Người phụ trách Văn Việt:

Trịnh Y Thư

Web:

vanviet.info

Blog:

vandoanviet.blogspot.com

Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 3 tháng 7, 2025

Thuyền – Hú gọi hồn nước chữa lành vết thương đau

 Lê Huỳnh Lâm

Mưa. Tiếng mưa ru tôi vào giấc ngủ trưa trong thoáng chốc. Rồi điện thoại reo. Người phát hàng đứng ngoài cổng, dưới mưa. Mưa dông và sấm sét. Tôi đọc Thuyền trong một chiều mưa như vậy. Mưa trái mùa. Mùa hạ gắn với nhiều kỷ niệm, hầu hết là ký ức buồn. Tôi nhớ Stefan Zweig, nhà văn người Áo. Nhớ hình ảnh bàn tay được miêu tả trong truyện của ông, nhớ văn phong của ông sắc, gãy gọn, khúc chiết, cái cách ông diễn đạt nội tâm và cách ông tả về hiện thực... khiến người đọc bị cuốn hút vào thế giới đó. Tôi có thói quen mua sách, vì hiện thực đầy giả trá nên tôi chìm vào quá khứ qua sách. Mê sách từ hơn 40 năm nay, cho dù cuốn đó có rồi, đọc rồi... nhưng vẫn mua vì thói quen, vì trân trọng tác giả, có thể vì quên và có khi mua để tặng, tặng người mình thương quý nhất. Mua sách như một niềm hy vọng vào điều thiện, vào cái đẹp tâm hồn ngày càng hiếm hoi trên mặt đất này.

Tôi không thể hình dung một con người sẽ như thế nào? Khi trong tâm trí họ chứa đựng đầy sự ám ảnh, sự giày vò bởi những hình ảnh, âm thanh, mùi, vị, xúc và cả nỗi sợ hãi tột cùng dẫn đến mất cảm giác. Mất tất cả. Chỉ còn một đời sống của người điên, tâm thần. Và tại sao? Con người đó vẫn vượt qua, dồn nén kéo dài cả nửa đời người, cô lại vào trong hơn 350 trang sách. Có điều, những cảm xúc trong Thuyền, hình như chưa thấy một dấu vết nào trong nhiều bài thơ của tác giả công bố mà tôi có đọc từ trước, chưa thấy một dấu vết nào của sự vây khốn đó, khổ nạn đó trong nhiều sáng tác của tác giả. Phải chăng anh quá tỉnh táo, quá rạch ròi, quá giấu mình trong những câu chữ trước đó. Hay anh là người biết phân thân!

Trong suốt tập sách là một câu chuyện được kể lại sau hơn 40 năm, chắc chắn là có hư cấu phần nào, thêm, bớt, cắt, gọt, mài, giũa để hợp thời, để phải phép, để lênh đênh như những phận thuyền.

Chỉ có một điều tôi và cũng như nhiều người chưa bao giờ nghĩ ra: Điều gì thật sự đã thúc đẩy một con người, những con người bước vào phía mịt mù, bước vào hư vô? Nếu nói nỗi sợ, thì những người ở lại, dù không ra biển, nhưng họ vẫn trên con thuyền hình cầu có tên quả đất, con thuyền cứ xoay tròn theo một chu kỳ, rồi lặp lại sẽ khiếp sợ như thế nào?

Nỗi sợ từ vô thức trở thành một phần của tiềm thức trong một số người và của cả dân tộc, cả nhân loại ở thế giới này? Kẻ nào đủ sức mạnh, quyền lực để tạo ra nỗi sợ bao phủ, trùm lấy tâm thức nhân loại như vậy? Phải chăng sức mạnh đó đến từ một thế giới khác, loài khác: Quỷ vương!? Như trong các truyền thuyết, các thần thoại từ ngàn xưa chăng? Không! Nó là hiện thực, đang hiện diện hơn một thể kỷ nay, suốt cả dòng thời gian này. Nó biến hình như một trò chơi, nó đổi màu như loài tắc kè, nó trú ẩn trong hang sâu, nó ngủ đông trong băng giá, nó ẩn mình trong tâm thức con người,… để đợi ngày trỗi dậy, đợi ngày phán xét. Phải chăng nó là lực lượng của cái ác đang muốn chế ngự, cai trị quả đất này? Nó đến từ đâu???

Đã hơn 50 năm, vết thương vẫn chưa lành miệng, có khi còn khoét sâu hơn, chúng ta cần một liều thuốc chữa trị, hòa giải cho vết thương này. Đối với Nguyễn Đức Tùng, độ lùi hơn 40 năm đã khiến nỗi đau đớn giày vò được thi vị, lãng mạn hóa bằng kỹ thuật ngôn từ của tác giả, nhằm thuyên giảm cơn đau nơi những người cùng hoạn nạn.

Xét về bối cảnh tác giả đã sống, học hành và trưởng thành… một người thuộc về một quá khứ của một vùng đất như vậy, ở độ tuổi như vậy vào không thời gian như vậy, có thể con đường để lênh đênh trên biển chưa chắc đã thuộc về lòng hận thù, cũng không hoàn toàn thuộc về sự sợ hãi, vì anh đã chứng thực phần nào cuộc sống sau năm 1975, mà có thể cuộc đi của anh cũng như rất nhiều người thuộc thành phần tìm kế sinh nhai, tiến thân qua tri thức; họ thành làn sóng Đông tiến… Vì, nơi chúng ta đến chỉ là một ái tưởng, chứ chưa thể khẳng định được nơi đó có hứa hẹn thành công, tốt đẹp, có tự do hay không, cho dù ý nghĩa của từ tự do đã bị trần tục hóa trong một phạm vi hẹp. Thử hỏi, bao nhiều người thuộc các vùng đất khác nhau, khi đến miền đất hứa đã thể hiện được điều gì, cái tỉ lệ khiêm tốn ấy như những giấc mơ an lành thuộc về số ít. Tất nhiên, dù chỉ trong ước mơ, còn hơn ở một nơi chốn mà mơ ước đã bị mất mùa do khí hậu khắc nghiệt tước đoạt.

Tôi nghĩ, khi Nguyễn Đức Tùng đối diện với trang viết là lúc anh xưng tội với chính mình và cũng xưng tội cho kẻ tạo ra cái ác, những tín đồ Thiên Chúa giáo khi xưng tội sẽ được giải phóng phần nào nỗi ám ảnh, xét về mặt tâm lý học thì phương pháp này nhằm giảm thiểu và giải tỏa ẩn ức của mỗi con người. Theo Thiên Chúa giáo thì mỗi con người đều là ảnh tượng của Thiên Chúa, nên đến với thánh thể của Thiên Chúa tất nhiên sẽ được xóa tội, còn về mặt xã hội học và pháp luật thì người xưng tội, nếu vi phạm pháp luật nghiêm trọng đều phải được hay bị luật pháp trừng phạt. Do vậy, hàng ngày, hàng giờ, có thể hàng phút, giây nỗi ám ảnh mà các thuyền nhân phải nhận lấy trong hoàn cảnh bi đát đó đã trở thành một hội chứng, cũng như hội chứng chiến tranh Việt Nam mà những người lính đã trải qua. Vì thế, nếu một xã hội hướng thiện và giàu lòng từ bi, bác ái nên chăng phải xét soi đến những con người gặp khổ nạn như thế để chăm sóc, nhằm điều chỉnh, chữa lành vết thương vô hình, cả hữu hình và đồng thời để tôn vinh họ, bởi họ như một hình ảnh của đấng cứu thế đã chịu khổ nạn thay cho hàng tỉ người, để chỉ cho nhân loại thấy sự ác của loài người là vô cùng và vẫn hiện hữu khắp hành tinh này.

Cũng sẽ có những nhóm thuyền nhân may mắn, nhưng có lẽ rất ít đã thông suốt trong cuộc hành trình đi đến nơi mà họ chưa biết để tránh một nơi mà họ xem là địa ngục trần gian trong một khoảng thời gian nhất định. Bi kịch của con người là bi kịch của cái ác, dù mầm ác được chủ nghĩa hóa bằng những ngôi lời và triết thuyết rất cao đẹp và đầy hứa hẹn. Thời nào cũng vậy, chúng ta đều được tuyên truyền bằng những ngôn từ hoa mỹ, bằng những hứa hẹn tuyệt vời… Nhưng sự thật hầu như ngược lại.

Thuyền của Nguyễn Đức Tùng chỉ là một mảnh ghép nhỏ của cái ác tạo ra, cái ác mà thuyền nhân gặp nạn là do một cái ác khác xô đẩy... Thế giới chúng ta đang tồn tại như một ý chí của kẻ khác. Những kẻ tuyên xưng, thường tạo dựng hình ảnh vào những thời khắc lịch sử quyết định, họ như được chọn bởi một ý muốn của đám đông, một nhóm người, một đám đông đang thiếu thốn mọi thứ trong cuộc sống này, một thời đại suy vong thường sản sinh nhiều tội đồ và rất ít vị thánh.

Thuyền là một câu chuyện mà không một tính từ nào có thể đi kèm sau, có đủ tư cách và tự thân để có thể nói hết khổ nạn của kiếp người, trong rất nhiều những câu chuyện về cái ác, về địa ngục trên hành tinh này, hành tinh của máu và nước mắt, hành tinh mà con người không còn ngạc nhiên trước sự tồn tại của chính mình. Vậy thì, cái gì khiến họ không còn ngạc nhiên? Phải chăng là “cái có” như một hiện hữu tất yếu đã được phán truyền. Tiếp theo sau “cái có” vĩ đại đầy quyền uy là sự vật chất hóa toàn diện để hạ thấp con người, biến con người tiệm cận với loài vật, có khi còn thua cả loài vật. Đây là một phương cách tiêu diệt linh ngã của con người, xô đẩy loài người đến bờ vực của hư vô bằng phương cách xóa bỏ ảnh tượng mà con người đã hằng tín thác. Điều này, mở đường cho chủ nghĩa khủng bố cũng như hàng loạt vũ khí hủy diệt ra đời để kiềm hãm cái ác lẫn nhau và trở thành một mối đe dọa thường trực dành cho sự diệt vong địa cầu này.

Có thể Nguyễn Đức Tùng khi viết Thuyền đã phân thân giữa tác giả và nhân vật tôi trong tập truyện. Vừa cảm xúc, vừa lý trí, phải rạch ròi, tách bạch giữa người viết và nhân vật. Tác giả khi viết phải tỉnh táo, nhưng nhân vật tôi lại ngập tràn cảm xúc của nỗi đau, nỗi đau được hay bị nuôi dưỡng hơn 40 năm, vì không thể nào khác, nỗi đau là thuộc tính của con người, của tác giả, nó đã đủ điều kiện nở hoa, kết trái là một phần máu thịt, trí óc của Nguyễn Đức Tùng. Đó là điều kinh khủng mà tác giả phải chịu đựng, là phải kinh qua nỗi đau đớn gấp bội phần, thêm ít nhất là một lần nữa, có thể là lần cuối, vì khi nỗi đau được kể ra, thì cơn đau sẽ được chia sẻ, cảm thông, vỗ về bởi đồng loại, đồng loại ở đây chính là người đọc và sự lan tỏa. Tôi mường tượng, Nguyễn Đức Tùng vừa đấng cứu chuộc chính mình vừa là kẻ khổ nạn được cứu chuộc. Anh vừa ngồi gõ trên máy tính, từng dòng, từng câu, từng dấu chấm, dấu phẩy, ngắt quãng liên tục vì phải dừng lại, nhịp tim tăng, uất nghẹn, mắt nhòa,… nhiều khi có thể ngã quỵ.

Anh gõ rồi đọc lại, rồi gõ, rồi thêm thắt cho mềm đi bằng cách tả phong cảnh, một vầng trăng, một cơn gió, một âm thanh, một ánh mắt,… lãng mạn hóa, thi vị hóa nỗi đau cùng tột như một phép mầu cứu rỗi chính mình, đó là sức mạnh của văn chương, khi sự thật quá bi đát, sự thật quá phũ phàng vượt khỏi sự chịu đựng của con người, vượt khỏi tần suất nhịp đập của trái tim,… thì sứ mệnh văn chương xuất hiện thay cho tôn giáo, thay cho đức tin, thay cho lời cầu nguyện và sự tín thác.

Tôi đã nghe nhiều câu chuyện vượt biên, đường bộ, đường thủy,… thời nay còn nằm trong xe đông lạnh,… tại sao họ đi, tại sao họ lại rời bỏ quê hương, nơi đã in dấu bao nhiều kỷ niệm, nơi đã gắng bó cả dòng tộc tổ tiên, nơi mà tiếng nói và mùi vị như một phần của thân thể và tâm hồn họ, nơi mà sự sống của họ được tạo ra… Tại sao? Câu hỏi cứ xuất hiện trong tôi mấy chục năm nay. Vì mỗi lần nghe tin, vài người đi qua được, vài người được đón nhận,… trong đó có những người tôi quen biết, nhưng chỉ là số ít. Số còn lại rơi vào im lặng, sự im lặng rùng rợn, sự im lặng vô vọng của vĩnh cửu, của đại dương. Cho đến khoảng thời gian mà các trại tỵ nạn khép lại, những người may mắn đến với đất liền nhưng không được bảo lãnh đến nước thứ ba phải hồi hương. Đến thời gian này, Biển Đông giảm hẳn việc nhập hộ khẩu cho những xác thân và oan hồn không may mắn và đã chịu đựng cơn đau đớn vượt ngưỡng con người.

Thuyền của Nguyễn Đức Tùng viết cho người ra đi và cho cả người ở lại, người đi cứ đi vậy không biết ngày mai sẽ ra sao? Cũng như những cuộc nam tiến của người Việt, cứ đi về phương Nam, đi như một bản năng để ước được sống còn, để tránh xa cái ác, tránh xa sự tàn bạo của con người từ thuở hồng hoang... Dọc theo các triền núi, các dòng sông, người dân Việt trôi dạt về phương Nam để lập nghiệp, dựng nước, để lập quốc, rồi tiếp tục Nam tiến, khi đến ranh giới cuối cùng của phương Nam rồi, họ lại di cư tiếp, lần này là Đông tiến. Đường bộ qua ghềnh thác, núi rừng và đường sông rồi đến đường biển. Nhưng biển khác với sông ngòi, khác với núi rừng, biển có ngôn ngữ riêng. Khi biến cất tiếng nói là nhấn chìm tất cả. Biển Đông như một mộ phần cho rất rất nhiều người, hầu hết là thuyền nhân Việt Nam. Trong khi người ở lại đối mặt với điều gì? Đến bây giờ chúng ta đã biết, không cần phải kể lại. Không cần phải khoét sâu hận thù, vì hận thù do nỗi đau tạo ra, và người ta hận thù kẻ tạo ra nỗi đau đó. Vậy giải pháp để lòng hận thù biến mất trong mỗi người chính là sự chữa lành và lời xưng tội của kẻ tạo ra vết thương vô hình và cả hữu hình. Nhưng bi kịch thay, kẻ xưng tội thường phải có đức tin! Cho dù nửa vời… Nghiệt ngã thay!

Nhìn lại lịch sử nước Việt, rất hợp lý khi vật tổ là hình chim Lạc, đặc biệt người Việt có đến hai vật tổ: Rồng và Chim. Một thần thoại một hiện thực. Một khát vọng sức mạnh, một khát vọng tự do. Hình như trên trái đất này, rất ít đất nước có hai vật tổ hoặc có thể chỉ duy nhất cho Việt Nam. Rồng là biểu tượng của quyền lực. Chim là biểu tượng của tự do. Tự do có trước cả sự hiến định. Bởi tự do là thuộc tính của muôn loài, thuộc về sự sáng thế, vượt ra ngoài phạm trù tư duy của loài người. Thực vật, động vật, hữu hình, vô hình và cả loài người đểu xuất hiện như một phép mầu... đó chính là điều khiến con người ngạc nhiên, ngạc nhiên là bước đầu của triết lý và là điều cần thiết cho đức tin. Tự do cũng như ngã ái, mọi loài tự nó tồn tại và sinh trưởng, tự nó diệt vong, tự nó cân bằng với thiên nhiên. Khi con người tăng trưởng lòng tham quá mức thì tự do bị xâm phạm, khi đó chiến tranh xảy ra, khi đó các giáo chủ xuất hiện và giới luật được đặt ra…

Trong Thuyền, tác giả đã dùng kỹ thuật đối thoại, tự sự để dẫn đưa đến các triết thuyết, những hoài nghi của con người, cả tôn giáo gồm đông và tây. Diễn biến nội tâm được lặp lại nhiều lần trong cuốn sách, những đoạn, những hình ảnh, những âm thanh, sự vật vã của xác thân, sự ám ảnh của tâm hồn, ánh mắt, sự vật và Liên Hương; tên người con gái, người yêu của nhân vật tôi, cũng chính là tác giả, người đã khiến tác giả hạnh phúc trong yên bình, hạnh phúc trong hoạn nạn, trong tột cùng âu lo và sau đó là nỗi đau, một vết thương dài ra theo đời người, khó lành, không thể lành được…

Diễn đạt nội tâm nhân vật, pha lẫn kỹ thuật tả cảnh bằng hình ảnh, màu sắc, âm thanh,… là cách mà điện ảnh thường dùng. Những cơn khao khát của bản năng, những thời khắc cao trào được tác giả dẫn dụ, che đậy, hé mở như kỹ thuật cởi cúc áo, mở gút thắt, từ từ, chậm rãi kích thích sự tò mò, sự tưởng tượng của người đọc, người xem. Sự tưởng tượng luôn đi trước và nhanh hơn các giác quan khác, vì thế đọc truyện hấp dẫn hơn xem phim là vậy!

Xuyên suốt cuốn sách là kỹ thuật đồng hiện, diễn biến nội tâm, quá khứ hiện tại được lồng ghép vào nhau hợp lý. Có những đoạn còn vụng về, có đoạn mượt mà mời gọi. Tuy đôi chỗ hơi gượng nhưng trong tâm trạng đau thương và độ lùi hơn 40 năm là chấp nhận được. Vì sự thật chưa phải là nghệ thuật, chỉ hư cấu mới được gọi là nghệ thuật. Hư cấu thuộc về thiên bẩm, thuộc về tài năng nên nó được gọi là nghệ thuật. Sự thật là sự lột trần là hiện thực, mà hiện thực nào lại không đau buồn ở mặt đất này.

Cứ tưởng rằng, được đưa vào trại tị nạn là yên thân. Nào ngờ nơi đó là một thế giới không kém phần khắc nghiệt. Nếu trên biển là diễn biến cuộc chiến của con người với thiên nhiên và cướp biển, thì trên đất liền trong các trại tị nạn là cuộc tranh dành sinh tồn giữa con người với con người có cùng hoàn cảnh. Điều khủng khiếp với các thuyền nhân là hoàn cảnh đã dạy họ cách sống, họ không còn đức tin nào với thế lực siêu nhiên vì thế niềm tin vào con người càng thêm cạn kiệt. Họ cư xử với nhau bằng ánh mắt thăm dò, hồ nghi và đó là điều tất yếu khi tâm trạng họ bị khủng hoảng trầm trọng đã gây nên chứng bệnh vô cảm, chứng bệnh hoài nghi, nghi luôn cả bản thân mình.

Thuyền, có nhịp điệu ngắt quãng, thôi thúc gần nửa cuốn sách, hơn phần nửa sau cuốn sách tôi cảm giác nhịp trầm, chậm lại, diễn giải, giảm hẳn tầng suất nỗi đau…

Viết đến đây khi tôi chưa đọc hết cuốn sách. Tôi khép sách lại, như muốn khép lại một nỗi đau, nỗi đau lớn của một dân tộc, của một đất nước.

Đất nước này đã chịu quá nhiều nỗi đau kéo dài suốt cả ngàn năm, dân tộc này chịu qua nhiều bi kịch, bi kịch lớn nhất là sự chia rẽ, là lòng hận thù kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ. Xét lại, từ những cuộc nội chiến thời nhà Đinh, đến 30 năm nội chiến Trịnh Nguyễn, đến nội chiến giữa ba anh em nhà Nguyễn Huệ (Quang Trung) và Nguyễn Ánh (Gia Long), rồi đến cuộc nồi da xáo thịt 1954-1975, gây nên lòng căm hận mà đến hôm nay vẫn chưa nguôi, chưa hóa giải, hòa giải. Trong khi với quân xâm lược bành trướng, thực dân, đế quốc,… chúng ta đã bình thường hóa quan hệ, đã tiến đến đối tác chiến lược toàn diện, vậy mà sắc dân da vàng máu đỏ tóc đen trong cùng một nước vẫn chia rẽ, vẫn hận thù, vẫn nghi ngờ, vẫn không tin nhau, không tha thứ và cảm thông cho nhau, không một lời xin lỗi, vẫn phân biệt vẫn Bắc Nam, phân biệt vàng đỏ, trong khi lịch sử đã cho thấy, chúng ta từ một phía cùng Nam tiến. Vậy thì, thử hỏi nguyên nhân nào gây ra? Không cần câu trả lời ai ai đều rõ.

Vậy, lúc này là thời điểm hòa hợp hòa giải hợp lý nhất. Vì đã 50 năm và xa hơn chút nữa là gần 100 năm… Đừng để lòng hận thù di truyền cho những thế hệ tiếp nối, những thế hệ đứng ngoài cuộc chiến… Việc hòa giải là từ bên trong, hãy cư xử như một người cao thượng của kẻ thắng trận. Như quân đội Bắc Mỹ đã cư xử với đội quân Nam Mỹ trong nội chiến ở đất nước họ. Bên thắng cuộc đã dựng tượng vị tướng bại trận, giải phóng tù binh, trả lại ngựa,… và cùng nhau xây dựng đất nước Mỹ nhân bản, hùng cường, thịnh vượng... Bởi nghĩ cho cùng, người dân không can hệ gì vào cuộc nội chiến, các bên hãy tự dàn xếp để dân giàu, nước mạnh, độc lập, tự do và thương yêu! Muốn vậy, có lẽ chúng ta – từ “chúng ta” ở đây là một đại từ của dân Việt từ thượng tầng đến đại chúng – nên chăng có một lễ gọi hồn, gọi hồn dân tộc đang lưu vong, gọi vong hồn đang lạc đường, đang lênh đênh, đang chìm giữa Biển Đông, đang vất vưởng rừng thiêng nước độc, đang lấp vùi dưới lòng đất đen, đang đơn độc nơi nghĩa địa buồn, đang toan tính cho một mưu cầu cá nhân,… hãy trở về với hồn nước, hồn dân tộc, hồn Việt Nam!

Huế, Những ngày đau buồn, 6/2025

  1. H. L.