Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2024

Tiến tới kỷ niệm 100 năm Trường Mỹ thuật Đông Dương - Yết Kiêu (5)

Đông Ngàn Đỗ Đức

 

BÀI CHUYÊN KHOA

Học tại chức, ngoài nghiên cứu hình họa thì có các bài chuyên khoa. Cũng chỉ mỗi thứ một bài: lụa, sơn dầu, khắc gỗ. Đồ họa có nhiều cách làm trên nhiều chất liệu, nhưng thời tôi học, chuyên khoa đồ họa Yết Kiêu chỉ làm khắc gỗ. Chừng như trường chỉ cho sinh viên một chất liệu truyền thống để có khái niệm tranh khắc, nên không mở sang các thể loại khác, chất liệu khác của đồ họa. Riêng sơn mài phức tạp và vật liệu đắt, thời gian cũng không cho phép, nên khóa tại chức không có.

Bài chuyên khoa lụa đầu tiên, hướng dẫn là thầy Trần Đình Thọ. Nói là thế, nhưng thầy có hướng với dẫn gì đâu, trường phát cho mỗi người sát si lụa. Lĩnh màu nước, bảo nhau căng lụa rồi can hình lên vẽ. Cuối tuần thầy đến nhận xét và cho điểm. Cơ bản là sinh viên tự mò mẫm, hỏi nhau. Học Yết Kiêu là thế! Bài lụa tôi vẽ bị vẩn đục, biết mà không khắc phục được, chả biết hỏi ai, rửa mãi không xong, càng rửa càng hỏng, nát lụa. Kết cục 2 điểm. Trong khi mình hì hụi làm hỏng mặt lụa thì Xuân Đài phất phẩy lơ vơ lại ăn điểm 7. Chả hiểu ra làm sao.

Sau này hiểu ra, bài học thất bại mới là cái may để cố gắng tìm hiểu sâu thêm chất liệu. Tôi từ lâu thuộc loại lì, được khen chưa vội vui, bị chê chưa vội buồn. Mà bài điểm kém thì càng nghĩ lung hơn tìm nguyên nhân. Tôi hỏi thầy Thọ: Thời thầy học, có bị điểm kém như em không. Thầy cười hiền hậu: Bị nhiều là đằng khác. Nhưng đang học, bị điểm kém là may, để còn cố tìm nguyên nhân. Bài đầu được điểm cao dễ chủ quan có khi lại thành hỏng. Đang học, cậu đừng lo, đời người còn phải vẽ nhiều bức tranh khác. Những tâm sự ấy nâng tinh thần làm việc của tôi rất nhiều.

Bài sơn dầu tôi bố cục vòng tròn. Vẽ những dân quân đang quay quần ăn cơm trong cuộc chiến biên giới chống bọn xâm lược Tàu. Bài ấy không có đường chân trời, hơi hướng viễn cận “tẩu mã”, lối nhìn của tranh dân gian. Tôi hỏi thầy Thành để xác định đường chân trời, dù thầy không hướng dẫn bài chuyên khoa này. Thầy liếc qua phán câu tươi rói chẳng ăn nhập gì với câu tôi hỏi: Sinh viên trường này có dốt thì vẫn tốt nghiệp. Tôi giật mình, chắc khi vẽ, tôi không áp dụng được luật viễn cận nên thầy giận (?).

Hồi đang học, về quê tôi vào rừng Na Mận chặt được cây thừng mực to đẫy hai người ôm. Bổ sẹo cho trâu kéo về nhà. Không có thợ xẻ để mướn. Khúc gỗ để hai ba năm khô róc. Thiếu gỗ khắc tranh mà bó tay. Tôi nói với thầy Thụ cho xe trường lên chở về trường xẻ, cho tôi xin một hai ván. Thì ra cổ thụ ấy cũng bị rỗng ruột, Thừng mực thuộc loại gỗ thịt, không phải loại cây có lõi, nên xẻ cũng chẳng được bao nhiêu. Nhưng bài chuyên khoa khắc gỗ khắc bằng chính cây gỗ tôi chặt về năm trước.

Làm khắc gỗ thì tôi như cá về với nước, trong khi cả lớp nhăn nhó. Phác thảo đầu tiên của tôi là chợ bán thảo quả, lấy phông nền là phố Phó Bảng. Thầy Huy Oánh đi qua chê: Giống Tàu. Tôi ngạc nhiên, vì tranh nêm đặc người ngựa quấn quýt, cũng theo lối dân gian chứ đâu phải Tàu? Nhưng thầy nói thế tôi bỏ liền tìm bố cục khác.

Phác thảo 2, tôi tỉa bố cục, tóm hai con ngựa rất đẹp trong một bức ảnh của bác Lê Vượng. Phác thảo bằng màu nước, bố cục chợ vào trung cảnh nên tranh khá nhiều nhân vật, nhiều đường nét phức tạp viễn cận vẫn hơi có chất tẩu mã với góc nhìn cao...

Phác thảo xong tôi hào hứng bắt tay vào khắc luôn. Có một đêm khắc xong, in lên đẹp tơi bời, nhưng lại hụt mỗi chiều vài phân vì bản gỗ nhỏ, bị coi là phạm quy. Gía bây giờ thì xử lý xong ngay không cần khắc lại, vì tranh buông 4 góc. Chợ núi làm gì có cổng, trên bãi ven đồi, chỉ cần để thoáng rộng giấy ra là đủ. Nhưng lúc ấy đang học, không dám cãi, và cũng chưa nghĩ ra cách khắc chế…

Hôm sau, 7 giờ tối, cơm xong bắt đầu ngồi vào bàn khắc bản khắc mới thứ hai đúng kích thước. Dụng cụ khắc khi ấy rất thô sơ: một móng, một vê, một bẩy và một dao trổ nét. Dao trổ nét tự chế bằng cót đồng hồ quả lắc. Làm việc liền tù tì từ 7 giờ tối đến 3 rưỡi sáng xong, in bản nét rồi lên giường ngủ. Đấy là năm 1980. Hồi ấy kham khổ nhưng ở tuổi sức khỏe còn vững.

Tranh khắc của tôi là khắc gỗ đệm màu, chứ không phải khắc gỗ màu. Khắc gỗ màu thì phải nhiều ván gỗ in theo lối Đông Hồ. Còn tôi lật ngay ván sau, can bản nét ra phân màu. Khi in, in từng phần màu trước rồi cuối cùng mới áp bản nét. Tranh khắc đệm màu thường chắc khỏe, mạch lạc vì bản nét là chính và chỉ nét cơ bản đã hoàn thiện.

Chợ Mường Khương là bài thi ra trường, khắc lần 2 có sửa sang lại một vài nhân vật, tranh khắc rộng dài 39x54 là quy đinh lúc ấy. Nay tranh đó được nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng Mỹ thuật quốc gia.

Sau khi ra trường tôi tiếp tục làm khắc gỗ. Nhìn thấy miếng gỗ khắc lúc nào cũng như thấy tờ giấy quý. Tôi khắc lên bất kì miếng gỗ nào tìm được tròn vuông méo to hay nhỏ… Đã khắc đến đến 200 ván khác các cỡ, bé bằng bao diêm, to nhất là 39x54. Với bộ dao khắc 4 con thô sơ. Xem tranh khắc ngày nay như Đỗ Khắc Hân làm tỉ mỉ trau chuốt tinh vi thấy phục lứa đàn em quá. Họ có nhiều phương tiện và thời gian. Bây giờ kĩ năng kĩ xảo giỏi gấp mấy chục lần so với tầm vông giáo mác thời tôi.

Nhưng tôi vẫn cho rằng, kĩ năng là phương tiện thôi. Tranh phải có sự truyền cảm, tranh phải đối thoại được với người xem. Đó là chân giá trị của tác phẩm nghệ thuật. Quá chú trọng kĩ xảo, xem tranh chỉ hấp dẫn bởi kĩ xảo thì hỏng, vì giá trị cốt lõi nó không nằm ở đấy,

Học phọt phẹt. Tưởng chẳng nên cơm cháo gì. Ra trường năm 1980 vào giữa lúc đói kém khủng khiếp, Vậy mà tôi lăn lóc khắc thêm mấy năm rồi cũng ngưng vì tranh khắc bán đã rẻ lại ít người mua. Với lại sau 5 năm lúc ấy cũng chẳng có tiền mua vật liệu nữa. Lạm phát từng ngày, chỉ sau vài tuần tiền mất nửa giá trị. Rách như tổ đỉa, tôi quay sang vẽ giấy! Vậy mà giờ tôi có 6 tranh khắc gỗ trong số 14 tranh được nằm trong bộ sưu tập của Bảo tàng (toàn tranh giấy). Thì ra học hàm thụ cũng không đến nỗi nào. Các thầy dạy, lớp già mất hết cả rồi, còn lớp sau cũng ngấp nghe cửa thiên đường. Thời gian trôi nhanh quá.

11/4/2021

This image has an empty alt attribute; its file name is D1.jpg

Chợ vùng cao (Bảo tàng Mỹ thuật)

Múa khèn

Sớm đi nương

Chiều trên bản (Bảo tàng Mỹ thuật)

Ngày hòa bình đầu tiên (Dimitrov nhận đứa trẻ mồ côi về nuôi – tranh dự triển lãm ở Bungari)

Sa mộc – 1981

Đèo Gió – 1981

Về chợ (Bảo tàng Mỹ thuật)

Bức Về chợ này, làm theo một phác thảo đại khái cho Mạnh Đức cùng lớp làm lụa. Năm sau ra trường thấy mấy nét phác thảo còn bè đen, chỉnh lại rồi khắc ra thế này.

Phác thảo đầu tiên bài khắc gỗ ra trường bị nhận xét là giống Tàu, bèn bỏ làm cái khác. Năm 1990, phác thảo được mang ra thực hiện cho triển lãm toàn quốc. Tranh này in tay và in nổi nhưng hội đồng nghệ thuật gần như không để ý.