Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 25 tháng 4, 2018

Thơ Việt từ hiện đại đến hậu hiện đại (kỳ 14)

Inrasara

ĐỖ KH

Sinh năm: 1955 tại Hải Phòng, quê quán Nam Định. Hiện sống ở: Pháp/ Mỹ.

Thơ đăng trên: các tạp chí ngoài nước Hợp Lưu, Văn Học, Văn, Gió Văn, Thơ và tứ tán trên mạng

Tác phẩm đã xuất bản:

Cây gậy làm mưa (tập truyện) 1989

Thơ Đỗ Kh. (tập thơ) 1989

Có những bực mình, tức không thể nói (tập thơ) 1990

Ký sự đi Tây (bút ký) 1990

Không khí thời chưa chiến (tập truyện) 1993

Gừng đi bỏ phiếu (bút ký) 2007

Và trong các tuyển tập nhiều tác giả…

Tuyển thơ

Thời thơ mộng đã qua

Câu hỏi khó trả lời

Ngũ Long hành khúc

Tổ quốc là một gia đình vĩ đại

Pai Lin - Nam Vang Về Hàng Khmer Đỏ Cựu Lãnh Tụ Blues

Tôi thích ngồi sau em trên yên xe
Việt Kiều ở Hà Hồi (2)

Liên Khúc (Đường Dài)

Cải tạo ở Nice

Linda mặt ngang

ĐỖ KH. GIẢI LƯU VONG TRONG THẾ GIỚI TOÀN CẦU HÓA

Khi thơ Việt hải ngoại - sau thời gian dài vướng kẹt với nỗi tha phương và niềm hoài hương - đang hướng vọng chân trời khác; khi đại đa số người làm thơ đã bỏ lại ở sau lưng đề tài chính trị để chuyển ngòi bút sang khai phá nhiều vùng đất mầu mỡ khác; khi nền thơ ấy thôi còn mang kiếp phận thơ “miền Nam nối dài” để tìm lối đi mới; mới, nhưng vẫn chưa vượt thoát hẳn lối nghĩ cũ, thi pháp cũ; khi đó, thế hệ thơ hậu hiện đại Việt đầu tiên xuất hiện. Họ có mặt, và đã làm nên thay đổi lớn.

Đỗ Kh. thuộc thế hệ đó.

“Chiến tranh đã chấm dứt từ lâu”, Việt Nam hết đóng cửa, đang đổi mới và hội nhập. Vô ích, ngồi đó mà than khóc một thời oanh liệt. Từ mở cửa, hàng chục triệu lượt Việt kiều đi đi về về. Về, không ít người đã ở lại. Đất nước đã khác. Cơ hội và thách thức khác, hi vọng khác. Dù gì di nữa, cùng phải tiến tới. Ta tiến vào thế kỉ hai mươi mốt, và ta sẽ thắng.

Vào thế kỷ thứ 21
Ta sẽ ráp nhiều đầu video hơn là Đại Hàn
Thặng dư mậu dịch ta sẽ nặng hơn là Nhật Bản
Dự trữ tiền tệ ta sẽ nhiều hơn là Đài Loan

Ta sẽ thắng!

Cao ốc ta sẽ chọc trời hơn là Hương Cảng
Ta sẽ có nhiều đĩ hơn là Thái Lan

(“Ngũ Long hành khúc”)

Đây là lối thơ phản ánh hiện thực, rất đặc trưng Đỗ Kh. Như ở “Tổ quốc là một gia đình vĩ đại”. Anh liệt kê hành lô hàng lốc: “Các con tôi đầy vỉa hè/ Ba tuổi thì học chìa bàn tay/ Bốn tuổi biết mời vé số/ Năm tuổi xách được thùng đánh giày/ Sáu tuổi bắt đầu thạo móc túi/ Câu đầu tiên trơn tru khi tập nói/ Là “Con cặc cái lồn Đụ má tụi bay”.../ ... Bẩm.../ Dạ.../ Vâng...”. Và rồi, đột ngột anh đẩy tới một nhận định bất ngờ ở câu cuối: “Tổ quốc là một gia đình lớn/ Các đứa con tôi đầy vỉa hè/ Còn vợ tôi đầy Karaoké”, khiến người đọc bật cười. Không cay đắng chua chát mà, bật cười vậy thôi. Đơn giản bởi nó quá thật.

Tôi nhìn thấy Đỗ Kh. mỉm cười m’cái.

“Nhe răng cười một tiếng là mọi sự hết trang nghiêm” - Nguyễn Văn Vĩnh từng chê dân Việt như thế. Nhà thơ hậu hiện đại từ chối mọi loại trang nghiêm đó. Lạ! Đỗ Kh. khả năng bỡn cợt mọi chuyện. Không là châm biếm mà, bỡn cợt. Ở trong nước, Bùi Chát chủ trương: Thơ là phải vui; bề này, hẳn phải kêu Đỗ Kh. tiền bối.

Ngay trong những người trẻ, làm thơ cho tuần vừa rồi cũng phải trịnh trọng xóc lại mũ áo và xóc váy. Tôi không quan tâm đến những gì trang nghiêm, cho dù có xóc váy đến tận... cằm(1).

Đây đó, Đỗ Kh. cũng có “xóc lại mũ áo và xóc váy”, nhưng anh xóc đồng lúc mỉm cười m’cái. Từ “Linda mặt ngang” đến “Tôi thích ngồi sau em trên yên xe” từ cuối thập niên chín mươi của thế kỉ XX cho tận những năm đầu thiên niên kỉ mới.

Đêm Hà Nội váy chùng
Em đít ấm và tôi dương vật ngỏng

Tôi không hiểu cớ sao từ tạp chí Thơ năm 1996 đến 26 nhà thơ Việt Nam đương đại năm 2002, con cu lại chuyển đổi giới tính thành dương vật. Chẳng những thế, đang bỡn cợt ngon ơ lục bát truyền thống, người ta lại thiến nó đi để biến thành thơ tự do hơi bị trịnh trọng!

Đêm Hà Nội phủ váy chùng

Tôi con cu ngỏng ấm cùng đít em

“Lồn” xảy ra như nó phải xảy ra, không thể khác. Không cố ý, cũng chẳng nghiêm trọng. Như “đít” hai lần xảy ra nơi “Tôi thích ngồi sau em trên yên xe”, “lồn” cũng đã hai bận có mặt ở “Linda mặt ngang”. Hiện thực và xác thực. Công khai và công bằng. Hay nó bị la ó đả đảo quá khiến nhà thơ chùn tay chăng? “Không hiểu người đọc như thế nào, chứ khi viết từ "lồn" này, tôi cũng chùn tay, nghĩa là có ý thức cẩn thận”, như tác giả đã nhớ lại(2). Nhiêu khê quá! Cho dù “Linda mặt ngang” mang nhiều cảm thương của “chữ tâm” và, tứ thơ ít nhiều còn vướng bận cái đẹp khá cổ điển”(3).

Nghĩa là ít nhiều còn nghiêm cẩn, ở đó. Nó khác với Đỗ Kh. của giai đoạn sau. Nghịch ngợm và phá cách hơn, tung tẩy và đáo để hơn. Đỗ Kh. của thơ sắp đặt ngôn ngữ và thơ tân hình thức, thơ hậu hiện đại và cả thơ-photo. “Tôi nghĩ thơ là dạng bình dân để phục vụ quần chúng”(1). Chả tốn công ra oai đạo mạo hay phân biệt đối xử làm chi cho nhọc lòng.

Thời đại khác, thơ cũng phải khác. Nhưng nhà thơ ta cứ đòi thơ ở lại với thơ mộng và trịnh trọng. Trong đến ngoài, cũ hay mới, già lẫn trẻ. Hết tà áo dài khép nép thướt tha đến “khỏa thân thèm chồng” (Vi Thùy Linh), xóc váy; hết “anh và em bức tường phiên âm/ viên gạch đẻ hoang/ mê man nhật thực” (Văn Cầm Hải) cho chí tụt quần lòi cặc túa tua ném vào thơ toe toét. Cả khi học biết xóc với tụt, thơ ta cứ xóc và tụt đầy... trịnh trọng đến nghiêm trọng.

Sống ở ngoài Việt Nam, lưu vong mãi là vấn đề ám ảnh. Khác với Phan Nhiên Hạo “mắc kẹt giữa hai nền văn hóa”: “Tôi không còn chỗ nào để di cư”(4); khác cả Nguyễn Hoàng Tranh chịu hai lần lưu vong double exile, Đỗ Kh. đã vượt qua tình trạng lưu vong bằng thái độ khác, tâm thức khác. Tâm thức giải lưu vong - nhẹ nhõm và khoái hoạt. Có thể nói, mười năm trở lại, Đỗ Kh. là một trong rất hiếm nhà văn Việt mang tâm thức giải lãnh thổ hóa deterritorialize. Không phải bạn khả năng viết bằng hai hay nhiều thứ tiếng, không phải bạn có thể sống thoải mái giữa hai/ nhiều nền văn hóa, càng không phải bạn điều kiện cư trú thong dong hai/ nhiều lãnh thổ địa lí, mà là thái độ ứng xử giữa những khác biệt. Khía cạnh này, Đỗ Kh. vô ngại. Vô ngại này xảy ra cả trong ứng xử với ngôn từ. Không khác với hình ảnh, tứ thơ hay cách kể chuyện, cả ngôn ngữ thơ của Đỗ Kh. cũng đột ngột có những chồng lắp, lặp lại, nhảy cóc, biến ảo bất ngờ.

Móng son

Đêm trắng

Trời non xám

Bàn chân không vớ mỏng

Berliner Luft

Walkyries Lied

Thou still unravished…

Charlie Check point

Unter den Linden

Dép số bao nhiêu tôi không biết

Xin lỗi cô nương vừa đạp phải

Dương vật tôi bé nhỏ và run rảy

Nhác một ngày chưa tỏ Đông Tây

…bride of quietness

(“Kumpelnest năm 2000”)

Nhà văn giải lãnh thổ hóa đồng thời là nhà văn hậu hiện đại, cả hai đắp đổi cho nhau trong hành vi phi tâm hóa toàn triệt (5).

Các sự việc và sự kiện trong thế giới, từ sự kiện chính trị trọng đại đến mấy vụ hoa hậu, nỗi văn chương chữ nghĩa hay chuyện lính tráng với bom đạn; thế giới tạp nham và thừa mứa thông tin này đã làm một nhà, một làng – làng toàn cầu. Làng đó đựng chứa và xảy ra đủ thứ hổ lốn. Đỗ Kh. từ chối núp lô-cốt, càng không tan chảy vào trung tâm mà, rong chơi trong nó và chơi cùng muôn vàn mảnh vỡ của nó.

Một hiện thực thậm phồn hyper-reality bề bộn trước mắt ta, bao vây và khu trục ta, lấn phần sân nhà ta để ngang nhiên bước vào phòng ngủ ta, len lỏi tận ngõ ngách tâm hồn ta, không thoát ra được. Than phiền và tiếc nuối bao giờ cho tới ngày xưa chẳng đi tới đâu. Ý đồ bắt nó đi vào nề nếp phép nhà do ta nghĩ ra hay một ai đó tưởng tượng ra hệ thống cứng ngắc để rọ nó và áp đặt cái nhìn một chiều cho nhân loại, thì càng phi lí và ngốc nghếch hơn nữa.

Thơ hậu hiện đại không từ khước hay gồng mình chống báng mà là sống chung. Đỗ Kh. đã làm được như thế trong suốt cuộc lữ hành dài với hàng lô mảnh ca khúc sến, lải nhải, rỉ rả. Không cau có cụ non hay phớt đời rất “trí thức hiện đại”, Đỗ Kh. chẳng những chấp nhận mà còn thấy thú vị nữa. Anh biến chúng thành “Liên khúc đường dài” độc đáo và nên thơ.

Nghĩa là tất tần tật mọi thứ trên đời đều có thể nên thơ! Thơ khắp mọi nơi. Cái gì cũng thành thơ và ở đâu cũng có thơ. Xưa, thơ vị mục đích nhân sinh cao cả hay thú thanh tao nhẹ nhàng, thì nay với Đỗ Kh., thơ làm được nhiều chuyện khác nữa. Nó khả năng đặc điều trị mấy thứ vụn vặt, hàng ngày.

Làm thơ mãi võ giang hồ khách
Cao đơn hoàn tán thuốc gia truyền

Thơ chuyên trị bệnh cùi
Bệnh tiểu đường và bệnh đái ra máu
Bệnh hoa liễu
Bệnh ngoài da và kinh nguyệt không đều...

(“Tuyên Ngôn Thơ Cho Thiên Niên Kỉ Tới”)

“Một thái độ [với việc làm thơ], trong đó quan trọng nhất là sự thành thật”. Đỗ Kh đã rạch ròi thế. Ồ, có nhà thơ nào nghĩ [nói] mình làm sự giả đâu chớ! Nhưng thành thật ấy – nói như Nguyễn Đình Thi – đã làm khổ chúng ta không ít. Có thể nó thoát thai từ thuở xa lơ xa lắc, gây nhàm và nhảm. Nó là thành thật vay mượn nên, nó giả. Nó giả vờ và giả tạo. Nó nấp bóng muôn hình ngàn tía ẩn dụ hay ám chỉ, siêu thực với “siêu hình”. Đỗ Kh giải sự giả này bằng nhiều kiểu thơ khác nhau. Thơ sắp đặt các con chữ (“Đợt tập kết năm 1995”, “Cải tạo ở Nice”), thơ kê khai lí lịch (“Gặp gỡ cuối năm”), thơ ghi các điều khoản tìm bạn bốn phương (“Sisi911”), thơ-ảnh qua sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại. “Tôi lộn trong buồng”, “Đùi Tôi Lông Lá” hoặc chương trình “Tôi là cái rốn” trên tạp chí Thơ chẳng hạn. Chương trình này dụ được nhiều bạn chơi, với nhiều trò khác nhau. Loại thơ-photo này không là hình ảnh chú thích thơ hay ngược lại. Không chính không phụ. Hai bên đề huề đắp đổi và bổ sung cho nhau để mở rộng tối đa biên độ thơ. Đây là lối chơi rất thích hợp với thời đại văn hóa chủ thị giác.

Thiếu phụ đội thúng
Có thể rất đẹp
Thiếu phụ cõng con
Có thể rất đẹp

Có thể rất đẹp
Thiếu phụ lả người
Thiếu phụ đói

185.000 người lánh nạn Châu Phi
Mất tích ở trong rừng chung quanh Kisangani
Bao nhiêu đàn bà đẹp?

(“Những câu hỏi khó trả lời”)

Là đẹp, thiếu nữ Chăm ngồi dưới ánh đèn dầu lu dệt thổ cẩm. Là đẹp, dáng cô gái Bana gùi củi lội qua suối trưa. Dáng anh thanh niên Việt tát gàu sòng vào trời chiều, cũng đẹp chán! Nhưng mấy đẹp ấy cần biến đi càng sớm càng tốt! Nói như Nguyễn Duy, thơ ta chưa dám vứt bỏ đẹp của dáng đòn gánh tạo hình vào trời chiều rất nên thơ ấy. Nguyễn Duy nghĩ trúng, nhưng anh chưa làm được. Đỗ Kh làm được. Thơ Đỗ Kh. cũng là loại thơ của sự thành thật, nhưng là thành thật phơi mở qua cách nói khác và mới hơn. Của hậu hiện tại. Dù tự nhận là học trò Nguyễn Hoàng Nam(1), nhưng cùng với Nguyễn Hoàng Nam và vài nhà thơ tiền vệ khác, Đỗ Kh. đã mở lối đi cho thơ hậu hiện đại Việt.

Sài Gòn, 22-1-2009

________

(1) "Người ta có thể làm thơ như làm giò chả...!", Đỗ Kh. trả lời phỏng vấn của Lý Đợi, Tienve.org.

(2) “Nhớ Linda”, Tạp chí Gió Văn, tháng 4-2000.

'Vụ án lồn' cũng đã xuất hiện một lần ở Việt Nam. Mang Viên Long đã bài [bôi] bác nó tại Vanchuongviet, 1-5-2008, đúng ngày Quốc tế lao động! Đây là từ xảy ra ở bài "Thằng hoang" trong tập thơ Chuyện 40 năm mới kể & 18 bài thơ tân hình thức, (Inrasara, NXB Hội Nhà văn, 2006).

Gởi bản thảo cho một nhà xuất bản trước đó, Ban biên tập chỉ đề nghị tôi bỏ ba bài khác chứ không đả động gì đến bài có “nó”. Bốn chị em tuổi trên dưới ba mươi báo cáo anh, “tụi em hội ý nhiều lần thấy không cách nào biên tập được, nên để lại nguyên xi như nó là thế”. Đùng cái, Hội Nhà văn thành phố có quyết định tài trợ in tập thơ. Dĩ nhiên, Hội chuyển bản thảo qua nhà xuất bản khác. Và tập thơ được in nguyên bản.

Gần tháng tập thơ mở mắt chào đời, BBT nhà xuất bản phone cho tôi thu hồi lại số sách tồn đọng, xóa “nó” đi mới phát hành [tặng] tiếp. Tôi nghiêm chỉnh chấp hành.

Chưa hết, sáng hôm sau tôi nhận cú phone của anh Lê Văn Thảo từ Văn phòng Hội Nhà văn: “Sara viết gì mà họ kêu, mậy. Mang hai bản cho tao coi”. Tôi chạy qua Hội. Anh giở ngay “Thằng hoang” nheo mắt dò tìm. – “Nó đâu mất rồi?”. – “Sara bôi rồi!” – “Mầy lấy cái bản chưa xóa cho tao”. Tôi đưa bản khác cho anh, thế thôi.

Nghĩa là tập thơ đã gây xôn xao dư luận!

Bạn thơ đùa: “Tập thơ đó có hai cái nhất: 18 bài thơ tân hình thức đầu tiên đường đường xuất hiện chính thống tại Việt Nam, và ăn theo nó là từ ’lồn’ cũng nghiêm chỉnh ló mặt đầu tiên”. Tôi bảo bạn thử thay cái từ nào khác đi. Ví thay bằng “âm vật”, “âm hộ”, nó vừa thừa chữ với không chuẩn và nhất là không ăn vần; còn nếu thay bằng “l.” thì nó yếu và nghe bị phân biệt đối xử quá đi. “Lồn”: đầy đủ, chuẩn xác và có thể nói, rất đẹp!(2)

… mười

năm chờ hết nổi nàng chửi gió

đợi nó cho mệt cái lồn vụt

cưới chồng Hamu Crok…

Tưởng đến đó là hết chuyện, ai ngờ chuyến đi thực tế cùng đoàn nhà văn thành phố lên Lâm Đồng, một nhà văn cho tôi biết: “nói thật với Sara, nếu không có ‘nó’, thì tập Chuyện 40 năm… đã đoạt cái giải của Hội ta năm ngoái rồi!

Anh nói vậy mà thiêng, đúng là năm đó Lễ tẩy trần tháng Tư cho tôi cái giải Hội Nhà văn lần hai. Vậy đó, tập Chuyện 40 năm… ví có ai mách nước trước, chắc chắn tôi sẽ dạ thưa vâng thiến mất “lồn” thành “l.” rồi!

Tôi không chủ trương [và không năng khiếu] dùng từ [lâu nay bị cho là] húy kị trong văn chương, cả ở đời thực cũng vậy: đố ai thấy tôi nói tục bao giờ. Nhưng tôi không thanh cao, đạo đức với văn chương phải ẩn dụ đầy sạch sẽ. “Lồn” lần duy nhất xảy ra trong thơ tôi, tự nhiên như nhiên nên, không thể khác. Và tôi không nỡ xử sự tệ hại với nó. Nó chỉ là một từ, không hơn. Không khiêu dâm cũng chẳng khiêu khích ai. Lạ, trong khi ta mân mó nó, hít hà nó, liếm láp nó mỗi ngày mà ta cứ sợ nó làm dơ văn chương thanh tao ta, hỏi như thế có công bằng không? Hậu hiện đại quyết đánh tan mặc cảm đó.