Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 13 tháng 8, 2024

Tung đồng xu

Truyện ngắn Hà Phạm Phú Tin nhắn đến vào giữa trưa, đang lúc Đinh Trường ngồi trên xe có cả tay trưởng phòng hành chính, nên không tiện mở. Thầy trò Đinh Trường vừa dự họp tổng kết ở dưới cơ sở về. Huyện quê hương mở tiệc mừng công, Trường không thể từ chối. Khỉ gió cái cô Phó Chủ tịch phụ trách tài chính cứ ép rượu mãi, nói Chủ tịch có yêu em không, yêu thì cạn chén này. Yêu thì cái niêu chả còn, uống. Tửu lượng của Trường khá, với lại bản lĩnh nam nhi thừa biết cách của đám đàn bà đong đưa, nên khi về chỉ ngà ngà say. Về đến nhà khách cơ quan, không kịp cởi giày thế là lăn ra ngủ, quên khuấy cái tin nhắn. Đầu giờ chiều có cuộc họp thường vụ, xe đợi dưới sân bấm một hồi còi giai điệu rumba theo ước định của Trường với lái xe. Cấp tốc đánh răng, rửa mặt, thay trang phục, chạy. Trường được điều về làm Chủ tịch, bổ sung vào thường vụ khi cuối nhiệm kì, theo phương cách luân chuyển cán bộ, dựa trên ý tưởng xếp sắp nhân sự của các cấp trên. Trước đó, Trường giữ cấp phó ở một tỉnh Miền Tây. Xách va li về nơi mới nhận việc, vẫn để lại vợ con ở thành phố, trong một chung cư gần trung tâm thủ đô, đề phòng biến động chính trường không như ý muốn, như khi xách va li về Miền Tây, vì thế gần một năm nay vẫn ở nhà khách. Bí thư là Mãn, đã nhiệm kì thứ hai, có khuôn mặt nhầy nhẫy mỡ, trước đó Trường chỉ nghe tên, chứ chưa có hân hạnh làm việc cùng. Mãn coi Ban Thường vụ như kẻ ăn người ở trong nhà, ý kiến của Mãn giống như đinh đóng lút cột không thể rút ra, can thiệp thô bạo vào công việc của Uỷ ban, khiến Trường rất khó chịu. Trường đến chậm năm phút so với giờ hẹn. Mãn nhìn đồng hồ, rồi nhìn mọi người nói, chiếc đồng hồ Thuỵ Sĩ của chúng ta hôm nay chậm năm phút. Trường tái mặt, nhưng vội nhoẻn cười nói, xin lỗi các đồng chí. Tan họp, Trường rút điện thoại mở xem, một-lô-xích-xông tin nhắn. Chỉ có một tin nhắn riêng tư gửi qua inbox. Đó là tin nhắn của Thuỳ. Đã ba tháng nay Trường không nghe điện thoại của Thuỳ. Cô cũng không gọi điện thoại, không nhắn tin, lặn một hơi dài. Tin nhắn viết: Em cần anh giúp đỡ, tối nay gặp em. Thuỳ với Trường là người cùng làng. Không chỉ cùng làng mà còn cùng xóm, có cái tên rất hoang dã, xóm Rậm, nằm nép bóng sơn hệ Lang Sơn, nghe nói trước đó là vương quốc của loài sói. Trường với Thuỳ chơi với nhau từ khi còn cởi truồng tồng ngồng tắm suối, không hề đỏ mặt. Ngày đó Thuỳ chưa có tên, đám trẻ gọi Quắt, con Quắt. Vì Thuỳ queo quắt sắt lại như cây sậy. Trường hay gọi Quắt ơi, coi Quắt như con trai, ngược lại Thuỳ cũng coi Trường như con gái. Đến khi bắt đầu đi học thì Trường bị bất ngờ. Ngày nhập học đứa trẻ nào cũng xúng xính trong bộ quần áo mới, chưa có đồng phục như sau này, nên màu sắc cứ làm mắt hoa cả lên, đám trẻ dưới chân Lang Sơn đều nhìn nhau lạ lẫm. Thầy giáo tay cầm cuốn sổ điểm danh, đi giữa hai dẫy bàn gọi tên, đến học sinh nào thì học sinh ấy đứng lên, nói “Có ạ!” rõ to. Thầy đọc một cái lên rất lạ, lần đầu Trường được nghe: Phan Kim Thuỳ. Cái tên vang lên, ngân nga như tiếng sáo diều buông ngang đỉnh Lang Sơn. Một tấm áo màu hoa sen, ở cách mặt Trường năm dãy bàn đứng lên, giọng quen quen hô có ạ. Suốt giờ học, cái tên Thuỳ cứ réo rắt bên tai Trường, không phải tiếng sáo véo von mà bảng lảng trầm, có màu sắc của hoa lau, màu ngà của hoa dẻ thơm nưng nức, mùi của tuổi trẻ con. Hết giờ học, Trường ngồi gần bàn cuối chạy ra cửa đứng đợi, khi cô bé mặc áo màu sen hồng đi ra thì bám theo nói, tên Thuỳ hay quá, tên khai sinh à? Ừ tên khai sinh, từ nay bạn đừng gọi mình Quắt nữa nhé. Nhưng bắt đầu vào lớp cuối tiểu học, Trường và Thuỳ bỗng xa cách nhau, không như cũ nữa. Trường tự hỏi, tại sao mình bỗng ngại gặp Thuỳ nhỉ? Chỉ qua có hai năm mà Thuỳ lớn phổng lên, xinh như mộng. Còn Trường vẫn đen trùi trũi như con cá suối rúc trong hốc đá. Lên cấp phổ thông cơ sở, hai người vẫn học cùng trường, gặp nhau đã thấy ngường ngượng. Thùy ngày càng đẹp, như là không phải sinh ra ở chân Lang Sơn. Trường học giỏi, được chỉ định là cán sự môn vật lí, Thuỳ còn giỏi hơn, là cán sự toán. Những buổi họp cán sự giúp hai người gắn bó lại với nhau. Tốt nghiệp cấp trung học cơ sở, Thuỳ chủ động rủ Trường thi vào trường chuyên của tỉnh. Trường ở tuổi đó còn ngố, chẳng cân nhắc gì, đồng ý ngay. Đúng là học tài thi phận, Trường đỗ vào chuyên lý, khăn gói lên tỉnh trọ học. Thuỳ trượt, học trường huyện. Trước khi vào năm học, hai người gặp nhau. Thùy ngồi sát vào Trường nói, cậu có năng khiếu, cố học thành đạt cho tớ cũng được thơm lây. Trước khi chia tay, bất ngờ Thuỳ ôm lấy Trường, hôn chụt lên môi, nói tớ tặng cậu cái hôn. Trường bảo lái xe đưa đến Honeymoon Plaza, dặn tôi có người bạn cũ hẹn gặp ở đây, cậu đánh xe về, nghỉ sớm, không phải đón. Trường bước vào sảnh lớn toà nhà, kín đáo quan sát xung quanh. Không ai nhận ra Trường. Cũng đúng thôi, Trường mới về nhận chức chủ tịch được gần một năm, lại tránh xuất hiện trước đám đông, chỉ những người làm việc trực tiếp mới có thể nhận ra. Mười lăm phút sau, Trường bước ra bắt một chiếc tắc xi chạy về hướng nam thị trấn. Thùy sống li thân với chồng đã nhiều năm, nên ở luôn tại cơ sở kinh doanh của mình, tuy thế cô vẫn thuê căn biệt thự kín đáo để lui về sau những căng thẳng công việc và bức xúc cá nhân. Địa chỉ này Thuỳ gửi cho Trường cùng với tin nhắn lúc sáng. Trường đưa tay bấm chuông. Cửa mở rồi lập tức đóng lại. Thùy đón Trường ngay cửa phòng khách. Trường lảng cái nhìn của Thuỳ, hỏi có chuyện gì vậy, anh đến đây lần đầu cũng là lần cuối, nhé. Thuỳ đáp, bất đắc dĩ mới cầu cứu anh. Chồng em vừa bị bắt. Chồng Thuỳ là chủ một doanh nghiệp xây dựng, có tiếng ở địa phương, trúng thầu nhiều công trình xây dựng có vốn đầu tư công. Trường hỏi, anh ta bị bắt vì tội gì? Thuỳ đáp, doanh nghiệp bị phá sản, anh ấy bị buộc tội vi phạm các qui định về quản lí tài chính, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Anh coi thư thì rõ. Trường nhìn xuống bàn, quả nhiên có một bức thư dày, chưa dán, không ghi địa chỉ người gửi và người nhận, bèn cầm lên, mở ra trong đó có một cuốn sổ nhỏ bìa xanh da trời. Quyển sổ của chồng Thuỳ, ghi lại những lần biếu tiền, biếu quà có giá trị lớn cho các quan chức, từ bí thư Mãn trở xuống, chừng bốn năm người. Trường nghĩ vấn đề nghiêm trọng rồi, rắc rối rồi. Cần phải tìm cách giải quyết. Anh hỏi Thuỳ, cô có dính dáng vào đây không? Nếu dính dáng em đã tự đứng ra tố cáo, Thuỳ nói. Trường quyết định phải rút nhanh khỏi nơi nguy hiểm này, chắc chắn có nhiều con mắt nhòm ngó, theo dõi. Anh cầm quyển sổ bìa xanh da trời nói, anh cầm cái này về nghiên cứu, sẽ trả lời em sau. Nếu cần thiết anh sẽ trực tiếp gọi điện. Vậy nhé. Thuỳ bắt đầu chiếm lĩnh ý nghĩ của Trường từ khi nào nhỉ. Mớ tóc dài mượt mát như suối của cô chảy xuyên qua những giấc mơ của Trường, gáy Thuỳ trắng như vầng mây ẩn hiện trong các thung lũng sơn hệ Lang Sơn dường như chứa đựng phép màu nhiệm, hấp dẫn một cách bí ẩn. Trước Thuỳ, chàng sinh viên năm thứ ba thường tỏ ra lố bịch và đôi khi man dại. Mùa xuân năm ấy nghỉ Tết, cả hai cùng hẹn về quê. Thuở ấy vùng quê xứ Lang Sơn vẫn còn được coi là thuộc vùng sâu vùng xa, nghèo nàn và lạc hậu, phải đi bộ hơn mười cây số mới đến được thị trấn, từ đó bắt xe khách về huyện. Suốt mấy ngày tết, Trường và Thuỳ không có điều kiện gặp nhau. Mùng ba tết, Thuỳ phải về trường tập trung sớm. Trường quyết định đưa Thuỳ ra thị trấn. Con đường núi quanh co như ruột mèo, lên dốc xuống dốc, nhìn trên ảnh thì đẹp nhưng đi bộ lại rất tốn sức. Trường mang ba lô cho Thuỳ, thấy lủng củng chai lọ, gói buộc ở bên trong. Trường bảo có đường tắt, gần được mấy cây số, có điều rất ít người qua. Ngần ngừ giây lát, Thuỳ gật đầu đồng ý. Đi theo lối mòn lao gỗ của dân sơn tràng, thở ra tai. Thuỳ nói, Thuỳ biết thâm tâm Trường không muốn đưa Thuỳ đi. Trường hơi gắt, đừng có nói linh tinh. Hết con dốc, trước mặt hai người hiện ra một cái lán tạm lợp lá móc. Chắc lán do thợ sơn tràng dựng, lá móc đã khô ánh lên màu xám trắng như được xoa phấn. Thuỳ bảo vào lán nghỉ đã. Nói xong, Thuỳ đi thẳng vào lán, không cần biết Trường đồng ý hay không. Nền lán trải cỏ, khô ráo. Thuỳ đi ra phía sau Trường, mở nắp ba lô, lấy ra tấm vải nhựa, trải lên mặt cỏ rồi ngồi xuống một góc. Trường vẫn mang ba lô, đứng yên không nói gì. Thuỳ bảo, ngồi xuống đi. Trường tháo ba lô, nhưng vẫn đứng, nhìn đăm đăm vào Thuỳ. Đột nhiên Trường nhớ những lần phạm lỗi bị cha đánh. Bao giờ cha cũng bắt Trường nằm sấp, tay cầm cây roi mây đã lên nước bóng nhoáng, nhứ nhứ kể tội con trai, rồi bất ngờ thét lên “Cởi!”. Một chữ thôi, nhưng là mệnh lệnh sắt thép, kèm theo sợ hãi đau đớn, đã nghe bao lần, nhưng lần nào cũng có cảm giác ấy. Trường lập cập đưa tay kéo chiếc quần cộc cho hở mông, nghiến răng chờ đợi, cây roi của cha không biết lúc nào sẽ vụt xuống. “Cởi!” cứ vang lên nhát gừng, âm âm trong óc Trường, lặp đi lặp lại, như tiếng vọng vách núi. Thuỳ nhìn thấy hai mắt Trường đỏ ngầu, khẽ nhắc lại ngồi xuống đi. Trường thấy khí nóng trong người cuộn lên đầu, toàn thân như một quả cầu lửa, rồi nổ tung. Giọng Trường bật ra như búa lò rèn nện xuống thanh sắt nung đỏ: “Cởi!” Thùy giật bắn mình, hơi run, nói Trường điên à. Trường không đáp nhưng đôi mắt đỏ ngầu thêm. Như bị thôi miên, Thuỳ đưa tay cởi chiếc áo rét, cởi chiếc áo sơ mi màu sen hồng, cởi nịt vú. Đôi vú như đôi chim câu trắng toát, hai núm hồng hồng rắn chắc. Lập tức như có một phép lạ, Thuỳ thoát khỏi trạng thái thôi miên, nói, Trường muốn xem thì Thuỳ cho xem. Trường ngã vật xuống bên Thuỳ, rồi dùng hai tay bóp vú cô, như đứa trẻ sắp lên ba tuổi. Thuỳ khẽ kêu, Trường ơi, đừng, đừng, đừng. Trường không dừng lại, ghé miệng dùng răng cắn vào đầu vú khiến Thuỳ đau đớn. Trường bắt đầu nổi máu điên, lần tay xuống dưới cởi quần Thuỳ. Trường loay hoay không biết cách nào tháo được thắt lưng, hoá ra Thuỳ không mặc quần chun như nhiều cô gái khác. Thuỳ dùng bàn tay mảnh dẻ, ngón búp măng cố ngăn bàn tay to quá khổ của Trường, nhưng vô ích. Cuối cùng Trường cũng cởi được thắt lưng, kéo chiếc quần của Thuỳ xuống. Đột ngột trắng toát. Trường hơi bị choáng, như bị rơi từ trên cao xuống một Biển Trắng xa lạ. Lúc đó bản năng Trường chiếm lính toàn bộ khối óc, không phải con tim đập mà trống làng đập. Trường chồm lên người Thuỳ. Lập tức Trường cảm thấy người cô run lên bần bật. Trường suýt bật kêu lên trời ơi. Lập tức Trường nghĩ đến bà Ổi người làng mắc chứng động kinh, đang yên lành tự nhiên lăn đùng ngã ngửa, giãy đành đạch. Bà Ổi đã nhiều lần ngã như thế, trên đường đi, trước cửa chợ, trong quán gốc đa, những người chứng kiến ngồi yên chờ, một lúc sau bà tỉnh dậy, như người bình thường. Sau này bà đi sới cỏ lúa ở cánh đầm Ổi, lên cơn ngã nơi có nước, không ai biết, chết đuối một cách rất thương tâm. Trường bật dậy, vớ chiếc áo rét của cô đắp lên bụng, che kín cái thế giới mà vừa nãy anh thèm khát phát điên, hỏi cô mắc chứng động kinh à? Thuỳ mặt vẫn còn tái, nói em rất sợ. Trường lặp lại câu hỏi, cô mắc chứng động kinh như bà Ổi phải không? Thuỳ ngồi dậy, khoác chiếc áo rét lên vai, lúc rồi em rất sợ, nhưng giờ thì đỡ sợ rồi, nếu anh muốn thì em cho, với anh em không tiếc gì cả. Trường im lặng, thu quần áo đưa cho Thuỳ. Một cơn gió lạnh thổi qua khiến cô rùng mình, hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má. Trường không nhìn thấy hai dòng nước mắt ấy, vì khi mặc quần áo, Thuỳ quay lưng về phía Trường. Từ chiếc lán lá móc, xuống hết dốc, đi tiếp khoảng ba trăm mét thì bắt gặp con đường quen thuộc dẫn đến thị trấn. Thuỳ gạt nước mắt nói, từ đây đến thị trấn chỉ còn ba cây số nữa thôi, Trường quay về đi. Thuỳ đưa tay đón ba lô, nhưng Trường không trả, nói cộc lốc một tiếng, đi. Suốt dọc đường Thuỳ khóc. Trường nhìn thấy, nhưng không nói gì. Đến bến xe thị trấn, trao ba lô cho Thuỳ, giúp cô đeo ba lô lên vai, Trường nói, anh không làm gì hại em, sao em khóc mãi thế. Thuỳ im lặng, trèo lên xe, kiếm được chỗ ngồi, hé cửa sổ nói to, giọng bình thường như giữa hai người chưa có chuyện gì, Trường về nhà đi kẻo muộn đấy. Sau đó Thuỳ cắt mọi liên lạc với Trường, đổi chỗ trọ, thay số điện thoại, như con cá từ ngòi Hóp bơi ra sông và lặn mất tăm. Tốt nghiệp ra trường, đúng lúc có dự án đào tạo cán bộ nguồn, Trường được đưa vào học viện chính trị. Học xong, Trường được đưa xuống xã làm phó chủ tịch, tám tháng sau lên phó chủ tịch huyện, thử thách một thời gian thì được điều tuốt vào Miền Tây. Đến đợt điều chuyển, luân phiên cán bộ lớn vừa rồi, do các cán bộ nguồn địa phương đấu đá dữ dội, nên Trường được điều ra, bổ sung vào Thường vụ giữ chức Chủ tịch. Vậy là, sau cái tết biến động kể trên, Thuỳ đã chia tay Trường một cách dứt khoát, cũng đầy bi thảm. Nhưng đối với Trường, hình ảnh Thuỳ không chịu rời bỏ tâm trí anh, dù tin tức về cô chỉ rất ít ỏi, cũng chẳng có điều kiện kiểm chứng thực hư. Nghe nói, sau khi nhận bằng tốt nghiệp, Thuỳ về dạy ở một trường phổ thông trung học dân tộc nội trú nào đó, đã ba lần kết hôn. Hai lần kết hôn trước, nghe đâu chỉ sống được vỏn vẹn một tuần thì người chồng chủ động li hôn. Người chồng thứ ba là một doanh nhân buôn bán bất động sản, không li hôn, nhưng sống li thân. Trường cầm cuốn sổ bìa xanh về nhà khách, đóng cửa cẩn thận, không ngồi chỗ bàn làm việc mà vào phòng ăn, mở ra coi cẩn thận. Kể từ khi doanh nghiệp thành lập, khoảng năm năm, chồng Thuỳ đã biếu quà bí thư Mãn khoảng hai mươi lần, đều tính bằng đô la Mỹ, khoản nhỏ nhất là một chiếc mũ phớt hai ngàn đô, khoản to nhất là một trăm ngàn. Ngoài bí thư Mãn còn có Phó Bí thư thường trực, trưởng ban cùng mấy trưởng phòng quan trọng, nếu khui ra thì cả bộ máy địa phương sụp đổ. Mười một giờ, chuông điện thoại đổ với vẻ sốt ruột. Trường không bắt máy. Chuông còn đổ hai lần nữa. Rồi thôi. Trường nằm vắt tay lên trán, thao thức không ngủ được. Trường về nhậm chức được khoảng một tháng thì Văn phòng tổ chức một bữa liên hoan gặp mặt các cán bộ công nhân viên của văn phòng tại Trung tâm Tư Hà Nguyên, nghe có vẻ rất Tàu, dịch ra là Uống nước nhớ nguồn, gọn nữa là Nhớ nguồn. Trung tâm này là nhà tài trợ của văn phòng, bữa nay tài trợ món đồ uống rượu vang Đan. Loại vang chát này uống rất được, đám văn phòng sành rượu lập mưu chuốc sếp say, nhưng Trường biết cách khiến đám đông say, còn mình thì thoát ra ngoài. Tay cầm li rượu, Trường len qua mấy tay lái xe đang được thả ga, mặt anh nào cũng đỏ phừng, ghé tai lái xe riêng nói, cứ uống thoải mái nhé, hôm nay cậu được giải phóng. Lúc qua chỗ quầy rượu, Trường nhỡ tay đánh vỡ chiếc li. Nhân viên quầy rượu lập tức có mặt, bảo chiếc li này 50 ngàn đồng, qui định của nhà hàng chú phải bồi thường gấp ba. Trường hơi xấu hổ, một tay sờ tìm ví ở túi quần sau, một tay ra hiệu cho cô nữ nhân viên không nói nữa, cười nói chú sẽ bồi thường. Cô nhân viên nói, mời chú đi theo cháu. Trường đi theo cô ta vào phòng kế toán, chỉ người phụ nữ xinh đẹp và quí phái, nói đây là bà chủ của cháu. Bà chủ nhìn thấy Trường thì sững lại, làm dấu để cô nhân viên rời đi. Bà chủ thốt lên đúng một chữ “Trường”. Thật không ngờ, chủ Trung tâm Tư Hà Nguyên là Thuỳ. Trường quên mất mình là đương kim Chủ tịch, dịu giọng hỏi, sao em lại ở đây, em là chủ trung tâm này à? Thuỳ đáp, vâng đây là Trung tâm của em, nhấn mạnh hai chữ của em. Trường tỏ ra quan tâm, em bỏ dạy học từ bao giờ? Thuỳ đáp, mười năm rồi, mời năm lăn lộn với thương trường. Em ở luôn đây, trên tầng ba. Anh có muốn xem phòng của em không. Nói xong, không cần biết Trường có đồng ý hay không, Thuỳ bấm cửa thang máy, rồi bước vào. Trường buộc phải bước vào theo. Màu sắc chủ đạo trong căn phòng của Thuỳ là màu sen hồng. Hai người dừng lại ở giữa phòng. Thuỳ nói, cưới nhau được hai tuần thì sống li thân, Trường có biết vì sao không. Chắc chắn là không bao giờ, vì thâm tâm Trường không yêu Thuỳ. Còn Thuỳ luôn nghĩ đến Trường, vừa căm thù, vừa yêu. Tại sao yêu thì Thuỳ không giải thích được, căm thù thì Thuỳ biết rõ, Trường đã phá hỏng đời Thuỳ. Thuỳ vẫn rất đẹp, còn đẹp hơn xưa. Dường như thời gian bất lực trước người đàn bà này. Toả ra từ người Thuỳ một mùi lan rừng cuốn hút, quyến rũ. Bây giờ Thuỳ có nói gì cũng không làm cho Trường giận nữa, chỉ có mùi của Thuỳ làm con người đàn ông của Trường thức dậy. Thùy nói, ngày ấy chỉ có một từ Trường nói mà làm hỏng một đời đàn bà của Thuỳ, có dám nhắc lại không? Thuỳ chỉ chiếc giường trải ga màu sen hồng, chăn gối cũng màu sen hồng nói, chiếc giường này chưa có thằng đàn ông nào bén mảng đến được, Thuỳ đợi cũng không uổng công. Hơn hai mươi năm mới gặp lại Thuỳ, Trường đã tuổi ngoài bốn mươi, mải vun vén theo quan lộ khiến anh dường như quên mất sắc dục, giờ như sau một giấc dài tỉnh dậy. Đúng lúc Thuỳ hỏi có dám nhắc lại một chữ ấy không, Trường nói như chém một nhát rựa vào đá “Cởi!”. Chưa có cuộc làm tình nào dai dẳng, mạnh mẽ lên đỉnh như vậy, khiến Trường tựa như lần đầu mới được ngộ ra. Thuỳ đưa Trường đi cửa riêng tới một phố vắng, nơi có chiếc tắc xi đợi sẵn. Về đến nhà khách, thay quần áo ném vào máy giặt, trầm mình xuống bể tắm nước nóng có máy mát xa, Trường thấy người sảng khoái và tỉnh táo. Chuông điện thoại reo vang. Trường với điện thoại, bật nút nghe. Giọng của Thuỳ. Anh có khoẻ không, Thuỳ hỏi rồi nói thêm, em có làm anh thỏa mãn không. Trường cất giọng uể oải đáp, anh vừa về đến nhà, thầm nghĩ mình phải tránh xa người đàn bà này, liền lên giọng nói to, cửa không khoá, mời vào. Đầu dây bên kia im lặng một lát rồi tắt máy. Đấy là chuyện xảy ra cách đây ba tháng. Trường cầm cuốn sổ bìa xanh trong tay ngẫm nghĩ. Giao nộp bức thư tố cáo nặc danh và quyển sổ cho cơ quan nào? Cơ quan nào thì sớm muộn trong ngày cũng đến tai Mãn, lập tức một mặt trận chống Trường sẽ hình thành, năm người có tên sẽ liên kết lại. Chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo? Họ sẽ gặp chồng Thuỳ nói chuyện, gây áp lực để gã từ chối, nói không hề có chuyện đó. Chuyện ấy sẽ nhùng nhằng kéo dài theo chiến thuật “lâu cứt trâu hoá bùn”. Lúc đó “mặt trận số 5” sẽ phản đòn, tin đồn sẽ âm ỉ lan truyền, nói Trường với Thuỳ quan hệ bất chính. Một đồn mười, mười thành một trăm, trăm thành nghìn, giả sẽ biến thành thật, đến kì lấy phiếu tín nhiệm, kết quả thế nào, không cần chờ đến lúc đó Trường cũng biết. Trường có thể lưu giữ bản gốc, gửi bản sao lên Ban kiểm tra. Có hai khả năng xảy ra. Ban kiểm tra chuyển đơn tố cáo về cấp uỷ quản lí Trường. Việc đến đó coi như chấm dứt. Nếu Ban kiểm tra vào cuộc, chuyện có thể phức tạp hơn, nhưng việc tìm ra chứng cớ thật khó như mò kim đáy bể, trong cái trận đồ bát quái ấy, dĩ nhiên Trường sẽ bị vây hãm, thất trận là không tránh khỏi. Nếu Trường gặp trực tiếp nghi phạm là chồng Thuỳ, thuyết phục để gã nhận đứng ra tố cáo, đối chất, kết quả sẽ thế nào? Sẽ chẳng sao cả. Bí thư Mãn sẽ phủ nhận, một ai đó cùng kì lí sẽ nói là vay mượn cá nhân, sẽ trả lại. Một mớ bòng bong. Mà đã đi bằng con đường tổ chức, Trường không thể ném đá giấu tay, phải công khai, minh bạch. Chuyện đó, giả thử Trường có thắng, giả thử thôi nhé, thì anh cũng không thể ngồi lại địa phương, phải biến đi nơi khác. Nhưng nơi nào sẽ chấp nhận anh, một kẻ mang tiếng chuyên gây mất đoàn kết nội bộ. Không có. Anh sẽ thất bại toàn tập. Hết đường sao? Vẫn còn một con đường khác có thể đi, báo chí. Nhà báo luôn có cách để khui vấn đề, nhưng nhà báo đến rồi đi, không có sức để theo vấn đề đến cùng. Trường không thể đi theo nhà báo. Anh cần phải ở lại địa phương, “mặt trận số 5” sẽ không để anh yên. Anh làm sao sống. Chuông điện thoại lại reo. Reo mãi. Trường sẽ trả lời Thuỳ thế nào? Anh mở chiếc ví nhiều ngăn, lựa lấy ra một đồng tiền nhôm được phát hành từ thời Lê Đức Thuý giữ chân Thống đốc, lẩm bẩm ta sẽ gieo một quẻ, nếu được mặt Quốc huy ta trả lời cô ấy sẽ giao cho Viện kiểm sát nghiên cứu, mà nghiên cứu thì cần thời gian, còn không thì trả lại để cô ấy tìm con đường khác. Có vẻ nhẫn tâm, nhưng… Đến đó thì Trường ngừng bặt. Trường dùng hai bàn tay ấp đồng xu một lúc cho nóng, rồi tung lên. Đồng xu rơi xuống nền nhà xoay tít, sau đó từ từ lăn vào gầm giường, biến mất tìm không ra. Ngày 6/8/21 H.P.P.