Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2015

Lê Đạt và Bóng Chữ

Đặng Tiến

J'ai reculé les limites du cri
Paul Eluard, 1940

 

Bóng Chữ tập thơ Lê Đạt từ ngày xuất bản, 1994, đến nay, đã gây nhiều dư vang và dư luận, một hiện tượng hiếm hoi trong lĩnh vực thơ, và đáng mừng vì chứng tỏ ngày nay còn có nhiều người lưu ý đến thi ca. Cuộc thảo luận, kéo dài non một năm nay, tuy chưa mở ra được những nẻo đường mới, chưa giải phóng những tiềm năng sáng tạo dồn nén trong thơ từ nhiều thập niên qua, trước một nền thi ca thế giới thường xuyên đổi mới, vẫn là một tiến bộ. Những giáo điều đang thay đổi, vẫn là giáo điều nhưng cũng có đổi thay.

Bóng Chữ là một tác phẩm quan trọng tâm huyết của một tác gia đã làm thơ non nửa thế kỷ.

Thế Giới Này Là Của Chúng Ta tập thơ đầu tay của Lê Đạt đã xuất bản từ 1955, sau đó là Bài Thơ Trên Ghế Đá, 1957. Nhưng cùng với nhiều bạn thơ khác như Hoàng Cầm, Trần Dần, Văn Cao cùng in chung một tập thơ Cửa Biển, nhà thơ Lê Đạt dính vào phong trào Nhân Văn Giai Phẩm nên bị trù yểm suốt non ba mươi năm. Dư luận ít nhắc đến Lê Đạt, tư liệu về anh cũng không nhiều.

Theo kỷ yếu của Hội Nhà văn, Lê Đạt tên thật là Đào Công Đạt, sinh ngày 10.9.1929 tại làng Á Lữ, tỉnh Bắc Giang, bên bờ sông Thương, gần Yên Thế. "Đất quê cha tôi / đất quê Đề Thám" (Bóng Chữ, tr. 7), anh lớn lên tại "một tỉnh thượng du bụi đỏ / Bến Âu Lâu sông Hồng" (tr.14) và hiện sống tại Hà Nội, "9 gác Lãn Ông / Lòng xanh xuân chờ" (tr. 84).

Bóng Chữ còn mang đậm nhiều chi tiết khác trong đời sống thực sự của tác giả. Tập thơ không phải trò chơi chữ chập chờn như đã có người nói mà là ám ảnh của một đời dài gian lao, lận đận.

*

Tập thơ gồm 108 bài, phần nhiều thơ ngắn, hai câu, năm mười câu; dăm bài dài nhất chỉ độ trăm câu. Hai mươi bài thơ (ngắn) làm từ 1965 đã in chung với thơ Dương Tường trong tập 36 Bài Tình (1989). Bài Cha Tôi làm từ 1956. Đoạn văn xuôi Nhân Con Ngựa Gỗ là tuyên ngôn của trường phái thơ Lê Đạt, trích đoạn một bài báo đã đăng trên tạp chí Tác Phẩm Mới số 3-1992 trong đó tác giả xác định quan điểm sáng tác: "Thơ phải cô đúc, đa nghĩa. Đa nghĩa vì câu thơ mang nặng lịch sử chữ, hoạt động ở nhiều tầng văn hoá, cả trong ý thức lẫn vô thức người viết [...] Nói như Valéry chữ trong thơ và văn xuôi tuy giống nhau về hình thức nhưng khác nhau về giá trị [...] Nhà thơ làm chữ chủ yếu không phải ở nghĩa "tiêu dùng" nghĩa tự vị của nó mà còn ở diện mạo, âm lượng, độ vang vọng, sức gợi cảm của chữ trong tương quan hữu cơ với câu thơ và bài thơ" (tr. 50). Điều này hiển nhiên và không mới, các nhà văn nhà thơ phương Tây đã nói cách đây hàng trăm năm, nhóm Xuân Thu Nhã Tập tại Việt Nam đã vang vọng từ 1942 (in lại tại Hà Nội 1992). Từ thời Kháng chiến chống Pháp gian nan (1949) Nguyễn Đình Thi đã viết: "Chữ và tiếng trong thơ phải còn có một giá trị khác, ngoài giá trị ý niệm. Người làm thơ chọn chữ và tiếng không những vì nghĩa của nó, cái nghĩa thế nào là thế ấy, đóng lại trong một khung sắt. Điều kỳ diệu của thơ là mỗi tiếng mỗi chữ, ngoài cái nghĩa của nó, ngoài công dụng tên của sự vật, bỗng tự phá tung ra, mở rộng ra, gọi đến chung quanh nó những cảm xúc, những hình ảnh không ngờ, toả ra chung quanh nó một vùng ánh sáng động đậy. Sức mạnh nhất của câu thơ là ở sức gợi ấy". Nguyễn Đình Thi đã dùng một hình ảnh cụ thể, đúng và đẹp: "Mỗi chữ như một ngọn nến đang cháy, những ngọn nến ấy xếp bên nhau thành một vùng ánh sáng chung. Ánh sáng không những ở đầu ngọn nến, nó ở tất cả chung quanh những ngọn nến. Ý thơ không những trong những chữ, nó vây bọc chung quanh. Người xưa nói: thi tại ngôn ngoại." (1)

Về địa hạt này, bản thân tôi cũng đã có đóng góp nhiều bài. Thơ là gì ? Thơ hay và văn hay. (2)

I. Lăm răm nắng cúc

Bóng Chữ của Lê Đạt ghi lại lịch sử một đời người, qua buồn vui một cá nhân, giữa thăng trầm của dân tộc, và trăn trở của một nghệ sĩ thường xuyên tra vấn ngôn ngữ. Ba yếu tố ấy quyện vào nhau làm nền cho tập thơ, nhưng thành phần thứ ba, những thí nghiệm ngôn ngữ có phần khúc mắc, che lấp tình, ý của tác giả, dễ làm người đọc lạc hướng và lạc lõng. Sự thật Lê Đạt chỉ tạo rung cảm mới bằng một vài thủ pháp: đảo ngữ, ẩn ngữ, nhấn mạnh vào ngữ âm, khai thác tính đa nghĩa trong từ vựng, sử dụng điển cố văn học một cách rộng rãi, từ tục ngữ, ca dao đến thi pháp nước ngoài. Khai thác kinh nghiệm những người đi trước, từ Baudelaire, Maiakovski đến thơ siêu thực và hiện đại Pháp, tiếp cận những lý thuyết văn học, ngữ học và nhân học mới, Lê Đạt thực tâm muốn làm mới thơ mình. Nói theo ngôn ngữ phê bình hiện đại, thì Lê Đạt khai thác triệt để khả năng văn học của ngôn ngữ về hai mặt từ hệ (paradigme) và từ tổ (syntagme), lịch đại (diachronie) và đồng đại (synchronie). Thơ Lê Đạt, dù cầu kỳ, cũng không thoát khỏi bốn cạnh của ô vuông đó.

Thử đọc một câu thơ Lê Đạt:

Liễu đầu cành
                        độc thoại đoạn trường xanh

(Tỏ Tình, tr. 35)

Chữ nghĩa, mặc nhiên, nhắc tới cuộc chia ly trong Chinh Phụ Ngâm:

Liễu dương biết thiếp đoạn trường này chăng
(Dương liễu na tri thiếp đoạn trường)

Chữ độc thoại sâu sắc: con người hỏi cây liễu về nỗi lòng mình, còn cây liễu thì... hỏi ai ? Lê Đạt đã nói lên được niềm cô đơn câm nín của những cuộc đời không có tiếng nói, hay có tiếng nói mà không ai nghe, không ai hiểu.

Chữ xanh trong "đoạn trường xanh" rất hay vì nhắc lại ý "đoạn trường tân thanh", và tạo cho hai chữ "tân thanh" một ý nghĩa khác với Nguyễn Du.

Vẫn một chữ liễu:

Cầu nước chảy
bóng chiều xuân tha thướt
Xanh Thanh minh em thổi liễu vô hình

(bài Nguyễn Du, tr.112)

Câu thơ nhắc đến Kiều, đoạn tả Thanh minh:

Dưới dòng nước chảy trong veo
Bên cầu tơ liễu bóng chiều thướt tha

và có lẽ cần nhớ thêm cầu thệ thuỷ với quán thu phong của Ôn Như Hầu. Trong Kiều, khi chàng Kim ngoái lại nhìn, còn thấy Thuý Kiều, dần dần hình ảnh cô gái nhoà đi trong dáng liễu, nhưng vẫn còn dáng liễu và ánh nắng. Trong Lê Đạt, hạnh phúc qua đi là mất hết.

Một chữ liễu khác:

Cười tít ông già gốc liễu
Ở ẩn
       còn trồng bích đào

(bài Đào Uyên Minh, tr.102)

Đào Tiềm, tự là Uyên Minh có bài ký kể Chuyện Ông Già Năm Cây Liễu, lánh đời, ẩn dật bên cạnh năm cây liễu. Câu thơ Lê Đạt tinh quái ở một chữ "còn" đối lập "ở ẩn" với "bích đào", ý nói tránh tục luỵ mà vẫn còn mê nhan sắc. Chữ "cười tít" thân mật, hài hước, ngụ ý: trồng liễu, trồng cúc hay bích đào, mê say cái này hay cái khác ở đời, cũng vậy thôi.

Người xưa có chuộng cánh chim chiều trên núi Nam San như Đào Tiềm hay yêu cô gái hái sen như Bạch Cư Dị:

Cô gái trộm hái sen
                                   về ủ tuổi
Lỏng khuy cài
                         gió cởi
                                   một dòng hương

(bài Bạch Cư Dị, tr.104)

Ngày nay thích cái quần jin xổ dài cũng vậy thôi.

Bài thơ về Hồ Xuân Hương vỏn vẹn hai câu:

Xuân chẳng buông hương,
                                                Sao bướm vượt đường
Kìa hoa leo tường
                                 là hoa dâm bụt

(bài Hồ Xuân Hương, tr.112)

Câu sau cấu trúc theo đồng dao lại dựa trên hình ảnh leo tường theo cổ văn (Mạnh Tử, Tống Ngọc...) gợi cảnh trai gái vụng trộm, nhưng người đọc không cần hiểu đến ngành đến ngọn như thế, cũng đoán ra được ý. Và hay nhất là chữ "dâm bụt", một loài hoa dại "không trồng mà mọc" tươi thắm, lộ liễu, nở trên những hàng rào bờ giậu: đã bụt rồi mà vẫn còn... dâm. Ranh mãnh không kém Xuân Hương. Một lối đối lập như vậy nhưng đau thương hơn:

Ai xui em đẹp em xinh
Ba lần con thiến gáy

(Mới Tuổi, tr.25)

Đau đớn vì một chữ "thiến": con gà, bộ phận sinh dục bị phế thải, mà vẫn còn tình yêu, vẫn còn thê thiết "gáy". Tiếng gọi tình tuyệt vọng, "não nùng" hơn tiếng gà trong thơ Lưu Trọng Lư. Ba lần là tiếng gọi hồn:

Hương thắp ba lần
                                  không đáp lửa
Hồn có nhà
                    hay bát mộ đi xanh

(Thanh Minh, tr.134)

Thơ Lê Đạt thường đòi hỏi người đọc phải suy nghĩ về từ ngữ, ngay cả trong những đề tài thời sự:

Tuổi Việt Minh
                          thu băm sáu bến cờ hồng
Áo bướm phố truyền đơn
Nắng rám
                 má bòng thơm mười chín

(Tuổi Việt Minh, tr.100)

Hai câu đầu dễ đoán: Hà Nội ba mươi sáu phố phường, vào những ngày cách mạng mùa thu tràn ngập cờ hồng. Và truyền đơn bươm bướm bay như những tà áo, Hàng Đào, Hồ Gươm đã một thời nổi tiếng. Nhưng còn "má bòng"? Ở đây phải biết câu tục ngữ: tháng tám nắng rám trái... bưởi, chị em với... bòng ! Từ đó, ló ra ý "tháng tám" và "mười chín" là ngày Hà Nội cướp chính quyền 19-8-1945. Dĩ nhiên ai hiểu tuổi mười chín thơm đôi má hay má chín như trái bòng, cũng không sao.

Thu Nhà Em là một bài thơ hay và trong sáng:

Anh đến mùa thu nhà em
Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ
Mà cho đấy rửa lông mày
Nông nỗi heo may từ đó

Mưa đêm tuổi nổi ao đầy
Đồi cốm đường thon ngõ cỏ
Bướm lượn bay hoa ngày
Tin phấn vàng hay thuở gió

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
                  và xanh rất cao

(Thu Nhà Em, tr.26)

Âm điệu bay nhẹ trên những cánh thơ sáu chữ nhiều âm bằng, nhiều chữ em và vần m. Một câu thơ cô đúc:

Nắng cúc lăm răm vũng nhỏ

Chữ "lăm răm" không có trong từ điển, có lẽ do Tản Đà sáng tạo trong bài Gửi Chị Hàng Cau (1916):

Ai đang độ ấy lăm răm mắt

Tản Đà tạo ra từ "lăm răm" trên nhiều cơ sở: tiếng Việt đã có những chữ na ná: "lăm tăm" và "lâm râm": mưa lâm râm ướt dầm lá hẹ trong ca dao. Lại có:

- Cô nào con mắt lá răm
Đôi mày lá liễu đáng trăm quan tiền

- Cổ tay em trắng như ngà
Đôi mắt em liếc như là dao cau

Bài thơ Tản Đà gửi cô hàng cau, và gợi hình ảnh đôi mắt tình tứ. Trong câu thơ Lê Đạt, chữ "lăm răm" tả ánh nắng lăm tăm, lăn tăn trên vũng nước, mà đồng thời gợi tác dụng của đôi mắt: hình ảnh toàn bài thơ phản ánh ca dao:

Trên trời có đám mây xanh
[...]
Đừng rửa lông mày chết cá ao anh

Trong thơ Lê Đạt "vũng nhỏ" nhắc lại đôi mắt, vào một ngày thu biêng biếc: nước phải thật trong và trời phải thật xanh, như trong thơ Nguyễn Khuyến, lại có thêm nắng cúc vàng hanh ấm áp.

Bình thường không ai nói "nắng cúc" mà chỉ nói "trà cúc", "rượu cúc": do đó màu nắng dậy lên chất men ngây ngất. Cảm giác ấy, ta có gặp trong văn xuôi: "Buổi sáng mùa đông ngây ngất vào lối 10 giờ" (Thanh Tâm Tuyền, Bếp Lửa, tr.11) hay thơ Huy Cận: Chỉ biết trời xanh là ta say. Người xưa nói: thu ẩm hoàng hoa tửu là ám chỉ rượu cúc. Lê Đạt không nói gì về rượu, người đọc vẫn ngất ngây, cho đến câu cuối:

Tóc hong mùi ca dao
Thu rất em
                  và xanh rất cao

Câu thơ trước chỉ vỏn vẹn năm chữ mà nói lên được năm cảm giác của ngũ quan. Câu dưới biến từ loại (nature grammaticale) thành từ tính (qualificatif). Chữ "rất" biến "em" thành tính từ, trong khi chữ "xanh" trở thành thể từ. Không gian từ hữu thể như tan biến, như thăng hoa thành vô thể, trong "quãng trời hình như không có màu nữa, cao lên và rộng mông mênh" (Nhất Linh, trong Đôi Bạn, tr. 211).

Thu Nhà Em là một bài thơ hay và hàm súc. Bình luận sẽ không cùng khi đã biết rằng:

                            Nông nỗi heo may từ đó...

II. Vườn thức một mùi hoa

Thơ Lê Đạt tân kỳ, vẫn giàu màu sắc dân tộc. Mới đây, trong tham luận tại Đại Hội Nhà Văn (3-1995), anh đã nói: "Truyền thống và hiện đại không phải là hai khái niệm riêng lẻ [...] Một nền văn hoá đích thực, sống động bao giờ cũng bao gồm cả hai mặt truyền thống và hiện đại" (báo Văn Nghệ, 1-4-1995).

Ngày nay nông thôn Việt Nam không còn cảnh "múc ánh trăng vàng đổ đi" nữa, mà sống nhờ kỹ thuật thuỷ lợi. Nhưng hồn thơ Lê Đạt vẫn phất phơ truyền thống:

Một đàn ngày trắng phau phau
Bì bạch bờ xoan nước mát
Mộng hoa dâu lum lúm má sông đào

(Thuỷ Lợi, tr. 21)

"Một đàn ngày trắng" là một hình ảnh táo bạo nhắc đến đàn "cò trắng bay tung" trong dân ca. Hai chữ phau phau nhắc lại bài Dệt Cửi của Hồ Xuân Hương: "Thắp ngọn đèn lên thấy trắng phau", từ đó mới nảy chữ “bì bạch” tả những bàn chân lội nước, nhưng lại gợi ý "da trắng vỗ bì bạch" trong giai thoại về văn chương nữ giới. Câu cuối, nhất là chữ "dâu" bất ngờ và bất thường nhắc đến thơ Hàn Mạc Tử: "Mát tê đi như da thịt nàng dâu", và cả một đoạn thơ dài "vô tình để gió hôn lên má", có lẽ Hàn Mạc Tử đã dựa vào câu thơ của Tản Đà, mà nhiều người xem như là ca dao:

Đêm khuya gió lọt song đào
Chồng ta đi vắng gió vào làm chi

Ngày xưa, làm bài Đêm Thu Nghe Quạ Kêu, Quách Tấn đã bị Vũ Ngọc Phan trách là dùng điển cố cầu kỳ. Ngày nay, Lê Đạt có khi còn khó hiểu hơn, vì hệ thống điển cố của ông phức tạp hơn. Thỉnh thoảng mới thoáng một âm hao quen thuộc, nhưng lại tan biến ngay giữa những hình ảnh mới lạ:

Rừng buồn bứt lá chim chim
Hỏi sim sim tím
                        hỏi bìm bìm leo
Chiều gió cả
                     tiếng ngàn xưa khản lá
Thảm vàng khô
                           ai hoá những thư già

(Cỏ Lú, tr. 125)

Thơ Lê Đạt phức tạp vì chính con người anh sống thường xuyên trong sự giằng co giữa cũ và mới, nửa tỉnh nửa quê, một tâm hồn luôn luôn phập phồng một vị riềng quê (Ông Cụ Nguồn, tr.67) hay thoáng cà cuống chưa đóng lọ (Quá Trình Công Tác, tr. 5), hay mùi hương mộc mạc, lời tình tứ, tha thiết:

Em vắng nhà
                      bồ kết chửa đi xa

(Nguyễn Du, tr.112)

Gió bồ kết
nắng lung liêng mày cúc

[...] Ngò trắng ổ hoa vườn trứng cuốc
Tù và ai ọ nghé đồng tranh
Chiều xểnh đàn
em chẳng gọi tên anh

(Tù Và, tr. 133)

Thơ Lê Đạt dạt dào hình ảnh quê hương trong tiếng tù và, tu hú giữa những bờ xoan, gốc khế, mép lúa, nương dâu. Nhiều bài thơ đẹp:

Tóc trắng tầm xanh qua cầu với gió
Đùi bãi ngô non
                       ngo ngó sông đầy
Cây gạo già
                     lơi tình
                               lên hiệu đỏ
La lả cành
                  cởi thắm
                                để hoa bay
Em về nói làm sao với mẹ

(Quan Họ, 1970, tr. 91)

Tình tứ và lẳng lơ nhất là hai chữ "cởi thắm", nghĩa cụ thể là: hoa gạo đỏ thắm lìa cành, bay theo gió. Nhưng người đọc còn hiểu theo nghĩa khác: cởi thắm là cởi yếm thắm, vì ngoài hình ảnh dải yếm, hai chữ "cởi" và "thắm" khó kết hợp với chữ khác. Vì vậy câu thơ "lơi (tình) lả (cành)" lẳng lơ hơn câu hát qua cầu gió bay, chỉ mới cởi áo chứ chưa cởi đến yếm. Và chữ cây gạo còn nhắc đến một chữ gạo khác:

Ba cô đội gạo lên chùa
Một cô yếm thắm bỏ bùa cho sư

Thơ Lê Đạt tinh nghịch, tinh quái, có khi còn quỷ quái. Nét u mặc (humour) là đặc sắc trong từ vựng Lê Đạt, phản ánh nếp suy nghĩ và phong cách sống của tác giả. Nhiều người thích thơ Lê Đạt vì nét phúng thế, nhưng cũng vì đặc điểm này mà nhiều người không thích, thậm chí căm ghét, nhất là về phía trường phái chậm hiểu.

Tình yêu là chủ đề quan trọng trong thơ Lê Đạt, không lấy gì làm mới. Nhưng thơ tình Lê Đạt cảm động nhờ tươi mát, ngây thơ: điều lý thú ở một nhà thơ đã ngoài tuổi sáu mươi, và đã sống tầm tã qua bao nhiêu điêu linh, chìm nổi và tội vạ. Thơ tình Lê Đạt róc rách những suối nguồn vô cùng trong sáng:

Anh dắt em đến cửa tình yêu
Mùa nhỏ xưa
Mẹ dắt đến trường
Bài học vỡ lòng tuổi chớm

Trang vắng mưa đêm về sớm
Heo may rải đồng giấy non
Anh vực tay em
Be bé nét đòng
Ai có biết lòng mẫu tử ?

Khuôn trắng
                      chờ xem mặt chữ
Gió se se hoa trinh nữ thẹn thùng
Thuở đầu dòng
                           đầu nhớ
                           đầu trông

(Thuở Đầu Dòng, tr.42)

Bài thơ đơn giản mà hàm súc, trí tuệ mà cảm động. Điệu thơ còn đê mê run rẩy trên đầu ngọn gió chớm tình, đã sang mùa tư lự trước cơn giấy trắng mưa khuya. Tình yêu, mà ta cho là giản đơn, thật sự không bao giờ đơn giản mà vang âm không biết bao nhiêu khát vọng một đời người. Với người nghệ sĩ, làm thơ hay viết văn, tình yêu, nghệ thuật, tâm hồn, thân xác với cuộc đời là một, là một định mệnh không bao giờ trọn vẹn. Tình yêu có những giây phút tràn đầy nhưng toàn thân tình yêu không bao giờ viên mãn:

Chữ em thôi
                     một đời
                                  chưa đi trọn hành trình

(Anh Ở Lại, tr. 41)

Bao nhiêu truyền thuyết: kết cỏ ngậm vành, ba sinh hương lửa, chưa dứt hương thề, nợ tình chưa trả, là những huyền thoại phản ánh khát vọng tình yêu tận đáy sâu thăm thẳm trong tiềm thức loài người:

Chín kiếp truyện đời
                                      ú ớ
                                          một tên em

(Cỏ Lú, tr. 125)

Tình gần, tình xa, yêu có nhau và yêu trống vắng. Tôi đã có lần ca ngợi câu thơ Hoàng Cầm:

Anh đi xa em mới biết nói thầm
Đường đê chợ Trầm sang mùa tu hú

Lê Đạt cũng có ý thơ tương tự:

Chia xa rồi mới thấy em
Như một thời thơ thiếu nhỏ
Em về trắng đầy cong khung nhớ
Mưa mấy mùa
                           mây mấy độ thu
Vườn thức một mùa hoa đi vắng
Em vẫn đây mà em ở đâu

Chiều Âu Lâu
                      bóng chữ động chân cầu

(Bóng Chữ, 1970, tr. 27)

Đẹp nhất là hình ảnh Vườn thức một mùi hoa đi vắng.

Thế hệ Lê Đạt, tình yêu đôi lứa gắn liền với lịch sử. Binh lửa chiến tranh luôn luôn chập chờn trong thơ anh, dù rằng không Sáng Soi trực tiếp:

Anh mang tình em đi
Qua những đèo lẻ nắng
Những sông trưa không đò
Những đường mưa ngẩn trắng

Anh mang tình em đi
Qua những đồi sim chín
Những sắc cây mơ già
Mua rừng hoa mua tím

Anh mang tình em đi
Qua những mùa đất lạ
Những sớm chim dị hình
Những chiều sương bạc má

Dông gió mù trời
                               em bóng sáng soi

(Sáng Soi, 1967, tr.85)

Có những hạt giống chia ly hẹn mầm tái hợp. Nhưng lắm mảnh đời vĩnh viễn gió bay:

Ba năm anh không về
Ba năm rồi ba năm

Mẹ anh thành nấm đất
Người yêu anh cũng đi
Gốc nửa ngày khế chát

(Gốc Khế, tr. 17)

Gốc Khế là một bài thơ bình dị và cảm động. Niềm đau kín đáo, thi vị. Đến bài Thư Không Người Nhận, sự mất mát trở thành bi đát:

Đôi chim cu anh nuôi
Con trống mèo đen ăn thịt
Con mái vào ra một mình
Ấp lạnh bóng trăng rồi chết
Vàng hồ bay
                       thư không người nhận
                                                                   gió trả về

(Thư Không Người Nhận, tr. 90)

Chúng ta ghi nhận ở đây tác dụng quan trọng của kỹ thuật, của thi pháp tạo ra cảm xúc, làm nên giá trị bài thơ. Lê Đạt sáng tác qua ba giai đoạn: quan sát - học tập - sáng tạo.

- Quan sát: bóng trăng tròn như quả trứng; vàng hồ bay như những bức thư. Dĩ nhiên là nhà thơ đã nhìn trần gian bằng con mắt sáng tạo. Sáng tạo khi nhìn.

- Học tập: trong Kiều đã có chữ ấp "quạt nồng ấp lạnh". Thơ Đinh Hùng:

Run tay ấp nửa bàn chân lạnh
Thương những con đường mưa cuốn đi

Hình tượng "trăng lạnh" đã có trong thơ Tản Đà, Xuân Diệu. Thoi vàng vó rắc tro tiền giấy bay đã có trong truyện Kiều.

- Sáng tạo: động từ ấp ở Lê Đạt cụ thể hơn: con cu mái ấp một quả trứng, không có trống không bao giờ nở, ấp một cách vô ích và vô vọng, và tính từ lạnh đau thương vì đồng nghĩa với cõi chết, cái chết tuyệt vọng, tuyệt tự và tuyệt giống. Ta có câu ca dao thật buồn:

Anh đi đường ấy xa xa
Để em ôm bóng trăng tà năm canh

Buồn, nhưng vẫn hạnh phúc. Xa cách, con người vẫn sống, vẫn yêu, bằng ánh sáng nhớ nhung. Thơ Lê Đạt bi đát hơn: chữ "ấp" nồng nàn và thê thảm. Hình tượng mới: Thư Không Người Nhận đã đi vào hư vô, đã đau thương lắm, còn bị gió trả về lại làm chết thêm một lần khác, chết nhiều lần nữa. Nghiệm cho cùng, người xưa khi ao ước ba trăm năm nữa ai người khóc... là còn hạnh phúc và may mắn.

Cái chết bôi xoá. Trận cuồng phong quét sạch ảo vọng và hư danh, vẫn còn để trơ cỗi những gốc nợ đời:

Nợ cũ khối xương rồng hoa trả đỏ
Hương thắp gọi ba lần
                                              không đáp lửa
Hồn có nhà
                       hay bát mộ đi xanh

(Thanh Minh, 1972, tr. 134)

Thơ Lê Đạt sau phần tinh quái, còn có phần ma quái và yêu quái. Tuy nhiên, dù có là đọi máu thay lời thơ vẫn còn phảng phất hương hoa mộng mị:

Mai ngày anh không còn
Hành quân vui gió nắng
Đầu anh em nhớ trồng
Một gốc hoa mận trắng
Để lòng riu ríu cành
Nghìn bướm cười ánh nắng

(Hoa Nghĩa Trang, tr. 99)

Chúng ta nhớ đến câu thơ cổ mà Nguyễn Tuân đã nhắc trong truyện ngắn Thả thơ trong Vang bóng một thời:

Mộ thượng mai khai xuân hựu lão

Trên mồ mai nở - lại xuân già

Thơ Lê Đạt đã gửi những cánh hoa mai trễ tràng, vẫn y hẹn đến với một mùa xuân ngang trái.

(1) In lại trong Tác Phẩm Mới, Hà Nội, số 3-1992.

(2) Giai Phẩm Văn, Sài Gòn, tháng 10 và 12 năm 1973.