Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2024

“Kẻ sĩ thời loạn” hay thời loạn vắng kẻ sĩ?

Nguyễn Thị Tịnh Thy

 

image

 

"Bằng quận công Nguyễn Hữu Chỉnh" vốn bị coi là nhân vật xấu xa bậc nhất trong lịch sử Việt Nam thời trung đại. Mấy trăm năm qua, vết nhơ gian tà, phản trắc của ông vẫn chưa được gột rửa. Bằng cảm hứng phản tư lịch sử, Vũ Ngọc Tiến đã chiêu tuyết cho Nguyễn Hữu Chỉnh, như các nhà văn Trung Quốc từng chiêu tuyết cho Tào Tháo, Võ Tắc Thiên, Ngô Tam Quế…


Nguyễn Hữu Chỉnh trong “Kẻ sĩ thời loạn” là con người “vì dân”, dám theo đuổi lý tưởng “vì dân” đến tận cùng, bất chấp tất cả, kể cả đạo lý cương thường. Ông trở thành gian hùng thời loạn, nhưng với chất kẻ sĩ mà Vũ Ngọc Tiến tạc nên trong hình tượng của ông, Nguyễn Hữu Chỉnh có thể sẽ trở thành “năng thần thời trị”. Tiếc thay, thời thì loạn, kẻ sĩ thì không tìm thấy minh quân. Chí lớn chưa thành, ngựa ô trụy gối. Nguyễn Hữu Chỉnh chết trong phẫn uất như Hạng Vũ bên bờ Ô Giang năm xưa, anh hùng để hận đến nghìn năm.
Bằng một cuộc lật đổ ngoạn mục, Vũ Ngọc Tiến đã mang lại cho người đọc một Nguyễn Hữu Chỉnh khác hoàn toàn với thiên kiến, định kiến lịch sử mấy trăm năm nay gán kết cho ông. Cuộc lật đổ đó không chỉ làm mới lại nhân vật lịch sử, mà quan trọng hơn, là tư duy lại lịch sử, DÁM NGHĨ KHÁC VỀ LỊCH SỬ. Vì thế, nhân vật chính Nguyễn Hữu Chỉnh chiếm đến 9 trong 12 chương của cốt truyện còn là cái cớ để tác giả triển khai một luận đề tư tưởng khác liên quan đến lịch sử Việt Nam hiện đại.
Lịch sử hiện đại được thể hiện qua góc nhìn đời tư - thế sự. Nghĩa là qua cuộc đời và lịch sử gia tộc của người kể chuyện Nguyễn Duy Thiện, ta thấy được lịch sử đất nước. Là trí thức, dũng cảm chống tiêu cực và bị hãm hại đến mức biến thành bệnh nhân tâm thần, Duy Thiện đã viết lại trang sử về ông tổ Nguyễn Hữu Chỉnh của mình trong những tháng ngày bị biệt giam ở bệnh viện tâm thần.
Kết cấu truyện lồng truyện đã khiến cho thời loạn trong “Kẻ sĩ thời loạn” không chỉ dừng ở thế kỷ 19, mà kéo dài đến suốt thế kỷ XX, sang thế kỷ XXI. Thời loạn của những năm tháng này là một Việt Nam chia cắt; là những gia đình trí thức, tư sản bị vùi dập, hãm hại, chia lìa; là tham nhũng, lũng đoạn, biến thái và tha hóa của cán bộ… Tất cả đều tươi mới, nỗi đau vẫn còn tươi mới, chỉ là người ta cố dìm sâu hoặc cố lướt qua nó thôi. Thời Lê mạt rất cần kẻ sĩ và không thiếu kẻ sĩ. Thời hiện đại càng cần kẻ sĩ, nhưng kẻ sĩ ở đâu?
Nhan đề của tiểu thuyết đầy tính ẩn dụ, gợi lên niềm đau đớn, trăn trở cho quá khứ và tương lai dân tộc. Kết cấu song tuyến sáng rõ, dễ tiếp nhận cho dù chuyện xưa hay chuyện nay đều lắm sự kiện, nhiều uẩn khúc. Văn phong chừng mực, hiền hòa, trau chuốt, Vũ Ngọc Tiến viết về nỗi đau một cách nhẹ nhàng, không quằn quại dữ dội, nhưng sâu, sâu lắm. Đó là nỗi đau chắt ra từ vận mệnh của dân tộc, của gia tộc có những kẻ sĩ đã bị lịch sử quăng quật, dập vùi, và của cả chính bản thân người sáng tác.
Giữa bao điều dang dở của hiện thực lịch sử và hiện thực đời người, cái kết ngọt ngào của tác phẩm sao bấp bênh quá. Bởi nhân vật nữ chính Hoàng Lan đã làm Bao Thanh Thiên cho gia đình, cho người yêu và bè bạn nhờ chính tiền muôn bạc vạn từ trên trời rơi xuống chứ không phải nhờ hệ thống chính trị minh bạch và công bằng được điều khiển bởi các kẻ sĩ đích thực. Vì thế, THỜI LOẠN VẮNG KẺ SĨ vẫn là điều khiến ta day dứt khi đọc xong tác phẩm này.

(Đã đăng trên Văn Việt ngày 3.4.2019)