Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 28 tháng 6, 2014

Dự phiên phúc thẩm Trương Duy Nhất – Ghi chép

Trần Kỳ Trung

Ảnh chụp qua màn hình

Nguyên (1) điện cho mình: “Ra sớm nhé! Trước 6g30, Phượng đã xin được cho ông và tôi cùng anh Lợi (2) vào dự phiên phúc thẩm của Nhất rồi.” Thế là hôm trước vội chuẩn bị áo quần cho tươm tất, làm hết mọi việc vợ nhờ, rồi để sáng hôm sau, mới bảnh mắt mình phóng ô tô ra Đà Nẵng.

Đến trước cổng tòa Phúc thẩm, mình thấy Phượng, vợ của Nhất cùng con gái và luật sư Trần Vũ Hải đã đứng chờ. Ở đây mình gặp Nguyên cùng anh Lợi. Người dự cũng không đông, chỉ lèo tèo vài mống, việc này mình không ngạc nhiên. Đang mùa World Cup, thức cả đêm, còn sức đâu mà đến dự. Lại có người nói, y án, đến làm gì! Mình không hiểu họ lấy tin này ở đâu hay từ vụ án Phạm Viết Đào rồi suy diễn. Có một điều giống phiên sơ thẩm lần trước, là đông công an quá, công an ngồi trong quán cà phê, dọc ngã tư, cạnh hàng rào tòa phúc thẩm… Mình nghĩ có cần đông công an thế không khi chỉ xử một mình Trương Duy Nhất, mà tội trạng của Nhất chỉ là cái tội: “dám nói”, một cái tội không động đến lông chân của một ai đó, nếu như người đó không muốn nghe.

Qua cổng vào tòa án, y như qua cửa kiểm tra an ninh sân bay. Máy ảnh, điện thoại, máy ghi âm… phải bỏ lại, trình chứng minh thư cho người gác cổng xem có đúng họ tên với họ tên đã đăng ký xin vào dự không? Rồi qua cửa kiểm tra an ninh, nếu nghi ngờ có mang vật lạ, một người công an nữa sẽ đến kiểm tra. Đây là lần đầu tiên được trực tiếp dự một phiên phúc thẩm, xử người “bất đồng chính kiến” hơn nữa, mấy người công an làm nhiệm vụ kiểm tra an ninh khuôn mặt lạnh như tiền, ít nói, nguyên tắc… làm cho mình hơi căng thẳng. Nhưng phút căng thẳng này cũng qua nhanh, vì mọi thủ tục mà tòa án yêu cầu đối với người đến dự, mình, Nguyên và anh Lợi đều đáp ứng gọn, đủ.

Cũng tưởng sẽ vào được phòng xử án để nghe Nhất, tòa, luật sư tranh tụng, không ngờ…! Những người có trách nhiệm của tòa Phúc thẩm mời mọi người đến dự vào phòng báo chí, xem xử án qua một màn hình lớn. Mình nhìn quanh, cũng chỉ thấy có một vài phóng viên một số tờ báo quen mặt, rồi thì… đông công an.

Công an đông, thái độ vui, bình thản, có một vài người mặc áo giáp chống đạn, đội mũ sắt, đôi ba người cầm cái gậy (dùi cui) đi đi, lại lại tung tẩy, chào người này, hỏi người kia… có mấy nữ công an mặc thường phục, nét mặt xinh, duyên dáng… gần như có cảm tưởng họ không để ý đến ai. Ây vậy một lần Nguyên vô ý khẽ để hai chân lên ghế trước, lập tức một người công an trẻ đến nhắc: “Anh bỏ chân xuống!”. Nguyên chấp hành nghiêm túc.

Khi phiên tòa bắn đầu xử, màn hình hiện lên khung cảnh bên trong, Nhất bị còng tay, ngồi hai bên là hai người công an. Khi thẩm phán Nguyễn Văn Bường, chủ tọa phiên tòa tuyên bố phiên tòa phúc thẩm xử Trương Duy Nhất bắt đầu, mình thấy mọi người trong phiên tòa đều đứng lên, rồi lại ngồi xuống. Duy chỉ có Nhất được tháo còng đứng để nghe chủ tọa phiên tòa tiến hành tố tụng. Thái độ, nét mặt của Nhất bình tĩnh tự tin, ánh mắt lúc nào cũng nhìn thẳng. Cũng như bao lần khác, tòa hỏi lý lịch, rồi đọc cáo trang… tiếng truyền qua loa rõ, màn hình hiện hình rõ nét. Mình yên tâm, Nguyên ngồi cạnh cũng yên tâm, như vậy tuy ở bên ngoài, nhưng với cơ sở vật chất kỹ thuật hiện đại như thế này có thể theo dõi từ đầu đến cuối phiên tòa. Thẩm phán đọc cáo trạng của Nhất giọng rất to, khúc chiếc, rõ ràng ai cũng nghe thấy nhưng đến khi tòa hỏi Nhất “ Anh có nghe rõ bản cáo trạng không ?”. Nhất trả lời: “Bị cáo nghe rõ nhưng bị cáo không đồng ý một số ý trong bản cáo trạng, như…” thì tự nhiên loa tắt tiếng, trên màn hình chỉ thấy miệng của Nhất  lên xuống, mở ra, thu lại… tuyệt nhiên mọi người ngồi cùng xem với mình không biết Nhất đang nói gì? Có lẽ do trục trặc kỹ thuật!!! Một lúc sau, tự nhiên lại nghe tiếng của thẩm phán: “Được rồi, mọi yêu cầu của anh chúng tôi ghi nhận, anh nghe tòa hỏi tiếp đây!”. Rồi ông thẩm phán lại hỏi, đại ý, những việc làm như vậy, Nhất có thừa nhận đúng với cáo trạng không? Nhất trả lời thì… không nghe được vì… trục trặc kỹ thuật!!! Rồi đến lời bào chữa của luật sư Trần Vũ Hải, lúc nghe được, lúc thì không? Chỉ thấy hình ông giơ tay chỉ chỗ này, chỉ chỗ kia, rồi cúi xuống đọc. Mình chú ý một đoạn hình, may có cả tiếng lẫn hình khi luật sư Trần Vũ Hải đang vận dụng các điều khoản trong bộ luật hình sự để chứng minh Nhất không phạm tội thì thấy tiếng ông Thẩm phán Bường cắt ngang: “Những điều đó đề nghị luật sư không trình bày, chấm dứt tại đây, luật sư trình bày sang điều khác đi… còn tôi đề nghị thái độ luật sư cần nghiêm túc, nếu còn như vậy tôi sẽ yêu cầu luật sư ra khỏi phòng xét xử”. Nét mặt luật sư Trần Vũ Hải nhẫn nhục một cách tội nghiệp rồi luật sư trình bày… Lại không nghe được tiếng vì… trục trặc kỹ thuật!!! Trên màn hình mình thấy hình ảnh đôi ba lần một anh công an trẻ đến ngăn luật sư Hải đừng đọc một điều gì đó trong bài viết mà luật sư đang đọc giữa tòa.

Nghĩa là…

Mình, Nguyên, anh Lợi cùng một số người khác được vào tòa phúc thẩm xem xử Trương Duy Nhất nhưng… thực trên thực tế, chiếm gần hết thời gian là xem “Phim câm”. Nguyên nói với mình: “Nên đào tạo phòng viên báo chí, truyền hình nước mình thêm bộ môn khẩu ngữ, nghĩa là nhìn miệng  mấp máy biết họ đang nói gì”. Còn mình lại nghĩ: “… Bên trong cứ xử kín Trương Duy Nhất không cho ai vào dự còn bên ngoài với phòng đẹp, thoáng mát, màn hình hình rõ như thế này, tòa phát lại các trận của World Cup tối qua cho tất cả mọi người tới xem, người đến xem chắc chắn sẽ đến rất đông. Rồi chỉ thị cho báo chí, đài, ti vi… ghi lại hình ảnh này, tuyên truyền với dư luận trong và ngoài nước rằng  phiên tòa được “xét xử  công khai có đông người đến dự”. Thế lại hóa hay!”.

… Phiên tòa kết thúc chóng vánh, từ lúc bắt đầu diễn ra đến lúc kết thúc phiên xử phúc thẩm Trương Duy Nhất chỉ gần hai tiếng đồng hồ. Có nhiều lý do, rõ nhất hễ Luật sư trình bày điều gì, thẩm phán đều ngăn lại: “Điều này tòa đã biết, luật sư không cần trình bày”. Còn một điều nữa, tòa cho phép Trương Duy nhất nói lời cuối cùng, trước khi tuyên án hai năm tù giam, y án sơ thẩm. Nhưng thật lạ, khi Trương Duy nhất định nói, lại bị tòa ngăn lại, không cho nói!!!

Nhất lắc đầu nhẹ, nở một nụ cười… chẳng biết tả thế nào!

Cùng lúc đó có hai người công an đến áp giải Nhất đi ra ngoài, thấy rõ tấm lưng của Nhất đẫm mồ hôi.

Trên màn hình, mình và mọi người không nghe thấy tiếng, nhưng thấy hình con gái của Nhất, sinh viên năm cuối một trường đại học ở Đà Nẵng đứng lên nói to một điều gì đó như quát vào mặt các quan tòa.

Mình không hiểu.

Mình gặp Phượng, vợ Nhất ngoài cổng, hỏi: “Lúc này con gái em nói điều gì thế?”.

Phượng trả lời:

- Cháu nói: “Bố tôi là người yêu nước tại sao các ông lại bắt giam?”

——————

(1) – Phạm Xuân Nguyên – Nhà phê bình văn học.

(2) – Thái Bá Lợi – Nhà Văn

Nguồn: trankytrung.com