Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 11 tháng 2, 2018

Văn học miền Nam 54-75 (454): Tô Thùy Yên (kỳ 3)

Thơ Tô Thùy Yên

Nguyễn Hưng Quốc


Trong hai bài “Thơ sau 1954” mới đây, tôi đi đến một nhận định chính: thơ Việt Nam, đặc biệt ở miền Nam, từ 1954 đến 1975, là dòng thơ của cái tôi ý thức với những ám ảnh khắc khoải mang đầy tính siêu hình.

Tiêu biểu nhất cho cái tôi ý thức ấy có lẽ là thơ của Tô Thuỳ Yên.

Thơ Tô Thuỳ Yên không hoàn toàn mới. Thơ Tô Thuỳ Yên là sự kết hợp hoàn chỉnh và đẹp đẽ giữa hai yếu tố mà giới phê bình lý luận văn học tại Việt Nam thường nói đến: tính dân tộc và tính hiện đại. Có thể dễ dàng tìm thấy trong thơ Tô Thuỳ Yên vô số những dấu vết của truyền thống bên cạnh vô số những điểm cách tân độc đáo: cả hai hài hoà với nhau làm cho thơ ông, ở những bài thành công nhất, có cái hoàn hảo của những tác phẩm cổ điển.

Tô Thuỳ Yên, theo tôi, trước hết là một nhà thơ trí thức. Hãy đọc lại các bài thơ đầu tay của Tô Thuỳ Yên đăng trên Sáng Tạo và Thế Kỷ 20 vào cuối thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 (1). Đã đành là chưa có bài nào thật xuất sắc. Song tất cả đều thể hiện hai niềm băn khoăn chính: định nghĩa thơ và định nghĩa mình với tư cách là một nhà thơ (2). Qua đó, có thể thấy một đặc điểm lớn trong phong cách Tô Thuỳ Yên: ông bắt đầu sự nghiệp làm thơ một cách đầy tự giác. Ông không cậy vào cảm hứng, vào năng khiếu, như hầu hết những người làm thơ khác.

Có lẽ điều này làm cho Tô Thuỳ Yên trở thành một hiện tượng hiếm hoi trong lịch sử thơ ca Việt Nam: thơ ông càng ngày càng chín, càng hay; càng về sau càng trẻ trung và càng tươi tắn.

Hình ảnh của Tô Thuỳ Yên hiện ra trong thơ bao giờ cũng là hình ảnh một người đầy ưu tư, đầy khắc khoải. Có thể nói thơ Tô Thuỳ Yên là một chuỗi đối thoại lặng lẽ và triền miên giữa ông và lịch sử, giữa ông và thiên nhiên.

Ta gắng về sâu lòng quá vãng

Truy tầm mê mỏi lý sơ nguyên

Hỡi ơi, dọc dọc thây câm cứng

Mắt trợn tròn chưa dứt ngạc nhiên...

Ta lại trồi lên dương thế rộn

Ngày ngày ra bãi vắng vời trông

Bóng chim, tăm cá, cành trôi giạt...

Bất luận điều chi giữa mịt mùng

(Mòn gót chân sương nắng tháng năm)

Lịch sử, với Tô Thuỳ Yên, là một “bí lục”, tuy “văn nghĩa mơ hồ không hiểu trọn”, nhưng ít nhất, từ đó, ông cũng rút ra được một điều: sự hữu hạn của kiếp người. “Thiên thu loé tắt vệt phù du”. Tính chất hữu hạn ấy càng nổi bật khi ông đối diện với thiên nhiên. Thơ Tô Thuỳ Yên đầy hình ảnh thiên nhiên. Thiên nhiên biến thành một nhân vật. Nhưng đó không phải là thứ thiên nhiên trên cao hay thiên nhiên lữ thứ lúc nào cũng tương thông, tương ứng với con người như trong thơ trung đại. Cũng không phải là thứ thiên nhiên tâm tình, ướt đẫm cảm xúc, nếu không rạo rực thì lại hắt hiu buồn bã như trong Thơ Mới. Tô Thuỳ Yên nhìn thiên nhiên bằng một cái nhìn đánh giá, lạnh lùng, nhấn vào bản thể của sự vật chứ không phải là ngoại hình của chúng:

Ta ngó thấy hàng thuỳ dương gẫy rủ

Từng cây như nỗi bất an già

Ta ngó thấy rào chà cản nước

Từng hàng như nỗ lực lao đao

Trong thơ Tô Thuỳ Yên có nhiều chữ “nhìn”, “thấy”, hay “ngó thấy” và nhiều chữ “nghĩ”. Ông “nhìn ngọn cỏ, lòng mê mẩn / nghĩ tới đời ràn rụa thâm ân”; ông nhìn “trên đồng ngọn cỏ tranh khom mỏi”, nghĩ đến “đời nặng cơn bi luỵ dịu dàng”; ông nhìn “tàu chuối xác xơ reo ngất ngất”, nghĩ đến “nỗi đời bi thiết xé lưa tưa”; ông “thấy, thấy sóng tan tành lũ lượt”, nghĩ đến “đời hoài công đứt nối miên man”... Nhìn và nghĩ. Nhìn thiên nhiên và nghĩ đến cuộc đời.

Trong mấy câu thơ tình cờ tôi nhớ và dẫn ở trên, câu nào cũng có chữ “đời”. Đời, cuộc đời là ám ảnh không nguôi của Tô Thuỳ Yên. Thiên nhiên, do đó, không còn là một “thanh sắc”, một “tài liệu” như đối với Thế Lữ ngày nào, mà chỉ còn là một ý niệm. Cơn mưa, với Tô Thuỳ Yên, chỉ là “cơn mưa hư tưởng”; dòng sông, với Tô Thuỳ Yên, chỉ là “dòng sông hiền triết”; biển, với Tô Thuỳ Yên, chỉ là “biển tang chế”; mây, với Tô Thuỳ Yên, chỉ là “mây thiên cổ”.

Thiên nhiên không phải là đối tượng để chinh phục hay để chiêm ngắm, hưởng thụ mà là một đối tượng để trầm tư. Thiên nhiên tồn tại như một chứng tích của cuộc bể dâu. Nó cũ kỹ: Gió thật xưa, mây thật già nua. Nó khô cạn: “Tôi ôm lấy thây dòng suối tắt / Thối tha cành lá mục”. Nó hư hoại: “Đám cây bật gốc chờ tan xác”. Đặc biệt, Tô Thuỳ Yên có vẻ thích chữ “rã”. Thơ ông có khá nhiều chữ “rã”. Gió rã: “Trống trải hồn ta cơn gió rã”; mây rã: “Cụm mây trôi rã trong trời lớn”; sóng rã: “Hạnh phúc này như sóng rã trên sông”; mặt trời rã: “Mặt trời chiều rã rưng rưng biển”. Nếu không rã thì mốc. Đá mốc: “Thời gian kết đá mốc cô tịch”; trời mốc: “Mưa lâu trời mốc buồn hôi xưa”; lòng người mốc: “Còn lại chăng chút u hoài mốc”. Chưa bao giờ, trong thơ Việt Nam, thiên nhiên được miêu tả một cách thê thảm đến như vậy.

Đặng Tiến, khi viết về Hoàng Cầm, có nhận xét là Hoàng Cầm cũng như hầu hết các nhà Thơ Mới thường làm mới ở động từ:

- Sóng đã cài then, đêm sập cửa

- Đêm thở sao lùa nước Hạ Long

- Thân cau cụt vẫy đuôi màu trắng mốc

Chuồn chuồn khiêng nắng sang sông. (3)

Tô Thuỳ Yên, ngược lại, dường như tập trung làm mới ở hình dung từ:

- Cửa thần phù dựng trường sơn sóng

- Ta dậy khi gà truyền nhiễm gáy

- Tiếng võng đưa đưa tịch mịch mùi

- Tung ra khắp bãi thời gian lộng

Em độc thoại lời kinh ánh xanh...

Làm mới ở động từ là một hình thức nhân cách hoá, là làm biến đổi thiên nhiên, coi thiên nhiên cũng như con người; làm mới ở hình dung từ là chấp nhận thiên nhiên là thiên nhiên, con người chỉ thay đổi được cách nhìn, cách giải thích thiên nhiên mà thôi.

Tô Thuỳ Yên đi tìm cái nghĩa của thiên nhiên và qua đó của sự sống chứ không phải đi tìm cái đẹp, càng không phải đi tìm sự đồng cảm. Tô Thuỳ Yên đến với thiên nhiên để tra vấn, để “mò đoán nghĩa dòng hư tự / mòn nét trong thiên địa”... Thơ Tô Thuỳ Yên, nói như Võ Phiến là “một dấu hỏi khổng lồ nêu lên trước cái bí ẩn muôn đời của vũ trụ” (4), hay nói cách khác, như một lời thơ của chính ông, đẹp tuyệt vời: một “tiếng kêu réo đuối trong thăm thẳm”.

Có điều, mặc dù đề cao cái tôi ý thức song Tô Thuỳ Yên cũng như hầu hết các nhà thơ tiêu biểu của miền Nam trong giai đoạn 1954-75 lại không đi đến chủ nghĩa duy lý như các nhà Thơ Mới thời trước. Cái tôi ý thức của họ cũng đồng thời là một cái tôi hoài nghi, quằn quại, dằn vặt, day dứt, phản kháng. Tô Thuỳ Yên suốt đời tư lự và suốt đời hoang mang. Ông hiểu rõ những giới hạn của lý trí: “Nghĩ tới bao điều thầm lặng lớn / Trí ta không đủ lực đo lường”; từ đó, giới hạn của mọi lựa chọn: “Đến ngã ba đành theo một lối / Tiếc ngẩn không cùng theo lối kia”. Vũ Hoàng Chương lúc nào cũng bị trăn trở với câu hỏi về ý nghĩa của sự sống, đồng thời ông cũng biết rõ câu trả lời chỉ hiện ra khi sự sống ấy đã đi qua, đã không còn nữa: “Chiều nay một dấu than (!) buông dứt / Đinh đóng vào săng tiếng trả lời”.

Thanh Tâm Tuyền hãi hùng trước cuộc sống duy lý, kỹ nghệ hoá của đô thị: “Anh sợ những cột đèn đổ xuống / Rồi dây điện thoại cuốn lấy chúng ta / Bóp chết mọi hy vọng / Nên anh dìu em đi xa”.

Chú thích:

Phần lớn thơ Tô Thuỳ Yên trong giai đoạn này cũng như sau đó được in trong tập “Thơ tuyển” do tác giả tự xuất bản tại Hoa Kỳ năm 1995; in lại trên Talawas: http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=11686&rb=08

Chẳng hạn, các bài “Thi sĩ”; “Thân phận của thi sĩ”; “Tôi lên tiếng”; “Tuyên ngôn”; “Tôi”. Xin đọc trên Talawas.

Đặng Tiến (1993), “Thơ Hoàng Cầm, truyền thống và sáng tạo”, Hợp Lưu, số 14 (12.93&1.94), tr. 57.

Võ Phiến (1991), Thơ miền Nam, tập 1, sđd, tr.

Nguồn: https://www.voatiengviet.com/a/tho-to-thuy-yen-11-10-2010.../916916.html