Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Tản mạn quanh hai chữ “đồng chí”

Đào Tiến Thi

GS. Trần Đình Sử, thầy tôi, là bác ruột họa sỹ Trang Thanh Hiền, vợ TS. Nguyễn Xuân Diện. Mối quan hệ của tôi với Diện thầy đã biết từ lâu. Hồi 18-5-2012, hôm Diện bị nhóm “thương binh nặng” đến hành hung tại cơ quan, chính thầy đã báo tin cho tôi, giúp tôi góp phần cùng anh em kịp thời “giải cứu” NXD. Ấy thế nhưng hôm nọ tôi gặp thầy trong đám tang nhạc phụ của Diện thì thầy lại hỏi tôi: “Cậu quan hệ thế nào với gia chủ nhỉ? Bạn của Diện hay bạn của Hiền?” Tuổi già nhớ nhớ nhớ quên quên, cũng không có gì lạ, nhưng tôi vẫn nói: “Ơ, thầy quên sao, em và Diện là bạn “xuống đường” chống Tàu Cộng xâm lăng nhiều năm nay rồi mà. Thầy cười: “Hiểu rồi, thế thì là ĐỒNG CHÍ của Diện. Tôi khẽ reo lên sung sướng: “Dạ đúng, đồng chí là chính xác nhất!”.

“Đồng chí”, theo nghĩa hiện tại cũng như nghĩa từ nguyên đều là “người có cùng chí hướng”. Nhiều người tưởng từ này chỉ có những đảng viên của các đảng cộng sản mới dùng, nhưng thực ra từ “đồng chí” đã được các chí sỹ cách mạng đầu thế kỷ XX như Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh,… dùng đầu tiên và khá phổ biến. Rồi sau này các đảng viên Việt Nam Quốc dân Đảng của Nguyễn Thái Học cũng dùng. Chỉ có điều hồi ấy hình như họ chỉ dùng ở ngôi thứ ba (như nói “các đồng chí của tôi”, “những người đồng chí của ông”,…) mà chưa dùng ở ngôi thứ hai như sau này.

Mặc dù trong các ngôn ngữ phương Tây cũng có từ này, và có thể một thời cũng đã dùng phổ biến, nhưng hình như ngày nay giới trẻ Âu – Mỹ không biết đến nữa. Có lần tôi có dùng từ "đồng chí" (comrade) với mấy học trò Tây, họ bảo không hề nghe thấy từ này bao giờ. Bây giờ đánh vào google chữ “comrade” và tìm ở mục Image thấy hiện toàn ra những là hình ảnh các lãnh tụ cộng sản (Mao Trạch Đông, Lenine, Staline,…). Vậy họ không biết là phải.

Thời bao cấp, chả cứ đảng viên mới gọi nhau là đồng chí. Cán bộ, công chức trong cơ quan nhà nước nói chung, khi ở hội nghị, gần như bắt buộc phải gọi nhau là đồng chí (bây giờ thì giảm nhiều nhưng vẫn còn không ít). Thời ấy, các ông già ở nông thôn khi nói chuyện với cán bộ nhà nước, bộ đội cũng gọi là “đồng chí”. Tôi đến chơi nhà anh bạn dạy học cùng trường, bố anh luôn gọi tôi là “đồng chí”, không có xưng hô nào khác.

Đầu năm 1986 bùng lên bài thơ của Phạm Thị Xuân Khải trên báo Tiền phong, trong đó 2 câu hay nhất, nhiều người thuộc nhất là:

Đồng chí không bằng đồng tiền

Bằng lòng vẫn hơn bằng cấp.

(Hồi ấy, người ta mua sạch không còn 1 tờ báo nào, sau đó phải truyền nhau bản chép tay. Có người còn nghĩ đến vì bài thơ này mà đất nước sẽ có cuộc thay đổi lớn!)

Hiện nay, ở những nước XHCN còn lại, từ “đồng chí” từ lâu chẳng còn thiêng liêng nữa, Thậm chí (hình như) GS. Cao Xuân Hạo có lần nói: “Khi nào người ta ghét nhau lắm thì người ta mới gọi nhau là “đồng chí”. Tuy nhiên, vừa rồi, trong thông báo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, khi thông báo trường hợp ông Nguyễn Xuân Sơn, người ta gọi là “ÔNG” chứ không gọi đồng chí. Fb Nguyễn Thông bình luận: “Dù ông Nguyễn Xuân Sơn trong văn bản bị gọi bằng ông chứ không phải đồng chí như những vị khác nhưng vốn cũng là đồng chí với nhau cả. Các đồng chí làm bậy nhiều quá, giờ lại đánh nhau ghê quá. Đề nghị gọi luôn ông Sơn là đồng chí, tạm gọi là đồng chí bị khởi tố, chứ ai lại cạn tàu ráo máng thế”.

Nghe nói thời trước 1975, các đảng viên một số đảng phái đối lập ở miền Nam gọi nhau là “chiến hữu”, với nghĩa không khác gì “đồng chí” (dịch ra tiếng Anh vẫn là “comrade”). Chắc chỉ vì họ tránh từ “đồng chí” do bên cộng sản đã dùng.

Tết năm nọ, khi chúng tôi đến chức mừng cụ Nguyễn Trọng Vĩnh bước sang tuổi 100, cụ bước ra nói: “Xin chào các chiến hữu”. Như vậy “chiến hữu” vẫn nghĩa là “đồng chí”. Phải chăng cụ cũng tránh từ “đồng chí”, coi như nó đã “chuyển nghĩa”?

Tôi thì tôi vẫn thích từ “đồng chí”. Tôi đã và sẽ vẫn dùng từ này để chỉ các bạn đã sát cánh với tôi trong cuộc tranh đấu vì chủ quyền đất nước và dân chủ hóa xã hội.