Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 17 tháng 4, 2015

Khảo sát công trạng của những người Pháp giúp vua Gia Long (5) :

Thụy Khuê

Chương ba

Tóm tắt giai đoạn lịch sử 1777- 1802

Phần 2 (tiếp theo)

Trận Thị Nại, 1801, Võ Di Nguy tử trận

Tháng 1-2/1801 (tháng 12/Canh Thân) Nguyễn Ánh vẫn chưa giải vây được Bình Định mà cửa biển Thị Nại thuỷ quân Võ Văn Dũng vẫn đóng giữ chặt.

Tháng 2-3/1801 (tháng 1/Tân Dậu), Vương sai Nguyễn Văn Thành tiết chế các đạo bộ binh.

Trần Quang Diệu vẫn vây chặt thành Bình Định mấy vòng.

Ban đêm Võ Tánh mở cửa thành ra đánh đốt trại địch, quân Tây Sơn bỏ chạy, nhưng sáng sớm lại trở lại vây đông hơn.

Đặng Đức Siêu đã dâng chiến thuật đánh hoả công, nay dụng cụ cho chiến thuật đã làm xong.

Vương mật định hôm 28/2/1801 (16/1/Tân Dậu), cất quân đánh úp. Để Phạm Văn Nhân giữ Cù Mông. Vương thân chinh đem thuỷ quân tiến phát.

Nửa đêm hôm ấy, qua Tiêu Cơ, Nguyễn Văn Trương tiên phong, bắt được lính tuần của Tây Sơn, biết khẩu hiệu, Trương cho thuyền nhỏ lẻn vào Tiêu Ki, chèo qua thuyền lớn của địch, đến miếu Tam Toà, chém được đô đốc Trà, đốt rất nhiều thuyền địch. (Liệt truyện, II, t. 147)

Võ Di Nguy, Lê Văn Duyệt đem đại binh vừa đến, đánh nhau kịch liệt với quân Võ Văn Dũng từ giờ Dần (6 giờ sáng) đến giờ Ngọ (12 giờ trưa).

Võ Di Nguy bị bắn chết.

Lê Văn Duyệt mặc kệ, cứ xông lên, cuối cùng, đến giờ Thân (4 giờ chiều) lọt vào được vào cửa biển, dùng đuốc hoả chiến, hợp chiều gió, phóng hoả đốt thuyền đại hiệu. Võ Văn Dũng thua chạy, thuyền Tây Sơn bị đốt cháy gần hết.

Trận Thị Nại 1801 là võ công lớn nhất của Nguyễn Ánh.

Làm xoay đổi hẳn cục diện chiến tranh.

Trong trận này có ba người Pháp tham dự là cai đội Nguyễn Văn Chấn (Vannier) quản tầu thuyền hiệu Phượng Phi; Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) quản thuyền Long Phi, và Lê Văn Đăng (de Forcanz), quản tầu Bằng Phi, đi theo Trung quân do Tống Phước Lương điều khiển. (Thực Lục, t. 407). Họ sẽ còn tiếp tục các chiến dịch Quảng Nam và Phú Xuân. Công trạng họ như thế nào? Chúng ta sẽ tìm hiểu sau.

Sau khi thua trận Thị Nại, Võ Văn Dũng thu thập tàn quân hợp lại với Trần Quang Diệu, sai Tư khấu Định giữ Thạch Tân [biên giới Bình Định-Quảng Ngãi], đô đốc Nguyễn Văn Ngữ giữ Đạm Thuỷ [Nước Ngọt, Bình Định], đô đốc Võ Văn Sự giữ Tân Quan [Quảng Ngãi].

Thắng trận Thị Nại, nhưng Nguyễn Vương vẫn không giải vây được Quy Nhơn.

Ngày 20/3/1801 (ngày Quý Sửu 6/2/Tân Dậu) hoàng tử Cảnh mất vì bệnh đậu mùa tại Gia Định, ở tuổi 22. Vương sai Nguyễn Văn Nhân và Nguyễn Tử Châu giữ Gia Định.

Ở mặt trận Phú Yên, Phạm Văn Điềm chiếm bảo Hội An. Nguyễn Đức Thiện, Trần Văn Trạc, Phạm Tiến Tuấn lui giữ Xuân Đài. Vương sai Nguyễn Đức Xuyên và Tống Viết Phước ra đánh, Tây Sơn rút quân về.

Nguyễn Văn Trương chiếm Quảng Ngãi, Quảng Nam, 1801

Tháng 3-4/1801 (tháng 2 ÂL.) Vương sai Nguyễn Văn Trương đem thuỷ binh ra đánh Quảng Ngãi, Quảng Nam cùng với các vệ quân Thần Sách của Phan Văn Đức, vệ Phấn Dực Trung quân Tống Phước Lương, vệ Thuận Võ Vương Văn Học và các chúa tầu hiệu Phượng Phi, Long Phi, Bằng Phi là bọn Nguyễn Văn Chấn (Vannier), Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau) và Lê Văn Lăng (De Forcanz) đều thuộc quyền (Thực Lục, t. 432).

Tháng 4-5/1801 (tháng 3 ÂL.), Nguyễn Văn Trương tiến đến cửa biển Cổ Lũy [Quảng Ngãi] đánh phá kho Trà Khúc, đô đốc Tuấn bỏ chạy.

Phá được Trà Khúc, Nguyễn Văn Trương tiến vào cửa biển Đại Chiêm, chiếm Hội An và Phú Triêm. Hoàng Văn Tự đem binh bản bộ tiếp ứng, bắt được 24 thớt voi Tây Sơn. Đại đô đốc Tây Sơn Nguyễn Văn Xuân và trấn thủ Văn Tiến Thể giữ ải La Qua, bị Nguyễn Văn Trương đánh úp, thua chạy, thu được 80 khẩu đại bác.

Nguyễn Văn Trương chiếm lại dinh Quảng Nam.

Nguyễn Vương sai Phạm Văn Nhân quản ba chiếc thuyền đại hiệu tiến vào Đà Nẵng, kiêm quản cả tướng sĩ các thuyền hiệu Long Phi, Phượng Phi, Bằng Phi để cùng sách ứng.

Cho tham quân tượng dinh Lê Nguyên, quê Quảng Nam theo Nguyễn Văn Trương điều khiển, dặn Trương chọn nơi hiểm yếu đặt ba bảo theo hình tam giác, sau bảo có Trường Giang (sông lớn nối cửa Đại Chiêm với Tam Kỳ) để thuỷ bộ tiếp ứng được nhau (Thực Lục, t. 434).

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng sai đặt đồn bảo liên tiếp ở Phú Hoà, cầu Đông Giang, cầu Tân Hội, chống lại.

Nguyễn Vương sai Lê Văn Duyệt và Nguyễn Văn Khiêm tiến đánh, thắng, bắt được đô đốc Nguyễn Bá Phong, nhưng Vệ uý vệ ban trực tả là Võ Văn Tài trúng đạn chết.

Nguyễn Vương vào đến cầu Tân Hội [Quảng Ngãi].

Tây Sơn nhiều lần đánh bảo Vân Sơn, Nguyễn Văn Thành sai Lê Chất chống đỡ.

Phạm Văn Điềm tấn công Phú Yên: Nguyễn Long giữ đồn La Thai, Lưu Tiến Hòa giữ bảo Hội An, cả hai thua trận, Hòa bị giết. Long chống không nỗi để mất quân lương, bị tội.

Hoàng tử thứ hai là Hy mất, nguyên giữ chức cai đội, đi theo quân, ở tuổi 20. Sai đưa về Gia Định chôn cất.

Trong hai tháng ở mặt trận, Nguyễn Vương chết hai con trai.

Quyết định bỏ Quy Nhơn đánh Phú Xuân

Nguyễn Vương xuất quân từ tháng 5-6/1800 (tháng 4 ÂL.), trong gần một năm, vẫn chưa giải vây được Bình Định.

Võ Tánh và Ngô Tòng Châu bị vây từ tháng 1/1800, trong một năm rưỡi.

Thành Bình Định gần hết lương, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng bao vây càng chặt.

Vương sai người mật báo cho Võ Tánh nên phá vòng vây ra hội với đại binh. Tánh trả lời: Liều chết giữ tới cùng. Tất cả quân chủ lực của Tây Sơn hiện ở đây, hoàng thượng nên lợi dụng đánh Phú Xuân (Liệt truyện II, t. 108). Đặng Đức Siêu và Trần Văn Trạc [tham thi bộ Hình, Liệt truyện chép Chạc] cũng khuyên vua nên đánh Phú Xuân hiện đang bỏ trống. Đặng Đức Siêu biết rõ địa hình Phú Xuân, dâng chiến thuật: "Chia quân thuyền làm hai đạo: một đạo đánh cửa Tư Hiền, một đạo đánh cửa Noãn Hải (cửa Thuận An)" (Liệt truyện II, t. 188). Vương mới quyết.

Trận Phú Xuân, 1801

Ngày 5/6/1801 (ngày Canh Ngọ 24/4 Tân Dậu), Vương thân chinh đốc thuỷ quân ra cửa Thị Nại.

Ngày 7/6/1801 (ngày Nhâm Thân 26/4 Tân Dậu) thuyền vua tới Cù Lao Chàm. Gọi Nguyễn Văn Trương tới Đà Nẵng chờ lệnh.

Tống Viết Phước, Trần Văn Trạc giữ Quảng Nam.

Ngày 8/6/1801 (ngày Quý Dậu 27/4/Tân Dậu) Vương tới Đà Nẵng họp với các tướng.

Vương quyết định đánh Phú Xuân theo chiến lược của Đặng Đức Siêu: Thuỷ quân tiến làm hai đạo; một vào cửa Eo (cửa Thận An); một vào cửa Tư Dung (tức Tư Hiền).

Ngày 9/6/1801 (ngày Giáp Tuất 28/4/Tân Dậu) chia cắt nhiệm vụ: Nguyễn Văn Trương và Phạm Văn Nhân tiến ra cửa Eo. Hoàng Văn Tự và Bạch Văn Đoài đem binh voi theo đường bộ Cu Đê. Thuyền vua tiến đóng ở vụng Chu Mãi.

Ngày 11/6/1801 (ngày Bính Tý 1/5/Tân Dậu), đại binh tiến vào cửa Tư Hiền.

Vua Cảnh Thịnh đã sai phò mã Nguyễn Văn Trị và đại đô đốc Trần Văn Tạ giữ núi Quy Sơn (Linh Thái), cho đóng cọc gỗ dưới lạch sông để ngăn quân Nguyễn.

Lê Văn Duyệt và Lê Chất đi tiên phong. Quân Tây Sơn ở trên cao bắn đại bác xuống, quân Nguyễn đánh suốt ngày không tiến được. Đến đêm, mới sai quân ngầm đội mấy chục thuyền chiến, vượt bãi cát vào phá Hà Trung, phía sau lưng địch, chia quân theo đường lạch, nhổ cọc mà tiến.

Ngày 12/6/1801 (ngày Đinh Sửu 2/5/Tân Dậu) Vương thân đốc quân đến bến đò Trừng Hà, Lê Văn Duyệt bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách. Quân Nguyễn tiến đến cửa Thuận An.

Vua Cảnh Thịnh đem đại quân ra cửa Thuận An chống với quân Nguyễn Văn Trương và Phạm Văn Nhân, nhưng chưa giao chiến, đã bỏ chạy.

Ngày 13/6/1801 (ngày Mậu Dần, 3/5/Tân Dậu) Nguyễn Vương vào Phú Xuân.

Cảnh Thịnh chạy ra Bắc. Vương sai Lê Chất đem bộ binh đuổi theo, Lê Chất (nguyên hàng tướng Tây Sơn) khua trống đi thong thả, để Quang Toản thoát, bị gọi về. Nhưng Nguyễn Ánh lờ đi, không bắt tội.

Được tin Phú Xuân bị tấn công, Trần Quang Diệu sai đại đô đốc Trương Phúc Phượng và các tướng đem đại binh đi đường núi về cứu Phú Xuân; nhưng bị người Man [người Thượng] đánh lừa, dẫn đi quanh co, hết lương thực, Trương Phúc Phượng đầu hàng ở Tả Trạch nguyên. Quân Tư khấu Định đến Cao Đôi gặp quân của Lê Văn Duyệt và Lê Chất, giao chiến, thua trận, Định chết ở đất Man. Các đạo quân khác bị bắt cả.

Nguyễn Vương sai Nguyễn Văn Trương đem thuỷ binh tiến đánh Linh Giang (sông Gianh), chặn đường lui của Tây Sơn. Phạm Văn Nhân giữ cửa Thuận An, Phan Văn Triệu và Tống Phước Châu giữ Tả Trạch nguyên và Tam ải.

Ra lệnh ai bắt được Tây Sơn thì trọng thưởng, che giấu thì xử tử.

Lê Văn Duyệt, Lê Chất chiếm lại Quảng Ngãi

Tống Viết Phước tử trận

Tháng 6/1801, mặc dù Tây Sơn đã mất cả Quảng Nam lẫn Phú Xuân, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng vẫn vây siết Bình Định.

Không những thế, Trần Quang Diệu còn muốn chiếm lại Quảng Nam, bèn sai đô ngu Nguyễn Văn Giáp, đại đô đốc Lê Danh Phong, đô đốc Nguyễn Văn Khôn, tham đốc Hồ Văn Tú, đem hơn 7000 quân và 40 thớt voi, ra đóng ở Lương Châu và Phố Hoa, tiến đến Điện Bàn, chiếm lại Quảng Nam.

Tống Viết Phước xin cứu viện. Nguyễn Vương hạ lệnh phải giữ thành, không ra đánh đợi viện binh. Rồi sai Lê Văn Duyệt thống lính bộ binh cùng Lê Chất quay về Quảng Nam và sai Tống Viết Phước đem thuỷ binh về cứu Bình Định. Lê Chất và Lê Văn Duyệt tới Quảng Nam, Nguyễn Văn Giáp bỏ chạy.

Sau khi chiếm lại được Quảng Nam, Nguyễn Ánh sai Lê Văn Duyệt, Lê Chất và Tống Viết Phước, đem quân đánh xuống Quảng Ngãi.

Đại binh của Tống Viết Phước, Lê Văn Duyệt, Lê Chất đến Quảng Ngãi, bắt được Nguyễn Văn Khôn, Hồ Văn Tự, ở bảo Trà Khúc, giải về Kinh.

Trần Quang Diệu nghe tin Trà Khúc mất, thân hành cùng với Lê Danh Phong, Từ Văn Chiêu, đem quân, voi ra Tân Quan [Quảng Ngãi] đặt đồn trại dọc núi chống giữ.

Lê Văn Duyệt tiến đóng đồn ở Thanh Hảo [Quảng Ngãi] đắp lũy dài phòng bị.

Tống Viết Phước đem thuỷ binh vào cửa Sa Huỳnh [Quảng Ngãi] thắng các trận My Sơn và Cung Quăng, tiến tới Bức Cốc [tức Hang Dơi ở Bến Đá Bình Định] thì bị phục binh Tây Sơn giết chết.

Đại đô đốc Lê Danh Phong, thuộc tướng của Trần Quang Diệu, giữ Tân Quan đầu hàng. Quân Nguyễn chiếm xong Quảng Ngãi.

Trong dịp thăng thưởng tướng sĩ tháng 7/1801, có ba người Pháp Nguyễn Văn Thắng (Chaigneau), Nguyễn Văn Chấn (Vannier), Lê Văn Lăng (de Forcanz) vẫn quản các thuyền hiệu Long Phi, Phượng Phi và Bằng Phi, được thăng từ cai đội lên cai cơ (TL, t. 451).

Thăng Nguyễn Văn Trương làm Khâm sai Chưởng Trung quân Bình Tây đại tướng quân quận công. (TL, t. 452).

Đồng thời, Nguyễn Vương bắt đầu chuẩn bị đánh ra Bắc. Sai giám thành cai đội Nguyễn Văn Yên đến Động Hải ngắm đo luỹ Trấn Ninh (tức trường luỹ Động Hải), xem khắp tình thế từ núi Đầu Mâu đến cửa Nhật Lệ, vẽ bàn đồ (lũy dài 5.120 trượng) (TL, t. 453).

Sai khâm sai thuộc nội cai đội Ba La Di (Barisy) đi Hạ Châu (Singapore) tìm mua súng đạn. (TL, I, t. 456)

Sai đắp đường quan từ Phú Xuân đến Động Hải (Trấn Ninh).

Ngày 30/8/1801 (22/7 Tân Dậu) Vương đi Quảng Bình, xem hình thế lũy Trấn Ninh, chia đồn đặt súng chống giữ.

Tháng 8-9/1801 (tháng 7 ÂL.) Quân Nguyễn giữ từ Thạch Tân [Quảng Ngãi] đến sông Gianh có khoảng 4 vạn người, ở Quy Nhơn có hơn 3 vạn (TL, t. 453).

Trần Quang Diệu chiếm lại Quy Nhơn

Võ Tánh, Ngô Tòng Châu tử tiết

Trong khi đại quân của Lê Văn Duyệt, Lê Chất và còn bị kẹt ở Quảng Ngãi, chưa tiến được, thì Võ Tánh và Ngô Tòng Châu, hết lương thực, không thể cầm cự.

Thành Bình Định bị Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng bao vây từ tháng 1/1800 đến tháng 6/1801, là một năm rưỡi. Đã phải giết cả ngựa, voi để ăn. Thế cùng, Võ Tánh đưa thư, mật tính với Nguyễn Văn Thành liều chết đánh ra, nhưng phút chót thấy mưu bị lộ, không làm nữa. Bàn với Ngô Tòng Châu, nộp thành rồi chết.

Ngô Tòng Châu uống thuốc độc tự tử ngày 5/7/1801 (25/5/Tân Dậu). Võ Tánh chôn cất cho Ngô Tòng Châu. Sai lấy củi khô chất dưới lầu bát giác, viết thư cho Trần Quang Diệu, khuyên tướng sĩ không có tội, không nên giết hại, rồi phóng lửa tự đốt, hôm đó là ngày 7/7/1801 (27/5/Tân Dậu).

"Tính chết vì nghiã, Diệu dẫn quân vào thành, trông thấy thương chảy nước mắt ra, lấy lễ thu chôn, tướng sĩ ở trong thành, giặc không giết hại ai cả. Rồi các tướng sĩ ấy lần lượt ra về." (Liệt truyện II, t. 110).

Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng ngay sau khi vào thành Bình Định, sai đắp một luỹ ngang ở Vân Thê để chặn đường quân Nguyễn vận lương cho Thị Nại. Lại sai Phạm Văn Điềm ra đánh Phú Yên.

Tháng 9-10/1801 (tháng 8 ÂL.) Trần Quang Diệu Võ Văn Dũng đánh Hoa An, Hoa Lộc, chiếm đường tiến đánh Phú Yên. Quân Nguyễn Văn Thành bị thiệt hại nặng.

Tháng 10-11/1801 (tháng 9 ÂL.), Trần Quang Diệu và Từ Văn Chiêu đem 18.000 quân tinh nhuệ lên đóng ở địa phận Thanh Hảo [Quảng Ngãi] trực diện với quân Lê Văn Duyệt và Lê Chất.

Ở mặt trận Phú Yên, Nguyễn Văn Thành đánh nhau với Võ Văn Dũng. Dũng sai Nguyễn Văn Trí đem 700 quân tiếp viện, Trí bỏ Tây Sơn, theo Nguyễn Văn Thành.

Từ Quảng Ngãi, Trần Quang Diệu nghe tin Võ Văn Dũng bại trận ở Phú Yên, bèn đem quân trở về bảo Lĩnh Vạn, để Từ Văn Chiêu ở lại chống với Lê Văn Duyệt ở Thanh Hảo.

Võ Văn Dũng chiếm được bảo Khôi Diêu (Lò Vôi), đắp luỹ đất từ Tháp Cải đến Sản Sơn. Nguyễn Văn Thành đánh úp, thắng được.

Tháng 12/1801 (tháng 11 ÂL.), ở mặt trận Quảng Ngãi, đại đô đốc Tây Sơn Lê Đình Chính ra hàng ở Thanh Hảo. Lê Văn Duyệt sai đóng gông giải về kinh, được tha. Chính dâng bản đồ 13 đạo thừa tuyên ở Bắc Hà.

Ở Phú Xuân, Nguyễn Vương tiến hành việc chuẩn bị đánh ra Bắc. Sai Tống Phước Lương đem binh thuyền ra sông Gianh hợp với Đặng Trần Thường.

Lại sai hữu tham tri bộ Công Nguyễn Khắc Thiệu đem hai cơ Kiên Châu và Thiện Châu cùng hơn 390 người ty Công bộ về Gia Định đóng 200 thuyền ô, thuyền sai [thuyền đi nhiệm vụ] và thuyền chiến.

Sai Tăng Quang Lưu đi Hà Tiên nấu luyện diêm tiêu để sung quân dụng.

Sai chúa tầu Phượng Phi là Nguyễn Văn Chấn (Vannier) và chúa tầu Bằng Phi là Lê Văn Lăng (de Forcanz) chở 15.000 phương gạo từ Quảng Nam đến quân thứ Thị Nại (Thục Lục I, t. 474).

Trận Trấn Ninh, 1802

Ở mặt Bắc, tháng 12/1801 (tháng 11 ÂL.) Nguyễn Văn Trương đóng ở Động Hải [tức Trấn Ninh, huyện Phong Lộc, tỉnh Quảng Bình] được thám tử báo tin đại binh Tây Sơn từ Thăng Long sắp vào, bèn dâng sớ xin thêm quân.

Vua Cảnh Thịnh cùng em là Quang Thuỳ cử đại binh thủy bộ 30.000 người vào đánh. Quang Thuỳ vì con vợ thứ, nên là em, nhưng nhiều tuổi hơn Quang Toản, tính can trường, được Quang Trung cho làm trấn thủ Nghệ An từ 1789. Bùi Thị Xuân, phu nhân tướng Trần Quang Diệu cũng đem 5000 quân bản bộ đến giúp.

Tư lệ Đinh Công Tuyết làm tiên phong, đụng độ với quân Đặng Trần Thường ở Hoành Sơn. 200 binh Nguyễn đầu hàng, Đặng Trần Thường rút về bảo Thanh Hà [huyện Bố Trạch, Quảng Bình].

Đinh Công Tuyết tiến đóng đồn Bụt Sơn, Thiếu tế Nguyên đóng đồn ở Pháp Kê, Tổng quản Siêu đóng đồn ở Ba Đồn. Đặng Trần Thường lại lui quân về Ngoã Dinh (Dinh Ngói) [huyện Bố Trạch, Quảng Bình].

Nguyễn Vương quyết định thân chinh, để quốc thúc (chú vua) Tôn Thất Thăng giữ Phú Xuân, cùng Nguyễn Văn Khiêm quản quân ngự lâm và các đội Thần sách. Nguyễn Công Hà và Nguyễn Hữu Chính giữ cửa Thận An.

Nguyễn Vương đến đóng ở Động Hải (Trấn Ninh).

Tháng 1/1802 (tháng 12/ Tân Dậu), Vương triệu Phạm Văn Nhân (đang giữ cửa Thận An) đến hành tại (chỗ vua đóng quân).

Tây Sơn đánh Ngõa Dinh, Đặng Trần Thường lui về Động Hải. Tình hình quân Nguyễn khá khẩn cấp.

Vừa lúc đó, binh thuyền Tống Phước Lương đến cửa Nhật Lệ.

Tây Sơn tiến đến luỹ Trấn Ninh.

Lúc đó mặt trận Bình Định cũng đăng găng, Nguyễn Văn Thành dâng mật sớ nói Trần Quang Diệu liều chết giữ thành không thể đánh được, mà lương quân ở Thị Nại đã gần hết. Vua bèn sai Nguyễn Hữu Chính chở 25.000 phương gạo ở kinh ra giúp.

Tháng 2/1802 (tháng 1/Nhâm Tuất) Nguyễn Vương đang đóng ở Động Hải [Trấn Ninh].

Vua Cảnh Thịnh sai Nguyễn Quang Thùy và tổng quản Siêu đem bộ binh đánh Trấn Ninh. Còn Tư lệ Đinh Công Tuyết, đô đốc Nguyễn Văn Đằng, đô đốc Lực, kết hợp với hơn trăm thuyền của Tề Ngôi (giặc biển theo Tây Sơn) bày thủy trận ở cửa Nhật Lệ.

Nguyễn Vương sai Nguyễn Văn Trương điều bát thuỷ binh ra biển tham chiến. Còn Phạm Văn Nhân và Đặng Trần Thường chống giữ mặt bộ.

Quân Tây Sơn tấn công Trấn Ninh. Bám sát như kiến bò lên. Quân Nguyễn từ trên núi thả đá xuống, Tây Sơn chết rất nhiều. Quang Toản muốn rút quân. Bùi Thị Xuân nắm cương ngựa giữ lại. Bà cưỡi voi xuất trận, cảm tử thúc quân đánh từ sáng đến trưa, không lui (Liệt truyện, II, t. 570, Thực Lục, t. 479).

Thủy quân của Nguyễn Văn Trương nhờ gió bắc thuận, cướp được 20 chiến thuyền địch ở cửa Nhật Lệ.

Thấy thủy binh thua, bộ binh rối loạn, Quang Toản chạy về Đông Cao (huyện Bố Trạch, Quảng Bình), Nguyễn Văn Kiên đầu hàng.

Biết thuyền lương Tây Sơn còn đậu 50 chiếc ở sông Gianh, Tống Phước Lương và Nguyễn Văn Vân [con Nguyễn Văn Trương] đón đánh, bắt được hết cả thuyền lương và 700 quân. Quân Tây Sơn tan vỡ. Thượng thư Nguyễn Thế Trực, đô đốc Trần Văn Mô, tham đốc Bùi Văn Ngoạn, thiếu tể Nguyên đều bị bắt.

Đại thắng, Nguyễn Vương bàn rút quân về Phú Xuân. Các tướng đều muốn thừa thắng tiến ra Bắc, Nguyễn Vương nói: "Trong bọn giặc chỉ có Trần Quang Diệu là ghê nhất". Diệu chưa trừ xong không nên khinh tiến" (Thực Lục, I, t. 480). Ngày 15/2/1802 (ngày Ất Dậu 13/1/Nhâm Tuất) Nguyễn Vương về tới Phú Xuân.

Mặt nam, quân Nguyễn, vẫn không hạ được thành Bình Định.

Tháng 4/1802 (tháng 3 ÂL.), tình thế Tây Sơn ở trong thành càng ngày càng khẩn cấp. Nghe tin đại binh thua trận Trấn Ninh, Trần Quang Diệu và Võ Văn Dũng cùng các tướng sĩ Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Mân, Nguyễn Văn Giáp, Nguyễn Văn Điềm, Lê Văn Hưng hơn 80 người và 3000 quân thiện chiến đem 86 thớt voi đực ban đêm bỏ Quy Nhơn, theo đường Lào, về Nghệ An (TL, t. 499).

Nguyễn Vương đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định.

Tháng 5/1802 (tháng 4 ÂL.), Vương sửa đắp hoàng thành (Huế) (TL, t. 487).

Vua Gia Long ra Bắc

Theo lời khuyên của Đặng Đức Siêu (tham tri bộ Lễ) và Trần Văn Trạc (tham tri bộ Hình), Nguyễn Vương lên ngôi hoàng đế lấy hiệu là Gia Long trước khi tiến đánh Thăng Long.

Ngày 31/5/1802 (ngày Canh Ngọ 1/5 Nhâm Tuất) lập đàn ở đồng An Ninh tế trời đất cáo về việc đặt niên hiệu.

Ngày 1/6/1802 (ngày Tân Mùi 2/5 Nhâm Tuất) kính cáo liệt tổ. Đặt hiệu là Gia Long. Ban ấn cho Quốc thúc quận công Tôn Thất Thăng. Thăng chức cho các tướng sĩ: Nguyễn Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Nhân, Phạm Văn Nhân tước quận công.

Cho Đô thống chế Tả dinh quân Thần Sách là Lê Văn Duyệt làm khâm sai Chưởng Tả quân bình Tây tướng quân, đổi Tả đồn quân Ngự Lâm làm Hậu quân.

Cho Lê Chất làm Khâm sai Chưởng Hậu quân bình Tây tướng quân, vv...

Truyền hịch 6 điểm cho dân Bắc Hà. Định 8 điều quân chính.

Cử Trịnh Hoài Đức đi sứ Thanh, đặc gia chức Thượng thư: Trịnh Hoài Đức làm thượng thư bộ Hộ.

Ngày 20/6/1802 (ngày Canh dần 21/5/Nhâm Tuất, vua rời Kinh sư, cho hoàng tử thứ tư (Minh Mạng), 11 tuổi, đi theo, chinh phục Bắc Hà.

Ngày 22/6/1802 (ngày Nhâm Thìn 23/5/Nhâm Tuất, đến An Lạc (Quảng Trị).

Ngày 25/6/1802 (ngày Ất Mùi 26/5/Nhâm Tuất) đến Động Hải (Trấn Ninh, Quảng Bình).

Ngày 26/6/1802 (ngày Bính Thân 27/5/Nhâm Tuất) đến Thanh Hà.

Sai Đặng Trần Thường theo đường thượng đạo đánh úp Hoành Sơn (Đèo Ngang).

Nguyễn Văn Trương điều khiển thủy binh. Lê Văn Duyệt điều khiển bộ binh, đi đường trung đạo. Nguyễn Văn Xuyên đem voi qua sông Gianh. Tham tri bộ Hộ Nguyễn Hữu Đồng chở lương.

Thuỷ binh của Nguyễn Văn Trương đến cửa Ròn (Quảng Bình) đô đốc Nguyễn Văn Ngũ và Nguyễn Văn Lục thua chạy, tiến lấy được dinh Hà Trung.

Lê Văn Duyệt chiếm đồn Đại Nại (sở lỵ huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh)

Ngày 30/6/1802 (ngày Canh Tý 1/6 Nhâm Tuất) vua ngừng ở Hà Trung [theo Đại Nam Nhất thống chí, thì Hà Trung ở Thanh Hoá, mà tháng 6/1802, vua Gia Long chưa thể đến Thanh Hoá, vậy Hà Trung này có lẽ là dinh Hà Trung, ở Hà Tĩnh hay Nghệ An chăng?]

Thuỷ binh tiến vào cửa biển Hội Thống, đổng lý Nguyễn Văn Thận thua trận.

Bộ binh tiến đến trấn Nghệ An, bắt được Nguyễn Lân con Nguyễn Nhạc (TL, t. 499), chiếm được đồn Tiên Lý (phủ Diễn Châu, Nghệ An).

Ngày 3/7/1802 (ngày Quý Mão 4/6/Nhâm Tuất) vua đến thành Nghệ An. Thiếu uý Đặng Văn Đằng, đô đốc Đào Văn Hổ đến hàng.

Quân tiền đạo tiến đến Thanh Hoa (Thanh Hoá), bắt được con Nguyễn Huệ là đốc trấn Quang Bàn, đổng lý Nguyễn Văn Thận (TL, I, t. 499). Tư mã Nguyễn Văn Tứ đem quân trốn đi.

Đăng Trần Thường đến hành tại, dâng tù bắt được: Con Nguyễn Huệ là Thất, tham đốc Phạm Văn Điềm, đô đốc Nguyễn Văn Ngũ. Sai giết cả. (TL, I, t. 499).

Sai Hoàng Văn Toản, Trịnh Ngọc Trí và Tôn Thất Liêm rước Từ cung [ở Gia Định] về kinh (TL, t. 499).

Phó đô Thống chế Tả dinh Võ Văn Doãn và Chánh thống Tiền đồn Lê Đức Định bắt được Thiếu Phó Trần Quang Diệu trên đường thượng đạo Nghệ An (TL, I, t. 499).

Ngày 13/7/1802 (ngày Quý Sửu 14/6/Nhâm Tuất) vua đến Thanh Hoá.

Bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thụy và 19 người dân làng Ngọ Xá (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) bắt được Tư đồ Võ Văn Dũng. Sai đóng xiềng giam lại.

Lê Văn Duyệt chiếm Tam Điệp, tới Thanh Hoa Ngoại (tức Ninh Bình), đô đốc Tài đầu hàng.

Ngày 16/7/1802 (ngày Bính Thìn 17/6/ Nhâm Tuất) vua tới Ninh Bình.

Thủy binh của Nguyễn Văn Trương thu phục Sơn Nam Hạ, Trương ở lại trấn giữ.

Ngày 17/7/1802 (ngày Đinh Tỵ 18/6/Nhâm Tuất) vua đến Sơn Nam Thượng (Hà Nội), đô đốc Lê Văn Hoà, hiệp trấn Tín đầu hàng.

Ngày 20/7/1802 (ngày Canh Thân 21/6/ Nhâm Tuất) vua Gia Long vào thành Thăng Long.

Vua Cảnh Thịnh đã bỏ chạy trước cùng với các em là Quang Thuỳ, Quang Duy, Quang Thiệu, tư mã Nguyễn Văn Dụng, tư mã Nguyễn Văn Tứ, đô đốc Tú qua sông Nhị Hà đến Xương Giang (thuộc Bắc Ninh), đêm trú ở chùa Thọ Xương. Dân thôn mưu cướp. Quân đi theo tan vỡ. Quang Thùy thắt cổ tự tử, độ đốc Tú và vợ tự tử. Tất cả bị đóng cũi đưa về Thăng Long (TL, I, t. 504).

Ngày 24/10/1802 (ngày Bính Thân 28/9 Nhâm Tuất) vua rời Thăng Long, để Nguyễn Văn Thành làm tổng trấn Bắc Thành.

Ngày 27/10/1802 (ngày Kỷ Hợi 1/10 Nhâm Tuất) đến Thanh Hoá yết lăng miếu ở núi Thiên Tôn.

Ngày 10/11/1802 (ngày Quý Sửu 15/10 Nhâm Tuất), vua Gia Long về đến Phú Xuân.

Đặng Đức Siêu làm bài ca Hồi loan cửu khúc.

Trần Quang Diệu bị bắt

Tháng 7/1802, phó đô thống chế Tả dinh Võ Văn Doãn và chánh thống Tiền đồn Lê Đức Định bắt được Thiếu Phó Trần Quang Diệu trên đường thượng đạo Nghệ An.

Thực Lục chép: "Diệu từ Quy Nhơn đem đồ đảng chạy trốn, chui rừng lội suối, gặp các sách Man có ai ngăn giữ thì ra sức đánh gỡ mà qua, trong khoảng vài tháng lương thực cạn hết, quân lính hao tan. Đến sách Quy Hợp, chợt gặp quan quân, tướng sĩ giặc đều mỏi, không thể đánh được. Diệu bèn bị bắt. Bắt được đồ đảng là bọn Từ Văn Chiêu, Nguyễn Văn Giáp, Lê Văn Hưng, Nguyễn Văn Mân và 76 thớt voi đực. Tin thắng trận báo lên. Vua sai Lê Văn Duyệt đóng xiềng giam lại, dặn không được tự tiện giết. Sau Văn Chiêu ốm, sai giết" (TL, I, t. 499).

"Ngày Quý Sửu [14/6/Nhâm Tuất, tức ngày 13/7/1802] xa giá đến Thanh Hoa [Thanh Hoá]... Bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thụy và 19 người dân làng Ngọ Xá (thuộc huyện Nông Cống) bắt được tư đồ giặc là Võ Văn Dũng và 3 người đồ đảng, giải đến hành tại. Sai đóng xiềng giam lại". (TL, I, t. 500).

Liệt Truyện chép hơi khác:

"Bộ quân của Lê Văn Duyệt, Lê Chất đến sông Thanh Long cướp kho Kỳ Lân. Trấn thủ Nghệ An ngụy là Nguyễn Văn Thận, hiệp trấn Nguyễn Triêm, thuỷ quân thống lĩnh Đại, thiếu uý Đăng bỏ thành chạy đến đồn Tiên Lý (tức thành phủ Diễn Châu), Triêm tự thắt cổ chết, Thận chạy đến Thanh Hoá. Quang Diệu từ Quy Hợp xuống Hương Sơn (Nghệ An), nghe thấy Nghệ An đã phá, bèn qua Thanh Chương sang sông Thanh Long, những người đi theo dần dần tản đi cả. Diệu và vợ là Thị Xuân đều bị quan quân bắt sống; Văn Dũng cũng bị thổ dân Nông Cống (Thanh Hoá) bắt giải. Đại binh đến Thanh Hoá, ngụy đốc trấn là Quang Bàn và Thận cùng Đằng đều xin hàng." (Liệt truyện II, t. 570-571).

Liệt truyện chép: "Diệu và vợ", trong khi Thực Lục không nói gì đến Bùi Thị Xuân.

Thực Lục thường vắn tắt kể các dữ kiện, chép những gì thực chính xác. Còn Liệt Truyện kể chuyện, đôi khi có suy đoán thêm.

Vì vậy, việc bắt được Bùi Thị Xuân còn là một tồn nghi. Chưa chắc Bùi Thị Xuân đã bị bắt, bởi trong Thực Lục cũng như Liệt Truyện không thấy nói đến việc Trần Quang Diệu gặp Bùi Thị Xuân ở đâu và chỗ nào.

Số phận vua, quan, tướng lãnh Tây Sơn bị bắt

Sau đây là danh sách những người bị bắt từ tháng 6/1801 đến tháng 7/1802:

Lê Văn Duyệt bắt được phò mã Nguyễn Văn Trị và đô đốc Phan Văn Sách ở mặt trận Phú Xuân (TL, I, t. 441).

Các em của Quang Toản là: Quang Cương, Quang Tự, Quang Điện và hơn 30 người đàn bà con gái bị đem nộp lấy thưởng, ở Quảng Bình (TL, I t. 442).

Nội hầu Lê Văn Lợi, Thiếu úy Văn Tiến Thể, Phụ chính Trần Văn Kỷ, Thượng thư bộ Lại Hồ Công Diệu... ra hàng. Vương để Nguyễn Thiếp trở về Nghệ An (TL, I, t. 444).

Đóng cũi Nguyễn Quang Cương, Tham lĩnh Ngoạn, Tham lĩnh Tuân giải về Bình Định. Còn Nguyễn Quang Tự, Nguyễn Quang Điện, phò mã Nguyễn Văn Trị bị giải về Gia Định, rồi sai giết đi. (TL, I, t. 446).

Tháng 6/1801, bắt được Nguyễn Văn Khôn, Hồ Văn Tự, ở bảo Trà Khúc [Quảng Ngãi] đem giải về Kinh. (TL, I, t. 449).

Tháng 11-12/1801 (tháng 10 ÂL.) phụ chính Trần Văn Kỷ đã ra hàng, tìm cách liên lạc với vua Cảnh Thịnh, bị giết. (TL, I, t. 470)

Tháng 12/1801 (tháng 11 ÂL.) "Phá huỷ mộ Tây Sơn Nguyễn Huệ, bổ săng, phơi thây, bêu đầu ở chợ. Con trai, con gái, họ hàng và tướng hiệu, 31 người, đều bị lăng trì cắt nát thây" (TL. I. t. 473)

Ra bố cáo: "Bắt được con cái tướng tá của Nguyễn Văn Huệ nhiều không kể xiết (...) Nay đã phá huỷ mồ của vợ chồng giặc Huệ, bêu đầu phơi xác. Đồ đảng của chúng bắt được cũng đều giết hết" (TL. I, t. 473).

Tháng 4/1802 (tháng 3 ÂL.) Nguyễn Văn Vân bắt được ba người con của Nguyễn Nhạc là Thanh, Hán và Dũng, đem nộp, sai giết cả. (Thực Lục, I, t. 485).

Tháng 6/1802, bắt được Nguyễn Lân con Nguyễn Nhạc, ở Nghệ An. (TL, t. 499)

Ngày 3/7/1802, thiếu uý Đặng Văn Đằng, đô đốc Đào Văn Hổ đến hàng ở Nghệ An. (TL, I, t. 499).

Bắt được con Nguyễn Huệ là đốc trấn Quang Bàn và đổng lý Nguyễn Văn Thận ở Thanh Hoá (TL, I, t. 499). Tư mã Nguyễn Văn Tứ đem quân trốn đi.

Đặng Trần Thường dâng tù bắt được: con Nguyễn Huệ là Thất, tham đốc Phạm Văn Điềm, đô đốc Nguyễn Văn Ngũ. Sai đem giết. (TL, I, t. 499)

Tháng 7/1802, Phó đô thống Tả dinh Võ Văn Doãn và Chánh thống Tiền đồn Lê Đức Định bắt được Thiếu phó Trần Quang Diệu trên đường thượng đạo Nghệ An (TL, I, t. 499).

Ngày 13/7/1802, bọn Phạm Ngọc Phác, Phạm Ngọc Thụy và 19 người dân làng Ngọ Xá (huyện Nông Cống, Thanh Hoá) bắt được tư đồ Võ Văn Dũng. Sai đóng xiềng giam lại (TL, I, t. 500).

Ngày 20/7/1802 (ngày Canh Thân 21/6/ Nhâm Tuất) vua Gia Long đến thành Thăng Long. Ra lệnh: "Những kẻ có nhận quan chức của giặc ra thú thì được miễn tội, gần thì hạn 3 ngày, xa thì hạn 5 ngày. Nếu quá hạn mà không ra thú, bị người ta bắt được thì làm tội. Những tàn quân của giặc mang theo binh khí trốn về, thì lập tức phải đến cửa quân trao nộp, nếu cất giấu thì xử theo quân pháp". (TL, I, t. 503)

Vua Cảnh Thịnh bỏ chạy cùng với các em là Quang Thùy, Quang Duy, Quang Thiệu và tư mã Nguyễn Văn Dụng, tư mã Nguyễn Văn Tứ, đô đốc Tú, đến Xương Giang (thuộc Bắc Ninh). Quân đi theo tan vỡ. Quang Thùy thắt cổ tự tử. Đô đốc Tú và vợ tự tử. Tất cả bị đóng cũi đưa về Thăng Long. (TL, I, t. 501, Liệt truyện, II, 571)

"Năm Minh Mạng thứ 12 (1831), bắt được con Nhạc là Văn Đức, Văn Lương, cháu là Văn Đâu (con Văn Đức) đều đem chém ngang lưng. Bấy giờ dòng giống Tây Sơn không còn sót một người nào nữa" (Liệt truyện II, t. 571).

Hành hình

Tháng 11-12/1802 (tháng 11/Nhâm Tuất) làm lễ tuyên cáo võ công.

Ngày 30/11/1802 (ngày Quý Dậu, 6/11 Nhâm Tuất) tế thiên điạ.

Ngày 1/12/1802 (ngày Giáp tuất, 7/11 ÂL.) tế hiến phù (dâng những người bắt được) ở Thái Miếu. Thực Lục viết:

"Sai Nguyễn Văn Khiêm là Đô thống chế dinh Túc trực, Nguyễn Đăng Hựu là Tham tri Hình bộ, áp dẫn Nguyễn Quang Toản và em là Quang Duy, Quang Thiệu, Quang Bàn ra ngoài cửa thành, xử án lăng trì cho 5 voi xé xác. (Dùng 5 con voi chia buộc vào đầu và hai tay hai chân, rồi cho voi xé, đó là một thứ cực hình), đem hài cốt của Nguyễn Văn Nhạc và Nguyễn Văn Huệ giã nát rồi vứt đi, còn xương đầu lâu của Nhạc, Huệ, Toản và mộc chủ [bài vị] của vợ chồng Huệ thì đều giam ở Nhà đồ Ngoại (sau đổi là Vũ Khổ) năm Minh Mạng thứ 2, đổi giam vào ngục thất cấm cố mãi mãi. Còn đồ đảng là bọn Trần Quang Diệu, Võ Văn Dũng đều xử trị hết phép, bêu đầu cho mọi người biết. Xuống chiếu bố cái trong ngoài" (TL, I, t. 513).

Trong bài chiếu gửi toàn dân, có nói rõ tên chức của các quan tướng bị giết: "Thiếu phó Trần Quang Diệu, Tư đồ Võ Văn Dũng, Tư mã Nguyễn Văn Tứ, Đổng lý Nguyễn Văn Thận, Đô ngu Nguyễn Văn Giáp, Thống tướng Lê Văn Hưng, cùng với bè lũ đầu sỏ đều đã bắt giam, đều đem giết cả, bêu đầu bảo cho dân chúng." (TL, t. 533).

Bè lũ đầu sỏ ở đây có thể hiểu là một phần hay toàn bộ những người bị bắt đã kể trên. Tướng bị bắt nhưng xét "vô danh" như Đô đốc Đinh Công Tuyết, cũng "không nỡ giết".

Trên nguyên tắc, người đầu hàng không bị tội, trừ khi, trước đã hàng, sau theo lại Tây Sơn, như thái bảo Phạm Văn Tham, phụ chính Trần Văn Kỷ, tham đốc Phạm Văn Điềm, đô đốc Nguyễn Văn Ngũ, đều bị giết. Cũng không thấy tên bà Bùi Thị Xuân. Vậy có thể bà đã trốn thoát.

(Còn tiếp)