Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 30 tháng 4, 2018

Cung đàn số phận (kỳ 3)

Hồi ức Lộc Vàng – Kim Dung chấp bút

Chương V: TÌNH YÊU

Có lẽ với bất cứ ai, cả nam lẫn nữ, cả đàn ông lẫn đàn bà, cả già lẫn trẻ, tình yêu là một miền khao khát đầy ám ảnh của cuộc đời. Nó vừa bí ẩn lại vừa rất thực. Vừa dễ nắm bắt, vừa rất mong manh. Không phải vô lý mà nhân loại đã phải tốn biết bao nhiêu giấy mực để viết về tình yêu, viết về những người phụ nữ, những người đàn ông đã gặp trong đời. Viết về những hạnh phúc cùng bất hạnh, về những vui sướng và khổ đau, về những thiêng liêng và thù hận….

Cũng chỉ vì yêu.

Có bao người không may mắn vì có khi suốt cuộc đời vẫn không gặp được một nửa kia của mình? Và có bao nhiêu người có được may mắn ấy, gặp được một nửa ngọt lành cùng cay đắng? Có câu nói của người đời ở đâu đó, tôi còn nhớ được, đại ý: Có hàng trăm hàng ngàn tình cảm giống như tình yêu. Nhưng tình yêu chỉ là duy nhất. Không biết câu nói đó đúng hay sai, nhưng những đêm dài lạnh lẽo, vắng Mai của tôi, một mình thao thức nhìn các con thơ ngủ say, tôi lại chiêm nghiệm về câu nói ấy. Những đêm dài như vô tận, vô tình nhà ai đó bỗng mở bản nhạc như nói thay hộ lòng tôi – người đàn ông mồ côi vợ. Tiếng hát của Hồng Nhung cất lên trầm lắng, da diết nhớ, da diết buồn, da diết thương: Bài “Một mình” của nhạc sĩ Thanh Tùng. Một nỗi cô đơn sâu sắc, thấm thía của người chồng khi người vợ đã đi về cõi xa xăm, khiến tôi không sao ngủ được.

Tôi nhớ Mai quá, thương Mai quá. Mai của tôi thật can đảm và nàng đã sống đẹp tuyệt trong bổn phận một người tình với một người tình, một người vợ với một người chồng, nhưng rồi nàng để lại đời tôi nỗi trống vắng quá lớn không sao bù đắp nổi. Một người con gái, một người đàn bà biết yêu, hy sinh hết lòng vì tình yêu, vậy mà Mai bạc phận quá. Hệt như xưa các cụ nhà ta thường nói phận hồng nhan.

Gió nhớ gì ngẩn ngơ ngoài hiên

Mưa nhớ gì thầm thì ngoài hiên

Bao đêm tôi đã một mình nhớ em

Đêm nay tôi lại một mình

….

Nhớ em giọt mồ hôi tóc mai

Gió sương mòn cả hai vai

Đôi chân chênh vênh con đường nhỏ

Nghiêng nghiêng bóng em gầy…

Tôi như thấy Mai của mình trong từng ca từ đau đến thắt ruột.

Nhưng thương Mai bao nhiêu, khi nghĩ về cuộc đời của mình, của Mai, nghĩ về cuộc tình duyên như định mệnh, như số phận đã ràng buộc hai đứa chúng tôi lại với nhau, cùng gánh cả gánh nặng cơm áo, lẫn lênh đênh của kiếp người, mà vẫn mặn nồng với nhau đến phút Mai rời bỏ kiếp nhân sinh, tôi vẫn nghĩ đời mình, dẫu có muôn vàn bất hạnh, vẫn may mắn có được tình yêu đích thực của mình, vẫn may mắn khi gặp được Mai – tình yêu lớn của đời tôi. Khi các con đã lớn, mỗi đứa có phúc có phận của chúng, sau những buổi tối vừa bán café vừa biểu diễn các bản nhạc vàng sầu lắng, khi khách hàng đã vãn, ban nhạc cũng về hết, còn lại một mình trơ trọi trên căn gác xép, thỉnh thoảng tôi bỗng nhớ tới lời của ông Giáo sư ĐH Havard trong buổi tối dự bữa cơm tại nhà người nữ trợ lý của ông, ở chuyến đi thăm nước Mỹ lần đầu tiên. Khi ông trầm ngâm khá lâu và bảo:

–Ông có hai tình yêu rất lớn. Một là âm nhạc, là nhạc vàng. Hai là với vợ ông. Quả là có một không hai!

Đúng như vậy.

Tôi quen Mai (cả họ tên của em là Lê Thị Tuyết Mai) từ năm 1965, khi đó cả hai chúng tôi còn rất trẻ. Tôi mới 20 tuổi. Cái tuổi mới lớn nhưng cũng còn khá ngô ngê, không giống như thế hệ trẻ bây giờ, họ có đủ phương tiện kỹ thuật, thông tin, và họ cũng quan niệm “đời” hơn thời chúng tôi sống. Nhà Mai, có hai mẹ con, sống ở 128 Bùi Thị Xuân – Hà Nội.

Nhưng tôi quen em chính là từ việc thường tụ tập nhóm hát nhạc vàng ở nhà anh Thành Tai Voi. Hóa ra, Mai rất thân với cô Thịnh, em gái của anh Thành Tai Voi. Thịnh bằng tuổi tôi, cùng sinh năm 1945. Nên Mai thường đến đó nghe “trộm” chúng tôi hát. Nói nghe “trộm” là đúng, vì Mai không dám lên nhập hội, mà cứ đứng ở chân cầu thang để nghe. Thật tình, lúc đầu tôi không để í đến em. Mải hát, thỉnh thoảng tôi đi xuống gác, bất chợt gặp một cô bé, mặt non choẹt, trông khá xinh xắn, ngồ ngộ đang đứng ở dưới hóng mặt lên trên. Cậy ra vẻ đáng tuổi anh, thỉnh thoảng, tôi xoa đầu Mai, có lần còn “đá đít” bảo: Đi ra chỗ khác cho bọn anh hát!

Vậy nhưng tối nào, Mai cũng đến nghe… trộm. Rồi dần dà, chúng tôi quen nhau, và thân nhau lúc nào không biết. Tuổi trẻ mà. Khi tan cuộc hát, Mai thường lẽo đẽo đi theo tôi về tận nhà tôi ở số 07 Triệu Việt Vương. Hai đứa ngồi ngay ở vỉa hè, bên ngoài cửa để nói chuyện. Đủ thứ trên trời dưới biển, vô tư lự. Cũng có lúc tôi lại hát, những bản nhạc vàng cho Mai nghe. Em ngồi nghe, im lặng, như lúc đó chỉ có trên là trời sao, dưới là hai đứa. Có lúc em cười khúc khích. Tiếng cười cô bé mới lớn thật dễ thương. Cứ thế, cứ thể. Hằng đêm, hằng tuần… Rồi thứ tình cảm khác lạ giữa chúng tôi chớm nở tự lúc nào, không biết. Đó là năm 1967. Những năm Mỹ đánh phá ác liệt. Tôi vẫn đi làm đủ thứ nghề, còn Mai đang tuổi đi học. Em học lớp 08. Có lẽ đó là giai đoạn đẹp đẽ nhất, êm đềm nhất đời tôi, đời hai đứa. Cuộc đời với tôi lúc đó sao đẹp thế. Dù chiến tranh vẫn rình rập trên bầu trời thành phố. Tiếng máy bay gào rú, tiếng còi báo động vẫn rú rít hàng ngày. Nhưng bầu trời như xanh non hơn. Vẫn mây trắng trời xanh. Vẫn trăng tròn rồi trăng khuyết…

Hà Nội của chúng tôi trong chiến tranh, thảng thốt nhất là những lúc báo động. Tiếng phát thanh viên nghiêm trang vừa cất lên trên các loa truyền thanh: Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý. Máy bay địch cách Hà Nội…. km. Mọi người nhanh chóng nhảy xuống hầm trú ẩn hình chữ A đào ở các khuôn viên thành phố, hầm trú ẩn cá nhân trước mỗi căn nhà, có nắp bê tông tròn tròn. Người lớn, nhất là các bà, các chị thường đội những chiếc mũ tết bằng rơm, phòng tránh bom bi, nhảy ngay xuống hầm, nhớn nhác, gương mặt lo lắng, khi có tiếng súng phòng không ình ình trên đầu, tiếng máy bay rít như xé trời, tiếng bom nổ ì ầm đâu đó vọng lại cả trong lòng đất… Nhưng chỉ cần: Máy bay địch đã bay xa… là cả thành phố như đã nhộn nhịp trở lại. Tiếng xe đạp kính coong. Tiếng tàu điện leng keng… Một Hà Nội thời chiến với những hàng cây xanh che chở, với gạo trộn mì, trộn ngô, sắn, khoai khô, rồi bánh lương khô dã chiến. Nhưng chúng tôi gắn bó nhau. Tình yêu của hai đứa trẻ mới lớn, vụng dại mà trong sáng, khiến cả hai đứa thấy cuộc đời vẫn đẹp sao… nhưng chẳng nghĩ gì nhiều.

Mai có dáng người cao lớn so với các thiếu nữ Hà Nội thời đó. Khuôn mặt xinh xắn, đặc biệt nước da em trắng mịn và mái tóc dài đến tận khoeo chân. Có câu nói của một triết gia: Cái đẹp không ở đôi má hồng của người thiếu nữ mà ở trong mắt của kẻ si tình, thật thấm thía. Nữa là Mai rất xinh đẹp. Học hết lớp 08, Mai ở nhà làm hàng, bán hàng cho mẹ. Nhà em chỉ có hai mẹ con nương tựa vào nhau. Mẹ Mai chuyên bán giá đỗ. Mai ở nhà làm giá đỗ để mẹ mang ra chợ bán. Em làm rất khéo. Ngâm đỗ, ủ đỗ ra sao, để cây giá đỗ vừa tròn mập, vừa trắng lại ít rễ, không bị giập gẫy. Dạo đó làm gì có những thủ thuật làm giá đỗ ngâm tẩm hóa chất như bây giờ. Khách hàng toàn người quen. Cứ hết chiều là vừa hết hàng. Hai mẹ con lại hí húi thu dọn về. Những ngày nghỉ, Mai rủ tôi đi hái lá cúc tần, thứ lá ủ để làm giá đỗ. Dạo đó, chúng tôi làm gì có xe đạp, hai đứa cứ đi bộ, vừa đi vừa trò chuyện đến tận khu tập thể Văn Chương, đê La Thành để hái lá. Bây giờ khu Văn Chương, đê La Thành trở thành trung tâm, tấp nập người xe qua lại, chứ dạo đó, chỉ giống như khu vực ngoại thành, hơi tối tăm, và người xe thưa thớt, vắng vẻ lắm. Những rặng cúc tần hăng hắc mọc tự nhiên hoặc do người dân trồng làm hàng rào bên ngoài bờ tường, rậm rạp, tha hồ hái. Vừa hái vừa nói chuyện trên trời dưới bể. Con đường đi xa mấy cũng thành gần. Lúc đó, hai chúng tôi, gọi là yêu nhau, nhưng thực ra vì còn quá trẻ, nên chẳng có đứa nào hứa hẹn với đứa nào. Chỉ thấy thích nhau. Xa thì nhớ, gần thì thân thiết, quấn quýt, gắn bó giúp đỡ nhau.

Khi tôi bị công an gọi lên Hỏa Lò, hỏi cung, về nhà tôi lập tức tìm đến Mai kể chuyện cho em nghe. Nhưng cả tôi và Mai cũng chỉ nghĩ đó là chuyện bình thường. Mai an ủi tôi, và hai đứa chúng tôi vẫn nghĩ các ông công an muốn làm sáng tỏ việc tôi tham gia hát nhạc vàng, đâu nghĩ đến cái án, và cái mác “tù chính trị” u ám đang đợi mình ở con đường phía trước. Cả Mai cũng vậy. Chúng tôi không đứa nào nghĩ đến con đường khổ ải của số phận giành cho cả hai đứa đang chờ đợi. Tuổi trẻ, tình yêu chớm nở và sự hồn nhiên đầy sức sống đã che khuất bóng đen u ám đâu đó đang lởn vởn bên hành trình kiếp người.

Kể cả lúc tôi bị bắt ở Hỏa Lò, rồi bị công an chở bằng xe com măng ca về phố, đỗ xịch trước căn nhà 127 Triệu Việt Vương trước sự ngơ ngác, sửng sốt và tò mò của người dân cả phố. Rồi căn nhà nơi anh em tôi ở bị lục soát, bị khám xét để tìm tài liệu “phản cách mang”, tài liệu “văn hóa phẩm đồi trụy” (mà có đâu), trước sự chứng kiến đau xót không thốt nên lời của anh chị em ruột thịt, Mai cũng không biết. Vì em còn mải ở nhà làm việc đỡ đần và mưu sinh cùng mẹ. Ngày đó làm gì có điện thoại nhà riêng. Còn cả gia đình anh chị em của tôi bất ngờ và hốt hoảng, không ai nghĩ ra kịp để báo cho em hay tin dữ. Mà tôi cũng không hề muốn em biết, không muốn em phải nhìn thấy cái cảnh tôi bị công an khóa còng đưa ra xe như một thằng tội phạm đích thực. Hẳn em sẽ rất đớn đau, sẽ bị ám ảnh khôn nguôi cái hình ảnh khốn khổ mà đầy bất lực ấy. Dù lúc đó, tôi muốn được nhìn thấy em biết chừng nào. Muốn nói điều gì đó với em, muốn an ủi em trước khi bị tống lên chiếc xe chạy đi, để lại những luồng khói bụi đen xì cùng những đôi mắt nhìn tò mò, những cánh tay chỉ trỏ đầy ý nghĩa. Đi đâu, tôi chưa biết…

Cái thời ấu trĩ đó khiến cho chúng tôi, những thanh niên sống đời lao động chân tay vất vả, chỉ có mỗi tội say mê đàn hát nhạc vàng phải bước chân vào lao tù với nỗi cay đắng khôn nguôi và cả sự ngơ ngác, cam chịu đầy khổ đau. Kể cả những người công an hỏi cung tôi, có lẽ họ cũng không biết đến một nốt nhạc ra sao. Chả thế, nhạc sĩ Tô Hải từng thốt lên hài hước, khi ông viết: “Giữa hai bên – người hỏi cung với kẻ phạm tội cứ như hai người… ngoại quốc nói chuyện với nhau. Vì người này hỏi, người kia… chẳng hiểu gì”.

Cho đến khi tôi bị bắt đi rồi, nghe dân phố kháo nhau, Mai hớt hơ hớt hải chạy đến nhà tôi, hỏi thăm qua anh trai tôi, em mới biết. Tôi không hình dung nổi khi nhận tin dữ, Mai sẽ ra sao? Cả khi tôi bị đưa ra phiên tòa xét xử trong buổi sáng lạnh lẽo ấy, Mai cũng không được dự. Cả gia đình tôi chỉ có anh trai tôi nhận được một giấy mời là được vào ngồi trong phiên tòa. Còn Mai, em có đến nhưngbuộc phải  ngồi ở ngoài, nghe tòa chất vấn những bị can, bị cáo chúng tôi. Khi đó, em nghĩ gì, Mai của tôi? Trong cái buổi sáng khắc nghiệt của số phận, để sau 03 ngày lang thang ngồi ở ngoài đường nghe xử án, cuối cùng nhận được tin tôi bị kết án 10 năm tù giam, 04 năm mất quyền công dân. Tôi không hình dung nổi những ngày khổ đau và cô đơn đó của em, cũng không hiểu em đã suy nghĩ gì. Em còn quá trẻ để hiểu cuộc đời đầy những khắc nghiệt này.

Sau này, khi đã an phận ở trại tù, mỗi lần gia đình anh trai tôi lên thăm tôi mới được biết, Mai thỉnh thoảng vẫn lên nhà anh tôi hỏi thăm tin tức về tôi. Việc anh trai tôi lên thăm tôi ở trại tù đâu có đơn giản. Mỗi năm gia đình người tù chỉ được phép lên thăm có một lần. Mỗi lần lên thăm, phải có giấy chứng nhận khu phố, và phải là người thân thiết ruột thịt trong gia đình mới được phép. Có những gia đình lên thăm nuôi tù vào tháng 7 – tháng 8, không may gặp vào tháng mùa mưa. Phải đi bộ lội qua 09 con suối. Mà suối mùa mưa lũ vùng cao thì khủng khiếp. Ngập trắng bờ, cuồn cuộn, sơ sểnh có khi mất mạng như chơi. Thế nên có những gia đình không dự kiến được hết tình hình, có khi ăn chực nằm chờ bên suối, ăn hết cả đồ tiếp tế cho con em mình vẫn chưa qua được. Thời đó thăm nuôi tù, là cả một hành trình khó nhọc, nhất là với những gia đình neo khó. Mỗi lần anh trai tôi lên thăm, quà cho tôi giỏi lắm là có mấy phong bánh lương khô, khăn mặt, bàn chải, thuốc đánh răng, nhất là có thêm bộ quần áo. Anh tôi ít nói, nhưng tôi hiểu đằng sau sự lặng lẽ đó là cả nỗi đau buồn sâu sắc. Anh từng đi lính cho Pháp, nên rất ngại những sự “dính líu” không hay tới chính quyền. Thì em anh lại dấn thân vào chốn lao tù chỉ vì ham thích những bản nhạc vàng. Khổ thân anh. Những lúc anh lên, gương mặt khắc khổ, tiều tụy vì gánh nặng cơm áo đã đành mà tôi biết tinh thần anh chẳng lấy gì làm mạnh mẽ. Tôi cứ bị ám ảnh cái hình ảnh trước đây, mỗi lúc thấy anh trở về nhà đột ngột, tuy anh lầm lì không nói gì, nhưng cả nhóm hát nhạc vàng chúng tôi đã cuống cuồng hoảng sợ, trật tự… rút lui. Mỗi lần lên, ngoài quà của gia đình, anh lại đưa cho tôi khi thì bao thuốc lá, khi thì gói muối vừng và bảo “quà của cô Mai đấy. Muối vừng của cô Mai làm”. Trò chuyện một lúc, anh trai tôi bảo: Ngày nào Mai cũng sang nhà hỏi thăm tin tức em đấy!

Tôi đón gói quà của Mai từ tay anh trai tôi. Mùi muối vừng thơm phức – “của cô Mai làm…”, mà không biết trả lời anh trai ra sao. Con đường tù với tôi còn dằng dặc phía trước…

Những năm tháng đó, cuộc sống thằng tù khắc nghiệt kinh khủng. Sáng tinh mơ đã vội vã thức dậy khi nghe kẻng trại tù vang lên. Cả trại tù hối hả vùng dậy. Bắt đầu chuẩn bị một ngày mới. Một ngày lao động cực nhọc, sinh hoạt, học tập, kiểm điểm, cải tạo tư tưởng… Con người chúng tôi hành động như cái máy. Một môi trường sống cách biệt đời sống xã hội quá lâu đã khiến cái thằng tù là tôi tính vốn điềm đạm, hiền lành dần dần dạn dĩ, dày dạn, phong trần. Mai còn trẻ quá. Làm sao em có thể đợi chờ tôi mãi, nhất là tôi lại là thằng tù. Nhất là trong xã hội này, lý lịch luôn là một vấn đề cực kỳ quan trọng. Làm sao em có thể đủ can đảm chấp nhận một gã trai “bất hảo” tù tội như tôi?  Vì thế tự lúc nào đó ở trong tù, tôi nghĩ phải quên em đi, không được nghĩ mình có người yêu. Lòng tự trọng cay đắng trong tôi khiến tôi tự thấy không có quyền yêu em, và cũng không tin là em sẽ chờ đợi mình suốt 08 năm trời tù tội. Vì em còn quá trẻ, em có quyền sống của em, có quyền chọn lựa hạnh phúc của em. Tôi suy nghĩ như vậy rất lâu, dần dần xác định thái độ chủ động chọn lựa trong một mối quan hệ tình cảm mới chớm của tuổi mới lớn, để nếu phải chấp nhận một sự thật phũ phàng khác, lòng sẽ đỡ đau.

Thế nên tôi đâu có nghĩ và tin rằng Mai vẫn có ý chờ tôi.

Đã bao lần, mỗi khi trả lời các nhà báo, tâm sự với bạn bè, thậm chí có khi chỉ là một người khách rẽ vào quán café nhấm nháp và muốn nghe tôi hát, hỏi chuyện tôi, nhắc tới em, tôi vẫn không sao cầm được nước mắt. Tôi thương Mai – người vợ tần tảo và bạc mệnh của tôi! Em chỉ là một người con gái, một người đàn bà bình thường, nhưng hóa ra em đã mang đến cho tôi những gì ngọt lành nhất của hai chữ Tình yêu, cho tôi hiểu thế nào là Tình yêu, và sự hy sinh vô bờ bến của người đàn bà. 

Buổi đầu tiên được trả tự do, trở về nhà. Nghe tin tôi đã được thả, Mai hớt ha hớt hải đến ngay. Vừa vào nhà, trông thấy tôi quây quần với mọi người, em chạy đến ôm chầm lấy tôi, òa khóc. Những giọt nước mắt của người con gái xa cách vẫn chờ đợi khiến con tim tôi thổn thức. Niềm vui bất ngờ quá khiến em không cần che dấu. Chúng tôi ôm lấy nhau trong sự vui cười của mọi người. Miệng thì cười nhưng nước mắt em cứ rơi. Mai ở nhà tôi ăn cơm cùng gia đình và đến 11 giờ đêm, tôi và Mai lại ra vỉa hè trước nhà ngồi ở đó trò chuyện. Cũng buồn cười. Bây giờ, trai gái yêu nhau thật tự do, và đời sống có rất nhiều điều kiện nơi chốn để người ta tỏ tình. Không chỉ có quần áo đẹp, y phục thời thượng để mỗi người đều thấy “em đẹp dần lên trong mắt anh”, mà còn có karaoke, nhà nghỉ, khách sạn, các chuyến du lịch nước trong nước ngoài, tay trong tay người ta nói với nhau đủ chuyện yêu đương. Chí ít cũng dẫn nhau đi chơi ở vườn hoa, công viên cho lãng mạn.

Còn tôi và Mai dạo đó thì cứ kéo nhau ra ngồi ngay ở vỉa hè trước cửa nhà, trò chuyện quên trời đất mà không sao dứt được. Cái thời đó, nó vậy. Chúng tôi chả đứa nào dám nói với nhau 03 từ thiêng liêng nhất mà bất cứ cặp đôi nào cũng chờ đợi, hoặc thích nghe. Vậy mà cứ gắn bó, quấn quýt không thể rời xa, kể cả những lúc thương yêu hay hờn giận vô cớ, cái tâm trạng của những kẻ đang yêu, đắm đuối vì yêu. Đêm Hà Nội bầu trời đầy sao. Mùa hạ cũng như mùa đông. Bình yên và náo động… Có những lần ngồi trò chuyện với nhau đến tận đêm khuya, ông công an khu vực đi tuần qua phải nhắc: Khuya rồi, Lộc Vàng đi về ngủ đi! Chúng tôi mới bịn rịn chia tay.

Nhưng những ngày đầu trở về, thú thật, tôi chưa thể quen ngay với đời sống gia đình bình thường. Những năm tháng tù tội đã in đậm dấu ấn vào cả nếp sống, thói quen thường trực của tôi. Tôi rất sợ sự im ắng, như báo hiệu những điềm chẳng lành. Thế nên thỉnh thoảng tôi hốt hoảng ra cửa đứng ngó nghiêng, đề phòng công an tiếp tục theo dõi, đề phòng họ ập vào bất ngờ khóa nghiến tôi lại. Mai khóc:

–Sao anh cứ như bị mất hồn vậy?

Tôi choàng tỉnh, trở về với thực tại. Cười ngượng nghịu với em. Em đâu hiểu những năm tháng tù tội đã mang đến cho tôi “phong độ” … không ra hồn người ấy. Nếu kể thật với em hẳn nỗi đau trong em nhân lên nhiều lắm. Nên tôi cố gắng để làm em vui, em cười nhiều hơn. Khi trở về nhà, tôi nghèo kiết xác, đến quần áo cũng không có đủ để mặc. Nhà tôi, anh trai tôi, chị em gái, và các cháu khi đó đều thế. Cuộc sống người ở Hà Nội những năm tháng thời bao cấp khốn khổ vô cùng. Các bạn trẻ thời nay, sống với thời @ hẳn khó hình dung ra được thời bao cấp là như thế nào. Rất tình cờ, tôi đọc được bài viết về “Cái đói thời bao cấp” của tác giả Hà Phương Linh viết khá kỹ lưỡng và thú vị. Xin trích đăng lại để bạn đọc hiểu rõ:

“Thời bao cấp, với cách gọi nôm na trong người dân là “thời đặt gạch xếp hàng”, diễn ra từ năm 1957 tại miền Bắc, tới sau 4/1975 thì triển khai trên toàn quốc, mãi tới tháng 04/1989 mới thực sự kết thúc. Đây là một giai đoạn mà hầu hết hoạt động kinh tế diễn ra dưới nền kinh tế kế hoạch hóa do nhà nước kiểm soát, một đặc điểm của nền kinh tế theo chủ nghĩa cộng sản, không chấp nhận kinh doanh tự do. Câu thơ lảy Kiều thời đó là một mô tả sinh động về thời bao cấp:

Bắt ở trần phải ở trần

Cho may –ô mới được phần may –ô

Áo may ô thời bao cấp đấy. Mỗi năm đàn ông được phân phối 02 chiếc!

Đối với các bạn trẻ hiện nay, làm sao có thể tưởng tượng được áo may –ô, một loại áo lót dùng cho nam giới, cũng thuộc loại hàng hóa cung cấp cho “nhân dân”. Vì thế mới gọi là… bao cấp. Đối với người dân, định nghĩa này đơn giản là tất cả đều do nhà nước đứng ra bao hết, từ cây kim, sợi chỉ, que diêm cho đến lương thực hằng ngày… Lương hàng tháng của công chức nhà nước chỉ nhận được một phần tiền rất nhỏ, còn lại quy vào hiện vật thông qua chế độ cấp phát tem phiếu và sổ gạo. Tất cả mọi hình thức kinh doanh đều được quản lý theo ‘mô hình xã hội chủ nghĩa’, hoàn toàn do nhà nước nắm giữ. Nhà nước phân phối vài chục mặt hàng thiết yếu cho cuộc sống như gạo, thực phẩm, chất đốt, vải vóc, pin, cho đến các tiêu chuẩn phân phối được mua bổ sung như xà phòng giặt, giấy dầu, xi măng, khung, săm, lốp xe đạp…Toàn bộ nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm và nhu thiết yếu cuộc sống là thông qua chế độ tiêu chuẩn tem phiếu có định mức cho từng đối tượng. Điểm đặc biệt là định mức này chỉ đáp ứng một phần cực nhỏ nhu cầu sinh tồn của một con người, cho nên mới tạo thành cái đói dai dẳng và trường kỳ tháng này qua năm khác. Điển hình là một người dân được tiêu chuẩn 1,5 lạng (150gr) thịt/tháng, tương đương với mức tiêu thụ thịt trung bình trong 01 ngày hiện nay của người trưởng thành. Các cấp bậc cán bộ nhà nước được tiêu chuẩn cao hơn, từ 3 –5 lạng/tháng (300gr –500gr), tùy cấp bậc. Thông thường nếu chọn thịt thì thôi mỡ, vì chỉ được chọn 01 trong 02 thứ. Thời đó không có dầu ăn, phải dùng mỡ để xào, nấu nên mỡ rất quý. Các gia đình vì vậy thường hay chọn “mỡ” thay vì “thịt”, như vậy sẽ có tích cóp được một hũ mỡ dùng để chiên xào nấu một thời gian dài hơn là ba lạng thịt tiêu chuẩn trong tháng. Tuy nhiên, cán bộ cao cấp lại có tiêu chuẩn gấp 40 lần “nhân dân”: 06kg thịt/tháng. Em bé dưới một tuổi cũng đói, vì tiêu chuẩn của em tất cả là 04 lon sữa đặc có đường “Ông Thọ” trong một tháng. Nên mới có cảnh các em bú “nước đường”, một điều mà thời nay dường như không thể tin nổi. Nếu mẹ của các em có giấy tờ chứng minh mất sữa hoàn toàn, thì em bé có khả năng sẽ nhận được 08 lon sữa Ông Thọ. Trao đổi bằng tiền mặt bị hạn chế, nên có người thậm chí có tiền vẫn đói, vì không ai được phép “kinh doanh”. Không có những cái tên mỹ miều như bây giờ là “doanh nhân”, “hộ kinh doanh”, mà chỉ là “phe phẩy” hay “tư thương”, “chợ đen” … những từ mang hàm nghĩa rất tiêu cực và khinh miệt, nếu bị phát hiện sẽ bị công an bắt và tịch thu toàn bộ hàng hóa. “Siêu thị” hay “chợ” là những khái niệm gần như không tồn tại. Những câu vè thời đó nói lên giá trị của những mặt hàng trong thời bao cấp:

Nhất gạo nhì rau

Tam dầu tứ muối

Thịt thì đuôi đuối

Cá biển mất mùa

Đậu phụ chua chua

Nước chấm nhạt thếch

Mì chính có “đếch”

Vải sợi chưa về

Săm lốp thiếu ghê

Cái gì cũng thiếu…

Muốn mua được lương thực thực phẩm, người ta phải đi xếp hàng 3, 4 giờ sáng để giữ chỗ, phòng khi cửa hàng bán nửa chừng hết lương thực, thực phẩm. Người ta dùng những cục gạch, chiếc dép, mảnh gỗ để ‘xí chỗ’ khi cửa hàng chưa mở cửa và người thật sẽ đứng vào hàng khi mở cửa. Thậm chí nếu xếp hàng đầu, nhưng cũng không bảo đảm là sẽ được mua trước, bởi vì nếu có những sổ thuộc dạng ‘ưu tiên’ hoặc ‘chen ngang’ do có móc ngoặc với nhân viên thương nghiệp, hoặc đơn giản là xếp hàng tới nơi mới biết đã bị ăn cắp tem phiếu hay sổ rồi.

Rất nhiều khi, mỏi mệt rã rời vì xếp hàng cả đêm, nhưng tới gần lượt, thì cánh cửa hàng mậu dịch sẽ sập xuống phũ phàng trước mặt cùng với câu nói lạnh băng của cô mậu dịch viên “HẾT HÀNG”… Vậy là lê bước về nhà để hôm sau đi xếp hàng tiếp. Đây được coi như một giai đoạn thất bại, yếu kém và tù đọng nhất của nền kinh tế Việt Nam trong thế kỷ 20. Ở thời đó, người ta đã phải chấp nhận một nghịch cảnh của xã hội là: Cái đói dai dẳng, thật tàn nhẫn, đã gặm nhấm mất lương tri của nhiều người. Nạn ăn cắp vặt trở nên phổ biến toàn dân, nên các cửa hàng mậu dịch chỉ còn cách đó để tránh bị mất mát đồ đạc. Có một câu chuyện không thể tin nhưng có thật thời bao cấp về cái đói: Xin lỗi lợn!

Ở một đơn vị quân đội, giống như mọi đơn vị khác, có tình trạng nuôi lợn để tăng gia thời bao cấp. Thời đó chưa có cám công nghiệp, toàn bộ thức ăn cho lợn phải dựa vào nguồn cơm thừa canh cặn của bếp ăn tập thể. Thông lệ là phần “cơm cháy” ở đáy nồi cơm của bếp ăn tập thể là để dành cho lợn. (Thời đó không có nồi cơm điện chống dính, nên nồi cơm luôn có cháy). Nhiều lần nhà bếp bỗng thấy cháy cơm cứ bị “biến mất”, nên đã quyết định “điều tra”, “rình” để bắt kẻ tội phạm. Cuối cùng kẻ tội phạm là một anh lính trẻ đã bị bắt. Vì quá đói trường kỳ, nên anh đã làm liều, đi ăn vụng cháy dành cho lợn hết lần này đến lần khác.

Hình thức kỷ luật áp dụng cho anh là: Tới chuồng lợn và xin lỗi lợn nhiều lần. Chuyện “xin lỗi lợn” tôi nghĩ thực ra là hư cấu, để nói tới nỗi cực khổ của con người thời đó, không bằng con lợn, và cũng phải ơn huệ cái giống lợn, vì thực ra là lợn nuôi người, cứu người cả một thời cuộc khốn khó”.

Đọc tới đây tôi nghĩ, chả trách Giáo sư toán học nổi tiếng Văn Như Cương, một con người có óc hài hước và rất cá tính còn có hẳn một giai thoại từng được truyền tụng. Số là năm 1971, sau khi học ở Liên Xô về, mặc dù là Phó Tiến sĩ nhưng lương ông chẳng đủ ăn. Thời đó Hà Nội có phong trào nuôi lợn. Gia đình ông cũng không thoát khỏi tâm lý“cứu nhà”đó. Ông bèn quây một góc sân nhà tập thể lại để làm chuồng lợn. Chả biết có phải con lợn nó cũng thương vị Giáo sư Toán đói vêu vao không mà lớn nhanh như thổi. Mỗi lần ông cho lợn xuất chuồng là thu về được đúng số tiền bằng tiền lương Phó Tiến sĩ của ông thời đó. Ông thường hài hước: Nhà tôi có hai Phó Tiến sĩ. Một Phó Tiến sĩ không bao giờ kêu ca, không tiêu xài tốn kém, chỉ ăn rồi lớn”. Nhưng việc nuôi lợn cũng chỉ được một thời gian, vì ông Phó Tiến sĩ toán không đủ tiền mua cám nuôi Phó Tiến sĩ Ỉ. Nên nói theo ngôn từ chuyên môn ông phải cho Phó Tiến sĩ Ỉ … “bảo vệ luận án” sớm vì hết “đề tài” (rau, cám). Trước đó, tiếng lành đồn xa, thì tiếng ghen tị cũng đồn xa. Ban quản lý khu tập thể đến kiểm tra chuồng nuôi lợn của ông, đề nghị lập biên bản để phạt vì nghe kêu ca của tập thể, ông để lợn gây ồn ào và mất vệ sinh. Biên bản được lập có sự chứng kiến của cả ba bên: Đoàn kiểm tra, Giáo sư Toán Văn Như Cương và chủ lợn ỉn đang ve vẩy đuôi đòi ăn. Khi đọc biên bản ghi: “Giáo sư Văn Như Cương nuôi một con lợn”, ông nhất định không chịu ký mà yêu cầu đoàn kiểm tra phải sửa lại cho chính xác: Con lợn nuôi Giáo sư Văn Như Cương”. Còn một giai thoại khác cho biết, Giáo sư Văn Như Cương chuyên cung kính gọi lợn là... Thủ trưởng, khi ông cãi lại đoàn kiểm tra: Không phải tôi nuôi Thủ trưởng, mà chính là Thủ trưởng nuôi tôi!

Ngay mới đây, cuốn tiểu thuyết “Chuyện ngõ nghèo” của nhà văn Nguyễn Xuân Khánh cũng có lời giới thiệu in ở bìa sau cuốn sách – độc đáo, và bi hài: “Hẳn nhiều người còn nhớ Hà Nội những năm tháng khốn khó người ta phải nuôi lợn làm kế mưu sinh. Những tiếng ụt ịt vang lên ở dưới gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể hai mươi mét vuông ở khắp nơi. Một anh thương binh nuôi lợn đến trình độ “nghệ sĩ”, đặt cho lợn những cái tên hào hung: Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm. Một giáo viên dạy sinh vật cấp ba ấp ủ viết cả một Bách khoa lợn. Và đưa ra những khái niệm mới mẻ chưa từng. Bài Trư giáo, Trư luận, Trư học. Một nhà văn bán sách đi nuôi lợn, ngày ngày ngó ra chuồng lợn mà ngẫm ngợi, triết lý…”

Nhưng buồn cười nhất là cũng ở cái Trường Đại học Sư phạm, nơi giáo sư Văn Như Cương từng giảng dạy ấy, một người bạn kể tôi nghe, có một giảng viên văn học hóm hỉnh bảo: Trường mình có tới 90% sinh viên nam mặc... su chiêng. Hỏi vì sao? Ông ấy diễn giải: Có gì đâu. Bọn sinh viên nam mặc áo may ô. Rách quá mà không có cái mới để thay, chúng cứ thắt nút hai cái quai áo phía trên vai. Áo may ô cứ ngắn dần, ngắn dần... Cuối cùng chả thành su chiêng thì thành cái gì?

Đúng là cái thời cười ra nước mắt.

Một câu chuyện khác cũng của tác giả Hà Phương Linh viết về câu chuyện – một con vịt cỏ 07 lạng cho 200 người ăn và phương châm “Sống cùng sống, chết cùng chết” thời bao cấp. Đó là bếp ăn tập thể sinh viên nọ có bữa gọi là “cải thiện”, tức là có “thịt” chứ không chỉ rau và muối như thường lệ. Lần ấy bài toán nhà trường đưa ra quá khó khăn: Món cải thiện cho bếp ăn của trường là một chú vịt cỏ bảy lạng gồm cả xương sau khi bỏ lông. Bài toán là số thịt này nhất định phải được chia đều cho các suất ăn của 200 sinh viên. Làm thế nào đây để đạt được sự công bằng? Các phương án luộc, xào, nấu… đều không khả thi. Vắt óc mãi, cuối cùng một tia sáng lóe lên: Người ta băm  toàn bộ con vịt cỏ nhỏ bé còi cọc đó, băm cả xương, tới mức li ti như vụn bột, sau đó cho vào nấu canh toàn bộ. Cuối cùng các sinh viên không thể nào nhận ra một dấu tích gì của món “thịt vịt cải thiện” và cũng không phải tranh giành hay kèn cựa, kiện cáo nhau nữa…”

Đó là cuộc sống của cả xã hội thời bao cấp thông qua một vài câu chuyện điển hình. Gia đình tôi cũng vậy, phải chạy ăn từng bữa. Có nhiều tháng không sao đong được gạo, còn nếu đong được thì rặt một loại gạo mốc, gạo tồn kho, hôi xì. Hoặc có những bữa, nấu cơm thì phải trộn với mì sợi cho đỡ rời rạc, chẳng may mì sợi bị mốc, ghế cơm lẫn với mì sợi, cả xóm tưởng nhà ai có cơm thiu. Cơm chả đủ ăn lấy đâu cơm thiu. Còn mặc, mỗi người được 04 mét vải, lấy đâu ra quần áo? Khi tôi ở tù ra, Mai phải lấy cả hai chiếc quần tây của em chữa lại thành quần nam giới cho tôi mặc. Lúc đó, tôi đâu biết Mai là diễn viên. Phải đến khi những buổi đêm hai đứa ngồi trò chuyện trước cửa nhà  số 07 Triệu Việt Vương, em mới kể cho tôi nghe, em là diễn viên Đoàn Tuồng Bắc trung ương. Một diễn viên sân khấu, thời đó cũng đã là rất “có giá” trong con mắt người đời. Họ có được chính sách đãi ngộ của nhà nước. Ngoài đồng lương, các diễn viên như em còn được hưởng các chế độ bồi dưỡng như thịt, đường, sữa, hơn hẳn người lao động các lĩnh vực khác. Em lại là người rất có nhan sắc, hẳn có không ít những người con trai để ý hoặc yêu em. Vậy mà em lại yêu tôi, chấp nhận số phận tôi khi tôi bị tai họa đổ ập xuống đầu, gắn bó và vẫn chờ đợi tôi suốt bao năm tháng tôi ở tù. Chấp nhận tất cả những truân chuyên của kiếp một thằng đàn ông bồng bột, ngang bướng, đầy những rủi ro, và đùm bọc nó khi nó được trở về với cuộc sống, thân tàn ma dại. Mỗi lần nhớ tới em, tôi vẫn không sao cầm lòng nổi là vậy.

Rồi dần dần tôi mới quen được cuộc sống mới – tự do của thân xác.

Từ đó, cứ chiều đến, Mai sang nhà tôi hoặc tôi sang nhà Mai ăn cơm. Mẹ Mai lành như đất. Bà cũng có dáng người cao lớn, Mai chắc thừa hưởng ở mẹ dáng người. Nhưng bà có nét gì đó chân chất hơn, quê mùa hơn. Còn Mai có dáng con gái thành phố rõ ràng. Da trắng, tóc rất dài, khuôn mặt em xinh xắn. Hẳn bộ tóc dài đó cũng đã làm say lòng không ít người con trai. Mẹ của Mai cũng là một số phận đàn bà lận đận duyên số. Chấp nhận làm lẽ, chịu đựng sự hắt hủi của những đứa con riêng của chồng. Khi tôi gặp Mai, là lúc hai mẹ con đang phải lần hồi nuôi nhau sau những biến động đời người. Có lẽ bà đã trải qua quá đủ đầy những buồn vui sướng khổ, ngọt ngào cay đắng của chữ Tình, nên tấm lòng ở bà là tấm lòng một người làm mẹ, một người đàn bà bao dung, nhân hậu và thấu hiểu. Nay có thêm một anh chàng tù tội là tôi, âu cũng là số phận chăng, tôi tự đặt ra những câu hỏi về bà như vậy nhưng không sao trả lời cho nổi. Tôi không biết mẹ Mai nghĩ gì về chuyện của tôi, của hai đứa chúng tôi. Hay bằng sự nhạy cảm của một người đàn bà vất vả, hiểu đời, và có phần cam chịu, mà bà hiểu tôi không phải là một kẻ xấu như báo chí Hà Nội lúc đó rêu rao, dẫu cho tôi từng ra trước vành móng ngựa, từng mang án tù “chính trị”, để mà chấp nhận cho Mai yêu tôi. Trái tim người mẹ, trái tim người đàn bà thường có những lý lẽ riêng của nó. Và tôi, tựa vào cả cái tình của hai người đàn bà, một trẻ, một già để được hồi tỉnh, xua bớt, và nguôi ngoai những đắng cay cô độc mà sống.

Nhà Mai cũng rất nghèo. Hai mẹ con Mai ở có 09 m2 trên nóc nhà vệ sinh, mà nay người ta gọi là toilet ở 128 Bùi Thị Xuân. Gốc gác nhà này là một villa cổ. Villa này do em ruột mẹ Mai, tức dì ruột Mai mua. Dì ruột Mai lại lấy ông cậu tôi, (nhưng là vợ hai) tên là Tịch. Ông Tịch – cậu tôi ngày xưa từng đoạt giải quán quân (giải nhất) Đông Dương môn thể thao quần vợt. Sân Khúc Hạo khi đó là của cậu Tịch tôi. Nên hiểu khi đó cả Hà Nội chỉ có mấy sân quần vợt, mà sân Khúc Hạo của cậu tôi là một trong số đó. Những năm 50, cậu Tịch tôi di cư vào Nam. Trước khi di cư, cậu Tịch tôi mua villa 128 Bùi Thị Xuân cho bà vợ hai, tức bà dì ruột Mai. Trước năm 1954, đến lượt bà dì của Mai di cư vào nam, liền nhường cả villa cho ông anh và bà chị cả. Bà chị cả chính là mẹ của Mai. Ông anh của dì ấy là ông cậu của Mai. Ở được vài năm, thì cả miền Bắc nói chung, Hà Nội nói riêng bước vào công cuộc cải tạo tư sản, cải tạo công tư hợp doanh. Các nhà tư sản ở Hà Nội dĩ nhiên thi nhau cống hiến tài sản của họ cho Nhà nước, thể hiện sự tự nguyện một lòng một dạ theo chính quyền mới. Đâu đâu cũng thấy nói chuyện cải tạo tư sản. Các biệt thự của các gia đình tư sản cửa đóng im ỉm suốt ngày. Dường như những vầng mây xám xịt đang phủ dần lên cuộc sống của những nhà giàu, những nhà buôn lớn, những nhà kinh doanh trong cả xã hội khi đó.Khi đó, làm con cái nhà giàu, nhà tư sản có khi lại là… bất hạnh, gặp đầy rủi ro. Vì cái sự giàu có chỉ mang lại tai họa cho con người. Trong xã hội, người ta thù ghét, định kiến với con cái nhà giàu vô cùng. Những bạn bè tôi, chẳng may là con nhà giàu, con nhà tư sản có của ăn của để, dù học phổ thông giỏi đến mấy, rút cục cũng khó chen chân vào cánh cửa các trường đại học khi đó đóng …. im ỉm trước số phận và con mắt buồn bã, thậm chí hoang mang của họ.

Tôi rất biết câu chuyện tình bi thương một cặp trai tài gái sắc. Người con trai “không may” là con nhà một gia đình tư sản nổi tiếng ở Hà Nội. Mặc dù cha anh ta đã “cống nộp” gần như toàn bộ gia sản của mình cho nhà nước, nhưng anh con trai giỏi lắm cũng chỉ được vào Đại học Thể dục thể thao. Dù rất đẹp đôi và yêu nhau tha thiết, nhưng gia đình người con gái dứt khoát cự tuyệt và ngăn cản mối tình đầu của con gái họ. Khỏi phải nói những trận cãi vã trong gia đình giữa người vợ – con một gia đình Thông phán, tây học từng giàu có với người chồng – một công chức lưu dung không theo kháng chiến, cũng vì vậy mà số phận ông long đong lận đận, mãi mới được kết nạp Đảng. Vì vậy, ông lo sợ con gái ông phải mang tiếng “lấy con nhà tư sản”, mọi con đường của tương lai chắc chắn sẽ đóng lại không thương tiếc trước số phận của đứa con gái mà ông yêu thương, và những đứa cháu ông nữa, sẽ thế nào khi chẳng may dính líu tới con nhà tư sản, loại người “ăn trên ngồi trốc, bóc lột”?  Bị cha kiên quyết ngăn cản, vừa thương cha, vừa sợ cha, và cũng thất vọng, người con gái sau những năm tháng chán chường, đã lấy một ông… thương binh. Tưởng có cái mác “thương binh” cho bình an số phận, ngờ đâu ông này ham mê cờ bạc rượu chè, và chết bất đắc kỳ tử trong một ngày mưa gió. Sau cái chết của người chồng có lý lịch cốt cán – “thương binh”, chán chường, người con gái xinh đẹp đã sống một cuộc đời cô đơn, từ chối mọi lời cầu hôn của những người đàn ông khác ở tuổi xuân thì rạng rỡ nhất. Chị sợ thứ hạnh phúc trong một xã hội kỳ thị sự giàu sang, kỳ thị tài năng kinh doanh, chỉ vì cái ý thức hệ hẹp hòi, thiển cận đến ấu trĩ, ngu dốt…

Ở được vài năm, khi cả miền Bắc tiến hành cải tạo tư sản công tư hợp doanh, ông cậu Mai sợ “di họa” vì ở nhà biệt thự, villa sẽ mang tiếng là nhà giàu, là kẻ bóc lột hút máu nhân dân, mặt khác trong quá khứ trước đây ông cũng từng đi lính cho Pháp. Từng ấy “trích ngang lý lịch” đủ là cái gông trên cổ khiến ông không sao sống bình yên. Cứ nơm nớp như cua trong rọ, như cá trong ao. Nên ông cậu Mai bàn với mẹ của Mai hiến villa 128 Bùi Thị Xuân cho nhà nước. Cân nhắc, rồi mẹ của Mai cũng đồng ý. Phận đàn bà chân yếu tay mềm, bà chỉ muốn yên thân, nhất là cái sự yên thân đó gắn liền với số phận của em trai mình. Villa 128 Bùi Thị Xuân có 06 buồng chính, mỗi buồng rộng khoảng 20 –30m2. Sau khi cậu và mẹ của Mai hiến lại cho nhà nước Villa đó, nhà nước sắp xếp cho ông cậu của Mai ở một buồng rộng đúng 12 m2, trên nóc của nhà bếp căn biệt thự, còn mẹ của Mai ở một buồng rộng có 09 m2 trên nóc nhà vệ sinh của căn biệt thự đó. Thú thật, tôi vẫn không hiểu cái cảm giác của hai chị em mẹ của Mai nghĩ ra sao khi đang ở trong biệt thự rộng mênh mông, nay ở trong những căn phòng chật chội, mà thông thường, đó chỉ là nơi cho “con sen, thằng bếp, thằng nhỏ, thằng phu xe” ở? Có lẽ, nỗi sợ hãi vô hình đã khiến cho họ biết đâu cảm giác hài lòng, yên phận khi nhận lại chỗ ở mới?

Ở nhà với gia đình anh trai tôi một tháng, anh tôi xin cho tôi vào làm một hợp tác xã Xây dựng 304 ở số 147 phố Phùng Hưng. Tôi không rõ, anh trai tôi đã nói gì với hợp tác xã, nhưng tôi biết chắc, mọi người đều biết tôi là thằng phải đi tù vì hát nhạc vàng, vừa mới được trả tự do. Tôi đi làm nghề xây dựng lại (thợ quét vôi). Mai có một chiếc xe đạp của Sài Gòn. Dạo đó, khắp Hà Nội chỉ có phổ biến ba loại xe đẹp: Xe đạp Thống nhất, xe Phượng Hoàng (của Trung Quốc). Thảng hoặc người khá giả lắm, hoặc đi học nước ngoài về, thì có xe đạp Diamant của Đức, hay Favorit của Tiệp. Và sau khi thống nhất đất nước thì có thêm một loại xe đạp Sài Gòn. Thường người ta mua khung xe Sài Gòn, các loại phụ tùng lốp, săm…. và tự lắp. Buổi sáng, tôi lấy xe đạp của Mai đèo Mai đến chỗ  làm của tôi, rồi Mai đạp xe về. Buổi trưa, Mai đạp xe mang cơm đến cho tôi ăn. Tôi ăn cơm xong, em lại mang bộ quần áo lao động (tôi chỉ có một bộ quần áo lao động) đó về giặt và phơi, rồi là cho khô. Chiều Mai đến đón tôi, mang cho tôi bộ quần áo đó, để sáng hôm sau tôi mặc để làm việc, và tôi lại đèo Mai về nhà em bằng chiếc xe đạp Sài Gòn cọc cạch, ăn cơm với hai mẹ con em vào buổi chiều. Tối đến, chúng tôi đi chơi với nhau.

Dù vất vả, nhưng đó quả thật là những năm tháng êm đềm của cả hai đứa. Nhất là với tôi, một thằng tù khốn khổ gần chục năm trời, thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu thốn tình cảm đủ mọi bề. Và đó cũng như là những năm tháng bù đắp cho Mai của tôi, người con gái can đảm và chung thủy tuyệt vời, một người con gái biết sống với chữ Tình yêu trọn vẹn, trọn nghĩa. Tôi không hiểu thời nay có nhiều không những người con gái yêu với đức hy sinh như em. Đời tôi quá gian nan, tuy vậy, có lẽ Mai chính là sự bù đắp lớn nhất của số phận cho tôi, dù sau này, số phận cũng mang em rời khỏi cuộc đời tôi rất sớm. Nhưng đó là chuyện sau này, khiến tôi mãi mãi vừa đau đớn, lại vừa tự hào về em. Có những tối, đi chơi với nhau, khát nước quá, hai đứa phải tìm quán giải khát. Nghèo quá nên Mai cũng phải rất tiết kiệm. Một cốc nước giải khát lúc đó tôi nhớ chỉ có 02 đồng, em toàn giành trả tiền, vì tôi mới đi làm chưa có đồng xu nào. Mà trả tiền giải khát, chỉ toàn bằng tiền xu, tiền hào. Khổ thế đấy. Hạnh phúc của người nghèo bao giờ cũng có vị đắng, dù đó là …. vị đắng của Tình yêu. Nghèo nên tuy rất yêu nhau, nhưng cả hai chúng tôi đều chưa có ý định lấy nhau. Và cũng vì nghèo quá, mà cuộc đời tôi trôi nổi nay đây mai đó. Nhưng chính ở những khắc nghiệt của hoàn cảnh, lúc gần lúc xa cách em, tôi càng nhận ra Mai của tôi là một người con gái hiếm có.

Rồi đời tôi cũng có lúc trở nên … mát mặt. Hợp tác xã Xây dựng 304 giao cho tôi làm tổ trưởng tổ quét vôi. Có lẽ tay nghề và cái “gien” nghề nghiệp của cha vẫn chảy trong huyết quản tôi. Hợp tác xã khi đó giao cho tôi phụ trách tổ sơn cửa và quét vôi. Tổ của tôi làm ăn rất mạnh.  Chúng tôi phụ trách nhiều công trình lắm. Nhờ vậy, nhiều tháng, doanh thu của tổ rất cao, cao nhất hợp tác xã. Lương bình quân của anh em thợ là 60 đồng/ tháng. Còn tôi là chủ thầu nên khoảng 200 –300 đồng/ tháng, cao ngất ngưởng. Vì thời đó, làm chủ thầu càng giỏi bao nhiêu thu nhập càng cao bấy nhiêu. Biết tôi tuy đi tù về, nhưng lại chưa có vợ, các bà các cô cũng hay trêu tôi lắm. Suốt từ năm 1976 đến 1986 – các xí nghiệp, cơ quan nơi chúng tôi làm thuê thay đổi không biết bao nhiêu đời gián đốc, hoặc các phòng ban, nhưng đời giám đốc nào họ cũng vẫn thuê tổ sơn quét vôi của tôi. Vì chúng tôi làm ăn giữ chữ tín làm đầu. Tôi còn nhớ năm đó, hợp tác xã chỉ định tổ của tôi sơn quét vôi cho Cục Liên lạc Đối ngoại. Vì lý lịch “đen ngòm” là “tù chính trị” nên tôi rất ngại ngùng, nhưng rồi tôi vẫn phải nhận. Tôi cầm đầu một đội thợ sơn quét vôi toàn những thợ già làm việc từ thời bố tôi, rồi thời anh tôi, đến nay là tôi. Khi quét vôi những buồng của khách quân sự nước ngoài thường nghỉ, tôi toàn cho thợ vào làm. Thời điểm đó, có khi có tới thợ của ba hợp tác xã sơn vôi cùng làm việc tại đây. Đi làm, vì là chủ thầu, tôi giữ nguyên phong cách của bố tôi thời trước, thường mặc comple, một ông tướng bảo tôi: Đi làm mà ông mặc comple, làm việc tốt sao được. Ông tướng này biết đâu chúng tôi toàn thợ tay nghề cao, có thâm niên. Tôi mới bảo ông ta: Đừng nhìn tôi. Hãy nhìn thợ tôi làm! Sau công trình đó, họ lại thuê đội của tôi tiếp, nhưng tôi thôi, không nhận nữa. Tôi bảo, nếu tốp thợ của hai hợp tác xã kia vẫn làm thì tôi không làm nữa. Vì tôi là một “thằng tù chính trị”. Nhỡ thợ hai tốp kia có kẻ xấu chơi nó đặt bom rồi đổ riệt cho tôi thì làm sao? Thời đó, lý lịch của con người bị tổ chức họ soi kỹ lưỡng lắm. Tôi cũng đầy mặc cảm, cay đắng về số phận mình. Tôi gắng hết sức để “tránh” những nơi làm việc mà môi trường đó khá nhạy cảm. Khổ thế đó. Cái án “tù chính trị” vô lý như một cái vòng kim cô vẫn riết trên đầu số phận tôi một cách vô hình, ám ảnh tôi khôn nguôi.

Nhưng đến năm 1986 – 1987, bắt đầu có sự Đổi mới cơ chế kinh tế thị trường thì hợp tác xã nơi tôi làm bị xóa sổ. Tôi bèn chuyển ra làm ngoài, làm chủ thầu các công trình sơn quét, cả nhà nước và tư nhân. Cứ “nơi nào cần là ta cứ đi”. Chỗ nào gọi là tôi và thợ của tôi đến làm, không nề hà công trình lớn hay nhỏ. Tôi làm nghề rất có uy tín, vì vậy rất đắt khách, dù người ta đều biết tôi đi tù về. Nhưng có lẽ, trong con mắt của nhiều người, chuyện đi tù vì hát nhạc vàng của tôi chả liên quan gì tới cái chổi của “anh thợ quét vôi” cơ chứ. Vả lại tôi làm ăn đứng đắn, giữ chữ tín với mọi người. Có những nơi như Bệnh viện Gia Lâm, hay Xí nghiệp Dược phẩm Hà Nội, tôi làm việc với họ rất lâu dài, tới 10 năm – 20 năm – từ thời tôi còn trẻ, và cả thời gian sau khi tôi đi tù về. Cũng phải nói thêm một điều này, sau khi được trả tự do, tôi vẫn còn bị mất quyền công dân 04 năm nữa. Những quyền công dân bị mất đó là gì? Đó là không được đi bầu cử; không được tham gia vào chính quyền nhà nước; không được họp hành khu phố. Và không được đi khỏi nơi cư trú, nếu đi đâu phải trình báo công an phường. Các buổi tối, các ông công an phường vẫn đến kiểm tra thường xuyên tôi có mặt ở gia đình không. Trong tiêu chí quy định bị mất quyền công dân, có cả quyền bị quản chế. Những năm tháng bị quản chế, bị mất quyền công dân, hỏi tôi có buồn không? Tôi buồn chứ. Vì trong con mắt nhiều người, họ vẫn nhìn tôi như tội phạm chính trị. Mà thời nào cũng vậy trong xã hội này, tội phạm chính trị là một thứ tội “khó tha thứ” nhất, vì nó bị coi là nguy hiểm nhất, bị định kiến nhất. Một xã hội mà chính trị vốn là thống soái, thì tội phạm chính trị đương nhiên bị xa lánh nhất. Dĩ nhiên ở khu phố tôi ở, người dân toàn là người Hà Nội sống nhiều đời, họ có phần thương cảm, chí ít cũng thông cảm, bởi họ vẫn có cách nhìn nhận khác. Cũng chả phải chỉ cuộc đời tôi nhiều thăng trầm biến động, mà cái khu nhà tôi ở – số 07 Triệu Việt Vương, cũng đầy những con người mà số phận vật đổi sao dời, khó biết trước. Hôm nay hay mai đã lại dở rồi. Trong cái khu nhà này có bà Dần, ông chồng tên là Nguyễn Hữu Hiếu, nghe nói từng làm nhạc trưởng Dàn nhạc của một đài phát thanh lớn nhất nước. Gia đình này thuộc loại khá giả. Có ba người con đều được vào học Học viện Ấm nhạc Quốc gia Việt Nam. Cùng thời điểm này, hàng xóm của tôi còn có một ông đại úy công an lực lượng vũ trang, tên là Chiêu. Cạnh nhà tôi lại có anh Lành, phụ bếp của khách sạn Thống Nhất. Những năm mấy anh em chúng tôi tụ tập hát nhạc vàng thì chính ông Chiêu, đại úy công an lực lượng vũ trang đã vận động cả khu nhà nơi tôi ở làm đơn tố giác chúng tôi hát nhạc vàng. Bà Dần cũng ký vào đơn tố giác. Trong con mắt họ, chắc chúng tôi phải là loại hư hỏng, sa đọa lắm. Thậm chí, ngay cả khi chúng tôi đã đi tù hẳn, ai đó còn vận động cả khu phố làm đơn tố giác chúng tôi hát nhạc vàng, để củng cố thêm tội lỗi bọn tôi, và khẳng định việc tù tội với chúng tôi là đích đáng. Nhưng 08 năm sau tôi ở tù ra thì ông đại úy công an Chiêu đã bị đi tù 03 năm vì tội tham ô. Tham ô, tham nhũng là những tội mà bây giờ cả xã hội đang lên án, và người dân đòi hỏi nhà nước phải có giải pháp ngăn ngừa, hạn chế và xử lý đích đáng. Còn bà Dần, cũng bị đi tù 06 tháng vì tội “chứa cờ bạc”. Xưa nay, đàn ông sa chân vào chứa cờ bạc đã dễ thân tàn ma dại, đàn bà mà “chứa cờ bạc” thì cũng là loại dễ có mấy tay. Còn anh Lành, không hiểu sao, có đứa em bị đi tù. Đúng là “vật đổi sao dời”.

Tôi còn nhớ mãi một câu chuyện này. Vì nó khá ám ảnh tôi sau khi tôi ở tù ra. Dạo đó, đang quét vôi thuê cho Cửa hàng Kem 35 Tràng Tiền. Cửa hàng Kem Tràng tiền khi đó do bà Lương làm cửa hàng trưởng, bà Châu làm Cửa hàng phó. Một hôm đang làm việc, bà Lương gọi tôi: 

–Anh Lộc ơi, lên đây em nhờ!

Hóa ra, có bà Cửa hàng phó Cửa hàng giải khát Bốn mùa, chắc nghe tiếng nhóm chúng tôi làm ăn đứng đắn, liền đến đặt vấn đề với Cửa hàng Kem Tràng Tiền nhờ giới thiệu họ cho nhóm chúng tôi. Xong việc chỗ Cửa hàng Kem Tràng Tiền, chúng tôi chuyển sang quét vôi cho Cửa hàng Bốn Mùa. Lần đó, vừa viết xong bản quyết toán để Cửa hàng Giải khát Bốn mùa thanh toán tiền cho nhóm thợ của tôi, đột nhiên bà Cửa hàng phó – một người vốn mau mồm mau miệng bỗng nhiên hỏi:

–Xin lỗi anh Lộc, nghe nói trước đây anh Lộc bị đi tù bởi hát nhạc vàng phải không?

Tôi sững người, không hiểu vì sao bà ta lại hỏi chuyện đó. Cứ nghĩ là tính đàn bà hay tò mò, thóc mách, nhưng nhìn mặt bà ta, thấy bà có ý hỏi nghiêm chỉnh nên tôi trả lời:

–Vâng, tôi bị đi tù vì hát nhạc vàng, chị ạ!

Rồi tôi kể cho bà ấy nghe về chuyện của mình, về vụ án “Nhạc vàng” của bọn tôi. Những khổ đau và oan uổng chúng tôi phải chịu đựng. Suốt hai tiếng, bà ta ngồi trầm ngâm, lắng nghe không bỏ sót chi tiết nào. Đột nhiên bà ta hỏi tôi:

–Anh Lộc còn nhớ ai là người bắt anh và hỏi cung anh không?

– Tôi làm sao quên được. Ông công an bắt và hỏi tôi là ông Đức Giáp, sinh năm 1937, người quê gốc Thanh Hóa, ông này có đặc điểm là có một nốt ruồi ở má, nên rất dễ nhận diện.

–Người hỏi cung anh có phải là người tốt không? Tôi hỏi thật anh? Bà ấy lại hỏi lại, khiến tôi càng thấy tò mò.

– Chị hỏi thế tôi khó trả lời lắm. Tôi nêu một ví dụ để chị dễ hiểu nhá. Tôi là chủ quán café, chị là khách hàng. Vô tình chị đánh vỡ của tôi chiếc cốc uống café. Nếu tôi là người có đạo đức, công bằng và công tâm, có tính người, tôi sẽ bảo nhân viên bê cốc café khác ra và tính tiền cho chị đúng giá tiền của chiếc cốc. Nhưng nếu tôi là loại chủ quán lưu manh, hay bắt chẹt khách hàng, tôi bảo chị cố tình đến quán café của tôi để phá quán, vì bên cạnh quán của tôi còn có nhiều đàn anh đàn chị bảo vệ tôi, thì người hỏi cung tôi cũng thế mà thôi chị ạ. Tôi mua chiếc cốc đó có 05 đồng, nhưng tôi bắt chị đền 10 – 20 đồng, thì người hỏi cung tôi cũng như thế mà thôi. Chân lý trong tay kẻ mạnh. Chân lý không phải là chân lý mà!

Thấy bà ấy lặng người đi lâu lắm, như suy nghĩ trước câu trả lời cay đắng của tôi. Lúc sau, bà ấy lên tiếng:

–Thú thật, ông ấy là chồng tôi đó, anh Lộc ạ! Bà trả lời tôi, như thăm dò

–Thế thì chồng chị giỏi lắm. Sau khi hỏi cung tôi, với vụ án nhạc vàng của chúng tôi, được biết chồng chị được thăng 02 cấp một lúc. Có lẽ giờ ông ấy tiến lắm rồi! Tôi nói tưng tửng, không giận dữ, không cay đắng, tủi hờn.

–Thú thật, chồng tôi bỏ nghề rồi. Vì hai vợ chồng tôi có một thằng con trai lớn, chẳng may cháu bị chết. Sau cú sốc kinh khủng đó, ông chồng tôi bỗng bỏ nghề làm công an và chuyên đi cúng bái để giúp đời. Ông ấy bảo không làm nổi nghề đó nữa!

Sau những câu đối thoại, mỗi người chúng tôi ngồi lặng rất lâu. Tôi không biết bà Cửa hàng phó cửa hàng Bốn Mùa đó nghĩ gì về câu chuyện đời tôi vừa kể, về những oan trái tôi phải chịu đựng. Nhưng cái việc đứa con không may bị chết và việc ông chồng bà bỏ nghề, hẳn cũng gợi nên ở bà ta những ám ảnh và dằn vặt về một cái nghề có thể gây oan sai cho con người chăng? Cũng chỉ trong gieo neo, trong tai họa của số phận, tôi càng nhận chân ra được chất người. Có những người tử tế nhưng không thiếu những kẻ cơ hội đến mức lưu manh. Dạo đó, có một thằng học cùng lớp với tôi tên là Thiện. Tên là Thiện mà tính cách nó chẳng lương thiện tý nào. Bố của Thiện chuyên làm nghề cắt tóc. Cửa hành ông này đóng ngay ngã tư Huyền Trân Công Chúa và Trần Nhân Tông. Khi tôi bị bắt vào Hỏa Lò, thì bất ngờ nhất tôi gặp Thiện. Hóa ra, Thiện làm quản giáo. Nó gọi tôi ra riêng một chỗ hất hàm hỏi:

– Vì sao mày bị bắt?

–Bọn tao chỉ hát nhạc vàng!

– Bây giờ mày phải gọi tao bằng ông. Ông Thiện nghe chửa? Láo. Mày mày tao tao cái gì? Nói rồi, Thiện sai người cùm tôi 05 ngày ở ngay Hỏa Lò.

Sau khi tôi đi tù về, bất chợt một lần, tôi gặp lại cậu ta trong một hoàn cảnh trớ trêu. Tôi vào một quán bán nước chè ngay cổng Trường trung học cơ sở mang tên Ngô Sỹ Liên uống một chén nước. Tôi thấy lạ, vì tay chủ quán cứ cúi gằm mặt, khiến tôi đâm chú ý. Bất chợt, nhận ra đó là Thiện quản giáo ngày xưa. Ngày nào làm quản giáo hét ra lửa, giờ quản… quán nước chè xanh. Bắt gặp “thằng tù” – bạn học cũ ngày nào bị chính mình ra lệnh cùm chân, cậu ta cứ giả vờ cắm cúi làm việc không dám ngẩng mặt nhìn. Sau này, tôi mới biết, cậu ta bị thải hồi khỏi quân ngũ vì mắc tội “hủ hóa” với vợ một ông bộ đội. Dạo đó, nói đến tội “hủ hóa”, mà bây giờ người ta gọi là cặp bồ, là ghê lắm. Người mắc tội này, cả đời không ngẩng nổi mặt lên trong con mắt cộng đồng, tập thể.

Mấy năm sau khi đi tù ra, một lần cán bộ phường đưa tôi thẻ cử tri. Tôi trả lại vị cán bộ phường, thản nhiên: Các ông đừng lừa tôi. Tôi đi bỏ phiếu nhỡ các ông lại bảo tôi phá hoại thì sao? Vị cán bộ phường chẳng nói năng gì, cầm lại chiếc thẻ cử tri.

                                                        *****

Nhưng cuộc sống mát mặt cũng chả được bao lâu. Năm 1978 – 1979, tôi quyết định đi làm thêm nghề làm bánh mì. Và thế là ban ngày tôi làm thợ sơn quét vôi, ban đêm tôi làm thêm ở lò bánh mì. Tháng 10/1979, ông Lợi (là bố vợ của cậu em út tôi – tên là Vinh), nhà ở số 08 Ngõ Điện (do đầu ngõ có cái bốt điện nên người ta quan gọi là Ngõ Điện, thuộc phố Trần Xuân Soạn), thấy tôi làm bánh mì, mới kể rằng, trong Quy Nhơn lúc đó, nếu làm bánh mì sẽ rất lãi. Ông Lợi rủ tôi và cậu Minh – cũng là một thợ xây – vào Quy Nhơn làm ăn chung. Ông là người sẽ bỏ vốn ra, tôi và cậu Minh sẽ phụ trách kỹ thuật, lời ăn lỗ chịu chung. Bùi tai, tôi và cậu Minh cùng ông Lợi vào Quy Nhơn, làm việc ở thôn Phước Lộc, xã Phước Long, huyện Tuy Phước, gần ga Diêu Trì. Chúng tôi vào nhà anh Năm Trị, họ hàng anh này thuộc bên vợ của ông Lợi. Nhà anh Năm Trị xây lò bánh mì. Ông Lợi bỏ tiền mua vật liệu làm bánh. Tôi và cậu Minh phụ trách khâu kỹ thuật bánh. Nhưng cái sự lận đận dường như vẫn bám riết lấy số phận tôi. Mới khởi công và lò bánh mì hoạt động được đúng một tháng, Nhà nước có quyết định dừng không nhập bột mỳ nữa. Cả bọn hoang mang. Không bột thì lấy đâu “gột” nên bánh? Có một buổi tối, ông Lợi rủ tôi và cậu Minh đến chơi nhà một người bạn của ông Lợi tên là Thành ở gần đó. Sau một hồi chuyện vãn, trước khi chia tay, anh Thành cho cả 03 người chúng tôi mỗi người 500 đồng để có thêm lộ phí trở ra Bắc. Hôm sau, cậu Minh theo ông Lợi trở ra Bắc. Còn tôi vẫn quyết định ở lại. Vì sao? Vì ra Bắc thì cũng vẫn thế. Gieo neo tiếp tục gieo neo. Trong khi đó, tôi đang rất cần tiền, để có thể cưới Mai. Mai vẫn đang chờ đợi tôi. Em đã chờ đợi tôi. Còn tôi không thể để em cứ mãi đợi chờ. Lúc đó, anh Năm Trị lại đang bị nợ nần vì cái lò bánh mì dở dang. Tôi lấy 500 đồng của anh Thành cho đưa cho anh năm Trị mua bột (ngoài), với mong muốn cả hai sẽ gây dựng lại lò bánh mì. Cái đói, cái nghèo và sự khát khao hạnh phúc khi nhớ tới Mai vẫn cứ lặng lẽ chờ đợi tôi ở một phương trời xa khiến tôi càng quyết tâm. Lại nhớ tới bài hát “Hình ảnh một buổi chiều” của Lâm Tuyền, giờ đây nó vận vào số phận hoàn cảnh của một gã trai nghèo như tôi quá, ở hai câu: Anh không giữ trong tay một kho tàng quý báu. Hay một danh vọng nào cả. Anh chỉ giữ hình ảnh một buổi chiều, khi nắng vàng nhuộm mái tóc em.

Không biết những chiều xa vắng, nắng có nhuộm vàng lên mái tóc dài và mượt, và rất đẹp của Mai không? Tôi rất nhớ em. Nhưng cái khó bó … khát khao. Đành cắn răng chịu đựng làm việc, hy vọng ngày trở về có chút đồng vốn giắt lưng. Éo le thay, tôi và anh Năm Trị càng quyết tâm thì cái rủi ro càng đeo bám lấy cả hai người. Càng làm càng hụt vốn. Nhưng có ở trong hoàn cảnh khốn khó, mới thấy tấm lòng của gia đình anh Năm Trị, mới thấy tấm lòng những người lao động cùng cảnh đùm bọc, cưu mang nhau ra sao. Anh Năm Trị quý tôi lắm. Bữa sáng anh thường luộc sắn cho tôi ăn, trưa đến vẫn nấu cơm cho tôi. Tôi vô tình… cho đến một ngày khi tôi xuống bếp vào bữa trưa, bất ngờ thấy cả nhà anh Năm Trị đều ăn sắn luộc. Hóa ra, cả nhà anh ăn sắn nhưng nhường cơm cho tôi ăn. Tôi ân hận quá về sự vô tình của mình, và không chịu ăn cơm nữa, mà cùng ăn sắn với gia đình anh. Làm bánh mì không thành, anh Năm Trị bèn giới thiệu tôi đi làm thuê bánh tráng cho một gia đình gần đó. Công việc hàng ngày của tôi là cắm một túp lều trong rừng, đốt củi thành than, than đó dùng để sấy bánh tráng. Tôi ở cùng một ông già bị điếc ngoài 60 tuổi. Hai người hí húi làm việc, rất ít trò chuyện. Bởi ông già điếc đặc có nói chuyện cũng phải nói… mỏi tay. Chủ nhà đó thuê và trả cho tôi tiền công một ngày là 05 đồng tiền công, một lon sữa bò gạo, một kg sắn và một nắm rau. Lúc đó, đói thì không đói nữa, nhưng mỗi lần nhìn thấy tàu vào Sài Gòn thì nhớ họ hàng trong Sài Gòn, còn nhìn thấy tàu ra Hà Nội lại nhớ Hà Nội, nhớ Mai của tôi. Ở trong đó mấy tháng, sau khi ông Lợi trở ra Bắc, gần Tết âm lịch năm ấy khoảng bẩy ngày, máu phiêu lưu nổi lên, tôi bỗng có ý định vào Sài Gòn xem sao. Trở về làng, tôi quyết định bán hai bộ quần áo, một chăn len, một chiếc màn tuyn được tất cả 120 đồng, mua một chiếc vé tàu vào Sài Gòn đúng 120 đồng. Giá vé chính thức thì rẻ hơn nhưng muốn mua được vé chính thức thì tôi phải có giấy giới thiệu. Mà tôi lúc đó vẫn ở trong diện quản chế. Đi đâu khỏi chỗ ở phải báo cáo công an phường. Nhưng tôi đã lén đi cùng với ông Lợi. Chuyện này đã làm rầy rà cả tôi và Mai, điều đáng nói hơn, nó vô tình tác động và quyết định tới số phận em. Cho thấy em là người đầy bản lĩnh và đức hy sinh ra sao. Nhưng chuyện thế nào, tôi sẽ kể sau. Dù lúc đó, tôi muốn trở ra Hà Nội với Mai lắm, nhưng tiền không có. Giá vé tàu ra Hà Nội lúc ấy là 250 đồng, tôi lấy đâu tiền mà ra? Trước khi lên đường đi cùng ông Lợi vào Quy Nhơn, tôi nói hết với Mai chuyện vào đó để kiếm tiền, cưới em. Những tháng ngày xa cách, chúng tôi chỉ có cách viết thư cho nhau gửi qua bưu điện. Nỗi nhớ, sự chờ đợi thật da diết, thật quay quắt…

Tôi lên tàu vào Sài Gòn đúng dịp Tết âm lịch năm 1980. Ở trong Sài Gòn tôi có ông chú ruột, và hai bà cô ruột, trong đó bà cô tên là Soạn có tới 07 người con đều di cư trước năm 1954. Tết năm đó, tôi ăn Tết với họ hàng ở Sài Gòn. Sài Gòn với tôi là một xứ sở mới mẻ, đầy lạ lẫm. Sự văn minh từ “thời Mỹ – ngụy” còn đậm đặc không chỉ trong khung cảnh toàn thành phố, những nhà hàng, khách sạn choáng lộn, mà trong cả cảm nhận về đời sống, trong cách ăn mặc, giao tiếp, trong ngôn ngữ, cử chỉ của người Sài Gòn. Còn tôi tuy là gã trai Hà Nội, nhưng cuộc sống tù tội, chìm nổi của đói nghèo thời tem phiếu bao cấp đã khiến tôi thấy mình như một gã quê mùa ngác ngơ, lạc lõng giữa khung cảnh thành phố từng dòng xe máy, xe hơi, những hàng cây me hoa me lả tả dịu dàng, thỉnh thoảng bắt gặp những tà áo dài nữ sinh duyên dáng, tạo nên một nét đẹp đặc trưng rất riêng của Sài Gòn. Chú ruột tôi (em ruột bố tôi), gọi là ông Hai Chiêu, trước khi di cư vào Nam năm 1954 có nói với bố tôi, xin được nhận tôi làm con nuôi ông. Chú ruột tôi từng làm trọng tài bóng đá ở Hà Nội thời Pháp thuộc. Thú thực, khi vào đó, tôi cũng có hy vọng ông Hai Chiêu và vợ ông, tức cô chú tôi sẽ nhận tôi làm con nuôi như trước đây ông đã từng có ý định. Tôi cũng có một bà cô là con chú con bác ruột tên là Hợp lấy chồng trước năm 1954. Ông chú này cũng từng đi lính cho Pháp, rồi chết ở mặt trận. Sau năm 1954, bà Hợp đi bước nữa, lấy một ông chồng người miền Nam tập kết ra Bắc. Ông tên là Hoàng. Ông Hoàng làm ở đoàn tàu đánh cá Hạ Long (Hải Phòng). Sau năm 1975 thống nhất đất nước, ông Hoàng trở về Sài Gòn đưa cả bà Hợp và các con đi theo, được thành phố cấp cho một cái nhà rất to, rộng khoảng 300 m2 ở một con phố lớn của trung tâm thành phố. Ông Hoàng là người rất tốt. Khi tôi vào, biết tôi chỉ có hai bàn tay trắng, ông có miếng vải may áo, loại vải dạo đó gọi là sơ – vi – ốt màu mỡ gà, và một miếng vải may quần (dạo đó gọi là tê – tơ – rông) màu hạt dẻ, do cơ quan ông thưởng, đủ may một bộ quần áo, ông đưa cả cho tôi. Ông Hoàng bàn với vợ – bà Hợp, nói với ông Hai Chiêu (chú ruột tôi) do không có con, nhận tôi là con đẻ gửi ở Hà Nội những năm trước đây, và kiếm việc làm cho tôi tại Sài Gòn. Cũng phải nói thêm trong số 07 người con của cô Soạn tôi (em út bố tôi), có Hiền, Nghĩa chuyên buôn bán vải ở Chợ Lớn, rất giàu có. Ngày dưới 100 đồng lãi là hai đứa không thèm đứng chợ đâu. Cũng phải công bằng mà nói rằng, ông Hai Chiêu, chú ruột tôi vẫn phải trông cậy vào bà cô em gái, tức bà Soạn (họ đều là em ruột bố tôi). Khi ông Hoàng lên nhà ông Hai Chiêu – chú ruột tôi – đề cập việc ông Hai Chiêu nhận tôi làm con để tôi có điều kiện ở lại Sài Gòn, kiếm công ăn việc làm, thì em Tiến, con ông chú Hoàng tôi không biết vì sao nghe thấy bà cô tôi – vợ ông Hai Chiêu không đồng ý nhận cho tôi ở lại, vì tôi “là thằng tù”. Tiến bảo:

–Anh Lộc ơi! Không ở lại được đâu. Vì thím (vợ ông Hai Chiêu – tức thím dâu tôi) không chấp nhận!

Khỏi phải nói, tôi thấy thân phận mình bẽ bàng, cô đơn đến thế nào. Gần chục năm tù tội vì mê hát nhạc vàng, ra tù, cả nước hát nhạc vàng. Đến gia đình họ hàng ruột thịt cũng từ chối, cả khi đời tôi bí bách không biết tìm đâu ra con đường sống. Nhưng tôi không dám trách một ai trong số đó. Vì cái tâm lý ám ảnh thân phận có một người họ hàng ruột thịt là “tù chính trị” chả vẻ vang gì. Thậm chí còn là nỗi lo sợ mơ hồ lẩn khuất đâu đó trong tiềm thức con người. Nó như một cái họa “tiềm năng” với số phận họ thì sao? Không còn con đường nào khác, sau một đêm nghĩ ngợi rất lung, sáng hôm sau, tôi xin phép mọi người, trở ra Bắc.

Bà Hợp, bà cô con chú bác của tôi vẫn là người tình nghĩa nhất, rất thương tôi. Có lẽ gia đình ông Hoàng bà Hợp là niềm an ủi tôi nhất trong những ngày bơ vơ đó, bảo tôi:

–Mày để tao xin tiền cho rồi về! Bà quen dùng từ mày, tao nghe có vẻ bỗ bã, nhưng thật ra rất tình cảm!

Tôi không chịu. Tôi ra Chợ Lớn, tìm Hiền và Nghĩa, hai cô em họ con bà Soạn, cô ruột của tôi. Tôi mang hai mảnh vải, đủ may một bộ quần áo mà ông Hoàng cho trước đó, bảo hai cô em họ:

–Nghĩa, Hiền ơi! Thím Hai Chiêu không chấp nhận cho anh ở lại đây. Đằng nào anh cũng phải về Hà Nội tìm việc làm. Các em xem có thể bán giúp anh hai miếng vải, anh lấy tiền ra Hà Nội!

Hai đứa Hiền, Nghĩa gọi mấy người chuyên nghề “phe phẩy” – cái cụm từ khi đó thường ám chỉ những người chuyên nghề mua đi bán lại kiếm lờ lãi, định giá hai miếng vải của tôi. Trao đổi một hồi, Nghĩa bảo:

–Họ định giá có 150 đồng thôi! Tôi đồng ý liền. Nghĩa đưa tôi 150 đồng!

Thú thật, tôi cay đắng nhận ra tình cảm ở các em con cô ruột của tôi ra sao. Nhưng tôi lẳng lặng cầm lấy. Đường phố Sài Gòn vẫn đông đúc, tập nập xe cộ, mà tôi cảm giác như mình là người đi giữa sa mạc. Lạnh lẽo đến rợn người. Tôi về đến nhà nói với bà Hợp:

–Cô ơi! Mai cháu về Hà Nội! Cả ông Hoàng và bà Hợp đều bảo:

–Mày về Hà Nội làm gì? Ở đây, chúng tao kiếm công ăn việc làm cho! Ra đó đói dài. Ra làm gì?

Tôi không chịu. Sau một hồi trình bầy hoàn cảnh với ông bà Hợp, bà bảo:

–Vậy để tao đi xin tiền của chúng nó (mấy đứa em con cô ruột tôi) cho mày về! Tôi bảo tôi có tiền rồi. Bà ngỡ ngàng không tin:

–Mày lấy tiền ở đâu? Hay mày ăn cắp?

Có khổ thân tôi không? Tôi mới bảo:

–Không! Đời cháu nghèo thật, nhưng không bao giờ cháu ăn cắp cô ạ. Nhờ có hai mảnh vải chú Hoàng cho cháu, cháu bán đi nên có tiền!

–Mày bán cho ai?

–Cháu nhờ cái Hiền, cái Nghĩa bán hộ được 150 đồng!

Bà Hợp chửi ầm lên:

– Cha tiên sư chúng nó. Để mai tao xuống tao bảo chúng nó! Sao anh em lại nỡ cư xử cạn tình đến thế? Anh có khốn khó, phận làm em, giúp cho anh cái vé tàu mà cũng không được à?

Ông Hoàng phải xuống nhà ông Hai Chiêu bàn chuyện làm đơn trình bầy lý do với cán bộ phường ở đó, xin chứng nhận: “Cháu tôi là Lộc bị mất cắp hết giấy tờ”. Có cái giấy chứng nhận của phường sở tại, tôi mới đi mua được cái vé tàu 65 đồng ra Hà Nội. Chả bù cho bây giờ, khách đi tàu hỏa ít hơn cả khách đi máy bay, khiến có ông quan chức đầu ngành giao thông vận tải nghĩ cách yêu cầu siết chặt việc tăng chuyến bay để dân tăng cường đi tàu hỏa. Nhưng cái cách tư duy định hướng kiểu đó thời kinh tế thị trường có khác gì cái tư duy bao cấp thời mua vé tàu phải có giấy giới thiệu đâu. Với cái tư duy kiểu đó thì xã hội làm sao mà đi nhanh được? Nó cũng “anh chị em sinh đôi” với cái cách tư duy hình sự hóa việc hát nhạc vàng của nhóm mấy thằng tù chúng tôi.

Trước khi trở ra Hà Nội, tôi đến chào vợ chồng ông bà Hai Chiêu, xin phép:

–Con đã có người yêu ở Hà Nội. Con xin phép chú thím ra ngoài đó, kiếm việc làm để cưới vợ! Thím Hai Chiêu đon đả:

– Con cứ ra ngoài đó lấy vợ đi, phụng dưỡng bố mẹ vợ. Ở đây bố mẹ (bà thím thường xưng “bố mẹ” với tôi) đã có các em (con của cô Soạn tôi).

Sau này, khi cả vợ cả chồng ông bà Hai Chiêu mất, tôi đều vào chịu tang đầy đủ. Cũng chả hiểu vật đổi sao dời ra sao, các con cái của bà Soạn, bà cô ruột tôi sau này tiền của tứ tán, sống dở chết dở, khổ cực lắm.

Trong lúc đó, ở ngoài Hà Nội xảy ra biết bao chuyện liên quan đến tôi và Mai, mà vì thư từ dạo đó rất chậm, nên phải khi trở ra Hà Nội, tôi mới biết qua chuyện Mai kể. Những năm 79 –80 đó, xảy ra chiến tranh biên giới, trong nước có chiến dịch về người Hoa. Nhiều người Việt gốc Hoa, hoặc người Việt đua nhau vượt biên. Người ta bắt hợp tác xã quản lý ngày công của những người như tôi – vừa ở tù ra, vẫn đang trong diện mất quyền công dân, bị quản chế rất chặt, đề phòng tôi vượt biên. Thú thực, là khi tôi đi theo ông Lợi vào Quy Nhơn làm bánh mì kiếm sống, rồi vào Sài Gòn kiếm việc làm, tôi phải lặng lẽ trốn đi. Vì miếng cơm manh áo mà phải trốn, vì nếu muốn đi phải làm giấy xin phép chính quyền sở tại rất nhiêu khê, mà tôi biết chắc rằng sẽ không được đi. Nhưng miếng cơm manh áo thì không đợi được. Thế nên, khi thấy tôi đi vắng nhiều ngày, chính quyền phường gửi giấy về số 07 Triệu Việt Vương, để tôi phải trình diện. Nhưng tôi có ở nhà đâu để mà trình diện? Xin mượn câu thơ của nhà thơ Xuân Diệu, “cơm áo không đùa với… thằng tù”…. Mai đành phải lấy tờ giấy trình diện của tôi lên tận Sở Công An Hà Hội (phố Trần Hưng Đạo). Các ông công an Hà Nội hỏi Mai:  –Giấy tờ trình diện cho thấy tên người phải trình diện là nam. Còn chị là nữ. Chị và anh Lộc là thế nào?

–Tôi là em gái anh Lộc!

–Không phải. Em gái anh Lộc là chị Tuyết cơ. Chị có phải là Mai?

–Vâng, tôi là Mai, là người yêu anh Lộc!

–Chị có biết anh Lộc là người thế nào không?

–Không!

–Anh Lộc là tù chính trị về. Hiện trong diện bị quản chế – còn mất quyền công dân 04 năm. Anh Lộc đang “mất tích”, không thấy ở Hà Nội. Vượt biên à?

Mai hỏi lại: – Anh Lộc đi tù vì tội gì, thưa ông?

–Tội hát nhạc phản động! Mai bảo:

– Tưởng tội gì. Chuyện đó tôi biết anh Lộc quá rõ. Tôi quen và biết anh Lộc 17 năm nay rồi. Anh Lộc đang phải đi làm bánh mì kiếm sống, bị kẹt trong Quy Nhơn không có tiền về!

Không biết sau đối thoại đó, các ông công an nghĩ sao, họ cho người về đoàn tuồng nơi Mai vẫn làm việc, biểu diễn đề điều tra nhân thân. Các ông công an gặp ông Trưởng Đoàn Tuồng Bắc Trung ương khi đó, hỏi về Mai. Ông Trưởng đoàn Tuồng trả lời:

–Cô Mai là diễn viên chính của đoàn. Có việc gì mà các đồng chí phải điều tra về cô ấy?

–Chị ấy quan hệ với người đi tù về, hiện người này mất tích, không có mặt ở Hà Nội. Anh có nắm được mối quan hệ của chị ấy với người này không? Có thấy liên hệ thư từ gì không?

Cũng chẳng biết ông Trưởng đoàn Tuồng trả lời ra sao với các ông công an điều tra, chỉ biết mấy hôm sau, ông Trưởng đoàn Tuồng gọi Mai lên giáo dục:

–Em là người có lý lịch tốt, mà lại đi yêu một thằng tù chính trị?

Mai tức quá, không kiềm chế được. Em đứng phắt dậy, chỉ tay vào mặt ông Trưởng đoàn:

–Tôi nói anh biết. Anh không biết gì về anh Lộc, không được quyền xúc phạm, xỉ vả anh ấy!

Ngay hôm sau, Mai bỏ đoàn luôn. Em sắm sửa đồ lề rồi đi bán đậu phụ ở vỉa hè, kiếm sống.

Tôi không thể biết Mai đã nghĩ gì trong cái đêm hôm đó, sau hai cuộc “đối thoại” với công an Hà Nội, và ông Trưởng đoàn Tuồng Bắc Trung ương, trước một quyết định trọng đại – bỏ nghề biểu diễn sân khấu mà em là vai chính sáng giá để dấn thân trong hành trình yêu thương mà tương lai phía trước còn mịt mờ, mông lung. Có người con gái nào yêu và tin tưởng ở người yêu quyết liệt đến như em? Có người con gái nào tự trọng và quyết đoán như em? Vì chấp nhận yêu một thằng tù như tôi, mà bỏ cả nghề làm diễn viên, dạo đó có những chế độ, chính sách ưu ái để làm một cô bán hàng đậu phụ – món thực phẩm của nhà nghèo? Em đâu biết, từ bỏ vai tuồng trên sân khấu, nhưng rút cục em vẫn phải đóng “vai bi” trong đời thực, trong một xã hội “bao cấp” đến cả tư tưởng, cách nghĩ của con người. Một xã hội lúc đó, người lao động cười ra nước mắt bởi “bắt cởi trần phải cởi trần/ cho may ô mới được phần may ô”. Để gắn bó mãi mãi với một gã trai nghèo, không có một tài sản gì ngoài tài sản… tù tội gần chục năm trời?

Tôi thương Mai vô cùng. Và cả biết ơn em, vì thế.

Vừa ở Sài Gòn ra, tôi nhận được giấy của công an thành phố Hà Nội mời tôi lên, bắt tôi khai, tường trình tỷ mỷ cụ thể ngày giờ tháng năm ở đâu, làm gì. Vì họ vẫn nghi tôi vượt biên. Tôi phải ghi chép, tường trình cụ thể mọi việc với lời cam đoan, nếu khai không đúng, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Dĩ nhiên với tôi chẳng có gì là khuất tất, vì tất cả chỉ có từng ấy việc, xung quanh chuyện kiếm sống. Lúc đó họ mới thôi không vặn vẹo. Tôi lại tiếp tục trở lại nghề xây dựng, sơn quét vôi. Mai vẫn bán đậu phụ hàng ngày. Cuộc sống lao động vất vả vì cơm áo quả là khó quên. Có những hôm, vào mùa đông, tôi đến đón Mai. Em ngồi bán đậu phụ ngay ở vỉa hè đường Trần Xuân Soạn, chỗ có cái bốt điện. Chiều mùa đông xám xịt, đến những hàng cây ven đường cũng như sũng nước, những chiếc lá rũ xuống vì mưa lạnh. Đến đón Mai, thấy em mặc mỗi chiếc áo bông rách, chiếc nón cũng rách te tua tựa nón mê, mặt mũi, môi em tím tái, tôi xót xa lắm. Có ai ngờ đó lại là một diễn viên tuồng sáng giá của Đoàn Tuồng Bắc Trung ương. Vì tôi mà đời em lên chìm xuống nổi. Vậy mà em không một lời trách móc, vẫn yêu thương, chung thủy, tận tụy hy sinh. Nhìn thấy tôi, đôi mắt em sáng ngời, như quên hết mọi mệt nhọc, quên hết mọi nỗi đắng cay chất chứa trên đôi vai gầy người con gái. Có những hôm đậu phụ bị ế, chúng tôi lại phải hì hụi mang về nhà ăn trừ bữa. Bao cấp ơi là bao cấp…

Tháng 11/1981, một rẽ ngoặt lớn đối với cuộc đời của hai đứa chúng tôi. Tôi và Mai nên vợ nên chồng. Lễ ăn hỏi của tôi với Mai chỉ có cân chè, cau trầu, một chút mứt sen, một tút thuốc lá tam đảo, không có bánh cốm như số đông lễ ăn hỏi như bây giờ. Đám cưới của hai chúng tôi tổ chức cũng rất đơn giản ngay tại nhà số 07 Triệu Việt Vương. Đón dâu ở 128 Bùi Thị Xuân (tên phố này thời Pháp thuộc gọi là phố Huyền Trân Công chúa). Dạo đó, số đông đám cưới là như thế, vì trong xã hội, phần đông ai cũng nghèo. Thế nhưng lúc đón dâu, tôi cũng gắng thuê được chiếc xe ô tô con. Ông anh cả tôi là dân làm bánh mì chính hiệu, nên khi có đám cưới tôi, anh tự tay làm 05 kg bánh quy xốp, tôi nhờ mua được 02 kg chè ngon, 05 cây thuốc lá cuốn. Cô dâu Mai của tôi mặc bộ áo dài trắng thuê ở cửa hàng áo cưới, ôm bó hoa lay ơn lộng lẫy. Nhìn em mặc bộ áo dài trắng thanh khiết xinh đẹp vô cùng. Tôi mỉm cười, thấy lòng mình dạt dào hạnh phúc. Cuối cùng, chúng tôi cũng đã được ở bên nhau, sống cùng nhau sau bao năm tháng đợi chờ xa cách. Còn tôi xúng xính bộ comple anh rể cho. Phù rể là anh Toán Xồm, người bạn chí cốt nhất của tôi và một người bạn thân của tôi khác tên là Ngọc. Đám cưới giản dị, nhưng vui vô cùng. Anh Toán Xồm, anh Thành Tai Voi lên hát toàn các bản nhạc vàng say đắm lòng người. Khỏi phải nói khách khứa lắng nghe, hoan hô nhiệt liệt. Có lẽ trong số họ không phải ai cũng biết một điều rằng, cũng những bản nhạc đó thôi, tôi và các bạn tôi đã phải trả giá quá đắt bởi một thời cuộc ấu trĩ và xơ cứng nhận thức. Cứ thấy người khác khác biệt là lập tức cần phải đặt dấu hỏi nghi ngờ về tư tưởng, lối sống.

Lúc tôi chưa làm đám cưới, một lần có ông công an hỏi tôi:

–Tại sao anh không lấy vợ? Có lẽ trong con mắt các ông công an, tôi mà có vợ, tức là có người quản lý, các vị ấy cũng đỡ phải lo lắng, đề phòng về tôi. Tôi hỏi lại:

–Ai lấy tôi bây giờ, một thằng tù chính trị? Anh giới thiệu cho tôi đi, tôi sẽ lấy ngay!

Thật ra lúc đó tôi đã có Mai nhưng cứ nói “cứng” thế. Ông công an im lặng. Thế nên khi tôi lấy vợ, tổ chức đám cưới, dân phố rất mừng cho tôi đã “nên người”. Và có lẽ các ông  công an cũng “mừng cho tôi”. Lấy nhau xong, chúng tôi về nhà số 07 Triệu Việt Vương – nhà của gia đình cha mẹ tôi – để có ý nghĩa Mai “về nhà chồng”. Nhưng chỉ ở đó có một đêm, hôm sau, chúng tôi về nhà Mai ở Bùi Thị Xuân, tại căn phòng có 09 m2 tôi đã kể ở trên, và tôi từ nay sống ở đó cùng hai mẹ con Mai. Chín mét vuông mà có ba người, một mẹ già và một cặp vợ chồng trẻ. Khỏi phải nói vợ chồng trẻ thì háo hức, say đắm nhau. Chúng tôi cũng phải lúng túng, xoay sở để sống với bà cụ sao cho tế nhị, ý tứ, dù mẹ Mai rất hiền. Thế rồi hai đứa con tôi cũng lần lượt ra đời. Thằng cu lớn sinh năm 1982. 10 năm sau, năm 1992 Mai sinh cho tôi một đứa con gái. Cả nhà tôi năm người sống chen chúc trong cái phòng 09 m2. Có một điều rất lạ. Khi sinh thằng cu lớn, gia đình tôi làm ăn khấm khá hẳn lên. Nói theo cách nói của người đời, tôi rất có lộc. Tôi kiếm được nhiều tiền, dù vẫn làm nghề sơn quét vôi. Có những lúc tôi ký cùng một lúc tới 03 hợp đồng lớn với các cơ quan nhà nước. Một mình tôi chỉ huy cả 03 công trình sơn quét. Nhưng cũng có những cái phức tạp. Hôm nào tôi không ở chỗ công trường đang thi công thì rất lo tai nạn lao động xảy ra, vì nghề sơn quét vôi tưởng đơn giản mà cũng nguy hiểm lắm. Nhỡ có cậu thợ nào nó coi thường cái sự an toàn lao động thì sao. Dạo đó, thi công sơn quét vôi đồ lề còn đơn sơ, chỉ có thang và dây chão, thả từ trên cao xuống chứ làm gì có kiểu giàn dáo như bây giờ. Rất may, đội thợ sơn quét vôi của tôi làm ăn cẩn thận, chu đáo, chưa bao giờ xảy ra vụ tai nạn nào. Mà với tôi, từng là một thằng tù chính trị, nhỡ có vụ tai nạn lao động gây chết người, thì không biết lý lịch đời tôi sẽ còn đen ngòm ra sao. Khi đó, Mai cũng đỡ vất vả hơn. Tôi đi làm ngày ngày, Mai ở nhà trông con, nấu ăn, chăm sóc gia đình. Vất vả nhưng cũng nhiều tiền. Có những tháng, trong gậm giường tôi ở cả một thúng tiền xu không tiêu đến. Thế với chúng tôi đã là rất giàu rồi. Có lẽ tôi cũng chẳng mong gì hơn cái cuộc sống êm đềm như vậy. Suốt 8 –9 năm, gia đình tôi sống sung túc, ấm áp, hạnh phúc, thì năm 1991 bỗng có một sự cố xảy ra với cả gia đình. Tôi cứ nghĩ mãi về sự rủi ro của đời mình, toàn những chuyện không đâu rơi vào đầu và cứ phải dính líu tới…. công an. Ám ảnh kinh hoàng nhất là câu chuyện dưới đây.

Gia đình Mai và tôi khi đó vẫn ở cái phòng có 09 m2, tại số 128 Bùi Thị Xuân. Cạnh đó là nhà ông cậu vợ tôi, ở cái phòng 12m2. Bà mẹ vợ tôi tên là Chích. Ông cậu vợ tên là Ri (chim Ri, chim Chích). Ông cậu Ri của vợ tôi có 05 người con. Người con gái thứ 03 của ông kém tôi một giáp, tên là Nhung. Cô này làm ở Xí nghiệp May Thăng Long. Cô lấy chồng sinh được hai đứa con. Chồng cô tên là Mạnh. Ở Xí nghiệp May Thăng Long, và thời đó ở Hà Nội, đâu đâu cũng có phong trào đi lao động xuất khẩu để “cứu nhà”. Cô Nhung cũng vậy. Năm 1989 cô lên đường sang Đức làm công nhân. Tháng tháng, từ bên nước Đức xa xôi, Nhung vẫn gửi tiền về cho chồng nuôi 02 đứa con. Có điều – Mạnh rất tệ, vợ đi lao động xuất khẩu, thân gái dặm trường kiếm tiền nuôi chồng con, trong khi đó ở nhà, có tiền vợ gửi về Mạnh đổ đốn, không chịu đi làm mà cho hết vào cờ bạc với mong muốn đổi đời nhanh hơn. Nhưng cờ bạc là bác thằng bần, phú đâu chẳng thấy chỉ thấy thua hết ván này đến ván khác. Có lúc bí tiền quá, Mạnh đi câu cá trộm ở Hồ Tây để sống. Cô Nhung dần biết chuyện, không dám gửi thẳng tiền cho anh chồng, mà gửi về cho cha mẹ đẻ nhờ gửi vào sổ tiết kiệm giữ hộ. Bức tường Beclin sụp đổ. Nước Đức thống nhất. Nhà nước Đức khi đó đền bù cho những người lao động Việt Nam một số tiền để họ trở về nước. Cô Nhung, trước đây bị cuốn đi trong làn sóng lao động xuất khẩu “cứu nhà”, giờ lại bị cuốn đi trong làn sóng “khăn gói quả mướp” trở về. Mạnh đi đón vợ. Không biết làm sao Mạnh biết được vợ có 7000 USD gửi tiết kiệm. Sau những giờ phút, những ngày tháng ngắn ngủi êm ái, là sóng gió nổi lên giữa hai vợ chồng xung quanh chuyện tiền bạc. Mạnh đánh vợ rất dữ. Không chịu đựng nổi, Nhung bỏ về nhà bố mẹ đẻ, chấp nhận sống chen chúc trong căn phòng 12 m2 ở 128 Bùi Thị Xuân. Rồi Mạnh đòi ly dị. Cô Nhung đồng ý ký. Thì một thảm cảnh diễn ra ngay trước ngày họ phải ra tòa. Mạnh vác con dao phay lên nhà bố mẹ vợ – ông cậu Ri của tôi tìm Nhung. Lúc đó, Nhung đang đứng giữa sân. Mạnh chỉ vào mặt vợ hung hãn:

–Tao bảo mày có về không?

– Nhung bảo: Tôi không về. Mai tòa xử rồi. Anh muốn gặp tôi thì ra tòa gặp!

Mạnh rút dao quát tướng: Tao là tòa đây! Cô Nhung hoảng sợ quá, chạy luôn vào nhà tôi. Bà mẹ vợ tôi lúc đó đang ngủ ở trên giường trong căn phòng chật chội có 09 m2, tôi đang dọn dẹp dưới bếp. Mạnh chạy đuổi theo cô vợ. Nhung sợ quá nhảy phắt lên chiếc giường mẹ vợ tôi đang nằm ngủ. Mạnh nhảy lên theo. Con trai tôi, lúc đó mới lên 09 tuổi, chạy ra ngoài kêu khóc ầm ĩ. Mạnh chạy theo con trai tôi chém ngang lưng, rồi quay lại ngay, như con thú điên, chém lia lịa gần đứt đôi cổ cô Nhung, vợ nó. Cô Nhung chết ngay tại chỗ. Mẹ vợ tôi kinh hoàng, kêu cứu. Mạnh nhảy xổ vào chém gãy luôn đùi bà. Bà mẹ vợ của Mạnh – mẹ cô Nhung trốn chạy và báo công an. Tôi đang ở dưới bếp, nghe ầm ĩ, chạy sộc lên nhà. Mạnh giơ con dao chỉ vào tôi:

–Ông muốn gì không?

Gã đàn ông là tôi, gần chục năm trong tù tội, gặp đủ các loại đại ca, giang hồ, thấy đủ chuyện đời bi thảm, tôi bình tĩnh bảo:

–Tao không liên quan gì đến gia đình mày!

Mạnh xách dao chạy tìm nhà vợ. Tôi nghe thấy tiếng mẹ vợ tôi kêu cứu:

–Nó chém tôi rồi, anh Lộc ơi!

Con trai tôi bị chém ngang lưng, máu chảy đầm đìa. Vợ tôi bế thốc con chạy ra ngoài đường tìm xe cấp cứu, đưa con vào bệnh viện Thanh Nhàn. Tôi phải chạy vào nhà để cấp cứu bà mẹ vợ, đưa cụ đi bệnh viện Việt Đức. Kinh khủng nhất là tôi nhìn thấy cô Nhung, vợ Mạnh, nằm chết trong nhà tôi, phòng đầm đìa máu. Đầu Nhung gần như đứt đôi, ngoẹo một bên. Không hiểu sao lúc đó tôi còn đủ bình tĩnh, tìm nhặt cả các đốt ngón tay của Nhung bị chặt đứt rời văng vãi trong nhà, đặt lên người cô ấy. Xe công an đến bắt ngay Mạnh. Con tôi phải khâu tới 31 mũi ở lưng. Rất may, vết chém không sâu, nên không đụng tới cột sống của con. Còn mẹ vợ tôi phải bó bột, nằm suốt 02 tháng trời ở bệnh viện Việt Đức.

Mạnh bị tuyên án và bị tử hình bởi vụ này.

Cả nhà tôi sau vụ đó sợ quá, không ai dám về lại nhà, mà trước mắt, tạm thời ở nhờ nhà em trai tôi. Sau một tuần lễ, công an đến lấy lời khai của tôi, vì cho rằng 7000 USD của cô Nhung gửi bố mẹ đẻ cô ấy không có chứng cứ. Cũng không biết sao, chắc là từ chuyện điều tra, họ biết cô Nhung còn có một sổ tiết kiệm nữa gồm 07 triệu đồng. Ba ngày sau, tôi mới dám trở về nhà mình, trước đó, gia đình cô Nhung đã sang dọn dẹp mọi thứ. Tôi đang lấy quần áo, thì ông cậu Ri, bố cô Nhung gọi:

–Lộc sang cậu bảo!

Tôi sang, ông loanh quanh chỉ nói chuyện “chém người của thằng Mạnh”, rồi ông kết luận:

–Nhà cháu bị thiệt hại, nhưng nhà cậu còn bị nặng hơn! Vậy thôi, cũng không nói gì tới trách nhiệm với gia đình tôi – một giọt máu đào hơn ao nước lã ra sao.

Tôi trả lời:

–Cậu nói xong cho phép cháu nói. Thứ nhất, cậu nói thế là coi cả gia đình cháu như người ngoài. Nếu em Nhung không chạy sang nhà cháu, làm sao nhà cháu gặp tai họa. Thằng Mạnh giờ là tội phạm, nhưng nó vẫn là con rể cậu. Thứ hai, mẹ vợ cháu là chị gái cậu. Thằng con cháu lại là cháu gọi cậu bằng ông. Cậu sống thế nào cho phải đạo thì tùy ở cậu. Lẽ ra, cậu nên nói chuyện này với mẹ vợ cháu và vợ cháu!

Khi công an gọi tôi lên lấy tờ khai về thiệt hại. Họ bảo:

–Anh chị khai tất cả những gì là thiệt hại đề được đền bù, vì gia đình anh chị là người ngoài cuộc. Anh chị khai, xem cụ bà một ngày kiếm bao nhiêu tiền, cụ phải nằm bệnh viện suốt 02 tháng, rồi phải có người giúp bà cụ. Rồi chuyện thằng con bị khâu lưng và bó bột.

Tôi đưa tờ khai theo các ông công an hướng dẫn, khai chính xác về những thiệt hại của gia đình tôi, rất cả là 1,7 triệu đồng lúc đó, dựa vào chứng từ thuốc men bệnh viện kê, không kể các chi phí người giúp việc, tiền xe cộ đi về. Các ông công an bảo: Sao khai có ít tiền thế? Tôi bảo: Số tiền 7000 USD cô Nhung gửi cha mẹ đẻ cô ấy, không ai biết. Còn cô ấy có sổ tiết kiệm mỗi 07 triệu đồng. Nay gia đình cô Nhung, vợ chết, chồng bị án tử hình. Nếu tôi khai tiền thuốc men thương tật 02 triệu, hai đứa trẻ con cô Nhung chỉ còn 05 triệu. Tôi khai hết 05 triệu, hai đứa trẻ còn lại có 02 triệu. Sự thiệt thòi cho những đứa trẻ là ở đó. Ông công an trợn mắt: Chưa gặp người nào như anh! Không biết vì sao, sau này gia đình ông cậu Ri tôi cũng liên tiếp gặp rủi ro, tai họa.

Tôi đi vay tiền của bạn bè lát lại nền gạch của căn phòng 09 m2. Bởi cái chết của cô Nhung và những gì đã xảy ra trong căn phòng đó ám ảnh cả nhà tôi rất nặng nề. Dù vậy, mọi người trong nhà vẫn chưa thể về. Con trai tôi vẫn ngủ nhờ nhà chú nó – em trai tôi, vì cháu rất sợ hãi. Tai họa với một đứa bé mới 09 tuổi đầu quả là khủng khiếp. Còn có mỗi mình tôi ngủ lại. Có những khi tôi cũng thức trắng đêm vì sợ. Tôi cứ nhớ mãi hình ảnh cô Nhung lúc chết thật thảm thương, tội nghiệp. Thân gái dặm trường, bôn ba xứ người, làm quần quật để kiếm từng đồng bạc thẫm đẫm mồ hôi lao động thì không chết, mà lại chết bởi kẻ đầu gối tay ấp với mình, từng thề thốt yêu đương. Tiền bạc quả là quá … bạc.

Sau đúng 100 ngày, chúng tôi mới dám đón con trai về nhà. Bà mẹ vợ tôi đùi bị bó bột đúng 06 tháng cũng trở lại nhà. Cả nhà lại chụm lại trong căn phòng bé tẹo, và gắng không ai nhắc tới những kỷ niệm đau buồn mà kinh hoàng đó. Một cuộc sống mới sau những rủi ro bất ngờ và khủng khiếp mở ra. Cũng chính vì sự kiện kinh khủng đó, mới thấy cuộc sống và sinh mệnh con người ta sao bấp bênh đến vậy. Khi trở về căn phòng ở vẫn còn ám ảnh sự sợ hãi, vợ chồng tôi bàn bạc và quyết định phải sinh thêm đứa con nữa. 

Tháng 07 năm1992, Mai sinh đứa con thứ hai. Lần này, Mai sinh con gái.

Cũng không ngờ, khi Mai sinh cháu thứ hai, gia đình tôi đã vất vả càng thêm vất vả hơn. Bắt đầu là Mai. Khi đó, Mai đã 45 tuổi, không còn là cái tuổi sinh nở thuận lợi nữa. Như cái cây đã kiệt sức lại phải mang sứ mệnh nẩy chồi. Mai bị băng huyết khi sinh, máu cứ thế ra liên tục mà không cầm nổi, phải nằm 05 tiếng liền trên bàn đẻ và các bác sĩ thay nhau cấp cứu. Mất máu nhiều quá, phải tiêm kháng sinh cũng nhiều, nên Mai mất sữa và rất yếu. Yếu đến nỗi, sáu tháng sau, tôi vẫn phải đỡ Mai mỗi khi Mai ngồi dậy. Còn mẹ vợ tôi chân bị què sau đợt tai họa bất ngờ cũng vẫn phải phụ giúp cho Mai. Đứa con gái của tôi khát sữa quá, ngặt nghẹo, khóc quấy liên tục. Tôi phải mua mía, chẻ nhỏ ra, nấu cháo với mía và lọc lấy nước cho con ăn. Mai cứ ốm đau, quặt quẹo quanh năm như thế, rất tội nghiệp. Ba năm sau khi sinh, Mai lại bị một trận cảm lạnh rất nặng, chạy vào phổi, rồi ho cả ra máu. Tôi lại cuống cuồng đưa vợ vào Viện Lao cấp cứu. Nói thật, lúc đó cứ phải đút lót 20.000 đồng/ ngày để tiêm thuốc mỗi ngày một liều. Mai nằm viện đúng hai tháng. Cuộc sống của tôi quay như chong chóng. Cũng may, tôi tuy tầm thước nhưng có sức khỏe rất tốt. Cả đời tôi hầu như chưa phải uống một viên thuốc nào. Có lẽ nhờ thế mà tôi trụ được với lịch làm việc quay cuồng của mình. Ban ngày tôi đi làm. Mẹ vợ tôi trông cháu. Trưa về lại mang cơm cho vợ đang nằm viện. Chiều lại đạp xe vào. Tối ngủ ngay trong bệnh viện trông Mai. Ngày đi công trình. Cứ tay làm hàm nhai, như con thoi, thoăn thoắt thoăn thoắt. Đời tôi lúc đó như cái máy chạy không ngưng nghỉ. Mà cũng chẳng kịp nghĩ gì nữa. Thấy tôi vất vả quá, cô Lan – thợ trong đội của tôi bảo để cô đỡ giúp một tay trông Mai. Tôi trả tiền cho cô Lan như công xá của thợ cộng với tiền dịch vụ.

Anh Đắc Sọ, bạn của tôi khi đó đang làm nghề đạp xích lô. Tôi bảo Đắc Sọ đến ngủ cùng tôi ở bệnh viện. Đắc Sọ vào bệnh viện ngủ cùng, trông chừng Mai, và đỡ đần giúp tôi những khi tôi cần. Anh em bạn bè khi hoạn nạn có nhau, giờ khó khăn cũng lại chỉ biết dựa vào nhau mà sống, an ủi nhau trong ngậm ngùi để có sức lực chống chọi với những thách thức khôn lường. Mai dần dần khỏi bệnh lao, trở về nhà thì tám tháng sau, Mai lại ốm đau không rõ nguyên nhân. Người cứ gầy rạc, ốm yếu vô cùng. Sau một năm đưa vợ đi hết bệnh viện nọ bệnh viện kia, mới biết Mai bị xơ gan cổ trướng. Tôi nghe tin mà như sét đánh ngang tai. Bệnh gan vốn khó chữa, tiền đâu thuốc thang cho vợ ngoài việc trông vào các công trình. Tôi cứ đi lang thang tìm kiếm đủ thứ thuốc, lá lảu về chữa trị cho Mai. Đúng là có bệnh vái tứ phương. Ai mách gì tôi cũng đi tìm thầy, tìm thuốc. Chỉ mong Mai của tôi khỏi bệnh. Tôi còn đi các đình, chùa ở các tỉnh cầu cúng cho vợ chóng tai qua nạn khỏi. Có người mach dứa dại có thể chữa khỏi. Tôi mua hàng xe thồ dứa dại bổ ra, sấy khô, đun nước cho Mai uống. Người thì bảo phải hái hoa cứt lợn mọc trên các nắm mộ. Tôi lại lang thang khắp các nghĩa trang tìm hoa cứt lợn. Thắp cho các nấm mộ nén nhang, lạy các ông, các bà, cho cháu xin được hái nắm hoa. Rồi về sắc nước cho Mai uống. Khổ thế đấy. Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Có đồng nào lại “đội nón” đi ra. Tháng ít nhất cũng dăm triệu tiền thuốc. Tháng nhiều nhất tới 20 triệu. Có khi tôi toàn phải nói dối bạn bè, tao đang làm dở công trình, cho giật ít tiền trước, để mua thuốc cho Mai. Gần đến lúc phải trả nợ, tôi đành phải tìm ra cách vay của người này, trả cho người khác. Cứ thế mà cầm cự.  Sau sáu năm xảy ra vụ chém chết cô Nhung, thấy tôi khổ quá, bạn bè thương tình cho tôi vay tiền cơi nới thêm một tầng nữa trên nóc phòng 09 mét, thành hai tầng. Diện tích tổng cộng được ở là 18 m2. Từ lúc Mai ngã bệnh đến lúc em rời bỏ tôi, rời bỏ cái gia đình bé nhỏ đầy yêu thương của nàng mà ra đi mãi mãi, vừa tròn 10 năm. Mười năm đó tôi cáng đáng hết mọi việc. Có những đêm hè nóng nực oi nồng quá, nhà lại mất điện, tôi cứ thức suốt để quạt cho Mai ngủ, bù lại những lúc đau quá, em không sao chợp mắt. Cũng lạ là có nhiều lúc bí tiền quá vì phải lo thuốc thang cho Mai, thì lại có công trình được ký kết, tức là lại có tiền. Thôi thì cũng gọi là Trời thương, bạn bè thương. Ông Trời không cho ai hết, mà cũng không lấy hết của ai.

Đầu năm 2000, khi đó, cả Hà Nội cứ như “lên đồng” vì cơn sốt đất đai nhà cửa. Có người trả 650 cây vàng mua cả cái nhà ở Bùi Thị Xuân (200 m2). Bàn bạc chê chán, mọi người đi đến nhất trí, bán toàn bộ và chia cho mỗi nhà một số lượng vàng tương ứng với giá trị. Nhà tôi bé nhất được chia 60 cây. Có 60 cây vàng, tôi trả nợ hết còn 30 cây. Bà chị gái của tôi tìm mua hộ cho tôi một mảnh đất 50 m2 ở Kim Mã. Tôi lại tiếp tục vay tiền bạn bè xây lên một nhà 03 tầng ở, cho cả  gia đình 05 người. So với mặt bằng chung, như thế cũng là tạm ổn. Vợ tôi vẫn cứ ốm đau vạ vật. Ở đó được một năm rưỡi thì vợ tôi mất vì bệnh xơ gan cổ trướng. Bốn năm sau 2006, mẹ vợ tôi mất. Cho đến tận giờ, tôi vẫn nhớ như in những ngày tháng cuối cùng thật tội nghiệp và đau đớn của Mai. Những năm tháng đó, kinh tế gia đình kiệt quệ, chúng tôi phải chạy vạy khắp bạn bè. Ở ngôi nhà 03 tầng tại Kim Mã, tối tối tôi vẫn phải đi hát thuê cho một quán café thuộc phố Tôn Đản. Đặc điểm quán café này là các ca sĩ đều hát nhạc tiền chiến, nhạc vàng, bây giờ ta quen gọi là bolero. Và họ đều là những ca sĩ có tên tuổi như Quốc Đông, Quỳnh Hoa, Tuyết Tuyết, Tố Uyên, Diệu Linh. Tôi không phải ca sĩ chuyên nghiệp, chỉ là người mê hát nhạc vàng, và đồng cảm với từng cung bậc của nhạc vàng, nhưng số phận tôi, cuộc đời tù tội éo le của tôi vô tình khiến tôi trở thành con chim “câu khách” của quán. Anh Hải, chủ quán rất quý tôi, trả cho tôi mỗi tối hát khoảng 200. 000 đồng. Ngoài ra, gặp những khách mến mộ, họ vẫn trả thêm hoặc “boa” cho tôi, thế nên có những tối tôi kiếm thêm được khoảng 400.000 đồng. Có thêm đồng tiền mua thuốc chữa bệnh và cả thuốc ngủ cho Mai. Mai đau lắm tưởng không chịu đựng nổi. Nói thật, khi đó, tôi đi hát là để kiếm cơm cho gia đình, vì Mai ốm rất nặng và tôi biết Mai khó qua khỏi. Khỏi phải nói tâm trạng của một con người biết người thân yêu của mình mà sự sống chỉ còn có thể đếm từng ngày, nó đau đớn, lo lắng và dày vò đến thế nào. Thế nên, hát ở quán nhưng lòng tôi cứ phấp phỏng về Mai ốm nằm ở nhà. Nước mắt tôi những tối biểu diễn, dưới ánh đèn màu rực rỡ hay huyền ảo, là chảy ngược vào trong, dù những cung bậc, những nốt nhạc trầm bổng của bolero từng là niềm mê đắm của tôi, một thời và mãi mãi. Có ai biết được sự trớ trêu của hoàn cảnh và số phận chúng tôi lúc đó?

Bệnh của Mai mỗi ngày một nặng. Trước khi mất, Mai nằm liệt khoảng tám tháng trời. Mọi sinh hoạt ăn ngủ, cho đến đi tiểu tiện, đại tiện đều tại chỗ. Bụng Mai cứ chướng lên, tuần nào cũng phải rút nước trong bụng. Đến nỗi có những khi bác sĩ sợ không dám rút nữa. Tôi cũng tuyệt vọng lắm nhưng gắng không để Mai biết, chỉ cố gồng mình lên gánh vác việc nhà và mưu sinh. Có một hôm, tôi mệt quá, ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Nghe thấy uỵch một cái. Mở choàng mắt, tôi hoảng hốt thấy Mai gắng bò vào nhà vệ sinh tự lúc nào, người bê bết phân và nước tiểu. Hóa ra, Mai thương tôi vất vả, không nỡ đánh thức. Vậy là tôi lại phải hì hục tắm rửa cho vợ, cho đến khi không còn ngửi thấy mùi hôi thối nữa mới thôi.

Có những khi chịu không nổi, Mai rên lên: Con đau quá, ba mẹ cho con đi theo ba mẹ với! Nước mắt cả hai vợ chồng chúng tôi giàn dụa. Chúng tôi khóc cho nhau, cho số phận của nhau. Có lẽ để an ủi tôi, và muốn tôi quên đi những nỗi đau nhọc nhằn, hay như một điềm báo, một hôm Mai bảo tôi: Anh hát cho em nghe đi! Tôi còn tâm trí đâu mà hát. Nhưng vẫn cố gắng hát khe khẽ cho Mai nghe. Mai nằm im, mắt nhắm nghiền, gương mặt như dịu lại, thiêm thiếp lắng nghe tôi hát. Mai nghĩ gì lúc đó, hay em nhớ lại thuở thiếu nữ, cô bé Mai hay đứng ở chân cầu thang lén nghe cả nhóm nhạc vàng chúng tôi đàn hát? Nhớ lúc bị tôi “đá đít”, hoặc “xoa đầu” mắng trêu: Đi chỗ khác chơi đi, để bọn anh hát! Sợi dây định mệnh đã buộc chúng tôi lại với nhau, khăng khít dù bao phen chìm nổi, và giờ đây nó mong manh biết chừng nào…

Ngày 15/6/2002, tôi nhớ như in ngày này, vì đó là ngày sinh nhật của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Quán Z café họ tổ chức ca hát những bản nhạc của ông, và họ mời tôi hát hai bài của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, trả cho tôi 200.000 đồng. Bệnh của vợ tôi khi đó chuyển nặng lắm rồi, nhưng tôi vẫn phải đi hát. Ngày xưa, tôi hát vì say đắm các bản nhạc vàng quyến rũ, mê hoặc lòng người. Còn khi đó, tôi hát vì mưu sinh, vì cơn bạo bệnh của Mai cần đến những đồng tiền chữa trị, dù mối hy vọng cứ ngắn dần, ngắn dần, nhưng tôi không được phép bỏ cuộc. Tối nào cũng vậy, tôi vừa hát vừa phấp phỏng nghe ngóng chờ con trai tôi đang ở nhà trông Mai điện thoại cho tôi biết bệnh tình của mẹ nó ra sao. Có ai thấu cái cảnh oái oăm của một ca sĩ nghiệp dư như tôi: Ngoài thì vẻ mặt tươi cười, mà bên trong như chết từng khúc ruột. Đến 07 giờ tối, lại có điện thoại từ phía quan café:

–Chú ơi, chú nhớ lên hát cho cháu hai bài của Đoàn Chuẩn nhé!

Tôi ngập ngừng, phân vân quá. Còn đang suy nghĩ, thì Mai khe khẽ bảo:

–Anh đi đi em không sao đâu!

Lúc đó, với gia đình tôi, 200.000 đ là cả một món tiền to. Nhưng nhỡ tôi đi hát, ở nhà Mai làm sao đây? Tôi nảy ra một ý định ra hiệu thuốc tây mua một liều thuốc ngủ cho Mai uống khỏi đau đớn. Nửa tiếng sau, lúc 7 giờ 30, vợ tôi thiêm thiếp ngủ, tôi mới dặn con: Ở nhà trông mẹ, có làm sao gọi điện ngay cho bố! Ra đến đầu ngõ 192 Kim Mã, tôi gọi xe ôm chở lên quán Z café 17 Tôn Đản. Và dặn chú xe ôm cứ đợi tôi ở đó, chở tôi về. Quán Z café hôm đó đông nghịt khách. Nhiều người phải đứng vì quán hết ghế. Thấy tôi, chủ quán mừng rỡ. Đâu biết tôi như kẻ mất hồn. Tôi đãng trí đến mức, chủ quán phải nhắc tôi: Kìa, anh Lộc, đến lượt anh rồi đấy!

Tôi bước lên sân khấu như bản năng. Và hát hai bài Thu quyến rũ, và Lá đổ muôn chiều, cũng bản năng như những bước chân của tôi khi lên sân khấu. Thú thật là vậy. Nhìn xuống, thấy khán giả vẫn im phăng phắc. Lúc này hình ảnh Mai bỗng hiện lên trước mắt tôi. Thân hình em chỉ còn da bọc xương. Bụng chướng to, nhất là cái rốn tím sẫm mầu như quả cà thâm, có cảm giác chỉ cần kim chọc khẽ là vỡ ra. Đôi mắt em mờ đục, vô hồn không còn nhựa sống. Có lẽ vậy mà tôi hát với nỗi buồn thấm thía… Và không biết mình xuống sân khấu như thế nào. Chỉ thấy khán giả vỗ tay rất lâu, mọi người đứng vây quanh và có người cầm bó hoa đưa vào tay, lúc đó mới tỉnh ngộ là mình đã hát xong. Vội vàng cảm ơn khán giả, cảm ơn chủ quán, tôi ra ngay chiếc xe ôm vẫn đợi tôi để trở về. May quá, khi về đến nhà, vợ tôi vẫn còn ngủ mê mệt.

Sức khỏe vợ tôi cạn kiệt dần. Tối hôm sau, đang nằm cạnh vợ, tôi bỗng thấy nàng nắm tay tôi và tiếng nàng rất khẽ: Anh lại hát cho em nghe đi! Hơi thở vợ tôi cũng rất yếu. Tôi hát khe khẽ cho Mai nghe bài Niệm khúc cuối của Ngô Thụy Miên mà Mai vốn rất thích, có câu: “…Dù cho mưa tôi xin đưa em đến cuối cuộc đời/ Dù cho mây hay cho bão tố có kéo qua đây/ Dù có gió, có gió lạnh đầy, có tuyết bùn lầy/ Có lá buồn gầy, tình ơi, dù sao đi nữa tôi vẫn yêu em…” , nước mắt tôi cứ ứa ra, nghẹn lời… Rồi tiên lượng xấu nhất đã đến. Bữa đó, Mai bỗng thều thào bảo: Anh Lộc ơi, em nhìn thấy ba mẹ đây này. Em nhìn thấy cả anh Định (anh cả), chị Định (chị dâu) nhưng anh chị đứng xa lắm! Ba mẹ ơi, cho con đi theo hầu ba mẹ với. Tôi cố quay đi cho vợ tôi khỏi nhìn thấy những giọt nước mắt của mình, nước mắt bất lực của một thằng đàn ông trước cảnh nghèo và trước cái chết đang tới gần người vợ thân yêu của mình mà không sao cứu nổi. Tôi biết vợ tôi sắp đi, nhưng tôi cứ phải gạt  nói lảng sang chuyện khác. Vợ tôi quay lại nhìn tôi. Đôi mắt của Mai như mờ đục, mất hết sinh khí…Hôm đó là ngày 19/5 âm lịch, tức ngày 19/6/2002. Tôi ở nhà, túc trực 24/24 giờ. Ngày hôm đó, sau khi bác sĩ rút nước ra, tôi đỡ Mai dậy, dỗ dành: Em ngủ chút rồi dậy ăn cháo. Nhưng Mai của tôi đã thiếp đi, rồi lịm đi mãi mãi…

Em đã về miền xa vắng. Để lại mấy bố con tôi mồ côi.

Lo toan chôn cất em xong. Những tháng ngày sau đó, là nỗi trống trải khủng khiếp.

Những đêm dài vắng em, tôi không sao ngủ được. Cứ trằn trọc hút thuốc. Đêm nào tôi cũng nhớ tới em, thương đến xót xa. Hồi ức về em như một cuốn phim quay chậm. Mà không hiểu sao tôi nhớ nhất câu chuyện này. Năm đó, 1987, con trai tôi khi đó mới 05 tuổi. Nhạc sĩ Khắc Huề tổ chức ban nhạc chuyên hát những bản nhạc trữ tình, trong đó có cả bolero, do các ca sĩ như Thanh Hiếu, Quốc Đông, Thanh Hoa, Kim Tiến biểu diễn ở Trụ sở Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt nam, số 51 Trần Hưng Đạo Hà Nội. Thỉnh thoảng, nhạc sĩ Khắc Huề lại mượn trụ sở của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở cuối phố Tràng Thi cho anh chị em ca sĩ biểu diễn. Cái cụm từ “chỉ đạo Khắc Huề” nửa đùa nửa thật ra đời có lẽ từ những buổi biểu diễn này. Nghe tiếng tôi, Khắc Huề liền tìm đến tôi mời và giao hẹn:

–Tối nay, tôi muốn mời anh đến hát nhưng anh phải tiêu thụ cho tôi 30 vé!

Tôi đồng ý ngay. Tôi có đi bán đâu. Tôi bỏ tiền mua tất cả 30 vé của Khắc Huề, tính ra gần hai tháng lương của tôi khi đó, mời bạn bè đến nghe các ca sĩ biểu diễn và nghe tôi hát nhạc vàng. Vì tôi nghĩ mặt mũi nào mà lại mang vé đến bạn bè và bảo “tôi bán vé cho ông để ông đi nghe tôi hát”. Tính tôi là vậy. Khi cần, phải biết chấp nhận, không nên so đo tính toán. Tôn trọng tôi, anh Khắc Huề cũng đồng ý để anh Toán Xồm đệm đàn cho tôi hát. Lúc đó, tôi giấu luôn Mai chuyện mua vé biếu bạn bè, và còn nói dối: Anh được mời đi hát em ạ! Vợ tôi mừng quýnh, vội thổi cơm, là quần áo cẩn thận cho tôi chuẩn bị cho chồng “đi biểu diễn”.

Tôi chạy ra quán rượu đầu phố, tìm anh Toán Xồm bảo: Anh Toán về nhà em tắm rửa,  ăn cơm, lấy quần áo của em mà mặc tối đi đệm đàn cho em hát – bài “Chuyển bến” của Đoàn Chuẩn và Từ Linh. Anh Toán Xồm khi đó buồn lắm. Suốt ngày cứ lơ mơ bên chén rượu. Tôi phải lấy xe đạp đèo anh về nhà mình chuẩn bị. Ăn cơm xong, tôi đèo anh đến địa điểm biểu diễn. Mai mượn chiếc xe đạp nhà hàng xóm đèo cu Linh đi theo. Tối đó đông khán giả quá, vì có thêm 30 người bạn của tôi tham dự. Bạn bè ai cũng háo hức, mừng cho tôi được đi hát trở lại. Họ mua nhiều hoa quá.

Biết có tôi tham gia, cũng có ca sĩ, như Thanh Hiếu vội gàn Khắc Huề:

–Sao lại bảo Lộc Vàng đi hát? Nó đi tù vì hát nhạc vàng đó! Nhạc sĩ Khắc Huề kể lại với tôi, anh bảo:

–Tôi không biết Lộc Vàng tù tội ra sao. Tôi chỉ biết hiện nay Lộc Vàng là công dân của nước Việt Nam. Lộc Vàng có quyền hát những bài hát mà nhà nước này họ không cấm!

Khi giới thiệu tên tôi – Lộc Vàng. Cả hội trường bỗng im phăng phắc. Có lẽ khán thính giả chưa quên vụ án nhạc vàng của chúng tôi. Xúc động, tôi cất tiếng hát… Như dồn tất cả những nỗi niềm đồng cảm và khao khát của mình với cuộc đời đầy ấm lạnh, đầy đắng cay xen lẫn ngọt ngào: 

Chiều nay sao dâng nhanh màu tím
Và mây bay theo nhau về bến
Thuyền cắm tay sào từ cuối thu
Ngoài kia sông nước như đón chờ
Thuyền ơi sao mê say nhiều quá
Đường mê không ai ngăn cản lối
Một sớm thu về chuyển bến xuôi
Về nơi đâu nữa trời bến nao
Còn đêm nay nữa ta ngồi với nhau
Ngước mắt trông trời
Ngày mai anh đã xa rồi
Tình tan vỡ chìm trong lãng quên
Thuyền anh mai ra đi rời bến
Mình anh lênh đênh nơi trời sóng
Tìm hướng cho lòng tìm bến mơ
Từ nay xa cách rồi bến xưa
Thuyền ơi sao mê say nhiều quá
Đường mê không ai ngăn cản lối
Một sớm thu về chuyển bến xuôi
Về nơi đâu nữa trời bến nao
Còn đêm nay nữa ta ngồi với nhau
Ngước mắt trông trời
Ngày mai anh đã xa rồi
Tình tan vỡ chìm trong lãng quên
Thuyền anh mai ra đi rời bến
Mình anh lênh đênh nơi trời sóng
Tìm hướng cho lòng tìm bến mơ
Từ nay xa cách rồi bến xưa
Tìm hướng cho lòng tìm bến mơ
Từ nay xa cách rồi bến xưa
Tìm hướng cho lòng tìm bến mơ
Từ nay xa cách rồi bến xưa...

Khi đó, hình như anh Toán Xồm đã say say… Mới đệm cho tôi hát được hai câu, thì tôi không nghe thấy tiếng đàn của anh nữa. Tôi đành tiếp tục hát vo vì không thể dừng lại. Nhìn xuống, thấy khán thính giả vẫn im phăng phắc lắng nghe. Hóa ra, anh Khắc Huề phải dìu anh Toán Xồm vào trong sân khấu và vẫy tay, ra hiệu cả ban nhạc ra đệm cho tôi hát tiếp. Tôi vừa hát xong, cả hội trường bỗng rào rào tiễng vỗ tay. Tôi cũng thấy như mình chếnh choáng bởi quá nhiều cảm xúc dồn dập. Khi đó có giọng nói của ai rất to phía dưới: Lộc Vàng 10 năm tù vì hát nhạc vàng. Hôm nay lại lên sân khấu hát nhạc vàng! Nghe ai đó nói to mà tôi bỗng thấy sợ hãi.

Nhưng một điều bất ngờ và sung sướng nhất đã át đi nỗi sợ hãi đó. Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn lên tặng hoa cho tôi. Vợ con tôi cũng ôm hoa lên tặng. Lần đầu tiên trong đời, tôi ôm những bó hoa tươi thắm sau khi hát những bản nhạc vàng đắm đuối, thay cho những ngày lao tù, những trận đòn chí chết, những ngày cơm tù vừa đói vừa rét, những ngày trong Nhà biệt giam khủng khiếp chỉ có phân, nước tiểu hôi thối cùng dòi bọ lúc nhúc. Tôi cười mà nước mắt cứ dàn giụa…

Sáng hôm sau, tôi ra quán café quen thuộc, gặp tất cả anh em bạn bè ở đó. Bất ngờ, gặp lại nhạc sĩ Đoàn Chuẩn. Ông hể hả:

–Lộc Vàng ạ! Anh chưa tặng hoa cho ca sĩ nào bao giờ, nhưng hôm qua riêng chú, anh tặng hoa, sướng quá gần ngất. May có vợ chú đứng bên cạnh, thấy anh gần quỵ vội đỡ anh đứng vững hơn. Chú có biết vì sao không?

– Em biết ạ! Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn nói tiếp:

– Anh với chú cùng ở cõi chết trở về đó. Chú ở nhà lao, anh ở ngoài đời bị chần lên chần xuống, cũng tưởng chết. Nhưng ngày hôm nay, chúng ta đã không chết. Không có gì giá trị bằng giờ đây tiếng hát của chú lại vang lên ở bản nhạc của anh.

Đúng vậy! Năm xưa, chỉ cần tôi khai chút xíu về ông. Rất có thể ông đã bị tống ngục, và tôi đã im lặng. Vậy nhưng ở ngoài, ông cũng đã bị – như ông nói – bị chần lên chần xuống! Chao ôi là những bản nhạc vàng vô tội lại bỗng có sức mạnh phá hủy… đời người như chơi?

Khi đó, Mai còn khỏe. Tối nào tôi đi diễn, Mai cũng bế con đi theo. Có hôm trời lạnh mà mưa rất to, thấy em vậy, mấy ông bạn già, bạn của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bảo:

–Trời rét mướt thế này, mày ở nhà trông con, đi theo thằng Lộc làm gì? Nó có gái gú gì đâu? Mày nghe nó hát mãi không chán à? Mai bảo:

– Anh ạ. Không phải em đi nghe nhà em hát đâu, mà em theo nhà em để chẳng may anh ấy bây giờ bị bắt lần nữa, em còn biết đường mà tiếp tế!

Thật tội nghiệp cho Mai. Và cũng thật là một người vợ thảo hiền. Dường như em vẫn bị ám ảnh bởi những năm tháng tôi đi chênh vênh trên niềm mê say nhạc vàng, lo sợ cho tôi. Nhưng chưa bao giờ Mai ngăn cản niềm say mê đó. Ngược lại, em rất thấu hiểu, thông cảm và chia sẻ với tôi căn bệnh “nghiện hát” nhạc vàng. Có ai đó định nghĩa chính xác mà tôi càng ngẫm nghĩ càng thấy sâu sắc: Yêu là biết nhìn về cùng một hướng! Mai của tôi là người đàn bà biết Yêu đúng nghĩa một cách đầy nữ tính, đầy bản năng nhưng lại rất đẹp, trọn vẹn phẩm chất của một người con gái Á Đông luôn chọn sự hy sinh, dâng hiến cho người mình yêu. Đó là cách sống và ứng xử của em với tôi trong tình yêu, tình chồng vợ, dù có lẽ chưa bao giờ em được nghe và hiểu hết câu triết lý đó. Em chu đáo và cẩn thận tỉ mẩn đến mức, trước mỗi buổi tôi đi hát, em còn là quần áo cho tôi. Cả những khi em khỏe hay sau này em đau ốm. Những năm tháng tôi bị công an bắt, rồi bị tù tội, gia đình tôi ông anh bà chị còn lo sợ, và rầy la, cằn nhằn về sự bồng bột, nông nổi và bướng bỉnh của tôi nhưng em chưa bao giờ ngăn cản niềm say mê ấy. Ngược lại, Mai cứ lặng lẽ đứng bên tôi, đứng sau tôi, không để tôi cô đơn trên hành trình kiếp người. Cũng chính vì có em luôn chia sẻ, thấu hiểu và cho tôi sự bình yên mà tôi tồn tại trong cái sự say mê nhạc vàng một cách bướng bỉnh nhưng đầy ý thức, và bản lĩnh, rằng sẽ có lúc nhạc vàng được trả lại thân phận, vị thế của nó trong dòng âm nhạc Việt Nam. Tôi say mê nhạc vàng và ngược lại, nhạc vàng – nàng cũng… say mê tôi chăng? Khiến tôi không sao dứt bỏ, kể cả những năm tháng bị đọa đầy, bị biệt giam trong Nhà cùm, sống với phân, nước tiểu, với dòi bọ, chuột gián hôi thối bẩn thỉu. Khi được trả tự do, tôi đi hát lại nhạc vàng còn là để “lấy lại” danh dự của chính mình, từng bị chà đạp, từng bị xích và giam tù. Con người tôi nhỏ bé, tầm thước, nhưng ý chí tôi, ngược lại tràn đầy kiêu hãnh và sự bền bỉ.

Còn Mai, em đã không rời bỏ tôi những khi tôi sống trong ngục tù, nhưng em lại “bỏ” tôi lại khi tôi trở thành người tự do. Chợt nhớ đến những ca từ: Khoan khoan hò ơi/ Đường về dương thế xa vời/ Khoan khoan hò ơi/ Lạnh lùng em đã rời tôi… mà nước mắt lại rưng rưng…

Rồi một đêm xa vắng nào đó, bất chợ nhà ai vẳng lên ca khúc Một mình của nhạc sĩ Thanh Tùng, thấm thía đến đau đớn:

Vắng em còn lại tôi với tôi

Lá khô mùa này lại rơi

Thương em mênh mông chân trời lạ

Bơ vơ chốn xa xôi

Vắng em đời còn ai với ai

Ngất ngây men rượu cay

Đêm đêm liêu xiêu con đường nhỏ

Cô đơn, cùng với tôi về....

Tôi đã sống 15 năm nay vắng Mai. Cũng từng có những lúc bạn bè thân thiết thấy tôi thủi thủi một mình nên đã mai mối cho tôi những người phụ nữ họ nghĩ rằng phù hợp. Trong thực tế, cũng có những người phụ nữ họ vì yêu nhạc vàng mà tình nguyện đến với tôi, muốn gắn bó với cuộc đời tôi. Nhưng không hiểu sao, duyên số không đậu. Đã từng có lúc tôi hy vọng có người đàn bà nào đó thấu hiểu tôi như Mai đã thấu hiểu, biết chia sẻ nhọc nhằn với tôi như Mai đã từng chia sẻ. Bởi tôi tin rằng, Mai cũng không muốn tôi phải sống cô quạnh và vất vả mãi. Thế nhưng có lẽ tình yêu của tôi đặt ở Mai và cho nhạc vàng quá lớn, mà cuộc sống bây giờ con người cũng suy nghĩ khác trước. Sự hy sinh cho người khác quả không dễ. Còn tôi, đến từng này tuổi đầu vẫn không có tài sản gì cho ra hồn. Ngần ấy lý do khiến hành trình của tôi trong kiếp nhân sinh này rút cục vẫn là …. cô đơn cùng với ta về. Như nỗi đau của người nhạc sĩ tài hoa Thanh Tùng đã hóa thành những nốt nhạc thấm thía buồn thương năm nào.

...