Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 1 tháng 5, 2018

Dưới gầm cầu dịch thuật (3)

Phạm Thị Hoài


Trung thành và trung lập

Thử hình dung câu hỏi sau đây trong trò chơi truyền hình “Ai là triệu phú” phiên bản tiếng Việt: Chuyên chính vô sản là A: sự chính chuyên của giai cấp vô sản; B: đức tính chuyên cần, chính trực và không sở hữu tài sản của người cách mạng; C: chính quyền chuyên sâu của người vô sản; D: chế độ độc tài của giai cấp vô sản.

Tôi tin rằng phần lớn khán giả sẽ chọn A, người trợ giúp qua điện thoại sẽ chọn B, tổ tư vấn ở trường quay sẽ chọn C, và máy tính sẽ loại bỏ hai phương án sai, trong đó có D. Rồi một cái đầu ở một cấp trách nhiệm nào đó sẽ lăn. Mạng xã hội sẽ có vài ngày đổi món. Các chuyên gia mác-xít sẽ đi tìm đáp án. Muốn thế nào, chuyên chính không thể là độc tài. Xuân Diệu làm bài thơ “thẳng thắn ngợi ca nền chuyên chính” chứ không ngợi ca nền độc tài. Hồ Chí Minh chủ trương “Dân chủ với nhân dân, chuyên chính với kẻ thù” chứ không “độc tài với kẻ thù”. Công an Việt Nam là công cụ chuyên chính sắc bén của Đảng chứ không là công cụ độc tài sắc bén. Lê Duẩn nói rất rõ: không cho phép ai đi ngược đường lối, ai chống thì bị bắt, đó là chuyên chính; và giương cao ngọn cờ “Nắm vững chuyên chính vô sản, phát huy quyền làm chủ tập thể” chứ không “Nắm vững độc tài vô sản”.


duoi-gam-cau-dich-thuat

Khái niệm gốc, Diktatur des Proletariats, của Marx và Engels hoàn toàn có thể dịch là “nền độc tài của giai cấp vô sản”. Song phần lớn thuật ngữ mác-xít trong tiếng Việt được dịch qua ngả tiếng Trung, và ở đó, Diktatur của giai cấp vô sản là chuyên chính (专政), chứ không phải độc tài (独裁).

Tôi không dám khẳng định rằng nếu được dịch là độc tài thì lý tưởng cộng sản sẽ khó chinh phục lòng dân Việt, song trong văn cảnh tiếng Việt, chuyên chính mơ hồ hơn, gợi ấn tượng tích cực hơn, nhẹ nhàng hơn và đỡ đáng sợ hơn. Nó thậm chí dễ thương hơn chuyên chế, dù chuyên chính đơn giản là một chính thể chuyên chế. Như thể chuyên chính, chế độ chuyên quyền ăn chay, không khát máu như độc tài, chế độ chuyên quyền ăn thịt. Chuyên chế của địch là độc tài, chuyên chế của ta là chuyên chính. Như máy bay ta rơi không thể gọi là tan xác như máy bay địch, chỉ có thể gọi là bị tai nạn, mất tích, hay anh dũng hi sinh. Boat people với người Việt hải ngoại là thuyền nhân, báo chí Việt trong nước gọi họ là người vượt biên, trong khi vẫn dùng thuyền nhân để dịch boat people Ả-rập, Trung Đông, châu Phi, Miến Điện…   Dịch trung thành, theo nghĩa bám sát bản gốc, ở một chừng mực nhất định là khả thi, song dịch trung lập, về nguyên tắc là bất khả. Chuyên chính vô sản cũng trung thành với Diktatur des Proletariats như độc tài vô sản. Thánh chiến cũng trung thành với jihād như phấn đấu hay nỗ lực tâm linh, nhưng giữa chúng là một ranh giới dựng bằng thành cao hào sâu của tất cả những định kiến xã hội, lối mòn tư duy, câu thúc tư tưởng, áp lực của thời đại, ràng buộc của ngôn ngữ và quy định của môi trường văn hóa. Dịch giả, như mọi con người, là một pháo đài kiên cố và hiếm khi tự sụp đổ của những dấu ấn ấy chứ không phải là một sinh vật vô nhiễm ngồi thả lỏng xếp chữ trong một tháp ngà chân không. Hắn có thể đầy lòng thành tuân thủ lời răn trung lập thiêng liêng, song “translation is never innocent” (Marilyn Gaddis Rose), dịch chẳng bao giờ trong trắng. Nó là thao tác và thao túng.

Hóa thân và biến tướng

Trong một tiểu luận nhân 10 năm Cách mạng tháng Mười, nhà văn Nga lưu vong Nabokov bày tỏ sự ghê tởm trước một tính chất đặc biệt mà ông bắt gặp ở mọi thứ bôn-sê-vích. Trong bản tiếng Đức, tính chất đó gắn với chữ Spießbürger. Từ sự mùi mẫn, sự tẻ nhạt đến sự phẫn nộ và ngu xuẩn trong chế độ bôn-sê-vích, tất cả đều bốc lên cái mùi của Spießbürger. Trong bản dịch từ tiếng Đức, tôi dùng chữ phàm tục để chỉ tính chất ấy. Một người bạn rất thông thạo tiếng Nga đã đọc bản gốc tiếng Nga của tiểu luận này và lưu ý cho tôi những chi tiết chênh với bản dịch tiếng Việt từ tiếng Đức. Một trong các chi tiết đó đặc biệt thú vị, liên quan đến chữ Spießbürger nêu trên. Anh cho biết, bản gốc tiếng Nga dùng chữ мещанства, xuất phát từ мещанствo, tầng lớp thị dân hạng bét, thấp hơn thương nhân trong xã hội Nga thế kỉ 19, và từ đó gắn với những tính cách như nhỏ nhen, keo kiệt, không có quan điểm chắc chắn, vô trách nhiệm trước xã hội, coi vật chất là trên hết. Vì thế chữ phàm tục nên thay bằng ti tiện.

Bản tiếng Đức ở chỗ đó thực ra không chênh với bản gốc tiếng Nga. Spießbürger cũng là мещанствo, và cả hai đều có thể dịch là tiểu thị dân hay tiểu tư sản. Trong các tác phẩm mác-xít, SpießbürgerKleinbürger (tiểu thị dân) được dùng theo cùng một nghĩa. Trong tiếng Pháp, chữ Kleinbürger này tương ứng với petite bourgeoisie. Tiếng Trung dịch là 小資, tiểu tư sản, và tiếng Việt cũng theo tiếng Trung, như trong chuyên chính vô sản. (Trong Tuyên ngôn của Đảng Cộng sản, câu “Sie hat die heiligen Schauer der frommen Schwärmerei, der ritterlichen Begeisterung, der spießbürgerlichen Wehmut in dem eiskalten Wasser egoistischer Berechnung ertränktđược dịch là Giai cấp tư sản đã dìm những xúc động thiêng liêng của lòng sùng đạo, của nhiệt tình hiệp sĩ, của tính đa cảm tiểu tư sản xuống dòng nước giá lạnh của sự tính toán ích kỷ.”)

duoi-gam-cau-dich-thuat1

Như mọi khái niệm, Spießbürger đổi sắc thái với thời gian và đến nay đã mất hẳn nghĩa tích cực nguyên thủy thời Trung cổ, song hạt nhân của nó vẫn gắn với một quy mô có hạn, một trật tự có ngưỡng của những kiếp sống tầm tầm. Cái Ác ở đó cũng be bé như cái Thiện, ước mơ và thất vọng đều đo bằng gang tay, tất cả trong quy củ của sự yên ổn tầm thường, của những thang giá trị hẹp hòi và nền nếp thiển cận, của sự an phận xu thời và lòng hiềm khích tất cả những gì vượt ra ngoài khuôn khổ. Ở đó sự đê tiện quả thật có tầm vóc của ti tiện. Trong tiếng Việt, cách dịch chữ này tiện nhất là philixtanh. Và không phải qua Kinh Thánh mà chính là qua các tác phẩm của Marx và Engels, philixtanh có được một chỗ đứng nhất định trong từ vựng Việt hiện đại.

Tôi không thích phương án philixtanh, tức bệ nguyên một từ nước ngoài để dịch một từ nước ngoài khác, chỉ phiên âm kiểu Việt. Nhưng phương án tiểu tư sản cũng không ổn. Chúng ta biết rằng kẻ thù không đội trời chung của người cộng sản không phải là tư sản hay đại tư sản. Những thứ đó không đáng ngại, diệt gọn một đợt là xong. Tiểu tư sản mới là cơn ác mộng thực sự của các nhà cách mạng giai cấp, bởi đó không phải là một nhà băng để quốc hữu hóa đánh xoạch, không phải là một tài sản để tước đoạt cái rầm, không phải là một con người cụ thể để tống quách vào tù, mà là vấn đề của tư tưởng, phong cách, nếp nghĩ. Trong hàng loạt tác phẩm kinh điển của chủ nghĩa Mác-Lê, Lenin quất cho giai cấp này những đòn chí mạng. Ở Việt Nam, Hồ Chí Minh nhiều lần định nghĩa tư tưởng tiểu tư sản là chủ nghĩa cá nhân, tử thù của chế độ tập thể xã hội chủ nghĩa. Trong bài viết nổi tiếng “Đạo đức cách mạng” (1958), ông Hồ gọi đích danh “chủ nghĩa cá nhân, tư tưởng tiểu tư sản còn ẩn nấp trong mỗi người chúng ta” và chỉ “chờ dịp để ngóc đầu dậy” là một trong ba kẻ địch to nhất cản phá công cuộc cách mạng, là “bạn đồng minh của chủ nghĩa tư bản và bọn đế quốc” cũng như của “thói quen và truyền thống lạc hậu“. Tất cả những gì đáng lên án nhất, phản cách mạng nhất, đều là tiểu tư sản. Lãng mạn cách mạng đối lập với lãng mạn tiểu tư sản, tức ủy mị, sướt mướt, yếu đuối, làm nhụt ý chí. Dao động, lập trường lung lay, quan điểm mơ hồ, tư tưởng thiếu đúng đắn là tiểu tư sản. Buông tuồng, phóng túng, vô kỷ luật, thiếu ý thức tổ chức là tiểu tư sản. Hoài nghi, vặn vẹo, bàn lùi là tiểu tư sản. Xa rời thực tế, cách mạng suông là tiểu tư sản. Tiêu cực, chán nản, bi quan là tiểu tư sản. Cầu an, hưởng thụ là tiểu tư sản. Đi chệch đường lối là tiểu tư sản. Tả khuynh là tiểu tư sản. Hữu khuynh là tiểu tư sản. Đi chùa là tiểu tư sản. Thoa son là tiểu tư sản. Chống ba-toong là tiểu tư sản. Và văn nghệ sĩ trí thức là những kẻ khó gột sạch “rơi rớt tiểu tư sản” nhất. Hãy đọc lại một đoạn trong bài viết “Những bài học của đấu tranh cách mạng” của Nguyễn Khải trên tạp chí Văn nghệ Quân đội số 5/1958 phê phán Nhân văn-Giai phẩm:

“Cũng có thể nói hoài nghi là đặc điểm của trí thức (trí thức của xã hội cũ chưa được cải tạo). Vì trí thức xuất thân ở giai cấp tiểu tư sản. Mà bản thân tiểu tư sản là cái loại ‘gió thổi chiều nào che chiều ấy’, tư sản mạnh thì theo tư sản, vô sản mạnh thì theo vô sản. Trong cuộc đấu tranh giai cấp, anh tiểu tư sản thường lơ lửng ở giữa, nghe ngóng, không hẳn nhập vào cách mạng, mà cũng không dám phản cách mạng, lý tưởng không xác định rõ ràng, khi thế này khi thế khác. Hẳn như thằng tư sản thì lúc nào nó cũng dứt khoát phải chống cách mạng, nhất sống nhị chết; hoặc hẳn như người vô sản lúc nào cũng kiên quyết phấn đấu cho cách mạng tiến lên, tiêu diệt mọi lực lượng đối địch. Những năm vừa qua cũng chứng minh rằng: tiểu tư sản không thể đứng giữa được nữa, hoặc là phản cách mạng thành phần tử tư sản phản động, hoặc một lòng một dạ đi theo cách mạng, thành người vô sản, dần dần xóa bỏ tính chất giai cấp gốc rễ của mình. Ngay đến bây giờ từ trong hàng ngũ cách mạng vẫn tách ra một số người tiểu tư sản nào đó, họ dừng chân lại một chỗ, mắt lơ láo, tai nghe ngóng, bụng phân vân không hiểu con đường cách mạng đương đi kia thật đúng hay không, hay còn một chân lý nào khác. Rút lại họ chỉ là những anh muốn trở về lối cũ, muốn nhập bọn với kẻ thù của chủ nghĩa xã hội.” (Hết trích)

Ngược lại với Spießbürger từ tích cực biến tướng thành tiêu cực, tiểu tư sản từ tiêu cực hóa thân thành đối tượng cho tôi gửi cảm tình, chỉ vì nó đã là bóng ma ám ảnh tất cả các đảng cộng sản. Tôi không thể cho cái chủ nghĩa bôn-sê-vích mà Nabokov ấy bốc mùi tiểu tư sản, và chọn cách dịch sự phàm tục chỉ tính chất gắn với Spießbürger tiếng Đức hay мещанствo tiếng Nga.

Nhưng sau trao đổi nêu trên, bây giờ tuy không thật chắc chắn và vẫn dễ gây hiểu nhầm, càng nghĩ tôi càng nghiêng về phương án tiểu tư sản. Vì nó trái khoáy, như thực tế thường là vậy. Khi còn hăng say chiến đấu cho chủ nghĩa súc vật, những con lợn nổi loạn của George Orwell là nỗi khiếp đảm của tinh thần tiểu tư sản. Song cách mạng ăn thịt những đứa con và nuốt chửng những giấc mơ của nó. Đến lượt mình, khi cầm quyền các nhà cách mạng lại trở thành những kẻ philixtanh mới, sặc sụa mùi ti tiện, hạn hẹp, thiển cận và tẻ nhạt của Spießbürger, của мещанствo, của tiểu tư sản. Biến tướng ấy hiện ra qua hóa thân của những khái niệm. Dịch cũng là hóa thân.

P.T.H.

Nguồn: http://baotreonline.com/duoi-gam-cau-dich-thuat-3/