Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 29 tháng 10, 2024

Hơi thở trong bàn tay: Hóa ra cuộc sống đẹp đẽ ta đã từng có

Hai Thanh

Những dòng dưới đây do một bạn đọc gửi cho tôi. Tôi đã định dành một phần riêng cho những bài viết thế này ở một phần gọi là Phụ lục hoặc Trò chuyện trong lần in thứ 3 của Hơi thở, nhưng thời gian ngặt quá, không làm kịp. Nay chia sẻ cùng các bạn, như gọi nơi nhau một mối giao cảm trong những ngày mưa bão và lúc trời đất chuyển mùa đang gây thương nhớ này...

Thái Hạo

***

Anh sinh vào cuối tháng 6 năm 1974, bố anh là phi công Việt Nam Cộng Hòa, ông chết trận tháng 2/1975 ở sân bay Buôn Mê Thuột. Là một người đồng đội của bố anh về báo lại, chết trong hầm và bằng lựu đạn nên không để lại bất cứ dấu vết gì, nhất là vào những ngày loạn lạc ấy.

Anh ấy có tuổi thơ đầy mặc cảm, thiếu thốn và tủi hổ, vì mẹ có em bé với người hàng xóm đã có vợ, và ông ấy có tới 4 đứa con trai ngang ngang tuổi anh, nên những trận đòn vô cớ từ chúng thường giáng xuống cơ thể còm cõi của cậu bé 8 tuổi vốn đã mồ côi cha từ tấm bé.

Những trận đòn, những cái đạp, hay những cú đá từ các con của ông hàng xóm, hậu quả để lại là anh ấy bị bọn nó đá gãy mất 4 cái răng vào năm 16 tuổi. Có lần anh ấy kể cho em nghe cái cảm giác buồn tủi sau những khi đi lang thang về nhà, mỗi lần bước ngang căn phòng của mẹ để đi lên thang gác, nghe tiếng rù rì của hai người lớn, hay những lúc chứng kiến cảnh tượng họ cùng nhau chăm sóc đứa em nhỏ, và cả câu trả lời ngây ngô của anh khi bạn học hỏi “Bố đâu”, anh chỉ lên trời và nói bố đi lái máy bay, mai mốt sẽ về.

Em sinh ra, lớn lên trong gia đình hạnh phúc, bố và mẹ đều là nhân viên của chế độ cũ, cuộc sống có khó khăn nhưng anh em tụi em luôn được chăm sóc đầy đủ, vì mẹ em là “con buôn “ trong những năm thị trường đóng cửa. Anh là bạn học của em trước đây, cho nên khi nghe câu chuyện về tuổi thơ của anh, em như không thể nào tin nổi, làm sao có thể có đứa bé bất hạnh đến vậy. Em cứ tưởng như mình đang nhìn thấy hình ảnh cậu bé mồ côi trong tác phẩm “Kiếp sống nhờ “, và có lẽ cũng vì vậy mà em bắt đầu mở lòng ra với anh ấy.

À! Em nhiều chuyện với thầy chút nữa, là sau khi đứa em của anh được gần 5 tuổi thì hai người lớn ấy đường ai nấy đi, nhưng mối thù sém mất chồng, mất cha của gia đình người hàng xóm kia thì vẫn còn đó, nên anh vẫn phải khốn khổ với họ cho tới lúc anh tự bảo vệ được mình, khoảng năm 17 tuổi, sau trận đòn bị mất mấy cái răng ấy.

Vì thiếu sự che chở của cha và sự quan tâm của mẹ, nên tuổi thơ của anh sau những buổi tới trường là những giờ phút lang thang cùng các bạn trong xóm, Dalat những năm 83, 84 vẫn còn hoang vắng. Đồi Cù vẫn là của dân, vẫn còn những lối mòn đất đỏ dẫn vào những khu rừng thông “bí ẩn” trong những chuyến thám hiểm của lũ trẻ, nhưng mỗi khi nhớ về tuổi thơ, anh luôn chỉ có cảm giác bất hạnh.

Ngày hôm nay, cuốn sách của thầy đã kéo đi một phần của lớp màn u ám, mở ra cho anh thấy một khoảng thời gian hạnh phúc mà anh không biết là mình đã từng có, và đó cũng là điều mà em mãi vẫn không có cách nào giúp ảnh. Một lần nữa, em cảm ơn thầy.

Anh nhớ ra, anh cũng đã từng có những ngày tháng ấm áp, hạnh phúc trong tình yêu của mẹ, những năm tháng ngắn ngủi trong kí ức trẻ con, bắt đầu từ khi có nhận thức.

Anh bảo, mẹ anh kể lại rằng khi anh gần hai tuổi thì bệnh dịch tả ở con nít tràn lan, anh nằm viện 2 tháng, và trong hai tháng trời đó, không biết bao nhiêu đứa bé nhập viện, và xuất viện bằng cái xác không hồn. Có một đêm mẹ anh mơ thấy cha về nói hãy để anh đưa Tí đi. Trong giấc mơ, mẹ ôm anh và nói, anh đi rồi, em chỉ còn mình con, anh đem con đi, em biết sống làm sao. Rồi không biết bằng phép lạ nào đó, anh hết bệnh, và về nhà.

Hai tháng hai mẹ con nằm viện, căn nhà không có hơi người, không được mở cửa cho thông thoáng, tường mốc tới độ góc nhà mọc cả nấm. Mẹ anh còn được 2 đồng, bà đi mua trái cây và đem đi bán dạo, nuôi anh bằng thu nhập ít ỏi đó. Và từ đây, cũng bắt đầu những ngày tháng anh ở một mình ở nhà. Sáng, sau khi cho anh ăn, mẹ khóa cửa để anh trong nhà, trưa mẹ tranh thủ chạy về cho anh ăn cơm, rồi lại khóa cửa đi bán tiếp. Cậu bé hai tuổi, mỗi ngày ngóng mẹ qua cái ô kính cửa sổ, chờ hình dáng mẹ hiện rõ dần từ dưới chân đồi đi lên, vào những buổi trưa, buổi chiều. Khi ba tuổi, hay hơn ba tuổi vài tháng, là lúc trí nhớ anh rõ ràng hơn. Anh kể, mẹ đi bán xa hơn, gô cơm mẹ nấu từ sáng, ủ trong mền, anh cứ ngồi bên cửa sổ nhìn những đứa trẻ hàng xóm bằng hoặc lớn hơn vài tuổi chơi đùa bên kia ô cửa, buồn ngủ thì ngủ, đói bụng thì ăn cơm, vệ sinh thì có sẵn cái bô ở gần đó. Cứ vậy một ngày trôi.

Cứ vậy chờ một ngày trôi qua, khi những vạt cỏ lau trước nhà gió thổi nghiêng về hướng tây (sau này khi lớn lên thì anh mới biết đó là hướng tây) là lúc mẹ sắp về. Mẹ về nhà, tất bật chuẩn bị bữa ăn, là lúc anh được chạy ra khoảng đất trống mà ban ngày bọn trẻ con chơi đùa, nhưng lúc này ai đã về nhà nấy, anh chạy tới chạy lui, tưởng tượng như mình cũng đang tham gia những trò chơi đó, một lúc thì chán, lại chạy về luẩn quẩn quanh chân mẹ như con mèo tìm hơi ấm (nguyên văn mà anh kể với em). Có những hôm thì đoán sắp tới giờ mẹ về, anh chui xuống cái gầm giường và háo hức chờ mẹ tìm ra mình, rồi có hôm ngủ quên luôn, cơm canh lên bàn rồi mẹ mới kêu dậy. Những bữa cơm ấm cúng của hai mẹ con, mẹ thì ngồi trên ghế, nhưng anh thì mẹ cho ngồi trên bàn, vì nếu ngồi ghế, chắc trán anh chỉ vừa tới cạnh bàn.

Ngày mai em sẽ tả cho thầy về con đường Cộng Hoà (ngày xưa được mệnh danh là con đường tình yêu) , nơi ngôi nhà anh ở khoảng thời gian đó, nó là một căn trong số những căn biệt thự nằm trên con đường ấy. (Ông ngoại anh là quản gia của căn nhà đó, nên đó là lí do tại sao sau này gia đình anh có được một góc nhỏ ở căn biệt thự thời đó, dù chỉ là ở tạm). Thầy có thể tìm ở Google về con đường Cộng Hoà, con đường thơ mộng và là con đường duy nhất dẫn lên dinh Tỉnh Trưởng nổi tiếng, chắc nó sẽ được diễn tả đầy đủ hơn là em diễn tả.

Mấy hôm nay, anh ôm cuốn sách của thầy bên người. Và anh nhắn cho em: “Vợ biết không, cuốn sách Hơi thở trong bàn tay, chồng đọc cả tuổi thơ của chồng trong đó. Dễ thương, nhẹ nhàng, mộc mạc. Chồng đọc cảm tưởng như mình lạc vô câu chuyện, từng khoảnh khắc. Hóa ra, cuộc sống nhẹ nhàng đẹp đẽ, chồng đã từng có.

Bạn đọc Hai Thanh