Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 18 tháng 4, 2015

Đi tìm Dân Chủ qua làn da Kim Khánh

Truyện ngắn Trần Vũ

1Photo: Lucien Clergue

1.

Làn da tôi sáng trắng. Sáng như làn da làm bằng cát. Làn da của thiếu nữ khô và nhám tựa một trang sách cũ chứa thứ chữ vô hình. Chúng tôi yên lặng thụ động. Hai thân thể đối diện trong khách sạn làm thành một điều gì đó đầy kích thích mà chính chúng tôi muốn hiểu vì sao mình bị kích thích. Làn da của Khánh dưới lớp áo kimono ngăm một cách chậm rãi, sẫm dần theo bóng râm hắt vào phòng. Giống chúng muốn biến mất sau khi tôi vừa nhìn ngắm. Giống chúng đã khô đi ở lớp vỏ ngoài dù vẫn hô hấp bằng hơi thở trẻ thơ. Tôi biết thiếu nữ vẫn còn là một đứa trẻ dù đã làm đàn bà. Làn da của nàng duy nhất.

“Làn da của tôi bảo tồn từ sau 75”.

“Làn da của tôi thay đổi rất nhiều từ ngày ấy”.

Chúng tôi nằm đối diện, nhưng không trò chuyện, mà chính làn da của chúng tôi trao đổi với nhau. Chúng tôi nghe tiếng thở của chúng, đều đều, qua lại, khi phả một lượng không khí ẩm, khi bài tiết nhẹ nhàng những giọt mồ hôi. Tôi không thể dừng ngắm nhìn làn da quá khứ của Khánh. Đã lâu lắm tôi chưa từng chiêm ngưỡng một làn da khô, nhám, nhưng sạch như vậy. Một sự sạch sẽ tế bào mà tôi biết, không còn hiện diện ở đây. Bây giờ nơi tôi sinh sống, con người của thời đại được sản sinh như giống bắp đã thay gien, trơ trơ với tất cả. Thân thể tôi được sản sinh trước mùa bắp thế kỷ, nên được xem là một di vật. Chính sự tồn tại của quá khứ trên làn da của tôi đã mở khoá tế bào để gắn vào làn da của nàng.

Chúng tôi vẫn nằm đó, bất động. Bốn con mắt gợi lên một ham muốn. Những ngón tay tôi muốn khám phá, và những ngón tay Khánh muốn khám phá, chúng tôi đọc được ước muốn của nhau trên những đầu ngón tay yên lặng mà chúng tôi biết, sự yên lặng của nóng nảy. Chúng tôi vẫn đối diện, gương mặt kề sát, chỉ cần tôi nhích đến một chút nữa, là chúng tôi có thể hoà nhập vào nhau, Khánh hoà vào tôi và tôi nhập vào Khánh. Làn da chúng tôi đã được tạo ra để nối kết với nhau, chỉ cần chúng tôi vươn tay, chúng sẽ bắt lấy đan vào nhau, Khánh sẽ mang làn da cát biển và tôi sẽ được bao phủ bởi làn da khô như gió sa mạc của nơi nàng sinh sống.

2.

“Las Vegas khác Quy Nhơn lắm không?”.

“Khác, nếu mình nghĩ mình là người Việt và không khác, nếu mình nghĩ mình là người Mỹ”.

Làn da của cả hai vẫn tiếp tục trao đổi. Chúng tâm sự như những bạn gái nhiều chuyện lâu ngày gặp lại, dù chúng chỉ thực sự tiếp giáp với nhau lần đầu. Chúng tôi ngắm nhau. Chúng tôi đã đánh mất tuổi thanh xuân nhưng vẫn mang vóc dáng của thanh xuân. Chúng tôi đã đánh mất tuổi trẻ nhưng vẫn mang hình hài của tuổi trẻ. Chúng tôi như một ảo ảnh thầm kín. Hay một sự hư hỏng kỹ thuật số của màn ảnh. Đúng hơn, chúng tôi chính là sự lắp ráp của quá khứ vào thực tại. Làn da thiếu nữ đã bảo vệ chúng tôi trong chiến tranh và hãy còn lưu trữ những tồn tại của một thời đại mà cả hai chúng tôi ngỡ đã đánh mất. Từ Quy Nhơn đi gặp Khánh, tôi đã sống cảm giác sung sướng vừa tìm ra một báu vật.

“Cuộc sống bên đó ra sao?”.

“Tâm hồn mình ảnh hưởng nhiều từ xứ sở mình sinh sống. Quan niệm, tình cảm, phong cách không còn Việt nữa, chỉ còn quá khứ là chung”.

Làn da của tôi với Khánh tiếp tục tìm hiểu chúng. Đôi khi chúng bất lịch sự đến mức bất ngờ nhú lên khỏi bộ đồ ngủ bằng tơ tằm màu tím lạt của tôi, hay bất ngờ cử động dưới áo ngủ kimono màu kem của Khánh, làm như chúng tôi không còn sở hữu được chính làn da của mình. Đôi khi chúng tự do quấy rầy bằng cách bầy tỏ khát khao được chạm vào nhau để nghe tiếng động hô hấp bên trong. Chúng tôi đã phải cương quyết ngăn cấm đòi hỏi khiếm nhã này, nhưng không thể ngăn câu chuyện của chúng vang vang trong căn phòng.

“Quê hương không xem là người của quê hương, xứ người không xem là dân mình. Vậy mình là ai?”.

“Mình biết mình không phải là dân Mỹ, mà rồi mình nghĩ mình như là dân Mỹ. Mình tự đánh lừa mình là một bào thai đôi”.

Tôi ngắm làn da của Khánh. Kỳ quặc, nàng ngăm và tôi trắng, trong khi đáng lẽ tôi phải ngăm và nàng trắng, nhưng chúng tôi là sự hư hỏng của kỹ thuật số, sự đánh tráo số phận của kẻ ở, kẻ ra đi và cả sự tiếm xưng người Việt. Vì tôi cảm nàng rất Việt. Làn da nàng toát ngời điều ấy, chúng ngăm và trơn láng như da cá chình ở đây. Chỉ cần thả chúng xuống nước, chúng sẽ vẫy vùng với điều kiện cho chúng tự do. Nhưng Quy Nhơn khắc nghiệt, khiến da tôi trắng, trắng bạch vì không dám chứa nhiễm sắc tố, vì sợ, sợ tất cả và cả những điều chưa biết. Da nàng ngăm, vì nơi nàng sống nhiều màu sắc. Khánh tắm trong sự pha trộn của màu sắc, đủ màu, đủ sắc. Tôi ngắm nàng mềm mại như một lời chào đón. Làn da của nàng hiểu, chúng ngắm ngược, rồi cất tiếng:

“Ước mơ của Kim là gì?”.

Ước mơ của tôi là gì? Tôi sửng sốt, chưa thiếu nữ nào hỏi tôi như vậy. Nhưng làn da của tôi đã chen vào giữa.

“Ước mơ của tôi từng là thoát ra ngoài. Giờ tôi chỉ mơ ước làm một người bình thường, sống cho hết cuộc đời, đi cho trọn kiếp người. Nghĩ là vậy, nhưng dường như lúc nào tôi cũng như đang trông chờ một điều gì đó. Tôi biết tôi vẫn mơ ước, nhưng không biết rõ điều gì nữa. Một lần tôi mơ thấy trôi giữa thành phố ngập nước, nước trôi ra biển và sóng hất ngược, lần khác là những con sông chết làm tôi ước đất nhả phù sa…”.

“Khánh cũng mơ thấy mình trở về giữa những lòng đường ngập nước, đi tìm những con đường cũ đã mất dấu vết khiến Khánh than khóc, ước tìm lại ngôi nhà cũ… Mình hay mơ ước, biết sau này có còn mơ gì nữa?”.

Làn da của chúng tôi quyến luyến, chúng thân mật tựa tri kỷ. Tựa làn da của hai ca kỹ đã hành nghề hát xướng với nhau nhiều đêm. Giống chúng tâm sự với nhau hằng đêm và ăn nằm với nhau suốt sáng. Chúng làm chúng tôi ngượng khi phơi bầy các bí mật. Chúng tôi đỏ mặt khi nghe chúng xưng hô bằng chính tên tuổi của mình, như chúng không còn là vỏ bọc nữa mà đã chiếm đoạt và trở thành chúng tôi. Đến nỗi khi chúng tôi suy nghĩ, chúng tôi đang nằm cạnh nhau như hai kỹ nữ, thì một trong hai làn da đã tự động cải chính:

“Chúng tôi nằm như hai công dân, không phải hai kỹ nữ. Xin đừng sàm sỡ!”.

Tôi giật mình vì tiếng nói phát ra đầy tự tin. Tiếng nói mạnh như gió sa mạc. Tôi thấy nàng cười thầm lặng. Tôi hiểu Khánh muốn nói, từ sa mạc nơi Khánh trở về, mỗi tế bào được hưởng quyền công dân. Làn da của Khánh đang phát biểu quyền làm tế bào và chúng không cho phép ai sai khiến. Khánh chỉ có thể chấp nhận vì chúng là số đông.

Nàng cười nhẹ nhàng như muốn xin lỗi. Tôi yêu nụ cười trong bóng tối của nàng. Nụ cười váng nét xa xôi, từ thật xa xưa, tựa Khánh vừa lớn. Nàng cười giữa vũng âm của buổi chiều. Ánh nắng lui dần lên thân thể nàng, giống cơ thể nàng hãy còn phát sáng màu cát nhuyễn Quy Nhơn mà nàng đã hút từ tôi hay tôi đang hắt nắng Quy Nhơn sang người nàng. Tôi cố hiểu, mà vẫn thấy Khánh phản chiếu thân thể của mình. Giống Khánh sống trong thân thể tôi và tôi ẩn trong thân thể Khánh. Một nửa của mỗi bên bị chặt đứt, tìm nơi trú ẩn trong một cơ thể khác.

3.

Làn da của chúng tôi lại động đậy. Chúng nhú lên khiêu khích. Chúng tôi đỏ mặt mà không tắt được tiếng nói của chúng muốn nối vào nhau, vì chúng vừa nhận ra chúng tôi là hai chị em song sinh hoặc hơn thế nữa, cùng một cô bé sinh ra ở Quy Nhơn rồi bị chiến tranh tách ra, xé ra, quẳng đi mỗi nơi một khúc. Chúng muốn ráp lại. Chúng muốn so tay, hai cánh tay dài bằng nhau. Chúng lại so các ngón tay, các đốt tay vừa nhau. Từ tay đến vai, không có gì khác. Mặt mũi chúng cũng giống nhau, từ ánh mắt xuống đến cằm, rồi xuống đến lồng ngực chứa cùng một hơi thở. Không khí đậm muối mà tôi ngửi thấy đang hô hấp trong lồng phổi của Khánh, chẳng khác làn hơi thở của tôi, tựa xuất phát từ một lồng phổi mà mỗi lá đập trong một thân riêng. Lá hô hấp, lá chứa thán khí.

Lá phổi của mình chứa nhiều thán khí”.

Làn da của tôi nói.

“Mình nghĩ mình hít thở tự do”. Làn da của nàng khẳng quyết.

Hai lá phổi trao đổi, mặc kệ chúng tôi đã kề sát. Sát đến mức phát sinh ham muốn. Tôi khát khao làm nàng và ngược lại. Tôi biết chúng tôi không cưỡng được nữa, ước muốn nhập vào làm một. Tôi đặt lên môi Khánh nụ hôn thương mến. Giống tôi hôn chính môi mình. Khánh hôn trả tôi say đắm. Tiếng kêu của da thốt lên sung sướng. Chúng đón nhận những nụ hôn như nhận thủy triều bất ngờ đến từ biển khơi. Nụ hôn của Khánh ướt nước, nước của sóng vỗ vô hình lên môi khiến tôi đờ đẫn. Chưa ai hôn tôi như Khánh. Không phải Khánh đang hôn mà truyền qua tôi sức mạnh của ký ức. Tôi uống vị nhẫn nhẫn của cả tương lai từ môi Khánh. Tôi cảm ra vị của quá khứ trinh bạch và tương lai ít ám tối. Chúng tôi rời ra, bất chợt, giữa tiếng kêu của da. Tiếng kêu thét thảng thốt, đau đớn. Chúng phản đối. Chúng bắt tôi hôn nàng thêm lần nữa. Truyền cho nàng cát từ miệng tôi, cát của Quy Nhơn cháy nắng. Tôi mớm từng bụm cát cho nàng. Tôi hôn trả mải miết, mải miết cho đến khi môi Khánh mềm như cát. Chúng tôi dán sát nhau đến không thể tách rời, cho đến khi Khánh thì thầm để Khánh cởi áo, tôi khám phá da nàng đang từ từ sáng và da tôi đã bắt đầu ngăm. Chúng tôi trông thấy chính chúng tôi bằng da bằng thịt. Một thiếu nữ khỏe mạnh ở Quy Nhơn. Một thiếu nữ chưa bị chiến tranh hất ra biển. Hai thiếu nữ khám phá cơ thể của mình lần đầu với mười ngón tay của chính mình mà không phải tự vuốt ve hay tự mơn trớn mà bằng cách ôm lấy mình vào lòng. Mình, ở thân thể khác, mà vẫn là mình. Sự sung sướng lên đến ngấy ngất vì có thể yêu lấy chính mình. Khánh cho tôi thật nhiều tương lai và tôi cho Khánh tất cả quá khứ từ lúc Khánh ra đi. Tôi níu lấy tóc Khánh, cắn từng lượn triều đang dâng không ngớt làm thành sóng tắm mát thần trí. Biển dậy sóng của Quy Nhơn và gió của Las Vegas. Tôi nghe tiếng gió thốc ở màng tang. Nghe cả tiếng những kim xương rồng gẫy tích tách giữa những sa mạc Khánh đã đi qua và hút vào mình nàng trận gió kinh thiên. Chúng thổi thốc qua châu thân tôi mát rượi, càng lúc càng mạnh đến phần phật làm tôi không ngớt rùng mình. Tôi nắm níu đầu tóc Khánh, tìm một chiếc neo, để cắm thân tôi vào, để gió khỏi thổi bay, để trận bão không hất tung tôi lên đến trần. Tôi rùng mình lúc Khánh áp người nàng vào người tôi. Không phải một sự đau đớn mà một mặt đại dương êm dịu vì chỉ một người đàn bà mới biết ban sự êm dịu. Khánh cắm lên tôi thân thể của nàng để chúng tôi neo vào nhau, cùng phát sáng. Chúng tôi kêu tên của lẫn nhau, Khánh kêu tên tôi và tôi kêu tên Khánh cho đến lúc chúng tôi nhận ra đang kêu tên của chính mình. Khánh thêu tên của Khánh lên da tôi và tôi thêu tên của mình lên da nàng. Tên của lá kim khánh giát vàng. Lá kim khánh chưa gỉ sét, còn phát sáng. Lá kim khánh quý giá vì hãy còn sáng mượt từ làn da mỏng tanh như hơi thở của cả hai. Của Khánh khi phả vào môi tôi hay của tôi khi hôn lên mắt nàng. Chúng tôi neo trận hồng thủy vào thân thể mình như neo sóng vào mặt cát khô đã lâu lắm cằn cỗi. Tôi níu cứng lấy môi nàng trao những tế bào tươi trẻ còn sót trên lưỡi mình. Chúng lỏng như nước, chúng trong như bọt biển. Chúng ngoan ngoãn trôi vào miệng Khánh rồi đến phiên Khánh nhả vào miệng tôi các tế bào nhuyễn của nàng hâm hấp nóng như trận gió còn hực nắng đã thổi qua Las Vegas bao buổi chiều vừa bắt đầu dập dìu, của những đôi tình nhân, của những mối tình thơ mộng hay của cả những lần cô độc Khánh đã trải qua, nàng cho tôi với đầy âu yếm. Các tế bào của nàng cũng sáng trong như bọt biển. Tôi uống chúng chậm rãi, mê mải rồi hối hả. Chúng làm thành bầy sứa quất tôi tới tấp bằng đầu lưỡi rồi quấn siết không cho vùng vẫy cho đến khi chúng hóa thành một trận bão cuồng.

4.

Mặt đệm co lại như da chúng tôi thâu lại. Tôi cảm được làn da mình thôi còn căng. Chúng tôi như lượn sóng đã soãi dài còn tươm trên cát. Khánh là ngọn triều lui dần, còn tôi là cát đã thấm ướt. Chúng tôi đã nối vào nhau rồi buông nhau trong tiếng nấc, không phải của chúng tôi mà từ làn da của cả hai. Da nàng lung linh êm như điệu múa của lụa, da tôi khô như cát mặn, một trái ngược, vì nàng đã khô và tôi lụa, tôi ý thức có một sự hoán vị mà tôi chưa lường hết tầm mức. Chúng tôi đã giao vào nhau như biển và cát. Cát của quá khứ và biển của tương lai, của những chân trời xa, của sự giao thoa đẹp như một lời ước, của chúng tôi muốn xóa lịch sử. Vì sao lịch sử băm vằm làm đôi, đầy tàn khốc? Chúng tôi chưa hiểu nhưng ý thức phải hàn gắn. Gắn cho bằng được vết chặt của đồ tể đã làm tôi bể xương, đã làm Khánh rách thịt. Tôi muốn nói Tôi yêu Khánh, yêu làn da nhuyễn của nàng, vì đã là da tôi mà Khánh đem đi. Đã là da tôi mà Khánh mang về. Tôi muốn nói, Tôi vừa ý thức Khánh trao tự do trong suốt giúp không còn phải giấu trận bão dưới đáy thân, giúp tôi nhìn thấy chính mình, của ham muốn và lý trí.

Khánh trôi dần vào giấc ngủ, hơi thở nàng ban nãy như trận mưa sa giờ đã êm như lớp sương mỏng. Tôi ngắm nàng, tôi nằm nghiêng ngắm nàng ngủ say mà vẫn cảm giác sao như tôi đang nằm thẳng. Có phải vì tâm hồn tôi lệch nghiêng hay tâm tư tôi bất định. Ân ái với một thiếu nữ, ngay cả khi thiếu nữ ấy không còn trẻ, vẫn là ân ái với thành kiến cổ hủ, của những quy trình bất di bất dịch, hay đúng hơn là đang tát vào mặt chúng với những điều chúng cấm cản. Ân ái với Khánh, là nhận sự dịu dàng của đời sống, là nuông chiều cơ thể mình, là trông chờ một văn hóa khác, khác cái cổ xưa nghìn đời kềm hãm. Yêu, như thế, mang hành động phản loạn. Nhưng khác thường nào không bị giày vò, xem phản loạn, một khi là khác thường tinh thần.

Tôi muốn hôn lên khóe môi Khánh, đặt nụ hôn tôi mơ màng lên nét cong từ vai xuống ngực nàng. Tôi muốn hôn nguồn suối nàng vừa trao, nhưng tôi biết, phải tôn trọng quyền công dân của những tế bào trên da nàng vì chúng đã trưởng thành. Tôi nằm im, vẩn vơ suy nghĩ, không biết chúng đã sang người tôi chưa, khi nãy, tôi đã uống thật nhiều từ môi Khánh, từ bụng Khánh, từ những giấc mơ Khánh gửi gắm. Còn những tế bào của tôi, chúng ở đâu bây giờ, chúng đang gom thu lại trên da tôi hay đã đầy kín dạ con nàng.

Mỗi con người là một trận bão, mà khi lốc xoáy không thể cưỡng lại trận bão mình đã giấu trong da, trong ký ức và những hoài niệm. Thân bão của tôi giờ bốc lên trần, xoay theo cánh quạt phả từng làn gió. Tôi thật muốn Khánh thức dậy trò chuyện, thật muốn nàng làm sóng hòa vào cát lần nữa. Thật muốn yêu thêm lần nữa phần da thịt mình đã mất, đã tủi phận khi Khánh ra đi. Tôi muốn hỏi vì sao nàng trở về. Vì sao nàng tâm sự ban nãy, lần nào về Khánh cũng ở khách sạn này, Khánh muốn về chỗ cũ vì Khánh đi tìm mặt đất cũ…

“Kim nhìn chậu hoa bên kia, giống chậu hoa trước sân nhà Khánh, là vật cuối cùng Khánh trông thấy sáng 30 tháng 4, Khánh cứ nhớ cái chậu hoa ấy vì mẹ Khánh khóc khi ra khỏi nhà, Khánh bứt trụi các bông sứ vì không muốn ai khác ngắm chúng nữa. Lâu rồi mà các vết mủ vẫn còn in. Chúng thâm đen trong lòng… Khánh trở về nghĩ mình đi tìm điều gì to tát lắm, thật ra chỉ là một vết mủ”.

Tôi thương Khánh vô cùng khi làn da nàng kể lể. Làn da nàng giờ im thin thít. Chúng ngủ say bên lớp chăn không đắp. Cánh quạt vẫn quay như cánh trực thăng ngày cũ. Ngày rời Quy Nhơn theo gia đình chạy vào Sài Gòn, khi chiến sự khốc liệt, tôi đã trông thấy bao cánh trực thăng hy vọng bốc bay đem theo sự sống rời xa, bỏ chúng tôi giữa đất bầm miền Trung. Chạy làm gì khi đất bầm không thể chạy… Tôi ngắm ráng chiều tà còn loáng trên trần đã ngã vàng, màu vàng của tôi, của Quy Nhơn, không hiểu vì sao mình hoài niệm. Vì sao quá khứ chen chân vào thực tại. Vì sao đám tế bào trong tâm tư tôi nhiều thêm lên, chúng đông đúc và bắt tôi suy nghĩ. Chúng mang trong mỗi tế bào một ý nghĩ mà một nửa hướng về quá khứ. Tôi ngắm cánh trực thăng thổi tung mù bụi ở Tuy Hòa, tôi ngắm cánh trực thăng lồng lộng gió ở Phan Rang, quay tít hàng dương làm dậy cát như cát đã hóa thành tay cố vươn lên níu càng. Tôi là cát. Cát của Quy Nhơn nhào đến Phan Rang rồi bẽ bàng nhận ra Phan Rang bỏ ngõ. Tôi là cát mà Khánh vừa thấm ướt, tôi làm cát níu càng trực thăng cho đến khi cánh quạt trần lảo đảo đưa tôi vào ảo giác.

Cảnh một người đàn ông nào đó sắp xuống tàu làm phụ bếp diễn ra. Tôi thấy thật rõ, từng nét. Không phải ảo ảnh mà lịch sử sống động trong phòng. Ánh mắt người đàn ông lạnh, vô tình. Sức ích kỷ của đôi mắt thâu đoạt cùng với tiếng bước chân xăm xăm giúp tôi biết người phụ bếp rất tàn nhẫn, sẽ giẫm lên chúng tôi không chút xót thương. Bước chân vang vang như ông ta đã bước vào phòng, ngay cạnh chúng tôi. Tôi muốn lay Khánh mà không thể cử động. Tôi muốn hỏi Khánh nghĩ gì, Khánh có trông thấy mà miệng tôi câm. Người đàn ông dừng lại mua vật dụng gì đó, tôi vụt kỳ vọng bước chân ông ta sẽ bị ngăn, bị chận, bị tai nạn, rồi bị đâm ngã… Tôi ý thức thân phận của gia đình mình được định đoạt trong một tấc gang; quá khứ – hiện tại – tương lai của một con người, của một dân tộc, tất cả đều có thể thay đổi, hoán chuyển trong một tấc gang. Vài ba phút trước hay vài ba phút sau một người đàn ông nào đó không kịp xuống tàu làm bồi bếp và số phận chúng tôi đã khác.

Số phận nàng đã khác. Nàng vẫn là tôi.

5.

Đêm. Kim đồng hồ gõ khô khan từng khắc nhịp. Tôi thức giấc từ giấc ngủ chập chờn cánh trực thăng. Ba mẹ tôi đã níu càng rồi rơi ngã. Tôi đã khóc ngất, tuổi mười hai biết chia gì ngoài nước mắt. Mộng mị phủ ngập từ tĩnh lặng và bóng tối. Rồi tan, như tôi đã tan trên mình Khánh, tan vào các thớ da của nàng mềm mại đón chào khi chúng tôi cùng cởi áo. Khánh nói Kim đẹp như một bức vẽ. Tôi lắc đầu: Khánh mới là bức vẽ còn Kim là tượng đá. Nàng cười nhẹ nhàng: Tượng là thật, bức vẽ là mộng ảo. Tôi như thế, là thực tế của mặt đệm sản xuất nơi này, trên trũng đất này, một trũng đất đang ngập nước mà chúng tôi khô hạn vì thiếu sinh khí. Của đất trời bao la, của tự do sắp đặt những vì sao soi bước chân mình. Đêm im như sắp bão, giấc kiệt cùng trước khi gió thổi mây và những lằn chớp lóe. Chúng tôi hầm bức nhễ nhại, da thịt Khánh vã mồ hôi. Tôi thèm nghe tiếng nước rỉ từ gốc đa trong các hòn non bộ, tiếng nước loang trên mặt lục bình thẫm xanh có vài trái sung trĩu cành và những vết bèo trôi. Tôi thèm nước, ứa từ vách trần hay ứa từ mạch gan bàn chân Khánh, từ sự im lặng đến câm của căn phòng, từ vài nốt nhạc xưa, từ đâu đó một nụ cười hay từ sự ẩm ướt của nàng ban nãy, lúc này tất cả khô cạn, tất cả im, thênh vắng như nền trời không một triền mây. Tôi ngắm bức rèm không rung, không động đậy, cánh quạt trần đã tắt từ lâu đứng dừng trong tư thế của bức tượng vẫy tay. Tôi thức giấc giữa đêm yên tĩnh. Ngột ngạt quá, không một tiếng động. Cả làn da của chúng tôi cũng ngừng hô hấp, rịn ẩm mà không bài tiết, dù chúng tôi nhễ nhại nhưng không phải là bài tiết. Bài tiết là chu kỳ sinh thái của da, của sự sống, chúng tôi hầm mà không sống, giống bầy cá hết nước vẫn còn thoi thóp mà không thể giẫy, ngộp hơi, ngộp không khí vì thiếu nước, thu thán khí vào mang và càng thu càng nhận ra cái chết đến gần…

Tôi thức giấc với cảm giác kỳ lạ này, lý trí còn cố gắng phân tích hành động luyến ái với người cùng phái lần đầu tiên gây ra dị tính của thần kinh. Tôi cố gắng chấn chỉnh thần kinh, thu xếp, sắp đặt, gạt đi những chuẩn mực bình thường để tạo lập một chuẩn khác, chuẩn của đồng tính. Tôi biết cần đồng minh. Tôi xoay sang nàng. Nàng là tình yêu, là lý lẽ và cứu cánh. Nhưng Khánh có vẻ mệt nhọc, hơi thở nàng đầy phù sa. Nàng trở mình, phô bày lồng ngực đầy cát. Tôi hốt hoảng vì thân thể nàng không còn sóng, đã cạn những lượn triều và ngập cát. Nàng thở khó khăn như người bệnh phổi. Tôi lay Khánh. Tôi kêu: “Khánh, Khánh, thức mau!”. Nàng bật lên. Nàng như chiếc cần câu bị giật khỏi mặt nước. Gương mặt nàng tái xanh, nhợt nhạt. Khánh hét: “Ngộp quá! Khánh không nghe gì nữa. Không nghe gì nữa, chắc chúng bị ngộp chết...”. Rồi Khánh ngã bật. Tôi đau màng tang, tôi từng đau như vậy. Tôi chồm đến: “Khánh! Khánh! Cần Kim làm gì?”. Nhưng nàng đã vùng vẫy, cấu xé. Khánh xé chăn, xé drap, xé toang mặt đệm mỏng bằng chính móng tay nàng. Khánh gào liên tục: “Chúng câm rồi, tế bào của Khánh câm rồi, chúng không nói nữa. Khánh không nghe thấy gì nữa, chúng mất tiếng nói. Im lặng quá! Im vỡ đầu! Khánh muốn vỡ thái dương, Khánh cần nghe tiếng nói!”.

Nàng lăn lộn tự cào cấu, như thể Khánh muốn cào vỡ tung lồng ngực cho các tế bào của nàng thở, cho chúng hết ngộp, cho chúng lấy lại sức. Tôi đè nghiến nàng. Tôi chặn không cho nàng tự hủy thân, cho đến khi Khánh lại rơi chìm vào vô thức. Nàng ngất đi bằng chính bàn tay tôi đã kềm nàng, đã xoa cho nàng dịu, đã ru cho nàng vào mộng mị. Khánh lả đi như một dải mây chạm núi rồi tan rồi loãng vào hư không trước khi sa xuống đồng cát. Cát là tôi thẩm thấu vết nước của trời, đã giúp mây về đất. Tôi lắng nghe trận bão ngoài khung kính và cả những thinh không trong lòng mình.

Đồng hồ lại gõ thêm một tiếng nữa. Tôi nằm xuống cạnh nàng, vừa trông chừng nàng vừa nghe ngóng chính bản thân mình. Làn da nàng vẫn câm bặt như đã làm quen với sự câm nín của làn da tôi, hay chính làn da tôi đã bao lấy nàng, vì nàng đã bao lấy tôi. Hoán vị là cơn giông ủ trong thân, một khi giải thoát, lan tỏa khắp mình, chúng tôi biết mà vẫn bàng hoàng trước phản ứng của cơ thể mình. Đêm đẹp như một sự gặm nhấm. Mà mỗi phút giây ăn vào từng tế bào hay chính mỗi phút giây đánh thức từng tế bào. Tôi không rõ mà chỉ có thể cảm như tất cả những người đàn bà biết cảm sau ân ái. Cơ thể mình không bao giờ còn như trước nữa, chúng đổi thay hay dị dạng, có thể đẹp lên hoặc xấu đi. Yêu là trao, mà trao là nhận, mà nhận là chấp nhận phần đem đến tốt hay xấu. Nhưng yêu một người đồng phái là một thách đố. Thách thức gia đình và xã hội và cả chính bản thân. Chúng tôi đang sống phản ứng đầu tiên của thân, bên cạnh phản ứng của tương lai đang phải nhập vào quá khứ. Lý trí tôi rạng ngời, phân định được hết, vì chính tôi muốn tương lai, cần tự do Khánh đem đến, từ nơi nàng trở về. Song thân thể không phải là lý trí mà một khối vật chất, chịu ràng buộc vào chu kỳ kinh nguyệt cũng như tập quán của xã hội. Lý trí không cần nhai, thân thể cần ăn, lý trí không cần hưởng, thân thể cần tiêu thụ, lý trí muốn nổi loạn, thân thể cầu an và lý trí đạo đức, thân thể dục vọng. Chúng tôi, hai thiếu nữ Quy Nhơn nhập một, đối chọi với mình. Mà mình phân hai, tinh thần và thể xác. Tôi rơi vào sự hỗn độn của tư duy cho đến khi đêm mất bóng.

Không phải đêm mất bóng mà bóng tối chấm dứt. Căn phòng sáng choang như thắp đèn. Triệu con mắt mở trừng trừng. Chúng thao láo đầy khắp mình tôi. Chúng sáng choang soi mói. Chúng nhìn khắp châu thân tôi không chừa một ngõ ngách. Chúng lục lọi bằng ánh mắt pha đèn vào chỗ sâu kín nhất. Chúng đầy như triệu hạt bắp vụt mọc khắp châu thân, vụt nhúc nhích cử động, di chuyển chậm chạp bằng những chiếc chân li ti đầy lông và vẩy. Chúng bò rập rình giữa hai đùi tôi lên đến bụng, lên đến hai đầu ngực và nhảy nhót trên miệng. Tôi ú ớ, tôi rú lên hãi hùng nhưng cùng lúc là triệu triệu tiếng nói cất vang. Chúng đồng ca vang vang trước khi trăm triệu tuyên ngôn, lập ngôn, phát biểu vọng vang lên từ mỗi tế bào ồn ào ầm ĩ. Chúng lấn át tiếng tôi thét vang cầu cứu. Chúng nhảy múa trên mình tôi bằng triệu ngón chân bấu sâu vào da rồi từ da bật lên như sóng. Cả mình tôi là một sóng kiến bò, một sóng ong vo ve, một sóng chấy rận lúc nhúc hay một sóng bò sát không ngớt cử động.

Tôi rú lên gọi Khánh mà nàng không nghe thấy, Khánh ngủ vùi ngất lịm như chết rồi. Tôi rú lên kêu cứu mà chúng vẫn thay nhau phát biểu đòi quyền công dân. Chúng nhắc đạo luật này, hiến pháp kia và cả những công ước mà tôi từng lướt mắt qua một lần. Chúng đòi hỏi thực thi quyền tế bào và đình công bãi thị ngăn cấm cơ thể tôi sinh sống. Chúng như một bầy mối ăn đục khắp thịt da làm vỡ tung từng mảng thịt. Chúng viết tăm tắp hàng vạn hiến chương trên lưng tôi, cho đến lúc tôi bưng tai muốn hóa điên, phải giằng xé giành giật từng mẩu thịt của mình với chúng và vụt hiểu tôi sẽ vỡ tan thành triệu mảnh nếu không trả lại cho Khánh những tế bào của nàng.

Nụ hôn của đêm khuya là nụ hôn khước từ nguồn sống. Tôi nhả vào miệng Khánh các tế bào tự do nàng đem đến. Tôi hút lại từ miệng nàng các tế bào câm lặng an phận của mình. Tôi giành lại quyền câm nín, quyền tê liệt kháng thể. Chúng tôi luyến ái với nhau lần cuối, trong tưởng mộ, vì hiểu việc phối giao của cả hai thất bại. Tình yêu không đủ giúp hàn gắn vì cơ thể sinh học chối từ mọi xâm nhập bên ngoài. Chúng tôi ân ái câm, với đêm chứng kiến trong đồng lõa.

6.

Buổi sáng, Khánh tươi như một nhành lys không vết bão. Nàng trong như trời mây. Tôi ưa hương lạnh của lys, ưa sự giản dị của nàng, cả nếp sống phóng khoáng nàng đem về, nhưng tôi biến dị vô cùng trên đất này, kể cả tự do. Không ai tuyên ngôn quyền công dân tế bào… Nàng chặn tôi bằng một khóe môi kín đáo. Chúng tôi đứng trong góc khuất. Hành lý đã kiểm tra, phi trường rộn ràng, nhìn Khánh ít ai đoán nàng vừa qua cơn vật vã. Chúng tôi sắp chia tay, tiếng loa gọi những chuyến bay và cả tiếng lòng chúng tôi từ giã. Tôi muốn hôn phớt lên sóng mũi Khánh, hôn lên má nàng, hôn vào chính giữa hai cúc áo trên Khánh quên cài còn lộ chút da. Da của đêm hãy còn tinh nghịch… Chính Khánh hôn tôi trước, đầu lưỡi nàng còn ẩm vị mật của đêm. Tôi bậm môi, vì hiểu nhau chưa sẵn sàng, không vì chúng tôi không muốn nhưng vì môi trường đã tập nhiễm vào da. Da chúng tôi như da thú trên đất với da thú dưới nước, mao vũ và vẩy cá, không còn gì chung nữa. Ngay cả khi nối lại, dáng hai người đàn bà yêu nhau dị trên xứ này. Tôi xin lỗi đã làm Khánh thất vọng. Nàng lắc đầu:

“Một khi xã hội nhiều người như Kim với Khánh, sẽ hết dị. Rồi sẽ phải hàn gắn vì những người như Khánh là những dòng sông đổ ra biển, biển luân lưu rồi lại quay về; những người như Kim làm đất, đất cần hoa trái biển, cần bến đỗ cho tàu viễn dương; Khánh làm thuyền, Kim làm bến, như vậy sẽ lại có cái chung. Rồi một khi nhiều người nối da, sẽ hết dị”.

Khánh từ giã. Phút biệt ly, chúng tôi trao những ngón tay vội vã. Tôi muốn nói mà chỉ kịp bấu vào da nàng vết móng tay tôi buồn bã. Trong thâm tâm tôi biết, Khánh hiểu sự im lặng nội tâm của đất này, nàng hiểu sự im lặng miệt mài của những con người đã mất quyền nơi đây. Tôi muốn nói Còn sự im lặng đáng sợ nữa, là sự im lặng của thép, của xà lim, nhưng Khánh hiểu, nàng thì thầm, và sự im lặng của đất trời thinh không.

tháng 7- 2010