Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 10 tháng 2, 2018

Vĩnh biệt nhà nghiên cứu văn học Nguyễn Đăng Mạnh

clip_image002

clip_image004

Nhà nghiên cứu văn học, GS Nguyễn Đăng Mạnh đã chia tay cõi trần ngày hôm qua, 9/2/2018. Văn Việt xin thành kính cầu chúc hương hồn nhà nghiên cứu văn học nghiêm cẩn, trung thực, nhà giáo tận tụy được nhiều thế hệ môn sinh kính mến, siêu thăng nơi cực lạc. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc bài viết của các nhà nghiên cứu Văn Giá và Đỗ Ngọc Thống như một nén nhang thắp trước linh cữu GS Nguyễn Đăng Mạnh.

Văn Việt


THẦY MẠNH ĐÃ ĐI GẶP CỤ NGUYỄN TUÂN Ở MIỀN ÂM GIỚI

Văn Giá

Lần gần đây nhất tôi được ngồi “đánh chén” cùng thầy Nguyễn Đăng Mạnh (và mấy người bạn) vào dịp đầu tháng 12/2017. Hôm đó cũng chẳng phải tôi mời thầy, mà do Đỗ Ngọc Thống nghĩ thầy ở nhà mãi cũng buồn nên thấy thầy khoe khỏe, rước thầy đến cùng. Vui quá có thầy. Thầy nhâm nhi đôi giọt rượu, ăn rất ít, chỉ ăn được thức ăn mềm. Thầy vẫn hút thuốc lá. Lúc này thầy hầu như không còn khả năng nghe nữa. Lại thêm ngồi quán đông người ồn ào nên thầy hầu như không nói gì. Chẳng biết an ủi thầy thế nào cho phải, tôi chỉ đành thỉnh thoảng gắp thức ăn cho thầy, hỏi thầy có ăn được món này món nọ không…

Nhưng trước đó khoảng 2 tuần, vào dịp 20/11, Ngày Nhà giáo Việt Nam, tôi cùng với Nguyễn Đức Mậu và Phạm Xuân Nguyên lên nhà riêng thăm thầy, rồi chúng tôi nẩy ra sáng kiến rước thầy đi thăm Triển lãm tranh mang tên “Nét” của họa sĩ Lưu Công Nhân, bạn học từ thời phổ thông với thầy. Mặc dù sức khỏe không được tốt lắm, nhưng thầy rất hào hứng. Cô Thoại, phu nhân của thầy đồng ý để thầy đi, do cũng như nhiều lần khác cô thường khá yên tâm khi có tôi tháp tùng thầy.

Tranh của họa sĩ Lưu Công Nhân hôm ấy chủ yếu là tranh nude, mà toàn là chân dung các thiếu nữ, rất đẹp và gợi cảm. Thầy không nhận xét gì về tranh. Lúc ngồi nghỉ giải lao giữa phòng trưng bày, thầy kể: “Tay Lưu Công Nhân ghê lắm nhé. Có lần, trong những năm còn Liên Xô, người ta mới “ưu tiên” cử tay này sang học vẽ. Khi được mời, tay ấy nói: Chúng nó muốn học vẽ thì sang đây tao dạy cho chứ tao làm gì phải sang học chúng nó… Thế mà rồi tay ấy chống không đi học đấy”. Nghe chuyện, tôi nghĩ ông họa sĩ này từ chối là phải. Bởi họa sĩ Lưu Công Nhân thuộc thế hệ lớp đầu của mỹ thuật kháng chiến, thời họa sĩ Tô Ngọc Vân làm hiệu trưởng, được học hành theo tinh thần hội họa châu Âu, một thứ hội họa khai phóng, tồn tại cùng lúc nhiều trường phái (hiện thực, ấn tượng, siêu thực, lập thể...). Trong khi hội họa (rộng ra là văn nghệ) Liên Xô lúc ấy đang đề cao phương pháp sáng tác hiện thực XHCN, chủ yếu là văn nghệ tuyên truyền. Thế thì cái tinh thần mỹ học Âu châu ở người họa sĩ này làm sao có thể dung chứa nổi thứ hội họa hiện thực XHCN cơ chứ!

Đấy, thầy Nguyễn Đăng Mạnh rất nhớ những mẩu chuyện như vậy, tưởng nho nhỏ thôi nhưng không hề nhỏ chút nào… Thế hệ học trò chúng tôi, do được gần gũi với thầy, được thầy kể cho vô khối chuyện đại loại như thế.

Gọi là đi “đàn đúm” (chữ hay dùng của thầy), thì cuộc xem triển lãm này là lần cuối cùng tôi được đi cùng thầy và nghe thầy trò chuyện.

Bây giờ thì thầy đã đi xa thật rồi. Mọi hình ảnh, ấn tượng, cái nghĩ về thầy trong tôi đang hết sức rối bời, lộn xộn. Tôi chỉ nghĩ, trong đời sống này, ngoài tư cách con người của đời sống thường nhật, thầy cùng lúc tồn tại với ba tư cách: nhà nghiên cứu-phê bình văn học, nhà nghệ sĩ và nhà sư phạm. Cả ba tồn tại trong nhau, hòa huyết với nhau, bổ trợ cho nhau và làm giàu có cho nhau.

Đã có nhiều người viết về thầy, đặc biệt trong dịp mừng thầy tuổi 80 (tập hợp trong cuốn Người và Nghề, NXB HNV, 2010). Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh đến hai đóng góp quan trọng của thầy vào đời sống văn học của đất nước.

Thứ nhất, trong tư cách một nhà nghiên cứu phê bình, Nguyễn Đăng Mạnh là người đầu tiên đã minh định và xác quyết ba trường hợp quan trọng của nền văn học Việt Nam hiện đại: Hồ Chí Minh, Nguyễn Tuân, Vũ Trọng Phụng. Với Hồ Chí Minh, đang trong lúc có rất nhiều lúng túng, thậm chí sai lầm và dung tục khi tìm hiểu về thơ Hồ Chủ tịch, cuốn chuyên luận “Mấy vấn đề về phương pháp phân tích và giảng dạy thơ Hồ Chủ tịch” (1980) đã giúp cho giới giảng dạy và nghiên cứu có những cách hiểu, và nhất là phương pháp tiếp cận đúng đắn, chân thực hơn, nhờ vậy yêu và yên tâm hơn mỗi khi tiếp xúc với các tác phẩm văn học của Cụ Hồ. Cái chìa khóa của nhà nhà nghiên cứu phê bình Nguyễn Đăng Mạnh là ở chỗ cần phải có hai khái niệm công cụ làm chìa khóa: thơ tuyên truyền và thơ nghệ thuật. Sau này, có những người vì động cơ thiếu thiện chí khác nhau, đã vu cho Nguyễn Đăng Mạnh có ý coi thường thơ của Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh. Cũng vẫn tiếp mạch này, những năm 90 của thế kỷ XX, khi làm chủ biên chương trình Ngữ văn PTTH, ông đề nghị dịch chuyển tác phẩm “Tuyên ngôn độc lập” từ SGK Ngữ văn sang sách Tập làm văn, lập tức có ý kiến vu cho là gạt áng văn chính luận này ra khỏi chương trình, gây nên một scandal lớn, động đến cả nghị sự Quốc hội.

Thầy cũng là người đầu tiên nghiên cứu thấu đáo hai hiện tượng phức tạp bậc nhất của nền văn học giai đoạn 1930-1945, đó là Nguyễn Tuân và Vũ Trọng Phụng. Với Nguyễn Tuân, Nguyễn Đăng Mạnh đã có một cách tiếp cận toàn diện, hệ thống, tinh tế và sâu sắc về hiện tượng văn học phức tạp này với những từ chìa khóa: phức tạp, cái tài, chữ ngông, chủ nghĩa độc đáo, thờ nghệ thuật, duy mỹ, ngôn từ đua tranh cùng tạo hóa, cảnh sắc và hương vị đất nước… Với Vũ Trọng Phụng cũng vậy, các từ chìa khóa trong nghiên cứu của Nguyễn Đăng Mạnh là những “niềm căm uất khôn nguôi”, “tư tưởng bi quan định mệnh”... Có thể nói, vào những năm 80 của thế kỷ trước, với hai công trình này, nhà nghiên cứu Nguyễn Đăng Mạnh đã xác lập được vị trí vững chắc trong giới nghiên cứu phê bình lúc bấy giờ. Từ đây, theo thời gian, ông lần lượt “húc vào” nhiều hiện tượng văn học tài năng, phức tạp và có cá tính/vấn đề như Nam Cao, Tô Hoài, Nguyên Hồng, Xuân Diệu, Tố Hữu, Nguyễn Đình Thi, Hoàng Cầm, Nguyễn Minh Châu, Nguyễn Khải, Nguyên Ngọc, Nguyễn Huy Thiệp, Dương Thu Hương, Trần Đăng Khoa và nhiều người khác. Với trường hợp nào Nguyễn Đăng Mạnh cũng có những kiến giải sâu sắc, tài hoa và tinh tế trên một hướng tiếp cận nhất quán “Nhà văn tư tưởng và phong cách”, cũng gọi ra được một cách thú vị, và có khi thần tình về “bản lai diện mục” của mỗi nhà văn chỉ trong một từ/ngữ đích đáng, sắc nét.

Thứ hai, GS Nguyễn Đăng Mạnh là người có khả năng cấy tư tưởng và tinh thần nghiên cứu, nhiệt hứng nghiên cứu vào các thế hệ học trò, đặc biệt trong hoạt động dạy-học văn ở bậc Đại học và Phổ thông. Đối với bậc đại học, thầy viết giáo trình, giảng dạy, hướng dẫn các học viên làm cao học và tiến sĩ, tổ chức các hội thảo và các sinh hoạt khoa học. Thầy có một “quyền uy” có khả năng gây ảnh hưởng đến một số học trò cả về tư tưởng nghiên cứu và quan niệm sống, nhân cách sống, thậm chí cả tác phong trong đời sống thường ngày. Thời tôi học cao học, dưới sự dẫn dắt của thầy, được tham gia sâu vào một Hội thảo lừng danh năm 1989 tại Khoa ngữ văn-ĐHSP Hà Nội mang tên “Chung quanh các vấn đề thời sự văn học” mà tinh thần của nó là lên tiếng cổ súy và khẳng định trào lưu đổi mới văn học. Hội thảo có sự tham gia của đông đảo giới nghiên cứu, lý luận, phê bình của các nhà văn tên tuổi, trong đó có những gương mặt sáng giá mới xuất hiện: Nguyễn Huy Thiệp, Phạm Thị Hoài, Dư Thị Hoàn. Tinh thần của Hội thảo đã có trọng lượng thực sự góp phần thúc đẩy vào tiến trình đổi mới văn học lúc bấy giờ.

Không dừng ở đó. Khi đảm đương Chủ biên chương trình Ngữ văn ở PTTH, với quan niệm văn chương phải được là văn chương, học sinh phải được học văn chương đích thực, cộng với một thái độ quyết liệt, GS Nguyễn Đăng Mạnh có công lần đầu tiên trong nền giáo dục cách mạng đã đưa vào chương trình hàng loạt các tác giả Thơ Mới, Tự lực văn đoàn, các nhà văn hiện thực khác. Lần đầu tiên “dưới mái trường XNCN” các thầy/trò mới dám công khai dạy/học Vội vàng, Thơ duyên, Tràng Giang, Tống biệt hành, Chữ người tử tù, Hai đứa trẻ, Giông tố, Tây Tiến… Tất cả những tác giả, tác phẩm “có vấn đề” ấy đã đường hoàng bước vào học đường như những tác phẩm văn chương đich thực. Về điểm này, không thể không thừa nhận công lao to lớn của nhà giáo dục Nguyễn Đăng Mạnh.

Với hai điểm như vậy, GS Nguyễn Đăng Mạnh thực sự có đóng góp quan trọng vào công cuộc Đổi mới văn học, trong đó có văn chương học đường những năm đầu thời kỳ Đổi mới của đất nước.

Tôi cứ nghĩ, một người thực sự tài năng, có đóng góp cho văn chương và cuộc đời thường mới là người có khả năng đẻ ra các giai thoại. Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng là vậy. Hoàng Ngọc Hiến là vậy. Và người thầy của tôi, nhà văn Nguyễn Đăng Mạnh là vậy. Ông có khá nhiều các giai thoại. Có những chuyện chúng tôi biết một phần sự thật. Có những chuyện cũng có phần đồn thổi. Nhưng cho dù thế nào, chân dung Nguyễn Đăng Mạnh vẫn hiện lên như một người mang tinh thần KẺ SĨ. Ở đời, làm kẻ sĩ không dễ, kể cả theo đuổi tinh thần kẻ sĩ cũng khó. Cái hạt nhân cốt lõi của kẻ sĩ là dám sống đúng là mình, được là mình bởi những gì mình cho là phải, và có khả năng kháng cự lại đám đông. Ông là người “một đời va vấp” như cách nói của nhà văn Nguyễn Quang Thân. Tại sao ông lại hay va vấp? Va vấp với ai? Vì chuyện gì? Truy tìm tận cùng cho các câu trả lời cũng không phải dễ. Vụ va vấp cuối cùng của ông là cuốn Hồi ký trôi nổi trên mạng. Bây giờ cũng chưa có một văn bản phát ngôn chính thống nào về cuốn này, nhưng nó cũng đủ gây sóng gió dư luận, đủ quy kết, chụp mũ này khác. Tôi cho rằng đến thời điểm này, cuốn Hồi ký cũng đã “nhẹ vía” đi nhiều khiến cho người ta không còn phải nghi ngại nữa… Người ta vẫn thường hay nói giới nghệ sĩ lắm khi tự chuốc lấy những hệ lụy không đâu (“Phong vận kỳ oan ngã tự cư” – Nguyễn Du). Nhưng đa phần, chỉ những người biết thượng tôn tinh thần kẻ sĩ mới hay phải chịu nhiều hệ lụy, thiệt thòi. Kẻ tùy thời thì dễ yên thân. Sau những lần va vấp, thầy lại càng sắc nhọn hơn, cứng cỏi hơn.

Có lần, một vị Giáo sư đồng nghiệp của thầy Mạnh nhận xét với chúng tôi: “Mạnh có cái cung bằng hữu”. Nghĩa là thầy Mạnh được ở chỗ đông bạn, đông trò. Bạn thầy là các đồng nghiệp, các nhà văn. Trò thuộc nhiều thế hệ, thầy cũng coi như bạn vong niên. Nếu ai được thầy yêu quý, sẽ có cảm giác rất dễ chịu và thú vị mỗi khi cùng thầy. Ngược lại, những ai bị thầy “khinh bỉ”, thì thầy không cả thèm bắt tay, bắt nhời, thậm chí giáp mặt cũng coi như không có. Trong giới phê bình văn học, không phải ai cũng được cánh nhà văn yêu quý, thậm chí còn “mặt giăng mặt giời”. Thế nhưng thầy Mạnh đã chiếm được lòng yêu mến của hầu hết những nhà văn. Bởi mỗi khi tiếp xúc, mỗi khi đọc Nguyễn Đăng Mạnh, họ thấy được tri âm, được trân trọng và chia sẻ.

Sau 89 năm với tất cả những vui buồn, những vinh quang và cay đắng, bây giờ thầy đã trút bỏ, để về với cõi Vô Cùng.

Chắc thầy sẽ vui khi biết rằng anh linh cụ Nguyễn Tuân đang chờ thầy ở đó. Cụ Nguyễn đã có lần bảo khi chết cụ sẽ kéo vài thằng phê bình xuống cùng để nói chuyện văn chương cho vui. Chả biết cụ có thực muốn kéo ai không, và đã kéo được ai chưa, nhưng tôi tin rằng lần này cụ Nguyễn đã vui mừng đón thầy Nguyễn Đăng Mạnh.

Ngày thầy về cõi Vô Cùng, 9-10/2/2018

VG



NGÔI SAO ẤY VỪA LẶN

Đỗ Ngọc Thống

Thế là thầy Nguyễn Đăng Mạnh đã ra đi. Đi mãi mà không trở lại. Không hiểu như thế có đúng ý thầy không, bởi mấy năm gần đây, lần nào gặp tôi, thầy cũng nói: “mình sống lâu quá”. Nhất là sau khi mấy người bạn cùng tuổi thân nhất lần lượt ra đi, thầy ít nói hơn, lúc nào trông cũng buồn buồn và lặng lẽ. Thi thoảng tôi đến thăm, lần nào cũng thế, suốt buổi hầu như chẳng thấy thầy nói câu gì. Cứ ngồi im, lặng lẽ như một ngôi sao cuối trời.

Cũng như một số GS cao tuổi, GS thật, tôi cứ nghĩ họ là những ngôi sao. Mỗi ngôi tỏa sáng một vùng, theo nhiều cách, nhiều kiểu sắc màu. Rồi đều giống nhau: cứ dần lặn vào bóng đêm của thế giới bên kia. Nhưng sau khi lặn vẫn hắt lại những ánh hồi quang rực rỡ, không bị mất hút,“vô tăm tích” trong thăm thẳm cõi trời.

Trong bầu trời văn học Việt Nam hiện đại, Nguyễn Đăng Mạnh là một ngôi sao. Ngôi sao ấy vừa lặn, vừa khuất lấp sang thế giới bên kia lúc 17g10 phút ngày 9-02-2018. Một cánh hạc lớn vừa tiễn ông về nơi cuối trời. Ngôi sao ấy lặn rồi nhưng ánh hồi quang rất MẠNH, dường như nó còn rực rỡ hơn những ngày ông còn rong chơi ở chốn nhân gian. Ánh hồi quang ấy trước hết hắt lên từ những bài viết tuyệt hay, những ý tưởng độc đáo, những nhận xét, bình luận tinh tế, sắc sảo. Hậu thế còn tiếp tục đọc, tiếp tục nghĩ về Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Nguyên Hồng… thì người ta sẽ còn nhắc đến Nguyễn Đăng Mạnh. Không những thế, hồi quang ấy còn được tỏa ra từ con người, bản lĩnh và lối sống của ông, một trí thức Bắc Hà.

Trưa hôm qua còn tôi còn tới thăm ông, vẫn còn nắm bàn tay ấm nóng. Thế mà vài tiếng sau ông đã ra đi. Tiễn thầy về miền cực lạc, trong lòng tự nhiên trống rỗng; bạn giục viết bài về thầy mà ngòi bút cứ ngẩn ngơ không chịu chạy trên trang giấy. Đành chép lại một đôi điều đã từng nghĩ về ông.

Sinh năm 1930, tuổi ngọ; như thế chỉ ít ngày nữa thôi, ông bước vào tuổi 89. Gần 90 năm với bao cay đắng, ngọt bùi; vinh quang có, nhục nhằn cũng có. Sau những ngày “sóng gió” bởi cuốn Hồi ký… trên mạng; thầy trở nên trầm lắng hơn. Cuốn Hồi ký đã mang lại cho thầy những người bạn mới, nhưng cũng làm rơi rụng khá nhiều người quen cũ. Có người bảo ông buồn vì chuyện này. Nhưng theo tôi thì không phải thế. Trong tâm lý Á Đông, khinh trọng đối với mỗi con người là cả một vấn đề. Rất ít người vượt qua được mặc cảm khinh trọng. Có ông thầy từng mất ngủ cả đêm, trằn trọc, băn khoăn chỉ vì lúc chiều cậu học trò không chào. Có người rất uất vì gọi điện cho một ai đó ít tuổi hơn nhưng không được trả lời, cũng không nhắn nhe gì lại cả. Bạn tôi nổi sung lên với một đồng nghiệp chỉ vì anh gửi tài liệu qua email, người kia nhận được nhưng không hề hồi âm cho người đã gửi… Tuổi già, về hưu lại càng dễ có cái mặc cảm bị bỏ quên, bỏ rơi, không còn tác dụng gì, vô tích sự,… rất dễ tủi thân, dễ nổi cáu và dễ quy kết hành vi người khác là thiếu lễ độ, thiếu tôn trọng mình,…

Với thầy Mạnh, tôi thấy hình như ông vượt qua được cái mặc cảm khinh trọng ấy. Ông và Hoàng Ngọc Hiến là hai người trong số ít bậc thầy không có mặc cảm này. Ðây không phải là thái độ của AQ “nó khinh mình như khinh bố nó” mà là xuất phát từ một bản lĩnh tự tin; tự tín với chính gía trị vốn có của mình. Phải là người hiểu mình, hiểu chân giá trị của chính mình và thấm thía, trải nghiệm nhiều vinh nhục ở đời… thì mới có thái độ sống vượt mặc cảm khinh trọng; mới luôn bình thản, coi như không có chuyện gì xảy ra, kể cả khi đã xảy ra những chuyện tày trời….

Khi đã về già, người ta rất dễ buồn vì chuyện sự nghiệp, nhất là những người đã có chút tiếng tăm. Nhìn quanh quẩn chẳng có gì để lại; viết ra rất nhiều nhưng chẳng ai nhớ, chẳng ai đọc những gì mình viết. Nguyễn Đăng Mạnh không có nỗi buồn này. Với phê bình văn học Việt Nam hiện đại, ông sẽ là một trong số ít cây bút được bạn đọc nhớ và họ còn đọc lại ông nhiều lần nữa. Rất ít ngòi bút phê bình vừa có chất văn, vừa có ý tưởng mới; dù ngắn hay dài đều có nghĩa lý, đều là “văn sư tử”; đều tạo được ấn tượng sâu đậm, sáng sủa và thật giàu màu sắc biểu cảm… như văn phê bình của Nguyễn Đăng Mạnh. Tôi thỉnh thoảng vẫn dạy học sinh làm văn, vẫn thường chấm luận văn, luận án…mới thấy ảnh hưởng của văn Nguyễn Đăng Mạnh lớn thế nào. Không chỉ số lượng trích dẫn mà còn rất nhiều ý tưởng, chữ nghĩa của ông được các em học sinh cứ thản nhiên dùng như là văn của mình. Mà chẳng cứ gì học sinh Trung học, nhiều luận văn Thạc sĩ, Tiến sĩ, nhiều bài phê bình về Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng… đã và đang xuất hiện trong nhà trường, trên báo chí… vẫn phảng phất ý tứ và văn phong ông Mạnh đấy thôi. Có người viết cả cuốn sách về Nam Cao, nhưng không để lại được một mẩu ấn tượng gì trong lòng bạn đọc, ngoài cái cảm giác hình như những ý này thầy Mạnh đã nói rồi. Thế thì làm gì ông phải buồn?

Khi về già, người ta thường hay buồn về chuyện con cái, cháu chắt. Tôi thường vẫn nghĩ, hạnh phúc gia đình trước hết được đo ở sự trưởng thành của thế hệ con cháu. Ối ông làm to mà con cái hư hỏng; rất nhiều bà mẹ lắm tiền mà con vô học, cháu hỗn láo, thậm chí vào tù… Ðó là nỗi buồn về nhân tính. Một phương diện khác, lại là nỗi đau nhân hình. Chẳng may trời bắt tội, bố mẹ phải mang nỗi đau buồn vì những đứa con tật nguyền, không lành lặn về thể xác…Mà cả hai trường hợp đều không bỏ được; con có thể bỏ cha mẹ, nhưng mẹ cha nào lại bỏ được con. Có con lớn trong nhà chưa dựng vợ, gả chồng đã là một nỗi lo; con có vợ chồng rồi, chưa có cháu cũng tiếp tục phải nghĩ… Cháu có rồi nhưng nó có hay đau ốm; đi học có thuận lợi, có giỏi giang.. lại cũng là nỗi lo không kém. Thầy Mạnh cũng không có nỗi buồn này. Ông bà có hai người con: nếp có, tẻ có. Cả hai đều đã trưởng thành, có gia đình con cái bình thường. Con cháu đều ngoan hiền, hiếu thảo; thương yêu và kính trọng bố mẹ, ông bà hết mực. Có nhà riêng, nhưng gần đây ông bà ăn ở cứ Nam Bắc chia đôi: khi vào Nam với con trai, khi ra Bắc với con gái… tình nghĩa vẹn toàn. Thế thì có gì mà phải buồn!

Những tưởng thầy Mạnh chẳng có gì phải buồn, nhưng nghĩ ra thấy ông vẫn có nỗi buồn, thậm chí nỗi buồn không nhỏ. Cũng như Xuân Diệu, ông vốn là người thích “giao cảm”, khát khao được giao cảm, thích giao du, xê dịch sông nước; thích tiếp xúc, trò chuyện “nhậu nhẹt, tán phét” như ông thường nói. Và vì thế ông ham thưởng thức, nhấm nháp cái đẹp, cái hay bằng tất cả sự tinh nhậy của các giác quan… Thế nhưng mấy năm gần đây, tai ông nặng dần, chân bước chậm hơn, răng bắt đầu rụng… Thành thử các cuộc chuyện trò, nhất là ở chốn đông người, ông nghe không được bao nhiêu. Mà phải chỗ đông mới vui; mới lắm thông tin, mới nhiều chuyện lạ; nhưng khốn nỗi càng đông, càng nhiều chuyện, càng vui nhộn, ông càng ít nghe được bấy nhiêu. Ông rất thích thưởng thức ẩm thực, những món ngon, của lạ… thế nhưng bây giờ răng đã thế, làm sao ngon cho được ? Say mê những danh lam thắng cảnh, thích trèo lên tận Cột cờ Lũng Cú; sục chân vào bãi bùn tận đất mũi Cà Mau, sờ tận tay viên gạch rêu phong của những tháp Chàm cổ kính…nhưng bây giờ chân đã yếu rồi, lại mấy cái đinh chưa rút sau lần trượt ngã phải bó bột đóng đinh khi du giảng ở vùng đất phương Nam…thế nên đi xa, đi và đến những nơi đúng nghĩa ông thích, giờ hầu như chỉ còn là mơ ước.

“Khi tuổi tác càng cao thì sức khỏe càng thấp”, cũng là lẽ thường tình. Nhưng đầu óc ông vẫn tỉnh táo, suy nghĩ vẫn mạch lạc rõ ràng, vẫn còn trẻ trung, mạnh bạo trong cách nghĩ, cách nói… chính thế mới làm ông buồn. Nỗi buồn tựa hồ như “ lực bất tòng tâm”… Có điều, ở đời thường vẫn có sự bù trừ giữa các giác quan; cái này yếu thì cái khác mạnh dần lên. Cái đang mạnh lên ở thầy Mạnh phải chăng là cuộc sống nội tâm, những suy tư, chiêm nghiệm hay dở của cả đời người đang dồn tụ thành biển cả trong ông. Càng tách bạch với ngoại giới, cái biển cả tâm hồn trong ông lại càng nhiều dịp nổi sóng tung bờ…những lớp sóng buồn trước sự nhố nhăng, đen bạc của cuộc đời.

Hai năm gần đây, tai ông nặng hẳn, chân bước chậm chạp, răng rụng gần hết, hầu như không nghe được, ăn ít biết ngon…Chắc thầy đã nghĩ, sống thế thì sống lâu làm gì? Thầy chán đời, chán mình; nhất là khi ốm đau phải cậy nhờ người khác, kể cả con cái, người thân. Những khi ấy ông càng bứt rứt, chán chường.

Trong vòng hơn nửa năm qua, ông nhập viện ba lần. Lần đầu xuất huyết dạ dày nằm tại bệnh viện Chợ Rẫy (Sài Gòn). Thoát được cửa tử thần lần ấy, ông ra lại Hà Nội. Gặp tôi và anh La Khắc Hòa đến thăm, câu đầu tiên ông nói “mình vừa mới từ cõi chết trở về”. Được ba bốn tháng yên lành, bỗng nhiên ông bị tai biến, phải vào bệnh viện Hữu Nghị (Hà Nội). Kết quả chân không đi đứng được, phải nằm một chỗ. Rồi ông cũng được ra viện, về nhà tập đứng lên, ngồi xuống. Tôi đến thăm, ông trầm ngâm nói: “tính mình thích lang thang, nay bị thế này như đeo cùm”. Rồi chân dần vững lên, tôi mừng và thấy đầy hy vọng. Hy vọng ông đi lại được… Thế rồi, đùng một cái ông lại được đưa vào viện. Lần này ông bị viêm phổi nặng cộng với bệnh tim (hẹp động mạch vành). Bệnh viện định nong tim đặt stent, nhưng tuổi cao, sức yếu sợ ông không chịu được, nên đành chữa theo hướng khác.

Những ngày này, Hà Nội lạnh tái tê, thầy Mạnh nằm viện với bệnh tình quá xấu. Xấu hơn cả tiết trời Hà Nội. Nằm viện với tình trạng mà khi tỉnh táo ông rất ghét. Không chỉ là chuyện phải nằm một chỗ. Đã hơn 1 tuần rồi, tôi vào và đau đớn thấy một cái ống nhựa chọc qua miệng thầy, họ nói là để thở bằng máy; ăn phải qua ống xông đằng mũi, dây nhợ ngủng ngoẳng cắm khắp nơi để đo các chỉ số huyết áp, nhịp tim, hơi thở… Người ta phải gây mê để đặt các ống này. Khi tỉnh dậy ông đau cổ đã đành, nhưng cái mà ông ghét nhất là lằng nhằng vướng víu… Tôi nhớ cách đây khoảng 6-7 năm, khi tai ông bắt đầu khó nghe, tôi đưa thầy đến Trung tâm trợ thính, 2 lần ông mua máy nghe chống điếc. Cái máy ấy chỉ cần gắn hoặc quắc vào tai rất gọn… thế nhưng ông đeo được vài hôm rồi quẳng đi luôn. Tôi hỏi, ông bảo đeo cái ấy lằng nhằng, phức tạp lắm…Ông thích đơn giản, gọn nhẹ, mộc mạc; ghét sự diêm dúa, cầu kỳ trong sinh hoạt và trang phục, giống hệt như những trang văn ông viết, giản dị, chân tình mà sâu thẳm trí tuệ và cảm xúc, mà lay thức lòng người…

Giờ thì thầy muốn nói, nhưng miệng vướng ống thở, vướng dây nhợ thế, nói sao được. Cái máy trợ thính nhỏ xinh thế mà ông đã thấy khó chịu, huống chi bây giờ, hàng lô ống và dây. Bình thường ông thích có người đến tán chuyện cho vui, nhưng đó là lúc bình thường. Là người theo chủ nghiã duy mỹ, ông vốn khinh bỉ sâu sắc sự nhếch nhác, cả trong đời thực lẫn văn chương; lại luôn rất tỉnh và tinh trong việc nhận ra sự nhếch nhác ấy. Vì thế tôi nghĩ và chắc một điều: ông không muốn gặp nhiều người trong tình cảnh này. Tôi đã nghe nhiều lần ông đọc câu “Mỹ nhân tự cổ như danh tướng/ Bất hứa nhân gian kiến bạch đầu”.

Tôi đến thăm thầy. Thầy nằm im, bất động, mắt nhắm nghiền. Nắm bàn tay và lay gọi vài lần, thầy vẫn không tỉnh được. Có phải thầy đang mơ về một xứ xa xôi. Nơi ấy chỉ giản đơn là không còn phải đeo mấy cái thứ ống và dây ấy nữa; sao lằng nhằng quá thế này...Tôi biết thầy sẽ rất vui khi gặp lại những tri kỷ, tri âm; những người lúc còn sống đã gắn bó, thân thiết với thầy, những Nguyễn Tuân, Xuân Diệu, Hoàng Ngọc Hiến, Nguyễn Khải, Nguyên Hồng, Nguyễn Minh Châu và bao văn nhân khác nữa…

Ra đi sớm, thầy thì vui nhưng thầy có biết không, thầy đã để lại cho biết bao người một nỗi đau buồn khôn tả, một khoảng trống khó có thể lấp đầy. Thầy như một bức tranh trong căn phòng triển lãm mà nếu lấy đi vĩnh viễn để lại một khoảng trống trên tường như thầy từng viết.

Ngôi sao ấy vừa lặn rồi. Ánh hồi quang vẫn còn đó… nhưng lòng sao vẫn thấy lạnh lẽo vô cùng, lạnh hơn nhiều cái tái tê của đất trời Hà Nội. Vĩnh biệt người thầy cao quý của biết bao thế hệ học trò. Vĩnh biệt tác giả của nhiều bài phê bình còn in đậm mãi trong tâm khảm bạn đọc. Vĩnh biệt một con người chỉ biết cúi đầu trước hoa mai.

10-02-2018.

ĐNT