Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 18 tháng 1, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 6): Bàn về những “nhân vật” của Nguyễn Mộng Giác

Trần Hữu Thục

downloadBày tỏ quan niệm sáng tác của mình, Nguyễn Mộng Giác nói rất rõ và rất cụ thể. Theo ông, tiểu thuyết “một thể loại văn chương nhằm thỏa mãn nhu cầu muốn ngóng chuyện thiên hạ của người đời. Người viết tiểu thuyết là người kể. Người đọc tiểu thuyết là người muốn nghe kể. Người kể chuyện, giống như ông thầy đứng trên bục giảng giảng bài cho sinh viên ngồi phía dưới, phải kể thế nào để người nghe hiểu được câu chuyện của mình, nghĩa là cả hai bên phải nói cùng một ngôn ngữ, dùng cùng một tần số cho tín hiệu phát và thu, có chung một trục qui chiếu của lý luận và phương cách diễn đạt. Mà theo tôi, căn bản của tiểu thuyết là chuyện thế sự, là chuyện con người và cuộc đời.” (Dẫn từ “Thảo luận về tiểu thuyết lịch sử/Nam Dao & Nguyễn Mộng Giác”, Văn Học Cali số 197, 2002; đưa lên Da Màu (damau.org) 9/9/2008)

Đúng như ông nói, với hai bộ trường thiên và nhiều tập truyện ngắn và truyện dài, với khung cảnh được dựng nên từ nhiều thời điểm và hoàn cảnh khác nhau, NMG quả là một người kể chuyện. Bằng một giọng văn trong sáng, tiêu chuẩn và một lối kể có đầu có đuôi, dễ hiểu, NMG đã mang lại cho những độc giả muốn “ngóng chuyện thiên hạ” đủ thứ chuyện lỉnh kỉnh về con người và về cuộc đời. Với mục đích đơn giản như thế, NMG không mặn mả gì với lối trình diễn kỹ thuật cầu kỳ, không thí nghiệm những cách viết mới có tính cách khai phá mà ông cho là “thất bại nhiều hơn thành công”. Truyện của NMG có “chuyện”, mở kết rõ ràng, có chủ đề tư tưởng. Đọc ông, ta khỏi nhọc công suy đoán, khỏi rà soát tìm kiếm một thứ bí mật nào ẩn giấu đàng sau các dòng chữ. Ông không xem chữ nghĩa là một trò chơi hình thức, một cách “đánh đố” người đọc. NMG xem chúng là một phương tiện chuyên chở ý nghĩa từ người viết đến người đọc.

Chẳng lạ gì NMG quan tâm đến việc xây dựng nhân vật. Với NMG, “căn bản hấp dẫn và lôi cuốn người nghe người đọc người xem những tác phẩm” là những nhân vật và “những nhân vật huyễn tưởng ấy cư xử y như người đời, y như những độc giả khán giả. Con người, đời sống trong tiểu thuyết cần thiết cho thể loại này hơn bất cứ thể loại nào khác.” (Dẫn từ “Thảo luận…”) Trong lúc có người mưu toan giết chết nhân vật hay tìm cách đẩy lùi nó đàng sau hậu trường, thì NMG vực dậy, thêm da thêm thịt để cho chúng tiếp tục sống. Sống mạnh.

NMG đã tạo ra một số lượng nhân vật phong phú, đủ hạng đủ loại. Trí thức, bình dân, vua quan, dân dã, phe bên kia phe bên này, trẻ già trai gái, trong ngoài… NMG chăm chút các nhân vật của mình rất cẩn thận, từ lời ăn tiếng nói cho đến cử chỉ và hành động, nhằm làm cho chúng “cư xử y như những người đời.” Ông không thần thánh hóa các nhân vật của mình mà cũng không biến chúng thành những con rối múa may quay cuồng theo ý định của tác giả. Trong các truyện dài, nhất là trong hai trường thiên tiểu thuyết, không những các nhân vật chính được chăm sóc, mà các nhân vật phụ cũng được chiếu cố tận tình. “Mùa biển động” chẳng hạn, các nhân vật Tường, Ngô, Dale, đại úy Thường, trung tá Thanh cho đến ông Văn, bà Bổng – tất nhiên là xuất hiện ít nhiều không đều – được diễn tả “tận tình” không thua gì Ngữ, Diễm, Quỳnh Trang là những nhân vật chính. Tận tình ở đây không phải là về diện mạo, cũng không là về địa vị trong xã hội mà là về con người bên trong, nghĩa là những suy tưởng, những ý nghĩ hay quan điểm của nhân vật trước các biến cố cuộc sống; đồng thời là con người xã hội trong tương tác đa phương đa chiều với hoàn cảnh, với tha nhân. Tóm lại, ông quan tâm đến cách xây dựng những “hiện thực tâm lý và xã hội” của nhân vật.

Thử đọc một truyện ngắn tương đối giản dị nhất của Nguyễn Mộng Giác: Ngọn cỏ khô trên Thung Lũng Mùa Xuân (tập truyện ngắn “Xuôi dòng”, nxb Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ 1987). Nếu ai muốn đi tìm một câu chuyện cho ra chuyện, thì Ngọn cỏ khô trên Thung Lũng Mùa Xuân là một câu chuyện nhạt nhẽo. Nó chẳng có chuyện, nghĩa là chẳng có một “biến cố” nào. Dù hoàn cảnh và nhân vật có đôi chút đặc thù, truyện chẳng khác gì những sinh hoạt bình thường của cuộc sống. Nhân vật là một “chàng”, từ miền Tây đến miền Đông lần đầu tiên trọ tại nhà một người bạn, để tìm tài liệu mà chàng ta cần trong một thư viện. “Chuyện” của câu chuyện rốt cuộc chỉ là diễn tả khung cảnh cùng những đối thoại vu vơ, những ý nghĩ và cảm giác vụn vặt của nhân vật.

Này nhé: Đưa chàng vào nhà, “Người bạn bật mãi mà diêm ẩm không chịu cháy để thắp cái bếp gaz. Mảng tóc ướt phủ cả lên trán, cái gương cận gọng nhựa nâu tụt xuống tận chóp mũi. Chàng bắt đầu áy náy đã làm phiền người bạn…”

Chàng thấy ánh mắt bạn chàng sáng lên ánh vui, khuôn mặt trở nên trẻ trung hẳn đi. Bạn chàng định nói gì đó nhưng cuối cùng lại thôi.

Khi vào thư viện tìm sách, chàng thấy “Nằm riêng ở một chỗ trang trọng ngay tầm mắt là hai cuốn tạp chí nghiên cứu Việt học của bạn chàng. Chàng đoán sỡ dĩ hai cuốn tạp chí đó được nằm ở chỗ “đắc địa” nhất, không phải là do lòng ưu ái của cô nhân viên thư viện, mà do chính bàn tay của bạn chàng.” Chàng biết ngay là bạn chàng muốn khoe với chàng một cách kín đáo là anh ta đã chủ biên tờ tạp chí Việt học.

Đánh giá bạn xong, chàng tự đánh giá chàng: “Chàng không dám thú thực với hai vợ chồng bạn rằng sự siêng năng đến thư viện của chàng không dính dáng gì tới những thứ đao to búa lớn đại khái như “lòng đam mê chân lý”, “trách nhiệm bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc.” Không! Chàng thích chữ nôm từ hồi còn đi dạy, ban đầu thích như người khác thích nhậu, thích đánh cờ, thích lâu lâu ghé xóm chị em ta để tìm món mới, thích thịt chó, thích nhổ lông mũi…Thích rất khơi, không mục đích gì!

Nếu thế thì chàng thích cái gì nào? “Chàng hy vọng chính chàng là người đầu tiên đến đây để mở cuốn sách này từ khi phu nhân bác sĩ Huard thuận bán tủ sách quý giá của người chồng quá cố cho đại học Yale.” Và rủi thay (mà cũng may mắn thay!), một điều bất ngờ xảy đến: Chàng đã lầm! trên phiếu mượn, đã có tên một người đến trước. Dòng viết bic nguệch ngoạc trên tấm phiếu: March 12/84, Jacqueline Nguyen.

A, thì ra là tên một cô gái (hay một người phụ nữ)! Một chi tiết vụn vặt trong muôn ngàn cái vụn vặt! Ấy thế mà nó lại trở thành cái sườn của câu chuyện, sau khi người đọc phải đi qua gần hai phần ba bài viết. Tìm thấy có người đến trước mình khiến cái hy vọng của chàng bị đổ vỡ chăng? Không! Sự thất vọng của chàng hóa ra đưa đến một niềm hy vọng khác. Chàng “có niềm hy vọng nho nhỏ, thật vu vơ: hy vọng cái cô Jacqueline nào đó còn nấn ná ở lại đây, và còn đủ kiên nhẫn trèo lên tầng thứ ba thư viện Yale một lần nữa, cho chàng biết mặt.” Cái tên đàn bà đã khiến chàng xao động. Hóa ra, chàng ta cũng là kẻ “nòi tình”.

Vài ngày sau, chàng lại tìm thấy tên của cùng người đàn bà ấy trên tấm phiếu mượn sách, cùng ngày. Nghĩa là nàng còn quanh quẩn đâu đây. Thế là “Chàng bỏ cả đống sách đang tra cứu, chạy vội xuống chỗ thang máy. Chờ khá lâu, chưa thấy thang máy đến, chàng định xuống tầng dưới bằng cầu thang thường. Cửa thang máy mở. Chàng lại chạy ngược về.” (…) “Chạy xuống dưới tiền sảnh, chàng dáo dác nhìn quanh” (…)” Chàng thất vọng” (…) Chàng buồn bã ra đường…”. Rồi nhận được vài dòng từ cô ấy trao qua người gác cửa thư viện. “Chàng run run đưa tay cầm lấy tờ giấy trắng gấp tư, quên cả cám ơn.” Rồi đọc thư và biết rằng người viết là một cô học trò cũ. Nhưng chàng không thể nhớ được cô đó là ai. “Chàng xúc động hân hoan đến ngộp thở” và dù cố gắng chàng “không thể nhận ra nét chữ ấy là của cô học trò cũ nào, ở đâu.” Sao vậy? Vì chàng đã già rồi. Vả lại, nàng đã đi rồi, có nhớ ra hay không nhớ ra thì cũng đành chịu. Hết!

Ta tìm thấy gì qua nhân vật đuợc xây dựng không mấy phức tạp này? Đó là một con người thường thường bậc trung, có học, có tri thức và có lòng tự trọng, “biết người” mà cũng “biết ta”. Tóm lại, đàng hoàng. Ấy thế mà, mới chỉ thấy tên của một người con gái trên tấm phiếu mượn, không biết già trẻ đẹp xấu thế nào, chàng đâm ra xao xuyến, chạy lên chạy xuống như một người bị ma ám rồi thất vọng, buồn bã, rồi “hân hoan đến ngộp thở” khi biết rằng đó là một cô học trò cũ. Quả là… vớ vẩn và có phần quá đáng! Mà chàng ta tìm cô gái để làm gì, nếu không là để tán tỉnh. Cũng may là cô gái ấy đã bỏ đi, để lại cho ông thầy cũ một lá thư, khiến ông ngẩn ngơ. Nếu cô gái ấy không bỏ đi và gặp lại thầy cũ của mình và rồi… hai người dan díu với nhau, thì không biết hậu quả sẽ như thế nào. Nguyễn Mộng Giác đã can thiệp đúng lúc để cứu danh dự của người thầy giáo, cứu một gia đình khỏi lâm vào cảnh đổ vỡ vì người chồng ngoại tình!

Thực ra, NMG chả muốn cứu, cũng chả muốn bỏ nhân vật của mình mà chỉ muốn làm nổi bật các trạng thái tâm lý phức tạp của nhân vật trong mối tương tác với chính mình và với hoàn cảnh trong cuộc sống hàng ngày. Nếu đọc qua loa thì ta sẽ thấy tác giả lan man tả cảnh tả người theo một thứ tự thời gian và không gian tiêu chuẩn; nhưng nếu chịu khó đọc kỹ, ta sẽ thấy NMG đưa vào những chi tiết vụn vặt, có cái thường thường có cái khá bất ngờ, không mấy cần thiết hoặc giả có vẻ hơi cường điệu. Và có phần mâu thuẫn nữa. Thực ra, NMG bám sát hiện thực vừa tâm lý vừa ngoại cảnh để làm nổi bật cái chất người ẩn dấu bên trong của nhân vật. Cách xây dựng nhân vật như thế được tác giả sử dụng cả trong truyện ngắn lẫn truyện dài. Ta sẽ không ngạc nhiên khi bắt gặp trong các nhân vật của NMG một số nét chung chung khá quen thuộc. Ngoài cách sử dụng chi tiết về hành vi, cử chỉ, NMG mô tả các trạng thái ý thức (giòng ý thức), các đối thoại đầy tính tư tưởng, nhất là trong truyện dài, để tạo nên nhân vật.

Bây giờ, ta hãy đọc một truyện ngắn tương đối phức tạp hơn: Ngày về không nắng (Xuôi dòng). Khác với Ngọn cỏ khô trên Thung Lũng Mùa Xuân, Ngày về không nắng có kịch tính hơn và có “tính cách truyện” nhiều hơn. Đó là cuộc hội ngộ của hai vợ chồng sau một thời gian dài xa cách. Chồng thì vừa đi “cải tạo” về, vợ hiện đang sống với tình nhân ở một nơi khác, nghe tin chồng về thì ghé thăm, lấy cớ là tới thăm đứa con của hai người hiện do bà nội nuôi dưỡng. Một cuộc gặp gỡ vô cùng gay cấn! Chúng ta chờ đợi chứng kiến cảnh một người đàn bà lì lợm, trân tráo, chua ngoa sẵn sàng đối phó với bất kỳ lời kết án nào. Không. Người đàn bà “lăng loàn” này có một cung cách và hành vi hoàn toàn ngược lại. “Tiếng guốc ngập ngừng” (…) “Vợ chàng gầy ốm hơn chàng tưởng. Đôi vai so trong chiếc áo dài mầu hoa cà có in hoa trắng trang nhã, quà chàng tặng vợ sau một chuyến đi xa. Da mặt nàng tái xanh. (…) Đôi mắt hớt hải, ngượng ngùng, chới với… (…) Nàng liếc nhanh nhìn chàng, rồi cúi xuống nhìn chiếc guốc phải… (…) Nàng bật cười, quên cả ngại ngùng…” Tất cả đều cho thấy hình ảnh của một người đàn bà khốn khổ.

Còn người chồng? Một cơn thịnh nộ ngút trời, những lời đay nghiến, chua chát của một anh chồng bị vợ trắng trợn phản bội? Không. Thấy dáng dấp vợ như thế, “Chàng cảm thấy thương hại, chứ không thù hận nàng, như chàng đã chuẩn bị để thù hận từ buổi sáng.” Kể cũng trái cựa!

Nhưng một lúc sau, tâm trạng anh ta hoàn toàn thay đổi: “Chàng ngước lên, và lần đầu tiên, thấy trong cách nàng mỉm cười, có cái gì đĩ thõa, tráo trở. Lòng chàng sôi lên hận thù. Phải, nàng đã nhìn hắn hàng trăm lần, hàng nghìn lần một cách mơn trớn vuốt ve như thế, có thể còn mơn trớn vuốt ve hơn lúc này nữa. Bây giờ, chàng thấy lối trang điểm vội vàng qua loa là dấu hiệu sự chểnh mảng, xem thường. Đi với hắn, nàng có dám trang điểm cẩu thả thế đâu! Nàng còn cả gan mặc chiếc áo tím hoa cà ngày xưa! Thêm thái độ tự tung tự tác của người chủ nhà nữa chứ! (…) Nàng nắm đàng cán. Nắm vận mệnh của đời ta. Không có chữ ký của nàng, chàng thành kẻ vô sở trú, không nhà cửa, không nghề nghiệp, làng thang đầu đường xó chợ. Càng nghĩ, hận thù càng dâng trào.”

Có thế chứ! Thế mà, chỉ một lát sau: “… khi thấy vợ chàng nhìn theo mẹ chồng nước mắt doanh tròng, chàng bùi ngùi thương hại. Chàng không nỡ. (…) … chàng không thể tàn nhẫn. Hận thù lại tan dần, thay thế bằng lòng thương hại.” Rồi sau đó, chàng “chua chát”, chàng “nghẹn lời”, chàng “khách sáo” đối với nàng. “Nàng khóc nức nở. Chàng đâm hối hận, muốn ôm lấy vai nàng, muốn nói điều gì đấy để an ủi. Nhưng cổ họng chàng nghẹn. Rụt rè do dự mãi, đến lúc không thể dằn được, chàng run run đưa lưng bàn tay lên gạt nước mắt trên má nàng. Ban đầu, hình như nàng chìm đắm trong nỗi thống khổ da diết, không hay biết gì. Về sau, nàng hiểu thiện chí của chàng. Nàng càng nghẹn ngào hơn, đưa hai bàn tay ôm bàn tay chàng, gượng nhẹ, như e sợ nắm phải một điều gì không thực.”

Lạ chưa! Một cảnh sum họp ngang trái như thế mà lại diễn ra y như cuộc trùng phùng của một đôi tình nhân lần đầu được âu yếm nhau. Người vợ phản bội trở thành một phụ nữ khốn khổ đáng thương, đang hứng chịu một nghịch cảnh. Người chồng bị cắm sừng trở nên cao thượng, đưa tay ra kéo người ngã ngựa! NMG muốn cải đổi hoàn cảnh và thân phận của nhân vật chăng? Hay NMG muốn có một happy ending để làm vừa lòng người đọc?

Như ta đã thấy qua Ngọn cỏ khô trên Thung Lũng Mùa Xuân, ở đây, NMG thay thế sự “đụng độ” giữa các nhân vật bằng sự “đụng độ” giữa các trạng thái tâm lý. Nội dung chính của truyện không phải là những sự kiện diễn ra bên ngoài xuyên qua hành vi, cử chỉ và đối thoại của các diễn viên trên sân khấu, y như chúng là các thực thể đã định hình sẵn, mà là một quá trình tâm lý. Nhân vật chồng được hình thành bằng các phản ứng tâm lý phức tạp của mình qua cách xuất hiện của người vợ. Nhân vật vợ hình thành bởi cái nhìn của nhân vật chồng. Tiếng guốc nàng “ngập ngừng”, thân hình nàng “gầy ốm”, “đôi vai so”, da mặt “tái xanh”, đôi mắt nàng “hớt hải”, “liếc nhanh” hoặc cái mỉm cười của nàng “đĩ thỏa, tráo trở”, vân vân đều là cách chàng nhìn nàng. Nói một cách triết lý, chúng có tính cách hiện tượng (phenomenal), nghĩa là một giao thoa giữa ý thức và ngoại giới. Nhân vật được tạo ra trong khoảng giao thoa chập chờn đó.

Nhân vật, một mặt, bấp bênh, bất nhất; mặt khác, theo cách nói của NMG, “người đời” hơn. “Người đời” là gì vậy? “Người đời”, qua cách xây dựng nhân vật của NMG, là hình ảnh của thứ trạng thái ý thức loay hoay: đúng/sai, ta/người. Khác với cách xuất hiện bên ngoài trong vai trò xã hội, ở bên trong, cái “người đời” ấy luôn luôn chờn vờn giữa hành động và ý nghĩa của nó. Đứng trước một chọn lựa, nó phân vân. Nó suy đi và ngẫm lại, nó “trách người” và “xét mình”. Nó bất an, xao xuyến. Không phải là cái bất an, xao xuyến hiện sinh, siêu hình. Laị càng không nôn mửa, phi lý. Đây là một bất an, xao xuyến rất đời thường được nắm bắt từ cuộc sống thực tế chung quanh.

NMG khác Võ Phiến.

Cũng như NMG, nét đặc sắc trong các truyện của Võ Phiến là nhân vật. Nguyễn Hưng Quốc nhận xét:

“Có thể nói, yếu tố thành công nhất trong các truyện dài, truyện ngắn của Võ Phiến là nhân vật; đặc điểm nổi bật của Võ Phiến, so với các nhà văn Việt Nam hiện đại khác cũng là ở nghệ thuật khắc hoạ nhân vật. (…) Hầu như đối với bất cứ nhân vật nào, dù chính dù phụ, có mặt suốt truyện hay chỉ thấp thoáng trong vài câu vài đoạn, cũng đều được Võ Phiến chăm chút cẩn thận, bằng những đoạn đặc tả tỉ mỉ và tinh tế. Nhân vật nào cũng có nét riêng. Võ Phiến đặc biệt thích thú trong việc mô tả tướng mạo của nhân vật. Đọc truyện của ông đôi khi tôi có cảm tưởng như đang xem một quyển an bum. (…) ít khi Võ Phiến đi sâu vào việc phân tích tâm lý. Thường hơn, ông chỉ quan sát: người đọc thấy những diễn biến trong tâm lý nhân vật qua các biểu hiện cụ thể của chúng chứ không phải biết được nhờ sự giới thiệu trực tiếp của tác giả.” (Trang mạng “Tiền Vệ”, phần về Võ Phiến, chương 6: Người viết truyện)

Dù cùng chấp nhận sự tương tác giữa các trạng thái tâm lý bên trong với những biểu hiện bên ngoài, hai nhà văn xứ Quy Nhơn khác nhau ở một điểm khá rõ nét: Võ Phiến tập trung diễn đạt cái bên ngoài, còn NMG xoáy sâu vào các diễn tiến bên trong. Nếu Võ Phiến cho ta những chi tiết bất ngờ thú vị về ngoại hình, về hành vi, cử chỉ thì NMG lại cho ta những biến chuyển nội tâm khá khác thường, mâu thuẫn. Nếu Võ Phiến lưu tâm đến khía cạnh vô thức của nhân vật thì NMG lại làm sáng tỏ thế giới nội tâm đầy ý thức của nhân vật. Võ Phiến thích nhẩn nha làm kẻ đứng ngoài để suy đoán việc bên trong thì NMG mạnh dạn đột nhập vào trung tâm ý thức của nhân vật để làm nổi bật các hành vi bên ngoài.

Hãy theo dõi tâm trạng của một du kích quân Cộng Sản thời chiến tranh Việt Nam trước 1975, bị ám ảnh bởi sự báo oán của con chuồn chuồn, trong truyện ngắn Dư sinh (tập truyện “Qua cầu gió bay”, nxb Văn Mới, Sài Gòn, 1973). Lúc nhỏ, anh ta muốn biết bơi, bèn nghe lời đùa, cho con chuồn chuồn cắn vào lỗ rún. Chuồn chuồn cắn đau, nhưng anh vẫn không biết bơi. Tức mình, anh tìm bắt chuồn chuồn để hành hạ rồi giết chết. Lớn lên, anh gia nhập hàng ngũ du kích Cộng Sản. Anh thuật lại:

Họ tập cho tôi tập bắn AK, rút chốt lựu đạn, tập cho tôi cách trộn dầu với bồ hóng để bôi đen thân thể, tập cho tôi cách bò, cánh trườn cách núp. Tôi có được một khẩu súng riêng. Tay chạm vào thép lạnh, ngón trỏ để trên lảy cò, tôi sung sướng đến ngây ngất. Tôi muốn được bắn vào cái gì đó, muốn rút thử cái vòng khuyên này rồi ném lựu đạn để nghe tiếng nổ xé trời. (…) cầm được khẩu súng, tôi sung sướng như được đứng trên đỉnh đồi nhìn cánh đồng bao la tiếp nối dưới kia. Cho nên tuy tập tành chưa nhiều, sử dụng vũ khí còn lật bật, tôi là người đầu tiên xung phong vào trung đội du kích tấn công đồn nghĩa quân Vĩnh An.” Tập luyện xong, anh theo đơn vị đi đánh đồn, hăng hái bắn giết để rồi sau đó bị trực thăng bắn bị thương và bị bắt làm tù binh. Trực thăng gợi cho anh ta hình ảnh con chuồn chuồn. “…rõ ràng hồn loài chuồn chuồn đã nhập vào xác máy bay chuần chuồn để báo oán, như hồn con cọp thật nhập vào con cọp giả để giết cậu học trò. Cọp báo oán một lần là xong kiếp cậu học trò. Nhưng con chuồn chuồn thì không. Nó cứ vờn qua vờn lại, như trêu như giỡn với gia đình tôi. Mấy tháng nằm trong nhà thương, tôi cứ nhìn cái chân cụt mà bồi hồi, hối hận.” Chính nỗi ám ảnh đó đã khiến cho anh tù binh Cộng Sản có một quyết định trái khoáy: chịu tiếp tục ở tù thay vì về nhà. Vì khi ra khỏi đây, “Những con chuồn chuồn voi hãy còn đầy trời”. Anh tính toán: “… thà nằm mãi đây, đủ hai bữa cơm, và đủ bình an đẫy giấc, để lâu lâu lấy bạo “nghinh” mấy con chuồn chuồn què quặt gãy cánh bên kia đầm, còn hơn cà thọt mà chạy trốn. Tôi đã bắt đầu thấy thương chúng rồi. Nằm ụ bên kia, mấy con chuồn chuồn đó cũng què quặt như nạn nhân của nó, có khác gì đâu!

Một nhân vật cán binh Cộng Sản trong một truyện ngắn khác, Về đâu (Qua cầu gió bay), là Vi, một thiếu nữ miền Nam tập kết khi còn là cô học sinh lớp tám, tiếp tục học trở thành bác sĩ phẫu khoa, rồi tình nguyện trở lại miền Nam, phục vụ trong một đơn vị cứu thương. Khác với nhiều thanh niên khác, cô đi theo tiếng gọi của trái tim hơn là theo tiếng gọi của cuộc chiến đấu giải phóng. Sau đây là trích đoạn nói về tâm trạng của Vi khi người con trai mà cô thầm yêu tên Tuấn quyết định đi B sau cái chết của mẹ: “Vi chua xót thấm thía nỗi tuyệt vọng đầu đời. Làm mây bay! Chỉ thích làm mây bay! Đứa con trai đôi mắt bốc lửa sau bao lần rụt rè dám nắm tay Vi, bây giờ thích làm mây bay. Có gì khiến cuộc đời người ta cứ luôn luôn bấp bồng, và tâm hồn người ta cứ tràn đầy những giấc mộng anh hùng. Chiếc xe đạp rỉ hay con ngựa hí trên dặm dài? Sự chấp nhận an bình hay sự thách đố khái phá? Vi không hiểu nổi mình, và nổi người. Sự quyết định của mẹ khi mua dầu thoa mướt mái tóc, sự quyết định của Tuấn khi nhất định thoát ra bên ngoài cái cổng sắt, và cả sự quyết định của Vi, muốn bám theo thoáng hạnh phúc vừa thấy để tìm nghĩa lý đời mình, do đâu mà có?

Một đời sống nội tâm như thế, chẳng lạ gì, sau này, khi vào chiến trường, cô “bác sĩ bộ đội” Vi có những hành vi, thái độ khác hẳn với chiến sĩ Tuấn. Đây là đoạn đối thoại giữa Vi và Tuấn, lúc này đã là chồng của Vi, về việc bộ đội vừa bắt được một tù binh VNCH bị bắn gãy chân:

Nghe binh chủng của tên địch, Tuấn choàng dậy vội vã. Vi hỏi:

Người đó bị thương nặng không?

Nặng lắm. Đi đường xóc, nên mất máu nhiều. Nhưng hắn vẫn còn rên được.

Vi vội lấy dụng cụ giải phẫu chạy qua bệnh xá. Tuấn đã đến đó trước, quì xuống bên băng ca, lay mạnh người tù binh:

Anh thuộc đơn vị nào? Đến đây làm gì?

Cái băng ca chòng chành, làm cho xương ống chân đâm vào chỗ thịt lở. Người tù thét lên, đau đớn rên la:

Nước, cho nước!

Tuấn nói:

Anh phải khai rồi tôi cho uống nước. Họ sai anh đến làm gì?

Vi không thể chịu đựng được nữa:

Anh phải để Vi cho thuốc mê cưa gấp chân cho người ta. Không thể để thế này lâu được.

Tuấn gạt ra:

Có lẽ là địch đã biết rõ chúng ta ở đây. Phải lấy gấp lời khai của hắn rồi còn định liệu.

Anh cứ lay mãi thế này, hắn chỉ còn nước thét lên đau đớn rồi chết. Phải để cho em lo chuyện cấp cứu trước.

Dưới ngòi bút của NMG, nhân vật du kích quân và người y sĩ bộ đội hoàn toàn khác hẳn với những nhân vật bộ đội “chính thống” đầy lập trường giai cấp, gan lì, cứng cỏi trong sáng tác của các nhà văn miền Bắc hay nhà văn “vùng Giải Phóng” trước đây. Chúng cũng khác hẳn những nhân vật bộ đội răng đen mã tấu, hung hiểm và gian ác trong các truyện tuyên truyền chống Cộng của ngành thông tin. NMG không tạo ra một sản phẩm tiền chế: nhân vật không phải là cái gì phản ảnh một hiện thực tất định, mà là một quá trình tâm thức đa chiều, đa phương. Nó phải là “người đời” trước khi là một cái gì khác. Nó phải bình thường, thật bình thường trước khi trở nên bất thường hay phi thường.

Đó là bộ đội. Bây giờ ta đề cập đến một loại nhân vật khác có tính chất đối nghịch, một người lính VNCH trong truyện dài Đường một chiều (xuất bản trong nước trước 1975, tái bản ở hải ngoại, nxb Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ 1989). Truyện được viết dưới ngôi thứ nhất. Người xưng tôi trong truyện là một thiếu tá tiểu đoàn trường tiểu đoàn nhảy dù, loại lính thiện chiến nhất của quân đội VNCH trước 1975. Đang ở chiến trường thì nghe tin vợ bị giết nên được phép về nhà để để tang và tham dự phiên tòa xử kẻ sát nhân. Nhân vật tâm sự: “Độ ấy tôi mới ra trường, hăng say cuộc sống hoạt động nên chọn ngành dù. Tôi đỗ cao, tự nhủ không cần xin xỏ gì, họ cũng xếp mình vào các đơn vị chiến đấu để thi thố tài năng. Nhưng quan điểm của các cấp chỉ huy ngược hẳn lại. Họ cho tôi về cạo giấy ở ngay bộ chỉ huy. Tôi không dám khiếu nại, sợ cấp trên cho mình ưa lý sự và kiêu căng rởm.” Cũng lạ! Thời đó, một sĩ quan mới ra trường muốn đi lính nhảy dù, nếu không là tay bạt mạng, gan lì, ngang bướng, “xem trời bằng ngọn rau má” thì cũng là một người năng động, cương quyết, thích gì thì phải làm cho bằng được, ấy thế mà, anh chàng này lại “không dám khiếu nại”. Để đến nỗi phải “thèm cuộc sống rộn rã bên ngoài (…) thèm mồ hôi nhọc nhằn, thèm tình đồng đội. Thèm cơn say ngây ngất của máu trước mắt và lửa sau lưng.” – thứ kinh nghiệm mà anh ta chưa hề kinh qua.

Không những đã nhút nhát trong việc công, người sĩ quan “trai tân” ấy lại nhút nhát cả khi đi tán gái. Gái đây chẳng phải là một tiểu thư sắc nước hương trời gì cho cam, mà chỉ là một góa phụ. Sau một thời gian dọ dẫm, chỉ một câu nói “vô cùng ngắn ngủi và đơn giản” của người thiếu phụ lại “quấy nhiễu tôi cả đêm hôm ấy,” để rồi “Tôi ngồi nán lại khuya hơn, bẻ tăm nhiều hơn để nghe những đoạn tâm sự rời rạc gãy vụn như đống tăm trước mặt.” Anh ta hãnh diện và đồng thời cũng “bối rối không ít khi thấy chính mình rơi vào chiếc bẫy êm ái do mình giăng mắc.” Nghe giống như tâm trạng của anh học trò nghèo lần đầu biết yêu!

Nhưng đừng tưởng lầm anh ta yếu đuối. Người lính ấy mê đồng đội và chiến trường. Trong khi phải ở nhà chờ đợi phiên tòa, “tin tức chiến trường mỗi ngày mỗi thêm sôi động. Tiểu đoàn của tôi liên tiếp đụng lớn. Tôi nóng ruột quá, không biết các sĩ quan của tôi đã điều hành công việc ra sao. Cuối cùng, tôi phải gửi hết mọi chuyện ở nhà (…) , xin máy bay trở lại đơn vị.” Đúng là tâm trạng của một sĩ quan tiểu đoàn trường tiểu đoàn nhảy dù đầy trách nhiệm. Nhưng cách diễn đạt nghe “mềm” quá. Tưởng như anh ta trở về làm việc ở văn phòng chứ không phải là trở ra với chiến trường đầy máu lửa! Thế nhưng, ra đơn vị rồi trở lại, người sĩ quan dù can trường ấy “đâm ra lo âu. Không hiểu lo âu cái gì (…) Nhiều hôm một mình nhìn bóng đêm và nghe gió thổi xào xạc vào lá cây, tôi cảm thấy lo sợ vu vơ…” Đã thế, anh ta sợ không dám gặp kẻ sát nhân. “Tự nhiên tôi giật thót người. Tim đập liên hồi. Dạ tôi bồn chồn, vì từ ngày lên cao nguyên đến nay, tôi chưa gặp lại Ninh. Ngay khi xảy ra án mạng, có người đề nghị đưa tôi đến gặp Ninh để hỏi cho ra lẽ. Nhưng tôi cương quyết từ chối. (…) Trong thâm tâm, phải thú nhận là tôi sợ.

Nếu không được cho biết trước, chắc chắn không ai có thể xem một nhân vật như thế mà lại là một viên thiếu tá tiểu đoàn trường tiểu đoàn nhảy dù khét tiếng gan lì và thiện chiến trên khắp chiến trường miền Nam ngày ấy! Anh ta trông chẳng khác gì một ông công chức lâu năm ở văn phòng mà sự nhút nhát sợ hãi bất cứ thứ gì bất bình thường làm xáo trộn công việc đều đặn hàng ngày đã trở thành quán tính.

Bỏ qua chuyện phe này phe kia, bỏ qua chuyện lý lịch, nhân vật bộ đội và nhân vật người lính cộng hòa có rất nhiều điểm tương đồng về tâm trạng, về những phản ứng khá đời thường về những chuyện đời thường. Chúng vừa phải, không cực đoan, khiến cho không khí không mấy căng thẳng ngay cả trong những tình huống rất căng thẳng. Chúng y như những “bộ máy tâm lý” có đủ loại nút bấm với nhiều chức năng khác nhau, đủ để điều chỉnh, khiến cho nó vận hành vừa phải, không thái quá, không bất cập khi đương đầu với những biến cố cuộc đời. Cái “cận nhân tình”, cái “suy đi gẫm lại” khiến cho các hành vi và phản ứng của nhân vật “mềm mỏng”, tự chế đến độ đôi lúc không tương ứng với vị thế và vai trò bên ngoài của nhân vật. Điều này, ngoài quan điểm riêng của NMG về chuyện sáng tác, theo tôi, một phần là do lối viết của ông. Văn của ông đều đặn, chuẩn, không thiếu mà cũng chẳng thừa, lại ngay thẳng và từ tốn. Ngay cả khi mô tả những khung cảnh hay trạng huống tâm lý căng thẳng, đầy kịch tính, giọng văn vẫn thế. Thử đọc thêm một đoạn văn khác sau đây trong Biển xưa (Xuôi dòng):

Chúng tôi đang ở tuyệt lộ. Sau lưng là Phá Tam Giang. Bên trái là cửa Thuận An, bên phải, cửa Tư Hiền, trước mặt là biển, cả gần nghìn quân chúng tôi ở vào cảnh tuyệt lộ, nhưng cứ chạy dọc theo bãi cát Thuận An. Phải chạy sát vào mé nước để tránh cát lún, người sau chạy theo người trước. Phía trước đứng thì đứng, phía trước bắt đầu chạy thì chạy, đầu óc hoàn toàn trống rỗng. (…) Bây giờ tôi không còn nhớ “chuyện đó” bắt đầu xảy ra ở đâu, lúc nào, nhưng hình như chạy khỏi bãi tắm Thuận An độ một giờ, thì bắt đầu có người tách khỏi đoàn, đến ngồi bệt gần mé nước. Một lúc, thêm một người tách đoàn đến ngồi bên người trước. Rồi người thứ ba, người thứ tư. Họ ngồi quây tròn, lặng lẽ. Một tiếng lựu đạn nổ. Đoàn người khựng lại một chút, rồi tiếp tục chạy. Một lúc sau, một người khác tách đoàn, đến ngồi bên mé nước. Và vòng người kín dần, thành hình. Lại một tiếng nổ…Tâm đã vỗ vai vĩnh biệt tôi lúc gần đến cửa Tư Hiền, để làm một trong những người đầu tiên lập vòng mới!”

Những người chưa đọc truyện ngắn Biển xưa này có lẽ không hình dung được ngay khung cảnh mô tả trên. Đó là một đoạn trong câu chuyện kể về cảnh tự tử tập thể của một đơn vị quân đội VNCH trên đường rút quân khỏi chiến trường Trị Thiên tháng 3/1975. Người kể là nhân vật nam, người nghe là một phụ nữ làm cùng sở, vốn là vợ của Tâm, một trong những người tự tử. Một khung cảnh bi tráng như thế lại được diễn tả bằng một giọng văn khá “bình thường”, quá gọn, quá cô đọng, thậm chí quá dửng dưng. Ngoài chi tiết “tiếng lựu đạn nổ”, không còn có tiếng động gì hay hình ảnh gì khác. Không có tiếng la, tiếng hét, tiếng rên, không có máu phụt tung tóe, thịt nhầy nhụa, óc não phun ra bầy nhầy. Không ai kinh hoàng, chạy nhảy, tiếp cứu, than thở, khóc lóc, ngăn cản…

Đây là lần đầu tiên người vợ nghe người trong cuộc thuật lại cái chết bi tráng của chồng mình. Nếu bạn nào chưa đọc, tò mò muốn biết người phụ nữ phản ứng ra sao sau khi nghe chuyện, thì tôi xin trích tiếp sau đây:

Người đàn bà chết lặng hồi lâu, ngồi im như pho tượng, hai tay thu xuống dưới chiếc bàn ăn.(…) Nàng cố gượng vui, ho khẽ một tiếng, rồi hỏi với giọng hơi khao khao:

Anh ấy có dặn gì không?

Không!

Hình như nàng hơi thất vọng, lại đưa giấy lên che miệng để ho. (…) Giọng nàng dứt khoát hơn:

Chẳng lẽ trước đó, trước khi rút khỏi Mỹ Chánh, anh ấy không nói gì về vợ con cả!

Có chứ. Tâm có đưa ảnh cô cho tôi xem. Cả cái ảnh cháu gái vừa làm lễ mừng thôi nôi. Bây giờ cháu đó ra sao?

Cháu đã lên 12. Đang học lớp sáu trường Santiago.

Chàng hỏi:

Cháu nó chắc ngoan lắm!

Nàng cười buồn:

Vâng, khá ngoan. Lâu lâu có nổi cơn ưa chọc ghẹo mấy đứa em, nhưng khi bị mắng, có biết xin lỗi.

Chàng ngước lên, nhìn người đàn bà đăm đăm. Nàng thở dài, giọng phân bua:

Tại nó không thích mấy đứa em lai. Nhưng biết làm sao bây giờ?” (trang 136)

Người vợ, ngoài chi tiết “chết lặng hồi lâu, ngồi im như pho tượng”, sau đó, trở lại bình tĩnh y như nghe câu chuyện về một ai khác. Gượng vui, giọng khao khao. Thế thôi. Không hỏi dồn hỏi dập, không gục mặt xuống bàn khóc nức nở. Thực ra, riêng trong truyện này, tâm trạng và phản ứng như thế được tác giả đơn giản hóa là có dụng ý riêng: chính cái dửng dưng có tác dụng làm cho câu chuyện trở thành bi thảm hơn, nhờ cái “dư vị” mà nó để lại sau khi đọc.

Cảnh vụ thảm sát Mậu Thân ở Huế sau đây được mô tả tương đối “mạnh” hơn:

Im lặng nặng nề bao trùm lên mọi vật (…) Rồi đột nhiên, ngay bên cạnh trường, súng nổ ran. Đám người ngồi trước sân nhốn nháo, vài người bạo gan nhổm dậy, rồi nhớ kỷ luật sắt lại ngồi xuống. Đúng lúc đó, những họng súng trung liên từ các cánh cửa sổ phòng học chìm trong bóng tối khạt đạn như mưa vào đám người trước sân. Ngô không dám tin ở mắt mình, há hốc mồm nhìn cảnh tượng những thân xác gục ngã, quằn quại, rồi rũ xuống nằm vắt lên nhau. Tai Ngô ù đi, mắt chàng nhòa lệ. Chàng cảm thấy ngầy ngật chơi vơi như không dính liên vào mặt đất. Xương sống chàng mềm lại, không đủ sức chống đỡ sức nặng của sự sợ hãi khủng khiếp. Ngô run lập cập, quỵ xuống gốc cây khuynh diệp lúc nào không hay. Chàng chỉ gượng dậy được khi nghe tiếng súng thưa thớt. Trên sân trường, mấy xác chết nằm ngổn ngang, có xác còn co giật, có xác oằn oại như thân rắn bị dí bẹp mất đầu.

(…) Trong một chốc, các xác chết hoặc cả những người còn hấp hối đều được khiêng đi, vất xuống các hào rộng cuối sân. Đám bộ đội ngồi trên thềm gác ngang khẩu AK lên đùi, chân bỏ thõng, phì phèo điều thuốc nhìn cảnh làm việc rộn rịp hăng hái.. Có thể chưa bao giờ người ta hăng hái đến bậc ấy. “Chiến trường” được dọn dẹp sạch sẽ, chóng vánh…Người ta bắt đầu lấp đất lên cái huyệt rộng. Cát sỏi rơi rào rào, chen lẫn tiếng gió hú.” (Mùa biển động)

Dẫu vậy, nói chung, giọng văn của NMG đã làm giảm nhiệt biến cố, làm “mềm” đi khung cảnh và cá tính của nhân vật.

Trở lại với khái niệm “bộ máy tâm lý” mà tôi sử dụng để hình dung các nhân vật của NMG, ta hãy đọc thêm một truyện ngắn khác: Thư sông Đà (Xuôi dòng). Truyện được viết dưới dạng một lá thư mà nhân vật gửi cho người chị của mình, giải thích một biến cố quan trọng trong đời nàng. Nàng được chồng bảo lãnh qua Mỹ theo diện đoàn tụ gia đình. Sau một thời gian xa cách, gặp chồng, nàng quan sát khá tỉ mỉ về thái độ, cử chỉ, cách ăn mặc cũng như hành động của chồng. Tâm trạng nàng thay đổi tùy từng chi tiết mà nàng khám phá ra. Thời gian đầu, nàng vui, nàng bỡ ngỡ rồi dần dần đi đến chỗ ngạc nhiên, buồn chán và thất vọng. Rốt cuộc, “Em chán, thấy không còn gì để cố gắng thêm nữa. Tụi em như hai cái bóng ma của nhau, có đó mà không có đó. Anh ấy đi, về, như một người khách trọ lặng lẽ, kín đáo. Tiếng chìa khóa tra vào ổ khóa cửa trước…Tiếng kẹt cửa…Tiếng bước chân đều đặn ở cầu thang…Tiếng mở cửa phòng… Tiếng bật công tắc…Tiếng cánh cửa tủ lạnh đóng ập vào…” Một đoạn khác: “… anh ấy vào phòng đóng cửa lại. Em giận, gần như đấm vào cửa phòng anh ấy. Anh ấy ra mở cửa, mắt ngơ ngác. Tai đeo headphone”. Cuối cùng, chuyện gì xảy đến phải xảy đến. “Lần cuối cùng chúng em xô xát nhau cũng do hoàn cảnh tương tự. Em tự tiện xô cửa phòng anh ấy, để báo cho anh ấy biết là em không thể chịu đựng thêm được nữa. Em phải tìm việc làm. Em phải có đời sống riêng của em. Anh ấy đang xem video, một cuốn phim X Hồng Kông. Em nói, anh ấy nhướng mắt lên ngơ ngác. Trả lời nhát gừng. Em chạy đến chỗ cái tivi tắt máy. Anh ấy thản nhiên đến bật lại cái công tắc. Em giật bộ headphone ra khỏi tai anh ấy (…) Anh ấy trân trân nhìn em, đôi mắt lơ láo như người dại. Em bắt đầu sợ. Anh ấy bước về phía em, bước đi cứng nhắc, chậm chạp, chân lê trên sàn nhà như tê dại. Em sợ quá, lùi về phía cửa phòng. Anh ấy tiến về phía em (..) Trong một phút kinh hoảng cực độ,em lấy hết sức xô anh ấy ra. Anh ấy ngã xuống thảm. Và lúc đó, chị ơi, em khám phá ra rằng ngoài cái dây nối liền bộ headphone gắn vào máy video cassette, còn có một sợi dây khác nối liền anh ấy với ổ cắm điện. Trong lúc xô xát, em vô tình làm rời nút cắm điện ra hỏi nguồn năng lực từng giúp anh ấy cử động, nói năng…”

Ta không thấy con người đâu chỉ thấy những trạng thái tâm lý nối tiếp nhau. Nhân vật tràn đầy tâm trạng đụng độ với một nhân vật khác khác hoàn toàn “vô-tâm-trạng”!

Nhân đây cũng cần nói thêm một chút. NMG có xu hướng hiện thực, nên ít khi thấy ông sử dụng ẩn dụ trong các sáng tác của mình. Thư sông Đà có lẽ là một ngoại lệ. Đó là một truyện ẩn dụ khá thú vị của NMG: con người làm việc ở Mỹ giống như một người máy. Ẩn dụ này khiến tôi nhớ đến hình ảnh “chiếc tàu lửa” và “con ngựa” (ám chỉ máy móc và con người) trong bài thơ “Cánh đồng con ngựa và chuyến tàu” của Tô Thùy Yên ngày trước (1956). Ở TTY, có một sự chạy đua bất tương xứng giữa con người và máy móc. Trong Thư sông Đà, có một sự đụng độ giữa người và máy, mà cái bi thảm hơn ở chỗ, máy ở đây là một con người đã bị xã hội kỹ thuật làm biến tính.

Cách xây dựng nhân vật dựa trên những yếu tố nội tâm như thế cũng đã được tác giả sử dụng để dựng lại hình ảnh của một nhân vật lịch sử khá đặc thù: Nguyễn Huệ trong “Sông Côn mùa lũ”. Từ đầu đến cuối bộ trường thiên dài cả hai ngàn trang, Nguyễn Huệ xuất hiện trông khác và khác hẳn với ông vua Quang Trung trong lịch sử. Nguyễn Huệ đi, đứng, ăn nói, y như chúng ta, gần gũi, bình thường. Các phản ứng, cách biểu lộ tình cảm với bạn, với người yêu, với vợ con, với kẻ thù, đều dung dị, cận nhân tình, gần gũi và có thể hiểu được. Nói không ngoa, nếu bỏ đi vai trò của một ông vua và của một tướng lãnh gần như bách chiến bách thắng, Nguyễn Huệ của NMG chẳng khác gì mấy với những nhân vật trí thức bình thường khác trong Mùa biển động hay trong các truyện ngắn của ông. Tuy nhiên, cũng chính ở điểm này, cố ý hay vô tình, do tác giả tận dụng mọi cơ hội để cho Nguyễn Huệ phát biểu quan điểm của mình về chính trị, kinh tế, quân sự…,NMG đã nâng Nguyễn Huệ cao hơn một bậc về mặt tri thức.

Bàn về cách xây dựng nhân vật, có lần, NMG phát biểu: “Trong khi nhiều nhà văn khác thích chọn những mẫu người phi thường, khác thường, dị thường, bản tính khiến tôi thích chọn những mẫu người, mẫu đời bình thường, tầm thường. Suy từ mình, tôi định nghĩa con người bình thường là con người thụ động, ích kỷ, nhút nhát, rụt rè trước quyền lực, làm được cái gì cao cả cũng phải bị hoàn cảnh thúc đẩy đến chỗ không có lựa chọn nào khác, và khi ra khỏi hoàn cảnh đặc biệt ấy, lại trở về với lối sống tầm thường cố hữu.” (Dẫn từ “Thảo luận…”)

Tôi không nghĩ là NMG chọn những mẫu người bình thường, tầm thường để làm nhân vật mà chọn cách mô tả con người theo cơ chế tâm lý bình thường của họ. Những mẫu người trong các tác phẩm của ông là rất đa dạng, từ tầm thường đến bình thường, từ bình thường đến trên cả bình thường, có khi trên rất xa. Nguyễn Huệ chẳng hạn. Nhưng dù là mẫu người nào, về bản chất, con người không khác xa nhau. Đây là phương pháp của NMG: mô tả cái cốt lõi của bản chất con người, cái mà sau khi lọc bỏ tất cả những mặt nạ về địa vị, quyền lợi và vai trò xã hội, tất cả đều giống nhau. Cái cốt lõi đó, theo NMG, chính là “thụ động, rụt rè, ích kỷ, nhút nhát” trước quyền lực. Nếu phản ứng của một ai đó có đặc thù, hay nói như NMG, “làm được cái gì cao cả”, thì là vì “hoàn cảnh thúc đẩy không còn chọn lựa nào khác”. Có nghĩa là, con người chỉ khác nhau trong những trường hợp đặc thù. Còn ngoài ra thì đại loại như nhau! Nguyễn Huệ hay Nguyễn Nhạc hay Ngữ hay Tường hay Diễm …đều là người đời. Yêu thương, thù hận, tha thứ, đắc chí, hãnh tiến, hèn hạ vân vân và vân vân, nằm trong “thất tình lục dục”, thuộc tính của con người.

Chính cái “đại loại” như thế khiến cho những nhân vật đáng ghét của NMG bớt đi nét đáng ghét, những nhân vật đáng thương giảm đi phần đáng thương. Nói khác đi một chút: ai dường như cũng có vẻ đàng hoàng, dễ thương và dễ thông cảm. Có lẽ không xa lắm với ý đó, Đặng Tiến, trong bài viết về Mùa biển động, nhận xét rằng các nhân vật trong đó “tuy đông đảo, phức tạp, truân chuyên, nhưng không có ai xấu, họ đều ở hiền, gặp lành: đây là một nét đặc biệt trong phong cách Nguyễn Mộng Giác. Người Việt Nam suốt trong hai mươi năm Mùa biển động đã sống bao nhiêu đọa đày, khổ nhục, giá dụ ai cũng được số phận của nhân vật Nguyễn Mộng Giác thì đỡ quá.” Nói về nhân vật trong tất cả các truyện của NMG, chuyện “gặp lành” thì không chắc mấy, nhưng “không ai xấu” và “ở hiền” thì quả là khá rõ nét, thưa anh Đặng Tiến.

Vì thế, nhân vật chính diện hay phản diện của NMG dường như đều có cái nét chung chung, gần gũi. Trong nhiều truyện, thậm chí, ta không tìm thấy mô thức chính diện/phản diện thông thường, thường tìm thấy ở các tiểu thuyết khác. Dường như nhân vật chính diện cũng là nhân vật phản diện. Hay nói cách khác nữa, chính diện hay phản diện nằm ngay trong chính mỗi nhân vật. Rốt ráo hơn, có lẽ không còn chính diện hay phản diện, mà chỉ là những nét khác nhau của cùng một con người. Có thể do thế, mà những nhân vật của NMG hao hao giống nhau. Một số thiếu hẳn cá tính, không điển hình và gây những ấn tượng mạnh. Chúng tròn trĩnh, ít góc cạnh, không gây “sốc”.

Hai trường thiên tiểu thuyết Sông Côn mùa lũMùa biển động, do rộng về không gian và dài về thời gian, NMG phát huy thoải mái tất cả nội lực của mình, xây dựng nên một “cộng đồng” nhân vật đa phương, đa dạng. Mỗi nhân vật tiêu biểu cho một hạng người trong cuộc nhiễu nhương của đất nước, kéo dài trong suốt hơn một thập niên. Chúng được soi rọi từ nhiều góc cạnh khác nhau. Cá tính, sở trường sở đoản của mỗi một nhân vật có dịp đụng độ lẫn nhau, được thử nghiệm trên nhiều hoàn cảnh khác nhau, khiến cho cốt lõi của từng người đời đều được thổi bung ra. Nhiều chi tiết bất ngờ được nêu ra không những làm nổi bật quan niệm sống của từng nhân vật mà còn cho thấy sự cọ xát giữa cá tính/cá tính, con người/con người như những hiện sinh vừa độc lập lại vừa tương thuộc.

Sau đây là một số nhân vật điển hình trong Mùa biển động (Nxb Văn Nghệ, California, Hoa Kỳ, bốn tập, lần lượt xuất bản từ năm 1984-1989). Nói chung, nhân vật thường được hình thành trên bốn điểm:

– nhân dáng và thành phần xã hội

– cá tính và các phản ứng tâm lý

– cách suy nghĩ

– các phát biểu (qua đối thoại)

NMG đề cập đến nhân dáng, nhưng hầu hết đều qua loa, đại khái, thậm chí có nhân vật, ông chẳng hề nhắc đến diện mạo bên ngoài. Về thành phần xã hội, ông mô tả khá rõ ràng. Một số còn được mô tả khá kỹ. Nhưng nói chung, những nhân vật đó đến với người đọc qua hai yếu tố cuối cùng, tức là cách suy nghĩ (giòng ý thức) và các phát biểu. Tóm lại, là con người bên trong của họ. NMG đã dành rất nhiều trang đi sâu vào cách suy nghĩ của nhân vật về mình, về người và về cuộc sống và cũng dành không ít trang cho các phát biểu của nhân vật trong các đối thoại. Nhiều phát biểu khá dài, trông như một bài giảng thuyết được soạn sẵn. Theo tôi, chính cách suy nghĩ và các phát biểu của nhân vật là phong cách rất riêng của NMG, được thể hiện đầy đủ trong hai bộ trường thiên.

Trước hết là Ngữ, nhân vật chính. NMG cho Ngữ “thử” đủ thứ kinh nghiệm trên đời: tình bạn, tình cha con, lúc chiến đấu, lúc yêu, lúc sợ hãi, lúc đi chơi bời, lúc tuyệt vọng, lúc ngoại tình, lúc ngã ngựa, lúc ở tù…Mỗi một kinh nghiệm, NMG lại cho bộc lộ ra một Ngữ mới.

Ngữ qua cách nhìn của nhân vật “cha”, ông Văn. Theo ông Văn, lúc nhỏ “Ngữ mạnh khỏe và thông minh, ham học hỏi ham đọc sách”. Đến lúc dậy thì “Ngữ trở nên khó tính, hay cãi bướng, hay thích sống cô độc.” Và khi lớn, “các trái chứng của Ngữ vẫn còn đó.”

Ở một đoạn khác, Ngữ lại được mô tả qua cách nhìn của Ngữ đối với cha mình:

Ngữ lại nhìn ông với đôi mắt hoài nghi. (…) Ngữ thường “so sánh những điều cao viễn cha mình thao thao bất tuyệt ở lớp với những điều thật tầm thường” của ông trong gia đình. Ngữ do dự “chưa hiểu con người nào giữa hai người mới thực là cha mình…

Ở một đoạn khác, là quan hệ giữa hai cha con. Hai cha con hiếm khi “tâm sự với nhau”. Chỉ đến khi Ngữ “tập tò viết văn”, quan hệ đó mới “khá hơn” khi ông Văn thấy “ước vọng sáng tạo của mình được con thực hiện. Ông hết đem cái gương sáng của Tường ra nói cạnh nói khóe trước mặt Ngữ.”

Nhân vật Ngữ cũng được phản ảnh qua những suy nghĩ rất riêng, khá điển hình về mình và về người:

“Cái khó cho chàng là khả năng giao tế của Ngữ kém quá. Chàng biết đó là một khuyết điểm lớn lao (…) Nhiều lần suy nghĩ, Ngữ nhận thấy cái thất bại lớn nhất của đời chàng, là chàng nghiêm chỉnh quá. (…) Ngữ ít cười, thật bậy! (…) Nhưng Ngữ không dễ dãi trong cách cười cợt. Chàng thấy trong hầu hết trường hợp, các bạn quảng giao của chàng cười một cách lãng xẹt, cười thật vô duyên, đó là chưa kể những cái cười nịnh, cười ruồi, cười cầu cạnh, cười vuốt đuôi.(…) Ngữ cho mọi người đều đáng trọng, đáng kính nể về tài năng, đạo đức. Nếu như vậy, làm sao dám hạ thấp người ta khi đem một chầu cà phê, một bữa nhậu ra làm quà lót đường cho được việc!”

Cách Ngữ nhìn bạn mình, một giáo sư triết: “Ngữ kinh ngạc một cách thích thú vì thấy Tường đổi khác. Bạn chàng có một đam mê mới, đam mê làm một cuộc “cách mạng trong sạch và nhân đạo nhất trong các cuộc cách mạng”. Lối sống, lối ăn mặc, lối dùng chữ của Tường thay đổi hẳn, không có chút dấu tích nào của “thời hiện sinh” cũ. (…) Thay vào những cuốn sách triết Tây phương dày cộm chi chít các ghi chú và gạch xanh gạch đỏ, là những cuốn lịch sử cách mạng Pháp, cách mạng Nga, thuật lãnh đạo, tâm lý quần chúng…Ngữ mừng bạn đã tìm được một thứ thời trang ít phù phiếm hơn, đôi lúc còn thích thú nghe Tường phân tích nguyên nhân thành bại của cuộc cách mạng này hay một biến cố kia, bằng những lời lẽ văn hoa. Tường vẫn thế, lúc nào cũng nhìn con người theo cái nghĩa thuần lý của nó, do đó những buổi nghe Tường say sưa nói hết cuộc cách mạng này đến cuộc cách mạng khác, Ngữ cảm thấy cách mạng y như một bài thơ tình.”

Cách Ngữ nhìn những thành phần khác trong xã hội chàng đang sống: Ngữ khinh bỉ loại tướng tá hãnh tiến và tham nhũng, tầm nhìn không xa quá chiều dài cây gậy chỉ huy. Nhưng đồng thời chàng cũng ngờ vực sự sáng suốt của những kẻ cuồng tín hay sốc nổi. “Tiếng nói của quần chúng, khát vọng của tuổi trẻ, sức mạnh của Đạo pháp”, những ý niệm trừu tượng đó khi cụ thể hóa bằng những cuộc họp vô trật tự mạnh ai nấy nói, bằng những vụ xuống đường đập phá không lý do, bằng những huyền thoại loan truyền về các nhà tu lãnh đạo tranh đấu…đã khiến cho Ngữ không dám vội tin vào những mỹ từ.”

Trên đây chỉ là một vài trích đoạn tượng trưng về nhân vật Ngữ. Trong suốt bộ trường thiên, ta còn bắt gặp nhiều và rất nhiều những suy nghĩ và phát biểu của Ngữ về bạn bè, về cuộc đời, về chiến tranh, về sáng tác văn học, về tình đời, về chính trị và đặc biệt, nguyên cả chương 180 ghi lại nhật ký của Ngữ với những suy gẫm của chàng về thân phận con người, về cuộc sống chung quanh dưới chế độ mới có kèm theo nhiều bài cổ thi minh họa. Đánh giá người, đánh giá mình với một quan điểm rõ ràng, khúc chiết, Ngữ phải là một nhân vật trí thức đã dành nhiều thì giờ nghiên cứu và suy nghĩ về tâm lý, về bản chất chính trị của con người. NMG đã dựng nên nhân vật Ngữ thông tuệ hơn nhiều so với lý lịch của một Ngữ mà NMG đã phác họa ra.

Ngoài Ngữ, các nhân vật khác cũng được tác giả bám theo, quan sát hành vi, cử chỉ và những biến chuyển nội tâm đặc thù. Do tính chất “cận nhân tình”, nên dù các nhân vật thuộc về những thành phần, địa vị, cá tính, hoàn cảnh khác nhau, dường như không ai là “người xa lạ” mà nguợc lại, giống như những “kẻ láng giềng”, người thân và thậm chí, mang cả bóng dáng của chính mình trong đó. Ta thông cảm và chia xẻ quan điểm cuộc đời và hành vi của Ngữ đã đành, nhưng ta cũng thông cảm với Ngô, một trí thức thành thị vô tình bị hoàn cảnh đẩy vào hàng ngũ Cộng Sản, mà cũng không có ác cảm gì nhiều đối với Tường, người từ đầu chí cuối là một trí thức tả khuynh và rồi trở thành đảng viên Cộng Sản. Ta lại càng thông cảm với Quỳnh Trang, một cô gái hiền thục, rất Huế, rất nề nếp, nhưng không ghét gì Quỳnh Như, một “me Mỹ” hay một Diễm, dám trao thân cho người yêu, rồi đành đoạn bỏ đi lấy chồng giàu, sau lại tìm cách dan díu với người tình cũ bây giờ đã là chồng của bạn mình. Cảm giác đó không khác đối với cả nhân vật Dale, người Mỹ, chồng của Quỳnh Như hay bà cụ Lucy, mẹ của Dale.

Sau đây là một số trích đoạn về một vài nhân vật khác trong Mùa biển động.

Nhân vật Tường. Là một nhân vật tượng trưng cho thành phần trí thức tả khuynh, NMG đã nhiều lần cho Tường bộc lộ những quan điểm riêng khá cực đoan của mình về chính trị. Sau một thời gian lên rừng chiến đấu và trở về trong tư cách của người chiến thắng, Tường trở nên lấp la lấp lửng, lúng túng giữa lý tưởng và thực tế. Tường nói với Ngữ: “Lúc mới lên rừng, tao cũng ngỡ ngàng như mày hiện nay. Tao nghe nói tiếng Việt nhưng không hiểu, như nghe một loại ngôn ngữ khác. Có những điều tao nói với lòng chân thành, không ngờ người ta nghe xong cho là điều quái dị, không thể nào như thế được. Chẳng hạn tao nói tao giác ngộ cách mạng nhờ triết học hiện sinh. Mày nhớ hồi đó tao vẫn khoái lối Sartre dùng cái nhìn hiện tượng luận để mô tả cử chỉ ngụy tín của anh bồi bàn. Tao nói Sartre giúp tao nhìn ra cái giả ngụy của giới trưởng giả, từ đó tao tìm đọc triết lý hành động và gặp Marx. Câu chuyện tao thành giai thoại khôi hài trên rừng, truyền ra cả Hà Nội (…) Tao học được bài học khôn từ đấy. Mày chưa từng đổi phe, khó lòng mày hiểu hết những điều tao nói.

Cách suy nghĩ của Tường khi làm việc: “Trong thời gian làm việc tại Thành đoàn, Tường gặp nhiều điều bực bội (..) Những sinh hoạt một thời cuốn hút Tường như hội họp liên miên, ngồi quanh vỗ tay hát, xông ra đường tịch thu sách báo cũ, những đêm thức trắng làm báo in sách cách mạng bây giờ Tường vẫn làm nhưng không còn hứng thú nữa. Mới đầu Tường nghĩ lý do chính là tuổi tác (…) Nhưng sau đó, Tường tự thấy lối giải thích ấy không ổn. Nhiệt huyết và lý tưởng của tuổi trẻ bao giờ cũng đẹp. Tường vẫn dành trọn thiện cảm đối với các bạn trẻ cùng làm việc ở thành đoàn. Cái khổ là Tường biết nhiều hơn là những việc được giao cho phụ trách.” (…) Bọn trẻ vẫn hăng hái xông ra đường làm hết những việc khó khăn, chịu đựng những lời chửi rủa của thiên hạ, tropng lúc đó bọn già cứ tìm cách hưởng lợi. Bộ máy ghi âm Tường đem từ nhà vào bị hư không dung được, chưa kịp tìm cầu chì thì chỉ trong vòng vài ngày, giàn máy bị phân thây mỗi nơi một bộ phận, biến dạng như một phép lạ. Hỏi thì người này đổ cho người kia. Tường thấy thương lớp trẻ mà không làm gì được. Càng ngày Tường càng thấy cô đơn.” (1641, 1642)

Những suy nghĩ và cách nói cách cư xử như thế của một cán bộ Cộng Sản có cái gì rất gần gũi, thân quen, không chứa đựng một nét hãnh tiến đáng ghét nào của một tay chiến thắng. Thậm chí như mọi người. Như Ngữ, như tất cả chúng ta.

Nhân vật Dale, chồng của Quỳnh Như, em vợ của Ngữ. NMG dành nhiều chương (5 chương nguyên và rải rác ở các chương khác) để mô tả về con người, cá tính, gia thế, nghề nghiệp và các hoạt động cũng như tình yêu của anh ta với Quỳnh Như. Mô tả hành vi của Dale trước khi Dale đến gặp cha mẹ vợ tương lai để được xem mặt: “Trời Sài Gòn buổi trưa nóng bức, căn phòng Bob thuê loại rẻ tiền không có máy lạnh, chiếc quạt máy cho chạy hết tốc độ nhưng mồ hôi Dale cứ vã ra như tắm. Dale nôn nao đi ra đi vào, nhìn đồng hồ cứ sợ trễ giờ. Còn hai giờ nữa mới tới giờ hẹn, Dale chợt sợ cảnh kẹt xe của Sài Gòn, hoặc biết đâu trên đường tới nhà Quỳnh Như chàng không gặp một tai nạn, một điều bất thường nào đó. Dành ba mươi phút để đi là một tính toán sai lầm (…) Dale lái xe ngang qua nhà Quỳnh Như lúc 3 giờ rưỡi, và suốt nửa giờ cứ quanh quẩn lái nhiều vòng không dám dừng lại, cũng không dám lái đâu xa hơn. Nóng nực, nôn nao, cuối cùng Dale phải ghé một quán nước gọi một hộp cô ca.” (tr. 915)

Tâm trạng của Dale khi trở về lại Mỹ: “Càng đọc (báo chí Mỹ) Dale càng hoang mang. Chàng tưởng hồi hương là được trở lại sống ít lâu trong cái êm ả thanh bình của quê hương, để bắt đầu một cuộc phiêu lưu mới trong nghề báo. Chàng tưởng mình là người từ mặt trận trở về, người biết quá nhiều, người được chứng kiến và kề cận với chiến tranh nên trong chuyến hồi hương này, những thiếu nữ ngây thơ vừa tốt nghiệp trung học, những cậu trai mới lớn mơ ước (…), những bà già (…), những nhân sĩ (…), sẽ mời mọc chàng tới kể cho họ nghe chuyện Việt Nam. Từ già tới trẻ sẽ nín thở uống từng lời chàng (…) Mới đọc sơ qua vài tờ báo cũ, Dale đã biết mình quá lầm lẫn. Chàng không phải là người về từ mặt trận. Quê hương của chàng hiện cũng là mặt trận.

Suy nghĩ của Dale về nghề nghiệp: “Ý tưởng đổi nghề bám riết lấy Dale. Một hôm khác ngồi một mình ở Givral, Dale chợt nghĩ: Sao mình không xin một chân dạy học ở Việt Nam? Vừa tự hỏi, Dale đã cau mày thất vọng. Bằng cấp mình thấp quá. Dạy học theo chương trình thiện chí thì sao cũng được vì dạy “free”, nhưng muốn dạy học chính thức, phải có bằng Ph. D. như ông Clark, như ông Woodward, như cô Larrington. Hay mình về Mỹ học tiếp cho xong cái Ph. D. rồi trở lại Việt Nam. Ủa, mà tại sao không vận động để Quỳnh Như cùng đi học với mình luôn thể? Hai vợ chồng cùng có học vị cao, trở về Việt Nam dưới danh nghĩa hai giáo sư đại học, Chúa ơi! Còn gì đẹp hơn!”

Nói không ngoa, nếu thay tên Dale bằng một cái tên Việt Nam, Hoài hay Huân chẳng hạn, thì cách suy nghĩ cũng như hành động của nhân vật người Mỹ này chẳng khác gì mấy với một nhân vật Việt Nam chính cống.

Trong số những nhân vật phụ, có một nhân vật gần như không đóng một vai trò rõ rệt gì trong diễn tiến của câu chuyện chính, và chỉ xuất hiện ngắn ngủi trong truyện, được NMG xây dựng khá kỹ: đại uý Thường. Đại úy Thường tiêu biểu cho một con người quốc gia lý tưởng, có lập trường chống Cộng “vững chắc”, cả về tư tưởng lẫn hành động. Khác với nhiều nhân vật khác, đại úy Thường được cung cấp cả một lý lịch cụ thể, từ nguồn gốc, gia thế, con đường hoạn lộ. Đặc biệt, nhân vật này được NMG quan tâm về nhân dáng bên ngoài.

Dưới cái nhìn của Ngữ, viên đại úy này có “Da nâu, mặt xương, tóc thưa cắt ngắn. Cổ cao lộ hầu. Bộ bà ba đen rộng, không phải vì thợ may đo lầm mà vì thân hình ông Thường ốm, lại mặc một bộ đồng phục may sẵn, không chịu sửa lại cho vừa tầm. Bao nhiêu nét bình thường ấy làm nền cho một đôi mắt, Ngữ không thể quên được đôi mắt, nhiều lần uốn ghi lại đặc điểm của đôi mắt ấy mà vẫn thấy bất lực. (…) Ông không có đôi mắt tươi vui hồn nhiên của người may mắn gặp được nhiều thành công ở đời. Ông có ánh nhìn hơi mệt mỏi, chịu đựng pha đôi chút thờ ơ thản nhiên của người đã nếm qua nhiều thử thách, trải qua lắm bất ngờ đến nỗi không còn kinh ngạc về bất cứ điều gì.”

Và đặc biệt nhất là các phát biểu của ông đại úy này về thời cuộc, về người Mỹ, về cuộc chiến tranh chống Cộng, về lòng dân, về chế độ Ngô Đình Diệm và về một giải pháp cho cuộc chiến Việt Nam trong câu chuyện trao đổi với trung tá Thanh, cấp trên của Ngữ, khi trung tá Thanh và Ngữ về phục vụ tại Bình Định. NMG đã dành cho ông Thường nói gần như nguyên cả chương 111 (7 trang). Đó không còn là cuộc nói chuyện giữa hai người mà là một bài thuyết trình soạn sẵn của một lý thuyết gia trong một cuộc hội thảo chính trị quan trọng. Mãi đến 44 chương sau (chương 155), Đại úy Thường mới xuất hiện trở lại. Đó là chương đề cập đến những ngày cuối cùng của chế độ Việt Nam Cộng Hòa.

“Vừa lúc đó, đại úy Thường hiện ra trước cổng căn cứ. Hai tay ông để lên đỉnh đầu y như mọi người ra trước. Ông bước chậm, thảnh thơi như cố ý kéo dài thời gian còn được tự do. Người bộ đội cầm loa nóng ruột giục:

Khẩn trương lên! Khẩn trương lên!

Đột nhiên, viên đại úy dừng lại, rút bàn tay khỏi đỉnh đầu đút vào túi áo trận như muốn lục túi lấy vật gì. Những khẩu AK khạc đạn vào thân thể ông Thường. Ông ngã sấp xuống, thân oằn lên rướn cong rồi nằm lật ngửa ra, mắt nhìn lên trời. Đạn xoáy đất tạo thành một lớp mây mỏng tỏa quanh xác ông. Trung tá Thanh sững sờ kinh ngạc không kêu lên được tiếng nào, ngực tức khó thở. Ngữ cũng kinh ngạc rồi bật khóc lúc nào không biết.”

Một cái chết khá điển hình của một quân nhân VNCH vào ngày tàn của cuộc chiến, chấm dứt một “mùa biển động” để rồi đi đến một “mùa biển động” khác sau này! Tuy là nhân vật phụ, rất phụ, nhưng hình ảnh ông đại úy Thường để lại một hình ảnh khó quên trong lòng độc giả.

Nhân vật, điều trông có vẻ hết sức hiển nhiên trong tiểu thuyết, lại đã từng bị phủ nhận. Theo các nhà văn thuộc trường phái “Tân tiểu thuyết” Pháp (Nouveau roman), cái gọi là nhân vật chỉ là một khái niệm lỗi thời, cũ rích, hoàn toàn không thích hợp gì với với giai đoạn hiện nay. Nhân vật chỉ là một huyền thoại. Từ những nhận định trên, các nhà tân tiểu thuyết xây dựng nhân vật với những chi tiết lý lịch sơ sài, thậm chí không có lý lịch, không có cá tính, không tên tuổi. Thời gian và không gian thì cực kỳ mơ hồ. Thay vào đó là sự tường thuật một cách dửng dưng và khách quan những cảm nghĩ, những cử chỉ, hành động của nhân vật và những sự vật bề bộn chung quanh.

NMG không những không đẩy nhân vật vào huyền thoại mà trái lại, còn nuôi dưỡng và phát huy nó đến một tầm mức cao hơn và vững chắc hơn. Có thể nói hai bộ trường thiên của ông đầy ắp nhân vật. Nhân vật không chỉ là “một cái gì đó”, nghĩa là một cái tên kèm theo một số thuộc tính, đủ để phân biệt với “một cái gì khác”, mà là một thực thể được cấu trúc chặt chẽ, “lô-gíc”. NMG cẩn trọng, cần mẫn tạo dựng những đứa con hư cấu của mình từ cá tính, lai lịch cho đến cơ chế tâm lý với những chi tiết linh động, đặc thù để làm nổi bật lên hiện hữu và số phận từng người. Do nhu cầu tiểu thuyết, các nhân vật xuất hiện ít nhiều không đều, nhưng phải nói là NMG quan tâm chu đáo đến từng nhân vật một. Đôi khi chi li một cách bất ngờ, kể cả đối với những nhân vật ngoại biên, không thực sự đóng một vai trò rõ rệt trong tác phẩm. Nhân vật nào cũng được vẽ nên với cả tấm lòng, không phải vì yêu mến hay thù ghét mà vì mà vì chúng đều cũng là bản sao của “người đời”.

Mặt khác, hầu hết nhân vật của NMG đều được tri-thức-hóa. Nói cách khác, nhân vật nào của NMG cũng có tầm mức suy nghĩ cao hơn hẳn địa vị xã hội và trình độ tri thức của chính đương sự. Dù đó là anh du kích Cộng Sản (Dư sinh, “Qua cầu gió bay”) hay một cô gái làm sở Mỹ (Ngựa đá sang sông, “Bão rớt”), anh con trai miệt vườn tên Ao (Trái tim bên phải, “Xuôi dòng”) hay Nguyễn Huệ (Sông Côn mùa lũ) hay anh trung sĩ Ngữ, anh họa sĩ Ngô hay anh chàng phóng viên người Mỹ Dale…(Mùa biển động), mỗi người đều có những suy gẫm thấu đáo về mình về người trong từng hoàn cảnh cá biệt của mình. Dường như tất cả những tri thức và những suy gẫm sâu lắng về cuộc sống, về chính trị, về lịch sử, về tâm lý con người…(từ thấp đến cao) mà ông tích lũy được, đã được dàn trải qua từng nhân vật mà ông bày tỏ như những trường hợp đặc thù. Đi sâu vào từng nhân vật của ông, dù ở truyện ngắn hay truyện dài, phải thừa nhận rằng cái chất người riêng biệt cũng như quan niệm sống của ông dường như đều có thể tìm thấy trong mỗi nhân vật. Khi thì phảng phát khi thì rất rõ nét. Và tất nhiên khi thì đầy “tư tưởng”. Chẳng hạn:

Phải rồi! Người ta giết người an nhiên, dễ dàng còn hơn dẫm lên một ngọn cỏ, vì người ta được niềm tin che chở. Nhưng hãy xem lại nào! Kẻ đầu tiên khai thị một niềm tin bao giờ cũng bị chính người đồng thời miệt thị như một kẻ điên khùng làm rối loạn trật tự. Nhẹ thì xa lánh. Nặng thì bêu riếu làm nhục trước khi đem hành hình. Cỏ dại mọc trên nám mồ vô chủ, như đã mọc trong trí nhớ. Quên lãng. Cấm kỵ. Rồi đến cái thời kẻ đó trở thành một bí nhiệm đủ sức xoa dịu những vết thương. Người điên và kẻ tử tội dễ trở thành thần linh. Cho tới lúc những tên buôn thần bán thánh tìm được cơ hội tốt để bày món hàng mới, những á thánh giả hiệu đông như kiến giữa số ít những á thánh chân chính. Đủ loại sấm ký ra đời, và từ đây kẻ giết người không giấu bàn tay hoen máu đi mà kiêu hãnh chùi bàn tay máu ấy lên ngực áo mình như một thứ huân chương. Cái thời ấy, mình đang sống đây. Những tên sát nhân tân thời đó, mình đang gần gụi. Họ giết chừng ấy người một cách thông minh, không hại sức. Xong việc thì an nhiên hút thuốc. Ngủ một giấc ngon lành, ăn một bữa cơm nóng, mọi sự coi như vẫn bình thường. Kinh khủng quá!”

Đó là trích đoạn (nguyên đoạn dài 2 trang) nhân vật Ngô tự nói một mình sau khi chứng kiến Sáu Lăng, người “đồng chí” bất đắc dĩ của anh, ra lệnh giết hàng trăm người tại trường Gia Hội, Huế mùa xuân năm 1968. Cảm nghĩ của Ngô hay của NMG?

NMG đã trả lời: “Dù tác giả có ngụy trang khéo léo cách nào, nhân vật tiểu thuyết vẫn luôn luôn là bản sao của chính người viết. Thế giới tiểu thuyết là bản ngã tác giả phóng chiếu ra ngoại giới, tạo thành một thế giới mang trọn bản ngã ấy.” (Dẫn từ “Thảo luận…”). Nghe chắc nịch!

Tôi đồng ý, nhưng không hoàn toàn chia sẻ cái nhìn này của NMG.

Nhưng điều đó không thuộc phạm vi của bài viết này.

(1/2009)