Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 28 tháng 6, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (16)

Thụy Khuê

Chương 14 : Maybon và cuốn Histoire moderne du pays d’Annam
 Maybon2
 Hai học giả Pháp, mà chúng ta rất biết ơn những công trình nghiêu cứu của họ về văn hoá Việt, là Maybon và Cadière.

Tiếc thay, họ cũng lại là những người, đã tế nhị và sâu sắc, tìm cách thay thế công trạng chiến thắng và dựng nước của Gia Long và toàn bộ các tướng lãnh, quần thần, bằng công trạng của Bá Đa Lộc và những “sĩ quan” Pháp.
Maybon, qua hai cuốn sách La Relation BissachèreHistoire moderne du pays d’Annam, in năm 1920, dưới lối viết “biên khảo, khoa học,” đã làm hai việc:
1- Loại trừ những tài liệu đứng đắn của những người đi trước, cùng thời với Gia Long, như Barrow, người Anh và Montyon, người Pháp, viết về thời kỳ này, bằng cách đưa ra những sai lầm nhỏ của họ, để phê phán gắt gao, khiến độc giả tưởng rằng đó là những cuốn sách không đáng đọc, chỉ vì họ đã xác nhận: Gia Long tự học, tự quyết, điều khiển và làm lấy tất cả mọi việc; họ lại không đả động đến “công trạng” của các “sĩ quan” Pháp, và họ mô tả sự khác biệt trong kỹ thuật thuyền chiến của Á Đông và Việt Nam (cả Tây Sơn lẫn Nguyễn Ánh) và của Tây phương, họ chú ý đến phương pháp Nguyễn Ánh canh tân thuyền chiến và canh tân đất nước.
2- Maybon cho in lại La Relation Bissachère, một cuốn sách tệ hại, viết những điều bịa đặt bôi nhọ các vua Quang Trung, Gia Long và dân tộc Việt Nam. Tệ hơn nữa là ông trân trọng giới thiệu bài Introduction của Ste-Croix, một văn bản đầy sai lầm, bịa đặt về Gia Long, do Dayot, sau khi bị tội, trốn khỏi Việt Nam, kể lại, để vinh thăng mình và Puymanel. Từ đầu đến cuối bài này, Ste-Croix nhầm Nguyễn Ánh với hoàng tử Cảnh, cho nên y coi Bá Đa Lộc là thầy Gia Long, y dùng những chữ “dạy học trò, dịch cho học trò, bảo ban, uốn nắn, quở trách…”. Những chữ như thế được chép lại khắp nơi, kể cả Cadière. Taboulet gồng và biạ thêm. Tạ Chí Đại Trường chép lại Maybon, Taboulet, và phụ hoạ thêm nữa để đem vào cuốn Lịch sử nội chiến Việt Nam, mà người ta thường trích dẫn để đưa lên Wikipédia tiếng Việt.
Sau khi đã loại trừ những thông tin đứng đắn về Gia Long của Barrow và Montyon, Maybon trân trọng giới thiệu những thông tin thất thiệt của Bissachère và Ste-Croix. Với “chứng từ” của hai người này và sự chép lại nhiều chương của Alexis Faure trong cuốn Bá Đa Lộc, Maybon có đủ “điều kiện” để phê bình Thực Lục và Liệt Truyện là không đả động đến công lao của những “sĩ quan” Pháp này. Ông tìm cách “chứng minh” công lao của họ, đặc biệt dựa trên nền móng Bá Đa Lộc, trong cuốn sử Histoire moderne du pays d’Annam.
Maybon và Cadière đã cộng tác đắc lực với nhau để tạo cho huyền thoại công trạng “khai quốc công thần” của những người Pháp đến giúp Gia Long, một cơ sở có “chứng từ” và “biện luận”.
Trong bài diễn văn tựa đề Une Histoire moderne du pays d’Annam, đọc tại đảo Réunion ngày 20/4/1920 và in trên tập san Đô Thành Hiếu Cổ (BAVH, 1920, I), học giả chủ bút Cadière mở đầu bằng những hàng như sau:
Một trong những đồng nghiệp của chúng tôi, ông Charles B. Maybon, Giám đốc trường Pháp của thị xã, ở Thượng Hải, vừa cho in, dưới cái tựa trên đây, một tác phẩm quan trọng hàng đầu; qua tác phẩm này, ông đã phấn đấu cam go để đoạt chức tiến sĩ văn chương. Các thành viên trong Hội Đô Thành Hiếu Cổ sẽ tìm thấy một tóm lược cốt yếu tất cả những dữ kiện thuộc về lịch sử nước Nam trong thời kỳ mà tác giả hoạch định, những chỉ dẫn có phương pháp và chi tiết trên tất cả mọi tư liệu, cả về phiá bản xứ cũng như Âu châu, làm nền cho lịch sử này, và sau cùng, một số chi tiết lớn lao liên quan tới những biến cố đã lấy Huế làm đất diễn, và, do dó, là một kho dồi dào phong phú cho những nghiên cứu đặc thù. Vì tất cả những lý do đó, tác phẩm kiệt xuất này xứng đáng được giới thiệu.” (Cadière, Une Histoire moderne du pays d’Annam, BAVH, 1920, I, t. 177).
Một lời giới thiệu nồng nhiệt và đề cao như thế, ở một học giả nổi tiếng như Cadière, buộc chúng ta phải đọc. Cuốn sách có tựa đề đầy đủ là:
Histoire moderne du pays d’Annam, (1592-1820), étude sur les premiers rapports des Européens et des Annamites et sur l’établissement de la dynastie annamite des Nguyễn.
(Lịch sử hiện đại nước Nam (1592-1820), khảo luận về những giao tiếp đầu tiên giữa người Âu với người An Nam và về sự xây dựng triều đại An Nam nhà Nguyễn (Librairie Plon, Paris, 1920).
Tên sách đã nói rõ nội dung: tác phẩm chia làm hai phần nhưng phần hai quan trọng hơn phần đầu. Và trong phần hai viết về “sự xây dựng triều đại nhà Nguyễn”, giai đoạn Gia Long dựng nghiệp là chủ yếu, nổi bật chân dung hai người: Gia Long và Bá Đa Lộc, Maybon đã dành cho Bá Đa Lộc hai chương và đúng như nhận xét của Cadière: “chân dung Bá Đa Lộc được viết kỹ hơn, với niềm thân quý hơn”.
Vị học giả viết tiếp: “Tôi khuyên độc giả Pháp, những người hiếu kỳ muốn biết về quá khứ An Nam và hãnh diện về những gì chúng ta đã làm được ở đây, nên đọc chương tựa đề: Concours apporté par l’évêque au prétendant” (Sự hỗ trợ của vị giám mục cho người chiếm lại ngôi báu): một tâm lý học sâu sắc nhất liên kết với sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất (la psychologie la plus pénétrante s’y allie à la plus sage et à la plus habile utilisation des textes) (Cadière, BAVH, 1920, I, t. 180).
Vì vậy, chúng tôi phải đọc kỹ chương sách này, thứ nhất là để hiểu thế nào là một tâm lý học sâu sắc nhất liên kết với sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất. Và thứ hai là để giới thiệu đến độc giả Việt Nam, cũng hiếu kỳ muốn biết về quá khứ An Nam lắm, thế nào là sự liên kết “một tâm lý học sâu sắc nhất với sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất”, trong tác phẩm của Maybon.
Chắc độc giả còn nhớ, trong chương 5 tựa đề Ai cứu Nguyễn Ánh khỏi sự lùng bắt của Nguyễn Huệ, tháng 9-10/1777, chúng tôi cũng đã trình bày phương pháp “sử dụng văn bản một cách khôn ngoan và khéo léo” của sử gia Maybon để “chứng minh” Bá Đa Lộc đã “cứu Nguyễn Ánh thoát chết” tháng 9-10/1777, như thế nào rồi.
Bài viết này không trở lại vấn đề ấy nữa, mà sẽ xoay vào hai đề tài chính của đoạn Concours apporté par l’évêque au prétendant, đó là:
1- Maybon đã “chứng minh” việc Bá Đa Lộc “tự tìm những nguồn tài trợ cho Nguyễn Ánh” như thế nào?
2- Và Maybon đã “chứng minh” việc Bá Đa Lộc “trực tiếp đánh nhau với quân Tây Sơn ở mặt trận Diên Khánh 1794, bằng những chứng cớ gì?
Trước khi đi xa hơn, chúng tôi mong được thứ lỗi vì sự đi vào chi tiết, đôi khi quá sâu của một lập luận, rất dễ làm cho độc giả bực mình, nhưng cần thiết để vạch trần hệ thống ngụy biện có tổ chức, dựa trên sự lờ đi hoặc che giấu những tư liệu gốc bằng thứ “tư liệu” dựng đứng, man trá, bịa đặt, để xoá sự thực lịch sử và thay thế vào đó một “lịch sử khác”, do những ngòi bút thuộc địa dựng lên. Cũng là cách chúng tôi mổ xẻ thủ pháp của sử gia Maybon trong bộ sách Histoire moderne du pays d’Annam.

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc “tự tìm những nguồn tài trợ” cho Nguyễn Ánh

Việc Louis XVI bỏ, không thi hành hiệp định Versailles 1787 đã khá rõ, nhưng sau đó, những ngòi bút thuộc địa tung ra một nguồn tin khác: đó là việc Bá Đa Lộc tự xoay sở tìm vốn mua tàu chiến, đạn dược, vũ khí và mộ lính về giúp Nguyễn Ánh.
Vậy chúng ta thử tìm xem, ở sử gia Maybon, “nguồn tin” này được thiết lập như thế nào?

- Trước hết, theo hải trình của tàu Méduse, do Alexis Faure ghi trong cuốn Bá Đa Lộc, phần Pièces justificatives (Chứng từ), có ghi tên những người lên bờ ở Vũng Tàu (khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh về đến Việt Nam), như sau:
Lên bờ ở Saint-Jacques [Vũng Tàu] ngày 28/7/1789: Hoàng tử Nam Hà và người anh/em họ; Giám mục Adran; Paul, Gilles, Barthélemy và Nam, cận vệ của hoàng tử; Boisserant, Pillon, Tarin, Leblanc, giáo sĩ; Gérard, Le Tousse (Mathieu) đầu bếp; Fransique, Bonaventure, Isidore, người hầu Đức Giám Mục. (Faure, Bá Đa Lộc, Pièces justificatives, 4e-La Méduse, t. 243). Tóm lại, phái đoàn tháp tùng hoàng tử và vị giám mục có 15 người: một người anh em họ và 4 cận vệ của hoàng tử, 4 giáo sĩ; 2 đầu bếp và 3 người hầu đức giám mục.
Ngoài thông tin của Faure trên đây, còn có những nguồn tin trực tiếp, qua thư từ của giám mục Bá Đa Lộc và của giáo sĩ Langenois.
Có 3 lá thư đáng chú ý:
- Thư viết ngày 12/8/1789, Langenois gửi cho quản sự tu viện Létondal ở Macao:
Giám Mục và thằng nhỏ 10 tuổi đã về tới triều đình Bến Nghé [Gia Định] ngày 29/7, tôi cũng từ Sadec lên ngày 5/8 để thăm Đức Ông và bốn vị thừa sai mới, về cùng với ngài mà tôi sẽ dẫn M. Jacques Pilon, 46 tuổi, dân Normandie, ở Coutances, một khi có giấy để qua đoan Nam Hà. (Launay, III, t. 210)
- Hai thư của Bá Đa Lộc viết cho Létondal:
Thư đầu, viết tháng 7/1789 (không đề ngày):
Tôi vừa về tới Nam Hà…. tôi về không có sự trợ cứu mà vua Pháp đã thuận giúp vua Nam Hà; nhưng tôi tin rằng Thượng đế an bài như thế… Tôi đợi ít ngày nữa, nếu những tàu buôn từ Pondichéry đến, sẽ dễ dàng thay thế cho những tàu chiến… Nhà vua sẽ khỏi phải nhượng đất cho họ, và cũng khỏi phải trả họ tiền phí tổn và khỏi phải cho tiền thưởng.” (Launay III, t. 209, chúng tôi in đậm).
Lời lẽ trong thư này hơi khó hiểu, có lẽ vì đã bị Launay cắt ngắn. Tuy nhiên chúng ta vẫn có thể thấy được những ý chính:
- Vị giám mục về tay không. Vua Pháp không giúp gì cả.
- Ông đợi những tàu buôn ở Pondichéry đến, chúng sẽ “dễ dàng thay thế cho những tàu chiến. Câu này có nghiã gì? Tại sao tàu buôn lại có thể “thay thế” cho tàu chiến? Nhưng nếu ta đọc tiếp câu sau: “Nhà vua sẽ khỏi phải nhượng đất cho họ, và… thì có thể tạm hiểu:
- Hoặc là, những tàu buôn này đem khí giới mà Bá Đa Lộc mua cho vua; trong trường hợp này, vua vẫn phải cho “tiền thưởng”, vậy là không phải, chỉ còn nghiã thứ nhì:
- Nếu những tàu buôn ở Pondichéry đến, thì vua sẽ khỏi phải nhượng đất (vì không phải là tàu của vua Pháp giúp theo thoả ước), cũng không phải trả tiền phí tổn và cho “tiền thưởng” (vì vua không mua gì), tàu đến chỉ để “thị uy”, ra vẻ có tàu “Tây phương đến giúp” mà thôi.
Đọc lá thư kế tiếp, ta sẽ hiểu rõ hơn nữa.
- Thư ngày 17/8/1789, Bá Đa Lộc viết cho Létondal:
[...] Hoàng tử và tôi được đón rước với tất cả những tín hiệu vui mừng và toại nguyện mà vua ban cho chúng tôi. Tôi nghĩ chẳng cần thêm gì vào tất cả những việc đã xẩy ra hôm đó. Nhà vua, mẫu hậu, hoàng hậu, tất cả hoàng gia, tóm lại, tất cả triều đình đều không tả siết nỗi vui mừng thấy lại chúng tôi.
Điều duy nhất có thể làm dịu bớt niềm vui tột độ này là tôi về với độc một tiểu hạm (une seule frégate) và nó lại phải lập tức đi Manille ngay. [...]
Tất cả triều đình đều chẳng biết nghĩ sao về lối hành xử này và nhiều quan đã tỏ cho tôi mối lo ngại của họ. Nhà vua, tuy biết rõ tình hình, nhưng không có vẻ lo lắng lắm, tôi e rằng ông quá tin vào sức mạnh của ông, nhưng nếu không có sự trợ giúp của người Tây phương, ông sẽ còn trải qua thất bại. Sức mạnh của bộ binh và thuỷ binh của ông thực là lớn lao đối với xứ này, nhất là nếu chúng ta thấy sự nhanh chóng mà ông thành lập nên; tuy nhiên dân chúng vẫn còn kinh hoảng, họ chỉ có thể yên tâm khi thấy quân ngoại quốc đến trợ giúp quân đội nhà vua. Nếu những tàu buôn từ Ile de France và từ Pondichéry đến, như chúng tôi mong đợi, thì có nhiều hy vọng, nhà vua sẽ dễ dàng chiếm được phần còn lại của lãnh thổ ông; nhưng nếu sự ấy không đến, như bao nhiêu điều khác mà chúng tôi mong mỏi, thì chỉ có Thượng đế mới biết chuyện gì sẽ xẩy ra khi nhà vua giáp chiến với quân ngụy. Tôi phó thác chuyện này cho sự cầu nguyện của ông [Létondal] và những người thân. Sau tất cả những gì đã vận động, tôi chỉ còn biết gửi việc này trong tay Thượng đế. (Launay, III, t. 210).

Lá thư thứ hai này làm sáng tỏ những điều mà ta thấy khó hiểu trong lá thư thứ nhất, nó xác định những điểm:
- Vị giám mục về trên độc một chiếc tàu và nó phải đi Phi Luật Tân ngay.
- Tất cả triều đình đều lo ngại [vì thấy Pháp không thực hiện hoà ước].
- Chỉ có nhà vua là không lộ vẻ lo lắng gì vì ông tin vào sức mạnh quân đội của ông [lúc đó Nguyễn Ánh đã bình định xong miền Nam].
- Nhưng dân chúng vẫn còn “kinh hoảng”, họ muốn có quân ngoại quốc tới giúp [đó là ý riêng của Bá Đa Lộc].
- “Nếu những tàu buôn từ Ile de France và từ Pondichéry đến, như chúng tôi mong đợi câu này triệt tiêu tất cả những lập luận cho rằng Bá Đa Lộc bỏ tiền ra hoặc quyên tiền mua vũ khí giúp Nguyễn Ánh, bởi vì, nếu ông đã mua được khí giới, thì ông không phải mong đợi các tàu buôn đến, mà những tàu buôn này bắt buộc phải đến Sài Gòn để giao hàng.
- Câu sau lại càng có ý nghiã hơn nữa nhưng nếu sự ấy không đến, như bao nhiêu điều khác mà chúng tôi mong mỏi”, chứng tỏ “sự các tàu buôn kia ghé Sài Gòn” chỉ là niềm mơ ước của ông như bao nhiêu điều khác. Tại sao?
- Tại vì ông tin rằng, như trong lá thư thứ nhất, những tàu buôn này sẽ “thay thế” cho tàu chiến, nghiã là sẽ đánh lừa được cả dân chúng lẫn quân Tây Sơn: dân chúng thấy tàu ngoại quốc “đến giúp” sẽ lên tinh thần và quân Tây Sơn thấy tàu Tây đến sẽ khiếp sợ! Bá Đa Lộc hoàn toàn tin tưởng ở điều này, bởi vì mùa thu 1791, khi thấy Quang Trung đã chiếm Lào, và chuẩn bị đánh miền Nam, ông sợ quá định bỏ đi, kéo theo tất cả những người Pháp, trong thư gửi cho Létondal ngày 14/9/1791, Bá Đa Lộc trách Nguyễn Ánh như sau:
… Nhà vua đã không biết lợi dụng cơ hội mà ông ta có được để đánh bại kẻ thù, mà lại để chúng có thì giờ hoàn hồn và chúng thấy rõ tất cả những đồn đại về việc người Âu đến giúp chỉ là chuyện hão (Launay, III, t. 294).
- Câu sau chót “Sau tất cả những gì đã vận động, tôi chỉ còn biết gửi việc này trong tay Thượng đế, chứng tỏ nỗi thất vọng gần như tuyệt vọng của ông, trong sự “nguyện cầu bàn tay Thượng đế” giúp cho “có các tàu buôn đến Sài Gòn”.
Đó là những chứng từ chính tay giám mục Bá Đa Lộc viết ra về việc ông về tay không, không tàu, không khí giới, không lính mộ.
Nhưng sử gia Maybon không chấp nhận điều đó và ông quyết “chứng minh” ngược lại rằng  vị giám mục không những đã tìm được các nguồn tài trợ để mua khí giới mà còn vận động một chiến dịch các tàu bè ngoại quốc đến cung cấp khí giới cho Nguyễn Ánh nữa!

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc có những nguồn tài trợ để mua khí giới và tàu chiến cho Nguyễn Ánh

Maybon không muốn nhắc tới những tài liệu gốc do chính Bá Đa Lộc viết ra, ông dựng nên một “sự thực” khác, qua sách của Faure, mà ông tỏ ý khinh thường, chỉ vì Faure đưa ra những văn bản không có lợi cho Bá Đa Lộc (sẽ nói đến sau).
Để xác định Bá Đa Lộc có “công đầu” trong sự nghiệp của Nguyễn Ánh, ngoài công “cứu tử”, mà chúng tôi đã nói đến ở chương 5, Maybon không ngần ngại dùng tài liệu của Faure và của de Guignes do Faure in lại, để chứng minh rằng Bá Đa Lộc, ngoài ơn cứu tử, còn có công cung cấp thuyền tàu và khí giới cho Nguyễn Ánh, và trực tiếp đánh nhau với quân Tây Sơn.
Để làm công việc này, sử gia Maybon vẫn dùng thủ pháp cắt xén các tài liệu.

Mở đầu đoạn Concours apporté par l’évêque au prétendant (Sự hỗ trợ của vị giám mục cho người chiếm lại ngôi báu), Maybon viết:
… khi mới đến Pondichéry, trong một cuộc cãi vã, giám mục đã nói với Conway, trước mặt Saint-Riveul rằng Sau đó, ngày 11/7/1788, viết thư cho ông tướng [Conway] để lập lại việc xin trở lại Nam Hà, ông [Bá Đa Lộc] lại nói: Nếu ông bằng lòng cho tôi đi… tôi sẽ cho ông biết những phương tiện của riêng tôi, để làm cho chuyến đi này hữu ích (Plus tard, le 11 Juillet 1788, écrivant au général pour réitérer sa demande d’être envoyé en Cochinchine, il disait: “Si vous consentez à me laisser partir… je vous ferai part des ressources que j’ai seul pour rendre ce voyage utile). Vị giám mục đã không nói những lời như thế nếu ông không có trước mặt những phương tiện bảo đảm để góp phần vào cuộc viễn chinh (Maybon, Histoire moderne du pays d’Annam, t. 267).

Để độc giả hiểu rõ bối cảnh hơn, chúng tôi xin nhắc lại sơ lược: Khi Bá Đa Lộc đưa hoàng tử Cảnh về tới Pondichéry thì gặp trở ngại: Conway, toàn quyền Pháp ở đây không chịu xuất quân giúp Nguyễn Ánh, và cuộc tranh chấp tay đôi giữa Bá Đa Lộc và Conway kéo dài nhiều tháng. Những lời Bá Đa Lộc được Maybon trích dẫn trên đây, nằm trong:
1/ Cuộc cãi vã giữa Bá Đa Lộc và Conway.
2/ Lá thư Bá Đa Lộc viết cho Conway.
Đại ý: nếu ông không chịu xuất quân, thì tôi, Bá Đa Lộc, tôi cũng có thể làm được việc này một mình. Nhưng sự thực không phải như vậy.
Về câu nói đầu: “một mình tôi, giám mục Adran, tôi cũng có thể làm cuộc cách mạng”, chữ cách mạng (révolution) ở đây không thích hợp, Bá Đa Lộc thường dùng chữ rất chính xác, vì vậy, chữ này có phải vị giám mục chỉ chuyện “viễn chinh” hay là ông nói một chuyện gì khác, mà Maybon nhập nhằng gán vào câu chuyện viễn chinh.
Về câu thứ nhì: “Nếu ông bằng lòng cho tôi đi… tôi sẽ cho ông biết những phương tiện của riêng tôi, để làm cho chuyến đi này hữu ích” thì hoàn toàn Maybon đã dùng xảo thuật để bịp người đọc không hiểu rõ tình thế. Xin giải thích:
Khi Bá Đa Lộc và hoàng tử Cảnh về tới Pondichéry tháng 5/1788, Conway không chịu xuất quân, vì ông đã nhận được lệnh của Louis XVI cho ông toàn quyền quyết định: nếu đánh mà thắng ngay thì mới đánh, còn không thì dẹp vụ này. Chắc Conway đã dò thám tình hình, biết rõ sức mạnh của Quang Trung (đã diệt xong họ Trịnh từ 1787), khó có thể thắng được. Về phần Bá Đa Lộc, đến hè 1788, ông vẫn chưa biết việc cầu viện sẽ bị đình chỉ, mà vẫn tin rằng chỉ bị chậm trễ, vì Conway chống ông, và ông vẫn viết thư than phiền với nhà cầm quyền Pháp. Vì thế, ông mới xin Conway cho ông về Nam Hà trước, để:
1/ Báo cho cho Nguyễn Ánh biết tin: hoàng tử đã về tới nơi an toàn nhưng việc gửi viện quân sẽ bị chậm trễ vì không thuận gió mùa, phải đợi năm sau.
2/ Thuyết phục Nguyễn Ánh sang Pondichéry, để, một mặt, làm áp lực trên Conway, buộc Conway phải quyết định gửi quân và thứ hai, nhờ Nguyễn Ánh dẫn đường cho quân Pháp đổ bộ vào các cửa biển, vì ông không biết gì cả, ông đã bị Conway quần cho một trận sống chết về việc này. Trong thư ngày 20/5/1788 gửi một người (không rõ tên), Bá Đa Lộc than phiền như sau:
Tôi phải cực nhọc lắm mới làm ông Conway quyết định gửi cho vua Nam Hà những tin tức mà chúng tôi muốn, đó là: hoàng tử trở về bình an khoẻ mạnh, sự thành công của chuyến đi, lý do khiến cho sự viện trợ của Pháp hoàng không gửi kịp năm nay, và sau cùng, là thời gian và phương tiện sẽ dồn vào để gửi viện trợ cho vua Nam Hà năm tới. Tôi đã đề nghị với ông de Conway, là để tôi thân hành đi, nhưng ông ấy không thuận (Launay, III, t. 180).
Cuối cùng Conway bằng lòng gửi hai tàu Dryade và Pandour do de Kersaint và de Prévillle điều khiển, về Nam Hà.
Trong lá thư viết ngày 11/7/1788, cho Conway, Bá Đa Lộc khẩn khoản xin Conway cho ông về Nam Hà cùng với hai tàu này: “Nếu ông bằng lòng để tôi đi Nam Hà với những phương tiện và mục đích mà tôi đã hân hạnh đề nghị với ông, tôi sẽ cho ông biết những phương thức, mà chỉ mình tôi mới có, để làm cho chuyến đi này hữu ích” (Si vous consentez à me laisser partir pour la Cochinchine avec les moyens et pour la fin que j’ai eu l’honneur de vous proposer, je vous ferai part alors des ressources que j’ai seul, pour rendre ce voyage utile) (Launay, III, t. 188).
Nói cách khác, câu này ngụ ý: nếu ông bằng lòng cho tôi về Nam Hà, thì tôi sẽ có cách riêng để thuyết phục Nguyễn Ánh sang Pondichéry, như vậy ông ta sẽ đích thân dẫn quân Pháp đổ bộ vào Việt Nam.
Nhưng Maybon đã cắt xén, làm cho nó trở thành: “Nếu ông bằng lòng cho tôi đi… tôi sẽ cho ông biết những phương tiện của riêng tôi, để làm cho chuyến đi này hữu ích”, để hướng độc giả về việc gửi quân viễn chinh: “nếu ông không gửi quân viễn chinh đi, thì tôi sẽ có phương tiện riêng tức là tôi có nguồn tài trợ khác để làm việc này”!
Tất cả là ở chữ ressourses. Maybon đã lợi dụng sự đa nghiã của chữ này, có nghiã là phương tiện, là nguồn lợi tức, là những phương thức…, và ông đã cắt xén lời thư của Bá Đa Lộc, để ép độc giả hiểu ressourses theo nghiã tiền bạc chi cho cuộc viện chinh; hoàn toàn không có trong bối cảnh của bức thư này. Đó là về mặt văn bản.
Về mặt thực tế, Bá Đa Lộc muốn thuyết phục Nguyễn Ánh sang Pondichéry vì hai lý do: buộc Conway phải thi hành thoả ước và chính Nguyễn Ánh sẽ dẫn đường cho quân Pháp đổ bộ; nhưng Conway tối kỵ việc này, vì ông đã quyết định: không đánh; cho nên ông đã dặn Kersaint và Préville, thuyền trưởng các tàu Dryade và Pandour, là đi với nhiệm vụ gián điệp thăm dò tin tức và vẽ bản đồ bờ biển nước Nam, nếu có gặp Nguyễn Ánh, thì tuyệt đối không được dẫn về Pondichéry!
Nói tóm lại: Lời thư của vị giám mục mà Maybon trích dẫn trên đây, chỉ vào việc ông xin về Nam Hà, không liên quan gì đến chuyện tiền bạc chi cho một cuộc viễn chinh.
Vì Maybon không tìm được chứng cớ gì đáng tin cậy, xác định Bá Đa Lộc có những nguồn tài trợ cho cuộc viễn chinh, cho nên ông phải dùng thủ đoạn cắt xén, lấy hai câu nói của vị giám mục, trong một ngữ cảnh khác, rồi đưa vào đây, làm cho độc giả hiểu lầm rằng Bá Đa Lộc có trong tay các nguồn tài trợ khác, cho nên mới hăng hái tuyên bố: nếu ông không làm, thì tôi có thể tự làm lấy việc viễn chinh!


Maybon trình bày “những nguồn tài trợ” của Bá Đa Lộc

Sau khi đã “chứng minh” Bá Đa Lộc có sẵn trong tay các nguồn tài trợ nên mới dám “quả quyết phát biểu cứng rắn” như trên; Maybon kê khai một số “nguồn tài trợ chính” của Bá Đa Lộc như sau:

1- Nguồn tài trợ thứ nhất : “những nhà buôn “yêu nước”

Maybon xác định những nhà hảo tâm ái quốc [Pháp] ở Ile de France [Ile Maurice] đã bỏ tiền ra giúp Giám mục Bá Đa Lộc bằng chứng cớ sau đây:
Ta có thể đọc trong bản lược trình, do dân cư ở đảo [Ile de France] đệ trình trước quốc hội ngày 2/12/1790, rằng nếu năm 1787, Bộ [Ngoại Giao và Thuỷ Quân] quyết định để cho Ile de France chuẩn bị gửi quân viễn chinh đi Nam Hà; thì ta đã tìm được trên đảo này những lính tình nguyện, lính Nam phi (Cafres), những hạm đội và đạn dược cho cuộc viễn chinh quan trọng này. Và các tác giả của bản lược trình này còn xác nhận: Nhiều nhà buôn ái quốc [Pháp] của vùng thuộc địa này, đã tặng cho giám mục Adran tất cả tài sản của họ để giúp ông trong sự thực hiện một dự án sẽ có lợi cho đất nước như thế (Plusieurs négociants patriotes de cette colonie avaient offert à l’évêque d’Adran toutes leurs ressources pour l’aider dans l’exécution d’un projet qui serait devenu si avantageux à la nation)”. Sau đó Maybon kể tên hai người có thế lực và tiền bạc, quen Bá Đa Lộc, sau này sẽ trở thành nghị viên là Charpentier de Cossigny ở Ile de France và Louis Monneron ở Pondichéry (Maybon, sđd, t. 268).
Nhận xét về trích đoạn trên đây:
- Những người mà Maybon gọi là dân cư (habitants) ở đảo, thực ra chỉ là 24 vị thực dân; vì dân cư ở đảo (được gọi là indigène) chả có quyền gì mà gửi đơn tới Quốc hội Pháp, để khiếu nại việc mất miếng ăn ở nước Nam vì Louis XVI không thức thời.
- Sáu tháng sau khi phá ngục Bastille (14/7/1789) và lật đổ Louis XVI; ngày 2/12/1790, 24 vị thực dân này mới gửi đơn tố cáo Louis XVI bỏ cuộc viễn chinh, trong khi tất cả đã chuẩn bị xong, tức là có đủ lính tình nguyện, có cả lính da đen, đủ hạm đội và súng đạn cần thiết, lại có các nhà hảo tâm đã tặng hết tài sản cho giám mục Bá Đa Lộc rồi, thế mà lại “ngu muội” bỏ lỡ một chiến dịch lợi hại cho nước Pháp như thế! Đánh Louis XVI như thế người ta gọi là hồi tố, tức là đánh trở lại một viêc qua rồi, không vinh hiển gì; nhưng điểm quan trọng ở đây là câu này: “các nhà hảo tâm đã tặng hết tài sản cho giám mục Bá Đa Lộc rồi. Câu này thực khả nghi, vì những lẽ sau đây:
1- Ngày 28/11/1787 hiệp ước Versailles được ký kết.
2- Ngày 2/12/1787, Louis XVI quyết định hủy bỏ hiệp định Versailles qua lá thư Bộ trưởng Hải quân gửi cho De Conway, gồm hai lệnh, một lệnh phô trương (ostensible): Pháp hoàng giao cho Conway điều khiển cuộc viễn chinh và một lệnh bí mật (secrète): để Conway quyền quyết định ngừng hẳn, hoặc làm chậm trễ chiến dịch này, tùy theo những thông tin mà vị tướng này nhận được về tình hình, có thể thắng dễ dàng hay không (thư của Bộ trưởng Hải quân gửi De Conway ngày 2/12/1787, Launay, III, t. 197-198).
3- Ngày 27/12/1787 Bá Đa Lộc (và hoàng tử Cảnh) rời hải cảng Lorient lên đường về Việt Nam, trên tàu Dryade, không biết gì về mật lệnh của vua Pháp.
4- Khi tàu đến Ile de France, Bá Đa Lộc phải giấu kín việc viễn chinh (bí mật quân sự) và ông cũng không biết gì về mật lệnh Pháp hoàng gửi Conway. Đối với ông mọi việc đang tiến hành tốt đẹp. Vậy không có lý do gì, và ông cũng không thể, đi xin tiền các nhà “hảo tâm yêu nước” Pháp và được họ cúng “tất cả tài sản” cho cuộc viễn chinh này (một khi việc này là mật). Lập luận này vừa không có cơ sở vừa tai hại cho danh tiếng Bá Đa Lộc, một người tu hành.
5- Ngày 18/5/1788, tàu đến Pondichéry. Trong suốt thời gian ở Pondichéry, sở dĩ phải tranh chấp, đấu đá với de Conway, vì Bá Đa Lộc vẫn không biết việc Pháp Hoàng đã cho Conway mật lệnh. Vì vậy Conway đưa ông ra “bộ tư lệnh” để hỏi “khẩu cung” về việc đánh như thế nào, đổ bộ ở đâu, và ông không trả lời được, do đó mới có việc ông xin về VN trước để thuyết phục Nguyễn Ánh đích thân sang Pondichéry (Faure, Bá Đa Lộc, chương 13). Qua tất cả những việc này, Bá Đa Lộc vẫn “hồn nhiên” tin là vì Conway xấu bụng, cho nên trong thư từ trao đổi với Montmorin và các bộ trưởng hải quân kế tiếp, ông tố cáo sự ngoan cố của Conway và ông vẫn tin tưởng là mình nắm chắc phần thắng (Faure, Bá Đa Lộc, chương 14). Đến phút chót, khi Bá Đa Lộc nhận được lá thư của La Luzerne, bộ trưởng Hải quân, viết ngày 16/4/1789, ở Versailles, ông mới biết rõ quyết định này đến từ chính phủ Pháp: “Cuộc viễn chinh này không thể thực hiện được. Tôi cho phép bá tước de Conway cấp cho ông phương tiện để về Pháp, nếu ông muốn như thế. (Cette expédition ne pouvait avoir lieu. J’autorisais M. le comte de Conway à vous fournir les moyens de revenir en France, si vous préfériez ce parti) (Launay, III, t. 199). Bá Đa Lộc chỉ biết tin này khoảng hơn hai tuần trước khi ông về VN (ngày 15/6/1789, Bá Đa Lộc lên tàu Méduse và ngày 14/7/1789 về tới Vũng Tàu).
Lệnh thư được viết ngày 16/4/1789 ở Versailles, tức là ba tháng sau khi Quang Trung đại phá quân Thanh, là một quyết định sáng suốt và hoàn toàn có cơ sở; và sớm lắm là hơn một tháng sau, Bá Đa Lộc ở Ấn Độ mới nhận được, tức là vào khoảng cuối tháng 5, đầu tháng 6/1789.
Vì không thông thạo tình hình hoặc vì quá chủ quan, nên Ba Đa Lộc, trong thời gian tranh chấp với Conway, từ tháng 5/1788 đến tháng 6/1789, vẫn tin là cuối cùng mình sẽ thắng. Điều này chứng tỏ Bá không có kinh nghiệm về chính trị và quân sự. Chính báo cáo “láo” của ông với vua Pháp về tình hình thảm hại của quân Tây Sơn, về sự chiếm Đà Nẵng và Qui Nhơn dễ như trở bàn tay, đã làm hại ông. Tháng giêng 1789, Quang Trung đã phá tan 200.000 quân Thanh, trong hoàn cảnh này, nếu quân Pháp đổ bộ với 3, 4 chiếc tàu và chưa đầy 1500 lính, thì có nguy cơ bị nuốt chửng. Mật thám của Conway (hay của Bộ Quốc phòng Pháp) không thể không biết rõ điều đó.
Kết luận: Bá Đa Lộc không thể xin các nhà hảo tâm ở Ile de France bỏ tiền ra giúp cuộc viễn chinh, vì cho đến phút chót, trước khi lên tàu ở Pondichéry về Việt Nam, ông mới biết lệnh bãi bỏ của chính phủ Pháp.
Đó là lý do khiến cho cái cớ Maybon đưa ra về sự Bá Đa Lộc được các nhà hảo tâm ái quốc ở Ile de France cúng cho tất cả tài sản của họ là không thể chấp nhận được.
Sau nguồn tài trợ của “các nhà hảo tâm yêu nước”, Maybon đưa ra nguồn tài trợ thứ nhì: kho tàng của Nguyễn Ánh.

2- Nguồn tài trợ thứ nhì: Kho tàng của Nguyễn Ánh

Rồi dường như chính sử gia Maybon cũng không tin lắm ở “nguồn tài trợ của những nhà hảo tâm yêu nước”, nên ông không ngần ngại kê khai tiếp những “nguồn tài trợ” khác, ông viết:
Một nguồn [tài trợ] chắc chắn nữa, mà giám mục Adran có thể trông cậy được là kho tàng của chính Nguyễn Ánh[sự kiện] nhà vua có thể vay mượn được. Rất có thể nhà vua mua được khí giới và thuê tàu, hoặc bằng cách đổi hàng hoá hay trả bằng tiền, hoặc hứa hẹn sẽ trả sau. Vì vậy, ta thấy trong Thực Lục lệnh mua mỗi năm một trăm nghìn livre đường ở những nhà sản xuất Việt, thực phẩm này dùng để đổi lấy vũ khí do người Pháp cung cấp (Maybon, t. 268-269).
Maybon muốn nhắc đến câu này trong Thực Lục: lệnh mua đường cát vào tháng 11-12/1789, Thực Lục ghi: “Sai dinh Trấn Biên đặt mua đường cát, mỗi năm 10 vạn cân làm hạn, cứ số đường 100 cân thì phát trước tiền công cho 10 quan. Đến ngày nộp đường cho nhà nước thì theo giá chợ mà cấp thêm, để sẵn mà đổi cho người Tây Dương lấy đồ binh khí.” (Thực Lục, I. t. 253).
Thực không khỏi sững sờ khi đọc những hàng này: sử gia Maybon, vì túng tài liệu chứng minh Bá Đa Lộc bỏ tiền ra giúp Nguyễn Ánh, đã phải mượn tạm “kho tàng” của Nguyễn Ánh để làm “nguồn tài trợ” cho Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh!
Chuyện kho tàng này, ông chép của Ste-Croix, chính ông cho in lại trong La Relation Bissachère: “Người ta quả quyết rằng nhà vua có nhiều kho tàng lớn lao, chôn giấu nhiều vàng thoi (Ste- Croix, La Relation Bissachère, t. 94).
Về việc vua sai mua đường tích trữ để đổi súng đạn thì Thực Lục, việc tháng 11 năm Kỷ Dậu (11-12/1789) chép như sau: “Sai dinh Trấn Biên mua đường cát, mỗi năm 10 vạn cân, để sẵn, đổi cho người Tây Dương lấy đồ binh khí. (Thực Lục, I, t. 253).
Sử gia Maybon đưa chuyện này vào “danh sách” các nguồn tài trợ của Bá Đa Lộc giúp Nguyễn Ánh thì thực là cùng quẫn quá!

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc nhờ những nguồn tài trợ mà đạt những thành tựu

Sau khi kê khai đầy đủ các “nguồn tài trợ” của Bá Đa Lộc, Maybon kể đến những “thành tựu” của Bá Đa Lộc, từ trang 269 đến trang 279, ông hoàn toàn phỏng theo chương 17 của Faure mà không đề xuất xứ, hoặc đề thoáng qua. Bản thân Faure lại dựa vào “thông tin” của de Guignes; khi đến tay Maybon, sẽ thành như thế này:
Dù từ nguồn tài trợ nào đi chăng nữa, thì sự vận động của đức giám mục đã có hiệu quả trông thấy từ năm 1788. Tàu Dryade, đi từ Pondichéry ngày 15/8 cùng với tàu Pandour, dừng ở Poulo-Condor cho Paul Nghị xuống với vài người An Nam, cũng để lại 1000 khẩu súng trường mua cho Nguyễn Ánh (theo ông Faure, t. 199). Vào tháng 12, cùng thời gian tàu Dryade đậu ở Macao (từ 13 đến 29), vị đại lý (agent) của vua [Pháp] ở Quảng Đông, ông de Guignes, con trai nhà Đông phương học nổi tiếng, viết cho ông Bộ trưởng [ngoại giao], quy định sự thành công của Nguyễn Ánh là nhờ nhiều tàu ông ta đã mua… Sau đó, vẫn ông agent này gửi cho ông bộ trưởng những thông tin chi tiết hơn: Những người Bồ ở Macao, thuận theo gió mùa, gửi tám chín tàu lớn nhỏ khác nhau cho Nam Hà… những tàu này chở hàng hoá và súng đạn. Hai hải hạm từ Ile de France, chở súng và những thứ cần thiết cho vua vùng này, cũng ghé bến; tàu lớn Garonne… cũng ghé qua Nam Hà và ở lại đó mấy ngày… Còn tàu kia, có lẽ là Robuste, có lẽ đã ở lại Vũng Tàu… người ta biết rằng tàu Garonne khi đi sang Xiêm đã bán hai trong số đại bác của tàu cho những ông quan An Nam đến đây… Nhiều tàu khác cũng ghé đến Vũng Tàu trong tháng 6 và 7; đó là, hình như, tàu Moyse và Capitaine Cook…Tàu St-Esprit, do Jean-Marie Dayot. .. cũng đi cùng tới Phi Luật Tân để mua súng ống lương thực, rồi từ đó sang Macao nơi Dayot phải mua hai tàu Bồ để đưa về Vũng Tàu. Trong năm 1790, Dayot cũng lại được gửi một lần nữa đi Phi Luật Tân với hai tàu mà anh có nhiệm vụ sửa chữa, và anh cũng được lệnh mua lưu huỳnh… (Maybon, t. 269-270).

Sử gia còn tiếp tục viết thêm nhiều trang kê khai những loại “thành tựu” như thế của Bá Đá Lộc! Tóm lại, với những “hình như, có thể, nghe nói Maybon đã đưa tên tất cả những tàu bè có thể ghé Nam Hà, có thể chở súng đạn, có thể bán cho Nguyễn Ánh… vào danh sách “công lao” của Bá Đa Lộc.
Đoạn văn này Maybon tóm tắt chương 17 của Faure (Bá Đa Lộc, t. 193- 210). Cả hai tác giả đều muốn nói rằng: tất cả những tàu Pháp (và tàu Bồ) nào ghé qua Nam Hà, cũng chở khí giới cho Nguyễn Ánh và cũng do công của Bá Đa Lộc “vận động” họ đến giúp Nguyễn Ánh dựng nghiệp, hoặc chở khí giới bán cho Nguyễn Ánh!
Maybon chép Faure, nhưng không nói rõ tác giả. Faure lại dựa vào những tin tức của de Guignes và Ste-Croix, và chúng ta đã biết giá trị của loại thông tin này trong các chương trước. Maybon chép Faure nhưng làm như mình lấy tin ở một nguồn khác, đáng tin cậy hơn, ông viết: “vị đại lý của vua ở Quảng Đông, ông de Guignes, con trai nhà Đông phương học nổi tiếng, viết cho ông Bộ trưởng…
Vẫn là agent de Guignes đấy, người đã được Faure thăng lên hàng lãnh sự, ở đây được Maybon đưa lên làm agent du roi tức là đại lý của vua. Nhưng một đại lý của vua viết báo cáo thường xuyên về bộ ngoại giao, theo chỗ chúng tôi biết, vẫn chỉ là gián điệp.
Maybon thấy điạ vị đại lý của vua vẫn chưa đủ cao, nên ông còn thêm vào con trai nhà Đông phương học nổi tiếng, chúng ta không biết là ai và cũng chả cần biết; chỉ biết là những “thông tin” của agent du roi, đúng hay sai, cũng không thể dùng để chứng minh rằng Đức Giám Mục Bá Đa Lộc, đã có quyền sai khiến những tàu Pháp và Bồ, có dịch vụ trên Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, phải chở khí giới, lương thực đến Việt Nam giúp Nguyễn Ánh!

Sau cùng, khi Maybon viết câu này: “Tàu Dryade, đi từ Pondichéry ngày 15/8 cùng với tàu Pandour, dừng ở Poulo-Condor cho Paul Nghị xuống với vài người An Nam, cũng để lại 1000 khẩu súng trường mua cho Nguyễn Ánh (theo ông Faure, t. 199). Và Faure chép báo cáo của de Guignes. Thì xin nhắc sử gia rằng: Hai tàu này chính là tàu Conway gửi đi do thám tình hình Việt Nam, đã nói ở trên, nếu có chở 1000 khẩu súng trường mua cho Nguyễn Ánh, thì phải là súng của Hồ Văn Nghị mua cho Nguyễn Ánh; ông Nghị là người đã cứu Nguyễn Ánh thoát khỏi tay Nguyễn Huệ năm 1777; và nhà vua thường sai ông đi những nhiệm vụ bí mật, lần này, ông mua súng của Pháp đem về; chứ giám mục Bá Đa Lộc, không thể qua mắt Conway, gửi súng lậu trái phép về cho vua Nam Hà, trên tàu của de Conway.

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc đem tàu và khí giới về giúp Nguyễn Ánh

Bất chấp những điều giám mục Bá Đa Lộc viết trong hai thư tháng 7/1789, đã dẫn ở trên, rằng giám mục về tay không, trên độc một tiểu hạm (frégate Méduse) và nó lại phải đi Phi Luật Tân ngay, Maybon “viết lại lịch sử” như sau:
Chính tàu Méduse, dưới sự điều khiển của hải quân đại tá Rosily, đã đưa giám mục Adran và hoàng tử Cảnh về Nam Hà (tháng 6-7 1789) hình như đã góp phần vào việc tiếp tế cho nghiã quân của Nguyễn Ánh.
Trong chuyến đi, chiếc tiểu hạm này (frégate), hình nhưhai tàu hộ tống – Renouard de Ste-Croix xác định rõ là hai chiến hạm dẫn đường (corvette). Chaigneau, đã sống với những người chứng kiến việc này, 30 năm sau viết: Vị chủ giáo trung thành từ Pháp trở về không có quân theo, nhưng ở Ấn Độ, ông đã quyết định cho hai tàu Pháp theo ông để trợ giúp những toan tính của ông. Chính với một nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này mà ông đã đến trình diện chủ của ông [nhà vua]”. (Maybon, t. 271-272).
Và ở cuối trang 271, note số 4, trang 271, ông viết:
Hầu hết các tác giả đều nói về điều này [hai tàu hộ tống], lời lẽ khác nhau chút ít, chủ yếu là Louvet và Bouillevaux; Louvet nói rằng: Giám mục Adran trang bị hai tàu buôn, ông mua vũ khí và đạn dược và đổ bộ lên Nam Hà trong những tuần lễ đầu tiên năm 1789. Bá tước de Conway, mặc dầu chống đối, cũng không thể từ chối không cấp cho giám mục một chiến hạm, để chở vị giám mục và đoàn tuỳ tùng (Louvet, sđd, t. 427-428), còn về Bouillevaux, ông nói rằng: Ông (Conway) dường như đã cho hộ tống vị chủ giáo và hai tàu buôn bằng tàu nhà nước Méduse (Bouillevaux, sđd, t. 393, note 1). Thông tin này chắc lấy ở Văn khố Hội Thừa sai Ngoại quốc” (Maybon, note 4, t. 271).
Đó là lối làm việc của sử gia Maybon, được Cadière khen là “sự sử dụng văn bản một cách khôn khéo và uyên bác nhất, tức là bác bỏ văn bản gốc của Bá Đa Lộc để dùng những thông tin vô căn cứ của Ste-Croix, của Chaigneau (năm 1789 chưa đến Việt Nam) và nhất là lời bịa đặt hoàn toàn của giáo sĩ Louvet: “Giám mục Bá Đa Lộc, mua vũ khí đạn dược và đổ bộ lên Nam Hà đầu tháng giêng năm 1789!”. Riêng giáo sĩ Bouillevaux, nhờ hai chữ dường như, được hưởng trường hợp giảm khinh. Nhưng sử gia Maybon, người dùng những “thông tin” này còn nhấn mạnh rằng: thông tin này chắc lấy ở Văn khố Hội thừa sai ngoại quốc, là đã phạm tội dùng tên Hội thừa sai để bảo trợ cho những nguồn tin thất thiệt.

Maybon “chứng minh” Công ty Pháp Ấn tiếp viện cho Nguyễn Ánh

Sau khi “chứng minh” Bá Đa Lộc “đem tàu và khí giới về giúp Nguyễn Ánh”, Maybon dùng “nguồn tin” của de Guignes để viết tiếp:
Tàu Méduse ghé bến Vũng Tàu từ 24/7 đến 4/8 [1789], và để lại đấy hai tàu mà nó đi kèm; sau đó nó dừng lại ở Phi Luật Tân (từ 4/9 đến 13/12) rồi từ đó đi Macao để lấy những lương thực mà tôi [de Guignes] đã dự trữ sẵn cho nó de Guignes nói như thế. Công ty Ấn Độ ở Quảng Đông có lẽ cũng quan tâm tới tình trạng của ông hoàng đang chiếm lại ngai vàng và góp phần vào công trình của vị giám mục. Thực vậy, M. Lavoué viết ngày 10/10/1790 từ Chantaboun: Hình như Công ty [Pháp Ấn] đảm nhận việc tiếp tế cho nhà vua để giúp ông lấy lại ngai vàng.
Tàu Méduse, khi rời Macao, lại quay về Vũng Tàu, ngày 27/1/1790; đỗ ở đấy gần ba tuần lễ (tới 17/2) và sự cập bến lâu như vậy có thể giải thích là để dỡ hàng, một thứ vật liệu gì quan trọng. Ghi chú thêm rằng, Théodore Lebrun, khi đến Macao đã bỏ tàu, lại thấy có mặt ở Nam Hà giữa năm 1790 và cuối năm này, những hạm đội Âu châu, khá đông, tụ tập ở sông Sài Gòn. Chính M. Lavoué, đã nói điều này trong lá thư vừa dẫn ở trên: quần chúng đồn rằng hiện giờ trước thành phố này có đến 14, 15 chiến hạm và ông [Lavoué] còn nói thêm: nếu điều đó đúng, thì hình như Công ty Pháp Ấn đã gửi viện binh cho nhà vua. Vẫn vị giáo sĩ này, viết ở chỗ khác rằng:những chiến hạm này của Pháp và Bồ Đào Nha”, v.v. (Maybon, sđd, t. 272-273).
Vẫn với những hình như, có thể… Maybon móc nối những sự kiện không liên hệ với nhau, rồi suy diễn ra, như việc tàu Méduse ghé Macao lấy “lương thực mà de Guignes dự trữ sẵn”, để ngầm hỏi [lương thực này viện trợ cho vua Nam Hà chăng?], rồi việc Lavoué viết: Công ty Pháp Ấn “hình như” cũng tiếp tế cho vua Nam Hà; đến việc tàu Méduse quay lại Vũng Tàu đỗ gần ba tuần [chắc để dỡ hàng quan trọng?], việc Le Brun đến Nam Hà giữa năm 1790, việc có nhiều tàu Âu châu tụ họp ở Sài Gòn, v.v. để “chứng minh”: tất cả những chuyến tàu này là để “tiếp tế” cho vua Nam Hà. Và ông kết luận:
Trong sự thiếu vắng – dễ hiu – những thông tin chính xác và đầy đủ chi tiết, ta đành phải ước lược liệt kê, trong khoảng những năm 1789, 1790, 1791, một số lớn những dấu hiệu cho thấy có một chuyển động đáng kể nhiều tàu giữa Ile de France và biển Đông, mà mục đích hiển nhiên là để tiếp tế cho Nguyễn Ánh” (Maybon, t. 273).
Thực lạ lùng khi thấy một “lập luận” như vậy. Sau khi đã dùng những “nguồn tài trợ tưởng tượng” và “kho tàng của Nguyễn Ánh” để “mua vũ khí tiếp tế” cho Nguyễn Ánh, bây giờ Maybon lại dùng bản kê khai tên những tàu Pháp hoạt động trong vùng Ấn Độ Dương và biển đông trong thời gian 1785-1790, của Faure để “chứng minh” rằng có nhiều chuyển động của tàu Pháp từ Ile de France tới biển Đông, với mục đích tiếp tế cho Nguyễn Ánh!

Maybon “chứng minh” Bá Đa Lộc đánh nhau với quân Tây Sơn ở Diên Khánh

Một điểm khá lý thú nữa là việc sử gia Maybon “chứng minh” Đức Giám Mục Bá Đa Lộc đã trực tiếp tham chiến. Điểm này không phải ông “khám phá” ra mà ông chỉ diễn lại ý của Faure, kèm theo “nhân chứng” và “biện luận”.
Maybon viết: “Ông [Bá Đa Lộc] đã đích thân tham dự vào những trận đánh. Người ta thấy ông, năm 1794, tháp tùng hoàng tử Cảnh ra Nha Trang và đánh nhau với quân nguỵ, năm 1797, đã lên hạm đội của Nguyễn Ánh…” (Maybon, t. 280).
Để chứng minh cho điều này, trong note số 1, trang 280, Maybon đưa ra tài liệu sau đây:
Lời của Le Labousse: “trên tường thành Diên Khánh người ta đã gắn một số đại bác bằng gỗ sơn để dọa kẻ thù. Câu này do Cadière thuật lại trong Les documents relatifs… t. 34, note 1), rằng: “Trong một thư của M. Le Labousse ngày 12/7/1796, có nói trên tường thành Diên Khánh, người ta đặt một số đại bác bằng gỗ sơn mà Giám Mục Adran đã cho đặt ở đó để làm cho kẻ thù sợ. Còn súng thật, cũng ở đó, nhưng theo lời khuyên của giám mục Adran, không dùng.
Câu này thật là kỳ dị: Bá Đa Lộc đặt súng giả để cho Tây Sơn sợ, còn súng thật thì không cho dùng. Chúng tôi tìm lại lá thư này của Le Labousse, thì không thấy ở đâu in lại cả: Launay in hai lá thư khác của Le Labousse viết cùng ngày, không hề có câu này. Tại sao Cadière không in toàn bộ lá thư ấy trong tập Les documents relatifs à l’époque de Gia Long (Tài liệu liên quan đến thời Gia Long) của ông, mà chỉ “thuật” lại một câu trong chú thích như thế?
Kỳ lạ nhất là Maybon dùng câu ấy để “chứng minh” giám mục Bá Đa Lộc thực sự điều khiển trực tiếp việc giữ thành Diên Khánh!
Nhưng điều lạ hơn nữa là Tạ Chí Đại Trường vẫn như thường lệ, chép lại sử gia thuộc điạ và thêm thắt vào: “Ngày 2-5 đã có bộ binh Hưng và 50 voi vào Bình Khang vây kín ba mặt thành Diên Khánh. Bên trong chống giữ là Bá Đa Lộc và Hoàng tử Cảnh, với lời dặn dò của Nguyễn Ánh lúc ra đi nhắc nhở sự quan trọng của ngôi thành: Ta đêm ngày hao mòn, từng phải cay đắng mới được chút đất này đó.
Bẩy ngàn quân bên trong chống với 40.000 quân bên ngoài. Trên thành, Bá Đa Lộc cho đặt thêm nhiều đại bác giả làm nghi binh. Quân Diệu ở ngoài bắn đại bác vào không hiệu quả mới đắp lũy đất vây quanh” (Lịch sử nội chiến Việt Nam, t. 279).
Ta đã kinh ngạc khi thấy học giả Cadière đưa ra một lời thư “dớ dẩn” bảo của linh mục Le Labousse viết rằng: giám mục Bá Đa Lộc sai đặt đại bác giả, còn đại bác thật không cho dùng.
Lại càng kinh ngạc hơn khi thấy sử gia Maybon chép lại ý này và dùng làm chứng, cho sự “đức giám mục chỉ huy trận đánh”.
Nhưng đến Tạ Chí Đại Trường thì ngoài sức tưởng tượng: Gia Long giao thành Diên Khánh cho một ông thầy tu và một đứa nhỏ 13 tuổi chống với Trần Quang Diệu. Và quân Trần Quang Diệu bắn vào đại bác giả mà “không hiệu quả” đành phải xây thành đất vây quanh!

Khi viết những dòng hồ đồ trên, Maybon, Cadière và những người khác, không biết hoặc cố ý lờ đi lá thư của giáo sĩ Lavoué gửi cho quản thủ Letondal ở Macao, bác bỏ tất cả những luận điệu cho rằng giám mục Bá Đa Lộc đã đánh trận:
Đức ông [Bá Đa Lộc] có đánh nhau không? Đức ông có dám hành động trái với lệnh Đức Thánh Cha [Giáo hoàng] không? Những kẻ biết rõ Đức ông không thể nào chấp nhận đó là điều tin được và họ có lý. Không, Đức giám mục Adran không đánh nhau gì hết. Nhà vua đã khẩn khoản nài nỉ Đức ông tháp tùng hoàng tử ra Nha Trang, vùng mới chiếm được, để giữ thành. Hoàng thượng nói thêm: Nếu ngươi không đi với nó, thì nó sẽ quên những điều ngươi dạy và chắc chắn sẽ hư hỏng cả. Ta gửi nó đi bởi vì ta biết tên nó sẽ tạo sự kính nể, bắt buộc tất cả các quan phải can đảm, thà chịu chết chứ không bỏ nó. Nếu không có nó, thì bọn bầy tôi của ta sẽ bỏ chạy ngay khi nghe tin quân Tây Sơn đến. (Thư của M. Lavoué gửi M. Létondal, ngày 27/4/1795, Launay, III, t. 286-287).

Việc vua sai Đông cung đi trấn thành Diên Khánh nằm trong thông lệ của nhà Nguyễn có từ thời các chúa ngày trước: chuẩn bị cho người nối ngôi có kinh nghiệm chiến đấu và cai trị, vì vậy, các chúa thường cho thế tử làm trấn thủ Quảng Nam, trước khi lên kế vị. Như trường hợp chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) khi còn là Dũng Lễ Hầu, đã chiến thắng quân Hoà Lan, năm 1644, ở vịnh Đà Nẵng. Gia Long tiếp tục truyền thồng này, bắt Đông cung Cảnh đi trấn Diên Khánh ở tuổi 13, và khi đi đánh Quy Nhơn năm 1800, dẫn Minh Mạng lúc ấy mới 9 tuổi đi theo.
Về thành Diên Khánh: vua sai Đông cung Cảnh trấn Diên Khánh hai lần:
1- Lần đầu, từ tháng 12/1793 đến tháng 8/1794, Cảnh mới 13 tuổi.
2- Tháng 11-12/1798 vua sai Đông cung, 18 tuổi, làm tướng, thống lĩnh tướng sĩ dinh Tả quân và vệ tiền quân Thần Sách, đến giữ Diên Khánh, lần thứ nhì. Có Bá Đa Lộc, Tống Viết Phước và Nguyễn Công Thái, hậu thuẫn. Tống Viết Phước tính nóng, lúc giận, sỉ nhục Bá Đa Lộc, bị gọi về Gia Định quở phạt. Từ tháng 11-12/1798 đến tháng 5/1799, mặt trận Diên Khánh yên tĩnh, áp lực dồn về Quy Nhơn. Cuối cùng, Võ Tánh hạ được Quy Nhơn. Tống Viết Phước tử trận. Bá Đa Lộc mất ở Quy Nhơn ngày 9/10/1799 sau ba tháng bị bệnh dịch tả.

Mặt trận Diên Khánh, phần quyết liệt, xảy ra khi Đông cung trấn thủ Diên Khánh lần đầu (từ tháng 12/1793 đến tháng 8/1794) cùng Bá Đa Lộc, Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu và các tướng: Phạm Văn Nhân (Phó tướng tả quân), Tống Phước Đạm (Giám quân trung dinh), Mạc Văn Tô, Nguyễn Đức Thành. Tháng 2/1794, Chưởng dinh Nguyễn Huỳnh Đức, xin ở lại Diên Khánh giúp Đông cung. Nguyễn Vương còn sai Nguyễn Văn Khiêm, phó Vệ uý vệ túc trực quân Thần Sách đến Diên Khánh phò Đông cung (Thực Lục, I, t. 302, 305). Như vậy, Cảnh, 13 tuổi, trấn Diên Khánh, vị trí địa đầu, với một bộ tổng tư lệnh quân đội gồm ba đại tướng: Phạm Văn Nhân, Tống Phước Đạm, Nguyễn Huỳnh Đức và hai đại thần là thầy dạy học Trịnh Hoài Đức, Ngô Tòng Châu, cùng với sư phó Bá Đa Lộc. Đến khi vua quyết định thân chinh cứu Diên Khánh, mới gọi Nguyễn Huỳnh Đức về trấn Gia Định.
Trong số các đại tướng ở lại trong thành Diên Khánh với Đông cung, có Phạm Văn Nhân là thầy dạy về binh bị, và Tống Phước Đạm là một vị tướng lão thành, mưu lược, họ ngoại của Đông cung (chính ông đã dâng chiến lược cho vua bỏ Xiêm La, trở lại chiếm Nam Hà, khi anh em Tây Sơn bất hoà, và làm kế phản gián, chia rẽ Phạm Văn Tham và Nguyễn Lữ, năm 1787). Thực Lục ghi công tướng Tống Phước Đạm giúp Đông cung đắc lực trong việc giữ thành Diên Khánh (Thực Lục, I, t. 314).
Ngoại trừ Cadière, các tác giả thực dân khi viết về giai đoạn này, thường “không thèm biết” đến toàn bộ lực lượng đại binh của Nguyễn Vương, coi như không có, tôn Bá Đa Lộc lên làm đại nguyên soái, chỉ huy, giữ thành Diên Khánh, với những “chứng cớ” khôi hài, đi ngược lại với lá thư của linh mục Lavoué ngày 27/4/1795, xác định vị giám mục không hề tham dự vào cuộc chiến.

Maybon tổng kết công lao của Bá Đa Lộc

Sau khi đã hoàn thành xong toàn bộ “lập luận” về công lao của Bá Đa Lộc và các sĩ quan Pháp. Maybon “tổng kết” công trạng này bằng những hàng sau đây:
Vai trò của nhóm người can đảm đếm trên đầu ngón tay này, trong sự thiếu vắng thông tin mong đợi, không thể xác định được một cách chi tiết. Nhưng không thể chối cãi được rằng họ đã góp phần lớn lao vào chiến thắng của Nguyễn Ánh. Ấy là chưa kể đến phần của họ trong những trận đánh quan trọng như trận tiêu diệt hạm đội của Tây Sơn năm 1792 và những trận dẫn đến chiến thắng Huế năm 1801. Người ta không khỏi khâm phục công trình kiến tạo mà họ đã thực hiện trong những điều kiện không mấy thuận lợi: họ đã xây dựng một nền hải quân theo lối Tây phương và thành lập đội ngũ thủy binh; họ đã huấn luyện quân đội, họ đã đưa kỷ luật vào quân đội, thành lập những cấp chỉ huy; họ đã đúc đại bác, dạy cho người An Nam cách dùng trái phá, họ đã tạo ra đội ngũ pháo binh lưu động mà sự di chuyển đã khiến quân Tây Sơn khiếp viá; họ đã xây dựng những thành đài (Maybon, sđd, t. 279).
Những dòng ca tụng “công trạng” của những “sĩ quan” Pháp này hoàn toàn chép lại Ste-Croix và Faure mà chúng tôi đã trình bày trong các chương trước. Không có gì của Maybon cả, cho nên chúng ta không cần bận tâm phân tích và phê bình. Vả lại việc đưa vài người lính Pháp, binh nhất, binh nhì, gần như vô học, viết chữ Pháp chưa thạo, lên địa vị hàng đầu, đã thành lập và chỉ huy toàn bộ quân đội và xây dựng các thành trì của Gia Long và nước Việt Nam như thế; những “chứng từ” như thế khiến cho giới nghiên cứu đứng đắn không khỏi e ngại về trình độ học thuật và lương tri trí thức của giới nghiên cứu thuộc điạ.

Cuối cùng chúng ta thử đọc những hàng Maybon viết về công lao của Bá Đa Lộc:

Không còn nghi ngờ gì nữa, những người góp phần hữu hiệu nhất vào cuộc chinh phục ngai vàng, Olivier, Dayot, Vannier, Chaigneau, đã chỉ hành động dưới sự thúc đẩy và dưới sự điều khiển của ông [Bá Đa Lộc]; ông đã lập hội đồng [chỉ huy] quy tụ họ, để giải quyết những vấn đế quân sự và tìm giải pháp cho các vần đề được giao phó. Ngoài ra, ông còn dịch sang tiếng Nam, người ta thường kể như thế, những tác phẩm về thuật chiến đấu và ông làm cách nào để uốn nắn đầu óc nhà vua khiến cho ông ta có đủ khả năng để hiểu điểm cốt yếu trong những phương pháp Tây phương. Sau cùng, ông đích thân dự vào những trận đánh. Người ta thấy năm 1794 ông đi kèm hoàng tử Cảnh ra Nha Trang và ông chiến đấu chống quân nguỵ; năm 1797, ông ở trên hạm đội của Nguyễn Ánh; năm 1799…” (Maybon, sđd, t. 279-280).
Sau khi tiếp tục kể công trạng của Bá Đa Lộc cả trang nữa, ông liệt kê những nhược điểm của Nguyễn Ánh: “tính uể oải bẩm sinh”, luẩn quẩn, do dự”, thích an nhàn”, thoả mãn với việc trị vì Sài Gòn”, sợ hiểm nguy của việc tấn công”, v.v. may nhờ đức giám mục cảnh giác, kiên trì theo đuổi “mục đích đã vạch sẵn là đưa ông hoàng trở lại ngai vàng của tiền nhân”. (Maybon, sđd, t. 281-282). Và sau cùng ông vẽ chân dung tổng quát của Bá Đa Lộc như sau:
Pigneau không chỉ thỏa mãn với vai trò lãnh đạo, ông còn quan tâm đến cả những chi tiết; ta đã biết lá thư của Nguyễn Ánh viết cho Louis XVI, rõ ràng Giám Mục là người cổ xuý, nếu không muốn nói là người viết lá thư này; còn những trường hợp khác, dường như lại rõ ràng ông làm cố vấn khôn khéo cho mối liên hệ với đại diện các nước Âu châu trong biển Ấn Độ và Trung Hoa, với những chính quyền Macao, Phi Luật Tân, Bengale; từ thư gửi vua Anh đến vua Đan Mạch cũng mang dấu ấn thiên tài của ông.
Làm một thứ Bộ trưởng chiến tranh kiêm bộ trưởng ngoại giao của nhà vua và trong tất cả mọi trường hợp, là bạn và là người hết lòng che chở, khôn khéo, cứng rắn, đó là vai trò của vị chủ giáo trứ danh bên cạnh nhà vua, là người đã dẫn dắt ông ta tới ngai vàng một nước hùng mạnh nhất miền đông bán đảo Hoa Ấn. (Maybon, t. 283).
Đoạn này, cũng vẫn không phải của ông, sử gia Maybon vẫn chép lại Faure. Nhưng nếu Faure chỉ tung ra những xác định vô bằng như: “Đức giám mục Bá Đa Lộc trực tiếp thương lượng với các cường quốc bên ngoài, tổ chức các hạm đội và quân đội, lãnh đạo hoặc chỉ huy những đoàn quân lớn”, “trong những hội đồng chiến tranh đức cha luôn luôn ngồi cạnh và ngang hàng với vua.Đức giám mục… cho Dayot làm tư lệnh hải quân với chức vụ hải quân đại tá”. “Olivier là Tổng Tham Mưu Trưởng quân đội dưới quyền điều khiển của Đức Cha.” (Faure, Bá Đa Lộc, Chương 18), v.v. thì Faure chưa dám nói rằng: Bá Đa Lộc viết cả thư từ cho vua Gia Long nữa. Nhưng Maybon dám làm việc đó; trước tiên, ông đặt câu hỏi: không biết vị giám mục làm cách nào để uốn nắn đầu óc nhà vua khiến cho ông ta có đủ khả năng để hiểu điểm cốt yếu trong những phương pháp Tây phương?, một câu hỏi xúc phạm tột điểm, rồi sau đó ông xác định: chính vị giám mục đã viết thư cho Gia Long, nhất là bức thư gửi cho vua Louis XVI, cám ơn về việc đã hủy bỏ viện binh.
Nếu vị sử gia trứ danh đọc kỹ tài liệu thì ông đã không thể viết những hàng hoàn toàn biạ đặt như thế:
Thư của Bá Đa Lộc viết cho Conway, từ Virampatnam ngày 18/3/1789, có câu:
Vì sự hiểu nhầm về nơi hẹn, nên cha Paul [Hồ Văn Nghị] giáo sĩ người Việt, đã không kịp đưa cho hiệp sĩ de Kersaint, thuyền trưởng tàu Dryade, những gói đồ mà nhà vua gửi cho tôi, gồm có:
1- Một thư cám ơn của nhà vua gửi cho vua Pháp.
2- Một lá thư khác gửi cho hoàng tử con ông ở đây.
v.v.” (Launay, t. 195)
Lá thư này Bá Đa Lộc viết ngày 18/3/1789, khi còn ở Ấn Độ, bốn tháng sau ông mới về tới Việt Nam (đến Vũng Tàu ngày 14/7/1789), và ông đã nói đến lá thư vua Gia Long viết cám ơn Pháp hoàng. Vậy có thể nào “thiên tài” Bá Đa Lộc “viết thư hộ” vua Gia Long, khi ông còn ở trên đất Ấn Độ hay không?
Chưa kể Gia Long thông thạo tình hình hơn Bá Đa Lộc, có thể ông biết tin Pháp không gửi viện binh trước Bá Đa Lộc, nhưng đó là chuyện khác, sẽ tìm hiểu sau.
Lá thư này được de Guignes dịch sang tiếng Pháp, đề ngày 7/4/1789. (Launay, III, t. 204), (trang 205, Launay còn in lá thư dịch đề ngày 31/1/1789, chúng tôi sẽ nói đến sau).
Những “chứng từ” như thế, với lối suy diễn như thế, làm cho người đọc hiểu rõ phong cách của tác giả Histoire moderne du pays d’Annam, đoạt học vị tiến sĩ và tác phẩm này được Cadière đánh giá là kiệt xuất. Dường như đó là thực chất của nội dung “giáo hoá” dân Việt.


 (Còn tiếp)


Kỳ tới: Học giả Cadière
Xem các kỳ trước: