Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2024

Từ mở rộng biên cương trên bản đồ đến xây dựng đảo nhân tạo: Lịch sử 100 năm tranh chấp biển Đông (kỳ 18)

Tác giả: Lê Oa Đằng
Việt dịch: Phan Văn Song
This image has an empty alt attribute; its file name is image-61.png

CHƯƠNG V

THỜI KÌ XUNG ĐỘT THẤP (1990-2008)

Từ cuối những năm 1980 đến năm 2000 là thời kì then chốt trong cục diện phát triển của Nam Hải (biển Đông). Trong giai đoạn này có 4 sự kiện lớn nảy sinh, tác động trực tiếp đến hướng đi của vấn đề biển Đông.

Thứ nhất, “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển quốc tế” (gọi tắt là “Công ước”) được thông qua năm 1982 và chính thức có hiệu lực năm 1994. “Công ước” quy định phương pháp dùng dụng đất liền để yêu sách lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, từ đó dẫn đến tranh chấp vùng đặc quyền kinh tế giữa các nước liên quan đến biển Đông, dựa theo Luật biển.

Thứ hai, sau Chiến tranh lạnh, Mĩ rút quân trú đóng tại Philippines khiến khu vực biển Đông rơi vào tình trạng chân không quyền lực. Trung Quốc nhanh chóng thay thế Mĩ, trở thành thế lực lớn nhất tại biển Đông, nhưng vẫn không đủ sức lấn áp các nước ASEAN đang có tiếng nói chung về vấn đề biển Đông.

Thứ ba, Trung Quốc đề ra chính sách mục lân (thân thiện với láng giềng), đồng thời nêu quan điểm gác tranh chấp lãnh thổ, do đó xung đột biển Đông lắng xuống.

Thứ tư, năm 2002, Trung Quốc và các nước ASEAN đạt được “Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở biển Đông”, tạo sự đảm bảo cho tình hình biển Đông tạm thời yên ắng.

V.1. Chiến tranh lạnh kết thúc và việc Mĩ, Liên Xô rút khỏi biển Đông

Sau Chiến tranh lạnh, thế giới chia thành hai phe đối lập. Trong thời kì Chiến tranh Việt Nam (những năm 1960, 1970), biển Đông đột nhiên trở thành tuyến đầu trong đối kháng Mĩ - Xô. Sau khi rút khỏi Chiến tranh Việt Nam, tuy không còn nhòm ngó đến Việt Nam Cộng hòa tại bờ Tây biển Đông, song Mĩ vẫn giữ căn cứ quân sự tại Clark và vịnh Subic thuộc bờ đông Philippines. Sau khi Việt Nam thống nhất đất nước, Liên Xô thuê cảng Cam Ranh của Việt Nam, tạo nên thế đối lập giữa Mĩ với khu vực biển Đông. Trong những năm 1980, Liên Xô tăng cường xây dựng Cam Ranh thành căn cứ quân sự bên ngoài lớn nhất của Liên Xô.

Năm 1989, cả thế giới chú ý tới sự kiện mồng 4 tháng 6 (Thiên An Môn - ND) xảy ra tại Trung Quốc. Các nước phương Tây đồng loạt chỉ trích cuộc đàn áp của chính quyền Cộng sản, đồng thời thi hành chính sách phong tỏa ngoại giao và cấm vận vũ khí đối với Trung Quốc. Sự kiện đó đã khép lại giai đoạn trăng mật giữa Trung Quốc và Mĩ trong những năm 1980. Tiếp đó, tại Liên Xô và các nước Đông Âu liên tục nổ ra phong trào dân chủ. Các nước Đông Âu lật đổ thành công chính quyền Cộng sản, bức tường Berlin sụp đổ vào năm 1990, hai nước Đức thống nhất, đánh dấu sự kết thúc của hệ thống Yalta sau Chiến tranh.

Ngày 19/8/1989, phái bảo thủ và quân đội Liên Xô phát động cuộc chính biến, giam giữ Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Gorbachev. Nhưng, dưới sự lãnh đạo của phái cải cách, đứng đầu là Tổng thống nước Cộng hòa Liên bang Nga Boris Yeltsin, các nước cộng hòa thuộc Liên Xô đều lên tiếng ủng hộ Gorbachev, tuyên bố Đảng Cộng sản là chính đảng phi pháp tại tại các nước cộng hòa. Cuối cùng, lực lượng chính biến buộc phải thả Gorbachev. Tuy nhiên, danh tiếng Yeltsin khi đó đã vượt qua Gorbachev, Liên Xô giải thể là không tránh khỏi.

Ngày 25/12/1991, tất cả các nước cộng hòa đều tuyên bố độc lập, Liên Xô chính thức giải thể. Cuối cùng, Chiến tranh lạnh kết thúc bằng thắng lợi của thế giới tự do.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Trung Quốc và Việt Nam là hai trong số ít ỏi các nước theo chế độ XHCN. Bắt đầu từ cuối những năm 1970, Trung Quốc và Việt Nam luôn nằm trong tình trạng chiến tranh, Liên Xô là nước giúp đỡ lớn nhất của Việt Nam. Sau khi Liên Xô giải thể, Việt Nam đột ngột mất nguồn viện trợ lớn, còn Trung Quốc rơi vào tình trạng bị thế giới cô lập. Hai nước quyết định chấm dứt Chiến tranh biên giới kéo dài và làm dịu quan hệ. Theo đó, đàm phán vấn đề biên giới và Vịnh Bắc Bộ bắt đầu được khởi động. Tuy nhiên, tình trạng đối đầu trên các đảo thuộc biển Đông vẫn không thể hòa giải.

Tình hình an ninh của Philippines trước những năm 1990 là rất tốt. Mặc dù Trung Quốc tiến quân vào Trường Sa, nhưng hoạt động chủ yếu chỉ diễn ra ở phía Tây Trường Sa, không dám tiến gần phía Đông Trường Sa và đảo Hoàng Nham (Scarborough) thuộc Philippines. Nguyên nhân chủ yếu là vì Mĩ có hai căn cứ lớn tại nhóm đảo của Philippines: căn cứ không quân trên đảo Clark và căn cứ hải quân trên đảo Subic. Đó vừa là những cứ điểm hoạt động quân sự quan trọng của Mĩ ở Châu Á, vừa là điểm bảo đảm an ninh hiệu quả cho Philippines.

Sau khi Liên xô giải thể, Nga mất thực lực đối kháng với Mĩ tại biển Đông. Đầu những năm 1990, Nga rút khỏi Vịnh Cam Ranh với quy mô lớn, chỉ để lại số ít quân nhân kĩ thuật. Năm 2002, Nga không đủ sức thuê tiếp Vịnh Cam Ranh nên đã rút toàn bộ quân khỏi đây. biển Đông dần trở thành sức mạnh độc quyền của Mĩ. Dù vậy, Mĩ không có lí do, cũng không nhất thiết phải tiếp tục ở lại biển Đông, vì thế Mĩ bắt đầu thu hẹp chiến lược tại khu vực Đông Á, có quan điểm cho rằng Mĩ nên rút quân khỏi Philippines.

Căn cứ Clark lần đầu tiên bị bỏ trống. Bụi nham thạch núi lửa xảy ra năm 1991 xóa sạch thêm dấu vết căn cứ Clark. Tuy nhiên, Mĩ vẫn nuôi ý đồ tiếp tục giữ căn cứ Subic khoảng 10 năm sau sự kiện này. Hiệp ước thuê căn cứ Subic vốn được Mĩ và Philippines được kí vào 16/9/1966, quy định rằng căn cứ sẽ được cho thuê trong 25 năm, và kết thúc vào 16/9/1991. Do đó, nếu quân đội Mĩ muốn tiếp tục ở lại vịnh Subic thì phải kí hiệp ước mới.

Tổng thống Philippines Aquino khi đó đã sớm nhận ra rằng, sự hiện diện của quân đội Mĩ là nhân tố cực kì quan trọng đối với an ninh Philippines. Vì vậy, bà hết sức ủng hộ việc tiếp tục cho Mĩ thuê căn cứ quân sự và năm 1991 đã đạt được thỏa thuận với Mĩ trong việc gia hạn thời hạn thuê thêm 10 năm.

Nhưng vào lúc đó, lực lượng dân tộc chủ nghĩa ở Philippines đã trỗi dậy mạnh mẽ. Hiệp ước căn cứ quân sự Mĩ - Philippines vốn do Tổng thống và Chính phủ chịu trách nhiệm, nhưng sau khi Tổng thống Marcos bị lật đổ vào năm 1987, Philippines đã sửa đổi Hiến pháp, theo đó Điều 18 phần 24 (section 24, article XVIII)[764] quy định: sau khi Hiệp ước thuê căn cứ quân sự Mĩ - Philippines kết thúc vào năm 1991, hiệp ước mới phải do Quốc hội phê chuẩn. Điều đó có nghĩa là dành chỗ để cho Quốc hội tham gia vào Hiệp ước căn cứ quân sự Mĩ - Philippines.

Những người theo chủ nghĩa dân tộc Philippines có truyền thống chống Mĩ từ lâu. Sau Chiến tranh lạnh, tình hình an ninh Philippines được cải thiện, không còn nguy cơ có tính cấp bách, lực lượng dân tộc chủ nghĩa càng cho rằng không cần thiết phải có sự hiện diện của quân đội Mĩ tại căn cứ quân sự. Phái chống Mĩ lúc đó còn bao gồm bộ phận theo Marcos trước kia : trong cuộc tranh cử tổng thống năm 1987, nhóm Aquino ủng hộ dân chủ đã từng nhận được sự trợ giúp của Mĩ, lật đổ người có thế lực quân sự mạnh là Marcos. Nhóm người cũ và nhóm trục lợi bất mãn với Mĩ cũng gia nhập đội ngũ chống Mĩ.

Nhưng nhóm dân tộc chủ nghĩa lại xem nhẹ vấn đề an ninh quốc gia mà lẽ ra họ phải quan tâm nhất. Sau Chiến tranh lạnh, an ninh Philippines phụ thuộc Mĩ trong suốt thời gian dài, nền quân sự tự thân rất yếu kém, thậm chí yếu kém nhất trong các nước Đông Nam Á. Hơn nữa, Philippines còn có những tranh chấp lãnh thổ với nước khác chưa giải quyết xong, chẳng hạn như quần đảo Nam Sa, đảo Hoàng Nham (Scarborough) và Sabah (với Malaysia), thậm chí có người trong nhóm dân tộc chủ nghĩa còn đưa yêu sách đối với Guam và quần đảo Bắc Mariana thuộc quyền kiểm soát của Mĩ. Khi còn sự hiện diện của Mĩ thì các nước không dám dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với Philippines, nhưng không thể kì vọng điều đó nếu Mĩ rút đi.

Đối với người Philippines, một bước ngoặt tâm lí đã xảy ra vào năm 1998. Một trăm năm trước, phong trào đòi độc lập đã dấy lên ở Philippines, nhân thời cơ từ cuộc Chiến tranh Mĩ - Tây Ban Nha, Philippines đã thành lập chính quyền và tuyên bố độc lập. Nhưng sau khi cuộc chiến Mĩ - Tây Ban Nha kết thúc, Tây Ban Nha đã nhượng Philippines cho Mĩ và Mĩ nhanh chóng chinh phục Philippines, loại bỏ chính quyền Philippines. Phái dân tộc chủ nghĩa coi đây là nỗi nhục dân tộc và quốc gia. Vì thế, nhân dịp kỉ niệm 100 năm phong trào đòi độc lập, phái dân tộc chủ nghĩa coi việc đuổi sạch “đế quốc” Mĩ khỏi Philippines mang ý nghĩa tượng trưng rất lớn. Nhóm dân tộc chủ nghĩa Philippines khăng khăng đòi Mĩ phải rút quân hoàn toàn khỏi Philippines trước năm 1998 và Hiệp ước thuê chỉ kí kết thêm tối đa 7 năm. Vốn dĩ, 7 năm và 10 năm không khác biệt nhiều. Nhưng vấn đề là, nếu giới hạn là 10 năm, thì có khả năng gia hạn căn cứ ở Philippines, nhưng nếu giới hạn là 7 năm, thì việc Mĩ rút hoàn toàn khỏi Philippines vào năm 1998 trở thành điều được định trước – không có chút cơ hội Philippines kí lại thỏa thuận gia hạn hợp đồng thuê ngay vào năm kỉ niệm 100 năm độc lập.

Bởi vậy mà tranh chấp về 3 năm này đã trở thành tiêu điểm. Một mặt, phái dân tộc chủ nghĩa tiếp tục đòi hỏi Mĩ phải rút toàn bộ quân khỏi Philippines, thể hiện việc Philippines “hoàn toàn độc lập”; mặt khác, họ giải thích hiệp ước thuê 10 năm là một hành động khiêu khích của Mĩ đối với lễ kỉ niệm 100 năm độc lập của Philippines. Chẳng hạn, Roland Simbulan, một nhà cánh tả nổi tiếng và là giáo sư tại Đại học Philippines, tin rằng: người Mĩ quá tham lam, chỉ vì 3 năm ngắn ngủi mà đối đầu với người Philippines, rốt cục mất đi 7 năm thuê đất, quả là tham bát bỏ mâm.

Mọi tuyên bố của phái tả đều cho rằng, việc quân đội Mĩ trú đóng tại Philippines chỉ có lợi cho Mĩ, Philippines cho Mĩ thuê căn cứ chỉ là hành động nhận bố thí. Sớm hay muộn Mĩ cũng phải rút khỏi Philippines, vậy thì rút sớm 3 năm có can hệ gì ?

Philippines không thiếu người có tầm nhìn toàn cục một cách lí tính. Bà Aquino đích thân xuống đường tham gia biểu tình tìm kiếm sự ủng hộ, thậm chí có lần tính tới phương thức trưng cầu ý dân. Bộ trưởng Ngoại giao Raul Manglapus cũng chỉ ra rằng việc thông qua hiệp ước này sẽ tăng cường đáng kể quan hệ Mĩ-Philippines và cuối cùng là đảm bảo sự ổn định chính trị và kinh tế của Philippines. Nghị sĩ Franklin Drilon cũng cho rằng, nếu phản đối việc thông qua hiệp ước, cũng có nghĩa phát đi một tín hiệu mạnh nhưng sai lầm tới Mĩ và điều này cuối cùng sẽ gây tổn hại đến lợi ích của Philippines.

Nhưng những suy nghĩ lí tính và thực tế đó cũng không thể ngăn cản nổi khẩu hiệu yêu nước của phái dân tộc chủ nghĩa. Phái này đã kích động nhiệt huyết của dân chúng, và làm lung lay lập trường của những thành viên Quốc hội ban đầu ủng hộ hiệp ước. Ngày 10/9/1991 đã có 50 000 người biểu tình đòi bác bỏ đàm phán. Trong ngày Quốc hội bỏ phiếu, 170 000 người đã dầm mưa tập trung trước cửa Quốc hội, tạo áp lực chính trị cực lớn đối với các nghị sĩ tham gia bỏ phiếu. Cuối cùng, với tỉ lệ phiếu 12/11, chỉ với 1 phiếu sai biệt, Quốc hội Philippines đã bác bỏ việc đàm phán gia hạn hiệp ước thuê căn cứ quân sự. Kết quả này khiến Mĩ khá ngỡ ngàng và thất vọng, do trước đó đã nhận định rằng hiệp ước thuê đất có thể được thông qua, và dẫn đến việc không thể không rời khỏi căn cứ hải quân trên Vịnh Subic. Như vậy là một lần nữa trên vùng biển Đông không có lực lượng quân sự Mĩ. Không có căn cứ quân sự của Mĩ ở Philippines, liên minh quân sự Mĩ – Philippines không có đảm bảo vật chất nào, về cơ bản chỉ là lời trên giấy. Phái dân tộc chủ nghĩa lạc quan quá mức về nền an ninh quốc gia, kế hoạch hiện đại hóa hải quân do Bộ trưởng Quốc phòng đề xướng khi đó bị gác lại.

Không lâu sau đó, Philippines phải nếm mùi cay đắng.

V.2. “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển” được kí kết và có hiệu lực

Ngày 28/9/1945, Tổng thống Mĩ Harry S. Truman ban bố lệnh hành chính, quy định Mĩ có quyền tài phán và kiểm soát đáy biển thuộc thềm lục địa ngoài 3 hải lí tính từ bờ biển,[765] ý tưởng này đã khiến các nước tranh nhau làm theo, trong đó có nước thậm chí còn đưa ra yêu sách lãnh hải 200 hải lí. Để giải quyết vấn đề phân chia quyền lợi trên biển, Liên Hiệp quốc đã triệu tập Hội nghị về Luật biển lần thứ nhất, kí kết “Công ước Luật biển Geneva”. Công ước này được tạo thành từ 4 Hiệp ước: “Công ước về lãnh hải và vùng tiếp giáp”, “Công ước về thềm lục địa”, “Công ước về vùng biển quốc tế” và “Công ước về đánh cá và Bảo tồn Tài nguyên Sinh vật trong vùng biển quốc tế”.[766] Khi đó, Đài Loan tham gia Hội nghị này với tư cách là đại diện của Trung Quốc tại Liên hiệp quốc, và phê chuẩn “Công ước về thềm lục địa” năm 1970. Bắc Kinh chưa giành được ghế hợp pháp tại Liên hiệp quốc nên không tham gia Hội nghị lần này.

Hội nghị Liên hiệp quốc về Luật biển lần thứ hai được tổ chức nhưng không có tiến triển đáng kể. Hội nghị Liên hiệp quốc về Luật biển lần thứ ba được tổ chức vào năm 1973, kéo dài trong 9 năm, đến tháng 12/1982, với 130 phiếu tán thành, 4 phiếu chống và 17 phiếu trắng, Hội nghị đã đạt được “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển quốc tế” (sau đây gọi tắt là “Công ước”). Trong suốt thời gian diễn ra Hội nghị, đoàn đại biểu Trung Quốc đều tích cực tham gia công việc thẩm định các vấn đề thực chất liên quan đến luật biển và đưa ra 3 văn kiện làm việc.[767]

Lập trường của Trung Quốc trong Hội nghị về Luật Biển chủ yếu là: 1) kiên định bảo vệ quyền lợi của Trung Quốc; 2) ủng hộ yêu cầu của các nước đang phát triển, phản đối bá quyền biển gây thiệt hại cho lợi ích của nước khác.[768] Trung Quốc giữ thái độ phê phán và phủ nhận “Công ước Luật biển Geneva”, cho rằng Công ước này được “xây dựng trên cơ sở luật biển cũ, theo chủ nghĩa thực dân, chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa bá quyền”. Ngày 3/3/1972, khi tham gia Hội nghị toàn thể Uỷ ban đáy biển, đoàn đại biểu Trung Quốc lần đầu tiên phát biểu, nêu rõ lập trường nguyên tắc của mình về vấn đề quyền trên biển, tuyên bố kiên quyết ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa do các nước Mĩ La Tinh dẫn đầu, nhằm bảo vệ quyền trên 200 hải lí, bảo vệ nguồn tài nguyên biển của nước mình.[769] Nếu phân chia một cách đơn giản các nước tham gia thảo luận “Công ước” thành hai nhóm lớn (nhóm ven biển và nhóm quyền trên biển) thì thái độ Trung Quốc rõ ràng thuộc nhóm bảo vệ quyền lợi của các nước ven biển.

Ngày 30/4/1982, khi tiến hành biểu quyết “Công ước”, Trung Quốc bỏ phiếu tán thành, đồng thời ngày 10/12 cùng năm, trong buổi họp cuối cùng của Hội nghị, Trung Quốc đã cùng 116 quốc gia và 2 thực thể chính trị khác kí “Công ước” và “Văn kiện Hội nghị Liên hiệp quốc về Luật biển quốc tế lần thứ 3”. Về tổng thể, Trung Quốc hài lòng với “Công ước”, chỉ còn thể hiện thái độ “không hoàn toàn thỏa mãn” về 3 phương diện :

(1) Về chế độ tàu quân sự đi qua vùng lãnh hải, “Công ước” “quy định rất không rõ ràng”. Điều 21 trong “Công ước” quy định tàu quân sự có thể đi qua vô hại lãnh hải của các nước ven biển. Trung Quốc và 27 quốc gia khác đưa ra đề xuất sửa đổi Điều 21, yêu cầu bổ sung quy định các nước ven biển có quyền dựa theo luật pháp và quy định của mình yêu cầu tàu chiến nước ngoài đi qua lãnh hải phải được sự phê chuẩn hoặc phải thông báo cho nước sở tại trước. Tuy nhiên, đề nghị này bị nhiều nước phản đối nên không được ghi vào “Công ước”.[770]

(2) Về định nghĩa thềm lục địa. Trung Quốc chủ trương sau cụm từ “mở rộng đến” trong khoản 1 điều 76 cần thêm 3 chữ “không vượt quá”; trong khoản 3 thêm 3 chữ “tính thông thường”, nhằm tăng thêm mức chuẩn xác và khoa học của “Công ước”.

(3) Về điều khoản bảo lưu và trình tự cưỡng chế mang tính ràng buộc của “Công ước”.[771] Điều 287 “Công ước” quy định:

Khi kí, phê chuẩn Công ước hoặc tham gia Công ước, hoặc tại bất kì thời điểm nào sau đó, một quốc gia được quyền tự do lựa chọn hình thức tuyên bố bằng văn bản, theo một hay nhiều biện pháp sau đây để giải quyết các tranh chấp liên quan đến việc giải thích hay áp dụng Công ước: (a) Tòa luật biển quốc tế thành lập theo quy định tại Phụ lục VII; (b) Tòa án quốc tế (International Court of Justice); (c) Tòa trọng tài quốc tế thành lập theo quy định tại Phụ lục VII; (d) Tòa trọng tài đặc biệt thành lập theo quy định tại Phụ lục VIII để giải quyết một hay nhiều tranh chấp được liệt kê trong đó.

“Công ước” cũng quy định:

Khi quốc gia kí kết là một bên trong tranh chấp mà không có đưa ra tuyên bố hợp lệ sẽ được coi là đã chấp nhận thủ tục trọng tài theo quy định tại Phụ lục VII. Nếu các bên tranh chấp cùng chấp nhận một thủ tục giải quyết tranh chấp, thì tranh chấp đó có thể được đưa ra giải quyết theo thủ tục đã thống nhất, trừ phi các bên có thỏa thuận khác.

Trung Quốc cho rằng, “về nguyên tắc, quy định như vậy không được chúng tôi nhất trí”. Bởi vì Trung Quốc kiên định lập trường, tranh chấp liên quan đến luật biển giữa các nước phải do các bên trực tiếp đàm phán giải quyết, nếu tự nguyện, cũng có thể đưa ra cơ quan trọng tài giải quyết, nhưng không thể chấp nhận quyền tài phán bắt buộc của cơ quan giải quyết tranh chấp quốc tế.[772]

Điều 309 “Công ước” còn quy định: “Công ước không chấp nhận bảo lưu, cũng không chấp nhận các ngoại lệ ngoài những điều khoản thể hiện rõ sự cho phép tại Công ước”. Nhưng Trung Quốc “không đồng ý bất cứ tình huống thực tế nào cũng không được bảo lưu, như vậy sẽ dẫn đến việc làm phương hại chủ quyền và quyền lợi hợp lí của các nước cũng như ảnh hưởng đến việc tiếp nhận rộng rãi các điều khoản của Công ước”.[773]

Cho dù có những điểm không hài lòng, nhưng Trung Quốc vẫn kí và sau đó đã phê chuẩn công ước. Điều đáng nói đến là một số khái niệm là nguyên nhân lớn gây tranh cãi ở biển Đông sau này như: chủ quyền lịch sử, chế độ đảo, đường cơ sở quần đảo và đường cơ sở thẳng… Trung Quốc đều không đưa ra phản đối. Đại biểu tham gia đàm phán Lăng Thanh sau này suy ngẫm lại và cho rằng: năm đó Trung Quốc không tính toán kĩ đến mối liên quan giữa “Công ước” với Trung Quốc, quá nhấn mạnh đến việc chống chủ nghĩa bá quyền, chỉ khi ‘Công ước’ được thông qua và cần được phê chuẩn trong nước, thì mới có người đưa ra kiến nghị bảo lưu điều khoản về quyền và lợi ích 200 hải lí, nhưng khi đó đã ở trong thế cưỡi lưng cọp.[774]

Ngoài Trung Quốc ra, các bên tranh chấp biển Đông đều tham gia Hội nghị và phát huy vai trò quan trọng, đồng thời đều là thành viên kí “Công ước”. Với tư cách là các quốc gia quần đảo, Philippines và Indonesia đều ủng hộ mở rộng quyền lợi biển, đặc biệt là chế độ quần đảo, nên là những nước đầu tiên phê chuẩn công ước ngay sau khi được kí kết. Những bên khác đều lần lượt phê chuẩn Công ước quốc tế này trong những năm 1990.[775] Năm 1994, Guinea phê chuẩn “Công ước”, nâng số nước phê chuẩn “Công ước” đạt mức 2/3 số nước tham gia Hội nghị, “Công ước” chính thức có hiệu lực. “Công ước” đã đưa ra các nguyên tắc rõ ràng đối với cho các tranh chấp biển quốc tế, việc thảo luận và giải quyết các tranh chấp ở biển Đông trong khuôn khổ của Công ước đã trở thành một chuẩn mực quốc tế mới.

Bên cạnh việc đưa ra những hướng dẫn và cách thức giải quyết các tranh chấp biển đảo, “Công ước” đồng thời cũng làm cho những xung đột tiềm ẩn nhanh chóng thể hiện rõ. Ngày 25/2/1992, căn cứ vào “Công ước”, Trung Quốc đã soạn thảo “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa”, trong đó điều 2 quy định:

Lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là vùng biển tiếp giáp với lãnh thổ đất liền và nội thuỷ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Lãnh thổ đất trên cạn của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa bao gồm đại lục Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa và các đảo ven biển, Đài Loan cùng các đảo phụ thuộc bao gồm cả đảo Điếu Ngư trong đó, quần đảo Bành Hồ, quần đảo Đông Sa (Pratas), quần đảo Tây Sa (Hoàng Sa), quần đảo Trung Sa (Macclesfield); quần đảo Nam Sa (Trường Sa) và toàn bộ các đảo khác thuộc Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Vùng nước ở phía đất liền của đường cơ sở lãnh hải nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa là nội thuỷ của nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Đây là lần đầu tiên Trung Quốc liệt kê các đảo thuộc Trung Quốc theo luật pháp. Quy định này, đặc biệt là quy định về quần đảo Nam Sa đã gây lo ngại đối với các nước ASEAN, trở thành một trong những nguyên nhân để các nước ASEAN ra “Tuyên bố chung ASEAN” (xem phần V.7).

V.3. Đề xuất chính sách gác tranh chấp

Sau sự kiện 4/6/1989, điều kiện quốc tế hết sức bất lợi cho Trung Quốc, các nước phương Tây, đứng đầu là Mĩ và Liên minh Châu Âu phê phán gay gắt vụ thảm sát dân thường của Chính phủ Trung Quốc, thực hiện cấm vận kĩ thuật cao và vũ khí đối với Trung Quốc, nhóm nước G7 đóng các khoản vay cho Trung Quốc. Trước đó, hàng năm, Quốc hội Mĩ phê duyệt đều đặn các khoản ưu đãi đặc biệt cho Trung Quốc, tuần trăng mật trong quan hệ Trung – Mĩ từ khi Trung Quốc tiến hành cải cách đã kết thúc. Hệ thống xã hội chủ nghĩa tan rã cũng khiến Trung Quốc bị cô lập, không nguồn viện trợ.

Để thoát khỏi tình trạng bất lợi về ngoại giao, Trung Quốc đã đề ra một số chiến lược ngoại giao mới.

Trước tiên là thao quang dưỡng hối (韜光養晦: giấu sáng phô tối [giấu mình chờ thời]) , được Đặng Tiểu Bình khái quát bằng 16 chữ:[776]thiện ư thủ chuyết, quyết bất đương đầu, thao quang dưỡng hối, hữu sở tác vi” (善於守拙、決不當頭、韜光養晦、有所作爲: giữ kín điểm yếu, quyết không đối đầu, giấu mình chờ thời, tạo sự khác biệt). Tư tưởng hạt nhân là chuyên chú vào phát triển, không phô lộ chỗ mạnh. Ngoại giao Trung Quốc chuyển sang trạng thái mềm mỏng, lấy phát triển kinh tế và giao lưu kinh tế làm cốt lõi trong quan hệ đối ngoại.

Thứ hai là coi trọng ngoại giao với các nước láng giềng và đề xuất chiến lược “mục lân” (睦隣: láng giềng thân thiện – ND). Đầu những năm 1990, Trung Quốc cải thiện và thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước lân cận. Trung Quốc kết thúc cuộc chiến tranh biên giới kéo dài 10 năm với Việt Nam, đồng ý giải quyết tranh cãi về vấn đề hoạch định biên giới trên đất liền và trên biển bằng phương thức hòa bình. Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhiều nước Đông Á, bao gồm Hàn Quốc (1992), Singapore (1990), Indonesia (1990) và Brunei (1991). Trung Quốc còn tích cực phát triển13 quan hệ với Nhật Bản. Năm 1990, Thủ tướng Nhật Bản Toshiki Kaifu tuyên bố nối lại các khoản vay cho Trung Quốc tại cuộc họp G7. Ngày 10/8/1991, Kaifu thăm Trung Quốc, mở đầu cho việc bình thường hóa quan hệ giữa hai nước. Chính sách mục lân này đã cải thiện cục diện ngoại giao cô lập của Trung Quốc.

Bằng hai lối tư duy này, Trung Quốc bắt đầu cũng bắt đầu kiềm chế đà bành trướng tại biển Đông kể từ những năm 1980 đến nay và chủ trương “giải quyết hòa bình” vấn đề biển Đông, không sử dụng vũ lực.[777] Trên cơ sở đó, Trung Quốc nêu chính sách “các trí tranh nghị, cộng đồng khai phát” (擱置爭議,共同開發: gác tranh chấp, cùng khai thác). Tháng 8/1990, nhân chuyến thăm Singapore, Thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng lần đầu tiên đề cập đến chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” trong vấn đề Trường Sa. Lí Bằng nêu rõ, “Trung Quốc sẵn sàng cùng các nước Đông Nam Á tích cực khai thác quần đảo Nam Sa, trước mắt cần gác vấn đề chủ quyền sang một bên”. Tháng 12 cùng năm, Lí Bằng nhắc lại chủ trương này trong chuyến thăm Malaysia. Năm 1991, Chủ tịch Trung Quốc Dương Thượng Côn lại lần nữa nhắc tới chủ trương này khi đến thăm Indonesia. Cuối năm 1992, trong chuyến thăm Việt Nam, trước câu hỏi về “vấn đề bãi Vạn An”, Lí Bằng đã nêu lại chủ trương này một lần nữa.

Trên thực tế, khi hai nước Trung – Nhật thiết lập quan hệ ngoại giao, Trung Quốc đã cố ý tránh nói tới vấn đề đảo Điếu Ngư.[778] Sau khi kí hòa ước với Nhật Bản, tháng 10/1978, trong cuộc họp báo nhân dịp trao văn bản kí kết, Đặng Tiểu Bình đã nói tới chính sách gác tranh chấp đối với đảo Điếu Ngư (Sankaku): “Vấn đề này cần gác lại, không nên gấp gáp, đợi 10 năm sau cũng không can hệ gì. Thế hệ chúng ta còn thiếu tri thức, bàn về vấn đề này cũng không thể đạt được nhận thức chung, thế hệ sau thông minh hơn chúng ta, nhất định họ sẽ tìm ra phương cách hai bên cùng chấp nhận được”.[779] Ngoài ra, khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Philippines trong những năm 1970, Trung Quốc giữ thái độ mềm mỏng trước việc Philippines mở rộng Nam Sa, điều này cũng được coi là biểu hiện của việc gác tranh chấp.

Chính sách gác tranh chấp của Trung Quốc bên trong và bên ngoài có sự khác biệt: tuyên truyền trong và ngoài nước là “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng trong nội bộ Chính phủ lại là “chủ quyền tại ngã, các trí tranh nghị, cộng đồng khai khai khai phát (主權在我, 擱置爭議,共同開發: chủ quyền thuộc ta, gác tranh chấp, cùng khai thác”.[780] Trong cách tuyên truyền của Trung Quốc, chính sách “gác tranh chấp, cùng khai thác” là một cử chỉ thiện chí rất lớn. Tuy nhiên, xem ra không phải như vậy.

Thứ nhất, mặc dù khi tuyên truyền đối ngoại, Trung Quốc tránh nói “chủ quyền tại ngã”, nhưng các nước xung quanh đều nhận thấy, chấp nhận gác tranh chấp đồng nghĩa với việc ngầm chấp nhận tiền đề “chủ quyền tại ngã”, do đó phản ứng của các nước hết sức thận trọng. Điều cần chỉ ra là, tại Hội nghị biển Đông lần thứ ba năm 1992 (xem phần V.7), Vụ trưởng Vụ Điều ước, Bộ ngoại giao Trung Quốc Đường Thừa Nguyên đã nói rõ phương châm 12 chữ “chủ quyền quy ngã, các trí tranh nghị , liên hợp khai phát” (主權歸我, 擱 置爭議, 聯合開發: chủ quyền thuộc về ta, gác lại tranh chấp, liên kết khai thác),[781] có thêm và nhấn mạnh 4 chữ “chủ quyền quy ngã”, trước khi các nhà lãnh đạo Trung Quốc tuyên bố “phương châm 8 chữ”. Có thể thấy, Trung Quốc có ý đồ muốn các nước chấp nhận tiền đề “chủ quyền tại ngã” trá hình dưới dạng chấp nhận “gác tranh chấp”.

Thứ hai, phần lớn quần đảo Trường Sa do các quốc gia khác kiểm soát và các quốc gia này đã đầu tư vào việc phát triển các khu vực giàu dầu mỏ trong nhiều năm. Trung Quốc vừa không kiểm soát được những khu đó, vừa không có đối tác đầu tư. Vì vậy, đối với các nước, nói “cùng khai thác” chẳng khác nói “cùng được chia phần”. Hơn nữa, Trung Quốc cũng không hề có ý định cho Việt Nam cùng khai thác những địa điểm tranh chấp đang do họ kiểm soát, chẳng hạn như quần đảo Hoàng Sa.

Thứ ba, lời hứa gác tranh chấp của Trung Quốc thực sự cũng khiến các quốc gia ven biển cảm thấy nhẹ nhõm, nhưng Trung Quốc có thực tâm gác tranh chấp hay không vẫn là một nghi vấn. Trong Hội nghị lần thứ hai về xử lí xung đột tiềm ẩn tại biển Đông, đại biểu các nước đều lo lắng với cái gọi là gác tranh chấp, vì có thể đây chỉ là một biện pháp thích nghi của Trung Quốc (xem phần V.7). Quả đúng như vậy, một khi tình thế ngoại giao lắng xuống Trung Quốc lại tiếp tục bành trướng với “sự kiện bãi Vạn An (bãi Tư Chính) và bãi Mĩ Tế (đá Vành Khăn)”, nhưng việc bành trướng không còn thông qua vũ lực để đạt tới.

Ngoài ra, Trung Quốc luôn chủ trương rằng vấn đề biển Đông cần được giải quyết thông qua đàm phán song phương giữa các nước liên quan, đồng thời phản đối “quốc tế hóa vấn đề biển Đông” nhằm chống lại sự can thiệp của “các nước ngoài khu vực” (chủ yếu là Mĩ).

V.4. Bắt đầu cuộc tranh cãi về đường 9 đoạn

Từ năm 1947 khi Trung Quốc đề ra đường đứt đoạn cho đến đầu những năm 1990, họ chưa bao giờ nói rõ hàm nghĩa của nó. Sau khi thoát qua Đài Loan, Chính phủ Quốc dân vẫn tiếp tục sử dụng quy định “phạm vi lãnh hải 3 hải lí” ban hành năm 1931 trong một thời gian dài. Mãi đến năm 1976, Bộ Nội chính Đài Loan mới tập hợp thành viên từ các ngành ngoại giao, quốc phòng, kinh tế, giao thông, tư pháp, hành chính,... để thành lập nhóm chuyên trách về lãnh hải lâm thời để nghiên cứu việc mở rộng phạm vi lãnh hải và xây dựng vùng đặc quyền kinh tế. Năm 1979, Lệnh số 5046/Đài thống(1)/Tổng thống(68) của Tổng thống Đài Loan tuyên bố “mở rộng lãnh hải nước ta thành 12 hải lí và thành lập vùng kinh tế biển 200 hải lí”.[782]Đây chỉ là nguyên tắc, không có khả năng thi hành trên thực tế khi đường cơ sở trên biển chưa được xác định. Tuy nhiên, khi xác định phạm vi đường cơ sở, Đài Loan không thể tránh khỏi 3 điểm khó: vấn đề đảo Điếu Ngư (Sankaku), vấn đề biển Đông và vấn đề đường ven biển của đại lục. Năm 1980, Đài Loan đã hoàn thành công tác nghiên cứu xác định điểm cơ sở đối với Đài Loan và đảo Đông Sa, nhưng việc công bố đã bị hoãn lại theo lệnh của tổng thống; năm 1989 hoàn thành việc xác định điểm cơ sở vùng bờ biển đại lục, nhưng do quan hệ hai bờ phức tạp nên Viện Hành chính tiếp tục gác lại. Trong những năm 1980, xung đột nghề cá giữa Đài Loan và các nước lân cận (chủ yếu là với Philippines và Nhật Bản) ngày càng căng thẳng, nhưng do chưa có luật về vùng biển nên không có cách nào xác định khu vực kinh tế biển và biện pháp xử lí. Vì vậy, tháng 4/1989, Bộ Nội chính khởi động lại công việc nghiên cứu xác định điểm cơ sở, đường cơ sở lãnh hải, đồng thời soạn thảo “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp của Trung Hoa Dân quốc, và Luật vùng đặc quyền kinh tế và rạn san hô đại lục của Trung Hoa Dân quốc (gọi tắt là 2 Luật).[783] Sau 8 lần triệu tập Hội nghị Nhóm công tác “nghiên cứu xác định điểm cơ sở, đường cơ sở lãnh hải, vùng kinh tế biển và luật biển nước ta”, phương án đường cơ sở lãnh hải đã được giao cho nhóm chuyên trách Bộ Nội chính. Ngày 17/9/1990, nhóm chuyên trách triệu tập Hội nghị lần thứ nhất để “Xem xét việc mô phỏng yêu sách vùng nước lịch sử trong Luật quốc tế cho khu vực biển Đông, và việc chọn dùng ranh giới truyền thống để phân định lãnh hải nước ta”, Phó Côn Thành chủ trương coi đường chữ U này là “vùng nước lịch sử”.[784] Mặc dù nhóm chuyên trách nhận thức rằng, “vùng biển bao quanh đường nhiều đoạn này tương đối rộng, nếu công bố ra bên ngoài có thể dẫn đến tranh cãi với các nước láng giềng, nên phải đợi có lí lẽ mạnh để tranh luận về chứng lí”, nhưng cuối cùng vẫn thông qua quyết nghị “Tiếp tục sử dụng ranh giới quốc gia truyền thống làm phạm vi vùng nước lịch sử của nước ta, và đối với đường cơ sở của 3 quần đảo Trung Sa, Tây Sa và Nam Sa, thì lấy đường cơ sở thông thường tại các đảo/ đá nổi trên mặt nước làm đường cơ sở lãnh hải. Từ ‘lãnh hải’ dùng trong chuyên đề đều được đổi thành ‘vùng nước lịch sử’”.[785]Đây chính là văn bản nội bộ sớm nhất coi đường 9 đoạn là vùng nước lịch sử. Hội nghị Nhóm chuyên trách lần thứ hai xác định 109 điểm cơ sở trên 3 quần đảo Macclesfield, Hoàng Sa và Trường Sa, và đường cơ sở thông thường qua 109 điểm đó. Do số lượng đảo/ đá trong các tư liệu bản đồ không thống nhất nên chỉ lấy số lượng đảo/ đá được phát hiện đến hiện tại làm chuẩn, nếu sau này có biến đổi thì sẽ lấy số lượng biến đổi làm chuẩn.[786]

Qua 23 hội nghị Nhóm công tác, 8 hội nghị của các cơ quan phối hợp và 2 hội nghị của Nhóm chuyên trách, 2 Luật đã được sửa đổi đến 4-5 lần. Điều 4 bản khởi thảo Luật lãnh hải sớm nhất quy định “vùng nước lịch sử Trung Hoa Dân quốc và phạm vi xung quanh nó do Viện Hànhchính công bố”.[787] Trong bản sửa đổi lần thứ hai, một ghi chú được thêm vào bên dưới lời văn:

1/ Việc xác định rõ vùng nước lịch sử của nước ta và phạm vi xung quanh nó do Viện hành chính công bố.

2/ Vùng nước lịch sử như các bằng chứng lịch sử đã chỉ ra, là vùng nước vốn có, được phát hiện và đặt tên sớm nhất, được khai thác và kinh doanh sớm nhất, được quản lí và thực thi chủ quyền sớm nhất, chính là vùng Nam Hải của Trung Quốc.

3/ Xét thấy các đảo thu hồi sau kháng chiến thắng lợi đã được Bộ Nội chính, Bộ Quốc phòng cử người lần lượt tiếp nhận và hoàn tất từ tháng 10 năm Dân quốc thứ 35 (1946) đến tháng 6 năm Dân quốc thứ 36 (1947), bản đồ các đảo đã được đo đạc thực tế, có vẽ ranh giới vùng biển quốc gia, và có công bố bảng đối chiếu tên mới và cũ của các đảo trên biển Đông trong hồ sơ, để đảm bảo quyền chủ quyền và lợi ích của các đảo này và vùng biển xung quanh của nước ta, phải tham chiếu luật lệ của các nước như Ấn Độ, Pakistan, Sri Lanka,... xác định rõ ràng vùng nước lịch sử và phạm vi của nó trong Bộ luật này, đồng thời giao cho Viện Hành chính công bố văn bản.[788]

Tuy nhiên, trong các văn bản sửa đổi và bản dự thảo Luật vùng đặc quyền kinh tế sau này đều không giải thích Đài Loan và các nước có quyền lợi như thế nào tại nơi được gọi là vùng nước lịch sử (chẳng hạn tự do hàng hải và tài nguyên biển), cũng không nói vùng nước này có tương đồng với lãnh hải hay không.

Ngày 1/7/1991, bản dự thảo được chuyển đến Uỷ ban pháp quy để thẩm định,[789] và ngày 21/1/1992 báo cáo Viện Hành chính xem xét thảo luận.[790] Trong bản dự thảo này, điều khoản nói về vùng nước lịch sử được điều chỉnh thành Điều 6, nhưng lời lẽ và thuyết giải đều không thay đổi.[791] Trong văn bản chuyển tới Viện Lập pháp sau khi đã được Viện Hành chính phê chuẩn thì phần thuyết giải trong điều 6 được giảm thành 2 điều như sau:

1/ Việc xác định rõ vùng nước lịch sử của nước ta và phạm vi của nó do Viện Hành chính công bố.

2/ Vùng nước lịch sử là vùng nước vốn có, được phát hiện và đặt tên sớm nhất, được khai thác và kinh doanh sớm nhất, được quản lí và thực thi chủ quyền sớm nhất như được những chứng cứ trong lịch sử cho thấy, chẳng hạn như Nam Hải của nước ta dùng đảm bảo cho quyền chủ quyền của nước ta đối với các đảo ở Nam Hải và các vùng biển xung quanh; vùng nước lịch sử và phạm vi của nó do Viện Hành chính công bố.[792]

Mặc dù Viện Lập pháp thực hiện khẩn trương, nhưng bản dự thảo đã không được đưa vào thẩm định trong nghị trình định kì của Viện Lập pháp trong năm đó, hơn thế còn bị kéo dài thêm vài năm sau. Trong khoảng thời gian đó, ngày 13/4/1993, Chính phủ Đài Loan đã soạn thảo “Cương lĩnh chính sách Nam Hải”, chủ trương như sau:

Bất luận căn cứ theo lịch sử, địa lí, luật quốc tế hay thực tế thì các quần đảo Nam Sa, Tây Sa, Trung Sa và Đông Sa đều là một phần lãnh thổ vốn có của nước ta, chủ quyền của chúng đều thuộc nước chúng ta. Vùng biển trong đường ranh giới vùng nước lịch sử của biển Đông là vùng biển thuộc quyền quản lí của nước ta, nước ta có quyền lợi toàn bộ”.[793]

Đối với cả hai bên eo biển, đây là lần đầu tiên yêu sách về “vùng nước lịch sử” được đưa ra trong một tài liệu công khai của chính phủ. Trong khoảng thời gian 1993-1995, các bộ ngành Đài Loan đã sử dụng cụm từ “vùng nước lịch sử” trong nhiều trường hợp,[794] điều này đã thu hút sự quan tâm của Mĩ. Ngày 10/5/1995, Quốc hội Mĩ đưa ra tuyên bố về chính sách quần đảo Nam Sa và biển Đông, tựu chung có 5 quan điểm.[795] Điểm thứ 5 nêu rõ:

The United States would however view with concern any maritime claim or restriction on maritime activity in the South China Sea that was not consistent with international law, including 1982 United Nations Convention on Law of the Sea.[796]

(Tuy nhiên, Hoa Kì sẽ xem xét với quan ngại bất kì yêu sách biển hoặc sự hạn định hoạt động trên biển nào ở biển Đông không phù hợp với luật pháp quốc tế, bao gồm cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.)

Điều đó đồng nghĩa với việc (Mĩ) phản đối lập trường “vùng nước lịch sử” của Đài Loan. Bộ Ngoại giao Đài Loan lập tức lên tiếng: “Đối với vấn đề quần đảo Nam Sa, lập trường về chủ quyền của nước chúng tôi sẽ không bao giờ thay đổi khi nó liên quan đến chủ quyền vùng biển lịch sử của chúng tôi (cái gọi là đường chữ U), chúng tôi vẫn kiên định lập trường chủ quyền, quyết không thay đổi”.[797] Việt Nam khi đó lập tức phản kháng: Yêu sách chủ quyền của Đài Loan đối với “vùng nước truyền thống hình chữ U” ở biển Đông là vô căn cứ và phi lí, đe dọa tự do hàng hải ở biển Đông và an ninh khu vực.[798] Đây gần như là lời phản đối rõ ràng và sớm nhất đối với vùng nước truyền thống hình chữ U, tuy nhiên các quốc gia khác đã không lên tiếng theo. Trong bối cảnh Đài Loan lúc đó đã mất quan hệ ngoại giao với các quốc gia chủ chốt thì chủ trương do Đài Loan nêu ra không có mấy ảnh hưởng. Học giả Malaysia cho rằng, với thân phận không phải là một quốc gia nên Đài Loan không thể tuyên bố chủ quyền đối với bất kì lãnh thổ nào.[799] Do đó, không có gì ngạc nhiên khi các nước không chú ý nhiều đến chủ trương của Đài Loan.

Tuy nhiên, lực cản quốc tế từ phía Mĩ và Việt Nam cũng khiến Đài Loan cảm thấy bị áp lực. Có lẽ vì thế mà Viện lập pháp Đài Loan trì hoãn việc công bố luật. Trên thực tế, tranh cãi về điều 6 liên quan đến chủ quyền lịch sử là rất gay gắt, tuyệt đại đa số các chuyên gia luật Đài Loan đều cho rằng, vùng biển lịch sử không thể thiết lập được theo Luật quốc tế,[800] ngay cả người ban đầu ngả theo khuynh hướng vùng nước lịch sử là Phó Côn Thành cũng cho rằng, đường 9 đoạn là “vùng nước lịch sử mà các chi tiết vẫn chưa được thiết lập đầy đủ”.[801] Từ năm 1995-1996, trước cuộc bầu cử tổng thống Đài Loan, Trung Quốc tiến hành bắn thử tên lửa đạn đạo tại eo biển Đài Loan, gây xung đột rất lớn với Đài Loan. Sau đó, lập trường của Chính phủ Đài Loan đối với biển Đông có bước lùi rõ rệt.

Đối diện với vấn đề này, Tổng thống Lí Đăng Huy đã không nhấn mạnh lập trường chủ quyền biển Đông mà đưa ra quan điểm thay đối kháng bằng lợi ích chung, giải quyết tranh chấp bằng đối thoại; bên cạnh đó còn tích cực tìm kiếm cơ hội tham gia các cuộc hội đàm quốc tế về vấn đề này.[802]

Tuy nhiên, việc trì hoãn không ban bố luật đã dẫn đến những bất cập cho Đài Loan, khiến một số nghị viên không hài lòng. Vài năm sau, Lâm Trọc Thuỷ và nhiều người khác liên tục yêu cầu Viện Lập pháp đưa dự thảo luật vào nghị trình thẩm định. Năm 1996, Phó Côn Thành nêu ý kiến cho rằng, Trung Quốc đã soạn thảo “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp” vào ngày 15/2/1992 và công bố “đường cơ sở lãnh hải lục địa và đường cơ sở lãnh hải quần đảo Tây Sa”, do vậy Đài Loan phải nhanh chóng soạn thảo luật liên quan.[803] Do bị thúc ép nên ngày 27/5/1996, Viện Lập pháp đã triệu tập Hội nghị liên tịch lần thứ nhất để thẩm định dự thảo luật. Trong các phiên thảo luận tại Hội nghị lần thứ tư, điều 6 được tạm bảo lưu, không đưa ra biểu quyết.[804] Ngày 22/10/1997, tại Hội nghị liên tịch lần thứ 5, dưới sự ủng hộ của Uỷ ban lập pháp Đảng Dân Tiến, Hội nghị đã ra quyết nghị huỷ bỏ điều này, đồng thời giải thích rõ:

Lí do không đưa nội dung liên quan đến vùng nước lịch sử vào Dự luật, theo đề án của Phó Côn Thành và những người khác là vì: Dự luật này là “Luật lãnh hải và vùng tiếp giáp”, nhưng “vùng nước lịch sử” trong Luật quốc tế lại không phải là lãnh hải hay vùng tiếp giáp, vì thế không đưa nội dung này vào Dự luật.[805]

Phó Côn Thành luôn dao động trước vấn đề này: trong dự thảo đầu tiên do ông nêu ra, ông đề nghị xóa bỏ điều luật này, cho rằng xóa bỏ không có nghĩa là buông bỏ điều này, chỉ cần người đứng đầu Chính phủ công khai tuyên bố đó là vùng nước lịch sử cũng đủ. Nhưng trong Hội nghị lần thứ 5, ông ta lại phản đối việc xóa bỏ điều khoản này.[806] Điều đó cho thấy điều khoản đó gây rất nhiều tranh cãi.

Cuối cùng, ngày 30/12/1997 và 2/1/1998, qua 3 lần thẩm định của Hội nghị lần thứ nhất và lần thứ hai, dự luật cuối cùng của hai luật đã được thông qua và được Tổng thống công bố vào ngày 21/1.[807] Từ khi chuẩn bị năm 1979 đến khi công bố năm 1998 phải mất hơn 20 năm.[808] Cả hai dự luật được thông qua đều không có chữ nào nói tới vùng nước lịch sử hay quyền lịch sử.[809] Trong “Đường cơ sở và đường ranh ngoài của vùng tiếp giáp” công bố ngày 11/2/1999,[810] đảo Đông Sa (Pratas) và đảo Hoàng Nham (Bãi cạn Scaborough) đều dùng (khái niệm) đường cơ sở thông thường.[811] Quần đảo Trường Sa được miêu tả như sau:

Toàn bộ các đảo của quần đảo Nam Sa trong đường chữ U truyền thống của nước ta đều thuộc lãnh thổ nước ta, đường cơ sở lãnh hải được vạch hỗn hợp theo đường cơ sở thẳng và đường cơ sở thông thường, tọa độ, tên gọi điểm cơ bản và bản đồ biển sẽ được công bố riêng.

Có thể thấy, Đài Loan khi đó đã buông bỏ quá mạnh chủ trương vùng nước lịch sử, quay sang tuân thủ quy định của Luật biển quốc tế.

Tháng 3/2001, Viện Hành Chính Đài Loan ban hành “Sách trắng về biển”, trong đó cũng không hề nhắc tới vùng nước lịch sử.[812] Ngày 15/2/2005, Viện Nội chính chính thức dừng “Cương lĩnh chính sách Nam Hải”, theo công văn số 09400162932,[813] đánh dấu việc Đài Loan buông bỏ hoàn toàn chủ trương vùng nước lịch sử.[814] Đồng thời, các chuyên gia như Phó Côn Thành chuyển sang nêu cách nói vùng nước bên trong đường 9 đoạn có quyền lịch sử.[815] Từ nhưng năm 1990, giới học thuật Đại lục cũng bắt đầu giải thích vấn đề này (không hẳn không liên quan đến chủ trương của Đài Loan).

Mặc dù rất nhiều chuyên gia tán thành lí luận về đường 9 đoạn là đường quy thuộc các đảo, nhưng cũng có những chuyên gia đề ra thuyết vùng nước lịch sử, thậm chí là thuyết lãnh hải. Trong các trường hợp chính thức, quan chức Trung Quốc cố gắng tránh nói đến tính chất của đường 9 đoạn. Chẳng hạn, tháng 7/1995, trong cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Indonesia Ali Alatas và Ngoại trưởng Trung Quốc Tiền Kì Tham, khi được hỏi về chủ trương đường 9 đoạn, Tiền Kì Tham đã né tránh trả lời.[816]

Nhưng trong tài liệu thuyết giải đề án (đề nghị phê chuẩn “Công ước Liên hiệp quốc về Luật biển”), Thứ trưởng Ngoại giao Lí Triệu Tinh nói:

Sau khi phê chuẩn ‘Công ước’, chúng ta vẫn có thể căn cứ vào việc đường đứt đoạn được vẽ từ rất lâu trên bản đồ, và việc ngư dân của chúng ta đã tiến hành hoạt động đánh bắt cá tại vùng biển Nam Sa trong thời gian dài, cùng các quy định về vùng nước lịch sử trong ‘Công ước’ để kiên định bảo vệ quyền lợi biển của chúng ta ở Nam Sa”.[817]Điều 14 “Luật vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” công bố ngày 26/2/1998 quy định: “Bộ Luật này không ảnh hưởng đến quyền lịch sử mà nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa đượchưởng.[818] Chính phủ Trung Quốc không nói rõ hơn quyền lịch sử ở đây là gì và khác biệt thế nào với vùng nước lịch sử.

Indonesia bỗng nhiên trở thành người hòa giải tranh cãi trong vấn đề biển Đông. Bắt đầu từ năm 1990, “Hội nghị xử lí xung đột tiềm ẩn tại biển Đông” (Workshop on Managing Potential Conflicts in the South China Sea) được tổ chức định kì mỗi năm một lần. Trong Hội nghị năm 1999, nội dung thảo luận chủ yếu là đường 9 đoạn. Quan chức, chuyên gia, học giả thuộc bộ ngoại giao, bộ quốc phòng, cơ quan nghiên cứu khoa học các nước đều nêu câu hỏi chất vấn về đường 9 đoạn và phản đối chủ trương vùng nước lịch sử, đòi Trung Quốc thể hiện rõ thái độ về đường 9 đoạn. Mặc dù đại biểu tham gia Hội nghị đều với tư cách “cá nhân”, không đại diện cho chính phủ, nhưng có thể khẳng định chắc chắn rằng, đó là tiếng nói đại diện cho cộng đồng quốc tế phản đối đường 9 đoạn. Sau đó, ý kiến phản đối và chất vấn đường 9 đoạn không ngừng được đưa ra, đường 9 đoạn nhanh chóng trở thành hạt nhân trong vấn đề biển Đông.

V.5. Từ bãi Vạn An (bãi Tư Chính) đến Vịnh Bắc Bộ - tranh chấp biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam trong những năm 1990

Sự kiện bãi Vạn An

Từ những năm 1980, Trung Quốc bắt đầu hợp tác với nước ngoài tiến hành hoạt động khai thác dầu đáy biển. Ngành dầu khí Trung Quốc lần lượt kí hợp đồng với hơn 40 công ti dầu khí của hơn 10 nước, bao gồm Mĩ, Anh, Pháp, tiến hành thăm dò nguồn dầu khí gần bờ. Nhưng, từ đầu những năm 1980 đến khoảng năm 2000, kết quả khai thác không mấy khả quan. Do không thăm dò được thảm dầu khí lớn nên một loạt công ti nước ngoài tiến hành thăm dò tại khu vực phía bắc biển Đông trước năm 1985 đã lần lượt bỏ đi.

Năm 1987, công ti khoan thăm dò phương tây đã khoan giếng dầu sâu 500m, gần với kỉ lục thế giới khi đó, nhưng vẫn không thu được kết quả nên đành rời bỏ.[819] Điều Trung Quốc thu hoạch được chỉ là kinh nghiệm và kĩ thuật, không phải lợi ích thật sự về tài nguyên dầu. Không khai thác được dầu khí gần bờ, Trung Quốc đành để mắt đến khu vực gần quần đảo Trường Sa. Chính trong giai đoạn này, một công ti ít tiếng tăm của Mĩ - Công ti Năng lượng Crestone Energy Co bất chợt tìm đến, khiến Trung Quốc rất vui mừng.

Randall C. Thompson là người bang Colorado Mĩ, gia cảnh nghèo khó, được Sonny Brinkerhoff – chủ Công ti khai thác dầu khí Brinkerhoff Drilling Company giúp cho học bổng theo học tại trường Đại học Colorado. Trong kì thực tập hè, Thompson đã vào làm việc tại một giàn khoan dầu của Sonny Brinkerhoff. Sau khi tốt nghiệp lại vào làm tại Công ti Amoco (Amoco Company), Thompson phụ trách mảng việc liên quan đến luật pháp và đàm phán thủ tục khai thác và thăm dò dầu khí. Sau khi tích lũy kinh nghiệm qua nhiều năm làm việc, Thompson quyết định tự lập nghiệp. Từ số tiền 1 triệu USD đầu tư từ Sonny Brinkerhoff, Randall C. Thompson thành lập Công ti năng lượng Crestone Energy Co và tiếp tục làm công tác đàm phán dầu khí. Năm 1989, Durkee – một nhà đầu tư của Crestone Energy Co khuyên Randall C. Thompson đến Philippines đàm phán thăm dò dầu khí. Thompson đến Manila. Dưới sự trợ giúp của Durkee, sau khi mua lại quyền thăm dò dầu khí của Công ti Lundin Thụy Điển, Thompson lập tức bán lại 40% cho một công ti khác của Philippines, kiếm được món lời kha khá, đồng thời có quyền khống chế khu vực rộng tới 500 000 mẫu Anh, kéo dài từ Palawan đến Malaysia (GSEC 54). Năm 1990, Thompson tiếp tục bán 70% số còn lại cho một công ti của Anh (BP). Tuy nhiên, qua thăm dò, công ti thứ hai chỉ phát hiện được khối lượng rất ít dầu khí, không có giá trị khai thác, do vậy đến năm 1991, Thompson đã rời bỏ giếng dầu, trả lại quyền thăm dò cho Công ti năng lượng Crestone Energy Co. Qua những cuộc mua bán đó, tuy không khai thác được chút dầu khí nào, nhưng Thompson lại phát tài nhờ các giao dịch.[820] Thompson biết rõ, vùng gần bờ của Philippines rất khó tìm được giếng dầu có tiềm năng khai thác nên đã hướng sự chú ý tới khu vực khác trên biển Đông. Trong cuộc đàm phán với giới lãnh đạo của công ti Anh quốc, Randall C. Thompson biết được vùng biển gần của Việt Nam rất có tiềm năng về dầu khí. Ông đã bỏ thời gian vài tuần lễ để nghiên cứu kĩ các tài liệu liên quan, cuối cùng xác định mục tiêu là khu vực gần bãi Tư Chính.

Bãi Vạn An (Vanguard Bank – Việt Nam gọi là bãi Tư Chính) ở mỏm Tây Nam của đường 9 đoạn do Trung Quốc vẽ ra, bãi được người Anh ghi nhận từ thế kỉ 19.[821] Nó là một bãi san hô lớn chìm dưới nước, chiều dài Đông – Tây 63 km, chiều rộng trung bình 11 km, chỗ cạn nhất là 17 m. Cũng giống như bãi ngầm Tăng Mẫu (James Shoal: bãi ngầm James -ND), nó là nơi không thể đòi chủ quyền. Về mặt địa lí, do chiều rộng của thềm lục địa bên ngoài bán đảo Đông Dương ở biển Đông hạn chế nên nó không có ý nghĩa về địa chất học.

Nhưng trong “Công ước” thì phạm vi thềm lục địa cũng không bị định nghĩa địa chất học hạn chế, mà là vùng biển có thể vươn tới độ sâu không quá 2000 m. Do vậy, về mặt luật pháp, bãi bãi Tư Chính vẫn nằm trong vùng thềm lục địa của Việt Nam.

Năm 1975, Việt Nam Cộng hòa đã từng đấu thầu thăm dò và khai thác dầu khí khu vực biển Đông. Sau khi đất nước thống nhất, Việt Nam đã hai lần ra tuyên bố nhấn mạnh chủ quyền đối với thềm lục địa ven biển vào năm 1977 và 1982. Năm 1988, Việt Nam công bố bản đồ sơ lược về các khu vực dầu khí. Trong những năm 1990, Việt Nam tiến hành đấu thầu thăm dò và khai thác mỏ dầu quy mô lớn, và những mỏ dầu đó cũng đã được vẽ trong sơ đồ đấu thầu. Tuy nhiên, thời kì đó Việt Nam và Mĩ chưa thiết lập quan hệ ngoại giao, Mĩ cấm vận Việt Nam và Việt Nam cấm các hoạt động thương mại của các công ti Mĩ tại Việt Nam. Thompson đành phải tìm cách khác. Ông ta phát hiện thấy bãi Tư Chính nằm trong khu vực đường 9 đoạn của Trung Quốc nên nẩy ra ý giành quyền khai thác dầu khí từ Trung Quốc. Do đó, tháng 4/1991, Thompson tìm đến Quảng Châu, thăm các cơ quan nghiên cứu khoa học hữu quan và xác định rõ hơn giá trị khai thác dầu tại vùng này. Thông qua các mối quan hệ ở Quảng Châu, ông ta đã nối được quan hệ với giới chức cấp cao tại Bắc Kinh. Cuối cùng, tháng 1/1992, Thompson đã có cuộc đàm phán với Công ti dầu khí Hải Dương quốc gia Trung Quốc (CNOOC), đề nghị được thực hiện quyền khai thác dầu tại khu vực do ông ta phác thảo.

Khi đó, Crestone Energy Co chỉ là một công ti nhỏ với 4 công nhân, thực chất là “công ti cặp da”, giành quyền thăm dò dầu khí từ các nước, sau đó chuyển nhượng cho các công ti khác. Một công ti cỏn con như vậy, về lí mà nói không thể lọt vào mắt Trung Quốc. Nhưng do nguyên nhân chính trị, Trung Quốc coi đây là cơ hội hiếm hoi vì:

Thứ nhất, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc với Mĩ và các nước Tây Âu vẫn nằm ở mức thấp do ảnh hưởng của sự kiện 4/6/1989 (Thiên An Môn), nay có công ti Mĩ tìm đến đương nhiên sẽ có tác dụng góp phần khôi phục quan hệ Mĩ - Trung.

Thứ hai, khu vực khai thác lại là bãi bãi Tư Chính, nằm trong tầm kiểm soát của Việt Nam – dù nằm trong đường 9 đoạn nhưng Trung Quốc không có thực quyền kiểm soát. Công việc thăm dò và khai thác sẽ mở rộng quyền kiểm soát biển Đông rất lớn cho Trung Quốc về phía Nam.

Thứ ba, công ti Mĩ tham gia khai thác khu vực Trường Sa sẽ có lợi cho Trung Quốc trong việc mở rộng chủ quyền tại biển Đông. Ngoài ra, Trung Quốc còn kì vọng Mĩ sẽ bảo hộ lợi ích cho công ti của Mĩ và sẽ đứng về phía Trung Quốc trong các xung đột có thể xảy ra trong tương lai.

Xuất phát từ những tính toán đó, ngày 8/2/1992, Công ti dầu khí hải dương quốc gia Trung Quốc bán quyền thăm dò dầu khí khu vực “bãi Vạn An Bắc 21” (Lô 136-03) cho Thompson chỉ với giá 50 000 USD (Hình 50). Diện tích khu này là 25 155 km2 , phía Đông còn một khu rộng 5 076 km2 có thể xem là khu diện tích mở rộng. Trung Quốc cung cấp thông số địa chính đã có, bảo lưu quyền khai thác 51% sau này.

Nhưng Thompson đã tiến hành thăm dò nhiều hơn và còn ứng trước kinh phí. Trung Quốc hứa sẽ cho hải quân bảo vệ hoạt động thăm dò để Thompson tiến hành thuận lợi.[822] Hợp đồng hợp tác do Quốc vụ viện Trung Quốc kí ngày 16/5, có hiệu lực chính thức vào ngày 1/6.

This image has an empty alt attribute; its file name is image.png

Hình 50: Bản đồ khu vực “bãi Vạn An Bắc 21”

Khi đó, Việt Nam vẽ lô số 133, 134 và 135, 136-03 trùng với lô Vạn An Bắc 21. Ngày 17/5, Bộ Ngoại giao Việt Nam tuyên bố lô theo Hợp đồng Vạn An Bắc 21 nằm trong bãi Tư Chính thuộc tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu của Việt Nam, nằm trên thềm lục địa Việt Nam, Việt Nam có chủ quyền tại đây, “đề nghị phía Trung Quốc dừng ngay hoạt động thăm dò khai thác trái phép của Công ti Crestone Energy Corporation, trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam”.[823] Ba ngày sau, Trung Quốc ra tuyên bố bác bỏ yêu cầu của Việt Nam.[824] Ngày 28, Philippines cũng lên tiếng phản đối hành động của Trung Quốc, cho rằng hành vi chính trị không giúp ích cho việc giải quyết một cách hòa bình và chính đáng yêu sách chủ quyền không thể khoan nhượng giữa các nước.[825]

Đáng chú ý là, bãi Tư Chính không nằm trong yêu sách chủ quyền của Philippines nên Philippines không có mối quan hệ trực tiếp với bãi Vạn An.

Điều Trung Quốc kì vọng là Mĩ sẽ hỗ trợ công ti của Mĩ cũng không thành hiện thực. Ngày 18/6, người phát ngôn Chính phủ Mĩ Tate Whites tuyên bố Crestone Energy Corporation là công ti tư nhân, Chính phủ Mĩ không thể hiện thái độ đối với Hợp đồng này: “Về tranh chấp lãnh thổ tại biển Đông, chúng tôi đã thông báo với Công ti Crestone Energy Corporation, vùng biển liên quan đến hợp đồng giữa công ti này với Trung Quốc được phía Việt Nam nói tới là trách nhiệm của Công ti Crestone Energy Corporation”. Đồng thời, phía Mĩ nhấn mạnh, sự có mặt của nhân viên Sứ quán Mĩ tại lễ kí kết Hợp đồng không đồng nghĩa với việc Mĩ ủng hộ chủ quyền của Trung Quốc tại khu vực này, hoặc khuyến khích Công ti Crestone Energy Corporation tiến hành hợp tác.[826]

Mĩ trước nay vẫn giữ thái độ trung lập trong vấn đề chủ quyền biển Đông, do đó tuyên bố này cũng không ngoại lệ. Một nguyên nhân nữa là khi đó đã có dấu hiệu Mĩ bỏ cấm vận Việt Nam, một công ti dầu khí lớn của Mĩ đang tích cực đàm phán với Việt Nam, nhằm sau khi Mĩ bỏ cấm vận sẽ lập tức kí hợp tác với Việt Nam. Công ti này dự định đầu tư hàng chục triệu USD, lớn hơn nhiều so với khoản 50 000 USD của Crestone Energy Corporation.

Mâu thuẫn giữa Trung Quốc và Việt Nam về vấn đề bãi Tư Chính chưa lớn, bởi khi đó hai nước đều muốn bình thường hóa quan hệ. Ngày 2/12/1992, Thủ tướng Trung Quốc Lí Bằng thăm Hà Nội đã nhấn mạnh lại: “Những vấn đề gai góc như vấn đề Nam Sa, chúng tôi đã nêu chủ trương gác tranh chấp, cùng khai thác”, đồng thời mong muốn giải quyết vấn đề bằng phương thức hòa bình.[827]

Tuy vậy, Trung Quốc vẫn không dừng trong việc khảo sát bãi Tư Chính. Tháng 5/1993, tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc tiến hành thăm dò thực tế lần thứ nhất. Việt Nam ra kháng nghị yêu cầu Trung Quốc dừng hoạt động.[828] Nhưng lúc đó, kế hoạch khai thác bãi Tư Chính của Việt Nam chưa được triển khai, sự việc nhanh chóng lắng xuống.

Sau khi Chính phủ Mĩ chính thức bỏ cấm vận Việt Nam vào ngày 3/2/1994, Công ti dầu khí Mobil Mĩ cùng với công ti đối tác Nhật Bản kí hợp đồng với Tổng Công ti dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) về quyền thăm dò mỏ dầu Rồng Xanh ngày 19/4. Có thể hình dung rằng, so với một gã khổng lồ như Mobil, một công ti cặp da như Crystal đương nhiên khó có thể nhận được sự ủng hộ của chính phủ Mĩ. Thực ra, việc Mĩ bỏ cấm vận Việt Nam cũng liên quan không ít đến việc vận động hành lang của các công ti lớn loại này. Mỏ dầu Rồng Xanh không chồng lấn nhưng khá gần với bãi Vạn An Bắc 21, và cũng nằm trong đường 9 đoạn của Trung Quốc.[829] Việt Nam khi đó vẫn luôn tích cực thu hút các công ti dầu khí quốc tế khai thác các khu vực chồng lấn với Vạn An Bắc 21. Không kiềm chế được bản thân, vào ngày Việt Nam kí hợp đồng với Mobil, Thompson tuyên bố rằng Crestone Energy Corporation đã tiến hành khảo sát số liệu địa chấn tại lô Vạn An Bắc 21 và được phía Trung Quốc hoàn toàn ủng hộ.[830]

Ngày 13/4/1994, Crestone Energy Corporation thuê tàu thăm dò “Thực Nghiệm số 2” của Trung Quốc, tiến vào Vạn An Bắc 21. Khi đó có 5 tàu quân sự Việt Nam giám sát tàu “Thực Nghiệm số 2”.

Trưa ngày hôm sau, tàu Việt Nam tiếp tục áp sát tàu Trung Quốc, tiến hành uy hiếp và quấy nhiễu. Ngày 15, Việt Nam lặp lại hành động uy hiếp này. Do sức yếu, tàu “Thực Nghiệm số 2” bị đẩy lùi khi chưa thực hiện được hoạt động đo đạc.[831] Các tàu chiến mà Trung Quốc hứa hẹn điều tới đã không xuất hiện.

Năm 1994, Việt Nam kí hợp đồng với công ti dầu khí của Nga với tỉ lệ vốn 50:50 để khoan thăm dò dầu khí tại khu vực chồng lấn Vạn An Bắc 21. Ngày 17/5, công ti của Nga bắt đầu khoan thử khu vực này. Trung Quốc đưa hai tàu giám sát gần bên, tuy không quấy nhiều trực tiếp nhưng ý đồ của Trung Quốc là ngăn chặn tàu Việt Nam vận chuyển thực phẩm đến giàn khoan. Sau vài tuần liên tục, công ti Nga khoan tới độ sâu 2000 m nhưng không phát hiện được dầu, cuối cùng đã rời khỏi khu vực này.[832]

Các nước ASEAN có nên chấp nhận Việt Nam hay không là vấn đề đã được đề cập trong các cuộc tranh luận, nhưng hai lần đối kháng này giữa Trung Quốc và Việt Nam khiến ASEAN cảm thấy bất an. Sau sự kiện bãi Tư Chính, ngày 11/6, ASEAN đã chủ động tuyên bố sẽ mời Việt Nam tham gia Hiệp hội các nước Đông Nam Á (xem phần V.7). Nhưng lúc đó, Việt Nam thậm chí còn chưa chính thức đưa ra yêu cầu tham gia tổ chức ASEAN. Ngày 19/6, đúng một ngày sau khi sự kiện khoan thăm dò của công ti Nga được công khai, ASEAN tổ chức Hội nghị bộ trưởng các nước và chính thức gửi lời mời tới Việt Nam.

Ngày 27/7/1995, Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các nước Đông Nam Á. Sau sự kiện bãi Tư Chính không lâu, việc ASEAN chủ động gửi lời mời tới Việt Nam đồng nghĩa với thái độ ủng hộ của các nước ASEAN đối với Việt Nam trong xung đột tại biển Đông.

Trước tình hình đó, Trung Quốc buộc phải tính toán lại mối quan hệ với Việt Nam ở mức độ cao hơn. Ngày 5/9/1994, Trung Quốc tuyên bố rằng Tổng Bí thư Giang Trạch Dân sẽ đi thăm Việt Nam, đồng thời cung ứng vật tư cho Việt Nam, quan hệ Trung – Việt dịu xuống. Mặc dù sau đó Trung Quốc và Việt Nam tiến hành khẩu chiến về sự kiện Tư Chính , nhưng Trung Quốc đã không tiến hành hoạt động khảo sát lại khu vực Vạn An Bắc 21. Tháng 4/1996, Việt Nam kí hợp đồng khoan thăm dò dầu khí tại vùng chồng lấn khác với Công ti Conoco của Mĩ, tăng cường đáng kể quyền kiểm soát đối với bãi Vạn An. Hợp đồng giữa Trung Quốc với Crestone Energy Corporation đến đó bị gác lại.

Tuy nhiên, hợp đồng Vạn An Bắc trở thành tài sản lớn nhất của Crestone Energy Corporation. Ngày 6/12/1996, Thompson bán lại Crestone Energy Corporation cho công ti Benton, kiếm thêm được món lời to. Sau đó, hợp đồng đã đổi chủ nhiều lần nhưng vẫn không bị huỷ. Nếu như mỏ dầu cuối cùng khai thác được, Thompson vẫn tiếp tục được hưởng 4,5% hợp đồng.[833]

Sự kiện Vạn An Bắc bùng nổ chủ yếu bắt nguồn từ hành động bốc đồng của Trung Quốc. Khi đó, Trung Quốc và Việt Nam đã kết thúc cuộc chiến tranh dài ngày giữa hai bên, bình thường hóa quan hệ ngoại giao vào năm 1991. Trung Quốc đang thực thi chính sách mục lân và gác tranh chấp, hơn nữa Việt Nam lại là nước XHCN ít ỏi còn sót lại. Vì thế, sự kiện Vạn An Bắc là không hợp thời. Trung Quốc có lẽ không ngờ Việt Nam lại đáp trả mạnh mẽ như vậy, phán đoán sai lầm này là do lợi ích dầu mỏ và việc tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo Nam Sa cám dỗ. Sự kiện này dẫn đến ba hậu quả: một là, đẩy nhanh tốc độ tham gia ASEAN của Việt Nam, thúc đẩy việc hoàn chỉnh ASEAN, tăng cường sức mạnh của ASEAN; hai là, Việt Nam ổn định hơn trong việc cai quản phía Tây đảo Nam Uy (đảo Trường Sa Lớn). bãi Tư Chính bị liệt là một trong số 29 hòn đảo mà Trung Quốc thừa nhận là do Việt Nam kiểm soát “bất hợp pháp”; ba là, từ đó Trung Quốc chuyển việc bành trướng tại biển Đông sang phía Đông. Cũng vì điều này mà chiến trường chính của cuộc xung đột ở biển Đông đã chuyển từ Trung – Việt sang Trung – Philippines.


[764] Nguyên văn Hiến pháp: “Sau khi hiệp định về căn cứ quân sự giữa Cộng hòa Philippines và Hợp chúng quốc Hoa Kì hết hạn vào năm 1991, các căn cứ quân sự, quân đội hoặc cơ sở quân sự của nước ngoài sẽ không được phép triển khai ở Philippines ngoại trừ trường hợp tồn tại một hiệp ước được Thượng viện Philippines chấp thuận khi nó được đề xuất tại Quốc hội Philippines, và hiệp ước này cần phải được thông qua bởi đa số phiếu bầu của người dân trong một cuộc trưng cầu dân ý cấp quốc gia, và Quốc gia kí thỏa thuận (hiệp ước) này công nhận rằng nó là một hiệp ước.” (After the expiration in 1991 of the agreement between the Republic of the Philippines and the United States of America concerning Military Bases, foreign military bases, troops or facilities shall not be allowed in the Philippines except under a treaty duly concurred in by the Senate and, when the Congress so requires, ratified by a majority of the votes cast by the people in a national referendum held for that purpose, and recognized as a treaty by the contracting State.)

[765] United States, Executive Order 9633 of 28 September 1945, 10 Fed. Reg. 12303, 59 U.S. Stat. 884. http//www.presidentcy.ucsb.edu/?pid=12332

[766] http//www.un.org/chinese/law/ilc/convents.htm

[767] Cao Kiến Quân: Trung Quốc với Luật biển quốc tế, Nxb Hải Dương (biển), 2004, tr.9.

[768] Như trên.

[769] Như trên.

[770] Như trên.

[771] Như trên.

[772] Như trên.

[773] Như trên.

[774] Lăng Thanh: Từ Diên An đến Liên Hiệp quốc – Cuộc đời ngoại giao của Lăng Thanh, Nxb Nhân dân Phúc Kiến, 2008, tr.167-170.

[775] Ngày phê chuẩn: Trung Quốc, 7/6/1996; Việt Nam, 25/7/1994;Philippines, 8/5/1984; Malaysia, 14/10/1996; Brunei, 5/11/1996; Indonesia, 3/2/1996. http//www.un.org/depts/los/reference_files/status2010.pdf

[776] Cách nói khác là 24 chữ: “lãnh tĩnh quan sát, thao uang dưỡng hối, trạm ổn cước cân, trầm trứ

ứng phó, bằng hữu yếu giao, tâm trung hữu sổ” (lạnh lùng quan sát, giấu mình chờ thời, trụ vững đôi chân, bình tĩnh đối phó, kết giao bằng hữu, nắm bắt vận mệnh).

[777] Thắng Kiến Quần: Nguồn mạch cơ bản của hoạt động ngoại giao biển Đông nước ta, 2015, http://www.ciis.org.cn/chinese/2015-07/10/content_8060156.htm

[778] Điếu Ngư Đài là của ai, tr.379-386.

[779] Điếu Ngư Đài là của ai, tr.392

[780] Sau năm 2009, Trung Quốc cho rằng những tuyên truyền trong nước trước đó chỉ nhấn mạnh “gác tranh chấp, cùng khai thác” mà không nhấn mạnh “chủ quyền tại ngã”, vì thế yêu cầu sau này phải thêm ý “chủ quyền tại ngã”.

[781] Trần Hân Chi: Cách nhìn và phản ứng của các nước ASEAN về “thuyết uy hiếp của Trung Quốc”, Vấn đề và Nghiên cứu, quyển 35 số 11, tháng 11/1996, tr.15-33.

[782] Bộ Nội chính biên soạn, ghi chép chế định Luật hải vực 2, tháng 12 năm 91 Trung Hoa Dân Quốc (12/2002/ ND)

[783] Như trên, tr.2.

[784] Chế độ luật pháp vùng nước lịch sử Nam Hải nước ta – kỉ yếu hội thảo khoa học, Vấn đề và nghiên cứu, quyển 32, số 8, năm 1993, tr.6-8.

[785] Bộ Nội chính biên soạn: Ghi chép chế định Luật lãnh hải 2, tr.10-11.

[786] Như trên, tr.13.

[787] Như trên, tr.70.

[788] Như trên, tr.83

[789] Như trên, tr.20.

[790] Như trên, tr.25.

[791] Như trên, tr.171.

[792] Như trên, tr.190.

[793] Phê chuẩn soạn thảo, ngày 13/4 năm Dân quốc thứ 82 (1993). Xem Văn kiện Vụ Địa chính Viện Nội chính, http://www.landmoi.gov.tw/law/chhtml/historylaw1.asp?Lclassid=22413 . Thảo luận học thuật, xem: Kuan-Hsiung Wang, The ROC’s Maritime Claims and Practices with Special Reference to the South China Sea, Ocean Dev’t &lnt’l L,41:237-252(2010).

[794] Ví dụ, tháng 3/1999, khi trả lời phỏng vấn, Tổng thống Lí Đăng Huy nói: “chúng tôi kiên quyết không thay đổi lập trường đối với tất cả phạm vi bên trong vùng nước lịch sử liên quan đến đường chữ U tại các quần đảo trên biển Đông”. Trong diễn văn chào mừng hội thảo khoa học tổ chức ngày 6/9/1993, Bộ trưởng Nội chính Ngô Bá Hùng đã nói: “Vùng nước lịch sử của biển Đông là vùng biển do chúng ta quản lí”. Dẫn từ Tống Yến Huy: “Hội nghị biển Đông và sự tham gia của Trung Hoa Dân quốc: nhìn lại và triển vọng”, Vấn đề và nghiên cứu, quyển 35, số 2, năm 1996, tr. 33-34.

[795] M Taylor Travel, US Policy towards the disputes in the South China Sea since 1995. http://taylorfravel.com/documents/research/fravel.2014.RSIS.us.policy.scs.pdf

[796] http://dosfan.lib.uic.edu/ERC/briefing/daily_briefings/1995/9505/950510db.html

[797] Trung ương nhật báo, 12/5 năm 84 Trung Hoa Dân quốc 84 (1995), dẫn theo Tống Yến Huy: “Phản ứng của Mĩ đối với vùng nước lịch sử của các nước xung quanh (phần sau)”, Vấn đề và nghiên cứu, quyển 37, số 11, tr.50 (1998).

[798] Báo Liên hợp quốc, ngày 19/5 năm 84 Trung Hoa Dân quốc, tr.2. Dẫn theo Tống Yến Huy: “Phản ứng của Mĩ đối với vùng nước lịch sử của các nước xung quanh (phần sau)”, Vấn đề và nghiên cứu, quyển 37, số 11, tr.50 (1998).

[799] B.A.Hamzah, Conflicting jurisdictional problems in the Spratlys: Scope for conflict resolution, speech in 2nd SCS Workshop, 1991, July 15/18, p.200. Dẫn từ Trần Hân Chi “Tranh chấp trên biển biển Đông với quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan: ý nghĩa và tác động”, Vấn đề và nghiên cứu, quyển 38, số 7, năm 1999, tr.23-24.

[800] Xem: Soạn thảo luật về vùng nước lịch sử nước ta – Kỉ yếu hội thảo khoa học, Vấn đề và nghiên cứu, quyển 32, số 8, năm 1993. Trong cuộc hội thảo tổ chức năm 1993, chuyên gia Cẩn Truyền Thành ủng hộ cách gọi vùng nước lịch sử, nhưng Khưu Hồng Đạt, Trần Hồng Du, Du Khoan Tứ,... đều phản đối thẳng thừng, những chuyên gia khác cũng ngả theo hướng phản đối.

[801] Tống Yến Huy: Chủ trương và phản ứng của Mĩ đối với vùng nước lịch sử của các nước xung quanh (phần sau), Vấn đề và nghiên cứu, quyển 37, số 11, tr.50 (1998).

[802] Trần Hân Chi: Tranh chấp ở Nam Hải với quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan: ý nghĩa và tác động, Vấn đề và nghiên cứu, quyển 38, số 7, năm 1999, tr.23-40.

[803] Bộ Nội chính biên soạn “Ghi chép về chế định Luật hải vực 2”, tháng 12, năm 91 Trung Hoa Dân quốc (2002), tr.29-31

[804] Bộ Nội chính biên soạn “Ghi chép về chế định Luật hải vực 2”, tháng 12, năm 91 Trung Hoa Dân quốc (2002), tr.38-39.

[805] Như trên, tr.42.

[806] Tống Yến Huy: Chủ trương và phản ứng của Mĩ đối với vùng nước lịch sử của các nước xung quanh (phần sau), Vấn đề và nghiên cứu, quyển 37, số 11, tr.50 (1998).

[807] Như trên, tr.47-51. Luật Lãnh hải mang số hiệu 8700010340, Luật vùng kinh tế mang số hiệu 8700010350.

[808] Như trên, lời nói đầu.

[809] Như trên, tr.204-213.

[810] Viện Hành chính, Lệnh công bố số Nội tự số 6161.

[811] Tuyển chọn sử liệu, tr.196.

[812] Uỷ ban nghiên cứu khảo sát thẩm định Viện Hành chính: Sách trắng về biển, Đài Bắc, 2001.

[813] http://www.land.moi.gov.tw/law/chhtml/lawdetail.asp?Lid=3910

[814] Tống Thừa Ân: Yêu sách của Trung Quốc về vùng nước lịch sử ở biển Đông - kiêm luận vai trò của chứng cứ lịch sử, http://csil.org.tw/home/wpcontent/uploads/2012/11/%E5%AE%8B%E6%89%BF%E6%81%A9_%E4%B8%AD%E5%9C%8B%E5%9C%A8%E5%8D%97%E6%B5%B7%E7%9A%84%E6%B0%B4%E5%9F%9F%E4%B8%BB%E5%BC%B5%E2%94%80%E5%85%BC%E8%AB%96%E6%AD%B7%E5%8F%B2%E6%80%A7%E8%AB%96%E6%93%9A%E7%9A%84%E8%A7%92%E8%89%B2.pdf

[815] Phó Côn Thành: Nghiên cứu vai trò luật pháp của biển Đông, Thông tin 123, năm 1995.

[816] Nayan Chanda, Long Shadow, Southeast Asian have China on Their Mind, FarEastern Economic Review, Dec 28, 1995 & Jan 4,1996.

[817] Dẫn từ Tống Yến Huy: Chủ trương và phản ứng của Mĩ đối với vùng nước lịch sử của các nước xung quanh (phần sau), Vấn đề và nghiên cứu, quyển 37, số 11, tr.53 (1998).

[818] http://www.npc.gov.cn/npc/bmzz/aomen/2007-12/07/content_1382501.htm

[819] Lưu Phong: Khai phát và hợp tác tài nguyên dầu khí Nam Hải, Tân Đông phương, số 6 năm 2010 (kì thứ 177), tr.20-23.

[820] SFPIA, PP.123-124.

[821] The China Sea Directory, Vol.II, 1879, p.58.

[822] SFPIA, p.126.

[823] Đại sự kí, tr.28-29.

[824] Phan Thạch Anh: Quần đảo Nam Sa – chính trị dầu khí – Luật quốc tế, Nxb Kinh tế đạo báo Hong Kong, 1996, tr.11. “Đại sự kí”, tr.218.

[825] Đại sự kí, tr.22.

[826] Đại sự kí, tr.220.

[827] Ngày 2/12/1992, Lí Bằng trả lời phỏng vấn của nhà báo tại Hà Nội, Nhân dân nhật báo, 3/12/1992: “Để lịch sử nói chuyện với tương lai”, tr.333-334. Đại sự kí, tr.22.

[828] Nhân dân nhật báo, 14/5/1993: “Để lịch sử nói chuyện với tương lai”, tr.334.

[829] BUSZYNSKI, LESZEK, and ISKANDAR SAZLAN, “Maritime Claims and Energy Cooperation in the South China Sea”. ContemporarySoutheast Asia, 29.1 (2007): 143-171.

[830] SFPIA, p.127.

[831] Phan Thạch Anh: Quần đảo Nam Sa – chính trị dầu khí – Luật quốc tế, Nxb Kinh tế đạo báo Hong Kong, 1996, tr.11. “Đại sự kí”, tr.13.

[832] SFPIA, p.128.

[833] SFPIA, pp.129-130.