Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 11 tháng 4, 2016

Đinh Cường, tấm lòng vô hạn

Đặng Tiến

Để ghi nhớ 100 ngày Đinh Cường từ biệt trần gian.

Văn Việt

clip_image001

Họa sĩ Đinh Cường từ tiểu bang Virginia, Hoa Kỳ, sang Paris bày tranh tại phòng triển lãm Annam Héritage, từ 28.10 đến 6.11.2010.

Đinh Cường mài miệt, mải miết vẽ đều tay từ nửa thế kỷ nay; đây không biết là lần triển lãm thứ mấy từ ngày anh mới ra trường 1963; và từ khi sang định cư tại Mỹ, 1989. Lần bày tranh gần đây nhất là tại Huế, mùa hè 2009.

Đinh Cường sống trọn đời, tận tụy, cho nghiệp hội họa – không nhất thiết là sống nhờ vào nghề hội họa. Anh triển lãm nhiều, không nhất thiết để bán tranh mà để gặp gỡ, làm quen. Vẽ tranh là tìm đến với cuộc đời; và bày tranh là đi trọn dặm trường hạnh ngộ. Nói khác đi, làm khác đi, là chưa hết lòng với chính mình và chưa tận tình với nghệ thuật.

Đinh Cường có câu thơ hay: Ra đi mới biết lòng vô hạn. Mỗi bức tranh là mỗi ra đi.

*

Có lần có kẻ yêu cầu tôi nói về tranh Đinh Cường trong vài ba chữ, tôi đã trả lời bằng một hình ảnh: tranh Đinh Cường là mạch nước ngầm tuôn trào lên khung vải. Đối thoại hồn nhiên thôi, nhưng ngày qua tháng lại có vẻ hợp lý, khi nhìn lại từ nguồn sáng tạo đến họa phẩm hoàn tất. Và như thế, chúng tôi lại gặp lại nhau, lại có nhau. Năm mươi năm trong chớp mắt.

Mạch suối tuôn trào, từ những kỷ niệm rời, những giấc mơ thầm, những hoang mang hảo, từ tuổi thơ gió bụi, từ những ”trận gió hoang vu thổi buốt xuân thì”. Và biết đâu chẳng đến từ những ảnh tượng tiền thân, như lời thơ Baudelaire “đã sống nhiều đời dưới bóng những hoành môn”; hay vẫn theo Baudelaire, “nhiều kỷ niệm như nghìn năm đã trải.

Mạch suối trào tuôn: nước ngầm vươn lên ánh sáng; và nơi Đinh Cường, mỗi bức tranh đòi hỏi một ánh sáng riêng cho màu trời sáng tác. Nước ngầm tái hồi với trần gian, thành thân với mặt đất chênh vênh, khi tươi thắm phù sa, khi chìm chìm núi lửa.Màu sắc ngân vang những bài hát thiên thanh, khô khàn sỏi sạn hay lóng lánh thủy tinh. Nghệ thuật Đinh Cường nối kết những mặt trời khuya khoắt đang đòi lại bình minh; chúng rọi chiếu lên khung vải nỗi đắm say lẫn với u hoài, thêm một thoáng hy vọng thầm kín và ngờ vực trầm buồn.

Nhưng cần đồng ý với nhau: sáng tạo nghệ thuật không bao giờ là một hồi tưởng đến tự nhiên, mà đòi hỏi ý chí, lao động cần mẫn và tìm kiếm miệt mài. Mạch nước ngầm còn là việc mang nặng đẻ đau – bề trái trong sáng tác Đinh Cường.

Từ thời trẻ, từ khi tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Huế, 1963, Đinh Cường đã hướng về hội họa hiện đại và trừu tượng. Anh trả lời báo Thế Giới Tự Do, 1967: ”tôi đã dần dần tước bỏ hết ý niệm về sự vật, hay nói theo danh từ triết học kinh điển, loại bỏ mô thể, forme, của sự vật để chỉ còn giữ lại chất liệu, matière, thuần túy của sơn dầu”.

clip_image002

Anh cho biết thêm về cách thực hiện một bức tranh “luôn luôn khởi đi trong ánh sáng rực rỡ lúc đầu, như một òa vỡ của hoa; để rồi lại trở thành đêm xanh đen, kết thúc những dò dẫm dài hơi, nơi kết liên của ngẫu nhiên và một tiền định nào đó không hiểu” (ĐC, báo TGTD, tập 16, số 8, 1967, Sài Gòn).

Tự bạch quý giá này không mâu thuẫn với ẩn dụ “mạch suối ngầm” tôi đã nêu lên. Lời tâm sự bổ sung thông tin về mặt hoàn tất một họa phẩm, giai đoạn cuối cùng của tạo tác. Trí tuệ sáng tạo của họa sĩ nhập vào bàn tay nghệ nhân thực hiện. Đinh Cường mài dũa, dập xóa, ấp ủ, đậy điệm, đưa những hình thể rực rỡ ban đầu vào không gian u trầm của nghệ thuật mà anh gọi là “đêm xanh đen”. Tuy vậy anh vẫn không ra khỏi quy luật thông thường của sáng tạo nghệ thuật, là đưa những mô hình từ bóng tối của tâm thức ra ánh sáng của trí tuệ, của tư duy lô gic như đưa hành trình Ulysse trong huyền thoại lên không gian hình học theo Euclide. Nghệ thuật, bao giờ cũng như bao giờ, vươn từ bóng tối ra ánh sáng. Không có hành trình ngược chiều.

Aragon có câu thơ hàm súc:

Những bông hồng mơ gì trong đêm tối…?

Liệu câu hỏi lạ lùng có tìm thấy lời giải trong tranh Đinh Cường?

Đinh Cường trong ngẫu hứng nào đó, có vẽ lên được giấc mơ của hoa hồng, qua kho tàng hình thể mình tích lũy trong trí tưởng?

Tranh Đinh Cường, trong tinh thể, phải chăng là ký ức một đóa hoa hồng đã hiến dâng hương sắc cho trần gian?.

Và nghệ thuật trần gian phải chăng là hoài niệm một mùi hương?

 

clip_image004

clip_image001[6]

Orleans, tháng 10.2010

Đây là bài giới thiệu Triển lãm tranh Đinh Cường tại phòng triển lãm Annam Héritage, từ 28.10 đến 6.11.2010. Nguyên văn lời giới thiệu bằng tiếng Pháp, tác giả tự phỏng dịch.

Dinh Cuong, la source résurgente

A quelqu’un qui me demanda, un jour, de présenter la peinture de Dinh Cuong en un mot, je répondis par une image : c’est une source résurgente. Réplique spontanée qui – au fil des années – s’avère comme une vue d’ensemble justifiée, depuis le processus de la création jusqu’aux œuvres accomplies. Et nous voilà, ensemble, le demi siècle en un clin d’œil.

Résurgence de souvenirs épars, de rêves inavoués, de quêtes intellectuelles angoissées, d’une adolescence tourmentée. Et qui sait, si les formes ne venaient pas de plus loin, d’une Vie Antérieure que le peintre pourrait évoquer, après le poète : « J’ai longtemps habité sous de vastes portiques » ou encore, toujours avec Baudelaire : « J’ai plus de souvenirs que si j’avais mille ans ».

Source résurgente : eau souterraine à la recherche de lumière ; et chez Dinh Cuong, de sa propre lumière, spécifique à chaque moment de ses peintures. Elle vient à la vie, épousant les aspérités du sol accueillant, alluvial ou volcanique ; ses couleurs nous chantent leur chanson aérienne, lumineuse, rocailleuse ou cristalline. L’art de Dinh Cuong est constitué de ces soleils nocturnes, égarés, qui réclament chacun son aurore et qui donnent à chaque toile autant de ferveur que de nostalgie, avec une lueur fugitive et discrète d’espérance mélancolique.

Entendons-nous : l’art en tant que création n’est jamais une naturelle réminiscence, elle exige effort volontaire, travail assidu et recherche perpétuelle. Résurgence ici, veut dire aussi gestation et souffrance, ce qui constitue l’autre face dans l’art de Dinh Cuong.

Jeune peintre, en 1963, à la sortie de l’Ecole des Beaux Arts de Huê, il s’oriente déjà vers l’art abstrait et moderne, déclarant à la revue The Gioi Tu Do, (Monde Libre), en 1967, « Peu à peu, j’abandonne le concept d’objets réels, pour ne garder que la matière pure et spécifique de la peinture à l’huile ».

Il nous livre en même temps sa façon de procéder : « Ma toile débute toujours dans la lumière éclatante, comme une fleur qui explose, pour revenir à sa nuit bleue et noire ; résultat qui n’arrivait pas au début, il est seulement accompli après des longues expérimentations, lieu de convergence du hasard et d’un destin mystérieux ».

Confidence précieuse qui ne contredit pas l’image de la source résurgente que j’ai avancée au début ; elle la complète par l’information quant à la réalisation technique, qui est la dernière étape de l’œuvre. L’artiste créateur devient artisan réalisateur. Dinh Cuong polit, lisse, efface, estompe pour renvoyer le clair éclatant à l’ombre artistique qu’il appelle « sa nuit bleu noir ». Mais il ne sort pas du processus général de toute création artistique qui consiste à transmettre les formes du mythos à la lumière du logos, translatant le voyage d’Ulysse à l’espace Euclidien. L’art, quel qu’il soit, évolue de l’obscur à la clarté, et non l’inverse.

Louis Aragon a ce vers profond : « De quoi la nuit rêvent les roses ? »

Question étonnante. Trouve-t-elle réponse auprès de la peinture de Dinh Cuong ? Peint-il, par hasard, le rêve des roses, à travers l’imagerie de son imaginaire?

La peinture de Dinh Cuong, dans son essence, est-elle mémoire d’une rose qui a livré au monde tout son parfum ?

Et l’art du monde serait-il autre chose que le souvenir d’un parfum ?

Dang Tien

Pour l’exposition de Dinh Cuong, galerie Annam Héritages, Paris, 28/102010-6/11/2010.