Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 8 tháng 2, 2019

Người mẫu vô danh

Trần Quốc Toàn

clip_image002

Suốt hành trình điền dã, Hoàng Mai ghi nhật kí từng ngày theo kiểu của cô, một sinh viên mỹ thuật. Viết mà như vẽ, đầy màu sắc. Chó đen ngửi câu đối đỏ. Hoa đậu nức cây đào phai. Bà cười nhăn nheo, cháu cười ngặt nghẽo. Răng bà đen hơn mắt cháu. Mắt bò trong như mắt gái đôi mươi. Nắng rân rân vàng. Lò hực hực lửa soi những gương mặt nhòa đất sét đỏ.*

Mấy năm sau chuyến đi ấy, trở về Nam, nghe theo lời khuyên của anh bạn làm thơ, cô gửi những ghi chép kiểu này tới một tờ báo và được giải thơ Bút Mới. Nhưng đó là chuyện mấy năm sau, còn hôm ấy, cô đang ngồi trong một ngôi nhà cổ làng gốm trung du Phù Lãng, nhìn ra và ghi tiếp vào nhật kí của mình: Vành cửa sổ gỗ mọt, đếm được bốn lớp sơn loang lổ. Đếm từng người là là trôi ngang cửa. Một nền núi mênh mông thở và muà xuân mênh mang thở. Kìa là gạch hồng lót chân trâu về làng. Kìa là cụ bà vấn khăn đen nhai trầu… Trên vuông sân nhà bên cạnh, ngay bên miệng giếng đá ong, cụ bà vấn khăn đen nhai trầu trông xưa như bà mẹ phơi áo trong thơ Lưu Trọng Lư, cụ đang vắt lên sợi dây phơi một vuông khăn có thứ hoa văn lạ khiến Hoàng Mai chú ý. Từ trên cao nguyên Đồng Văn chuyển dần xuống đất bán sơn địa này, những cái sân nắng luôn bắt mắt cô họa sĩ trẻ, luôn hiện ra như tranh, với rực rỡ váy thổ cầm H’mông, lóng lánh khuy bạc áo Thái, và tha thướt khăn Mường… nhưng quả là cái khăn bà cụ đang phơi có thứ hoa văn cô chưa từng thấy. Hoàng Mai bước ra sân nắng thì không thấy bà cụ đâu nữa. Nhìn kĩ vào cái khăn, thì ra, đó là một bức tranh lụa đã phai màu, nhưng vẫn có thể nhìn ra trên ấy một khuôn mặt nữ thánh thiện. Nhìn kĩ hơn, còn thấy có hào quanh sáng từ vầng trán cao và dưới góc phải vuông khăn là một thánh giá nhỏ. Hoàng Mai khẽ thốt lên: “Đức mẹ Maria” rồi căng vuông khăn còn ướt bằng hai tay, soi lên nắng sớm, cô nhìn thấy mờ mờ chữ kí của danh họa Bùi Quang Sáng! Là một sinh viên khoa lí luận phê bình, cô không lạ gì chữ kí này và cô biết mình đang cầm trên tay một họa phẩm thời kì xám trong sự nghiệp sáng tác của ông, thời kì mà các nhà lí luận người thì nói, u buồn nhất trong đời ông, người lại nói, đó là màu xám thuốc súng để bùng nổ một thiên tài! Nhưng chưa thấy ai nói, trong thời kì này ông có vẽ tranh nhà thờ như cô vừa phát hiện. Và tại sao một bức tranh thờ của ông lại thành vuông khăn trên sợi dây phơi này? Hoàng Mai phải đợi tới trưa mới gặp được người phơi khăn. Thiếu phụ ấy không già như cô tưởng, bà mới ngoài bốn mươi, thấy cô gái Sài Gòn chú ý tới vuông khăn của mình, người nông dân ấy sung sướng ra mặt: - U tôi để lại cho tôi đấy. Thầy tôi kể, u mang từ Hà Nội về một bức tranh có khung gỗ. Nhưng rồi năm ấy rét quá, u tôi dỡ khung làm củi, lấy vuông lụa này làm khăn trùm đầu. Cháu có thích thì tôi cho đấy. Nhà có ảnh thờ rồi. U tôi kia kìa! Bà chỉ lên bàn thờ. Hoàng Mai nhận ra trên ấy khuôn mặt người mẫu nông dân của nhân vật hội họa thần linh mà cô đang muốn tìm hiểu. Ảnh bà kế bên ảnh ông. Cô nghĩ bụng, lương giáo hòa sắc, trên bàn thờ của người theo đạo Phật lại thờ một người đã từng vào vai đức mẹ Maria mà phục vụ mỹ thuật. Và chẳng để cô phải hỏi, bà nông dân có khuôn mặt phúc hậu như mẹ mình lại kể tiếp: - Chẳng giấu gì cháu. Người làng tôi hay ra Hà Nội làm mướn. Anh cả tôi chưa đầy tháng u tôi đã để bà nội nuôi cháu, ra làm vú em cho một nhà giàu lắm, phố Hàng Ngang hay Hàng Đào tôi chẳng nhớ nữa. Chỉ nhớ u tôi kể, ngày nào cũng đi chợ Hàng Bè. Nhà ấy gọi mẹ tôi là U Dũng. Cái khăn này cũng cũ rồi, nếu được việc cho cháu thì cháu cứ lấy đi.

clip_image004

… Hoàng Mai không dám nhận, cô chỉ xin mượn tranh ấy một thời gian để dùng vào việc làm khóa luận tốt nghiệp. Hẹn làm xong sẽ trả lại. Nhân còn thời gian nấn ná ngoài Bắc, cô vào bảo tàng Mỹ thuật, xin giám định bức tranh bạc màu kia. Các chuyên gia khẳng định đây là tranh của danh họa Bùi Quang Sáng, nhưng ngoài bức tranh này ra, người mẫu nông dân này còn có mặt trong tranh nào nữa không thì họ cũng không biết. Ông họa sĩ già thực hiện hợp đồng giám định, khuyến khích Hoàng Mai: - Cháu thử tới cà phê Lâm đường Nguyễn Hữu Huân hỏi xem sao! Những năm năm mươi, sáu mươi, cho mãi tới ngày giải phóng miền Nam, đó là ngân hàng tranh của Hà Nội cháu ạ. Từ Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia tới cà phê Lâm cũng chỉ mười lăm phút xích lô.

Ông Lâm nhìn bức tranh bạc màu thì nói ngay: - Nhà tôi có một sơn dầu, ông Sáng vẽ mẫu này, nhưng cách đây ba năm một người ở tòa giám mục thành phố Hồ Chí Minh mua tranh ấy rồi. Rất tiếc là tranh ấy tôi không treo bao giờ nên ảnh chụp cũng không có! Không hiểu ai mách mà ông cha tới hỏi. Tôi phải lục lọi nửa buổi mới tìm ra nó. Tôi còn giữ mười phần trăm tiền cảm ơn họa sĩ theo tâm nguyện của tôi mà chưa biết đưa cho ai. Cháu theo đuổi đề tài này, nếu có tìm được thân nhân ông Sáng thì làm ơn báo cho tôi biết. Tội nghiệp! Con đàn mà khi chết không người chống gậy. Vợ con định cư cả bên Pháp, bên Mỹ.

Đến lúc ấy thì vừa hết ba tháng điền dã đồng bằng và miến núi Bắc bộ, Hoàng Mai trở lại thành phố Hồ Chí Minh của cô và tới ngay tòa giám mục, đường Nguyễn Đình Chiểu. Nhưng cô lại đến muộn. Một chức sắc trong tòa Giám tiếp cô ân cần và cởi mở: - Thưa cô! Tranh ấy, chúng tôi đã làm quà biếu một đức cha khi ngài có việc đạo ghé đây và bây giờ tranh đang được treo trong bảo tàng mỹ thuật của Vatican. Cô có thể coi những tấm hình này để vinh danh cho tác phẩm ấy. Ông biếu cô những tấm hình chụp từ nhiều góc độ để xác định vị trí của bức tranh nơi bảo tàng kia. Để theo ông, cô có thể chiêm ngưỡng một Đức Mẹ mang khuôn mặt Việt Nam. Khuôn mặt đang hướng theo cô từ làng cổ Phù Lãng kia, đang nằm trong cặp hồ sơ cô luôn mang bên mình suốt mấy tháng nay.

Cô khấn thầm trong bụng, mong bà phù hộ cô trong công việc khoa học mà cô đang đeo đuổi. Có được những bức ảnh, Hoàng Mai lại quay ra Bắc, gấp gáp vì hạn nộp luận văn sắp đến. Cô ra hỏi ông Lâm có phải bức tranh Đức Mẹ chụp trong ảnh đã từng ở nhà ông và muốn hỏi kĩ hơn về những điều còn giấu kín đằng sau bức tranh kia. - Cháu hỏi về người mẫu này à! Tôi cũng không biết là ai nữa. Chỉ còn nhớ, vào một ngày giáp Tết rét lắm, họa sĩ Nguyễn Viết Hoàng khi ấy còn là một sinh viên đang học trường Yết Kiêu mang bức tranh tới. Nói với tôi, thầy Sáng gửi tranh để trừ nợ cà phê năm cũ. Năm hết tết đến, ông Sáng không muốn mắc nợ ai. Tôi nhận tranh. Nhờ anh Hoàng chuyển tới cho ông Sáng ít tiền tiêu Tết rồi cất tranh vào kho. Họa sĩ Viết Hoàng bây giờ dạy trường Yết Kiêu, cháu tới hỏi, sáng ra được điều gì chăng?

Gặp họa sĩ Nguyễn Viết Hoàng, Hoàng Mai cảm thấy mình đã động tới được lớp sơn trong cùng của bức họa. Ông Hoàng nhìn thấy bức tranh lụa bạc màu, nhìn những bức ảnh Hoàng Mai mang tới thì kêu ngay:“U Dũng!”.

Rồi chớp chớp cặp mắt muốn khóc, ông kể: - Đấy là một câu chuyện tình cháu ạ. Để bác lấy cháu xem cái này! Họa sĩ Viết Hoàng tìm trên giá sách, lấy xuống một vựng tập khổ lớn Hội họa Việt Nam thế kỷ XX, ông mở trang in bức Những người thợ mỏ của Bùi Quang Sáng và chỉ vào cô thợ mỏ nhân vật trung tâm của bức sơn mài khổ lớn: - Đây! Cháu xem đi, cô thợ mỏ này và đức mẹ kia đều là U Dũng mà ra. Cứ tối tối, khi cho thằng Dũng bú no và yên giấc rồi U Dũng lại ra ngồi mẫu dưới đèn để thầy Sáng và bác vẽ tranh Đức Mẹ bán cho giáo dân các xứ đạo. Chỉ làm buổi tối thôi vì hồi ấy, đấy là một đề tài không cấm kị, nhưng chẳng ai khuyến khích. Tranh công nông binh được khuyến khích thì chỉ bày triển lãm chứ không bán được, thầy trò bác phải kiếm sống bằng thứ tranh thờ kia. Bây giờ nhớ lại thời ấy, nói Đức Mẹ nuôi chúng tôi hay U Dũng nuôi đều đúng. Cho tới mùa xuân 1960 thầy Sáng đi thực tế ở Quảng Ninh và thực hiện bức sơn mài kia thì xung khắc giữa hai người đàn bà nổ ra. Chẳng là, đề tài đã đăng kí mà tiền đầu tư của Hội thì chưa, thầy tôi cần tiền thuê mẫu ngoài Quảng Ninh để lên phác thảo, mới thư về nhà. Cô giáo không kiếm ra tiền, đành mua vé xe khách để U Dũng ra Quảng Ninh làm mẫu. Chính cô giáo sai con ở trong nhà làm việc ấy, nhưng khi trên bức sơn mài U Dũng hiện ra như một tiên nga thế này thì bà phát ghen. Bà đuổi U Dũng, đuổi ngay trong đêm, vứt theo bức lụa cuối cùng cháu đang có đây. May mà bức sơn dầu kia chú kịp giấu dưới gầm giường, rồi sáng hôm sau, đợi lúc bà giáo đi chợ Tết mới mang lên nhà ông Lâm. Chính chú đèo U Dũng ra bến Nứa. Chúng tôi ngồi uống nước chè chén đợi sáng, rồi U Dũng đi chuyến xe đầu tiên. Lúc chia tay bà mếu máo: “Em nói thầy đừng lo cho chị! Chị chỉ thương thằng Dũng, không biết sờ tí ai mà ngủ”. Này, Quang Dũng thì cháu biết chứ. Nó bú sữa của người nông dân vô danh ấy mà lớn lên đấy, có Gallery trên phố Tràng Tiền cháu thử tới hỏi xem có tài liệu gì liên quan tới người mẫu vô danh đó không? - Cháu hỏi rồi. Thưa bác! Nhưng anh Dũng mang tranh sang Pháp triển lãm rồi ở luôn bến ấy đã từ mấy năm nay, không về bác ạ. Thành thử chỉ còn bác là biết nhiều về người mẫu ấy. Bác giúp cháu hoàn thành đề tài này! - Ừ! Địa chỉ cháu cho cũng rõ ràng, bác sẽ lên thăm, thắp cho bà ấy nén nhang. Bức sơn dầu bày bên Vatican đẹp lắm, thầy Sáng vẽ Đức Mẹ mà như đang kể với bà về câu chuyện tình của mình. Bác cũng được thầy cho động bút. Lớp sơn trong cùng là sơn của bác đấy. Ngày ấy toan hiếm lắm, thầy không cho học kiểu núp bóng như thế thì không biết bao giờ mới biết vẽ. Cháu để bức lụa lại để bác phục chế rồi mang lên Phù Lãng trả cho người ta. Ngày trước thầy Sáng đã phục chế bao nhiêu tranh cổ mới có tiền sống. Bây giờ đã đến lúc phục chế tranh của thầy…

Bài tốt nghiệp của Hoàng Mai được điểm mười. Luận văn phát triển từ câu văn cô ghi trong nhật kí ngày ấy, câu “Vành cửa sổ gỗ mọt, đếm được bốn lớp sơn loang lổ. Cô bắt đầu luận văn như thế này: “Muốn hiểu được bức tranh, phải thấu thị, nhìn đến lớp sơn trong cùng, để thấy trong ấy tâm huyết của một thiên tài, và mồ hồi những người đã cùng ông lao động nghệ thuật, thấy buồn vui sướng khổ của một cá nhân, chan hòa trong vận nước, trong số phận chung của cả một dân tộc…”.

Hoàng Mai đã nhìn đủ bốn lớp sơn loang lổ kia và đã nói hết ra trong luận văn tốt nghiệp của mình. Riêng lớp sơn thứ năm cô muốn, bằng truyện ngắn này mà nói riêng với họa sĩ Bùi Quang Dũng rằng, bà vú mà anh từng bú tí đã sinh cho anh một cô em gái cùng cha khác mẹ. Vào những ngày nắng nỏ, người em ấy vẫn đem họa phẩm của cha anh ra sưởi nắng quê mình…

*Thơ dẫn trong truyện là của Ly Hoàng Ly trong tập Cỏ trắng.