Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 6, 2015

CÁC “TAI NẠN VĂN CHƯƠNG” (24): VỀ KINH BẮC (3)




Thích Nữ Chân Không


Chương VI
Hoàng Cầm bị bắt
Sau một thời gian rất lâu vắng thư Hoàng Cầm, tôi bỗng nhận được thư của chị Lê Hoàng Yến, thấy dòng chữ nghệch ngoạc: Xin cô đừng liên lạc với chồng tôi nữa, anh ấy mới bị đi tù. Anh bị bắt vào tháng 8 năm 1982. Sau đó tôi có gửi 100 đô-la cho chị qua em Phan Đạm Hiệp, một người em cùng Thầy, từ miền Nam đem tiền ra Bắc. Hiệp tìm cách ra tận nơi mang tiền đến cho chị.
Chị bèn viết vài dòng nhờ Hiệp gửi: “Thưa cô, cô ở xa không biết tình hình hiện nay. Hôm 20/8/1982 thì nhà tôi đã bị nhà nước bắt giam vì tội quan hệ với người nước ngoài về văn hóa vì như thế là trái pháp luật, hiện nay nhà tôi đã bị tù. Anh bị giam ở nhà tù Hỏa Lò ở Hà Nội, vậy mong rằng cô dù rất quí chồng tôi chăng nữa thì xin đừng thư từ gì, nó phiền cho cô, nhưng cô ở nước ngoài chẳng có gì phiền đâu. Phiền là cho người trong nước.Vậy mong cô thông cảm cho, đừng viết thư nữa, còn tôi là vợ anh ấy, tôi luôn luôn rất cảm ơn cô đã có lòng tốt, đã quan tâm đến chồng tôi và gia đình chúng tôi”.

Ban đầu khi biết tin anh bị tù qua chị Yến, tôi chưa biết chế độ cộng sản đối xử với dư luận quốc tế như thế nào, nên nghĩ đơn giản nếu Amnesty International (tổ chức Ân Xá Quốc Tế) gửi thư xin, chắc họ cũng thả thôi. Anh gửi thư và tặng thơ cho tôi, nghe lời anh tôi chỉ lưu giữ chúng mà đâu có phát hành xuất bản những bài thơ của anh như lúc trước trao đổi. Nếu vì thư từ qua lại với chúng tôi mà anh phải đi tù thì oan cho anh quá, mình nên làm gì giúp anh đây? Trong giờ thiền quán chiều hôm đó tôi chợt nhớ là tôi đã từng làm quen được với một nhà toán học, giáo sư Laurent Schwartz, chủ tịch Hội Pháp Việt, cũng là một thành viên của Hàn Lâm Viện Pháp về toán. Ông này quen với cụ Hồ nên khi được mời làm chủ tịch Hội Pháp Việt – nhóm này rất thân với chính quyền Hà Nội – ông nhận lời ngay. Hồi đó, không ai trong số các bạn tôi muốn chơi với những người theo chính quyền cộng sản, cái chính quyền đã bỏ tù hằng trăm ngàn sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa, bắt vào tù hầu hết các văn nghệ sĩ miền Nam. Dù là người Việt hay là người nước ngoài, hễ thân với chính quyền thì bạn bè tôi đều tránh liên lạc. Nhưng tôi lại nghĩ khác về giáo sư Laurent Schwartz.Chắc chắn ông là người có lòng mến mộ Việt Nam.Tại ông chưa có dịp tiếp xúc với việc mình làm đó thôi.Mình đâu có làm chính trị, mình đâu mong chờ danh lợi quyền bính gì, mình phải làm quen với những người tốt này mới được.Tôi mở niên giám điện thoại và tìm ra được ba người tên Schwartz ở Paris.Tôi chọn ông Schwartz có tên đầu là Laurent.Cuối cùng tôi liên lạc được với ông.Tôi tự giới thiệu về mình. Tôi kể những chuyện tôi đã làm và đang làm, và xin phép gởi bản tin Le Lotus cũ của Phái Đoàn Phật Giáo Việt Nam tại Paris, ghi những công tác trước 1975 cho ông bà ấy xem. Đây là tờ bản tin mỏng xuất bản trước 1975 của Phái Đoàn Hòa Bình của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất về những công việc cứu trợ của chúng tôi cho hằng nghìn đồng bào sống nheo nhóc tại các vùng vừa bị bom đạn cày nát. Tôi cũng kể lại là thời đó chúng tôi đã tìm ra người bảo trợ cho hơn 8.900 cô nhi nạn nhân của chiến tranh đang được nuôi trong bầu không khí gia đình. Các em có thể sống với ông nội, bà nội, bà ngoại hay một người cô, một người dì. Tôi cho biết tôi đã gửi tiền cho từng em qua các gia đình nuôi em với sự giám sát của các sư cô chăm lo các ký nhi viện Phật giáo. Tuy bây giờ chúng tôi không còn được công khai làm việc từ thiện này nhưng chúng tôi vẫn thường xuyên gửi quà dưới hình thức những gói thuốc nhỏ của Pháp cho các cháu đói.Ông trả lời tôi rằng ông rất cảm động với những việc tôi làm và ký cho tôi một cái ngân phiếu 500 quan Pháp. Hồi đó số tiền này rất lớn, vì những người khác thường chỉ cho chúng tôi 25 quan thôi.Ông quả là người tốt, vì tuy là thành viên của Hàn Lâm Viện nhưng ông không phải là người giàu có. Sau đó, tôi viết thư cám ơn. Ông bà dễ thương lắm và rất quý mến tôi.
Tôi nghĩ: “Người này mà viết thư xin thả cho Hoàng Cầm thì chính quyền cộng sản khó mà bảo là Mỹ Ngụy chen vào”. Tôi điện thoại xin đến thăm và được ông bà mời uống trà. Tôi chỉ nhờ ông viết thư riêng can thiệp cho Hoàng Cầm – một nhà thơ rất liêm trực – thôi, không làm kiến nghị gì hết. Tôi tặng ông bài thơ Em Bé Lên Sáu của Hoàng Cầm (do tôi tự tay dịch nghĩa ra tiếng Pháp). Thấy ông quá ưu tư thương cảm và sốt sắng giúp, tôi hồ hởi viết thư cho chị Yến nhắn rằng: “Chị đừng lo, em đã nhờ vài người bạn của em, là những vị có uy tín, là bạn của cụ Hồ, có thể xin được cho anh ra, chị yên tâm.”
Sau này, trong ba chuyến về Việt Nam, lần nào tôi cũng ghé thăm Hoàng Cầm và nghe anh kể lại chuyện những ngày bị giam cầm, bị đối xử trong tù mà thất kinh. Tôi không ngờ con người lại có thể đối xử dữ dằn với nhau như thế!
Hoàng Cầm sống trong nhà giam Hỏa Lò khoảng 12 tháng kể từ 20.8.1982.Anh kể trước khi gặp tôi có nhiều khi anh chán đời quá phải ngậm [đúng ra là hút – VV]thuốc phiện. Nhờ có thuốc phiện nên mới sống nổi.
Khi vô tù thì không có thuốc phiện nữa, mấy tuần đầu cũng chán đời dữ lắm. Nhưng khi ở trong tù đã tạm quen, bạn bè, độc giả cũng thương và được nói chuyện cũng còn vui, bữa nào có người bạn tù mới cho rít một điếu thuốc lào thì rất sướng. Lâu lâu bị mời lên thẩm vấn, nếu họ lịch sự thì cho một điếu thuốc lào cũng làm anh cảm thấy sung sướng lắm. Thẩm vấn và bị giam ở nhà tù Hỏa Lò suốt một năm [đúng ra là nửa năm], khai đi khai lại cũng chỉ có từng ấy chuyện: cô bác sĩ trẻ yêu thơ Hoàng Cầm, gửi thuốc men chăm sóc sức khỏe cho cả gia đình thi sĩ. Nói tới nói lui cũng chẳng có gì khác hơn: “Cô này là bác sĩ trẻ, mới ra trường, xa nước lâu, nhớ nước, đọc thơ tôi rất thích nên gởi thư, lâu lâu mỗi ba tháng cô có gửi một gói thuốc.” Rồi anh kể tên những loại thuốc được tôi gởi.
Một ngày cuối năm 1983, anh được gọi lên thẩm vấn lần chót, cũng không có gì hết, cũng đi tới đi lui như mọi lần.Bởi vì nếu thẩm vấn nhiều lần mà lần nào mình cũng nói đi nói lại những điều giống nhau như vậy thì họ biết mình nói thật. Chính anh đặc trách thẩm vấn cũng có cảm tình với Hoàng Cầm, kể lại cho anh rằng: Trong một buổi họp cụ Lê Đức Thọ đã hỏi: “Mình có bắt thi sĩ Hoàng Cầm thật không? Vì sao Hoàng Cầm bịbắt? Vụ Nhân Văn Giai Phẩm đã qua rồi mà? Quốc tế họ có hỏi thăm đó, nếu không có tội gì quan trọng thì thả đi cho rồi, để quốc tế biết, kỳ lắm”. Điều này chứng tỏ giáo sư Laurent Schwartz đã viết thư can thiệp cho Hoàng Cầm. Nếu “Quốc Tế” là những người khác thì sẽ bị kêu là Mỹ Ngụy, nhưng giáo sư Laurent Schwartz là bạn thân với cụ Hồ. Cụ Lê Đức Thọ có nói nếu chỉ quen một vài người ngoại quốc, không có gì thì thả cho người ta đi.
Nhưng trong buổi họp đó lại có ông Tố Hữu, cũng là nhân vật quan trọng của Đảng. Ông Tố Hữu ngồi kế bên đã nói một câu: “Quốc tế hả? Muốn can thiệp hả? Cho ở tù thêm”.Và buổi họp còn kéo dài để bàn bạc về những việc khác. [Về việc này, muốn biết chính xác xin đọc tự sự của chính Hoàng Cầm trên Văn Việt: http://vanviet.info/tu-lieu/cc-tai-nan-van-chuong-22-ve-kinh-bac-1/]. Thế là cấp dưới y theo biên bản cuộc họp, thực thi thật máy móc, thật tinh vi cho đến nỗi Hoàng Cầm bị nhốt trong tình trạng thật ghê rợn khiến anh mất trí luôn. Có thể ông TốHữu không lường trước được cái câu nói phát ra trong lúc ông bực bội đã ảnh hưởng, đã giết chết một đời người, đã bóp nát một đóa hoa kỳ diệu của đất nước. Tôi viết điều này ra không phải để trách ông Tố Hữu, tôi chỉ muốn tự nhắc mình và nhắc những bạn đọc của tôi là ta phải nên rất thận trọng trong lời nói, nhất là khi phê phán một câu với ai, dù trước mặt mọi người hay với chính mình, cũng nên thận trọng, nhìn sâu hơn để không nói một câu như ông Tố Hữu đã nói đối với một nhà văn đang ở tù.
Hoàng Cầm được mời lên văn phòng, tưởng mình sắp được thả thì mừng quá, nhưng họ nói anh ngồi chờ đó. Sau khi nghe điện thoại của cấp trên, anh công an đưa Hoàng Cầm đến một khu biệt thự thật sang trọng của Pháp ngày xưa. Hoàng Cầm trong lòng vui lắm, thầm nghĩ chắc mình sắp được tha rồi. Nhưng không! Anh được đưa vào một căn phòng, đến giờ cơm thì họ đem đến phần cơm thôi, ngoài ra chờ hoài không thấy gì cả, chung quanh không có một ai. Mọi thứ xung quanh im lặng rợn người.Sợ quá.Một tuần, rồi hai tuần, rồi ba tuần. Ngày xưa tuy cũng trong tù nhưng có đông người, còn vui, bỗng dưng bây giờ được chuyển sang một chỗ vắng lặng quá, thỉnh thoảng chỉ có tiếng kêu của con tắc kè, anh thấy cô đơn vô cùng. Ngày này qua ngày khác, anh có cảm tưởng như đang ở trong một cái nhà ma.
“Em biết không – Hoàng Cầm kể khi tôi tới thăm anh tại Hà Nội trong lần được về nước năm 2005- anh buồn quá. Nhưng một ngày, ô kìa, nghe như văng vẳng bên kia tiếng ai ru con, anh mới gõ vô tường ba tiếng, nghe bên kia gõ lại cũng ba tiếng, anh mừng quá, vậy là có người. Anh gõ năm tiếng, bên kia gõ lại năm tiếng. Lúc đó bị biệt giam cô đơn như vậy đã được vài tháng, cái đầu muốn điên rồi. Có tiếng hát ru em giọng Nam, rồi ru em giọng Bắc, xong rồi còn nhái giọng của vợ anh “anh ơi, anh bỏ em, nghe lời họ làm chi… có gì anh nói thật hết đi, đi theo bọn thực dân làm chi, bọn tình báo ngụy nó lợi dụng anh đó, anh có chi cứ nói hết đi…”, lại khóc, lại ca hát. Anh bên này cũng xúc động hết khóc lại cười, thương quá Yến ơi. Đến giờ cơm thì có cơm, rồi im lặng hoàn toàn, từ sáng tới khuya. Có bữa anh nghe như có tiếng họp chợ bên ngoài, vui lắm, cũng có tiếng người đi qua, đi lại, nhưng không thấy ai hết.
Anh cô đơn cùng cực, cứ như vậy thì anh điên mất thôi. Nó kéo dài bao nhiêu là tháng anh không đếm nổi.Nhiều lần anh muốn treo cổ tự tử, nhưng lúc này chỉ có cái áo rách, treo cổ cũng không chết được.Ở đằng trước có một bể nước, anh định dìm đầu trong đó nín thở cho chết nhưng nước chỉ cỡ 50 phân nên không thể nào tự vẫn được. Sau khi dìm đầu xuống nướccủa cái bể lạnh đó chừng mấy phút, anh cắn răng tiếp tục dìm đầu cho chết luôn. Nhưng bản năng tự vệ của con người đẩy anh bật dậy, không chịu nổi, cuối cùng anh bỏ cuộc tự tử theo lối này và sau đó bị cảm sốt nặng. Mong cho chết luôn cũng không chết được!
Hình như anh mất trí khá lâu, mất trí hẳn.Sau đó gần cả năm, anh được báo tin Tết này được về thăm gia đình, có gì thì khai hết đi. Chị được tin anh về nên chuẩn bị những món ngon cho anh ăn Tết. Bữa đó anh thấy đúng là nhà của mình, có vợ, có con. Người con trai đem ra một tô phở nóng cho bố ăn, nhưng không biết sao, anh ăn được hai muỗng thì nôn ra hết, chắc do cảm xúc mạnh quá. Công an lại đùa: Thôi bà âu yếm ông chút đi. Chị tới xoa vai anh, anh lại khóc nức nở.Anh chỉ ngồi khóc từ đầu đến cuối trong cái buổi gặp gỡ gia đình.Rồi anh bị đưa vô tù trở lại. Khi được đưa về nhà giam thì lại nghe cái giọng của cán bộ “tại vì tôi thương chị Yến, vì tôi nể tình chị Yến nên tôi mới thả anh”. Vài năm sau anh được thả.Phải thả thôi vì họ đã thành công biến anh thành một người bệnh tâm thần khá nặng. Trông thấy ai, anh cũng sợ như người ta sắp sửa bắt mình hay hành hạ gì đây, luôn luôn mang cảm tưởng sợ hãi như thế và không bao giờ dám đi ra đường phố. Nhiều khi chị Yến bảo đi chơi một tí cho khuây khỏa, cứ ở nhà như thế cả ngày chẳng nói một câu thì buồn lắm. Thế mà đã có lần anh đạp xe ra chỗ Bà Triệu, thấy xe cam nhông, anh từ từ đạp xe lao vào, nhưng vì xe tải chạy chậm nên anh tài xế đã phanh lại, thò cổ ra và hét “Cái thằng già này muốn tự tử để đổ vạ cho ông à?” Lại có lần ở chỗ Trần Phú trông thấy đầu máy xe lửa đang chạy anh đã định lao vào. May quá hôm ấy khi anh mới định lao vào thì có một bà ở đằng sau kéo giật anh trở lại. Anh ngã ngửa ra, đập đầu nhẹ vào tường, và cũng may có cánh tay bà ấy đỡ đằng sau. Anh nói cái tâm thần của anh lúc này nó lạ đến thế, cái chết xem như không, thử đâm đầu vào đấy xem sao, chết nó thế nào!”
Khi nghe những điều anh nói, tôi thấy đau lòng quá.Nếu không nghe trực tiếp từ miệng anh kể thì chắc tôi không thể nào tin được những chuyện như thế. Tôi không thể tưởng tượng nổi rằng con người có thể ác độc với nhau như thế. Mình chỉ gởi thư khen thơ của anh ấy, có in ấn phổ biến gì đâu mà họ coi anh là phản động, là gián điệp quốc tế!!! Cái chuyện nhờ giáo sư Laurent Schwartz can thiệp lặng lẽ, không ồn ào rùm beng gì hết mà cũng đủ để họ đối xử với một người đồng bào tệ đến thế ư?
Trong thời gian Hoàng Cầm ở tù, tôi vẫn đều đặn gởi quà và tiền về cho chị Yến.Có lẽ nhờ thế mà chị có đủ phương tiện chạy chọt, lo lót, để cứ mỗi khi họ cho anh về thăm nhà thì họ lại nói “tôi vì nể chị Yến”. Nhưng tôi không còn dám gởi quà qua đường bưu điện mà chỉ tìm mọi cách gởi qua người thân, đem từ Sài Gòn ra đến Hà Nội giao tận tay cho chị Yến.
Chương VII
Nguyên do Hoàng Cầm bị bắt
Tôi được biết, một thời gian sau khi bị bắt, Hoàng Cầm đã bắt đầu đi vào tình trạng tâm lý hỗn loạn, bế tắc, nói năng không còn kiểm soát được. Trước tình trạng của anh như vậy, sở Nội Vụ của nhà nước thấy cũng khó trả lời với những thăm hỏi của Amnesty International (qua anh Mac Aree, chuyên viên đặc trách về Châu Á lúc đó) và những bức thư dễ thương ân cần như bức thư của Giáo Sư Laurent Schwartz và của các bạn của giáo sư. Thành ra sau thời gian kéo dài rất lâu, khảo tra đủ cách mà vẫn không tìm ra được chứng cứ nào chứng minh Hoàng Cầm cũng như bác sĩ Cần Thơ đã làm hại chính quyền hay là hại đất nước để mà trả lời cho Ông Hội Trưởng Hội Pháp Việt Laurent Schwartz, cuối cùng nhà nước đã quyết định trả tự do cho Hoàng Cầm cuối năm 1984 [đúng ra là năm 1983].
Sau này, quán chiếu sâu hơn tôi biết chắc Hoàng Cầm bị bắt hoàn toàn không phải vì tôi.Vì cókhi nào tôi công bố một bài thơ nào của anh ấy đâu? Dù nhà xuất bản Lá Bối hải ngoại của thầy trò Phương Vân Am có ấn hành văn tập Tắm Mát Ngọn Sông Đào, bao gồm các tác phẩm của văn nghệ sĩ trong nước mà không ghi tên thật, chỉ lấy bút danh, thì cũng không có bài thơ nào của Hoàng Cầm, dù dưới tên giả.
Nhưng nhìn kỹ lại tình hình lúc đó, tôi thấy vào khoảng tháng 3 năm 1982 nhạc sĩ Phạm Duy đã cho ra đời 2 băng cassettes: 1 – Ngục Ca – phổ biến 10 bài thơ của Nguyễn Chí Thiện do Phạm Duy phổ nhạc, những bài như: Từ Vượn Lên Người, Từ Người Xuống Vượn, Cái Lầm To Thế Kỷ, Kệ Cha Bác… 2 – (Hoàng) Cầm Ca – Trong đó có bốn bài thơ của Hoàng Cầm là Lá Diêu Bông, Qua Vườn Ổi, Cỗ Bài Tam Cúc, Đôi Cá Đòng Đong. Trong băng nhạc này, trước khi Thái Hiền hát, Phạm Duy đã nói tới các bài thơ này như những lời buộc tội chế độ cộng sản của thi sĩ. Theo Phạm Duy, thi sĩ Hoàng Cầm đã ví cộng sản như một người chị, một người đàn bà rất xấu mà muốn cho mình có một bộ mặt xinh đẹp nên đã dỗ dành bao nhiêu người em đi tìm cho mình những chiếc lá tô son điểm phấn cho chế độ và hứa hẹn sẽ thưởng khi tìm ra lá Diêu Bông, và dù cho có em nào đã tìm ra lá, cô chị vẫn xòe tay phủ mặt không nhìn. Phạm Duy lại viết trong tác phẩm Ngàn Lời Ca rằng Lá Diêu Bông là một loại lá đặc biệt ở làng Đình Bảng Bắc Ninh, phụ nữ Việt Nam thời xưa đã vắt nước lá này để bôi lên mặt cho da thịt thêm hồng hào tươi đẹp. Theo Phạm Duy, nhà thơ Hoàng Cầm đã cho rằng không ai có thể làm cho chế độ cộng sản Việt Nam này tốt đẹp được. Trong khi đó, lời chú giải về Lá Diêu Bông của chính Hoàng Cầm viết cho tôi là: “Còn lá Diêu Bông không thể ai tìm thấy tên trong bất cứ một sách vở tài liệu nào về khoa học tự nhiên. Tự người đọc, nếu yêu thơ sẽ hình dung ra cái lá ấy. Một cái lá anh đặt tên để làm symbole (biểu tượng) thế thôi. Symbole của những mối tình cao đẹp, của những lý tưởng trong sáng, của những gì là Thật, là Lành, là Đẹp vốn có trong mỗi con người. Nhưng rồi cuộc sống lắm khi tàn nhẫn vì xâu xé vật lộn, vì ngu si tham lam nên lắm khi cái lá ấy ở ngay trong mình mà mình không thấy, và đến khi nhận ra thì cuộc đời đã tàn!” Ăng ten của nhà nước cộng sản Việt Nam thì có mặt cùng khắp, nên khi Phạm Duy vừa phổ biến Ngục Ca và Cầm Ca ở nhiều thành phố hải ngoại vào tháng Ba tháng Tư thì ở trong nước Hoàng Cầm lãnh đủ. Nhà thơ bị bắt vào ngày 20 tháng 8 năm 1982.Viết điều này tôi cũng không có ý chê Ngục Ca của Nguyễn Chí Thiện.Tôi đã khóc khi đọc những bài thơ đau khổ cùng cực của Nguyễn Chí Thiện và rất cảm động với một bài thơ có câu “Thương ánh mắt không dám nhìn cái đẹp”, có lẽ là anh tả ánh mắt của một người thiếu nữ anh gặp trong tù. Tôi chỉ nói Phạm Duy tung ra hai băng nhạc này CHUNG với nhau là không đúng thời. Hai người nghệ sĩ này khác nhau tuy cùng là nạn nhân của Đảng.
Than ôi, Hoàng Cầm đâu có biết địa chỉ Phạm Duy ở Hoa Kỳ nên làm sao mà gửi những bài thơ đó cho Phạm Duy được? Tuy hai người có quen nhau hồi 1945 cho đến 1954, nhưng giờ Phạm Duy đang xa tít mù khơi bên Hoa Kỳ. Chỉ có việc Hoàng Cầm liên lạc với tôi là có bằng chứng! Và người ta đã bắt anh vì tội liên lạc cấu kết phản động với người nước ngoài.Tôi bị oan và Hoàng Cầm cũng oan.
Cho tới bây giờ tôi cũng chưa biết ai đã gửi những bài thơ của Hoàng Cầm đến cho Phạm Duy, mà nhà nước cũng không có chứng cớ. Nhà nước chỉ có chứng cớ Hoàng Cầm đã liên lạc với bác sĩ Cần Thơ…
Hoàng Cầm chép bài thơ Lá Diêu Bông cho tôi
Anh được trả về vào khoảng cuối năm 1984 nhưng không dám viết thơ cho tôi dù thời gian đó tôi vẫn tìm cách gửi quà về cho chị. Nhiều bạn bè rất sợ, chỉ có em Phan Đạm Hiệp là gan dạ và chịu khó nhất. Tôi thật tri ân Phan Đạm Hiệp đã hết lòng làm những việc rất khó. Anh Hoàng Cầm về nhà thì bị trầm cảm nặng, đã muốn tự tử nhiều lần.
Tháng 8 năm 1985 thì chị Lê Hoàng Yến vợ của Hoàng Cầm lên áp huyết cao và mất.
Đây là bài thơ anh làm tưởng nhớ người vợ mới mất:
XA
I
Nắng động bên giường bừng tỉnh giấc,
Lại rơi vào quạnh quẽ đêm qua.
Hình như vừa chợp mê gì đó…
Xa rồi… hôm nay em rất xa…
Mạng nhện đung đưa bên cửa sổ
Tiếng chim lảnh lót dãy tường rêu
Bao nhiêu lá úa rơi ngơ ngác
Cũng nói rằng em xa bấy nhiêu
Sợi tóc ngủ lâu trên gối lạnh
Đến hôm nay như muốn cựa mình
Phải chăng thấp thoáng em về đấy?
Sợi tóc lìa xa… gối lặng thinh
Thế nghĩa là em thực hóa mơ
Tưởng như em chẳng sống bao giờ
Em ơi! ai xé hồn anh vậy?
- Tiếng mối tường bên chen tiếng mưa
II
Em đi rồi để lại ngày đêm
Chớp mắt nhìn đâu cũng thấy em
Bóng tối thầm thì trong đất lạnh
Rợn người, anh lại thắp hương thêm.
Em đi rồi để lại bóng ma
Theo anh đằng đẵng những ngày qua
Nặng như đá tảng nghiền giun dế
Cứ khóc triền miên ở góc nhà
Em đi rồi, để lại hư vô
Đau xót âm thầm anh lửng lơ
Như chiếc lá tre rơi mặt sóng
Giạt mãi về đâu chẳng bến bờ
III
Đêm đêm hương khói, ngày hương khói
Tỏa ngát về đâu bóng dáng em?
Anh biết khấn gì ngoài tiếng gọi:
- Xa rồi! Em hỡi! – Gọi gì thêm?
Bong bóng xà phòng thuở bé chơi
Sắc màu rực rỡ phút giây thôi!
Em đi là tắt bao nhiêu nắng,
Tắt hết trăng sao, hết miệng cười!
Hết cả, chỉ còn cơn rãy rụa
Làm sao thoát được nợ nào xưa
Anh không hiểu nữa! Em nào biết!
- Một sợi tơ trời thoảng giấc mơ…
Tháng 9-85 tặng vợ Lê Hoàng Yến (mất tháng 8.1985)
Nguồn: Sách “Cần Thơ về Kinh Bắc” NXB Hồng Đức 2014

Ảnh: – Bìa sách “Cần Thơ về Kinh Bắc”
- Một trang thư HC viết gửi sang Pháp cho cô Cần Thơ.