Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 10 tháng 12, 2014

Nhà báo và nhà kiểm duyệt (3)

Phạm Thị Hoài

Bài liên quan:

Cuốn sách về một điệp viên không hoàn hảo

Những chỗ bị kiểm duyệt sửa đổi và cắt bỏ trong bản dịch cuốn “Điệp viên Z21. Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ” của Thomas A. Bass

Bản dịch trọn vẹn: Thomas A. Bass – Điệp viên yêu chúng ta. Chiến tranh Việt Nam và trò chơi nguy hiểm của Phạm Xuân Ẩn

Trao đổi lại với ông Thomas A. Bass về phần biên tập ban đầu cuốn sách của ông mà tôi tham gia

Thomas A. Bass – Phản hồi độc giả nhân lần xuất bản tại Berlin

Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 1)

Thomas A. Bass – Rừng Sát: hiện tượng kiểm duyệt tại Việt Nam (Bản dịch mới – Kỳ 2)

Nhà báo và nhà kiểm duyệt (1)

Nhà báo và nhà kiểm duyệt (2)

In doubt we publish

Một nhà báo nghiêm túc có được phép khai thác hay dẫn nguồn, chẳng hạn, từ đoạn băng ghi cuộc điện đàm “Fuck the EU” giữa bà Trợ lí Ngoại trưởng Hoa Kỳ Victoria Nuland và Đại sứ nước này tại Ukraine Geoffrey Pyatt, hay đoạn băng ghi cuộc điện thoại “dọn sạch tiền trong nhà” giữa cha con Erdoğan, thời còn là Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, hay đoạn băng ghi âm ông Chủ tịch Tập đoàn Đại Dương Hà Văn Thắm cùng đàn em dọn dẹp hậu trường đi đêm giữa giới mafia tài phiệt và thượng đỉnh quyền lực chính trị? Theo quan niệm báo chí truyền thống, câu trả lời là không. Đó là những tư liệu chưa được kiểm chứng và bất hợp pháp. Luật pháp của hầu hết mọi quốc gia đều nghiêm cấm việc bí mật đặt máy nghe trộm rồi đem công bố. Song theo Wikileaks, câu trả lời sẽ là: In doubt we publish.

Đúng 10 năm trước, cùng tòa soạn talawas tôi đứng trước một quyết định: Có nên đăng tập tài liệu mang tên “Gặp Tố Hữu tại biệt thự 76 Phan Đình Phùng” của nhà báo Nhật Hoa Khanh không. Lí do để không đăng ít nhất cũng nhiều bằng lí do để đăng. Tác giả hoàn toàn im lặng trước những cáo buộc là giả mạo, xuyên tạc, bịa đặt, vu khống, từ chính vợ ông Tố Hữu, trên báo chí chính thống. Việc thẩm định độ xác thực của tài liệu nằm ngoài khả năng của chúng tôi, song có hai điểm quan trọng ủng hộ cho việc công bố: thứ nhất, tác giả có thật, được biết đến ở Việt Nam dưới bút danh này; thứ hai, Tố Hữu là một nhân vật mà công luận quan tâm. Quyền được biết của công luận, đã giành được và được dành vị trí ưu tiên.

Nhưng the public´s right to know là một khái niệm co giãn. Nó đã nhiều lần bỏ rơi các nhà báo chân chính và chống lưng cho báo chí giật gân lá cải. Ngay ở các nước có đủ các định chế chính trị, luật pháp và văn hóa, cộng thêm một truyền thống báo chí tự do lâu đời và một trình độ dân trí tương đối cao, người ta vẫn không dễ dàng xác định quyền được biết của công luận chấm dứt và quyền riêng tư bất khả xâm phạm bắt đầu từ ranh giới nào.

Khi nước Mỹ rúng động về vụ cô thực tập sinh có mái tóc bồng, tôi – lúc đó mới sống 5 năm ở phương Tây – đã đi từ ngạc nhiên này đến sững sờ khác. Người Mỹ dường như không có việc gì đáng làm hơn là bình luận hàng tháng trời về oral sex có phải là sex. Báo chí truyền thông Hoa Kỳ dường như không thấy một đề tài nào quan trọng hơn điếu xì-gà, chiếc váy xanh vấy tinh dịch và blow job trong Oval Office. Rồi khi ông Bill Clinton đứng ra trước ống kính truyền hình từ Map Room trong Nhà trắng ngày 17/8/1998 vừa xin lỗi vừa tự vệ, vừa mếu máo vừa hùng hồn: Even presidents have private lives, Tổng thống cũng có quyền có đời tư không liên quan gì đến ai, tôi đồng ý ngay, chỉ tiếc là cái gu ái tình của người đàn ông bảnh bao và giàu quyền lực nhất thế giới này có vẻ xích về hướng ăn tạp hơn ăn tinh.

Obama-va_-vo__.-A_nh-Relationship-Lessons

Tôi đến từ một xứ sở, nơi một nhúm nhân vật đứng đầu quốc gia ra những chính sách để một bộ máy công quyền với tay vào tận giấc mơ và những thứ khác trong giường ngủ của dân chúng, nhưng chính họ thì tồn tại cách li khỏi công luận. Báo chí Việt Nam thoải mái đăng hình Obama khiêu vũ với vợ, cầm tay vợ, ôm vợ, hôn vợ, đút thức ăn cho vợ; người Việt biết rõ đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ mặc váy của nhà thiết kế nào vào dịp nào, hai đệ nhất khuyển trong Nhà trắng tên là gì, lai lịch ra sao; hai đệ nhất tiểu thư học trường nào, đóng bao nhiêu học phí. Người Việt cũng được thông tin kha khá về gia tộc họ Kim, thậm chí biết cả vụ Kim con phải điều trị mắt cá chân vì thích đi giày đế cao. Nhưng không biết gì về các nhà lãnh đạo quốc gia của chính mình. Kim con cao 175 cm so với Kim cha 160, Putin 170, Sarkozy 165, Đặng Tiểu Bình 152, Tập Cận Bình 180 và Omaba 185 cm. Nhưng đố ai biết chiều cao của các nhà lãnh đạo Việt Nam, kể cả Hồ Chí Minh. Tôi thật sự muốn biết Bộ Chính trị phải dùng chung một loại thuốc nhuộm tóc hay được tùy ý lựa chọn trên thị trường tự do. Trừ ông Nguyễn Phú Trọng bạc minh bạch và ông Nguyễn Thiện Nhân bạc do dự, tóc tất cả các vị đã trên lục tuần ấy đều đồng bộ đen nhánh. Tóc đen, cà vạt đỏ có phải là điều kiện bắt buộc để làm chính trị tại Việt Nam không?

TT-Nguye__n-Ta__n-Du_ng-va_-phu-nha_n-tie__p-TT-Ly_-Hie__n-Long-va_-phu-nha_n

Hay phu nhân của Thủ tướng đã sắm chiếc áo dài ren màu tím rùng rợn khi tiếp vợ chồng Thủ tướng Singapore ở chợ nào?

TBT-Nguye__n-Phu_-Tro_ng-va_-phu-nha_n-tie__p-Chu_-ti_ch-La_o-va_-phu-nha_n

Phu nhân của Tổng Bí thư đã đứng bao lâu trước gương để chọn cho mình bộ áo dài tuyết nhung loang lổ hoa văn đáng kinh hãi, bên ngoài khoác thêm chiếc áo vét cán bộ màu be, khi tiếp vợ chồng Chủ tịch Lào? Thế hệ màu be là thảm họa toàn cầu, thành tích riêng của các mệnh phụ Việt Nam là kết hợp nó với xì-tai áo dài sặc sỡ quệt sát đất. Song tôi e rằng đó cũng là những bí mật quốc gia, hoặc khu vực riêng tư cấm nhà báo xâm phạm. Cho nên, sống thêm 15 năm nữa ở phương Tây, khi bà nhà báo Valérie Trierweiler, cựu đệ nhất tình nhân nước Pháp, tung ra cuốn sách về Tổng thống bê bối François Hollande, tuy ghét trò kể tội người tình xưa và rất không ưa chuyện đem đồ lót ra phơi ở quảng trường, tôi vẫn thấy hành động của bà hơn hẳn truyền thống ngậm miệng làm thinh của các Đệ nhất Phu nhân khác của nước Pháp, bà Pompidou, bà d’Estaing và đặc biệt bà Mitterrand, để các đấng ông chồng trăng hoa của họ có vợ lớn, vợ bé, con chung, con riêng, thậm chí bằng tiền dân đóng thuế. Ở Việt Nam, chỉ một bài báo hé lộ rằng Hồ Chủ tịch từng có vợ người Hoa chứ chưa cần mở một cánh cửa phòng the nào đã khiến Tổng biên tập một tờ báo lớn mất chức.

Quyền được biết của công luận thắt lại đến tối thiểu trong định nghĩa bóp nghẹt của một nền độc tài chính trị và phình ra đến tối đa trong định nghĩa vụ lợi của một nền độc tài thương mại giải trí. Ở một xã hội chưa ra khỏi nền độc tài kể trước đã sắp bước vào nền độc tài kể sau như Việt Nam, định nghĩa nào đủ hiệu lực cho một hiện thực vừa thả cửa bùng phát vừa giam hãm o bế, vừa vô chính phủ vừa chuyên chế, vừa hỗn loạn vừa định hướng gắt gao? Báo chí hồn nhiên trưng ảnh chụp hàng loạt chứng minh thư và giấy tờ tùy thân của người dân để giật tít về những cái tên “độc” ở Việt Nam. Báo chí vô tư trình ra các bệnh án cá nhân, kể cả của người đang điều trị về tâm thần, trước bàn dân thiên hạ. Những bé gái bị xâm phạm tình dục xuất hiện với đầy đủ họ tên, địa chỉ, thậm chí kèm cả ảnh trên mặt báo. Cáo trạng được đăng trước khi xét xử. Nghi can bị công luận chỉ mặt gọi tên trước khi tòa truy tố. Sao lớn sao nhỏ bày mông đùi như xếp cỗ. Đời những phụ nữ bán dâm bị mở tanh bành. Hàng vạn khách hàng bị một công ti với slogan “Giá trị thực cho niềm tin bền vững” gài phần mềm nghe trộm. Chính quyền yêu cầu dân khai cả số điện thoại và địa chỉ email vào phiếu lí lịch. Và ít nhất 500 triệu tài khoản Facebook của 90 triệu người Việt trở thành chốn riêng tư công khai khổng lồ, nơi họ, cộng đồng FB tự nguyện thi đua tích cực nhất thế giới, hăng hái triển lãm mình và nhân tiện trưng luôn cả anh hàng xóm, như thể ngày tận thế là ngày FB down. Nếu internet truyền được cả mùi, tôi tin rằng anh hùng FB đầu tiên chia sẻ cái mùi vô cùng độc đáo của mình với cộng đồng mạng mênh mông sẽ đến từ Việt Nam. Song ở chính đất nước ấy, việc báo chí truyền thông điều tra nghi án gian lận tuổi của một cầu thủ nổi tiếng lại bị coi là xâm phạm bí mật đời tư. Ở chính đất nước ấy, ly hôn thì xử công khai còn chính trị xử kín, và sức khỏe của giới lãnh đạo là bí mật quốc gia. Đầu năm 1984, dân chúng Liên Xô tuyệt không biết gì, nhưng người phụ trách văn phòng của tờ Washington Post tại Moskva, nhà báo Dusko Doder, thì đưa trúng tin Tổng Bí thư Yuri Andropov vừa qua đời ngày 9/2, trước cả thông báo chính thức từ chính quyền Xô-viết. Khẳng định của ông dựa vào một số dấu hiệu, chẳng hạn trụ sở Bộ Quốc phòng Liên Xô sáng đèn suốt đêm, và một chương trình nhạc jazz trong đài phát thanh bỗng được thay bằng nhạc cổ điển. Khi Brezhnev mất hai năm trước, đài Liên Xô cũng đổi chương trình nhạc, từ đại chúng sang cổ điển. 25 năm sau kỉ nguyên Xô-viết, công luận Việt Nam trở tay không kịp với tin ông Phạm Quý Ngọ đột ngột từ trần, còn bệnh tình của ông Nguyễn Bá Thanh là cả một kì án.

Vì thế tôi hiểu sự phân vân, ngay trong giới truyền thông và xuất bản Việt Nam, rằng bài phóng sự của Thomas A. Bass có thể xâm phạm quyền riêng tư của những nhân vật được đề cập. Tôi không băn khoăn như vậy. Các nội dung được ông nhà báo Mỹ tường thuật thuần túy tập trung vào công việc giữa ông và những người liên quan trong quá trình xuất bản cuốn sách của ông. Song chủ đề khó khăn này thường vượt quá thẩm quyền bình luận của các cá nhân đứng ngoài. Phán quyết cuối cùng nên thuộc về tòa án, nếu người ta được sống trong một hệ thống tư pháp ít nhiều đáng tin cậy. Để lấy một ví dụ: Spickmich, một trang mạng chấm điểm giáo viên ở Đức ra đời mấy năm trước, với gần một triệu học trò là thành viên tham gia đánh giá thày cô giáo. Đó quả là một ý tưởng đặc biệt. Thày và trò bỗng đổi vai. Kết quả được đăng công khai: tên giáo viên, dạy môn gì, ở trường nào, được học trò cho mấy điểm, căn cứ trên một số tiêu chí như năng lực chuyên môn, nhiệt tình giảng dạy, tư cách trên bục giảng, thái độ ứng xử với học trò, sự công bằng khi chấm bài, và cả phong cách thời trang. Đầu tiên là một cô giáo bị điểm quá xấu đâm đơn kiện, rồi kéo theo hàng loạt thày cô khác, với sự ủng hộ đáng kể trong dư luận xã hội, nhiều người đòi cấm hẳn trang này. Họ cho rằng những thông tin cá nhân và quyền riêng tư của các giáo viên bị xâm phạm nghiêm trọng. Song từ Tòa Tiểu bang đến Tòa Thượng thẩm Tiểu bang, rồi Tòa Thượng thẩm Liên bang và cuối cùng là Tòa Bảo hiến Liên bang, tất cả các cấp thẩm quyền của hệ thống tòa án ở Đức đều bác bỏ đơn kiện của các thày cô. Tòa phán, giáo viên phải chấp nhận việc học trò có thể đánh giá mình không như mình mong đợi. Dù học trò chấm sai, thậm chí không loại trừ cả những động cơ cá nhân, nhưng quyền nhận định về giáo viên của học trò – rốt cuộc đó là quyền tự do chính kiến – được đặt cao hơn quyền bảo vệ thông tin của các thày cô, vả lại những thông tin ấy không thực sự là riêng tư vì chúng gắn với công việc. Đã đánh giá một giáo viên thì không thể không nêu đích danh tên, trường, bộ môn dạy, và chấm điểm cho từng mục, kể cả nhận định rằng cô giáo ăn mặc tẻ nhạt hay sexy.

Một nghi vấn khác cũng được đặt ra trong vụ “Rừng Sát” là breach of confidence. Tác giả đã có lời trần tình, thậm chí còn cho biết đã gửi bài cho những người liên quan xem lại từ vài tuần trước khi công bố. Gây dựng hay phản bội lòng tin, rốt cuộc chỉ chính những người trong cuộc tự biết. Đôi khi sự thỏa thuận chỉ ở trong một ánh mắt, trong một lời ngập ngừng, trong một cái cười nửa môi, những điều không có hiệu lực gì trước luật pháp vô tình. Song ngay cả khi sự bội tín của nhà báo là không thể chối cãi thì phán quyết từ cả dư luận lẫn những định chế luật pháp cuối cùng vẫn cần dựa trên sự cân nhắc: lợi ích chung của xã hội trong mỗi trường hợp cụ thể có đủ lớn để biện minh cho thiệt hại riêng của cá nhân liên quan hay không. Không có công thức pha sẵn nào cho mọi trường hợp.

Nhà báo Heribert Schwan vốn được tuyển làm ghostwriter, người viết thuê cho cựu Thủ tướng Đức Helmut Kohl. (Viết thuê ở phương Tây rất phổ biến. John F. Kennedy khi còn là Thống đốc Massachusetts thậm chí còn đoạt giải Pulitzer cho Profiles in Courage, cuốn sách do trợ lí Ted Sorensen của ông viết. Cuốn It Takes a Village: And Other Lessons Children Teach Us của Hillary Clinton khi đang là Đệ nhất Phu nhân do bà Barbara Feinman, một giáo sư báo chí viết. Bài được báo chí Việt Nam coi là “diễn văn lịch sử” của Putin tháng Ba năm nay, đón chào Krym trở về nước mẹ Nga, do Vladislav Surkov, cố vấn riêng của Putin chấp bút.) Sau ba tập hồi kí và cả một cuốn nhật kí, tổng cộng 3000 trang đứng tên nhà chính khách, ông bị sa thải vì xung đột gay gắt với người vợ mới của nhà chính khách, người muốn chăm sóc một hình ảnh hoàn hảo về Helmut Kohl cho hậu thế. Nhưng ông còn bản sao 630 tiếng đồng hồ trong 200 cuốn băng ghi 105 cuộc trò chuyện với Helmut Kohl, và đầu tháng Mười năm nay, ông xuất bản cuốn Di sản: Biên bản Helmut Kohl, đứng tên mình, khắc họa một chân dung chính khách không lấy gì làm đáng mến; moi ra những rác rưởi đằng sau bốn nhiệm kì 16 năm quyền lực của ông cựu Thủ tướng; tiết lộ những lời mạt sát của ông này về nhiều nhân vật chính trị ở cả Đức và trên đấu trường quốc tế. Tất cả trên cơ sở những lời thổ lộ trong chỗ tin cậy, không che đậy, thành thực đến tối đa của ông cựu Thủ tướng với ghostwriter của mình. Ông nhà báo đã bội tín, không có gì phải bàn thêm. Song có điên mới không xuất bản một cuốn sách như thế, cả các đồng nghiệp đang bịt mũi trước đạo đức nhà báo bốc mùi hôi rình của ông cũng phải đồng ý như vậy. Đó là một tác phẩm chứa đầy tư liệu vô giá về một chương quyết định trong lịch sử nước Đức, gồm cả giai đoạn Bức tường Berlin sụp đổ và hai nước Đức thống nhất. Vụ kiện tụng diễn ra rầm rộ. Theo phán quyết của tòa, từ lần tái bản tiếp theo tác giả phải loại bỏ chính xác 115 câu trích dẫn nguyên văn lời ông cựu Thủ tướng vì liên quan đến bản quyền, còn 200.000 cuốn đang phát hành thì được giữ nguyên. Tôi phục là tòa xử giỏi. Các bên liên quan đều có thua, có thắng. Thắng triệt để là bên đứng ngoài: lợi ích của công luận.

Người thường xuyên đi quá tất cả các ranh giới được coi là đạo đức nghề nghiệp thông thường, từ xâm phạm bí mật đời tư, giả mạo nhân thân, cải trang hình dạng, đặt băng bí mật đến phản bội lòng tin nổi tiếng nhất trong làng báo Đức là Günter Wallraff. Tên ông đã được chuyển thành khái niệm wallraffing để biểu thị trường phái báo chí undercover mà ông là đại diện tiêu biểu. Ông từng giả mạo tên tuổi, vào làm biên tập viên ba tháng trong tòa soạn báo Bild, tờ lá cải có số lượng phát hành ở thời điểm ấy khoảng 5 triệu bản hàng ngày, để sau đó viết một cuốn sách phanh phui những cung cách thông tin thiếu lương thiện của Bild. Tất cả những nỗ lực của tờ báo giàu thế lực này không ngăn cản được cuốn sách. Nó thành công vang dội. Trong những lần tái bản tiếp theo, một số đoạn dẫn nguyên văn lời các biên tập viên tòa soạn báo Bild bị bôi đen, nhưng từ năm 2009 đã xuất hiện trọn vẹn trên Wikileaks. In doubt we publish, mượn từ nguyên tắc căn bản trong các nền luật pháp tiên tiến, In dubio pro reo. Trong trường hợp sự bất hợp pháp của văn bản còn chưa được chứng minh đầy đủ, còn tồn tại hoài nghi, thì công bố.

(Còn tiếp 1 kì)

© 2014 pro&contra

Nguồn: http://www.procontra.asia/?p=5848