Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 27 tháng 9, 2016

Bác sĩ trưởng khoa (kỳ 2)

Tiểu thuyết

Vũ Oanh

Những ai quen biết đều rất ngạc nhiên, Trần Tử Khang, một sĩ quan quân y có uy tín, mà chuyển ngành dễ dàng. Nhiều bác sĩ ra quân, xin về tỉnh lẻ hoặc vùng sâu vùng xa cũng còn vất vả, lăn lên lộn xuống, không xong. Đằng này, bác sĩ Khang về hẳn thủ đô; một việc phức tạp, khó khăn, tốn kém... không chỉ với thời gian, công sức.

Đại tá Minh không chấp nhận việc hợp lý hóa gia đình của mình, làm Khang tuy đã quyết tâm, vẫn phải dùng dằng, phân vân đến cả tháng trời. Không có cách nào khác, bất đắc dĩ, Khang phải lên thẳng cấp trên. Trưởng phòng tổ chức cán bộ quân khu, đại tá Lê Hoành tiếp ân nhân của gia đình mình niềm nở, trân trọng, và ông đáp ứng nguyện vọng của Khang chỉ sau vài giờ.

Gần năm năm trước, ông Hoành đã đưa con gái mình đến Quân y viện 101, sau khi ông đọc được một bài viết ngắn in trên trang bốn tờ Quân Đội Nhân Dân. Bài báo nói về công việc nghiên cứu say mê, cần mẫn và những kết quả tốt đẹp của bác sĩ Trần Tử Khang trong nhiều loại phẫu thuật lớn ở đây.

Vừa khép lại hai cánh cửa, Khang dừng tay không bấm khóa, vì thấy có tiếng người chào ở sau lưng mình. Anh ngoảnh ra, khách đã ở ngay trước thềm. Một người đàn ông tóc đã có nhiều sợi bạc với bộ quân phục không còn mới, và cũng không quân hàm, quân hiệu. Bám vào cánh tay ông là một cô gái trẻ, mặc thường phục; như đã ốm đau lâu ngày, xanh lướt và gầy tong teo. Nhìn qua, biết ngay là hai cha con. Một mình, cô gái xiêu vẹo này chắc khó đứng vững.

Khi đã vào trong phòng, người cha nói:

- Biết bác sĩ đã đến giờ đi làm. Nhưng tôi xin anh mấy phút.

Con gái tôi cắt ruột thừa ở bệnh viện tỉnh. Vết mổ bị rò bục ngay sau khi cắt chỉ ít ngày. Một năm qua, họ đã mổ lại cho cháu hai lần, nước phân vẫn chảy rều rệu. Bây giờ nó ngày một gầy mòn, suy nhược... - Ông chỉ vào cô gái, ánh mắt xót thương: - Để khỏi mất thời giờ, tôi gặp trực tiếp anh, mà không đến chỗ các đồng chí chỉ huy viện và cũng không qua phòng khám.

Khang nhìn thấy ô tô của khách đỗ ngay đường vào khu doanh trại. Người cha sẽ đưa con đi Hà Nội, nếu Khang không nhận mổ giúp?

Nể cha con người bệnh tin cậy, Khang khám cho cô gái ngay trong phòng ở của mình. Băng gạc của cô thấm ướt một thứ nước mầu vàng rất nặng mùi. Một vùng da viêm trợt đỏ hỏn có cái sẹo to, trên đó có một cái lỗ tròn nhỏ, ở bên bụng phải. Cô gái da bọc xương. Không có gì khó chẩn đoán. Đây là một trường hợp rò ruột sau mổ.

Đường rò bệnh lý đó, cũng là lỗ rò kinh tế; quan trọng hơn, nó là một lỗ rò sức khoẻ. Tai biến này gây ra một nỗi lo lắng ghê gớm cho cả gia đình và tình trạng hoảng loạn tinh thần cho chính cô gái.

Tim mạch cô đập loạn xạ và huyết áp giảm thấp. Cô sẽ chết vì suy kiệt nếu còn ở nhà lâu hơn.

Trên phim chụp có bơm thuốc cản quang, Khang thấy đường rò qua thành bụng tách ra làm hai, một vào manh tràng và một vào ruột non. Lỗ rò thứ hai giải thích sự suy kiệt nặng nề của người bệnh. Anh biết vì sao những cuộc mổ của các đồng nghiệp ở bệnh viện tỉnh thất bại.

Sau hơn hai tuần hồi sức và chuẩn bị, một nửa đại tràng của bệnh nhân Lê Hoài Thu được Khang cắt bỏ. Bảy ngày sau cắt chỉ, vết mổ liền sẹo. Bệnh rò ruột không còn, nhưng cô gái vẫn còn rất yếu..

* * *

Vốn quý trọng các nhà giáo, ngoài việc thăm bệnh, Khang còn nói chuyện với Thu về việc dạy học, về văn chương và cuộc sống gia đình... Khang cho một y lệnh khác thường, truyền máu sau mổ, truyền đạm, cùng các loại dịch khác trong nhiều ngày liên tục. Anh lại cho cô chế độ hộ lý cấp một và ăn uống dinh dưỡng cao. Việc vận động tại chỗ và tập đi lại sớm cũng giúp cô hồi phục khá nhanh. Hơn một tháng sau, thể trạng nàng đã rất tốt. Các đường nét trên khuôn mặt Thu đều thanh thoát, nhuần nhụy. Tuy nước da còn xanh xao, nhưng nàng nói chuyện rất có duyên và tỏ ra là người hiểu biết.

Từ năm cuối phổ thông đến ngày trở thành cô giáo, nhiều chàng trai ngấp nghé, tán tỉnh, nàng chưa nhận lời yêu ai. Xinh đẹp, lại là con gái đầu của ông đại tá, nàng có quyền chọn lựa một ý trung nhân đúng với ý mình.

Thu tự biết mình xứng đáng với một người đàn ông đức độ và tài năng. Bác sĩ có bàn tay vàng, tưởng chỉ biết rạch mổ bụng người, không ngờ anh cũng yêu văn chương nhiều thế? Anh đọc nhiều hơn cả những giáo viên dạy văn như mình. Thu cũng chưa từng gặp một thầy thuốc nào tận tụy với bệnh nhân như anh ta. Một người đàn ông tốt, vì sao anh chịu bất hạnh? Phải chăng anh chưa gặp được một phụ nữ tử tế? Anh Khang ơi, em sẽ rất vui lòng...

Một sáng, nhân lúc Khang không để ý, nàng bỏ vào túi áo blouse của bác sĩ một bức thư dài.

Sau những cuộc chuyện trò, Khang biết Thu ngày một thiện cảm với mình. Lá thư của nàng giúp Khang hiểu rõ ràng hơn. Nhưng, dù đang đơn độc, dù khát khao một cuộc sống lứa đôi, Khang vẫn phải dằn lòng. Khang không quên được Đặng Vũ Hoàng Anh, và cũng không quên câu thứ sáu lời thề Hippocrates, tránh mọi hành vi xấu xa, cố ý và đồi bại nhất, là cám dỗ phụ nữ.

Khang trăn trở rất nhiều. Nếu ta yêu Thu, hành vi ấy là xấu xa, đồi bại? Nếu cả hai yêu thương nhau chân thành, và ta sẽ cưới nàng làm vợ, có phải là ta cám dỗ nàng không?

Không! Ta chưa từng và cũng không bao giờ có hành vi đê tiện ấy.

Nhưng rồi người đời hiểu lầm và sẽ đàm tiếu, nếu ta làm theo ý nguyện của trái tim mình; nếu ta vượt qua gianh giới giữa thầy thuốc và bệnh nhân với cô gái này. Vì ác thay, chính ta là người đã cầm dao mổ, rạch, cắt, khâu, nối... một trong những lục phủ ngũ tạng của nàng.

Nghe nói, trong khi mổ bác sĩ Khang rất dễ nổi nóng. Thậm chí anh quát mắng, nặng lời, với những người phụ giúp... Vậy mà tiếp xúc ở buồng bệnh, ở bên ngoài, khi nào anh cũng mềm mỏng, nhường nhịn, nhu mì? Với người bệnh, với mình, lúc nào anh cũng tỏ ra nghiêm túc, tận tình, lịch sự và thân ái. Thời gian đầu mới quen không nói, bây giờ đã biết mình rất thương mến đấy, mà anh vẫn... như một người rất chi là vô tư. Anh dừng lại ở cái đỉnh cao khắc kỷ!

Thu đau khổ, bởi lòng kiêu hãnh của nàng đã bị sự im lặng của Khang làm cho tổn thương. Cảm giác bị coi thường, bị loại bỏ, bị xúc phạm... xâm chiếm tâm hồn và dần dần trở nên nặng nề đối với nàng. Có lúc nàng giận anh đến mức nghẹt thở... bởi thấy bác sĩ như một kẻ lạnh lùng, nghiệt ngã, thiếu hiểu biết và không chút vị tha. Anh ta chê mình bệnh tật? Chê thân thể mình không còn nguyên lành? Thì cũng chỉ là những vết sẹo ngoài da do cái con dao mổ. Cái sẹo ở bụng mình to và dài, thân thể kiệt quệ là nỗi đau khổ của mình. Có thế, là do đồng nghiệp của anh và chính bàn tay anh đấy chứ? Nếu cuộc mổ ruột thừa tốt đẹp, nếu họ mổ giỏi, cái sẹo ấy cũng rất nhỏ và cũng ngắn thôi. Mình sẽ khỏi bệnh và bình phục nhanh chóng; mình đã không phải đau đớn về thể xác và khổ tâm mãi như thế này! Anh ta không cảm nhận được mình đã có thiện cảm, cũng không biết tâm hồn mình trong trắng, thể xác mình trinh bạch! Mình đã tâm sự cả trong thư rồi cơ mà? Có thể nào thư đã rơi mất, khi anh chưa kịp đọc nó? Hay anh ta chê mình chỉ là một cô giáo quèn? Lại là cô giáo dạy văn! Mà dạy môn văn ở thời buổi này, thì nước non gì? Anh sợ trách nhiệm? Dại gì lấy một cô gái ốm o lại đã phải chịu những bốn lần mổ nát bụng làm vợ! Nhưng rồi sau cuộc mổ này, mình khỏe lại chứ? Dù thế nào, thể xác và phẩm giá mình vẫn cứ nguyên lành. Anh là một con người tự do, tài năng nhưng kiêu ngạo và tinh thần không có cái mà người đời gọi là quân tử, cao thượng? Bác sĩ nông cạn hay vô cảm, vô tình? Nàng chán nản, buồn rầu vô hạn. Em không có ý nghĩ thiếu trong sáng gì về người vợ cũ của anh đâu. Em cũng không đả động, không hỏi gì anh về chị ta cả. Em không hề làm gì để anh tổn thương thêm. Những gì em biết được là từ y bác sĩ, y tá trong khoa của anh. Họ tự đến nói với em đấy chứ. Anh là một người đàn ông kiêu hãnh và ngấm ngầm ngạo mạn? Hay anh đã sợ đàn bà? Và anh chấp nhận một cuộc sống đơn độc suốt cả quãng đời còn lại?

Không lâu nàng tự hiểu ra, Khang không phải hạng người như nàng đã nghĩ. Khi đó, nàng mới khóc thầm và khóc rất nhiều. Suy nghĩ ngày đêm, nàng không rõ vì sao mình phải thất vọng? Vì sao cái điều mong muốn tốt đẹp cho cả hai người của nàng không thành? Trái tim nàng phải chịu giày vò dữ dội. Nỗi khổ quá to lớn, vì nàng thấy danh dự và phẩm giá mình đã bị chà đạp. Nàng trinh bạch cả từ hai bàn tay và cặp môi, vầng trán... yêu một người đàn ông đơn độc, một con, vợ bỏ mà không toại nguyện! Nàng có lỗi không? Có sai lầm không? Yêu thầy thuốc của mình là không được sao!

Khang ít nhiều hiểu tâm tư sâu kín của cô gái trẻ. Nhưng Lời thề ràng buộc anh. Khang rất muốn cô hiểu, mà không thể giải thích gì cho nàng, về nỗi khổ tâm của mình. Viết thư cho Thu, anh cũng thấy rất khó diễn đạt nhờ các câu chữ. Anh đành làm ngơ, như mình không hiểu, không biết; như không có bức thư của nàng. Cái giới hạn giữa thầy thuốc và bệnh nhân là không thể xâm phạm, không thể xóa bỏ, không thể vượt qua. Ngoài lời thề Hippocrates, Khang còn nhớ lời thề của chính mình, khi yêu Đặng Vũ Hoàng Anh. Ta chỉ yêu một nàng thôi. Khang cũng không hiểu vì sao mình nhanh chóng thân thương Thu đến thế? Sức khỏe và cân nặng của Thu đang tăng dần lên, đã gần được như khi nàng chưa mổ lần đầu. Khang quý Thu, có lẽ vì nàng xinh đẹp, trong sáng và mỗi ngày một khỏe, lại càng duyên dáng thêm; cũng vì anh sớm nhận ra nàng đã yêu mình.

Không chỉ vì mong muốn của người cha đại tá, sự lo lắng của bà mẹ và những người thân, mà còn vì thiện cảm của mình, Khang đã để Thu nằm viện một thời gian dài. Lãnh đạo khoa và chỉ huy viện cũng thấy, đây là một bệnh cảnh nặng nề. Mổ cắt nửa đại tràng ở bệnh viện này không nhiều. Hơn nữa, Thu lại là một trường hợp đã phải chịu những bốn lần mổ, cơ thể suy kiệt. Nhưng cái chính là họ nể sợ quyền lực của ông trưởng phòng tổ chức cán bộ cấp trên. Đại tá Lê Hoành có quyền tham mưu, đề đạt với chỉ huy việc cất nhắc và điều động... Không rõ có ai biết mối thiện cảm giữa Khang và Thu không, nhưng họ mặc cho Khang để bệnh nhân của mình nằm điều trị nội trú bao lâu cũng được.

Rồi nàng cũng xin xuất viện. Đó là mối tơ vương buồn, nên Khang chỉ kín đáo theo dõi sức khỏe của nàng qua một người sống gần gia đình ông Hoành mà không để một ai khác cũng như nàng hay biết. Nàng lấy chồng sau đó không lâu, và cũng không một lần tìm gặp lại Khang. Một thời gian dài đã qua, Khang vẫn thấy lòng mình sắt lại. Anh buồn mãi.

Trước và sau người con gái này, Khang đã khám xét, mổ xẻ và chữa trị cho rất nhiều phụ nữ trẻ tuổi. Không có ai để lại trong anh một tình cảm thân thương đặc biệt như nàng. Sự hiểu biết máy móc và cứng nhắc về lời thề nghề nghiệp cùng những dằn vặt, day dứt khôn nguôi về tình yêu và hạnh phúc đeo bám anh suốt đời.

Tuy có mối ân nghĩa, nhưng đại tá Hoành giải quyết việc chuyển ngành của Khang hoàn toàn đúng với chính sách, mà trước đó vì công việc và lợi ích cục bộ, ông viện trưởng Viện quân y 101 đã không chấp nhận.

Khang đã tâm sự với Ngô Thị Ngân Hà nhiều chuyện. Riêng về Lê Hoài Thu, thì không.

* * *

Ngân Hà mời và đưa Khang đến quán Cà phê đắng.

Hai người chọn một góc vắng. Sau ít chuyện vẩn vơ, tào lao, nàng nói:

- Mới về, nên anh chưa biết. Trước kia, Sản và Ngoại của bệnh viện Hồng Phúc là hai khoa riêng biệt, như tất cả các bệnh viện cùng hạng ở ta đấy chứ. Từ khi khoa em mắc khuyết điểm, giám đốc mới quyết định nhập vào làm một đấy, anh ạ. - Nàng giải thích: - Để các bác sĩ hai chuyên khoa dao kéo hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Và ông giám đốc có điều kiện thâu tóm, tập trung quyền lực.

- Khoa Sản có lỗi gì mà to chuyện thế?

- Lỗi mổ chết người, anh ạ.

- Cụ thể?

- Em kể. Nhưng anh phải hứa, không được nói lại với bất kỳ ai trong bệnh viện mình đấy nhé! Hứa nhé?

- Nhất định rồi.

- Anh hứa rồi đấy! Nhớ là đã hứa đấy.

Câu chuyện Hà sắp kể, trong bệnh viện Hồng Phúc ai chẳng biết, nhưng nàng nhắc đi nhắc lại, bắt Khang phải hứa giữ bí mật. Nhìn thẳng vào mắt anh, như để xác định chính xác và chắc chắn lời hứa đã được "đóng đinh" hay chưa, rồi nàng mới nói tiếp:

- Cách đây đã năm năm, bác sĩ Thủ mổ một ca u xơ tử cung. Hơn mười ngày sau, bệnh nhân lăn đùng ra chết. Mổ xác, phát hiện con người xấu số ấy bị ông làm thủng bàng quang, nước tiểu tràn đầy ổ bụng. Thế là khoa Sản bị ghép vào với khoa Ngoại. Ông Thủ bị hạ chức và chắc là đau đớn, về khoản lương phụ cấp trách nhiệm cũng phải giảm đi.

Khang hỏi:

- Anh Thủ về đây lâu chưa?

- Để em nhớ lại. Mười năm. Mười năm chẵn rồi, anh ạ.

- Tuổi nghề?

- Trên ba mươi năm. Anh ấy vốn là phó giám đốc một bệnh viện Phụ Sản của một tỉnh lẻ.

- Bác sĩ Thủ không kèm cặp, hướng dẫn cho các em mổ à?

- Lãnh đạo sợ bị vạ lây! Hơn nữa, anh cũng biết chứ còn lạ gì, cái tinh thần "nhất nghệ tinh, nhất thân vinh" từ xa xưa vẫn còn truyền lại tới tận bây giờ!

Khang im lặng vẻ nghĩ ngợi. Ngân Hà hỏi:

- Từ ngày về Hà Nội, anh có phải đi làm thêm không?

- Chỉ đôi khi, anh có xử trí một vài ca đặc biệt tại nhà, chứ không làm thêm ở một phòng khám nào. Xưa nay, cấp cứu ngoại khoa ở đâu cũng nhiều.

Khang muốn nói, mình làm gì còn thời gian rỗi rãi. Rồi anh hỏi lại:

- Hà làm thêm ở đâu?

Chưa tiếp xúc nhiều, nhưng Hà nhanh chóng nhận ra bác sĩ Khang chất phác và chân thật hơn người. Anh ta quan tâm đến mình? Mà cho dù là người thế nào đi nữa, thì mới từ quân đội chuyển ra, lạ nước lạ cái, ai chẳng phải tìm người để tạo dựng phe cánh? Thời đại này, làm nghề nào cũng phải tính chuyện móc ngoặc, bè phái. Ngành nghề nào cũng phải liên kết, tạo dựng cánh hẩu để có những lợi ích nhóm... Và như thế, mỗi cá nhân mới có thể an toàn, tồn tại và phát triển. Anh ta lại là bác sĩ ngoại khoa. Phẫu thuật sản phụ ít mặt bệnh. Vậy mà nhiều bác sĩ đã gặp những phen điêu đứng, khốn khổ, vì chuyện tai biến mổ xẻ. Chuyên khoa ngoại có nhiều loại phẫu thuật hơn. Tính chất đa dạng, phức tạp, nguy hiểm của nó cũng nhiều hơn. Cái nghề rạch mổ bụng người, mấy ai không gặp rủi ro? Giáo sư, tiến sĩ cũng không ít người đã ngã chổng vó! Thiếu vây cánh trợ giúp, bênh vực, che chắn; không phe phái, không ô dù, không biết đường lối, ngõ ngách, hang ổ mà chạy chọt... thì chỉ có mort sớm. Người này chắc không khó lôi kéo và biết đâu, sau này có thể nhờ cậy được nhiều cũng nên? Giám đốc bệnh viện Bùi Cường đang kiêm chức trưởng khoa Ngoại Sản. Công việc lãnh đạo bao giờ chẳng nhiều sự vụ. Khi bệnh viện phát triển hơn, Cường không thể ở dưới khoa lâm sàng, không thể kiêm nhiệm mãi được. Trình độ mổ xẻ của anh ta lại quá hạn chế. Mổ nhỏ cũng chưa dám tự mình làm độc lập bao giờ. Lúc nào chẳng phải núp dưới cái bóng giáo sư Nguyễn Đức Tấn? Không biết mổ xẻ, mà làm trưởng khoa lâu, thì cũng phải ngượng chứ! Có thể anh ấy sẽ phải đề bạt Trần Tử Khang thay mình? Xem ra người này cũng xứng đáng trưởng khoa. Hỏi về chuyên môn, thấy cái gì cũng biết cặn kẽ, tỉ mỉ, sâu rộng và cụ thể. Ông bà ngoại chẳng đã nói nhiều lần, người khôn dồn ra mặt hay người khôn thử tiếng, người ngoan thử lời là gì? Mình cần có ý thức đầu tư từ xa.

Nghĩ thế, Ngân Hà cũng đáp lại, thành thật:

- Cảm ơn anh quan tâm. Đồng lương tháng nuôi thân mình chưa đủ, em lại còn đứa con gái nữa. Nó càng lớn càng tốn. Nhiều chuyện cần tiền lắm. Đi làm ngoài, thu nhập khá hơn lương bệnh viện. Những năm vợ chồng chưa ly dị, ông bà nội cháu chưa mất, em rất nặng gánh. Bố mẹ chồng đều già, lại là dân thường không có lương hưu. Mà sống ở thủ đô Hà Nội, cái gì cũng đắt đỏ...

- Ngân Hà làm thêm ở phòng khám nào?

- Em không làm nghề mình, anh ạ. Hà Nội ta chậm hơn Hồ Chí Minh. Chắc anh chưa để ý, cả thành phố này mới có một số phòng khám nhỏ bé. Chưa thấy một bệnh viện tư nhân nào. Đội ngũ bác sĩ nổi tiếng và giáo sư, tiến sĩ đã về hưu lại hơi bị nhiều.

Khang ngạc nhiên:

- Ngân Hà làm thêm mà không làm thầy thuốc! Vậy Hà làm gì?

- Em làm phụ thầu xây dựng, và mấy việc linh tinh.

Bác sĩ chuyên khoa sản, thạc sĩ y khoa, mà đi làm phụ việc cho cai thầu xây dựng? Trời đất ơi! Khang kêu thầm và hết sức ngạc nhiên:

- Hà phải ra công trường, phải mua bán gạch ngói, xi măng, sắt thép... Phải cập nhật giá cả vật liệu xây dựng biến động lên xuống, công xá đắt rẻ... Nhiều bài toán kinh tế, tài chính phức tạp phải quan tâm, trù liệu, tính toán mỗi ngày?

Chỉ hỏi Ngân Hà ngắn gọn, giản đơn như vậy, nhưng Khang băn khoăn và thấy thương nàng rất nhiều. Công việc của thầy thuốc là khám chữa bệnh. Bác sĩ Ngân Hà đã không để thời gian, sức lực, trí tuệ cho nghề nghiệp. Nàng làm việc ở bệnh viện, lại dành tâm huyết cho những bản hợp đồng xây dựng nhà cửa? Phải quan tâm đến những ngày khởi công, đào móng, đóng cọc... rồi xúc tiến và hoàn thiện công trình... Phải tìm kiếm, chọn lựa những toán thợ giỏi và trung thực. Phải canh chừng những công nhân kiêm nghề trộm đạo, không đâu không có... Nàng phải lăn lộn, vì đồng tiền, vì cuộc sống gia đình thiếu thốn, khó khăn!

Vậy, thời gian đâu cho Ngân Hà đọc sách; sức lực đâu dành cho người bệnh; đầu óc đâu cho nghiên cứu khoa học? Không tâm huyết với nghề, lấy đâu ra kiến thức, và nhất là chất lượng khám xét, chất lượng mổ xẻ, chất lượng điều trị? Tất cả những cái đó đều liên quan, ảnh hưởng đến tình trạng tốt xấu, và đó là sinh mạng bệnh nhân. Những người đau ốm biết bác sĩ của mình đang ngày đêm tất bật trên các công trường xây dựng, chỉ với những cát sỏi, sắt thép, xi măng... đâu còn tin cậy, đâu dám phó thác... Sự sống và cái chết, bình an và tai biến cơ mà! Khang lo cho Ngân Hà. Anh cũng buồn và thấy chuyện của nàng đượm một nỗi chua cay, đắng chát, bêu riếu... đủ mọi cung bậc mỉa mai cho cái nghề nghiệp thầy thuốc của mình!

Ngân Hà không đủ sống bằng lương! Nàng phải đi làm phụ thầu xây dựng. Người cựu binh thấy xấu hổ và cũng thấy nhục, như chính mình đã phải chịu lăng mạ nặng nề, phỉ báng ghê gớm.

Mỗi tuần Hà có một hoặc hai ngày trực. Người trực phải có mặt hai bốn trên hai bốn giờ ở trong bệnh viện. Phiên trực nào Ngân Hà cũng gửi đồng nghiệp. Nàng ra ngoài phố nhiều giờ liền. Nơi này, chỗ kia... mấy cái nhà đều đang làm dở. Chủ thầu thúc giục. Gia chủ bức xúc... Người có nhiều tiền thì dễ cáu kỉnh, nổi nóng, bất bình...

Khang ngồi im lặng.

- Vậy mà em cũng chỉ đủ chi tiêu tằn tiện thôi, anh ạ.

Thấy Khang vẫn lặng thinh như nghẹn lời; nàng cảm động tiếp:

- Không có khoản làm thêm ấy thì em biết xoay xở thế nào!

- Những công việc Hà vừa kể có mất nhiều thời gian không?

- Tất cả các ngày thứ bảy, chủ nhật. Ngày khác, thì ngoài giờ hành chính. Em hơi bị vất vả anh ạ; ngày ngày trên từng cây số!

Khang nhấp tách cà phê đã nguội lạnh, ánh mắt xa xăm. Ngày xưa, ông nội Trần Tử Khiên làm thầy lang ở một vùng quê nghèo. Nhiều khi cũng bí bách về chuyện chi tiêu trong nhà, nhưng cụ cũng không làm gì ngoài nghề xem mạch, bốc thuốc... cho đến ngày đội cải cách ruộng đất và nông dân cùm trói, đấu tố, đốt phá, tịch thu... Từ đó đến khi mất, cụ không còn gì để tiếp tục công việc tâm huyết của mình. Nghĩ đến ông bà nội mình, lúc nào Khang cũng xót xa.

Y nghiệp mang một tinh thần nhân văn sâu nặng, hơn chuyện tiền bạc, cơm áo nhiều lắm. Số tiền cô ấy có được từ những việc làm thêm ngoài nghề vậy là không nhiều. Cùng với những người dạy học, người làm nghề chữa bệnh được nhân dân tôn vinh là “thầy”. Các thầy thuốc phải trân trọng, yêu quý chỗ đứng của mình. Phải thấy trách nhiệm với sức khỏe và sinh mạng đồng loại. Công việc ấy nặng nề. Vì thế, ai cũng phải chuyên tâm, gắn bó, tận tụy. Tất nhiên, người nào cũng cần phải có tiền để sống. Nhưng mục đích của việc chữa bệnh không phải là tiền.

Những thầy thuốc tốt thường không giầu.

Mải nghĩ ngợi từ chuyện của Ngân Hà, cũng là tránh để nàng hiểu lầm mình lên gân lên cốt; anh cũng không phải là nguời ưa trịnh trọng hay thích lên lớp người khác, lâu sau anh mới nói:

- Sinh ra thầy thuốc là để cho công việc khám chữa bệnh. Chỉ mỗi một việc đó thôi. Có đất nước nào, dân tộc nào để thầy thuốc của họ phải chết đói bao giờ đâu?

Sau câu nói không mấy mềm mại và tế nhị ấy, Khang cầm cốc nước chanh muối đưa cho Ngân Hà. Vào quán cà phê, nhưng nàng không quen dùng nó.

- Cảm ơn anh! Thầy thuốc ở ta, không ai vì đói mà chết. Đúng là em chưa thấy bác sĩ nào chết đói, đúng với cái nghĩa đen của hai từ "chết đói". Nhưng số đông thiếu thốn. Họ âm thầm chịu đựng một cuộc sống xo rụi, đói khát mãn tính! Vì sĩ diện, vì lòng tự trọng của người có học, hay vì tính kiêu hãnh với cái nghiệp "làm thầy", mọi người tự vặn giây cót tinh thần mình lên, để sống. Ai cũng cố làm ra vẻ đàng hoàng, sang trọng. Là thầy mà lỵ! Là "thầy" thì phải cao sang hơn người, chứ làm sao có thể úi sùi? Cái sang của trí thức mình, chỉ là cuộc sống giả hiệu đấy thôi. - Ngân Hà xót xa, mỉa mai thế và hạ thấp giọng: - Trừ lãnh đạo. Lãnh đạo hầu như ai cũng rất giầu. Như Bùi Cường chẳng hạn. Anh không biết chứ, giám đốc mình giầu lắm.

Khang nói tiếp, cứ như không nghe thấy Hà vừa nói những gì:

- Nói chung trên đất nước mình, mọi người đều khó khăn cả. Vì thế, nhiều cán bộ công nhân viên chức nhà nước chân ngoài dài hơn chân trong. Nhưng chúng ta mang cái nghiệp thầy thuốc và là thầy thuốc tử tế thì phải nghĩ khác, làm khác. Bác sĩ nào cũng phải thực hành thành thạo kỹ thuật chuyên khoa của mình. Muốn thế, cần để sức lực và tâm trí cho công việc. Khi đã làm tốt các phẫu thuật lớn...

Khang ngừng bặt và ngồi thừ ra, mình cứ thật thà... Nhưng chắc chắn khi Hà đã biết mổ, thì các thủ thuật nhỏ khác trở nên dễ dàng; và cô ta có thể làm thêm bằng chính cái nghề của mình sẽ thuận lợi hơn. Hà nên bỏ hết những công việc ngoài nghề, bởi nó có hại cho tư duy, hư hỏng bàn tay và lệch lạc cả chức trách của người thầy thuốc.

Mình mới tới đây, lạ nước lạ cái, với ai cũng nên dè dặt, thận trọng thì hơn.

Từ lúc vào quán, cũng là từ xưa quen rồi, Khang cứ thẳng băng, nghĩ gì nói thế.

Ngân Hà giấu kín cảm giác xấu hổ. Mình là thạc sĩ Sản khoa, mà mổ nhỏ cũng không làm được, nói gì các phẫu thuật lớn hơn! Anh ta chỉ là bác sĩ ngoại khoa mà mổ các bệnh sản phụ cũng giỏi. Nghĩ kỹ, chính mình cũng thấy lạ và ngượng cho mình! Lớp chuyên khoa hay cao học của Hà đều quá đông. Các thầy không muốn và cũng không dám để cho ai mổ xẻ thực hành. Về đây, đã quá ít bệnh nhân, mà có ca nào ông Thủ cũng giành mổ cả, không kèm cặp hướng dẫn cho ai. Lý do, sợ người khác mổ thì xảy ra tai biến. Cái chính là ông sợ người khác biết làm, sẽ giành giật mất phần cơm áo của mình. Có thể từ nay mình bám chặt lấy bác sĩ Khang, quyết tâm học cho kỳ được kỹ năng phẫu thuật. Một cơ hội không dễ gì có được. Công việc phụ thầu xây dựng hiện nay không ra sao cả. Lờ lãi bao nhiêu, chủ thầu ăn hết. Mất quá nhiều thời gian, sức lực, mà công mình họ trả quá bèo. Nếu chuyên môn mình giỏi... Ngoài ý nghĩa to lớn với người bệnh, với xã hội, nó còn là danh dự cá nhân, danh dự nghề nghiệp nữa. Và, có lẽ chuyện làm thêm đúng nghề sẽ tốt hơn chăng?

Tuy đã tự trách mình thật thà, Khang vẫn không thể nói khác:

- Nhìn vào các thầy thuốc xưa nay, và cũng biết được từ chính gia đình mình, anh thấy ở bất cứ chế độ xã hội nào, người thầy thuốc tốt đều trân trọng, yêu quý, gắn bó và say mê với nghề. Đất nước ta đã bắt đầu đổi mới. Kinh tế và văn hóa sẽ phát triển. Dân trí và mức sống cũng được nâng lên dần. Rồi nhà nước sẽ trả lương cho ta cao hơn.

- Từ khi lấy chồng, em phải làm thêm nhiều việc. Có thế mới bảo đảm cơm áo và các khoản sinh hoạt khác cho gia đình. Mà không làm thêm, sẽ bỏ phí tám giờ vàng ngọc. Anh thấy đấy, bệnh nhân đến bệnh viện ta không nhiều, mà cũng chỉ có các bệnh nhẹ. Rất nhiều ngày, khoa phòng bỏ trống quá nửa số giường. Nếu anh tới bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức hay Viện Sản Phụ trung ương, Viện Nhi, Viện K Quán Sứ... bệnh nhân đông, chen chân không được. Các bệnh viện đó đều quá tải. Có khoa, bệnh nhân phải nằm ghép bốn người một giường. Còn bệnh viện chúng ta đây, bác sĩ y tá mình vừa làm vừa chơi, nhênh nhang suốt ngày, cũng xong. Công với việc, thế mới chán chứ!

- Nếu em bằng lòng, từ nay có mổ anh sẽ kèm cho?

- Vâng! Anh giúp em nhé!

Nàng bỏ thêm đường vào tách cà phê đen của Khang.

Anh chợt nhớ cách đây ít ngày, trong danh sách những người góp quỹ ủng hộ nạn nhân chất độc da cam có tên bác sĩ Ngô Thị Ngân Hà.

Và Khang đã cảm động khi nghe nói ngay sau ly hôn, Ngân Hà nằm cùng giường với mẹ chồng tâm tình trọn một đêm ròng. Hai mẹ con cùng khóc trong suốt cuộc trò chuyện đó. Sau khi chia tài sản với Thân, nàng biếu cụ một phần số tiền mặt của mình.

* * *

Khang đang xem lại mấy bệnh nhân ông đã mổ cắt thùy gan trái, cắt nửa đại tràng, cắt thận... Họ đang nằm ở phòng điều trị. Tất cả đều là người quê hương hoặc người quen biết cũ đến nhờ. Họ phải tự tay viết đơn đề nghị với giám đốc xin được chính Khang mổ cho mình. Diễn biến sau mổ của họ đều tốt. Trường hợp cắt đoạn hai phần ba dạ dày, là người em con cậu ruột. Cả khoa kinh ngạc khi thấy anh cho bệnh nhân của mình ăn cháo đặc, mà ăn no ngay sau khi trung tiện, thay vì uống sữa và nước cháo loãng; lại cho bệnh nhân ra viện khi mới được 72 giờ sau mổ.

Những ngày mới làm công việc phẫu thuật, Khang cũng ra y lệnh cho người bệnh mổ trên hệ tiêu hóa, chỉ được uống sữa và nước cháo như sách vở, như đồng nghiệp mình. Nhưng rồi anh nhận ra, những bệnh nhân ấy đói. Những người bệnh cắt dạ dày ngày đêm khổ sở, vì đói. Từ khi đã cắt chỉ ra viện về nhà, không thiếu thốn mà họ vẫn phải chịu đói triền miên. Cái dạ dày đã bị cắt bỏ hai phần ba, ba phần tư..., ăn lỏng lâu ngày đã teo nhỏ lại. Nó không còn đủ lớn, để chứa được một khối lượng thức ăn cần cho sự sống của người bệnh mỗi ngày. Đã thế, họ lại ăn ít và chỉ là nước cháo, cả năm!

Khang biết các phẫu thuật viên của ta đều bắt người bệnh phải ăn lỏng và ăn quá ít sau những cuộc mổ cắt dạ dày... Đồng nghiệp của anh đã làm theo sách vở của người Tây. Chúng ta không biết súp của họ giầu dinh dưỡng hơn nước cháo gạo của mình? Ăn no, và ăn đặc ngay sau khi trung tiện như ông chỉ định, người bệnh cũng như các bác sĩ ở đây đều sợ bục chỉ!

Khang giải thích, khi trung tiện được là chỗ nối của dạ dày với ruột đã dính liền với nhau tốt rồi. Có sự phục hồi sinh lý bởi giải phẫu đã được phục hồi. Và ông bảo: "Các vị hãy ăn uống, khi nào thấy bụng mình đói. Có thể cháo thịt, cháo cá... rau quả hầm nhừ nữa. Và cứ ăn cho tới khi cảm thấy no thì dừng. Vài ba tuần sau có thể ăn cơm."

Khang được mời hội chẩn khẩn cấp với một kíp phẫu thuật.

Tường đón ông từ ngoài hành lang nhà mổ:

- Chào anh Khang! Bác sĩ Thủ và chị Ngân Hà đang mổ cắt tử cung.

- Vậy vì sao Tường cho gọi mình?

- Kíp mổ làm rách toạc một đoạn ruột non. Họ vừa xử trí rồi. Nhưng em nghĩ, việc đó thuộc chuyên khoa ngoại, nên mời anh xem thêm.

Chu Văn Thiên Tường, bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức, phụ trách nhà mổ. Anh mang trọn họ tên của một thi sĩ đời Tống, bên Tầu. Khang nghĩ, người đặt cái tên ấy đã yêu thích văn chương cổ Trung Hoa nhiều lắm. Sau có dịp gặp mặt, mới hay cha Tường là giáo viên dạy văn phổ thông trung học. Tường làm việc ở đây đã được trên mười năm. Anh thấy mấy trường hợp bác sĩ Khang mổ trong tuần qua là những ca đại phẫu thuật đầu tiên nhân viên Hồng Phúc tự làm.

Tường đưa Khang vào phòng mổ A.

Tường lên tiếng:

- Nhà mổ mời bác sĩ Khang hội chẩn với kíp phẫu thuật. Xin bác Thủ cho anh Khang xem lại đoạn ruột tai biến.

Khang đến nhìn vào trường mổ. Những cái champ thấm máu lan rộng, loang lổ. Ông Thủ lôi ra một đoạn ruột non. Nó được khâu cuộn vào, nên nhỏ hơn những quai ruột bình thường khác rất nhiều. Đường chỉ khâu dày, dài hơn mười phân theo chiều dọc ở cả hai bên. Nhìn qua cũng thấy đoạn ruột ấy đã tắc, không còn lưu thông.

- Anh Thủ khâu hai lớp, phải không? - Khang hỏi.

- Vâng, tôi khâu hai lớp. Cho chắc ăn, anh Khang ạ. Khâu một lớp, tôi sợ rò ruột, lôi thôi lắm! - Ông Thủ quay ra, trả lời.

- Cuộc mổ đã xong? - Khang lại hỏi, mà cũng như một lời xác nhận.

- Vâng, xong rồi. Tôi lau sạch và đóng bụng lại ngay bây giờ đây.

Khang kinh ngạc. Ngay giữa thủ đô Hà Nội, lại có chuyện lỗi lầm ghê gớm thế này! Nói theo cố giáo sư Tôn Thất Tùng, thì đây là một vụ accident chirugical ! Một faute technique trầm trọng. Hơn thế, nó là một double accident ! Tai nạn đầu, là do người mổ không nắm chắc giải phẫu và bàn tay lóng ngóng, chưa thành thục các động tác kỹ thuật cơ bản. Tai nạn sau, là họ không có kiến thức, không biết cách khâu nối ống tiêu hóa. Và đương nhiên, hậu quả là đoạn ruột này bị tắc.

Thật lạ! Ông Thủ là một bác sĩ lâu năm.

Vậy mà, chỉ trong một cuộc mổ, bệnh nhân này phải chịu đến hai tai nạn liên tiếp, không kể việc phải mổ lại. Tất cả, đều do thầy thuốc gây ra!

Kéo Tường ra ngoài hành lang, Khang nói:

- Kíp mổ đã làm tổn thương đoạn cuối hồi tràng. Họ lại xử trí sai.

- Tổn thương, rách toang hoang ở ruột non thì rõ rồi. Còn anh bảo xử trí sai, là sai ở chỗ nào?

- Khâu ruột theo chiều dọc.

Để Tường rõ hơn, Khang nói thêm:

- Với các vết thương ở ruột, nếu nhỏ, sạch, và mổ trước sáu giờ, thì có thể khâu lại. Mà phải khâu theo chiều ngang của ruột. Điều quan trọng là sau xử trí ruột phải lưu thông. Vết rách này quá dài. Không được phép khâu. Không được khâu, bất kể là khâu kiểu gì.

- Theo anh, phải làm thế nào?

- Cắt đoạn ruột.

- Nặng quá!

- Không có cách khác.

Khang biết, trước kia trường hợp này là phải cắt nửa đại tràng. Vì đoạn ruột non rách nát ấy sát với nơi nó đổ vào ruột già. Nhưng bây giờ, với sự hiểu biết và kỹ thuật tiến bộ hơn, các bác sĩ ngoại khoa không cần làm như vậy nữa.

Trở vào phòng mổ, Tường nói:

- Chắc bác Thủ mổ lâu đã mệt. Mời bác ra nghỉ, để anh Khang vào hoàn tất cuộc mổ giúp cho.

Trưởng phòng mổ đã được giám đốc Bùi Cường ủy quyền, nếu thấy có tai biến, trong bất cứ cuộc mổ nào, Tường mời các giáo sư, bác sĩ chuyên khoa tuyến trên về cứu giúp ngay. Bởi trước đó đã có trường hợp diễn biến xấu, khi chờ được đầy đủ các thành phần liên quan hội chẩn.

Tử vong trên bàn mổ là chuyện kinh hoàng!

Như mọi khi, Tường đã điện thoại mời giáo sư Nguyễn Đức Tấn. Hôm nay, Tường mời ông Khang, cho nhanh. Tường đã thấy những ca đại phẫu trong vài ba tuần qua, bác sĩ Khang làm quá tốt đẹp.

Thủ láng máng về sự nguy hiểm, mình đã gây ra; ông lẳng lặng rời khỏi vị trí mổ chính. Rồi đứng ngay cạnh cửa ra vào, ông vừa tháo găng mổ, vừa nói như phân bua mà không nhìn ai:

- Giám đốc mới có ý kiến đào tạo bác sĩ Ngân Hà. Nên hôm nay tôi chỉ aide, cho cô ấy mổ chính.

Thủ muốn nói cuộc mổ có vi phạm gì đều không phải tại tôi!

Ông Thủ có quên, bác sĩ mổ chính cho người phụ làm gì, để đào tạo, anh phải bảo đảm chắc chắn họ không làm phương hại người bệnh. Và anh vẫn phải chịu trách nhiệm trước giám đốc và trước pháp luật?

Khang vào chữa cháy cho kíp mổ của ông Thủ.

Người bệnh quá may mắn. Chị có ba đứa con còn nhỏ, mà người chồng vừa mới qua đời, sau nhiều năm ốm đau dặt dẹo, vì nhiễm chất độc da cam ở chiến trường miền Nam, từ thời đi lính đánh Mỹ.

Tuy lần mổ ấy có kết quả tốt đẹp, Cường cũng chỉ phân Khang vào làm cùng Ngân Hà khi không có ông Thủ hay các giáo sư, bác sĩ tuyến trên. Với những cuộc mổ hiếm hoi ấy, Khang riết róng chỉ dẫn cho Hà tất cả các thao tác kỹ thuật. Khi nào anh cũng nhấn mạnh về các động tác cơ bản. Người nữ bác sĩ đã nhiều năm chân ngoài dài hơn chân trong này khiến anh mệt mỏi. Bàn tay nàng vụng về, lóng ngóng, cứng quèo. Nhiều khi bực về sự lầm lẫn quá quắt, sai sót đột ngột, mù quáng và ngớ ngẩn của nàng, anh đã quát mắng.

Cũng chỉ vì người bệnh và thiếu kiềm chế mà Khang bất nhã với nàng. Ngay sau đó anh nhận ra mình không phải là nhà sư phạm có nghề. Và nàng cũng biết sửa lỗi. Khả năng phẫu thuật của Hà chắc chắn sẽ tốt trong tương lai gần. Những vụng dại chỉ là tạm thời. Rồi ta phải giúp nàng đọc lại, nhớ lại... củng cố, nâng cao những kiến thức cơ bản cần cho nghề nghiệp, tuy đã nhiều năm nàng vẫn đi làm đấy mà rơi vãi, mai một quá nhiều.

Việc kèm cặp, rèn tay nghề cho đồng nghiệp của Khang là ông làm theo truyền thống, làm theo lời thề Hippocrates. Truyền nghề là trách nhiệm của người đi trước, của người thạo việc hơn, giỏi và nhiều kinh nghiệm hơn. Nó cũng là thiện cảm của ông với Ngân Hà. Bởi dù sao nàng cũng đã tốt nghiệp đại học, có bằng thạc sĩ, dung nhan lại đầy vẻ nhân hậu, ưa nhìn.

Khang nhớ, ông nội cũng dạy mình từ khi còn nhỏ, làm người phải biết uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo, kính người trên, giúp kẻ dưới và những ai yếu kém hơn mình.

V.O.