Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 12 tháng 7, 2014

Lại Nguyên Ân nói về Tô Hoài: TÔ HOÀI – NGƯỜI “HIỂU HẾT SỰ ĐỜI”

 

Mi Ly (thực hiện)

Tô Hoài không chỉ có “Dế mèn phiêu lưu ký”, không chỉ có những câu chuyện đồng thoại viết cho thiếu nhi. Nổi tiếng bởi “Dế Mèn…” là một vinh dự, cũng là một thiệt thòi của ông! Trong giới văn chương, người ta càng biết rõ điều đó.

* P.V − Sinh thời, nhà văn Tô Hoài rất gắn bó với đất Nghĩa Đô (trước kia là làng Trung Nha, cũng gọi là làng Nghè, trước thuộc Hà Đông, nay thuộc Hà Nội), nơi ông sinh ra. Theo nhà nhiếp ảnh Nguyễn Đình Toán, những năm cuối đời, Tô Hoài sống ở ngôi nhà tập thể của người con gái đầu ở phường Nghĩa Đô còn nhiều hơn sống ở ngôi nhà của vợ chồng ông ở trong phố Hà Nội. Theo ông, đất Nghĩa Đô có ý nghĩa như thế nào trong cuộc đời Tô Hoài?

- L.N.Â. Quê hương có ý nghĩa đối với các nhà văn Việt Nam như thế nào thì đất Nghĩa Đô có ý nghĩa với Tô Hoài như thế. Riêng Tô Hoài, ông gắn bó với quê mẹ Nghĩa Đô, hơn hẳn so với quê bố ở huyện Thanh Oai (Hà Tây cũ, nay thuộc Hà Nội). Bố ông từ quê Thanh Oai ra Hà Nội lập nghiệp, gặp gỡ và kết hôn với mẹ ông, sinh ra Tô Hoài tại nhà ông bà ngoại ở Nghĩa Đô. Tô Hoài sinh ra và lớn lên tại đây. Vì thế, trong cả cuộc đời, chỉ trừ giai đoạn đi kháng chiến từ 1947 đến 1954, còn lại, cuộc sống của Tô Hoài hầu như không rời xa đất Nghĩa Đô. Nhà riêng ông ở phố Đoàn Nhữ Hài, gần hồ Thiền Quang, nhưng thường xuyên ông đi về quê ngoại Nghĩa Đô.

* P.V. − Nghĩa Đô trước đây là đất “vùng ven”. Người ta nói những trang viết của Tô Hoài vẽ nên một Hà Nội của người dân quê ngoại thành, bình dân, trái với một Hà Nội “sang hơn” trong văn Nguyễn Tuân. Hà Nội của Tô Hoài có gì đặc biệt?

- L.N.Â. Theo tôi, trong các trang văn Tô Hoài, các nhà xã hội học sẽ tìm được dữ liệu về đời sống sinh hoạt của cư dân ngoại thành và nội thành Hà Nội nhiều hơn trong văn Nguyễn Tuân. Trong văn Tô Hoài, diện mạo đời sống ấy rất đa dạng, đa tạp, đậm đặc, nhiều sắc thái và nhiều chi tiết, bao quát nhiều đổi thay từ những năm 1940 đến những năm 2000.

Cái sang trong văn Nguyễn Tuân là cái sang của giới văn nghệ sĩ, có thể chơi sang chứ không giàu sang. Còn về cái giàu sang thật của tầng lớp thượng lưu trong xã hội Việt Nam qua các thời đại thì chưa nhà văn Việt Nam hiện đại nào nào viết được một cái gì ngang cỡ Thượng Kinh ký sự của Lê Hữu Trác khi xưa đâu.

Tô Hoài, từ năm 1972, đã có tập truyện nhan đề “Người ven thành”. Ông viết về cả dân phố lẫn dân quê, nhưng viết về người ven thành nhiều hơn. Trong suốt sự nghiệp sáng tác của mình, Tô Hoài còn viết về nhiều đề tài khác nữa, người Tây Bắc, người Việt Bắc, v.v. Nhưng chính người ven thành mới là đề tài ông có hiểu biết sâu sắc nhất và cũng được ông viết nhiều nhất.

Một lần trò chuyện với tôi, Tô Hoài bảo: Ven nội là vùng nông thôn nửa quê nửa phố, một nông thôn khác so với những vùng nông thôn không ở gần thành phố lớn. Cư dân ven thành gồm cả những người làm nông nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi… lẫn những người hàng ngày lên thành phố làm viên chức, làm thuê, làm các nghề dịch vụ như lái xe, nấu ăn, bán hàng, kế toán, làm thợ các nhà máy, xí nghiệp… Sự pha trộn đó tạo ra một nếp sống khác so với cư dân nông nghiệp thuần túy ở vùng sâu vùng xa.

Tô Hoài nhận xét: Nhiều tục lệ, thậm chí hủ tục, được lưu giữ ở những vùng ven thành này lâu hơn nhiều so với những vùng nông thôn xa xôi khác. Vì người dân các vùng khác chỉ làm nghề nông, ít cơ hội kiếm tiền mặt bằng nghề khác. Trong khi đó, một người phụ nữ ven nội, không cần có học vấn gì, sức khỏe bình thường thì chỉ với một gánh rau vào phố là đã có thể kiếm tiền, tự nuôi sống. Mức sống khá hơn so với vùng thuần nông khiến họ duy trì được những phong tục lâu đời của làng quê.

* P.V. − Hồi ký “Cát bụi chân ai” rồi “Chiều chiều” khi ra mắt từng gây sóng gió vì nó kể thật, thẳng thắn về các nhà văn, những bí mật của họ, cả tính xấu của họ, từ góc nhìn của Tô Hoài. Cả chuyện với Xuân Diệu mà bây giờ ai cũng biết. Ai cũng bảo Tô Hoài dám làm điều không ai dám làm.

- L.N.Â. Để hiểu rõ việc này, cần nhắc lại một nhận xét của giới nhà văn về Tô Hoài. Suốt thời bao cấp, tức là từ những năm 1950 đến những năm 1980, người ta thấy ông sống và viết một cách rất “phải đạo”. Nên nhớ, các nhân viên từng làm việc tại 51 Trần Hưng Đạo (Hội Liên hiệp VHNTVN) và tại 65 Nguyễn Du (Hội Nhà văn VN) những năm 1950-1980 thể nào cũng từng nghe câu vè về cách đi “công tác” của hai ông “đảng đoàn”: Đảng đoàn là đảng đoàn Hoài/ Có đi công tác nước ngoài thì đi/ Đảng đoàn là đảng đoàn Thi/ Có đi công tác là đi nước ngoài! Lại cũng đừng quên, khi xuất hiện bài báo về “văn học phải đạo” của Hoàng Ngọc Hiến thì người có bài phê phán đầu tiên in trên báo Văn Nghệ chính là Tô Hoài! Vào những năm đầu cao trào đổi mới, người ta thấy Tô Hoài có thái độ lưỡng lự khá rõ rệt, không ai biết ông đứng về phe tán thành hay phản đối đổi mới. Nhưng đến thời điểm diễn ra Đại hội Nhà văn thứ tư (1989) kỳ đại hội mà giới hội viên tự chia đôi thành hai phái: ủng hộ đổi mới và chống đổi mới, Tô Hoài chỉ dự họp trù bị rồi lặng lẽ lên đường đi Ai Cập dự một sự kiện của Hội nhà văn Á-Phi, ngấm ngầm nhường ghế mình được bầu trong Đoàn Chủ tịch đại hội cho một người thuộc phe chống đổi mới. Hành động đó bị một số nhà văn lên tiếng vạch ra ngay tại đại hội. Sau thời điểm đó khá nhiều người trong giới nhà văn trở nên gần như chán ghét Tô Hoài!

Tình trạng đó kéo dài đến tận khi ông công bố hồi ký “Cát bụi chân ai” (1992), cuốn sách đã gây chuyển biến đáng kể trong tình cảm của số đông nhà văn, về Tô Hoài.

Đúng là cuốn hồi ký đã gây một ít sóng trong làng văn. Có thể nói cuốn hồi ký ấy cũng đánh dấu một sự chuyển đổi của chính Tô Hoài, từ lề thói sáng tác cũ của thời bao cấp sang một xu hướng sáng tác mới, gắn với sự chủ động sáng tạo của người viết. “Cát bụi chân ai” và sau đó là hồi ký “Chiều chiều” (1999) là một mạch hồi ức cho thấy diện mạo thực của thân phận nhà văn trong chế độ chuyên chế, ngay với những người đã có vốn liếng tên tuổi trước khi bước vào chế độ này, làm rõ những ảo tưởng về nghiệp viết, những nhượng bộ, những tự cắt xén để tồn tại của họ… Từ những năm 1950 đến những năm 1980, trong ba chục năm ấy, đời sống sinh hoạt của giới văn nghệ sĩ miền Bắc ra sao − thì hai cuốn hồi ký của Tô Hoài đã ghi lại được khá nhiều nét, và khá chân thực.

Tất nhiên, nói đỉnh cao sáng tác của ông thời này thì phải kể tiểu thuyết “Ba người khác” (viết 1993, in 2006), tuy là sáng tác hư cấu nhưng vẫn nằm trong mạch văn hai cuốn hồi ký kể trên, một cuốn truyện cho thấy chất quái kiệt của tác giả, cuốn truyện mà đến bây giờ còn có thể bị coi là “nhạy cảm” trong mắt một số giới nào đó…

* P.V. − Theo ghi chép của nhà phê bình Vương Trí Nhàn, năm 1994, Tô Hoài từng phát biểu trong hội nghị những người viết văn trẻ, rằng ông “vẫn cho rằng chưa viết được gì hơn “Dế mèn phiêu lưu ký”!

- L.N.Â. Cần phải ghi chú thế này về thành công của “Dế mèn phiêu lưu ký”: Thành công đó có được là đặt trong khuôn khổ sự liên kết văn hóa giữa các nước XHCN và giữa các nước thuộc thế giới thứ ba, thông qua hoạt động của Hội Nhà văn Á Phi. Các tác giả, tác phẩm Việt Nam được giới thiệu ra quốc tế đều là do sự đề cử của ban chấp hành Hội nhà văn VN và được các nhà lãnh đạo VN phê duyệt. Tất nhiên là đi qua cửa ấy còn có nhiều tác phẩm tác giả khác nữa, nhưng Dế mèn may mắn được dịch, được trẻ em Nga, Liên Xô và Đông Âu yêu thích. Do thế cuộc du ngoạn của chú Dế mèn mới được mở ra rộng lớn. Cũng những năm ấy, có dịch giả Nga rất muốn dịch Số Đỏ, nhưng phía Việt Nam không đồng ý, họ đành chịu; đến những năm 1990 thì dịch giả ấy đã quá già, không muốn trở lại thực hiện công việc yêu thích khi xưa! Chàng Xuân Tóc Đỏ đành vượt Thái Bình Dương sang Mỹ, vào đầu thế kỷ XXI!

Bản thân Tô Hoài, ngay từ những năm 1940 đã có những tác phẩm rất chắc chắn, không phải truyện thiếu nhi mà là viết theo xu hướng tả chân xã hội, “hiện thực phê phán”, giống như các bạn văn cùng thời như Nam Cao, Nguyên Hồng, Kim Lân, Bùi Hiển… Họ có điểm chung là viết văn với ý hướng khảo tả con người và xã hội, ngôn ngữ văn chương thì họ sử dụng nhiều phương ngữ miền Bắc và rất có ý thức mô tả lời ăn tiếng nói của người miền Bắc, − điều mà trước đó Nguyễn Công Hoan, Ngô Tất Tố, Vũ Trọng Phụng… đã làm. Tôi hình dung đây là xu hướng văn xuôi miêu tả phong tục, một trong những mạch văn chủ đạo của những cây bút viết văn xuôi ở miền Bắc, từ những năm 1930 trở đi.

* P.V. − Nhưng những tác phẩm “chắc chắn” đó lại không nổi tiếng bằng “Dế mèn phiêu lưu ký”. Nói vậy, lại nhớ nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến từng có câu đại ý: “Dế mèn phiêu lưu ký” quá nổi tiếng là một thiệt thòi của Tô Hoài. Thực ra, “Giăng thề” của Tô Hoài là một kiệt tác”. Ông nghĩ sao?

- Hoàng Ngọc Hiến đã nhìn ra một nghịch lý thú vị trong đời sống văn chương. Nên nhớ là đời sống văn chương chứa nhiều nghịch lý lắm. Giá trị tác phẩm là một chuyện, nhưng mức độ nổi tiếng, sự thành công của tác phẩm trong công chúng lại là một chuyện, có thể hoàn toàn khác.

* P.V. − “Tô Hoài hiểu hết sự đời”, điều này có không ít người trong giới văn chương khẳng định. Điều đó đúng không, và phải hiểu “sự đời” ở đây là như thế nào?

- L.N.Â. Tô Hoài từng vào đời, vào nghề, sống và viết trong một môi trường mà nhà văn viết văn để bán sản phẩm, tự nuôi thân bằng ngòi bút. Thời ấy nghề văn là một nghề trong các nghề ở giữa xã hội, thế thôi. Khi ấy ông nhìn làng văn, thấy nhiều tay cự phách, nhiều bậc đàn anh, nhiều kẻ hơn đời, và tự xem mình là tay bút ở “chiếu dưới”. Nhưng rồi xã hội thay đổi, ông lại gặp cái thời mà nhà văn được tập hợp thành “đội ngũ”, trong đó Tô Hoài trở thành quan chức của làng văn nghệ; mà thời này quan chức văn nghệ cũng đồng thời là quan chức nhà nước! Thời thế đã đưa ông lên ngôi vị “chiếu trên”. Ngạch bậc của ông ngang mức thứ trưởng, vào bệnh viện Hữu Nghị là ông nằm ở khu A, cán bộ cao cấp… Có lúc ông còn là ông nghị (đại biểu Quốc hội). Bản thân ông đi rất nhiều, xúc tiếp rất nhiều, trong và ngoài nước. Những vị trí khác nhau, những xúc tiếp khác nhau như thế cho ông nhiều điều kiện để quan sát và trải nghiệm, tự rút lấy những kết luận cần thiết cho mọi ứng xử ở đời.

Tôi vẫn nghĩ rằng Tô Hoài có thể đóng nhiều vai, đã từng vào những vai thậm chí chống chọi nhau, xung khắc nhau, nhưng luôn luôn ông vẫn đóng được “tròn vai”. Quan trọng là đối với ông, vai chính vẫn là nhà văn. Mọi công việc, mọi đi đứng, xúc tiếp, thú vị hay nhiêu khê, đối với ông, đều đem lại sự quan sát, sự hiểu biết. Ngồi ở bất cứ đâu ông cũng có thể viết được. Trong các cuộc họp Quốc hội hay ngồi chủ trì hội nghị, có thể ông vẫn giở sổ ra viết tiếp tác phẩm đang viết dở. Ông có thể làm rất nhiều thứ, nhiều loại việc, ít hoặc nhiều, riêng việc viết văn thì lúc nào, ở đâu ông cũng làm.

* P.V. − Theo ông, Tô Hoài ở đâu trong nền văn chương Việt Nam, so sánh với các đồng nghiệp cùng thời và thời trước?

- L.N.Â. Từ những năm 1990 trở đi, trong đời sống văn học tại Việt Nam, Tô Hoài trở thành một gương mặt lớn, gương mặt sáng sủa nhất trong số những nhà văn ở tuổi ông còn sót lại. Ông vẫn có được sự kính trọng và ngưỡng mộ của những nhà văn lớp sau, và đó là điều không hề dễ dàng.

* P.V. − Cảm nhận cá nhân của ông về con người Tô Hoài?

- L.N.Â. Tô Hoài là con người rất lọc lõi, kết quả của một cuộc đời từng trải qua rất nhiều môi trường, ông vẫn tồn tại được và vẫn còn lại là mình.

* P.V. − Cảm ơn ông vì cuộc trò chuyện.

8/7/2014

Nhà nghiên cứu Lại Nguyên Ân gửi Văn Việt.