Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

THẢO LUẬN VỀ DỊCH THUẬT (8): Nam Trân dịch Boris Polevoi

Phạm Xuân Nguyên
Đó là bản dịch tác phẩm “Người xô viết chúng tôi” xuất bản lần đầu năm 1961, tái bản lần thứ nhất 1977, cả hai lần đều ở Nhà xuất bản Văn Học. Nam Trân đứng tên dịch giả cùng với Vũ Ngọc Phan, Lê Anh Trà, Giang Tấn, Nguyễn Văn Khỏa, Chu Xuân Diên, nhưng có thể thấy Nam Trân là một trong hai dịch giả chính của tác phẩm này, người kia là Lê Anh Trà. Cụ thể: trong tổng số 25 truyện của tập sách, Vũ Ngọc Phan dịch 4 truyện, Nam Trân dịch 2 truyện, Nguyễn Văn Khỏa, Lê Anh Trà, Giang Tấn và Chu Xuân Diên, mỗi người dịch 1 truyện, cộng là 10 truyện. Còn lại 15 truyện do Nam Trân dịch chung cùng với Lê Anh Trà và Giang Tấn, trong đó Nam Trân và Giang Tấn dịch 1 truyện[1], Nam Trân và Lê Anh Trà dịch 14 truyện. Ở những truyện dịch chung này tên Nam Trân được đặt trước tên Giang Tấn, Lê Anh Trà ở phần người dịch, theo đó thì có nghĩa là Nam Trân là người dịch chủ yếu các truyện này. Như vậy, có thể nói rằng Nam Trân đã dịch 17 truyện trong tổng số 25 truyện của tác phẩm “Người xô viết chúng tôi”, tức là 2/3 cuốn sách. Và như thế cũng có thể nói Nam Trân là dịch giả chính của tác phẩm này.
Bản dịch tiếng Việt được dịch từ bản Pháp văn “Nous Autres Soviétiques” của Nhà xuất bản Ngoại văn Moskva năm 1949, có tham khảo bản Trung văn “Ngã môn thị xô viết nhân” của Nhà xuất bản Văn Quang thư điếm Thượng Hải năm 1964. Điều này cho phép phỏng đoán (vì tôi chưa có điều kiện tiếp xúc với những người còn sống trong số sáu dịch giả ở đây hay với những người xuất bản hồi ấy để biết chắc quá trình cuốn sách được dịch thế nào) khi tác phẩm này của B. Polevoi được đưa ra dịch thì Nam Trân đã được giao trách nhiệm chính nhờ vào khả năng Pháp văn và Hán văn của ông. Chúng ta biết, mấy chục năm trước việc dịch và giới thiệu văn học Xô viết là một trách nhiệm lớn lao và được tiến hành rất cẩn thận, kỹ lưỡng. Nhất là các sách dịch in vào những dịp kỷ niệm lớn của Liên Xô như dịp cách mạng tháng Mười. Theo lời nói đầu của Nhà xuất bản Văn Học ở bản in 1977 thì “Người xô viết chúng tôi” đã được nxb tổ chức dịch trọn cả tập và xuất bản thành hai quyển vào năm 1961. Sách tái bản năm 1977 là để chào mừng 60 năm cách mạng Tháng Mười Nga, nó “căn bản vẫn dựa theo các bản dịch đã xuất bản năm 1961, tuy nhiên cũng đính chính lại một số chỗ chưa thực chính xác và thay đổi một số phiên âm tên riêng cho phù hợp với cách phiên âm mới thông dụng hiện nay”. Như vậy, năm 1961 bản dịch “Người xô viết chúng tôi” của nhóm Nam Trân đã ra thành sách. Mà để năm 1961 sách đã ra được thì công việc dịch thuật của Nam Trân và các đồng nghiệp của ông đã phải tiến hành từ trước đó. Chúng ta nhớ rằng năm 1960 “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh lần đầu tiên được công bố qua bản dịch chữ Hán của Nam Trân, ông được giao chủ trì chính việc dịch thuật tác phẩm quan trọng này. Có nghĩa, cùng trong một khoảng thời gian, Nam Trân đã dịch cả “Nhật ký trong tù” và “Người xô viết chúng tôi”, phải vậy chăng. Bản dịch “Nhật ký trong tù” đạt giá trị tư tưởng và thẩm mỹ thế nào thì sức sống của nó gần nửa thế kỷ qua đã chứng tỏ thuyết phục. Còn bản dịch “Người xô viết chúng tôi” cũng là một dịch phẩm có giá trị.
“Người xô viết chúng tôi” là một tập truyện ký, hay như cách gọi của tác giả đó là “tập truyện sống” (récits vécus), ca ngợi tính cách Nga của những con người xô viết trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại (1941 – 1945). Cuốn sách ra đời năm 1948 và cùng năm đó được trao giải thưởng Stalin. Bản tiếng Pháp do Nhà xuất bản Ngoại văn Moskva in năm 1949 so với bản gốc tiếng Nga có bổ sung ba truyện nhà văn viết thêm sau khi cuốn sách được trao giải. Bản dịch tiếng Việt dịch đầy đủ các truyện và sắp xếp theo đúng thứ tự của bản tiếng Pháp.
B. Polevoi (1908 – 1981) viết “Người xô viết chúng tôi” từ kinh nghiệm thực tế chiến tranh ông đã trải qua khi làm phóng viên mặt trận. Lối viết của B. Polevoi ở tác phẩm này là lối kể chuyện, chú trọng vào sự kiện, hành động, và kể bằng một giọng điệu nhiều cảm xúc, trữ tình. Nam Trân và nhóm dịch của ông khi dịch đã thể hiện được chân thực nội dung tư tưởng và diễn đạt sinh động tinh thần văn phong đó của nhà văn xô viết. Có thể nói thành công nhất ở bản dịch tiếng Việt này là đã chuyển được cái hơi văn kể chuyện tự nhiên, sống động của tác phẩm, làm cho các câu truyện trở nên gần gũi, quen thuộc đối với người đọc Việt Nam. Ngay ở truyện đầu tập “Ngày cuối cùng của cụ Mát-vê Cu-dơ-min” do Nam Trân dịch đã thấy rõ điều này. Tả một ông già trầm lặng, bị dân làng cho là kẻ ghét đời, dịch được thế này là hay: “Con người đã sống riêng rẽ tẻ lạnh, chẳng nói chẳng rằng mà lại ưa đi lang thang trong núi rừng, thì ai còn biết con người ấy có những ý nghĩ thầm kín gì”. Câu văn dịch hoạt như chính văn Việt. Hay như ở truyện “Đêm Nô-en” cũng do chính Nam Trân dịch, tôi dám chắc là bản dịch đã làm cho nguyên tác vốn đã có sự bất ngờ, cảm động càng thêm bất ngờ, cảm động bởi lời văn dịch đã lột tả sinh động tâm trạng và cảm xúc của các nhân vật. Truyện làm lời một chiến sĩ hoạt động bí mật trong lòng địch kể về một người đồng hương thợ mỏ đã tìm cách ở lại vùng địch chiếm để tìm cách phá tan hầm mỏ không cho kẻ thù sử dụng. Đây là đoạn tả nhân vật người thợ mỏ trước chiến tranh qua cảnh anh ta và người kể chuyện từ thủ đô trở về nhà sau khi cả hai dự đại hội tuyên dương anh hùng chiến sĩ thi đua: “Chúng tôi đi chung một chuyến tàu, ngồi chung một toa. Ngồi với nhau suốt hai mươi bốn tiếng đồng hồ, thế mà nói chuyện chẳng thoải mái chút nào! Anh quay mặt đi và huýt sáo làm cho tôi chán vô cùng. Tôi bước sang toa khác, cùng ngồi với cánh mình, cảm thấy dễ chịu hơn. Tính tôi ưa những người chân thật, làm lụng giỏi, có rượu cũng biết uống vài cốc, biết thảo luận, biết học hỏi quần chúng, có dịp hát thì hát lên. Còn như anh ấy thì chịu thôi. Thử hỏi mới đi thăm thủ đô về, mới được chính tay chủ tịch Ca-li-nin gắn Huân chương Cờ đỏ thì sao trên môi không thấy thoáng một nụ cười? Chuyện nào có ra chuyện, chỉ vẻn vẹn vài câu về giống lê giống liếc gì đó thôi”. Truyền tải được một giọng điệu kể như vậy trong một câu chuyện mà người kể chuyện cố tình đánh lạc hướng người nghe để gây bất ngờ và tạo sự thán phục đối với nhân vật chính thì quả là một thách thức cho người dịch. Đọc hết truyện này thấy Nam Trân đã làm chủ được cách dịch của mình, ông rất tung tẩy câu chữ cho người kể chuyện, và nhờ đó hiệu ứng đọc truyện được tăng lên.
Có thể thấy Nam Trân dịch rất thận trọng, kỹ lưỡng. Ông biết lựa chọn từ ngữ cho hợp văn cảnh truyện. Ở truyện “Đêm No-en” (La nuit de Noel) nói về một người thầy thuốc trong vùng tạm chiếm tìm cách chứng nhận cho các ông già thợ mỏ kém sức khỏe để bất hợp tác với quân Đức, câu tiếng Pháp: un brave homme de médecin, ông dịch là “một người y sĩ bụng dạ rất tốt” thì đúng là một kiểu nói dân dã, hợp với không khí truyện. Nếu dịch là “một người y sĩ tử tế” thì lại chỉ mới đúng từ mà chưa hết nghĩa. Hay ở truyện “Số báo Sự Thật” (Un numéro de la Pravda) ông dịch cùng Lê Anh Trà, người bố đang kể truyện mà cậu con cứ xen vào, những lời đối đáp của hai bố con được ông chuyển ngữ rất tự nhiên, sinh động. Đặc biệt là câu kết truyện người bố nói với đứa con khi cậu tỏ ý hoài nghi chuyện kể của bố, cho là “những chuyện không đâu vào đâu” (Des contes de commères). Bản tiếng Pháp: – “Quoi? Tu diras peut-être que c’est pas ca? Hein? Des “contes de commères… S’agit tout de même de les comprendre, ces contes-là, monsieur du Hérisson”. Bản tiếng Việt: – “Thế nào? Chẳng thực đấy ư? Đâu có phải là những “chuyện không đâu vào đâu”. Phải hiểu tất cả những câu chuyện ấy, ông bạn nhỏ khó bảo ạ !”. “Monsieur du Hérisson” = Ông bạn nhỏ khó bảo”: rõ ra lời người bố dạy con nhưng đầy yêu thương, thân mật. Tuy có tham khảo bản Trung văn, nhưng bản dịch chủ yếu là từ Pháp văn nên lời văn có sự rõ ràng, mạch lạc của văn phạm phương Tây, chứ không bị pha vào những cách diễn đạt của lối văn Tàu.
Nam Trân dịch văn đối thoại, văn tả người đã khéo, mà dịch văn tả cảnh cũng rất linh động. Đoạn mở đầu truyện “Pan Ti-u-khin và Pan Tê-lê-i-ép” (Pan Tioukhine et Pan Téléiev) đọc lên thật thích vì như thấy cảnh mở ra trước mắt trong những lời văn dịch có hình khối, màu sắc. Đây, ta hãy thưởng thức và đối chiếu đoạn văn đó: “Về mùa thu, ở vùng núi Cát-pát, thời tiết đôi khi có những biểu hiện như sau: mặt trời tỏa ánh nắng rực rỡ, không khí mát mẻ, trong sáng đến nỗi đứng trên một đỉnh cao có thể nhìn bao quát được vùng xung quanh xa tới khoảng ba mươi cây số, và tưởng như chỉ cần với tay là sờ tới ngọn núi bên cạnh có rừng bao phủ rậm rạp như một tấm áo khoác nhiều màu: dưới chân thì đỏ rực như lửa, ngang sườn thì vàng óng và trên ngọn thì loăn xoăn một màu xanh lục. Những dây tơ hồng óng ánh bay vật vờ trên khoảng trời xanh trong trẻo. Từng đàn sếu bay thành hình mũi tên, di cư về phương nam; chúng bay rất cao, mắt người không thể nhìn thấy rõ; chỉ văng vẳng nghe tiếng kêu quàng quạc giống như tiếng một chiếc xe song mã Ba-lan đang chạy. Vạn vật sáng chói lên trong bầu không khí mát mẻ im lặng, thấy bốc lên những làn hơi ôn hòa của một tiết thu tươi tốt. Rồi bỗng nhiên gió tây bắc nổi lên dữ dội; trong chớp mắt, gió cuốn từ dưới khe núi lên một lớp sương mù dày đặc, kéo những đám mây thấp và lạnh tới bao phủ bầu trời, khoác lên những ngọn núi gần và xa những sương mù màu xám xỉn, thế rồi gió thổi tạt qua đèo qua núi, quét những con đường núi, rắc xuống một làn mưa bụi lăn tăn, thổi bay tứ tung những đống lá vàng và đỏ thẫm”. “Fils de la Vierge” từ điển ghi là “tơ nhện bay” được dịch là «những dây tơ hồng” thì không đúng hẳn, có thể không hợp với cảnh núi rừng châu Âu, nhưng khiến người đọc Việt Nam thấy nên thơ, gần gũi. Câu tả đàn sếu bay về nam có từ “triangle” chỉ đội hình bay của loài chim này, nếu dịch là “những đàn sếu bay theo hình tam giác” thì thật thà quá, còn dịch như Nam Trân “từng đàn sếu bay thành hình mũi tên” thì vừa sát hợp vừa hay. Còn “semant une fine poussière d’eau” dịch thành “rắc xuống một làn mưa bụi lăn tăn” thì rõ là của một tâm hồn nhà thơ, chứ còn nếu dịch là “làn nước li ti” thì chỉ là anh thợ dịch mot à mot thôi.
Nam Trân là một nhà thơ, ông còn là một dịch giả. Dịch tiếng Hán và là dịch thơ thì có thể nói là sở trường của ông vì ông vốn xuất thân từ nền Hán học từ chương. Nhưng ông còn làm bất ngờ chúng ta với bản dịch Pháp văn tác phẩm văn xuôi của một nhà văn xô viết. Thế hệ ông, ba nguyên tắc Tín – Đạt Nhã của việc dịch thuật rất được đề cao, coi trọng, và tuân thủ nghiêm ngặt. Đọc «Người xô viết chúng tôi» để ghi nhận thêm một công lao, một đóng góp của ông và nhóm dịch về mặt dịch thuật từ một ngôn ngữ phương Tây. Cuốn “Nous Autres Soviétiques” trong thư viện Viện Văn Học chắc hẳn là bản Nam Trân đã dùng để dịch. Thí dụ như ở truyện “Nấm mồ người chiến sĩ vô danh” (La tombe du soldat inconnu) đoạn trước đang nói mùa hè (été) nhưng đến đoạn sau lại bỗng nói mùa xuân (printemps), Nam Trân đã thận trọng ghi ra bên lề từ “été” thay cho “printemps” và đã không dịch từ đó trong vế câu “la nui constellée du printemps” mà dịch thành “một đêm đầy sao”. Vẫn còn đó nét bút ông đánh dấu bên lề, gạch chân hay khoanh lại những đoạn câu như để nghiền ngẫm tìm cách dịch sao cho vừa đúng vừa thoát. Vẫn còn đây những trang truyện Nga ông chuyển sang tiếng Việt đọc thấy thanh thoát, nhuần nhị.
Kỷ niệm ông hôm nay, với tôi, kinh nghiệm dịch thuật ông để lại, cả từ tiếng Hán và tiếng Pháp, là có ích cho tôi học hỏi.
Tác giả gửi Văn Việt.
[1] Ở bản in 1977, truyện “Trên đường chiến tranh” cuối truyện đề là Nam Trân và Giang Tấn dịch, nhưng trong mục lục lại đề là Nam Trân và Lê Anh Trà dịch. Tôi cho là lời đề cuối truyện là đúng, còn ở mục lục có thể khi đề lại người dịch do vì liên tiếp xuất hiện cụm từ “Nam Trân và Lê Anh Trà dịch” nên người ta sơ suất, quen tay đề cả như vậy vào truyện “Trên đường chiến tranh”.