Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 26 tháng 12, 2024

Eduardo Galeano giới thiệu tác phẩm Ký ức của Lửa

Nguyễn Hữu Việt Hưng dịch

 

Năm 2021, tờ The Guardian xếp kiệt tác bộ ba Ký ức của Lửa của Eduardo Galeano đứng hàng thứ hai trong số 10 sử thi hàng đầu, chỉ sau Thiên đường đã mất (Paradise Lost) của John Milton. Thời báo Los Angeles quả quyết: "Galeano là một nhà châm biếm, hiện thực và nhà sử học, và... xứng đáng được đề cập cùng với John Dos Passos, Bernard DeVoto và Gabriel Garcia Marquez". Tiếc thay, cho đến nay Ký ức của Lửa chưa có bản dịch tiếng Việt và Eduardo Galeano nhìn chung vẫn là một tác giả xa lạ đối với bạn đọc người Việt.

Hôm qua, Văn Việt đã đăng bài của Nguyễn Hữu Việt Hưng (https://vanviet.info/tren-ke-sach/ky-uc-cua-lua/) về bộ ba Ký ức của Lửa; hôm nay xin đăng lời của chính nhà văn Eduardo Galeano về tác phẩm của mình, qua bản dịch của Nguyễn Hữu Việt Hưng.


TỰ BẠCH (Mở đầu Ký ức của Lửa)

“Tôi tin vào ký ức không phải như một đích đến, mà như điểm khởi hành – một máy-phóng ném bạn vào thời hiện tại, cho phép bạn tưởng tượng tương lai thay vì chấp nhận nó. Tôi hoàn toàn không thể có bất kỳ mối liên kết nào với lịch sử nếu lịch sử chỉ là một bộ sưu tập những người chết, những địa danh chết, những sự kiện chết. Đó là lý do vì sao tôi viết Ký ức của Lửa ở thời hiện tại, cố gắng giữ cho mọi việc đã xảy ra như đang sống và cho phép nó xảy ra lần nữa, khi người đọc đọc nó.”

EDUARDO GALEANO

Tập I: SÁNG THẾ

LỜI NÓI ĐẦU

Tôi là một học trò khốn khổ môn lịch sử. Các lớp học lịch sử giống như những cuộc viếng thăm bảo tàng người-bằng-sáp hay khu vực người chết. Quá khứ là vô hồn, trống rỗng, câm lặng. Người ta dạy chúng tôi về quá khứ sao cho chúng tôi từ bỏ chính mình với lương tâm kiệt quệ thời hiện tại: đừng tạo ra lịch sử, lịch sử đã được hoàn thành, đơn giản hãy chấp nhận nó. Lịch sử nghèo nàn đã tắt thở: phản bội trong các tài liệu học thuật, dối trá trong học đường, chết chìm trong những ngày tháng, họ đã giam giữ lịch sử trong các viện bảo tàng và chôn nó, với những vòng hoa, bên dưới tượng đồng và đá cẩm thạch tưởng niệm.

Có lẽ, Ký ức của Lửa có thể giúp trả lại cho lịch sử hơi thở, sự tự do, và tiếng nói.

Trải qua nhiều thế kỷ, châu Mỹ Latinh đã bị tước đoạt vàng và bạc, nitrat và cao su, đồng và dầu mỏ: Ký ức của nó cũng bị tước đoạt. Ngay từ đầu, Mỹ Latinh đã bị cưỡng bức đến mất trí nhớ bởi những kẻ ngăn cản nó sống. Lịch sử quan phương của Mỹ Latinh được quy về một cuộc diễu hành quân sự của các quan lớn trong đồng phục vừa được giặt-khô. Tôi không phải một nhà sử học. Tôi là một nhà văn muốn góp phần giải cứu ký ức bị giam cầm của toàn thể Châu Mỹ, trước hết của Mỹ Latinh, vùng đất khinh bạc và yêu dấu: Tôi muốn trò chuyện với mảnh đất này, chia sẻ những bí mật của nó, thăm hỏi nó về những vùng đất khô cằn mà nó được sinh ra, về những yêu thương hay bạo lực mà nó từng nếm trải.

Tôi không biết thể loại văn học của bộ sách này là gì. Ký ức của Lửa không phải là một hợp tuyển, rõ ràng không; nhưng tôi không biết liệu nó có là tiểu thuyết, hay tiểu luận, hay sử thi, hoặc kinh sách, hoặc biên niên sử, hoặc... Việc tìm câu trả lời xác quyết cho câu hỏi đó đã khiến tôi mất ngủ. Tôi không tin vào những đường biên theo đó các viên chức hải quan văn chương tách biệt các thể loại.

Tôi không muốn viết một tác phẩm khách quan – không muốn và không thể. Chẳng có gì trung lập về cuộc tường thuật lịch sử này. Không thể giữ khoảng cách đến chính mình, tôi thiên vị: Tôi thú nhận điều đó và không xin lỗi. Tuy nhiên, mỗi mảnh của miếng khảm lớn này đều dựa trên nền tảng tài liệu vững chắc. Những gì được nói ở đây đã xảy ra, mặc dù tôi kể về nó theo phong cách và phương thức riêng.

Cuốn sách này là tập đầu của bộ ba Ký ức của Lửa. Nó được chia làm hai phần. Trong phần một, thần thoại kiến tạo bản địa vén bức màn Châu Mỹ trước thời Cô-lông. Trong phần hai, lịch sử Châu Mỹ được mở ra từ cuối thế kỷ 15 đến năm 1700. Tập II của Ký ức của Lửa sẽ bao trùm các thế kỷ 18 và 19. Tập III sẽ lột tả thời đại chúng ta.

Các số trong dấu ngoặc đơn ở cuối mỗi văn bản chỉ ra các tác phẩm chính mà tác giả tham khảo để tìm thông tin và các điểm tham chiếu. Các nguồn tài liệu được liệt kê ở cuối sách. Tiêu đề trên mỗi sự kiện lịch sử cho thấy năm và địa điểm nó xảy ra. Các sao chép nguyên văn được viết bằng chữ in nghiêng. Tác giả đã hiện đại hóa cách ghi bằng ký tự các nguồn gốc cổ xưa được trích dẫn.

EDUARDO GALEANO

Tập II: MẶT VÀ MẶT NẠ

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này là tập hai của bộ ba Ký ức của Lửa. Nó không phải một hợp tuyển, mà là một tác phẩm văn học. Tác giả đề xuất một tường thuật lịch sử Châu Mỹ, trước hết là lịch sử Mỹ Latinh, khám phá những chiều kích chồng chéo và thâm nhập những bí mật của nó. “Mặt và Mặt nạ” bao quát các thế kỷ 18 và 19. Trong tập ba của bộ sách, bức tranh khảm khổng lồ này sẽ lột tả thời đại của chính chúng ta.

Ở đầu mỗi văn bản, năm tháng và địa điểm xảy ra câu chuyện được chỉ ra. Các số trong dấu ngoặc đơn ở cuối mỗi văn bản cho biết các tác phẩm chính mà tác giả tham khảo để tìm thông tin và các điểm tham chiếu. Các nguồn tài liệu được liệt kê ở cuối cuốn sách.

Các sao chép nguyên văn được viết bằng chữ in nghiêng.

*

* *

Tôi không biết mình là ai,

Chẳng rành nơi tôi đã ngủ.

Không rõ tôi từ đâu tới,

Đâu là nơi địa ngục cuốn tôi về.

Tôi là một khúc cây gãy,

Nó gãy chốn nào tôi biết đâu.

Rễ tôi mọc ở phương nao?

Trên loại cây nào tôi lớn lên?

(Dân ca vùng Boyacá, Colombia)

EDUARDO GALEANO

Tập III: THẾ KỶ CỦA GIÓ

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này là tập cuối của bộ ba Ký ức của Lửa. Nó không phải một hợp tuyển, mà là một tác phẩm văn học, dựa trên cứ liệu vững chắc nhưng xúc cảm hoàn toàn tự do. Tác giả không biết thể loại văn học của cuốn sách là gì: chuyện kể, tiểu luận, sử thi, biên niên sử, kinh sách… Có lẽ nó thuộc về tất cả hoặc không thuộc về một thể loại nào. Tác giả nối kết những gì đã xảy ra, lịch sử Châu Mỹ, và trên hết, lịch sử Mỹ Latinh; tác giả đã tìm cách sao cho độc giả cảm thấy những gì đã xảy ra đang xảy ra lần nữa, khi tác giả kể lại câu chuyện.

Ở đầu mỗi văn bản, năm tháng và địa điểm xảy ra câu chuyện được chỉ ra, ngoại trừ một số văn bản nhất định không thể minh xác bất kỳ thời điểm hoặc địa điểm cụ thể nào. Ở cuối văn bản, các con số cho biết các tác phẩm chính mà tác giả tham khảo để tìm thông tin và các điểm tham chiếu. Sự vắng mặt của các con số chỉ ra rằng trong trường hợp riêng biệt ấy, tác giả đã tham khảo nguồn tư liệu bất thành văn, hoặc tác giả thu nhận chất liệu thô từ thông tin chung trong báo chí hoặc từ miệng nhân vật chính hay nhân chứng.

Các nguồn tài liệu được liệt kê ở cuối cuốn sách.

Các sao chép nguyên văn được viết bằng chữ in nghiêng.

*

* *

“và quắp ta ra khỏi gió bằng chính móng vuốt ta.”

—Juan Rulfo

EDUARDO GALEANO

(Đã đăng trên FB của dịch giả các ngày 21-23/8/2018  Văn Việt)