Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2024

Iran – đức tin ở một đất nước thần quyền

Hồ Anh Thái

 

Cánh cửa vào Iran hầu như đóng chặt với thế giới bên ngoài. Như vậy là tạo ra một khoảng trống về thông tin, tạo điều kiện cho người bên ngoài lấp đầy khoảng trống bằng ngộ nhận, bằng võ đoán, bằng những đồn đại về nguy cơ, đặc biệt là nguy cơ tôn giáo. Quả thật Iran là một quốc gia Hồi giáo, nhưng Hồi giáo ở Iran cũng có những điểm khác biệt với nhiều nước. Đó là phạm vi khảo sát của bài biên khảo này.

Người theo đạo Hồi chiếm 99,4% trong khoảng 88 triệu người Iran (số liệu cập nhật năm 2021). Trong số đó, 90% người theo dòng Shia, số còn lại theo dòng Sunni. Vì vậy, chính thể Hồi giáo của Iran là chính thể hiếm hoi trên thế giới theo dòng Shia. Hiến pháp quy định tự do tín ngưỡng, mọi tôn giáo bình đẳng trước pháp luật. Nhưng trong một số hoàn cảnh, người nước ngoài nếu tự nhận mình là vô thần, hoặc theo thuyết bất khả tri, thì sẽ gây ra sự khó hiểu một cách không cần thiết.

Luật Hồi giáo cấm uống rượu. Người theo đạo Hồi cũng kỵ thịt lợn, tiết động vật và bất cứ thịt động vật nào không được xử lý theo quy cách tôn giáo. Thực phẩm sạch được giết mổ theo quy định tôn giáo gọi là thực phẩm halal. Người Hồi giáo không ăn thịt lợn vì lợn bị coi là giống vật bẩn thỉu, không phải bởi lý do chuồng trại mà vì lối sống tạp giao của chúng.

 

image

Nhà văn Hồ Anh Thái trong lăng Imam Reza, tại Mashhad, thành phố thiêng nhất của dòng Hồi giáo Shia ở Iran, 2012.

Từ chiếc nôi đến tuổi trưởng thành của Hồi giáo

Trong tất cả các tôn giáo ở châu Á, Hồi giáo là tôn giáo trẻ tuổi bậc nhất và phổ biến bậc nhất. Hồi giáo chiếm địa vị độc tôn ở vùng Bắc Phi và Tây Á, là tôn giáo chính ở các nước Đông Á và Nam Á như Bangladesh, Malaysia, trong đó Indonesia là nước có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất thế giới, gần 250 triệu tín đồ. Đứng thứ hai là Pakistan với hơn 243 triệu tín đồ. Cộng đồng Hồi giáo ở Ấn Độ có khoảng 200 triệu tín đồ, đứng thứ ba trên thế giới.

Quê hương của Hồi giáo không ở Ba Tư mà ở phía bên kia vịnh biển, trên bán đảo Arab. Giáo chủ Mohammed, người sáng lập Hồi giáo, sinh năm 570 tại Mecca, nay thuộc Saudi Arabia. Năm 610, ông tuyên bố mình được đấng Allah (Chúa Trời, Thượng Đế) khai minh. Cuộc tiếp xúc này với Thượng Đế và những lần sau đó, được ông truyền giảng lại và đồ đệ của ông soạn thành cuốn kinh Koran. Thực hiện sứ mệnh của mình, Mohammed bắt đầu giảng đạo và lấy Mecca làm trung tâm. Tín đồ Hồi giáo là những người theo thuyết đơn thần một cách nghiêm ngặt, chỉ coi Allah là đấng tối cao, không công nhận một thần thánh nào khác. Họ cho rằng nhận thức thánh thần thông qua hình ảnh là tội lỗi (không được vẽ hình Chúa Trời, hình Mohammed và hình con người nói chung). Giáo huấn của đạo Hồi liên quan chặt chẽ với kinh Cựu ước. Jesus Christ và Moses cũng được coi là những đấng tiên tri của đạo Hồi, mặc dù Jesus không phải là con của Chúa Trời.

Năm 622, Mohammed và các tín đồ phải bỏ chạy khỏi Mecca vì đối đầu với chính quyền địa phương. Theo cách nhìn của tín đồ Hồi giáo thì sự ra đi này đánh dấu cuộc dấn thân lên đường đi tới chinh phục đức tin của thế giới. Vì vậy lịch Hồi giáo được bắt đầu từ năm 622, gọi là A.H. (Anno Hegirae, nghĩa là năm Hijra – di cư). Mohammed và tín đồ chạy đến “thành phố ánh sáng” Medina, từ đó liên tiếp gần mười năm, họ thực hiện nhiều cuộc tấn công vũ trang vào chính quyền và giới thương nhân trong khu vực. Đến năm 630 thì lực lượng đã lớn mạnh, hơn 10.000 quân của Mohammed quay lại chiếm được Mecca. Mohammed qua đời năm 632, nhưng chỉ trong vòng hai thập kỷ, đạo Hồi đã được truyền bá rộng rãi trong thế giới Arab.

Tín ngưỡng đạo Hồi còn đi xa hơn phạm vi tín ngưỡng của một tôn giáo ở chỗ kêu gọi các tín đồ: khi cần thiết, hãy dùng cả thanh kiếm để truyền giáo và bảo vệ đạo. Trong thời cực thịnh, đạo Hồi đã phát triển qua ba lục địa. Người Arab, những tín đồ đầu tiên của đạo Hồi, nổi tiếng là tàn bạo nếu ai đó chống lại họ, nhưng cũng là những ông chủ công bằng nếu người ta chịu quy phục. Vì vậy ở nhiều nơi, dân chúng cho rằng tốt hơn hết là chịu đầu hàng. Bằng cách này, tín đồ đạo Hồi đã đè bẹp sự chống trả của đế chế Byzantine (Thổ Nhĩ Kỳ, khi ấy còn gọi là La Mã ở phương Đông) đang mục nát, có một ông vua theo đạo Thiên Chúa, và không được dân chúng ủng hộ.

Đạo Hồi sang phương Tây trong khoảng một trăm năm, rồi bị đẩy lùi ở Poitiers (Pháp) năm 732. Nhưng đạo Hồi tiếp tục lan tràn khắp phương Đông, kéo dài hàng thế kỷ. Hồi giáo khôi phục đế chế Ba Tư, nhưng đế chế này đã suy tàn sau những cuộc chiến tranh triền miên với người Byzantine.

Năm 711, người Anh đến Tây Ban Nha, cùng lúc cho tàu buôn kéo đến sông Indus ở Ấn Độ. Đây là một cuộc tập kích ngẫu nhiên hơn là một cuộc chinh phục quy mô. Nhưng đến thế kỷ XII, toàn bộ miền bắc Ấn Độ rơi vào tay đạo Hồi. Cuối cùng, một đế chế của các hoàng đế Moghul (theo đạo Hồi) đã thống trị hầu khắp tiểu lục địa Ấn Độ. Từ đây, đạo Hồi được người Ấn Độ truyền bá sang Đông Nam Á.

 

image Quần thể đền thờ ở Qom, quê hương giáo chủ Khomeini, người lãnh đạo cách mạng Hồi giáo 1979 của Iran

Huynh đệ chia rẽ – những dòng chính của Hồi giáo

Ngay từ thời kỳ đầu, trong đạo Hồi đã có chia rẽ và các giáo phái tồn tại cho đến ngày nay. Năm 656, Caliph (vị quân vương Hồi giáo) thứ ba, tên là Uthman, người nối nghiệp của ngôn sứ Mohammed, bị con rể là Ali giết chết và thế chân. Năm 661, Ali bị Suria ám sát và Suria tự phong là Caliph. Hầu hết tín đồ đạo Hồi hiện nay thuộc dòng Sunni, tín đồ của Caliph này. Số còn lại là dòng Shia, tín đồ theo Ali. Đạo Hồi có nhiều giáo phái, trong đó Sunni và Shia là hai dòng lớn.

Sunni là dòng chính thống, lớn nhất, chiếm đa số ở hầu hết các nước theo đạo Hồi. Chữ Sunni xuất phát từ thuật ngữ tiếng Arab có nghĩa là “người của truyền thống và giáo hội”, hàm ý thuộc về ngôn sứ Mohammed. Nó cũng hàm nghĩa “tập quán” và “thực hành thường xuyên”, để nhắc nhở đến giáo huấn và tập quán của Mohammed sinh thời.

Shia là dòng lớn thứ hai, tách ra từ Hồi giáo nguyên thủy. Shia là chữ viết tắt, nghĩa là “đồ đệ của Ali”, “dòng Ali”. Người theo dòng Shia gọi là Shiite, tin rằng Ali (em họ và là con rể của Mohammed) là Đức thánh nhân Imam đầu tiên (trong hệ thống mười hai Imam), là người kế tục thực sự của Mohammed. Vì vậy Ali là người quan trọng thứ hai, sau Mohammed. Shia hiện chỉ chiếm đa số ở một số nước: ở Iran: khoảng 89% dân số, ở Iraq: 65-70%, Bahrain: 70%, Azerbaijan: 65-75%.

Sufi là dòng Hồi giáo đặc biệt, sản phẩm thần bí của Hồi giáo Iran, còn gọi là mật tông Hồi giáo. Dòng Sufi cho rằng Chúa Trời là ngọn đèn sáng ở trong tâm của tín đồ và tâm phải đủ trong để có thể tiếp nhận nguồn sáng này. Linh hồn con người tách rời với Đấng Sáng Tạo, luôn tha thiết tìm về nguồn, để rồi khi tìm được, linh hồn lại tan hòa vào trong lòng Đấng Sáng Tạo. Các giáo sĩ và tín đồ Sufi thường tìm đến nơi vắng vẻ để hành lễ và họ nổi tiếng với vũ điệu quay tròn để hòa nhập linh hồn vào với Thượng Đế. Ngày nay người ta có thể xem các nghệ sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tái hiện vũ điệu quay tròn này trong những chương trình biểu diễn cho du khách.

Dòng Sufi cũng chia thành nhiều nhóm và không xung khắc với Sunni và Shia. Tuy nhiên ở Iran, dòng này bị kỳ thị, thậm chí bị coi là mê tín và phi pháp, nhiều khi bị quấy rầy và bị lùng bắt. Một số thi sĩ và nhà tư tưởng của Ba Tư có xu hướng thần bí Sufi là Rumi, Saadi, Hafez, Sohrevardi, Ghazali, Attar.

Nhánh hồi giáo thập nhị giáo chủ của dòng Shia

Dòng Hồi giáo Shia chia làm nhiều nhánh, nhưng nhánh Mười hai Imam là giáo phái đông tín đồ nhất, chiếm đa số ở Iran. Tín đồ của nhánh này tin rằng sau khi ngôn sứ Mohammed qua đời, sự dẫn dắt tinh thần đúng đắn được truyền cho mười hai ngôn sứ kế tục, gọi là mười hai Imam. Imam có nghĩa là người dẫn lối hoặc là bậc thánh nhân.

Ở Iran, tín đồ thường chỉ tưởng niệm ba vị Imam chính:

1 – Ali, Imam đầu tiên (600-661).

2 – Hossein, Imam thứ ba (626-680).

3 – Reza, Imam thứ tám (765-818): vị duy nhất (trong số mười hai Imam) qua đời ở Iran và được an táng tại thành Mashhad. Vì thế, Mashhad trở thành thành phố thiêng nhất của người Hồi giáo Iran và dòng Shia trong khu vực Trung Đông.

Trong số mười hai Imam, lễ tưởng niệm Imam Hossein là ấn tượng nhất. Tín đồ Hồi giáo Iran làm lễ tưởng niệm Đức Imam trong mười ngày, đỉnh cao là ngày thứ mười, gọi là Ashura. Năm 680 vào tháng Moharram (khoảng đầu tháng 12) Imam Hossein và 72 tín đồ bị bao vây suốt mười ngày tại Karbala, ngày nay thuộc Iraq, rồi bị tàn sát vào ngày thứ mười. Lễ Ashura thường được tổ chức khắp các phường xã. Trong những ngày này, ngay cả tại công sở, tín đồ để tang bằng y phục màu đen. Họ tham gia những cuộc diễu hành trên đường, dùng dây xích đầu có dao nhọn tự quất vào người mình đến chảy máu và than khóc thật sự. Có người còn đi chân trần trên than cháy đỏ và khiêng mô hình quan tài Imam Hossein, gọi là Tazia. Hành động tử vì đạo của mười hai Imam có ảnh hưởng lớn đến tinh thần hy sinh quên mình của tín đồ Hồi giáo Iran, đặc biệt là trong chiến tranh hiện đại như trong cuộc chiến với Iraq 1980-1988.

Vị Imam thứ mười hai có một tung tích bí ẩn. Ngài tên là Mahdi, còn được gọi là Valiasr, nghĩa là “Người dẫn lối của thời đại”. Sinh năm 868, ngài bắt đầu rút vào ở ẩn từ năm lên sáu tuổi, năm 874, rồi tiếp tục làm người dẫn lối cho tín đồ Shia đến tận ngày nay. Người ta tin rằng Imam Mahdi rốt cuộc sẽ trở lại trần thế, có Đức Jesus đi cùng, để dẫn dắt thế gian đến với hòa bình và chính đạo.

Tín đồ Shia tin rằng chỉ có các vị Imam mới có thể giảng giải kinh Koran, còn giới giáo sĩ là đại diện cho các Imam nơi trần thế cho đến khi Đức Imam ẩn tu trở lại với thế gian. Giáo chủ Khomeini (1900-1989) sau khi mất cũng được kính cẩn gọi là Imam.

Những cột mốc của Hồi giáo Iran

Hồi giáo chính thức xuất hiện tại Iran vào khoảng năm 640, tuy nhiên vài trăm năm sau đó, dòng Shia mới tập hợp thành đa số, trở thành một thế lực tôn giáo và chính trị ở Iran. Hiện tại Iran là quốc gia Hồi giáo do dòng Shia cầm quyền.

Trong lịch sử Hồi giáo dòng Shia, quốc gia đầu tiên có Shia chiếm đa số là Idrisid (nay là Morocco và Algeria). Khi lên ngôi ở Iran, triều đại Alavid (864-928) đã lấy Hồi giáo Shia làm tôn giáo chính (theo hệ Năm Imam – Fiver). Hồi giáo Shia sau đó truyền sang Iraq cho đến năm 1048, thời kỳ Hồi giáo dòng Sunni lên nắm quyền, dưới triều đại Qaznavid (962-1140). Năm 1301, vua Mông Cổ lúc đó là Ghazan cải sang Hồi giáo Shia thì Iran mới chính thức coi Shia là quốc đạo.

Thế kỷ VII, một số tín đồ Hồi giáo thuộc bộ lạc Ashari từ Iraq di cư vào Iran, đến thành phố Qom, đặt nền móng cho Hồi giáo Shia ở Iran.

Thế kỷ XI và XII: dòng Shia truyền thống ở Baghdad và Najaf, thuộc Iraq ngày nay, ảnh hưởng mạnh đến Iran.

Thế kỷ XIV: Iran chịu ảnh hưởng của hệ tư tưởng Hillah.

Thời kỳ triều Safavid trị vì (1502-1629): Iran chịu ảnh hưởng dòng Shia của Jabal Amel và Bahrain. Khi đó Ismail I đã chiếm thành Tabriz vào năm 1501 và thành lập triều đại Safavid, tuyên bố Hồi giáo hệ Mười hai Imam là quốc giáo, buộc tín đồ dòng Sunni cải sang Shia và giết hàng nghìn người không theo Shia. Ismail đưa những giáo sĩ Shia từ Bahrain, Iraq, Syria, Libăng vào truyền giáo và muốn truyền sang cả bộ lạc Turkmen, do đó đã gây chiến với đế chế Ottoman của Thổ Nhĩ Kỳ. Đến thời kỳ sau, Tahmasb củng cố vương triều Safavid và truyền bá rộng rãi Shia ra khắp Iran. Dưới thời đại vua Abbas I, Iran phát triển dòng Shia đến tầng lớp quý tộc, còn giáo sĩ Allamah al-Majlisi đã làm cho Shia trở nên đại chúng (1680-1698).

Từ đó, qua nhiều thăng trầm, dòng Shia ở Iran vẫn theo đuổi tư tưởng Mười hai Imam. Chính tư tưởng Mười hai Imam đã đóng vai trò quan trọng làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng Hồi giáo năm 1979, lật đổ vua Pahlavi và đưa đất nước Iran đi theo hình thái Cộng hòa Hồi giáo. Lãnh tụ tối cao lúc đó là giáo chủ Khomeini đã kêu gọi đoàn kết giữa Sunni và Shia để không tạo ra sự thù địch giữa hai dòng của nội bộ Iran. Nhưng trên thực tế, dòng Sunni vẫn ở trong tình trạng bị lấn át.

Trong số mười hai Imam, chỉ có một mình Imam thứ tám là Imam Reza được táng tại thành phố Mashhad. Những Imam khác có lăng mộ ở Iraq và Saudi Arabia. Người theo dòng Sunni chiếm khoảng 10% dân số Iran – phần lớn là người Turk, thiểu số Arab ở Hormozgan, người Balooch, người Kurd ở các tỉnh biên giới của Iran. Trong quốc hội cũng có một ít nghị sĩ theo dòng Sunni.

Ngoài ra, tại Iran hiện nay còn có khoảng 2 đến 5 triệu tín đồ Hồi giáo dòng Sufi, không được khuyến khích về mặt tôn giáo.

Năm đại trụ của Hồi giáo

1 – Phải tuyên thệ rằng “Không có thần thánh nào khác ngoài Đức Allah, và Mohammed là ngôn sứ của Người” (La ilaha illa Allah, Mohammed rasul Allah – There is no God but Allah and Mohammed was his Prophet). Lời tuyên thệ này có thể được coi như là lời thề khi gia nhập một chính đảng. Lời tuyên thệ phải được nói một cách kính cẩn và thành thực, không phải do ép buộc. Ý nghĩa của tuyên thệ là tin rằng mục đích duy nhất của cuộc đời là phục vụ Đức Chúa Trời và tuân phục Chúa Trời. Việc tuân phục này được thực hiện bằng cách noi gương ngôn sứ Mohammed, người vẫn luôn dẫn dắt toàn thể nhân loại, cho đến ngày phán xử cuối cùng.

2 – Mỗi ngày cầu kinh Koran năm lần. Người theo dòng Shia có thể chỉ cầu kinh ba lần. Cầu kinh là nghĩa vụ của con người trước Đức Allah. Cầu nguyện củng cố và thúc đẩy đức tin vào Chúa Trời, tạo cảm hứng cho con người hướng đến đạo đức. Cầu nguyện để thanh lọc tâm hồn, ngăn chặn cám dỗ dẫn đến cái ác và làm việc xấu. Đàn ông nên cầu nguyện ngày năm lần tại nhà thờ, giữa giáo đoàn. Phụ nữ có thể cầu nguyện ở bất cứ đâu thuận tiện. Giáo đường là nơi trong sạch dành cho việc cầu nguyện. Giáo đường trên thế giới thường có những nét kiến trúc khác nhau, phù hợp với bản địa.

3 – Nhịn ăn uống vào ban ngày, trong tháng Ramadan (tháng thứ chín của lịch Hồi giáo). Người Hồi giáo phải nhịn ăn uống và tính dục, từ lúc mặt trời mọc đến lúc mặt trời lặn. Việc nhịn ăn nhằm tránh những ý đồ và ham muốn xấu xa. Nhịn ăn chủ yếu để dạy cho người ta lòng từ bi, thành thật và đức hy sinh, thúc đẩy ý thức xã hội, đức khoan dung, sự quên mình, đồng thời tăng cường sức mạnh ý chí. Nó còn giúp cho người khá giả đồng cảm với khó khăn của người nghèo.

4 – Làm từ thiện hoặc bố thí. Người Hồi giáo có bổn phận mỗi năm dành ra từ 2,5% đến 10% thu nhập cá nhân để làm từ thiện. Đây là cách để thực hiện nghĩa vụ tôn giáo và làm trong sạch tài sản mà mình kiếm được. Khoản tiền được trao trực tiếp cho người nghèo trong cộng đồng. Người Hồi giáo có nghĩa vụ giúp đỡ người nghèo, trẻ mồ côi để giảm bớt bất công.

5 – Trong đời người, phải hành hương đến Mecca hoặc một thánh địa đạo Hồi khác. Gần 1.400 năm qua, những cuộc hành hương Hajj đã tạo dựng tinh thần huynh đệ Hồi giáo. Người Hồi giáo đến Mecca ở Saudi Arabia để kính cẩn cầu nguyện trước Ka’bah, được coi là ngôi nhà của Chúa Trời. Vào dịp hành hương này thường có khoảng ba triệu người khắp thế giới đến, vây quanh Ka’bah để cầu nguyện. Những người đã hành hương đến Mecca trở thành Haji (người đã đến Mecca, đã đắc đạo).

Kinh Koran là vật thiêng trong mọi nhà

Kinh Koran, còn phiên âm là Quran, bằng tiếng Arab với khuôn khổ chuẩn gồm 600 trang, 114 chương, 6.236 câu thơ. Độ dài của từng chương không đều nhau. Chương dài nhất có 286 câu, chương ngắn nhất chỉ có 3 câu.

Toàn bộ văn bản được coi là bản kinh thiêng cuối cùng của Chúa Trời, do Đại Thiên sứ Gabriel khải thị truyền xuống cho ngôn sứ Mohammed vào năm 610, khi Mohammed bốn mươi tuổi. Việc khải thị kéo dài hai mươi hai năm, cho đến khi Mohammed qua đời năm 632.

Mohammed không phải là người có chữ, như truyền thống của nhiều triết gia thời ấy. Vì vậy các tín đồ đã ghi nhớ những lời ông được khải thị và chép lại thành sách. Hai năm sau khi Mohammed qua đời, vị quân vương Hồi giáo đầu tiên Caliph Abu Bakr đã soạn thành sách Koran, làm cơ sở cho những văn bản Koran được phát hành trong các phố thị Hồi giáo dưới thời Uthman, vị Caliph thứ ba. Văn bản kinh Koran được giữ gìn cẩn thận và tồn tại nguyên bản cho đến ngày nay.

Kinh Koran tạo ra một truyền thống thư pháp, sáng tạo ra mẫu chữ đẹp để chép lại những vần thơ trong Koran. Có nhiều trường phái thư pháp khác nhau ở nhiều nước, tất cả đều sáng tạo trên mẫu tự Arab, nhưng nhiều người cho rằng trường phái thư pháp Thổ Nhĩ Kỳ đẹp bậc nhất: “Kinh Koran được khải thị ở Mecca, được đọc lên hay nhất ở Ai Cập, và được viết ra đẹp nhất ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ” (The Koran was revealed in Mecca, read in Egypt, and written in Istanbul).

Bên cạnh vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca, Koran còn miêu tả những hiện tượng tự nhiên như thiên văn học, địa chất học… Thông điệp chính của Koran là kêu gọi con người hãy hướng về Cội nguồn của mọi chúng sinh và Đấng trao tặng sự sống bằng tấm lòng trong sáng, không thờ thần tượng và không mê tín. Koran bác bỏ khái niệm cứu rỗi từ bên trên và bác bỏ đặc quyền cho một thiểu số người, một chủng tộc, một sắc dân. Sự cứu rỗi tinh thần chỉ đạt được bằng nỗ lực sửa chữa lỗi lầm của bản thân và thành thật quyết tâm không lặp lại sai lầm. Đạo Hồi không quan niệm có một địa vị giáo sĩ chính thức, và danh xưng Imam chỉ đơn giản là người có học hướng dẫn tín đồ cầu nguyện. Người có lỗi chỉ cần trực tiếp xưng tội trước Đấng Allah.

Nhìn chung Koran là sự hướng dẫn bao quát cho tất thảy con người, không đặc biệt dành riêng cho một loại người nào, không riêng cho một nơi chốn hoặc một thời đại nào. Bản kinh khích lệ con người suy tư về chính mình, về sự tồn tại, về những giá trị do chính mình tạo nên: về hạt giống gieo trồng, về cơm ăn áo mặc, về những hiện tượng tự nhiên… Koran nhấn mạnh rằng tri thức và lý trí là con đường hữu hiệu dẫn đến đức tin và ý thức về Chúa Trời.

Nhìn chung kinh Koran đòi hỏi con người có những hành động đúng đắn, và nghiêm cấm làm điều ác bằng cách chỉ ra một con đường ngay thẳng trong cuộc sống. Sách cũng mang đến câu trả lời cho những câu hỏi cơ bản về sự tồn tại từ nay về sau, và ý nghĩa cuộc sống. Koran cũng là khuôn khổ cho sự tồn tại của cá nhân, về môi trường, về xã hội và tổng thể của sự sáng tạo.

Trong kinh Koran có mười điều răn mà tín đồ phải ghi nhớ suốt đời:

  1. Chỉ tôn thờ một đấng Chúa Trời (Allah).
  2. Kính trọng cha mẹ.
  3. Tôn trọng quyền của mọi người.
  4. Làm từ thiện và bố thí cho người nghèo khó.
  5. Không giết người, trừ hoàn cảnh bắt buộc.
  6. Không được ngoại tình.
  7. Che chở và trợ cấp cho trẻ mồ côi.
  8. Xử sự công bằng với mọi người.
  9. Tâm và trí phải trong sạch.
  10. Duy trì một cuộc sống khiêm tốn.

Các tổ chức Hồi giáo cấp tiến khuấy động quần chúng

Có một số tổ chức Hồi giáo cấp tiến tại Iran, song không có nhiều hoạt động. Mỗi khi có bầu cử tổng thống hoặc quốc hội, các tổ chức này đứng ra tổ chức hoạt động tuyên truyền, sử dụng cờ đèn kèn trống kêu gọi mọi người theo dòng Shia có nghĩa vụ với đất nước, kêu gọi ủng hộ lãnh tụ tối cao, không đi chệch hướng, có các bài phát biểu ca ngợi dòng Shia ở Iran. Các tổ chức này không có nhiều thành viên.

Tại Iran, quyền lực tuyệt đối nằm trong tay lãnh tụ tối cao, mặc dù về lý thuyết, tôn giáo và chính trị tách rời nhau. Do đó, các tổ chức tôn giáo cấp tiến đều được định hướng và phục tùng tuyệt đối lãnh tụ tối cao. Bên cạnh đó, họ cũng không có nhiều vấn đề và lĩnh vực để hoạt động.

Vì vậy hoạt động chủ lưu vẫn là các lãnh tụ hồi giáo, chính thể thần quyền, quân đội, Vệ binh Cách mạng cùng các đoàn thể. Đó là phạm vi của một bài nghiên cứu khác.

(Rút từ tập Salam! Chào xứ Ba Tư,

tập biên khảo của Hồ Anh Thái, NXB Trẻ 2014)