Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 6, 2015

VĂN HỌC MIỀN NAM (112): THÁC ĐỔ SAU NHÀ (2)

VÕ PHIẾN
Ban đầu chúng tôi gần gũi Kha như là tìm về những kỷ niệm tốt đẹp nhất của dĩ vãng. Thọ đi rồi, hết cái không khí căng thẳng bứt rứt trong gia đình, chúng tôi thấy nhẹ nhàng nhưng trơ trọi. Không có người thanh niên đó trong nhà, thì cha chồng tôi, các chị em chồng và tôi, tất cả như xa lìa cuộc sống xã hội, như dứt hết mọi liên quan với những hoạt động của xã hội xung quanh. Vì thế mỗi lần Kha đến nói chuyện, ít nhất chúng tôi cũng cảm thấy là chưa phải đã nguội lạnh, đã chết hẳn một dĩ vãng, cảm thấy như là còn một chút gì thuộc về những ngày sống với Thọ được hồi sinh lại. Chút gì đó hoàn toàn thuộc về tình cảm. Cha chồng tôi do đó vẫn tiếp tục thích nói chuyện thời thế với Kha, nhưng không phải vì cần bộc lộ uất ức như trước, mà là vì vô tình muốn gợi lại một hình dáng dẫu sao cũng vẫn là thân yêu đối với người.

Còn Kha thì từ ngày em đi và vợ chết, Kha cũng thích gần chúng tôi vì một nguyên nhân tương tự. Kha là một người hiền lành, còn hiền lành và giản dị hơn Thọ nhiều. Nếu không có gì xảy ra có lẽ Kha đã yên thân, chọn một đời sống hết sức bình thường, không tha thiết đến gì nữa ngoài vợ và con. Hồi còn sống chị Kha thường phàn nàn với chị em rằng anh Kha không biết yêu vợ như những người khác. Có khi chị tuyên bố như thế trước mặt anh Kha. Kha cười không phản đối. Anh không biết anh có yêu vợ bằng người khác không. Nhưng có điều anh thích cà rà bên vợ suốt ngày như một đứa trẻ cà rà bên mẹ. Anh đem sách đến bên vợ vừa đọc vừa xem vợ cắt râu củ kiệu hay gọt mứt đu đủ. Anh xuống bếp ngồi, chờ đón từng gắp thịt, từng que lụi do chị Kha trao cho để nướng. Anh với thằng bé Quỳnh chia nhau lấy ớt, bóc tỏi, giã tiêu, giúp vợ dọn cơm. Gần nhau như thế không phải để anh nói những câu chuyện tâm tình gì, cũng không phải để anh ngắm nghía vợ. Anh chỉ thích có vợ bên cạnh và cảm biết sự hiện diện ấy là đủ. Anh không thích nói chuyện, thứ nhất là nói những câu tình cảm, càng không thích nhìn ngắm vợ. Nhưng khi làm việc chỗ nào anh thích bên cạnh có tiếng khua động, tiếng kéo, tiếng dao, tiếng chổi, tiếng ho, tiếng nói của vợ. Vắng những tiếng ấy anh chờ đợi, ngóng tìm.
Chị Kha quen với sự gần gũi đó, đến đỗi xem như là tự nhiên, không khó chịu cũng không thấy thích thú, nhất là không thấy việc đó có một ý nghĩa gì. Thỉnh thoảng Kha đang ngồi một bên, chợt giật mình nghe vợ hỏi: “Anh đưa cho cái bật lửa để thắp đèn”, hoặc “Anh đưa cái khăn lau mũi cho thằng Quỳnh Em”, hoặc “Đưa cho năm đồng! Đưa đây ve dầu khuynh diệp xoa tí xem, ngạt mũi quá!” Anh Kha ngơ ngác tìm quanh quất, rồi nhìn vợ lưỡng lự ra ý hỏi, thì chị Kha đã nóng nảy đưa tay ra đón, và giục: “Trong túi áo ấy”. Không phải là trong túi áo của chị mà là ngay trong túi áo của anh Kha, cái đó mới kỳ cục. Anh cho tay vào túi áo của mình, quả nhiên lấy ra được cái bật lửa, hoặc cái khăn lau mũi của thằng Quỳnh Em, hoặc năm đồng, hoặc ve dầu khuynh diệp. Những thứ ấy anh không hề bỏ vào túi mà có thể lấy ra, y như một trò ảo thuật. Trò ảo thuật đó có thể giảng giải như sau: trong những lúc chị ê a hát ru con, hay hí hoáy thái thịt, hay lau mũi cho con, những lúc đó thường có anh Kha bên cạnh, tiện tay chị nhét những bật lửa, khăn lau vào túi áo chồng. Cái áo đàn bà không muốn có túi, nếu áo đàn bà có túi thì nó lại không muốn chứa cái gì cả, để cho khoảng trước bụng khỏi phình cao lên. Vì thế bạ cái gì chị Kha cũng có thể cho vào túi chồng, vào những lúc bất ngờ nhất. Túi áo của anh tự nhiên hóa thành cái ngăn kéo, cái hộc tủ, cái túi dết bất đắc dĩ. Một hôm, trong hội nghị, anh Kha đùa giỡn với anh em, có người cho tay vào túi áo anh, đụng nhằm một cái gương con và mấy chiếc kẹp tóc.
Những việc như thế không có ý nghĩa gì cả. Chị Kha cứ tuyên bố là anh Kha không biết yêu đương, và anh không cãi được. Hai người chỉ thấy ngạc nhiên khi anh Kha bị tập trung vào lao xá. Lúc đó chị Kha thấy khuyết hẳn đi một phần thân thể của mình, như thân mình bị cắt xén cho nhỏ lại. Trước kia chị có nhiều tay nhiều chân hơn, chị có nhiều túi hơn, bên tả bên hữu chị vẫn còn những hoạt động của chị. Bây giờ cử động của chị như cụt lủn. Chị đưa tay ra không có bàn tay đón. Tiếng chị nói năng, khua động tan biến đi, bay lạc đi lảng nhách giữa sự vô tình. Chị ngơ ngác không biết mất đi cái gì. Người đàn bà trẻ không chịu đặt tên cho những cái như thế là tình yêu.
Còn anh Kha mới thực là thiểu não. Anh đếm từng ngày trong tù. Suốt ngày anh cụ rụ lù khù, trông bẩn thỉu, ngờ nghệch. Anh không biết sống thế nào cách sống mới của mình, cách sống không có vợ bên cạnh. Không ai ngờ được rằng thiếu đi hơi hướng, bóng dáng của một người đàn bà, thiếu đi những tiếng nói cười khua động của một người đàn bà ở bên cạnh, cuộc sống lại… mất ý nghĩa đến như thế. Anh Kha ngẩng mặt, quay cặp mắt đeo kính cận thị của anh khắp bốn phía nhà lao, anh không trông thấy cái gì có thể thay thế được sự hiện diện của chị Kha, anh không hiểu nổi những hoạt động xung quanh, không hiểu nổi cuộc sống xung quanh, anh không thể nào thích ứng được với cuộc sống đó, anh ngơ ngác khổ sở khốn đốn. Lúc nào anh cũng thấy lạnh, một cái lạnh thực, cụ thể, cảm biết rõ ràng bằng da thịt. Cho nên anh luôn luôn quấn cái khăn lông to tướng quanh cổ. Người ta áp dẫn anh đi cuốc rẫy, chặt củi hay đốn gỗ, bất cứ ở chỗ xó rừng góc núi nào, anh Kha cũng không rời cái khăn lông mỗi ngày một nhớp nhúa ấy. Đang im lìm một chỗ, chợt anh nghe ai la nói lớn hay nghe tiếng động khác thường, cái đầu của anh liền quẫy mạnh một cái trên đống khăn to tướng ấy như một con trăn giật mình vùng cất dậy trên đống lá khô. Anh bất giác ngẩng cặp mắt kính lóng lánh ngơ ngác tìm kiếm. Không tìm thấy chị Kha, anh thất vọng cúi xuống, im lìm.
Vào tù, anh mất cái thú sống. Anh không chú ý đến thời cuộc nữa, không bao giờ có thể lại hăng hái bàn cãi bất cứ về vấn đề gì như lúc anh tới đàm luận với Thọ hay với cha chồng tôi. Anh không biết phật ý, bất mãn về điều gì cả. Anh như một đóm lửa tắt ngấm, hoàn toàn anh không chú ý đến gì nữa.
Như thế bốn năm tháng trời, rồi anh được trả tự do. Anh chạy về nhà, chị Kha đón gỡ cái khăn lông đồ sộ khỏi cổ anh, đem đi giặt sạch tử tế. Anh lại quấn quýt bên chị, và dần dà trở lại bên nhà chúng tôi nói chuyện về thời thế, về những điều chướng tai gai mắt trong xã hội.
Rồi anh Kha lại bị tập trung nữa. Bất cứ lúc nào hễ có tin địch sắp mở một chiến dịch, có tin giặc đổ bộ đâu đó gần vùng chúng tôi là Kha lại bị tập trung, có lần bốn năm tháng, có lần một đôi tháng. Tính ra không năm nào Kha khỏi quấn cái khăn lông đi vào tù ít ra một chuyến. Đến lần thứ năm anh Kha ở lao xá về thì không có chị ra đón gỡ cái khăn lông quấn quanh cổ nữa. Chị đã mất rồi.
Từ đó Kha chỉ còn giữ được một thói quen trong đời sống của anh là thỉnh thoảng sang bên nhà chúng tôi để thổ lộ những bất mãn về thời cuộc. Đến khi Hải bỏ nhà đi nữa, Kha càng thấy quạnh quẽ và càng thường sang bên chúng tôi. Vô ý thức, chúng tôi cứ mỗi ngày mỗi sát đến bên nhau, tìm cách che giấu khỏa lấp một sự trống trải trong tâm hồn, gián tiếp nhắc nhở nhau một khoảng dĩ vãng khó khăn đau khổ nhưng khi vượt khỏi nó rồi chúng tôi lại không biết hướng cuộc đời về đâu.
Như thế cho đến khi Kha đi làm quận trưởng. Kha bừng tỉnh, tìm ra lẽ sống của anh. Những bất mãn hậm hực bấy lâu vô ích bây giờ thúc giục anh hăng hái say mê công việc. Bấy lâu chỉ có những câu đàm đạo, những lời nói, bây giờ là hành động. Kha tìm thấy trong công việc chống lại những hoạt động cộng sản một thú vị mê say.
Kha chủ trương một chính sách độc tài. Anh sẵn sàng trình bày về chính sách độc tài với bất cứ người nào muốn nghe hoặc không muốn nghe. Có lẽ cha chồng tôi là người trước tiên được nghe anh mở đầu.
— Con người ta càng ngày càng ít muốn tự do.
Cha chồng tôi có cái bụng khá lớn, ngồi trên phản thường lấy tay nắm một bàn chân bên này bỏ lên bắp vế bên kia và trong khi nói chuyện cứ giữ riệt lấy bàn chân ấy, bẻ các ngón chân, xoa vuốt mãi như mân mê một thứ đồ chơi. Người bảo anh Kha:
— Nói thế là một cách nói khó hiểu đấy.
Kha vội vàng cãi:
— Giai đoạn này cần mạnh. Lúc này các dân tộc cần cảm thấy mình thực là khỏe mạnh, sung sức, mới yên tâm mà sống, mà xây dựng tương lai. Trước tiên là phải có khí giới mạnh. Nhưng thế chưa đủ. Phải có một chế độ mạnh nữa mới được…
Anh Kha ngừng lại, giương cặp mắt nhiều tròng trắng trợn tròn xoe sau chiếc kính cận thị nhìn cha chồng tôi một cách dữ tợn đến nỗi người phải lẩm bẩm lặp lại: “Một chế độ mạnh, chế độ mạnh”, như là thối lui, nhượng bộ. Kha liền tấn công dồn tới:
— Phải có một chế độ thực mạnh. Nghĩa là hành động hữu hiệu và nhanh chóng, thực là nhanh chóng. Khả năng lớn lao của những thứ vũ khí mới đòi các chính phủ phải quyết định và hành động thực chớp nhoáng và kín nhẹm. Chần chờ, bàn cãi dài dòng, thế nào cũng chậm, cũng muộn, tức là yếu, là chết rồi đó. Một số ít người cần có quyết định nhanh để đối phó kịp thời. Vì cái chế độ độc tài nhất trên quả đất đã tỏ ra cương quyết nhất, hữu hiệu nhất, cho nên người ta tranh nhau tiến tới độc tài. Nước Nga không thành công về chuyện xúi buộc người ta làm cộng sản, nhưng thành công về cách bày vẽ cách làm chính trị độc tài. Đó là cái vinh dự của nước Nga…
Cha chồng tôi ngửa người ra, cười không thành tiếng, một tay chống ra sau, một tay giơ lên vẫy vẫy như ra dấu cho anh Kha tốp lại, chậm lại, chờ người cười xong đã. Kha thích chí, cười ha hả:
- Bác coi: độc tài đâu phải là sự ngẫu nhiên ở vài ba nước? Lúc này nó thành ra một phong trào, một xu hướng hẳn hoi. Nước Pháp, thành lũy của tự do cá nhân, của tư tưởng dân chủ, rồi cũng phải chấp nhận một chính thể dồn thêm quyền hành cho một cá nhân De Gaulle. Ở Trung Đông, ở Đông Nam Á… đảo chánh xảy ra liên tiếp. Thường là do quân nhân cầm đầu cả. Chế độ đại nghị khó tồn tại! Các ông thủ tướng cứ bị quốc hội lật đổ liên tiếp thì còn làm gì được nữa. Quyền hành pháp phải trao vào một chức vị bền vững, không để quốc hội vật lên vật xuống quành quạch. Ít ra là tổng thống chế… Thời kỳ bây giờ người ta không có thì giờ bàn cãi lâu. Nhờ tiến bộ khoa học, chúng ta sử dụng được những lực lượng vĩ đại quá, chớp nhoáng quá, nhịp sống của chúng ta tăng nhanh lên, sự quyết định của chúng ta cũng phải nhanh chóng cương quyết cho kịp khả năng của những phương tiện ta dùng. Lúc này phải quyết liệt, bác à.
Cha chồng tôi xem ra chưa có vẻ gì tán thành lý luận đó. Nhưng người không hề phản đối, chỉ cười cười, tiếp tục bẻ các ngón chân. Kha rút một điếu thuốc đưa lên môi, rồi lấy bật lửa ra, nhưng bật lửa của anh lại vẫn không có tim. Từ ngày chị Kha qua đời rất ít khi anh Kha được thỏa mãn về cái bật lửa của mình. Thời kỳ này rất có thể là một thời kỳ độc tài, nhưng vẫn chưa là thời kỳ mà tim bông gòn tẩm dầu lửa có thể tự nhiên mọc nhú lên như mộng lúa hay như đọt cỏ non trong bật lửa được. Cha chồng tôi vừa đưa cho anh Kha một bao diêm vừa nói: “Ruộng bên anh đã cày vỡ xong chưa?”, thản nhiên đưa câu chuyện về hướng khác.
Tôi không biết ở chức vị của Kha, làm việc trong phạm vi quyền hạn một quận trưởng như Kha, thì một người chủ trương chính sách mạnh và một người không chủ trương chính sách mạnh có hành động gì khác nhau chăng. Riêng đối với cha chồng tôi quả là nó đã làm cho người khiếp sợ. Thái độ mê say nồng nhiệt nào cũng khiến người sợ hãi dè dặt. Khi Kha chỉ trình bày chính sách của anh thì người ngồi nghe và cười. Nhưng dần dần đến khi anh hậm hực công kích tới thứ luật pháp hiện hành mà anh chê là nhu nhược trước hoạt động gián điệp của cộng sản, khi anh công kích lề lối làm việc kềnh càng vô hiệu của chính quyền quốc gia hiện tại, chê sự kiểm soát bất lực đối với nạn tham nhũng v,v… và đòi một chính sách trừng trị mạnh bạo kịch liệt, khi ấy thì cha chồng tôi không mỉm cười mân mê các ngón chân nữa. Khi ấy hoặc người đờ ra nhìn chăm một con ó rằn bay giữa lừng trời, hoặc người ngó chăm chỉ vào tô canh trên bàn ăn, hoặc người chú ý vấn đi vấn lại mãi một điếu thuốc. Cha chồng tôi làm như không hề có người trước mặt anh Kha, người không nghe, không thấy gì cả, người tự nhiên biến mất hẳn đi.
Tôi thấy mỗi ngày Kha càng say mê công việc, càng hăng hái với những lý luận, chính sách, những hậm hực của anh, thì cha chồng tôi càng tìm cách rút lui, lảng tránh anh. Nhiều người khác trong gia đình cũng có ý ấy. Tuồng như khi sự say mê đắm đuối xâm nhập vào tâm hồn một kẻ nào cũng thường lôi cuốn kẻ ấy xa rời thân thuộc mình. Tội nghiệp là Kha không trông thấy điều đó. Anh vẫn trung thành với cái thói quen tìm đến chúng tôi, bộc lộ tư tưởng dễ dàng với chúng tôi.
Về sau, nhiều lần đến nhà không gặp cha chồng tôi, anh nói chuyện với chị em chúng tôi, và từ câu chuyện một bó rau bó cải anh rất có thể dẫn đến nhiều chính sách mạnh. Đôi khi tôi mỉm cười thương hại bảo anh:
— Ai cũng biết anh có nhiều chính sách. Anh chỉ thiếu một người kết lại cái nút tay áo đang sổ ra thôi.
Anh Kha co tay lên, đón gỡ một nột nút lủng lẳng ở tay áo, cười toe toét nhờ chúng tôi kết lại. Tôi thầm nghĩ dầu có vất vả sản sinh ra bao nhiêu chính sách, Kha cũng vẫn còn giữ được bản tính hồn nhiên, sống những tình cảm quen thuộc. Anh không phải luôn luôn đăm chiêu thắc mắc, tự biến mình thành một con người khác như Thọ. Người ta làm được mọi chuyện quái gở, nhưng tốt nhất nên buồn vui thương ghét như lối cũ xưa nay, vẫn giận cái gì xưa nay người đời thường giận, cảm phục cái gì xưa nay thường được cảm phục. Làm ra con người mới là một chuyện khó khăn và kỳ cục. Con người tự bày ra những tình cảm mới cho mình và đặt tên huyên thiên cho nó thì thực là ngông nghênh.
Kha tiếp tục đến với chúng tôi do một thói quen. Gia đình chúng tôi cũng có thói quen chờ Kha đến để bàn cãi về những chuyện không đâu ngoài công việc làm ăn. Cha chồng tôi mặc dù nhút nhát, đôi khi e sợ những câu chuyện của Kha, nhưng hồi mùa xuân năm ngoái, nhận thấy vắng Kha ngót một tháng cũng băn khoăn suy nghĩ. Mọi người đều áy náy tự hỏi phải chăng Kha đã nhận biết thỉnh thoảng cha chồng tôi tỏ ra lạnh lạt với anh.
Một hôm, đi chợ về nửa đường, tôi gặp Kha vừa từ phía sau miếu Long Mỹ bước ra, sau lưng đeo khẩu súng và tay xách ba con gầm ghì. Tôi nói:
— Đã lâu anh không đến chơi, thầy tôi nhắc luôn.
Kha hỏi “Thế à?” cụt ngủn, rồi bước đi theo tôi. Tiếng giày của anh giậm trên sỏi vang lên một tiếng kêu khó chịu, đều đều, chậm chạp, mà nổi lên to quá, sống sượng quá, đuổi mãi theo bên cạnh tôi dọc ven rừng vào buổi chiều yên tịnh. Tôi lưỡng lự, không biết nói sang chuyện gì khác, bỗng Kha lên tiếng hỏi:
— Đố chị biết cây gì?
Tôi nhìn theo hướng tay Kha chỉ, bật cười:
— Anh không nhớ sau góc vườn của chúng tôi cũng có một cây chòi mòi sao?
— À, lạ nhỉ. Có ai trồng chòi mòi làm gì trong vườn?
— Có lẽ không ai trồng cả. Chắc là một cây chòi mòi hoang, khi dọn đất làm vườn cất nhà người ta chừa nó lại.
— Mỗi cây chòi mòi có một sự tích. Ngày còn nhỏ chúng tôi thường leo hái trái chòi mòi ở mé ao. Có lần nó ngã xuống ngất đi mà tôi không dám kêu, chỉ ngồi xuống ôm nó…
— Ai?
— Thằng Hải. Lớn lên mỗi đứa một cuộc đời, không thể can thiệp được gì vào cuộc đời của nhau.
Tôi nghĩ đến Thọ. Đau quặn trong lòng: Một trăm năm nữa, thế hệ này qua đời rồi thì dòng lịch sử nhẵn hết lằn vết. Sự qua phân đất nước chỉ còn là một vấn đề chính trị, một danh từ không có tiếng vang tình cảm, một sự kiện để công dân trong nước suy xét chứ không gợi được mối cảm động của mỗi người nữa. Đối với thế hệ này sự kiện lịch sử ấy lại có tính cách riêng tây đối với mỗi gia đình, như là một đám tang, một cái khăn tay kỷ niệm, một ngấn nước mắt đọng trên mi…
— Hải nó không đi ra Bắc.
Tiếng Kha nói chậm rãi như tiếng giày đều đều trên sỏi. Tôi không hỏi, vì biết rằng trước sau Kha cũng sẽ nói tiếp. Nhưng anh im lặng đi một đoạn đường khá dài, khiến tôi nóng ruột quay lại nhìn. Anh nói:
— Người ta đưa nó vào một tỉnh ở Hậu Giang Nam phần, để nó đổi tên đổi họ tiếp tục hoạt động… Nó bị bắt rồi.
— Mới bắt hả?
— Không biết rõ. Tôi được tin chừng một tháng nay.
—Bây giờ ở đâu?
—Ở Côn Lôn… Đoán thế.
Tôi có một ý nghĩ chua chát:
— Ngày trước, khi anh vào tù mỗi năm hai lượt, không ai nghe chú Hải bộc lộ một chút băn khoăn nào.
— Họ cố gắng biến thành những con người hoàn toàn khác chúng ta. Họ luôn luôn hướng về tương lai. Nhai một miếng thịt, gặt một bó lúa, đánh vảy một con cá…, ở mỗi việc họ đều đánh hơi thấy một ý nghĩa, một báo hiệu tốt đẹp về tương lai. Họ bươn bả chạy tới, không quan tâm gì đến những cái mà họ đang giày xéo dưới bàn chân hấp tấp, họ không kịp ngó đến người xung quanh…
Kha dừng lại nửa chừng, tôi tiếp theo:
- Còn mình thì một nhánh cây gãy, một dáng đi, một đêm cùng thao thức với họ cũng cứ vướng vít trong tâm trí mãi. Trước biến cố hiện nay mình bị thiệt thòi nhiều quá: lúc họ còn ở thì là nạn nhân của chính sách họ; lúc họ đi rồi cũng vẫn còn là nạn nhân của họ về một phương diện tình cảm. Cho dù anh có chủ trương thế nào số phận của chú Hải cũng ám ảnh tâm trí anh mãi.
Kha không nói gì, bước đều đều sau lưng tôi. Bóng ba con chim gầm ghì Kha xách trên tay cứ chạy lui chạy tới dưới chân tôi khiến tôi nhớ rằng trăng đã mọc vượt lên khỏi đám cây ở khu rừng phía sau chúng tôi.
Tôi hỏi:
— Thầy tôi đã biết chưa?
Kha giật mình:
— Biết gì?
— Biết tin Hải còn ở lại và bị bắt.
— Chưa.
— Có phải vì cái tin đó mà một tháng nay anh không đến chơi bên nhà?
Kha không trả lời trực tiếp, chỉ nói:
— Nay tôi sang thăm bác.
Rồi anh cười:
— Và nhân có mấy con chim bắn được cũng định gửi chị, xin dự luôn bữa cơm tối với bác. Bên tôi hôm nào không có khách thì dù có món nhậu nhẹt bữa ăn cũng buồn, vì không biết nói chuyện với ai.
Tôi hỏi nửa đùa nửa thật:
— Chị mất hơn ba năm rồi, anh định ở vậy mãi sao?
Kha lại cười:
— Không biết. Nhưng chị trẻ hơn tôi nhiều, chị đáng được hỏi trước mới phải.
Tôi quay lại nhìn. Kha đang cười hồn nhiên, chợt trông thấy mặt tôi, anh ngừng lại, nhìn ngỡ ngàng, như lần đầu tiên anh chợt bắt gặp hình dáng cụ thể của sự cô quạnh quanh mình. Cái nhìn lạ lùng của anh làm tôi bối rối. Tôi cúi đầu xuống, bước nhanh hơn. Gió thổi hai bên má, tôi tưởng như nghe ánh trăng thấm lạnh vào da thịt. Và tôi cảm thấy mặt trăng chăm chú nhìn mãi sau gáy mình. Tôi đưa tay vớt mấy sợi tóc gạt ra phía sau, rồi lại lấy làm tiếc đã làm cử chỉ thừa thãi ấy. Tôi vừa im lặng bước đi vừa hối tiếc không phá tan được sự im lặng khác thường đó.
Tối hôm ấy, tôi nằm trong buồng lại nghe cha chồng tôi thao thức rất khuya. Câu chuyện của Kha nói về Hải làm cho người nhớ đến Thọ, và nghĩ lan man lo hãi về những rối rắm phức tạp đang diễn ra quanh mình, trong một xã hội tuy bề trên đã lặng yên mà bên dưới đó đây vẫn còn những chỗ âm thầm xôn xao mãi không thôi. Người sợ hãi giật mình khi nghe xảy ra một bất trắc thêm vào nhịp sống vốn đã rất thất thường khó hiểu, rất đáng ngại.
Còn tôi, tôi bàng hoàng trước một vấn đề mới đặt ra. Tôi biết rằng Kha có nhiều nết tốt, nhưng cảm thấy chúng tôi chưa có thể gần nhau hơn nữa. Kha cũng như tôi, mỗi người đều đang còn bị những ám ảnh lớn choáng cả tâm trí. Chúng tôi là hai kẻ có hai cái dĩ vãng quá kềnh càng, như những lữ khách nhiều hành lý, nếu muốn ở chung một phòng sẽ không tìm ra chỗ mà sắp xếp đồ đạc. Nếu Kha gặp một người con gái ngây thơ, may ra người đó chóng giúp được Kha thoát khỏi những ray rứt khổ sở của anh. Tôi cũng tự bảo nếu cần thì mình chỉ nên chọn sống bên một cuộc đời đơn giản hơn cuộc đời của Kha.
Tiếng thác đổ ồ ồ liên miên sau nhà như thôi thúc xô đẩy tới một quyết định. Tôi tự thấy mình đang bị đưa dồn tới một hoàn cảnh mới. Tôi bồn chồn, nôn nao.
Từ ngày về nằm ở gian buồng này, đêm đêm tôi nằm bên cạnh một cố gắng thường xuyên thao thức, tôi nghe tiếng cựa mình ở nhà ngoài tiếng trăn trở ở buồng trong, tôi nép mình lặng lẽ sống bên cạnh những quằn quại đau đớn mà âm thầm của một gia đình giữa sự giằng co của hai dòng tư tưởng. Cho tới bây giờ sự chuyển mình lớn lao của một thời đại vẫn còn gây ra bầu không khí căng thẳng trong vô số gia đình, trong khắp xã hội.
Đêm nay tôi bắt đầu nghĩ đến việc rời khỏi gian buồng này. Câu hỏi và cái nhìn của Kha đánh thức trong tôi cảm giác đơn chiếc. Mắt của tôi và của Kha gặp nhau như hai mặt gương phản chiếu lẫn nhau, trả lại cho nhau hình bóng một cảnh lẻ loi. Tôi nhớ lại khuôn mặt đen thui của Kha vừa rồi in lên nền trời xanh mênh mông, giữa ánh sáng lung linh của trăng đêm mười bốn, khuôn mặt đen thui lắc lư theo nhịp bước chân đều đều vang trên con đường sỏi. Và cặp mắt sau chiếc kính cận thị tròn thao láo, lóng lánh như một niềm thao thức! Thật không phải là một hình ảnh có ý nghĩa khuyến khích đối với người con gái đã sợ hãi những tâm trạng rối rắm phức tạp, chỉ ao ước tìm gặp một hạnh phúc yên lành, xa mọi xao động băn khoăn.
Từ lúc tôi về nhà chồng đến nay, lúc tôi nghĩ đến chuyện phải rời đi, những đêm vắng vẻ thao thức nghĩ ngợi tôi lại để ý đến thác nước ồ ồ bên nhà. Suốt năm sáu năm trời tiếng thác ồ ồ đó luôn luôn đuổi theo tôi, lúc nào cũng sẵn sàng hiện đến như một nhân chứng vào những giờ bối rối khó khăn nhất. Tiếng ồ ồ dồn dồn liên tiếp lại đuổi theo tôi như một sự thôi thúc xôn xao vô cớ.
Đêm nay lại vẫn tiếng thác đổ ồ ồ. Và ngoài trời lại vẫn ánh trăng sáng mông lung gọi dậy những rạo rực khó tả.
Đêm tôi gặp quận Toàn là một đêm cuối tháng sáu. Ở vùng quê chồng tôi cứ mỗi năm làm xong mùa tháng ba, gieo vãi xong xuôi rồi, vì muốn tiết kiệm rơm, ai nấy “cầm” bò trên núi cho đến tháng tám tháng chín, lúc trời bắt đầu mưa mới lùa về. Cố nhiên việc cất rông dựng chòi giữ bò trên núi hàng mấy tháng trời là công việc của đàn ông. Nhưng người giữ bò cho gia đình tôi bỗng bị một cái nhọt lớn mọc bên cổ, sưng lên to tướng, làm cho anh ta phát sốt li bì mê man, người ta khiêng anh ta từ trên núi về. Tôi phải thay thế anh ta bốn hôm.
Tôi không oán trách gì quận Toàn về hành vi của ông ta đêm đó. Tôi không chờ đem một tấm thân trinh tiết về ở với Kha. Vả lại quận Toàn không có chủ tâm. Việc ông ta gặp tôi chẳng qua là một sự ngẫu nhiên hoàn toàn. Người khác ở vào hoàn cảnh đó vị tất đã hành động khác ông ta. Nhưng cái gì làm cho tôi đau nhói trong lòng, vừa xót xa, vừa khinh bỉ, cái gì xô gấp tôi tới quyết định chọn lựa anh Kha, ấy là thái độ hành động của ông ta.
Lúc ông ta chạy đến bên chòi trông thấy tôi đang nằm ngủ, ông ta hét lên, quăng súng xuống đất, chụp hai vai tôi lắc lắc, lôi tôi dậy. Ông ta la tíu tít: “Úi chao! Trời đất ơi là ngủ! Úi chao!…” Ông ta thành thực mừng rỡ ríu rít. Trông ông lúc đó không thể có ý gì khác hơn. Tôi mỉm cười, hưởng ứng sự vui mừng của ông ta.
Tôi thổi lửa, nhóm lại bếp, chất củi thêm cho ngọn lửa bốc cao đánh tan khí đá lạnh. Ông ta ngồi xuống bên bếp lửa, thuật lại cho tôi nghe ông ta đã trông thấy mắt bò thế nào, lắp đạn và ngắm nghía thế nào, rồi đánh rơi đạn và suy đi tính lại thế nào. Tôi cảm ơn ông, lấy làm sung sướng rằng tính mệnh tôi vừa rồi được định đoạt do một người thợ săn chín chắn, dày kinh nghiệm.
Khi câu chuyện thoát nạn của tôi kể xong rồi, nỗi hân hoan của ông ta hạ xuống nhanh như một ngọn lửa nhen bằng lá khô chưa kịp bén vào cây củi. Ông ta nhìn quanh quất bốn phía, bắt đầu chú ý đến rông bò và cái lều cùng sự bài trí chỗ tôi ở. Ông ta hỏi tôi về tục cầm bò. Tôi với lấy ấm nước vần bên bếp lửa, rót mời ông ta một chén nước và giảng cho ông ta về phong tục của nhà nông ở vùng quê tôi.
Khi ông ta không phải nói nữa mà im lặng ngồi nghe thì ông có thì giờ chú ý đến nhiều chuyện. Trong đó có tôi. Ông ta không phải là một người tinh tế. Trông dáng bộ và cặp mắt ông, tôi biết ngay là ông bắt đầu chú ý đến tôi lúc nào. Tôi nói chuyện bớt tự nhiên và rời rạc, nhưng thỉnh thoảng ông ta lại hỏi một câu, nên câu chuyện không dứt được. Chắc chắn là những dự tính không tốt của ông ta phát sinh giữa lúc ấy, trong cái tình trạng dằng dai đó.
Ông ta đưa tay, những ngón tay đen điu, dồn nhiều da sù sì, và cụt thun lủn, cầm vài que củi sắp lại. Tôi không thấy ông ta tính chuyện đứng dậy tiếp tục cuộc săn bắn. Lửa tàn lần. Tôi đang không biết nói thế nào thì ông lên tiếng mời tôi đi ngủ; ông ta xin phép ngồi thêm một lát bên bếp lửa. Tôi có cảm tưởng chắc chắn là mình không đuổi ông ta đi được; tôi nhìn lại vẻ người thô lỗ ấy, biết rằng ông ta đang nhận định tình thế một cách rất thực tế. Chỉ có ông ta và tôi ở giữa núi rừng mênh mông…
Khi gà rừng lên tiếng gáy e é, tôi trở mình xoay nhìn ông ta nằm bên cạnh. Ông đang bình thản, ngửa mặt, khép mắt, lấy hai ngón tay giữa đè lên mí mắt, xoa nhẹ nhẹ. Ông ta chăm chỉ với công việc của mình, không để ý gì đến tôi. Mí mắt ông ta tuồng như hơi sưng, có vẻ dày hum húp, nặng nề, ông ta xoa mà như mơn trớn vuốt ve tưng tiu, cử chỉ dềnh dàng thận trọng.
Tôi đưa một bàn tay lên vuốt qua hai má lạnh ngắt, vô ý để củi chỏ đụng nhằm vai ông ta. Ông ta giựt mình, né sang một bên, hỏi:
- Hả? Em cũng thức dậy rồi đó hả?
Ông vội vàng nhích tránh thêm một chút nữa, rồi tiếp tục xoa vuốt, ấn cả hai lòng bàn tay xuống, xoa khắp mặt, mắt lim dim khoan khoái. Tôi nhớ lại hồi khuya, lúc ông ta vừa buông tôi ra, nằm ngửa bên cạnh tôi, ông ta cũng im lặng, nhích tránh ra xa tôi, nét mặt ông ta trân lại, sắt lại, trầm ngâm. Không phải ông ta theo đuổi một tư tưởng gì, mà chính là ông cần yên tĩnh để lắng xuống nghe cảm giác khoái lạc thấm lần thấm lần vào cơ thể. Trông như một con trăn nuốt rất chậm, rất cẩn thận, vừa nuốt vừa đề phòng con mồi, như một người hít xong khói thuốc phiện nằm lơ mơ tê mê. Lúc đó sự hiện diện của tôi, những cử động của tôi bên cạnh chỉ làm cho ông ta khó chịu.
Lần này, sau khi xoa vừa đủ ấm hai má, ông ta ngừng lại, nhã nhặn quay về phía tôi, gợi chuyện. Ông ta hỏi qua về thân thế và sự sinh hoạt của tôi. Tôi trả lời vắn tắt, cụt ngủn. Ông ta không để ý, và tôi nghĩ giá có để ý ông cũng tha thứ một cách dễ dãi. Ông ta vui vẻ kể chuyện về mình. Thoạt tiên cũng vài ba chuyện ly kỳ nguy hiểm mà “bọn thợ săn chúng tôi” thường gặp. Rồi thì những chuyện lý thú khác trên đời. Ông ta lại nói về cái đêm đảo chính năm bốn lăm, ông đang làm việc ở tòa sứ Nghệ An, xách súng đi bắn suốt đêm mãi đến sáng mới về. Được viên công sứ cho gọi đến báo tin là giang san đã đổi chủ, ông mừng rỡ đi bắn thêm vài ngày nữa. Chín năm giặc giã trên khắp đất nước cũng được ông nói đến. Ông ta coi đó là một điều phiền hà rất bực dọc khó chịu, vì: “Thời kỳ đó ‘bọn thợ săn chúng tôi’ làm gì dám trèo lên đến núi mà bắn? Heo rừng, với nai, với thỏ, có hay tìm đến dây thép gai mà ăn đâu? Quanh quẩn lúng túng mãi trong thành phố, chán lạ!”
Ông ta lắc đầu, cười hề hề. Tôi cảm thấy một cách biệt vô cùng tận giữa ông ta và tôi. Tôi vừa ngồi dậy, ngửa đầu ra sau gỡ mái tóc rối, vừa liếc trông theo những cử chỉ của ông ta, trong lòng lấy làm hối hận hết sức về những lạc thú mà tôi đã cho ông ta hưởng và đã cùng hưởng với ông ta trong đêm qua. Giữa tôi với con người đó không thể có một lý do gì đưa đến sự chung đụng thân mật như thế được.
Khi ông ta dứt tiếng cười hề hề thì cử chỉ của ông ta lại khiến tôi nghĩ đến những người vừa ăn xong một bữa thật ngon lành thỏa thuê rồi ngồi nhìn lơ đãng, dềnh dàng, xỉa răng rất lâu, những người không có việc gì quan trọng hơn, để hết tinh thần lắng theo dõi các khoái cảm thấm chầm chậm vào thật sâu. Họ có thì giờ để nghe tiêu hóa các khoái cảm. Sự im lặng của ông ta cũng làm cho ông ta cách biệt tôi, và có một ý nghĩa tàn nhẫn làm tôi tủi nhục.
Tôi nhớ lại thái độ hành động của ông ta trong đêm vừa rồi, tự nhiên căm tức. Khi tôi khép hai đùi lại, dùng dằng, ông ta không hấp tấp vội vàng. Ông đặt một bàn tay lên bắp đùi trần của tôi làm tôi rùng mình; ông ngừng lại một chút, rồi vỗ nhè nhẹ vào phía trong bắp vế, nói nho nhỏ: “Em! Em!” Giọng ông ta nửa như than phiền trách móc, nửa như dỗ dành nài nỉ. Ông ta lại đặt yên bàn tay, ngừng lại, và chờ đợi. Tôi dạo ấy mới hăm hai hăm ba tuổi… Vắng đàn ông lâu ngày… Đêm khuya vắng vẻ… Chậc!
Ông ta bình tĩnh và hành động chắc chắn. Ông ta đã hiểu tôi một cách giản dị quá, thực tế quá. Và hiểu đúng tâm lý đến nỗi ngẫm nghĩ lại tôi không khỏi vừa xấu hổ, vừa tức giận.
Trời mỗi lúc một sáng rõ và càng làm tiêu tán hết những lý do khiến hai chúng tôi có thể ngồi bên cạnh nhau. Tôi đứng lên, định đi ra suối lấy nước. Ông ta liền đứng lên theo từ biệt.
Tôi bỏ thùng nước, ngồi xuống, nhìn theo nòng súng và chóp mũ của ông quận Toàn khuất dần vào cây lá dưới sườn núi. Khi tôi còn lại một mình, bốn phía hoàn toàn không bóng người nào nữa, chỉ có đàn bò bên cạnh, nước mắt tôi lại trào ra.
Đối với những “a – văng – tuya” ghê gớm của “bọn thợ săn” ông ta, thì quả cả tôi và tất cả cái tâm sự rắc rối của tôi thực là vô vị, không có gì đáng kể. Ông ta có thể vui vẻ kể cho tôi nghe cái đêm đảo chính lý thú của ông ta, chứ còn tôi, tôi không thể kể lại những rối ren trong năm sáu năm của tôi cho ông nghe được. Thái độ hưởng lạc vô tư, thản nhiên của ông ta, thái độ hững hờ đó như một cách lăng mạ nặng nề tàn nhẫn.
Lúc đó tôi mới thấy rằng trong cái xã hội xao động dữ dội này vẫn còn có những chỗ lặng yên một cách ghê sợ phũ phàng, tôi thấy rằng mình đã bị đày đi xa cảnh thái bình an lạc và lạc mất đường về. Tôi nghĩ đến cuộc đời lao đao của Kha như một an ủi. Tôi ngồi nghĩ về Kha.
Qua màn nước mắt, tôi ngồi nhìn xuống màu khói xanh mù mù bàng bạc khắp sườn núi, nhìn vài con chim sẻ mổ lung tung vào mái chòi, rỉa một đôi hạt thóc khô còn dính trên đuôi rạ, tôi ngồi nghĩ đến cuộc đời lao đao của chúng tôi, của Kha và của tôi. Vâng, tôi nghĩ về Kha, và Kha là nhà tôi hiện giờ.
Qui Nhơn, 1957