Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 10 tháng 12, 2024

Bóng người, bóng đời và bóng mình

Hồ Anh Thái

 

Tiểu thuyết Nhặt bóng người của Vũ Thanh Lịch, Tao Đàn và Nxb Phụ Nữ Việt Nam 2024.

Nhặt bóng người, tên sách vừa như ẩn chứa một triết lý, vừa gợi lên cái nhân ảnh mờ mờ chập chờn giữa cõi thực và cõi mơ. Quả thật, trong tiểu thuyết này còn thêm cả cõi âm nữa. Cõi người, cõi âm, người ngợm và hồn vía, tất cả cứ đeo bám một nhà khảo cổ luôn nặng trĩu tâm tư.

Trong tiểu thuyết Nhặt bóng người, các tuyến nhân vật xoay quanh Trai, một người làm khảo cổ trăn trở nhiều với nghề. Anh lạc lõng giữa đồng nghiệp trong cơ quan, thậm chí xung khắc với họ, xa cách với cả nếp nghĩ của thủ trưởng cơ quan. Điều đó dẫn đến việc anh tự coi là mình đã nghỉ việc, rồi tự ý quay trở lại làng Hạ Điền Hạ để cố gắng khai quật một di chỉ đã bỏ dở từ nhiều năm trước.

Tiểu thuyết chia thành hai mảng nhân vật:

NGƯỜI (những người ở cõi dương, gồm người dẫn chuyện và những nhân vật liên quan):- Trai: nhà khảo cổ học, một mình trở lại di chỉ ở làng Hạ Điền để khai quật.

– Ông từ đền Hạ. – Thằng Mẫn dở người. – Ông Phó và những người đào đất thuê. – Cô Hơn bán thuốc rởm. – Cô đồng Riêng. – Sếp của Trai ở cơ quan nghiên cứu và một số đồng nghiệp. BÓNG NGƯỜI (những người của cõi âm, hiện lên từ khu vực di chỉ): – Vợ chồng chủ lò gốm Diên Vĩ. – Nghệ nhân gốm và những nhân vật liên quan.

Thực tế trong tiểu thuyết còn một mảng nhân vật thứ ba, đang sống, nhưng không trực tiếp xuất hiện mà chỉ trở đi trở lại trong hồi ức của Trai. Họ là những…

BÓNG MỜ: – Hiện: cô gái địa phương ngày trước dẫn đường cho nhà khảo cổ. – Tấm: vợ Trai – Sim: con gái Trai.

Người khảo cổ lầm lũi đi trong cảnh tối tăm và mưa gió, bên dòng sông gầm gào và những hố di chỉ đầy bùn đất ven sông. Người bị vây bọc giữa thói đời bề bộn mài mòn cảm xúc đi tìm nhặt lại những Bóng Người từ những viên gạch cổ và những vật dụng gốm tinh xảo, vừa được khai quật lên từ hố di chỉ ở làng Hạ.

Người, Bóng Người, Người Âm quấn quyện, đan dệt, trộn lẫn. Hiện tại và quá khứ. Chuyện khảo cổ và chuyện khảo sát đời sống đương đại ngổn ngang.

Nhặt bóng người cũng chính là “nhặt bóng đời”. Những tham sân si, những mưu mô thủ đoạn, những hư danh và ngang trái, những khoảnh khắc thơ mộng ngắn ngủi và những cảm xúc thấm đẫm hoài niệm. Có khi chập chờn, mơ hồ, vu vơ, có khi gai góc, sắc lạnh, nghiệt ngã. Một món trộn ngổn ngang rậm rạp nhưng sợi chỉ xuyên suốt khá thẳng băng rõ ràng. Rất nhiều mảng miếng tưởng như ly tâm mà đi hết chiều dài cuốn sách thì đều hướng trọn về tâm.

Nhặt bóng người cũng còn là “nhặt bóng mình”. Những bóng hình người: người không ra người như thằng Mẫn dở dở chỉ hú hét và lao xuống dòng sông chảy xiết mà dường như không bao giờ chết đuối. “Mẫn không điếc, nếu điếc nó đã không nghe thấy tiếng gió hú mà hú theo như thế, hú có vần có điệu, có thăng trầm, lúc rít lên quặn xé, lúc rủ rỉ rù rì như ve như vuốt”. Nửa người nửa ngợm như cô Hơn bán thuốc rởm, mà thực ra là thuốc độc, “ai mua thuốc xong cũng chết ngay tắp lự”. Chập cheng đồng bóng như cô đồng Riêng, khi tính toán tài lộc thì vô cùng lọc lõi. Rồi những bóng người chất đầy tham vọng và thủ đoạn như ông sếp, như những đồng nghiệp và doanh nhân quay cuồng trong danh lợi… Nhặt lên những bóng người đó, soi chiếu qua đó, va đập vào đó, vừa gần cận vừa xua đuổi họ ra xa, để rồi nhân vật Trai nhặt được chính… bóng mình. Hiểu mình, hiểu những góc khuất và phần phơi sáng của mình.

Ngôn ngữ của Vũ Thanh Lịch thỉnh thoảng mượn đến phương ngữ và khẩu ngữ nhưng vừa đủ độ, tạo được một không khí ngôn ngữ chủ đạo là có tiết chế và điềm đạm, một thứ văn của người phong lưu chữ. Phẩm chất này chắc chắn nhận được thiện cảm của những độc giả coi trọng ngôn ngữ và coi trọng sự đúng mực của người tổ chức không gian tiểu thuyết. Tiểu thuyết đầu tay của một cây bút mới nhưng không còn trẻ, có thể thiếu đi cái tươi tắn hồn nhiên, nhưng bù lại bằng những chiêm nghiệm nghiêm ngắn và có chiều sâu.