Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

Văn học Miền Nam 54-75 (534): Nguyễn Hiến Lê (kỳ 1)

Nguyễn Hiến Lê (1912–1984) là một nhà văn, dịch giả, nhà ngôn ngữ học, nhà giáo dục và hoạt động văn hóa độc lập, với 120 tác phẩm sáng tác, biên soạn và dịch thuật thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như giáo dục, văn học, ngữ học, triết học, lịch sử, du ký, gương danh nhân, chính trị, kinh tế,...

Trong hồi ký của mình, Nguyễn Hiến Lê viết:

"...Tôi sinh ngày 20 tháng 11 ta, giờ Dậu, năm Tân Hợi (nhằm ngày 8 tháng 1 năm 1912). Đổi ra bát tự để lấy lá số Tử Bình hay Hà Lạc thì tôi sinh năm Tân Hợi, tháng Tân Sửu, ngày Quý Mùi, giờ Tân Dậu".

Nguyễn Hiến Lê quê ở làng Phương Khê, phủ Quảng Oai, tỉnh Sơn Tây (nay thuộc huyện Ba Vì, Hà Nội). Thân phụ ông tên Nguyễn Văn Bí, hiệu Đặc Như, là con trai út của một nhà Nho. Thân mẫu ông tên Sâm, làng Hạ Đình (nay thuộc Hà Đông).

Xuất thân từ một gia đình nhà Nho, ông học tại Hà Nội, trước ở trường Yên Phụ, sau lên trường Bưởi.

Năm 1934, ông tốt nghiệp trường Cao đẳng Công chính Hà Nội rồi vào làm việc tại các tỉnh miền Tây Nam Bộ, bắt đầu quãng đời nửa thế kỷ gắn bó với Nam bộ, gắn bó với Hòn ngọc Viễn Đông.

Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, ông thôi làm ở sở, đi dạy học ở Long Xuyên. Năm 1952 chuyển lên Sài Gòn mở nhà xuất bản và biên dịch sách, sáng tác, viết báo.

Những năm trước 1975 và cả trong thời gian sau này, Nguyễn Hiến Lê luôn là một cây bút có tiếng, viết miệt mài và là một nhân cách lớn.

Trong đời cầm bút của mình, đến trước khi mất, ông đã xuất bản được hơn một trăm bộ sách, về nhiều lĩnh vực: văn học, ngôn ngữ học, triết học, tiểu luận phê bình, giáo dục, chính trị, kinh tế, gương danh nhân, du ký, dịch tiểu thuyết, học làm người... Tính ra, số bộ sách của ông được xuất bản gần gấp 1,5 lần số tuổi của ông và tính từ năm ông bắt đầu có sách in (đầu thập niên 1950), trung bình mỗi năm ông hoàn thành ba bộ sách với 800 trang bản thảo có giá trị gửi tới người đọc.

Trong một số tác phẩm của mình, Nguyễn Hiến Lê đề bút danh Lộc Đình. Ông kể: "gần ngõ Phất Lộc có một cái đình không biết thờ vị thần nào mà kiến trúc rất đơn sơ. Hai cánh cửa gỗ luôn đóng kín, trên mái cổng tam quan có đắp một bầu rượu khá lớn nằm giữa hai con rồng uốn khúc châu đầu vào. Thuở bé, tôi được theo bà ngoại vào đình mấy lần, tôi thấy bên trong là một khoảng sân rộng vắng ngắt. Tuy vậy, mà quang cảnh lạnh lẽo trầm mặc thâm u của ngôi đình bỗng nhiên len sâu trong tâm tư tôi những khi ngồi học trong lớp, hoặc những khi tôi đến chơi nơi nào đông vui là tôi lại chạnh nghĩ đến ngôi đình, nhớ đến bà ngoại tôi. Nhất là sau ngày cha tôi và bà ngoại tôi vĩnh viễn ra đi trong cái ngõ hẹp tối tăm ấy...""Bút danh Lộc Đình tôi dùng ký dưới một bài văn ngắn từ hồi trẻ... Lộc là ngõ Phất Lộc, còn Đình là cái đình ấy."

Năm 1980 ông về lại Long Xuyên. Cùng năm ông bắt đầu viết Hồi ký Nguyễn Hiến Lê, đến tháng 9 năm 1980 thì hoàn thành. Đồng thời ông tách những đoạn nói về văn nghiệp ra riêng, sửa chữa, bổ sung và biên tập lại thành cuốn sách Đời viết văn của tôi. Tác phẩm này được sửa chữa xong vào năm 1981, sau đó sửa chữa thêm và hoàn chỉnh vào năm 1983.

Ông lâm bệnh và mất lúc 8 giờ 50 phút[3] ngày 22 tháng 12 năm 1984 tại Bệnh viện An Bình, Chợ Lớn, Thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi. Linh cữu của ông được hỏa thiêu vào ngày 24 tháng 12 năm 1984 tại đài thiêu Thủ Đức.

Văn học - Tiểu thuyết

· Hương sắc trong vườn văn (2 quyển) - 1962

· Đại cương văn học sử Trung Quốc (3 quyển) - 1955

· Cổ văn Trung Quốc - 1966

· Chiến Quốc sách (viết chung với Giản Chi) - 1968

· Sử Ký Tư Mã Thiên (viết chung với Giản Chi) - 1970

· Tô Đông Pha - 1970

· Nhân sinh quan và thơ văn Trung Hoa (dịch) - 1970

· Kiếp người (dịch Somerset Maugham) - 1962

· Mưa (tuyển dịch nhiều tác giả) - 1969

· Chiến tranh và hoà bình (dịch Lev Nikolayevich Tolstoy) - 1968

· Khóc lên đi ôi quê hương yêu dấu (dịch Alan Paton) 1969

· Quê hương tan rã (dịch C. Acheba) - 1970

· Cầu sông Drina (dịch I. Andritch) - 1972

· Bí mật dầu lửa (dịch Gaillard) - 1968

· Con đường thiên lý - (Xuất bản 1990)

· Mùa hè vắng bóng chim (dịch Hansuyn)

· Những quần đảo thần tiên (dịch Somerset Maugham) - (Xuất bản 2002)

· Kinh Dịch

· Đắc Nhân Tâm (dịch Dale Carnegie) - (Xuất bản 1951)

Triết học

· Nho giáo một triết lý chính trị - 1958

· Đại cương triết học Trung Quốc (viết chung với Giản Chi) - 1965

· Nhà giáo họ Khổng - 1972

· Liệt tử và Dương tử - 1972

· Một lương tâm nổi loạn - 1970

· Thế giới ngày mai và tương lai nhân loại - 1971

· Mạnh Tử - 1975

· Trang Tử - (Xuất bản 1994)

· Hàn Phi Tử - (Xuất bản 1994)

· Tuân Tử - (Xuất bản 1994)

· Mặc học - (Xuất bản 1995)

· Lão Tử - (Xuất bản 1994)

· Luận ngữ - (Xuất bản 1995)

· Khổng Tử - (Xuất bản 1992)

· Kinh Dịch, đạo của người quân tử - (Xuất bản 1990)

Lịch sử

· Lịch sử thế giới (viết với Thiên Giang) - 1955

· Đông Kinh Nghĩa Thục - 1956

· Bài học Israel - 1968

· Bán đảo Ả Rập - 1969

· Lịch sử văn minh Ấn Độ (dịch Will Durant) - 1971

· Bài học lịch sử (dịch Will Durant) - 1972

· Nguồn gốc văn minh (dịch Will Durant) - 1974

· Văn minh Ả Rập (dịch Will Durant) - 1975

· Lịch sử văn minh Trung Quốc (dịch Will Durant) - (Xuất bản 1997)

· Sử Trung Quốc (3 tập) 1982

Giáo dục – giáo khoa

· Thế hệ ngày mai - 1953

· Thời mới dạy con theo lối mới - 1958

· Tìm hiểu con chúng ta - 1966

· Săn sóc sự học của con em - 1954

· Tự học để thành công - 1954

· 33 câu chuyện với các bà mẹ - 1971

· Thế giới bí mật của trẻ em - 1972

· Lời khuyên thanh niên - 1967

· Kim chỉ nam của học sinh - 1951

· Bí quyết thi đậu - 1956

· Để hiểu văn phạm - 1952

· Luyện văn I (1953), II & III (1957)

· Khảo luận về ngữ pháp Việt Nam (viết với T. V. Chình) - 1963

· Tôi tập viết tiếng Việt - 1990

· Muốn giỏi toán hình học phẳng - 1956

· Muốn giỏi toán hình học không gian - 1959

· Muốn giỏi toán đại số - 1958

Chính trị - Kinh tế

· Một niềm tin - 1965

· Xung đột trong đời sống quốc tế - 1962

Gương danh nhân

· Gương danh nhân - 1959

· Gương hi sinh - 1962

· Gương kiên nhẫn - 1964

· Gương chiến đấu - 1966

· Ý chí sắt đá - 1971

· 40 gương thành công - 1968

· Những cuộc đời ngoại hạng - 1969

· 15 gương phụ nữ - 1970

· Einstein - 1971

· Bertrand Russell - 1972

· Đời nghệ sĩ - (Xuất bản 1993)

· Khổng Tử - (Xuất bản 1995)

· Gogol - (Xuất bản 2000)

· Tourgueniev - (Xuất bản 2000)

· Tchekhov - (Xuất bản 2000)

Khảo luận – tùy bút – du ký

· Đế Thiên Đế Thích – 1968

· Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười - 1954

· Nghề viết văn - 1956

· Vấn đề xây dựng văn hoá - 1967

· Chinh phục hạnh phúc (dịch Bertrand Russell) - 1971

· Sống đẹp - 1964

· Thư ngỏ tuổi đôi mươi (dịch André Maurois) - 1968

· Chấp nhận cuộc đời (dịch L. Rinser) - 1971

· Làm con nên nhớ (viết với Đông Hồ) - 1970

· Hoa đào năm trước - 1970

· Con đường hoà bình - 1971

· Cháu bà nội tội bà ngoại - 1974

· Ý cao tình đẹp - 1972

· Thư gởi người đàn bà không quen (dịch André Maurois) - 1970

· 10 câu chuyện văn chương - 1975

· Đời viết văn của tôi - (Xuất bản 1996)

· Hồi ký Nguyễn Hiến Lê - (Xuất bản 1992)

· Để tôi đọc lại - (Xuất bản 2001)

Tự luyện – Học làm người

· Tương lai trong tay ta - 1962

· Luyện lý trí - 1965

· Rèn nghị lực - 1956

· Sống 365 ngày một năm - 1968

· Nghệ thuật nói trước công chúng - 1953

· Sống 24 giờ một ngày (dịch Arnold Bennett) - 1955

· Luyện tình cảm (dịch F. Thomas) - 1951

· Luyện tinh thần (dịch Dorothy Carnegie) - 1957

· Đắc nhân tâm (dịch Dale Carnegie) - 1951

· Quẳng gánh lo đi và vui sống (dịch Dale Carnegie) - 1955

· Giúp chồng thành công (dịch Dorothy Carnegie) - 1956

· Bảy bước đến thành công (dịch G. Byron) - 1952

· Cách xử thế của người nay (dịch Ingram) - 1965

· Xây dựng hạnh phúc (dịch Aldous Huxley) - 1966

· Sống đời sống mới (dịch Powers) - 1965

· Thẳng tiến trên đường đời (dịch Lurton) - 1967

· Trút nỗi sợ đi (dịch Coleman) - 1969

· Con đường lập thân (dịch Ennever) - 1969

· Sống theo sở thích (dịch Steinckrohn) - 1971

· Giữ tình yêu của chồng (dịch Kaufmann) - 1971

· Tổ chức gia đình - 1953

Các bài đăng trên tạp chí

242 bài trên tạp chí Bách Khoa, 50 bài trên các tạp chí Mai, Tin Văn, Văn, Giáo dục Phổ Thông, Giữ Thơm Quê Mẹ. Ngoài ra ông còn viết lời giới thiệu cho 23 quyển sách.

(Theo Wikipedia)

BẢY NGÀY TRONG ĐÔNG THÁP MƯỜI

Vài lời thưa trước

Trong bài Tựa viết năm 1954, tác giả đã cho chúng ta biết khá rõ “số phận” đặc biệt của tác phẩm này. Hơn hai mươi lăm năm sau, trong Hồi ký (về sau viết tắt là HK) [1], tác giả còn cho biết thêm một số chi tiết:

“(…) bác Ba tôi [2] từ năm 1913 hay 1914, phải lẻn về làng Tân Thạnh [3] ở ven Đồng Tháp Mười để tránh bọn mật thám Sài Gòn, rồi lập nghiệp ở đó, nên biết được cảnh hoang vu của Đồng Tháp hồi đầu thế kỷ, kể cho tôi nghe nhiều chuyện về dân tình, lối sống, thổ sản miền đó; sau đó tôi lại đi đo trong Đồng Tháp trong một thời gian rồi đi kinhlýí nhiều lần từ Hồng Ngự tới Tân An; về Sài Gòn tôi đọc thêm được nhiều tài liệu của Sở Thủy lợi, mua được cuốn La Plaine des Joncs của V. Delahaye, nhờ vậy tôi biết được khá nhiều về Đồng Tháp.

Sau khi nhận lời anh Vũ Đình Hòe viết giúp tờ Thanh Nghị, tôi khảo cứu thêm các cuốn sử, địa phương chí, các số báo Courrier de Sài Gòn năm 1865-1866, đọc tất cả những gì liên quan đến Đồng Tháp để viết cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, nhưng sau sáu bảy tháng viết xong thì Sở Bưu điện Sài Gòn không còn nhận đồ bảo đảm ra Hà Nội nữa vì giao thông trắc trở, tôi đành cất bản thảo đi, đợi một cơ hội khác. Cuốn đó tôi viết công phu, nhưng sau bản thảo mất ngay trong ngay trong Đồng Tháp Mười hồi tôi tản cư về đó, năm 1946. Tôi rất tiếc, và tám năm sau tôi phải viết lại”.(HK, tr. 185)

Năm 1947, cụ Nguyễn Hiến Lê qua Long Xuyên, tạm trú nhà bà Nguyễn Thị Liệp. Ở đó cụ dạy học và viết sách. Cuối năm 1953, cụ thôi dạy học, quay về Sài Gòn để sống bằng cây bút. Cụ lập nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê để tự xuất bản sách của mình. Sau khi xuất bản cuốn Tự học, một nhu cầu của thời đại, cuốn sách đầu tiên của nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê, cụ bắt tay vào việc viết lại cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười. Cụ cho biết:

“Đầu năm 1954, tôi lại Sở Thủy lợi Nam Việt, gặp lại các bạn cũ và họ cho tôi tra cứu về các tài liệu của sở về Đồng Tháp, dùng các bản đồ của sở.

Tôi lại Thư Khố Nam Kì đường Gia Long, nhờ ông Lê Ngọc Trụ [4] tìm cho những tài liệu sử, địa về Đồng Tháp, nhất là các số báo Courrier de Sài Gòn năm 1965-66, về cuộc chống Pháp của Thiên Hộ Dương. Tất cả những tài liệu đó tôi ghi trong mục sách báo để tham khảo ở cuối sách.

Đọc những tài liệu của Sở Thủy lợi, tôi nhớ lại rành mạch những lần tôi đo đất và đi kinh lí ở Đồng Tháp, cho nên viết lại lần này tôi thấy dễ dàng và thích như lần trước, năm 1944. Những đoạn trích có tính cách nên thơ, mà năm 1944 tôi đã say sưa viết, bây giờ lần lần hiện lại trong óc, tôi chỉ việc chép lại, chắc chắn là không đúng hẳn, nhưng cũng không sai mấy. Chẳng hạn đoạn về Tiếng nói sông Cửu Long mà sau vài sách Việt Văn cho Trung học đã trích; đoạn tả các ghe đậu lại ở chỗ giáp nước Thủ Thừa; tả chỗ kinh Lạc Giăng (Largrange) và kinh Cát Bích (4 bis) gặp nhau ở Gẫy [5] mà nhà văn Bình Nguyên Lộc bảo “không đi tới chỗ thì không thể tả được như vậy”; rồi cảnh tìm vàng ở chung quanh Tháp Mười, cảnh một đầm sen ở giữa Đồng Tháp mà thi sĩ Quách Tấn rất thích; cảnh uống rượu dưới trăng trên Giồng khiến tôi nhớ truyện Các vì sao (Les étoile) của A.Daudet; cảnh sông Cửu Long, cảnh Chợ Thủ, cảnh trăng và nước ở miền Cao Lãnh (Hàng Châu của Nam Việt) gợi cho tôi nhớ bài ‘Xuân giang hoa nguyệt dạ’ của Trương Nhược Hư, thi sĩ đời Sơ Đường; và truyện Ghen vì hò mà một cô em đọc xong buồn rười rượi, thương thiếu phụ trong truyện trách tôi: ‘Anh thật tàn nhẫn, truyện thương tâm như vậy mà anh kết một cách thản nhiên, chỉ tả công dụng của cái phãng, không một lời than thở cho người vợ và trách người chồng’.

Tôi đáp: “Người viết chỉ cốt gợi lòng thương tâm của người đọc, chứ không kể nỗi thương tâm của chính mình. Tôi đã đạt được rồi đấy và đã không nói thay cô, để cô suy nghĩ, như vậy mới có dư âm trong lòng cô”.

Đồng Tháp chỉ dầy hơn một trăm trang, vừa du ký, vừa là biên khảo, tôi viết hai tháng xong, gởi vào trong đó tất cả tấm lòng yêu cảnh, yêu người Nam của tôi. Viết xong tôi thấy khoan khoái như làm trọn một bổn phận đối với quê hương thứ hai của tôi”. (HK, tr. 349-350)

Cuốn đầu, tức cuốn Tự học một nhu cầu của thời đại, cụ giao cho nhà in Việt Hương (đường Lê Lợi); cuốn thứ hai này, cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười, cụ giao cho nhà Ban Mai gần chợ Tân Định in ngay trong năm 1954. Tác phẩm này có thể xem là loại du kí viết về quê hương đất nước mình đầu tiên và nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều sau này. Cụ cho biết:

“Một thanh niên ở Nha Trang đọc cuốn đó rồi nảy ra ý dùng xe đạp đi thăm cao nguyên miền Trung và viết bài đăng trên báo Tự do ngày 15-9-61. Tôi trích dưới đây một đoạn:

’Du ký viết về xứ người thì nước mình không hiếm. Nhưng viết về chính lòng đất thân yêu thì vỏn vẹn chỉ có một cuốn: Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười của Nguyễn Hiến Lê. Mà theo tôi thấy, không có cuốn địa lý nào có thể hấp dẫn thanh niên và gây tác dụng mạnh bằng những thiên du ký (…) Vì nó dễ kích thích tinh thần yêu nước của thanh niên hơn những bài địa lý khô khan ở nhà trường (…)’.

Đa số các bạn văn của tôi cho cuốn đó tuy mỏng nhưng là một tác phẩm có giá trị, văn tươi mà hấp dẫn, có chỗ nên thơ, gợi tình yêu quê hương đất nước trong lòng người đọc. Ông Đào Duy Anh ở Hà Nội rất thích cuốn đó, bạn văn nào tới chơi ông cũng đem ra giới thiệu và cho mượn đọc.

Có thể nói nó mở đầu cho loại địa phương chí xuất hiện khá nhiều trong khoảng 1960-1970”. (HK, tr. 352)

Nhà xuất bản Nguyễn Hiến Lê “ra đời không gặp thời”. Hiệp ước Genève đã làm “thị trường sách đã thu hẹp mất non một nửa, ít nhất là một phần ba”, và vì cụ Nguyễn Hiến Lê cho rằng cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười sẽ bán không chạy bằng cuốn Tự học nên cụ “chỉ in có 2.500 cuốn, giá 29 đồng”. Nhưng kết quả thật bất ngờ. Cụ cho biết:

“Mới phát hành được độ một tuần thì nhà Nam Cường đã bán hết 100 cuốn, bảo tôi giao thêm ‘vì sách bán chạy như tôm tươi’. Tôi ngạc nhiên, không hiểu tại sao độc giả hoan nghênh như vậy. Sau hỏi ra mới biết chỉ nhờ cái nhan sách. Lúc đó các anh em kháng chiến ở Nam đương tập kết ở hai địa điểm Cà Mau và Cao Lãnh thuộc Đồng Tháp Mười để chờ tàu Ba Lan và Pháp chở ra Bắc. Đọc nhan đề sách độc giả tưởng lầm rằng tôi đã vào Đồng Tháp làm một cuộc phỏng vấn về cuộc tập kết đó. Về nhà đọc rồi họ mới thất vọng. Thành thử chỉ trong một tháng đầu bán được ngàn cuốn, đủ vốn in, còn 1500 cuốn bán lai rai năm sau mới hết”. (HK, tr. 360)

Năm 1971, cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười được tác giả “sửa chữa lại và nhường bản quyền cho nhà Trí Đăng xuất bản”. Bản tôi chép lại dưới đây của Nxb Văn hóa Thông tin, năm 2002, có lẽ được in lại từ bản in của nhà Trí Đăng.

Sau một thời gian dài dọ hỏi, tôi mua được bản của nhà Văn hóa Thông Tin và vội gõ ngay bài Tựa cuốn này, một trong các bài Tựa tác giả tâm đắc, và đăng trên topic “Một số bài Tựa cụ NHL viết cho sách của mình”. Trong khi gõ dở dang Chương I: Một dịp may, tôi đã có “một dịp may”. Đó là nhận được cuốn Nguyễn Hiến Lê – Con người & Tác phẩm của Nhiều tác giả (NHL CĐ&TP), và một cuốn sách khác nữa [5] do một người cô họ ở Nha Trang gởi tặng. Tôi tạm ngưng cuốn Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười lại để chuyển qua cuốn NHL CĐ&TP như là một cách tỏ lòng biết ơn người tặng quà. Tôi đã đăng được hai bài, một ảnh và chú thích một ảnh khác.

Khi gõ gần xong Chương VII, máy tính bị trục trặc, phải cài lại. Cũng may là tôi tôi gõ xong đoạn nào thì gởi đăng đoạn đó, phần gõ dở dang không bao nhiêu. Nay gõ xong cả cuốn, tôi phải chép lại từ TVE phần đã đăng. “Số phận” Bảy ngày trong Đồng Tháp Mười một lần mất bản thảo vận vào bản điện tử này chăng?

Trong lúc gõ, tôi ghi thêm một số chú thích và một số hình ảnh sưu tầm trên mạng (trong sách chỉ có hình chỗ giáp nước và bản đồ Đồng Tháp Mười) để chúng ta có thể hiểu tác phẩm mình đang đọc hơn. Tôi đã có dịp sống khoảng một năm ở một vùng đất cũng đầy cỏ năng, bàng, lác, lau, sậy…; cũng có bông sen, bông súng, lúa ma; cũng có lung, giồng; cũng có tràm lụt… Như những người nông dân sống ở vùng đất ấy, tôi cũng bẫy chim, bắt cá… Vào mùa khô có lúc phải gội đầu bằng bột giặt, nhưng mùa lụt nước ngọt tràn ngập khắp nơi và khi nước xuống cá nhiều vô số kể. Một lần, cùng hai người bạn đi kéo cá ở cuối một con kinh nhỏ, một con kinh đổ ra kinh Vĩnh Tế, điên điển trên bờ chỉ còn lác đác mấy bông trổ muộn. Đến lượt thay phiên, tôi leo lên bờ và bất chợt thấy một vạt hoa vàng rộng chừng bốn, năm chiếc đệm. Đó là loại dây leo giống như bìm bìm, nhưng bông màu vàng như bông mướp chứ không phải màu trắng hay màu tím nhạt. Tôi đứng lặng người rất lâu. Một cảm giác là lạ tràn ngập lòng tôi, một cảm giác chưa từng có trước đó và mãi đến bây giờ cũng chưa từng lập lại khi ngắm hoa. Thế đấy. Ở vùng đất hoang vu cũng có cái đẹp bất ngờ! Đồng Tháp Mười hẳn cũng thế!

Goldfish

Chú thích:

[1] Ở đây tôi dùng cuốn Hồi kí Nguyễn Hiến Lê, Nxb Văn học, năm 1993.

[2] Tức cụ Phương Sơn.

[3] Làng Tân Thạnh lúc đó thuộc tỉnh Long Xuyên, nay là xã Tân Thạnh, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp.

[4] Tác giả cuốn Việt ngữ chính tả tự vị. Lúc đó ông làm thư ký của Thư khố.

[5] Gẫy, trong bản của nhà Văn hoá Thông tin, có lẽ do biên tập, in là Gãy (mặc dù trong bản đồ tác giả viết Gẫy). Và cũng có lẽ người biên tập đã lược bỏ “mục sách báo để tham khảo ở cuối sách”. Vì thiếu mục này nên Bùi Thị Đào Nguyên, trong bài Ai mới thật là ông Đốc Vàng ở Đồng Tháp, đã than phiền rằng không biết cụ Nguyễn Hiến Lê tham khảo tài liệu nào mà cho rằng Đốc Vàng tử trận chung với Chưởng Binh Lễ.

Nguồn: https://vnthuquan.net/(X(1)S(qf4rra55jinyg445hnfwzszv))/mobil/truyen.aspx?tid=2qtqv3m3237nvn0n4nqntn31n343tq83a3q3m3237nvn&AspxAutoDetectCookieSupport=1