vẫn tồn tại và gây tác dụng, nhưng không tìm đâu ra viên đường nữa”(8). Văn học giai đoạn 1945-1975 thực ra không ít hiện tượng rập khuôn điển hình, thực hiện máy móc những phương châm, nguyên tắc sáng tác trong đường lối văn nghệ cách mạng, trong khi các văn bản đường lối này luôn luôn yêu cầu sáng tạo. Tình trạng đó dẫn tới sự trở về với tinh thần lý tính quyền uy, rập khuôn, giáo điều của văn học trung đại, nghĩa là một dạng lý tính đánh rơi tính khoa học của tư duy.

Các thao tác sáng tạo của nhà văn hiện đại như điển hình hoá, vận dụng phép tư duy chính xác của các khoa học khác để định lượng hoá, định tính hoá sự vật, hiện tượng, sắp xếp cấu trúc tác phẩm theo hệ thống, theo đề cương … đều là những thao tác sáng tạo có tính khoa học. Tuy vậy, cũng có người phản đối việc lập đề cương sáng tác bởi họ cho rằng có nhiều trường hợp nhà văn sáng tác trong tình trạng vô thức. Quả có hiện tượng như vậy. Nhưng cả trong những tình huống “cuốn theo chiều gió”như thế, thực chất cũng phản ánh một quy luật nào đó của thế giới khách quan hoặc thế giới nội tâm của con người mà nhà văn ý thức được như một “đề cương” bên trong, một nhu cầu bên trong, một “dòng ý thức” nào đó. Không có ý thức về sự “vô thức” này, hành vi sáng tạo hiển nhiên lại lý khai với tính khoa học và tinh thần lý tính của văn học hiện đại.

*

* *

Hiệu ứng của tư duy lý tính ở văn học trung đại cũng khác với văn học hiện đại. Do đặc trưng của kiểu tư duy lý tính trung đại như trên đã nói, hình tượng văn học trung đại chủ yếu khái quát những triết lý đã được định hình và đã thành lý thuyết sống, tồn tại của con người trong các xã hội trung đại. Những triết lý nhân sinh “tam cương ngũ thường”, “trung hiếu tiết nghĩa”, “tứ đức tam tòng”… có mặt trong các hình tượng trượng phu, tiết phụ một thời. Triết lý về quan hệ giữa thiên – địa – nhân hiển hiện rõ ràng trong kiểu tư duy con người – vũ trụ. Triết lý về tôn ti trật tự phong kiến chi phối thứ bậc rõ ràng đến cả sự phận loại con người: loại và vô loại. Được phân loại là những “trang”, “đấng”, “bậc” với những quân vương, hào kiệt, quân tử, anh hùng, giai nhân, tài tử… Thảy còn lại là lớp người bình dân, lao động, “dưới đáy” là tiểu nhân, là “vô loại”…

Tính triết lý trong hình tượng văn học hiện đại biểu trưng cho một kiểu tư duy lý tính khoa học hướng vào việc phát hiện bản chất và quy luật của các mối quan hệ trong thế giới hiện thực, hướng về việc dự báo cho con người một tương lai có thể hình dung được bằng phán đoán khoa học chứ không phải là những giấc mơ không tưởng. Cho nên, chủ nghĩa hiện thực thường được quan niệm như là sản phẩm chỉ xuất hiện trong văn học hiện đại. Đó là một quan niệm đúng nếu đứng từ góc độ nó nhìn hiện thực bằng kiểu tư duy lý tính khoa học. Luận đề có tính cách nguyên lý “văn học phản ánh hiện thực” với nhà văn hiện đại không chỉ là thao tác miêu tả, minh hoạ lại hiện thực. Nếu chỉ dừng ở đó là dừng lại ở tư duy hiện thực cấp thấp, thậm chí là tư duy bắt chước, copy. Nhà văn hiện đại luôn có nhu cầu vươn khỏi bề mặt miêu tả của hình tượng để hướng tới tư duy phân tích, lý giải, phát hiện quy luật của hiện thực. Từ đó gửi vào hình tượng những khát vọng, những dự báo về tương lai, có khi chỉ gián tiếp nhưng rõ ràng là sản phẩm của một thứ tư duy lý tính khoa học. Chẳng hạn mọi hình tượng bi kịch con người bị tha hoá trong tác phẩm Nam Cao trước cách mạng. Nhà văn này không chỉ có nhiệt tình tố cáo xã hội qua sự miêu tả. Chiều sâu của hình tượng khái quát một quy luật của hiện thực: hoàn cảnh xã hội vô nhân đạo khởi động, kích thích, thúc đẩy quá trình tha hoá của con người và trong hoàn cảnh đó con người tự tha hoá. Vậy thì “bị cáo” của hiểm hoạ tha hoá giáng xuống con người là hoàn cảnh xã hội vô nhân đạo và cả những lầm lỗi “ngu dốt” của chính con người. Con người phải chịu trách nhiệm một phần về bi kịch tha hoá của mình. Đó là triết lý sâu sắc về thực tại và cảnh báo sự đe doạ tương lai của con người nếu không giải thể được môi trường xã hội thù địch với con người.

Ở Vũ Trọng Phụng cũng vậy. Sau khi phát một cái nhìn gần gũi với nhiều nhà văn hiện thực Pháp và phương Tây thế kỷ XIX, nhìn con người trong sự sụp đổ nhân tính dưới sức mạnh tha hóa của kinh tế thị trường (Balzac, Stendhal, Flaubert…), nhà văn hiện đại Việt Nam không chỉ dừng lại ở sự phân tích, miêu tả đầy đủ sự xuống dốc của con người mà còn đi tới một khái quát tận cùng quy luật của sự xuống dốc đó để cảnh báo với người đọc nguy cơ của con người trong các thời đại tiếp sau. Rõ ràng, qua tác phẩm Vũ Trọng Phụng vỡ ra một cái nhìn của lý tính khoa học, phát hiện vấn đề lớn lao của sự tồn tại và phát triển của chất người văn hoá: Phải làm tiêu ma cái hoàn cảnh xã hội đã xô đẩy con người trượt xuống dốc đứng của sự tha hoá nhân tính.

Văn học hiện đại có thể sử dụng các chất liệu và thao tác của kiểu tư duy hồn nhiên dân gian và tư duy khuôn mẫu của văn học trung đại để miêu tả thế giới hiện đại. Nhưng tất cả các phương tiện này đều phải được nhà văn hiện đại xử lý, vận dụng trong tư duy hệ thống, biến chúng thành những yếu tố trong một chỉnh thể nghệ thuật thấm nhuần tinh thần lý tính hiện đại. Chúng là phương tiện nghệ thuật, không phải là cứu cánh của nghệ thuật hiện đại. Tinh thần lý tính khoa học chỉ đạo mọi thao tác, có mặt trong mọi phương diện hoạt động sáng tác của văn học hiện đại.

Nhà văn hiện đại chân chính, suốt một đời sáng tạo mang một khát vọng lớn là bằng tư duy nghệ thuật của mình xây dựng những hình tượng nghệ thuật có ý nghĩa khám phá bản chất của hiện thực, sự thật của đời người, chân lý và quy luật của cuộc sống. Sáng tạo nghệ thuật của họ phải đi đến tận cùng cái chân ấy, mới mở ra được biên giới vĩnh hằng của cái thiện và cái mỹ. Chẳng có cái thiện, cái mỹ chân chính nào lại nảy nở trên một “hình tượng” nguỵ chân lý. Để đạt tới khát vọng sáng tạo cao đẹp đó, mang lại những tác phẩm có giá trị đỉnh cao phụng sự dân tộc, nhân dân và tiến bộ xã hội, nhà văn hiện đại rất muốn tìm thấy ở tinh thần lý tính khoa học một chỗ dựa vững chắc của tư duy nghệ thuật. Lý tính quyền uy dù là trong văn học trung cổ hay quán tính của nó trong văn học hiện đại đều tạo ra những hiện tượng văn học yên tĩnh và bảo thủ. Lý tính khoa học luôn tạo ra sức mạnh của sáng tạo và tính năng động nghệ thuật của văn học hiện đại. Ý thức này tạo ở nhà văn sự chân tín, chỉ tin vào sự thật cuộc đời, chân lý của hiện thực và quy luật của lịch sử. Nhà văn hiện đại chân chính vì vậy chối bỏ sự mê tín, cuồng tín và nhất là ngụy tín thường được ngụy trang, che chở và nương nhờ vào một vài mệnh đề lý tính quyền uy nào đó. Đó thực sự là một lập trường xã hội – thẩm mỹ mang tinh thần lý tính khoa học. Nó là tài năng, là ý chí của người nghệ sỹ nhưng nó cũng gợn lên những dự cảm thách thức với nghệ sỹ bởi vì trong xã hội hiện đại ngày nay còn tồn tại nhiều giá trị giả, nhiều sự mạo danh mà chúng lại thường là những thế lực nguy hiểm, kể cả thế lực của đồng tiền trong xã hội thị trường khi nó đã trở thành một sức mạnh tha hóa. Trong hoàn cảnh đó, sự chân tín có được từ lý tính khoa học là hòn đá thử vàng đối với nhân cách văn hoá của nhà văn hiện đại.

*

* *

Cách nay vài chục năm, khi xuất hiện những tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp với sự đổi mới của tư duy nghệ thuật, lập tức cũng nổ ra những cuộc tranh luận trong người đọc. Nhất là với những tác phẩm có mặt một số nhân vật và sự kiện lịch sử, tranh luận lại càng gay gắt. Một trong những nguyên nhân của những tranh luận không ai chịu ai này là do người ta thoát ly tinh thần lý tính của văn học hiện đại. Trong đó, đặc biệt không quan tâm tới đặc tính loại hình tư duy của các loại hoạt động tinh thần khác nhau trong xã hội hiện đại. Cho nên, một phía thì dựa hoàn toàn vào đặc tính loại hình của kiểu tư duy nghệ thuật để ghi nhận sáng tạo của Nguyễn Huy Thiệp. Phía bên kia lại xuất phát từ kiểu tư duy sử học hoặc xã hội học để phán xét nhà văn là xuyên tạc lịch sử, xúc phạm anh hùng lịch sử dân tộc. Có vẻ như phía nào cũng có cái “” của mình. Nhưng giờ đây, bình tĩnh để nghỉ lại thì kể cũng dễ hiểu: phía phê phán Nguyễn Huy Thiệp đã sử dụng cái “” của loại hình hoạt động tinh thần ngoài nghệ thuật (sử học, xã hội học…) và biến nó thành một thứ lý tính quyền uy hiện đại để đánh vào cái “” của một loại hình hoạt động tinh thần khác: hoạt động nghệ thuật. Tinh thần lý tính khoa học trong hoạt động nghệ thuật yêu cầu người đọc phải “đọc văn học như đọc một nghệ thuật” chứ không phải đọc như đọc một công trình sử học hay xã hội học. Tinh thần này xuất phát từ một quan điểm khoa học quan trọng của Marx mà nhiều trong số chúng ta vô tình hay cố ý “bỏ quên”: Marx nói: “Sẽ hoàn toàn không đúng nếu lấy một loại hình nào đó làm thước đo, tiêu chuẩn, môi trường của tất cả các loại hình khác(9). Và do đó – vẫn theo ý của Marx – không thể bắt một loại hình này “phải từ bỏ chính mình” và chỉ được phép làm “chư hầu(10) cho một loại hình nào đó được.

Như vậy là quá rõ. Việc đem kiểu tư duy lý tính của loại hình hoạt động này biến thành lý tính quyền uy, áp đặt cho loại hình hoạt động khác là hết sức nguy hiểm. Nó kéo lùi hoạt động tư duy hiện đại của con người đáng lẽ phải chuyên biệt hóa trên từng đối tượng trở về với kiểu tư duy bảo thủ, giáo điều, tư duy “nói chung”, tư duy “…cả nắm”, cũng có nghĩa là kéo lùi bước tiến của xã hội.

Chỉ có điều, giá như thời đó cả hai phía tranh luận đều tìm thấy một “tính cộng đồng nhất định” giữa hai kiểu tư duy của hai loại hoạt động có chức phận loại hình khác nhau thì có phải đã dẫn đến một sự hòa thỏa để vinh danh sáng tạo nghệ thuật, như là vinh danh đối với những giá trị con người.

Trong hướng suy nghĩ đó, khi xét quan hệ giữa hiện thực xã hội với văn học nghệ thuật, cũng có không ít người không tính đến tính độc lập tương đối của văn học nghệ thuật. Nguyên lý văn học phản ánh hiện thực là một nguyên lý biện chứng không phải là cái lý của quyền uy giáo điều. Không phải cứ xã hội thế nào thì văn học phải thế ấy. Chính Marx đã khẳng định tính độc lập tương đối của văn học nghệ thuật khi cho rằng: “Đối với nghệ thuật…những thời kỳ hưng thịnh nhất định của nghệ thuật hoàn toàn không tương ứng với sự phát triển chung của xã hội(11). Marx lấy dẫn chứng từ văn học cổ đại Hy Lạp. Chúng ta có thể dẫn chứng thêm: Tây Ban Nha thế kỷ XVII suy sụp kinh tế, khủng hoảng xã hội triền miên lại sản sinh một Cervantes vĩ đại với Đôn Kihôtê làm rạng rỡ văn hóa nước này. Nước Nga cuối thế kỷ XIX đứng trước sự sụp đổ của đế chế Nga hoàng lại xuất hiện cả một nền văn học dân chủ Nga vào loại vĩ đại nhất của văn học nhân loại. Việt Nam cuối thế kỷ XVIII – đầu thế kỷ XIX: khủng hoảng xã hội phong kiến, đất nước chia cắt, dân tộc khốn cùng, nhân dân ly tán lại sản sinh một thời kỳ văn học rực rỡ nhất trong lịch sử văn học dân tộc.

Hóa ra, theo ý Marx: Văn học nghệ thuật có con đường phát triển tương đối độc lập với lịch sử xã hội nói chung. Do đó, đối với văn học nghệ thuật, nhất là với văn học hiện đại, loại hình tư duy lý tính của nó mang tính khoa học cũng có nghĩa là một sự tiến bộ của nền văn học nói chung, trong khi ta không thể nói được thơ Xuân Diệu tiến bộ hơn, cao hơn thơ Xuân Hương hay Nguyễn Du về mặt nghệ thuật.

Chú thích:

(1), (2), (3). Dẫn theo Nguyễn Huệ Chi, Mấy đặc trưng loại biệt của văn học Việt Nam từ thế kỷ X đến hết thế kỷ XIX, Tạp chí Văn học, số 05/2003

(4). Phùng Quán, Tôi đã trở thành nhà văn như thế nào?, NXB Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2007, tr 118.

(5). Phùng Quán, Sđd, tr 119.

(6), (7). Tô Hoài, Chiều chiều, NXB Hội Nhà văn, H. 1999, tr 117.

(8). Dẫn theo Phương Lựu, Tìm hiểu lý luận văn học phương Tây hiện đại, NXB Văn học, H. 1995, tr 18.

(9), (10), C. Marx trong sách Về văn học nghệ thuật – NXB Sự thật, H.1977 – Tr.63.

(11). C. Marx – Sđd – tr.33.