Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 14 tháng 4, 2015

CHIA TAY ĐẦU TRĂNG MẬT – THƠ VÀ LỜI BÌNH

THƠ

Minh Huệ

Mùng cưới nếp là chưa rũ xong

Gối tay chưa kịp nhàu nếp áo

Trước ngõ sực tin về mật báo

Anh bàng hoàng lên hoả tuyến Thu-Đông

Bao nhiêu lửa ấm nhóm trong lòng

Anh nhường em cả, thương không nói

Óng ánh tóc buông mười chín tuổi

Trắng vành trăng vời vợi mắt lo âu

Chìm đáy sông trăng run bổi hổi

Chìm đáy lòng day dứt lắng sâu

Trách trăng sáng quá đêm rằm quạnh

Soi bóng đầu thôn, bóng qua cầu

Anh đi không dám quay đầu lại

Sợ nhìn bóng nhỏ sững đằng sau

Để khi cái chết giáng trên đầu

Có em cuộc sống càng thêm chắc

Bấm bụng rời nhau đầu Trăng mật

Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao!

LỜI BÌNH

Hoàng Minh Tường

Bài thơ này đã nằm sâu trong trí nhớ nhà thơ Lâm Quang Mỹ (tên thật là Nguyễn Đình Dũng) đã 68 năm. Ông đã đọc được trong cuốn sổ tay của người anh trai Nguyễn Đình Liệu, hồi ấy vừa chớm 16 tuổi, đang học trường trung học Cao Xuân Dục, Hà Tĩnh. Năm ấy Nguyễn Đình Dũng lên tám tuổi, đang học ở trường làng. Có thể vì trí nhớ kỳ lạ của cậu bé thần đồng, hay vì ám ảnh của bài thơ mà suốt bẩy thập niên, những câu thơ tuyệt bút ấy vẫn theo ông trên khắp các nẻo đường, từ quê nhà xứ Nghệ đến giảng đường đại học ở Hà Nội, rồi qua du học ở Ba Lan, đi suốt trời Âu, Mỹ…

Minh Huệ, nhà thơ xứ Nghệ, nổi tiếng với bài thơ “Đêm nay Bác không ngủ”, ai cũng biết. Nhưng có lẽ bây giờ, bạn đọc yêu thơ mới bất ngờ, choáng váng , vì ông còn có thi phẩm “ Chia tay đầu Trăng mật”. Vì sao Minh Huệ không cho công bố bài thơ ngay từ năm 1949, khi bài thơ vừa ra đời, đã như một hiện tượng thi ca, khiến nhiều học trò các trường trung học, tiểu học ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã thầm bảo nhau chép vào sổ tay và học thuộc?

Hãy đọc hai câu cuối của bài thơ: “Bấm bụng rời nhau đầu Trăng mật/ Chiến tranh. Nghe mới nặng nề sao!” Chỉ hai câu này đã đủ cho Minh Huệ ra toà án binh khi ấy. Anh phản đối chiến tranh. Anh reo rắc nỗi sợ hãi khi đang còn hưởng vị ngọt của tình yêu trong tuần trăng mật. Có lẽ chính vì sợ “chụp mũ”, “quy kết” chăng, mà ngay sau khi sáng tác xong bài thơ, Minh Huệ đã giấu nhẹm trong sổ tay, và ngay cả sau này, ông cũng không dám công bố trong các thi phẩm của mình?

Hai câu thơ mở đầu run rẩy niềm hạnh phúc lứa đôi trong ngày động phòng hoa chúc: “Mùng cưới nếp là chưa rũ xong/ Gối tay chưa kịp nhàu nếp áo”, thì tiếng nổ chiến tranh đã gõ cửa: “Trước ngõ sực tin về mật báo/ Anh bàng hoàng lên hoả tuyến Thu- Đông”. Kỳ nghỉ phép về cưới vợ vẫn đang còn, nhưng chiến dịch Thu Đông ( năm 1950-1951) đã mở. Hoả tuyến đang cần anh. Mặt trận đang réo gọi. Trước tình riêng và nhiệm vụ chiến đấu, không thể chần chừ. Và cuộc chia tay người vợ trẻ là mệnh lệnh thiêng liêng của Tổ quốc. “Bao nhiêu lửa ấm nhóm trong lòng/ Anh nhường em cả thương không nói/ Óng ánh tóc buông mười chín tuổi/ Trắng vành trăng vời vợi mắt lo âu”. Giá đêm ấy không trăng, để cho anh bớt nao lòng vì mái tóc đen dài của tuổi thiếu nữ, để em giấu đi ánh mắt lo âu vời vợi của người vợ vừa qua đêm tân hôn. Nhưng đêm ấy trăng sáng đến rợn người. Trăng run bổi hổi đáy sông. Trăng nhìn thấu cõi lòng đôi trẻ. Trăng run rẩy niềm cảm thông chia sẻ. Và đáy lòng anh lắng sâu niềm day dứt. Cả người chiến sỹ và cô gái quê bỗng thầm trách trăng, cái ánh trăng vằng vặc, lồ lộ phơi bày hết tình cảnh của họ, săm soi vào tâm hồn họ, ngăn họ không dám ghì lấy nhau, hoà vào nhau trong giờ khắc li biệt. Và anh đành ra đi mà không dám quay đầu lại, không dám khắc vào tâm can hình ảnh người vợ đơn côi, đứng sững giữa trời.

Cả bài thơ là cảnh ngộ và tình cảm chân thật đầy xúc động. Chân thật tới từng hơi thở, từng ánh mắt, từng gợn trăng. Người vệ quốc lên trận tuyến với một hành trang trĩu nặng tình yêu, tình quê, tình đời. Không cần phải lên gân, hay nhờ sự trợ giúp của khẩu hiệu. Anh thú nhận không dám quay đầu lại, nhưng anh cũng lường trước cả “khi cái chết giáng trên đầu”, thì anh đã có em rồi, có cả một đêm trăng vằng vặc, cả một hậu phương lớn ở phía sau. Bài thơ tưởng như uỷ mị, sướt mướt, nhưng không phải. Đó là chân dung rất thật của một thời. Nếu đặt bài thơ này của Minh Huệ cạnh bài “Thăm lúa” của Trần Hữu Thung, cũng một nhà thơ xứ Nghệ, cũng viết cùng thời điểm ấy, ta sẽ có một bức tranh chân thực về tình yêu đôi lứa những năm kháng chiến chống Pháp. Tưởng như vênh nhau, nhưng không phải. Cuộc chia tay của Trần Hữu Thung diễn ra ban ngày, giữa bao ánh mắt tiễn biệt, phơi phới, lạc quan, tin tưởng… Còn cuộc chia tay của Minh Huệ chỉ có hai người và trăng, giằng xé, day dứt, lắng sâu. Bức tranh kháng chiến sẽ rất thiếu hụt, khiên cưỡng, nếu như không có những cuộc “chia tay đầu trăng mật”, như của Minh Huệ.

Và bạn đọc hẳn sẽ vui sướng biết bao, khi được đón nhận một thi phẩm tuyệt bút, tưởng như không còn tìm thấy, dù trong những trang sổ tay của một thời.

20/3/2015