Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Sáu, 19 tháng 12, 2014

Bùi Ngọc Tấn để lại gì?

Phạm Toàn

image

Nhà văn Bùi Ngọc Tấn đã từ biệt chúng ta mãi mãi từ lúc đồng hồ điểm 6 giờ 15 phút sáng thứ Năm 18 tháng 12 năm 2014. Khối u ở phổi phát triển nhanh và có làm anh đau đớn nhiều trong tháng cuối cùng – nhưng ngoài sự đau thể xác đó ra, bè bạn vẫn có thể chứng kiến Bùi Ngọc Tấn ra đi thanh thản.

Tháng cuối cùng, gia đình chuyển anh từ căn gác nhỏ ở đường Điện Biên Phủ sang nhà con trai để tiện chăm sóc hơn, và nhất là để có chỗ rộng hơn đón tiếp những người thương yêu anh từ rất xa cũng tới nắm tay anh một lần mà tất cả đều biết chắc đó là lần cuối. Riêng bạn Dương Tường trong mấy tháng qua đã tới với anh vài bốn lần. Cháu Văn con anh Trần Dần cũng tới quay thêm những đoạn băng cuối cùng. Hôm thứ Ba, Dương Tường gọi cho bè bạn thân, bảo “Tấn nặng lắm rồi”. Hôm thứ Tư, Dương Tường gọi lần nữa, “cái Yến từ trong Nam đã ra rồi, phải chuẩn bị điếu văn thôi”. Một vài bạn sắp đi công tác xa, chuẩn bị hôm nay, thứ Năm, đi thăm Bùi Ngọc Tấn lần nữa. Nhưng trước khi lên đường lại có điện của Dương Tường giọng ngàn ngạt “Tấn đi rồi… Sáu giờ mười lăm sáng nay”…

Bùi Ngọc Tấn ra đi để lại gì? Những tác phẩm. Những tình cảm. Những đóng góp hiển nhiên cao giá cho nền văn học nước nhà. Một giọng văn hừng hực tinh thần cách mạng đầu những năm 1960 ca ngợi người anh hùng Phùng Văn Bằng giữ cây đèn biển ngoài cửa Nam Triệu. Một giọng văn kể chuyện chi li để ai ai cũng được nếm trải cảnh đời “kể năm Hai Nghìn” nhưng đã được dịch thật đủ ý sang tiếng Pháp “chuyện kể cho những thế kỷ đang tới”. Không riêng cuốn tiểu thuyết đó đáng để đời cho nhiều thế kỷ đang tới. Còn có giọng văn vừa chi li vừa hóm hỉnh, hài hước trong những “chuyện kể về bè bạn”. Những chuyện về “những người rách việc”. Những chuyện kể về “người chăn kiến”. Những chuyện về “Biển và chim bói cá”. Và gần đây nhất, chuyện kể về một thời “biến đổi gien”…

Bùi Ngọc Tấn ra đi không chỉ để lại vỏn vẹn bấy nhiêu chữ nghĩa. Con người Việt Nam hôm nay còn thấy ở Bùi Ngọc Tấn những di sản khác nữa. Trong cuộc vật lộn để dân chủ hóa đất nước hôm nay, người Việt Nam chúng ta sẽ từng bước không để trên đất nước thương yêu này còn tồn tại những lò sản sinh ra những “người chăn kiến” – những “trại người” tiêu phí thì giờ và sức thanh xuân trong những nhà giam giữ không xét xử hoặc có xét xử với những bản án bỏ túi – nơi tạo ra những thầy giáo Đinh Đăng Định và biết bao người không thể lưu danh khác, ra tù chưa kịp sống thêm trong nhà tù lớn, đã phải đem cái thân xác bị hủy hoại trong những nhà tù được “xây nhiều hơn và đẹp hơn trường học”, rồi sớm về với nhà tù vĩnh viễn trong lòng đất.

Có một bài học lớn Bùi Ngọc Tấn gửi tới những nhà cầm quyền độc đảng toàn trị nhưng chẳng hiểu họ có nhận ra không. Bài học đó là: họ đã vô tình đào tạo ra biết bao người tài nhờ được họ vô tình đào tạo thành những kẻ đối lập. Phải thấy là thế hệ Bùi Ngọc Tấn vốn dĩ là thế hệ xung phong đi đầu xây dựng cái “xã hội mới” theo như lời hứa hẹn gửi đã lâu trong vô vàn chữ nghĩa được thế hệ đó vơ vào cho chính những thân phận lãng mạn ấy sau này gặm nhấm trong tù. Trong khi Bùi Ngọc Tấn lăn lộn trong Thanh niên Xung phong, thì Dương Tường và Mạc Lân chẳng hạn lại là Tình nguyện quân sang chiến đấu tận bên Lào lúc Lê Khả Phiêu chỉ mới là cán bộ cấp tiểu đoàn hay đại đội gì gì đó.

Ai đã làm cho họ thất vọng? Những thực tại nào đã khiến họ đi từ những hoài nghi nho nhỏ để rồi đến với nỗi tuyệt vọng to đùng cho một tương lai “ở đâu đâu cũng có chủ nghĩa xã hội” nhưng “chẳng thấy chủ nghĩa xã hội ở đâu cả” – câu đùa bằng tiếng Pháp thế hệ này vẫn nói vui với nhau từ cuối những năm 1960: “Le socialisme? C’est partout, et nulle part”.

Thế hệ đó cũng tự rèn cho mình một nghị lực để càng tuyệt vọng lại càng có những đóng góp cao đẹp cho Dân tộc, cho Nhân dân. Người ta chẳng vào Đảng của các anh, mà các anh cũng vơ lấy người ta để hạch tội “chống Đảng”. Thấy được sự vô duyên ấy, nên thế hệ ấy tự rèn cho mình một áo giáp chống phỉ báng, và họ lẳng lặng làm việc. Nào, ai trong số TẤT CẢ các anh trong dăm chục năm đã MỘT MÌNH dịch đến 50 (năm mươi, tôi nhắc lại: năm chục) cuốn tiểu thuyết, cuốn nào cũng được chào đón, chứ không bị ghẻ lạnh như những trang báo ngày nào nhân dân cũng chẳng thèm ngó qua! Nào, ai trong tất cả các anh trong những năm tháng vất vả ở tù ra song đã kịp để lại cho Đời những “Chuyện kể năm Hai nghìn”, những “Biển và chim bói cá”, những “Cún” và “Người chăn kiến”, những “Kể về bè bạn”, … và biết bao tình cảm yêu thương nồng thắm! Nói thật nhé: khi các anh trên giường bệnh như Bùi Ngọc Tấn, đừng có mơ những bàn tay bè bạn tới xoa xoa và truyền năng lượng tinh thần sang cho tấm thân kiệt sức của mình. Biết sao không? Có ma nào sẽ nhận được trở lại tí năng lượng an ủi nào từ những tấm thân tham nhũng, luồn cúi, và tha hóa của các anh?

Bài học to lớn nhất cho các anh là: hãy biết nhìn lại lịch sử đi! Cái lịch sử không mấy xa xôi, cái lịch sử không cần đến những cặp kính xập xệ tra cứu tờ A tờ B, hãy giương mắt ra mà rút kinh nghiệm từ những chuyện rất gần.

Nói thì dễ, làm thì khó, vì việc học hỏi đó cần đến một vài đức tính các anh hoàn toàn thiếu: trung thực, không tham lam, không hèn.

Thách đấy!

Ôi, xin lỗi Tấn nhé, mình chợt bỏ cậu một lát để lan man sang đôi ba chuyện chẳng xứng đáng chút nào với cậu.

Mình nhớ và yêu cậu mãi mãi. Hẹn gặp cậu ở nơi cậu đang tới. Nơi đó khi đó chúng ta chẳng còn phải nhìn thấy những điều ti tiện nữa. Nơi đó mới đúng là Thiên đường, chứ không phải cái thiên đường “ở đâu đâu cũng có” nhưng “chẳng thấy ở đâu sất”.

Hẹn gặp!

Hà Nội, 18 tháng 12 năm 2014