Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2024

Anh "giề" kể chuyện có duyên

Hồ Anh Thái

 

"Ai nói & tại sao lại nói như thế", NXB Hội Nhà văn 2024.

 

“Giề” là cách Văn Giá gọi đùa những người cao tuổi cùng cánh với anh. Trong tập truyện Ai nói & tại sao lại nói như thế, Văn Giá nhiều lần luận về cánh “giề” bằng giọng văn rất trẻ.

Gần hai chục năm trước, Văn Giá đưa cho tôi đọc những truyện ngắn đầu tay. Khi ấy tôi đã thấy bất ngờ.

Cái bất ngờ đầu tiên là Phờ zờ sờ (PGS, theo cách gọi đùa của chính Văn Giá trong truyện ngắn của anh) một phó giáo sư, một nhà nghiên cứu, lại viết lách theo “kiểu” ấy. Việc các phờ zờ sờ, các giảng viên, các nhà nghiên cứu tạt bút sang sáng tác thì không lạ. Bất ngờ là ở “cái kiểu viết” của Văn Giá. Trong truyện ngắn, anh hầu như thoát hẳn thứ ngôn ngữ kinh viện khô khan của đa số cánh nghiên cứu viên khi đổi sang làm thơ viết truyện. Trút bỏ hẳn bộ cánh mô phạm mực thước của ông thầy, nhà hư cấu Văn Giá chấp nhận cuộc chơi và thử thách đối với một “nhà nghiên cứu già” giờ ghé sang nghề mới, thành “nhà văn trẻ”.

Văn sáng tác của Văn Giá đúng là trẻ. Ngôn ngữ trong truyện của anh thật dồi dào, sinh động, hoạt bát, hóm hỉnh. Đấy là thứ văn sáng tác mà không phải nhà tiểu thuyết nào cũng dễ dàng tìm chọn được cho mình. Khi viết truyện, Văn Giá dường như đã xóa hẳn, đã quên hẳn việc mình là một nhà nghiên cứu, một nhà giảng dạy. Anh thành thạo lời ăn tiếng nói dân gian, những ngôn từ sống động và đa sắc đa tầng. Đó mới chính là văn, là ngôn ngữ của tác phẩm thuần hư cấu. Bất ngờ và thú vị của truyện ngắn Văn Giá chính là ở chỗ đó.

Hành trình đi qua mười bảy truyện ngắn trong tập Ai nói & tại sao lại nói như thế, người đọc như được đi với một người dẫn đường biết chuyện hiểu chuyện, ngôn từ tung tẩy hoạt bát, đặc biệt rất biết gây ấn tượng.

Nếu coi văn xuôi sống nhờ chi tiết, thì Văn Giá khá thành thục trong việc lựa chọn chi tiết khiến người ta nhớ. Trong truyện Ăn sáng cà phê, tác giả kể về một nhóm năm anh “giề” hưu trí hay tụ tập cà phê, rồi bệnh và tử làm nhóm rơi rụng dần. Có ông bạn sau tai biến bò dậy được thì cứ lang thang suốt ngày, xộc đến nhà bạn mà không báo trước, ngồi đồng suốt ngày, sợ sệt bị lừa đảo qua mạng và lảm nhảm đủ thứ… đến mức bạn bè cũng phát chán phát sợ. Đây là lời kể của một ông bạn: “Tôi nấp vào sau chậu cây nghe ngóng tiếp. Lại bấm chuông khẩn thiết. Nhìn cái mặt nó ngước lên tầng nhà. Đúng nó rồi, thằng Nhan hâm đây rồi. Tôi mới len lén bảo bà xã đừng đánh tiếng, nó biết có người trong nhà, nó cứ chờ thì bỏ mẹ. Bà xã bảo hay anh cứ xuống mở cửa đón anh ấy, đứng mãi ở ngoài cũng tội. Tôi kiên quyết, kệ cái thằng hâm ấy, cho nó chừa cái thói đến nhà bạn bè tùy tiện đi. Cứ lang thang thế có ngày chết tàu chết xe chết đường chết chợ chưa biết chừng. Thế là cu chàng chờ mãi đếch thấy gì, phải quay về” (tr. 21). Người viết kể lại một cách khách quan nhưng giọng kể vẫn chất chứa nỗi ngậm ngùi trước cách cư xử nghiệt ngã của người bạn kia.

Thú vị là chi tiết cái quạt trong truyện Quạt giấy. Ông giáo sư góa vợ được giới thiệu cho một người đàn bà trung niên, là viên chức bị mất việc vì giảm biên, bước đầu chị đến coi như làm người giúp việc. Cứ tế nhị thế đã, có ý tình gì thì sẽ là bước sau. “Chiều chiều, cư dân của cái nhà chung cư này dần dần quen với hình ảnh một người phụ nữ trung niên trông khá ưa nhìn đang dắt vị giáo sư mắt kém đeo kính dày cộp, ăn vận bộ đồ tây mũ phớt đi từng bước chậm rãi trên các lối đi trong khuôn viên nội khu. Nếu nhìn kỹ ra thì người dắt người không phải tay cầm tay mà qua một vật trung gian, ấy là cái quạt giấy. Đó là ý tứ của người đàn bà giúp việc. Ai lại tay cầm tay, người ta trông vào, ngượng chết. Vả lại, chị ta nghĩ, cầm tay cầm chân ai đó cứ phải là người thật thân, chứ nếu không thân, cầm vào, cái tay cứ đơ ra, thậm chí cảm thấy vướng víu, khó chịu. Giáo sư cũng thấy ngay cái giải pháp này là lịch sự, an toàn (tr. 34). Cái quạt giấy không chịu đứng hình làm một tấm ảnh mà trong truyện nó chuyển động như một trường đoạn phim, cũng vận động và biến hóa theo kiểu phát triển số phận một “nhân vật”.

Chuyện chăm sóc người ốm trong bệnh viện thì có nhiều, nhưng Văn Giá vẫn rút tỉa ra được những chi tiết sinh động và chi tiết có thể ở lại trong tâm trí người đọc như thế này: “Cái bà được thuê chăm bệnh nhân số 1 kia trông chừng thạo việc nhất, làm nhanh thoăn thoắt. Mỗi lần lau rửa cho người bệnh, bà ta lật giở con bệnh như vần khúc gỗ, lau chùi nhoang nhoáng, xong bà ta vỗ đánh bốp một cái vào mông bảo ngủ đi” (tr. 46)… “Ở bệnh viện H. có một bà được thuê chăm một ông, cứ đến khoảng mười giờ đêm là cho bệnh nhân uống thuốc ngủ, rồi tót ra ngoài đi với giai suốt đêm, sáng sớm mới về” (Chăm người bệnh, tr. 43).

Trong một bối cảnh cả nước là công trường xây dựng và luôn luôn có sự chuyển dời, một đời người cũng phải trải qua bao nhiêu lần chuyển nhà. Mỗi lần chuyển là một lần thay đổi, nơi ở mới nào cũng có vấn đề của nó. Nhân vật trong truyện Về nơi chốn mới phải qua bốn lần chuyển nhà. Rất nhiều chuyện xảy ra, nhưng có một điều xoáy sâu vào tâm trí người đọc. Lần xây đầu tiên xây nhà “cạnh cái nhà sát vách chung ngõ không ưa nhau. Không ưa nhau mà ngày nào cũng ra đụng vào chạm thì còn gì chán bằng” (tr. 81).

Chuyển nhà đến lần thứ tư, một hôm bất chợt giữa đường có người lên tiếng chào hỏi. Giật mình, “thì ra là tay sếp cũ mới nghỉ hưu”. Sếp này khi đương chức tuyển người tài vào cơ quan, nhưng không thấy người ta đưa “măn-ni” nên cho nghỉ luôn, tài mà không tiền thì cũng thôi. Bây giờ hóa ra gã sếp cũ ở trong cùng một khu. “Gã chìa tay ra bắt. Tuấn ngần ngại, giả vờ bận lấy gì trong túi, không đưa tay đáp lại. Gã bảo, tôi cũng mới sang đây được hai tháng. Thôi ông đi đi, lúc nào gặp nhau.

May quá, bố biến đi cho lành chứ báu gì. Trang hỏi ai đấy. Tuấn bảo cái lão ất ơ ấy mà. Hóa ra trái đất này nhỏ thật. Đi đâu cũng đụng người quen” (Về nơi chốn mới, tr. 90).

Chuyển nhà bao nhiêu lần, tưởng đời sau khá hơn đời trước, ruốt cuộc tránh vỏ dưa vẫn gặp phải vỏ dừa. Cũng là chuyện tức cười.

*

*    *

Bao trùm trong cả tập truyện là sự ưu tư. Cũng phải là người trải nghiệm nhiều trong giới học thuật lẫn trường đời thì mới nhìn đâu cũng ra vấn đề để trăn trở. Giọng văn tưng tửng, hài hài, giêu giễu – giễu người và tự trào châm chọc cả chính mình. Nhưng những câu chuyện Văn Giá kể ra thì không chỉ vui mà còn chất chứa nhiều nỗi niềm. Kỷ niệm cũ gây bùi ngùi thương cảm. Sự việc mới thì có khi chua chát xót xa.

Những truyện ngắn chứa nặng kỷ niệm là Một góc trời xa, Quán ông già, Người đàn bà bên kia sông… Một cô sinh viên thầm yêu một thầy giáo trẻ, nhưng anh ta lại đi tư tình với cô bạn thân của cô ấy. Chuyện tưởng cô sinh viên kia không biết, hóa ra cô ấy biết cả, nhưng âm thầm giấu chuyện. Sau này khi cô ấy bị bệnh rồi mất, qua bức thư để lại, mới bộc lộ chuyện này. Thì ra không một cái gì có thể là bí mật riêng tư với người trong cuộc. Một ông già bán rượu bìm bịp ở phố núi mà tình yêu thương cô cháu gái xinh đẹp cũng không bảo vệ nổi cô bé trước sự tha hóa đã theo chân lối sống tiêu thụ đời mới tràn đến mọi ngóc ngách núi rừng. Một Người chú họ ở làng Ngoài ngày trước có nghề bắt rắn, vui vẻ đa mang, vợ nếm con thêm, kết cuộc thì đến thời sau, đám con cháu đã xa nhau dần. Một người vợ bé, trong thời phân chia lại điền địa đã dựng chuyện vu oan giá họa cho bố chồng, sau phải bỏ làng mà đi, lâu lâu mới dám trùm khăn mỏ quạ kín mặt, sùm sụp cái nón về làng. Từng trải qua nhiều biến động, bà vợ cả dù chưa nguôi giận nhưng vẫn dặn các con mình: “Nhưng mà nếu các con gặp bà ấy ở ngoài đường thì cũng phải chào hỏi tử tế, chứ đừng để người ta nghĩ nhà mình không biết dạy con. Người như thế cũng là người khổ…” (Người đàn bà bên kia sông, tr. 143).

Khi không hoài niệm, đối mặt với những vấn đề của cuộc sống hôm nay, Văn Giá cũng có cách nhìn nhận sâu sắc về thời thế, về tuổi già là điều mà anh đang nếm trải. Phần lớn người thành thị có xuất thân từ đồng ruộng, sau một đời làm công nhân viên chức, tâm lý chung là chọn về quê sống đời hưu trí. Cặp vợ chồng trong truyện Hưu quê còn đủ tỉnh táo, không bán đứt nhà ở thành phố, không cắt đứt hẳn đường lùi, mà khi bán nhà thì chia ba phần: một phần mua căn hộ nhỏ ở thành phố để đấy làm chỗ dự phòng, một phần nhỏ giữ lại dưỡng già, một phần mua căn nhà ở quê để về “hưu quê”. Nhưng hưu quê với họ coi như một cuộc “sống thử”. Quả nhiên, mấy chục năm rời quê đi làm việc ở phố, cái bánh răng trong cỗ máy đã ăn khớp với những tập tục khác, khung cảnh khác, con người khác. Mà quê hương nơi họ trở về cũng đã rất khác, không còn là quê hương của mấy chục năm trước đó. Một cách phân tích vấn đề rất thiết thực, thông qua những nhân vật và hoàn cảnh sống động, truyện ngắn này có thể là một ý kiến hữu ích để tham khảo cho những người đang chuẩn bị cuộc sống hưu quê.

Cũng trong mạch phố thị và quê hương còn có hoàn cảnh của hai anh em trong truyện Bức tường rào. Người anh đi bộ đội, phục viên về quê bám ruộng. Người em trai may mắn đi học, thành công chức, lấy vợ đẻ con ở phố. Mảnh đất ông bố đem chia công bằng cho hai người con rồi ông mất. Hai anh em tôn trọng sự chia phần của bố, không ai thắc mắc điều tiếng gì. Chỉ có điều bố mất chưa được bao lâu thì vợ con người em gây áp lực để anh ta về quê xây lên cái tường rào. Một sự phân chia sòng phẳng vào thời điểm không phù hợp, để lại dư vị chua chát trong gia đình.

Văn Giá nhiều lần luận về tuổi già, trong nhiều truyện ngắn. Cái luận có khi bùi ngùi, cám cảnh, thậm chí gai góc nghiệt ngã. Đi thăm thầy giáo ngoại tám mươi, mới hơn chục năm trước, trò còn dắt thầy đi karaoke cho thầy ngồi với em út. Thế mà bây giờ “nói câu gì thầy cũng nghiêng tai. Nghiêng tai nhưng mắt thầy vẫn nhìn vào mặt mình để dò đoán. Mình nói to hơn bình thường. Nhiều câu thầy hỏi lại. Mình nói như quát. Chả biết thầy có nghe được không. Thấy thầy cười cười. Mặt trông rất ngô nghê. Đó có phải là hình ảnh tương lai của mình không? Có thể lắm chứ. Có thể còn hơn thế nữa. Thảm cảnh hơn thế nữa. Hôi hám, cứt đái, ngắc ngoải, bệ rạc…” (Mình đã “giề” rồi, tr. 131).

Viết truyện ngắn, Văn Giá tỏ ra là người đa năng, văn ra văn, chứ không phải là ngôn ngữ nghiên cứu kinh viện, nhưng riêng việc lựa chọn đề tài, phờ zờ sờ Văn Giá vẫn không lảng tránh môi trường kinh viện của mình. Anh nhắc khá nhiều đến những vấn đề của giới nghiên cứu. Một nhân vật tiến sĩ đang tự vấn và tự giễu về việc mình có nên thực hiện quy trình để được phong phó giáo sư: “Thế còn cái gọi là công trình khoa học của Tuấn, ừ thì cũng hết quyển nọ đến quyển kia, nhưng Tuấn biết, nó vừa phải lắm, bé mọn lắm, cứ in đầy ra đấy nhưng có ai đọc đâu, kể cả sinh viên nó cũng không thèm đọc. Âu cũng là cái tật chung của khoa học xã hội và nhân văn, toàn là hư văn, chung chung, toàn những điều to tát, nói dựa dẫm, thiếu cụ thể, phần lớn là lừa bịp. Thế thì phờ zờ sờ để làm gì. Vâng, để làm gì? Ồ, câu hỏi thật hóc hiểm” (Chân phờ zờ sờ, tr. 153).

Đọc phần truyện ngắn của Văn Giá, chắc người trong cuộc ở môi trường kinh viện cũng tự soi thấy được nhiều điều.

Ở vị trí một nhà hư cấu tuổi nghề còn trẻ (trẻ hơn tuổi nghề nghiên cứu), Văn Giá cũng mượn lời một nhân vật để tự trào cái nghề chữ nghĩa văn chương, rộng ra là nghệ thuật nói chung: “Nó chẳng có cái tội gì, duy nhất chỉ có một cái tội là viết nhạt. Thế thôi. Trong nghề nào chứ nghề viết, nhạt được coi là có tội. Nhạt là tội ác” (Chân phờ zờ sờ, tr. 147). Nếu tin vào quan điểm của nhân vật này thì những truyện ngắn của Văn Giá, mừng thay, không hề nhạt, trái lại người viết luôn tỏ ra là người hoạt bát, vui vẻ, biết kể những câu chuyện đậm đà gây hào hứng cho người đọc.

Trong nghề diễn, có những diễn viên chỉ diễn tốt một kiểu vai, hoặc là nông dân hoặc là quý tộc, nhưng cũng có những nghệ sĩ đa diện đa tài, có thể sắm nhiều loại vai, vai nào ra vai ấy. Trong văn chương, dù hiếm hoi, cũng có những cây bút đa năng. Chỉ riêng về ngôn ngữ, họ đa dạng văn phong, biến hóa linh hoạt, mỗi thể loại lại có một giọng riêng. Là nhà nghiên cứu, chắc chắn trong những công trình của mình, Văn Giá dùng giọng văn mực thước kinh viện. Còn khi sáng tác, anh ly khai với những câu văn đầy đủ chủ vị, đầy đủ các thành phần câu, thiếu cá tính. Trong truyện ngắn, anh đã tung tẩy phá cách, đập vỡ những câu văn chuẩn ngữ pháp để tái tạo thành những câu văn mang tính sáng tạo, một nỗ lực tạo sự chuyển động cho ngôn ngữ sáng tác. Độc giả nên tự mình đọc và trong khi thưởng thức có thể cảm nhận được điều này.