Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 29 tháng 5, 2019

Cảm nhận khi đọc bài Nghĩ từ một sự ra đi

Lê Học Lãnh Vân

Bài NGHĨ TỪ MỘT SỰ RA ĐI của anh Lê Nguyễn viết về thi sĩ Tô Thùy Yên giã từ cõi tạm (Fb Lê Nguyễn, ngày 27/5) có đoạn:

Một người bạn Facebook đã bất chợt viết về tôi “ …đất nước thống nhất, anh ở lại trên quê mình, chấp nhận thân phận bên thua cuộc, tiếp tục cuộc sống người dân khiêm tốn và chân thành phụng sự đất nước mà anh tin rằng ngày càng khá hơn… Nhưng mà, buồn kia anh giấu được ai đâu, lòng anh ngày càng đau khi thấy các giá trị một thời nay xa vắng“ (HVan Le). Đọc đến đó, tôi giật mình, chỉ là trong buổi sơ giao, sao anh có cái nhìn thấu suốt tâm can của người trong cuộc?

Người bạn Facebook đó là người viết bài này. Chúng tôi chưa gặp mặt nhau, nhưng các bài viết trên trang Phây của anh Lê Nguyễn cho tôi cảm nhận ấm áp vì chúng thật lòng.

Tại sao cảm nhận những bài viết thật lòng? Vì tôi từng biết có những người cùng thời với anh Lê Nguyễn, cùng xuất thân từ hệ thống đào tạo như anh, cùng có kinh nghiệm và trải nghiệm các vị trí làm việc như anh... những người đó cũng có cùng suy nghĩ, tâm sự như anh.

Tại sao cảm nhận những bài viết thật lòng? Vì qua nhiều bài viết của anh, tôi thấy thứ tự của lập luận, của nhận xét, của tâm sự... đều theo trình tự hợp lý của tư duy và tình cảm.

Từ đó mà lần lần tôi có được “dung mạo” của anh Lê Nguyễn, một dung mạo không xa lạ với tôi, đó là dung mạo chung của những người lương thiện thuộc thế hệ chào đời trước sau thập niên 1940 – 1950, lớn lên và nhận sự đào tạo của nền giáo dục Miền Nam. Những người mà cuộc sống nghề nghiệp thường nhật của họ gắn liền với các giá trị Dân Tộc, Trung Thực, Ôn Hòa, Liêm Chính, Phụng Sự...

Tôi rất thương thế hệ anh Lê Nguyễn, thế hệ bị lớp sóng thời cuộc dìm sâu. Mang hoài bão, lý tưởng, một sáng bất đồ trắng tay khi cuộc đời và sự nghiệp đang tươi đẹp. Hai mươi mấy, ba mươi mấy tuổi, vào trại cải tạo năm bảy năm, khi bước ra thì gia đình cùng khổ, xã hội đảo lộn, đất nước ngả nghiêng, bạn bè ly tán...

Ta về như bóng ma hờn tủi
Lục lại thời gian kiếm chính mình
” (Tô Thùy Yên)

Thương nhất là các anh đối diện với thất vọng, nỗi thất vọng mênh mông!

Thất vọng không chỉ bởi bị đi học tập cải tạo, mà còn bởi tại sao phải đi học tập!

Thất vọng không chỉ bởi khổ cực trong trại học tập, mà còn bởi tại sao người Việt lại đối xử với nhau như thế!

Thất vọng không chỉ cho riêng mình, mà rộng hơn, cho cả xã hội bị quản lý bởi những chính sách ngược chiều phát triển như “cải tạo tư sản”, “ngăn sông cấm chợ”... Là người trí thức, các anh nhìn thấy rất rõ tương lai của xã hội bị quản lý như vậy đi về đâu. Nỗi đau của người hiểu biết mà chỉ có thể giương mắt nhìn tổ quốc thân yêu ngày càng suy kiệt, nỗi đau mới thực là thăm thẳm!

Với một số người trong các anh, nỗi đau càng sâu thì nhân tình càng đượm. Trên nền tri thức nhân bản, mầm xanh nẩy chồi. Màu xanh bao phủ, vượt lên mọi đày đọa, buồn đau... Tôi hiểu vì đâu mà sự thấu cảm và tình yêu anh Lê Nguyễn, cùng nhiều người khác, dành cho màu xanh và hoa của Tô Thùy Yên, người cùng hoàn cảnh và chịu nhiều vùi dập nhất, cũng là người trổ nên những đóa hoa đời trầm lắng và huyền ảo nhất trên thơ...

Ta về cúi mái đầu sương điểm
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi
(Ta Về, thơ Tô Thùy Yên)

Đóa hoa rung rinh trước ngọn gió ân tình và nhân tình

Ta về như lá rơi về cội
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay
Chút rượu hồng đây xin rưới xuống
Giải oan cho cuộc biển dâu này
(Ta Về, thơ Tô Thùy Yên)

Trong các khổ thơ của Tô Thùy Yên, tôi nhớ khổ trên đây nhất. Quanh Bếp lửa nhân quần ấm áp thi sĩ nhóm lên, những người bạn cũ và bạn chưa quen, bạn cùng lứa và bạn vong niên, bạn khắp ba miền đất nước, bạn xuất thân từ cả hai phe trong cuộc chiến tương tàn ngày trước... giờ đây thành tâm Chút rượu hồng đây xin rưới xuống, Giải oan cho cuộc biển dâu này!

Có những người cảm nhận các câu trên ở một cấp độ siêu thoát hơn, vượt trên những khổ đau, suy tưởng thông thường của cá nhân, vùng miền, phe phái... Cho dù vậy thì tôi nghĩ chỉ có tâm thế đó mới đủ sức thuyết phục một sự cùng ngồi xuống giải oan cho cuộc biển dâu quá lớn này. Cuộc biển dâu đã nhấn chìm dân tộc trong vòng xoáy xung đột giữa những thế lực thù địch vốn là đồng bào của nhau! Người kêu gọi đã đi xa, những người còn ở lại nghĩ gì? Chừng nào Oan mới được Giải trên quê hương yêu dấu của tất cả chúng ta?

Anh Lê Nguyễn thân, đã cùng ngồi quanh bếp lửa, sao mà chúng ta không nhìn thấy tâm can của nhau? Chỉ cần những chữ Nhân Bản, Dân Tộc, Thành Tâm, chúng ta dễ nhìn tấm lòng qua đôi mắt của nhau, phải không anh?

Ngày 27 tháng 5 năm 2019