Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2024

Thơ Đỗ Quang Nghĩa

MÙA THU ĐỌC THƠ ĐỖ QUANG NGHĨA

Nguyễn Đức Tùng

Đọc thơ Đỗ Quang Nghĩa cần đọc chậm. Bạn đọc thơ anh với lòng chia sẻ, có dừng lại ở các chi tiết nhỏ bé. Chữ của anh dễ hiểu, trong sáng, câu thơ ngăn nắp, tuy vậy đó là một phối hợp giữa tính đơn giản và tính phức tạp. Trong hình thức những bài thơ ngắn, nối nhau, tập thơ  “Như Những Mùa Thu” của anh đòi hỏi sự tập trung đặc biệt của người đọc. Có một nỗi buồn mênh mông xuyên suốt các bài thơ, buồn nhưng không tuyệt vọng. Cảm giác mất thăng bằng xuất hiện ngay trong những đoản khúc cân đối.

Có bao giờ nghĩ đến phải bỏ xứ

Có bao giờ nghĩ đến bỏ tiếng hót

Có bao giờ nghĩ đến bỏ bạn tình

Thơ Đỗ Quang Nghĩa bắt đầu như một cuộc trò chuyện với chính mình.Tôi nghe thấy giọng nói của anh, câu chuyện k, sự dừng lại giữa hai câu nói, sự dừng lại giữa câu. Giọng của anh là giọng cá nhân, nhưng cũng là của một thế hệ lưu lạc, từ bỏ, săn đuổi tự do. Giọng nói trong thơ là phong cách. Giọng nói ấy khắc khổ nhưng dịu dàng. Bạn ngửi thấy mùi vị của chữ, mùi râu tóc, mùi mồ hôi quần áo của tác giả. Thơ anh như một nhát cắt của đời sống, nó không phải là tất cả, nhưng nó có tất cả. Trong thơ trữ tình hôm nay, giọng cá nhân ngày càng quan trọng, và anh là một trường hợp như vậy. Tiến độ tăng lên trong một số bài do sự quan sát. Ngược lại, khi anh chậm lại, sự trầm tư xuất hiện. Sự trầm tư trong thơ d dẫn tới tính triết lý mà các nhà thơ muốn tránh. Khi nào anh đến gần hình ảnh hơn thì chất triết lý lùi lại. Thơ hôm nay làm rung động người đọc bằng việc làm cho họ có mặt ở đó, làm cho sự đau khổ của họ xuất hiện. Thơ cần nhiều năng lực để kêu gọi sự chú ý của người đọc, có thể thoạt đầu chủ quan và cá nhân, nhưng càng về sau càng nặng v quan sát, thể hiện chính xác những tình huống và cảm xúc. Nó liên kết con người lại với nhau, nó nói với chúng ta về tình yêu và sự phản bội, hy vọng và đầu hàng, nó mở ra một cánh cửa và khóa trái một cánh cửa khác. Thế giới hôm nay biến động, chiến tranh, dịch bệnh, tù đầy, phân biệt chủng tộc, nhưng tâm hồn mỗi chúng ta náo động hơn thế. Thơ không có khả năng thay đổi thế giới trong một ngày, nhưng nó lay động một người đọc trong phút giây, làm bạn nhìn thấy mình khác đi, nhìn thấy thế giới khác đi. Trong một thời đại khó khăn, thơ trữ tình cần thiết cho người đọc, vì nó mang lại cho chúng ta sự chia sẻ và hiểu biết.

Nắng mùa không muốn dứt

Họa my thánh thót cho chiều thêm êm đềm

 

Trong một ngày như thế

Ngoài phía chân trời có chiến tranh

Người đọc muốn tìm thấy điều gì trong thơ hôm nay?

Một đời sống được tăng cường, để chống lại cái chết, chống lại chia lìa, tuyệt vọng.

Một loại thơ như vậy mang lại ý nghĩa của cuộc đời đã mất. Mối quan tâm của Đỗ Quang Nghĩa chưa phải là cái đẹp hay sự thật có tính triết lý, mặc dù anh hay nói về những điều ấy, thơ anh quan tâm nhiều hơn đến trải nghiệm riêng tư. Tuy vậy, giữa những câu thơ gần gụi, ngọt ngào, có một sự trống rỗng hư vô làm tôi dừng lại. Cấu trúc của tập thơ gồm hơn một trăm bài thơ ngắn, không tên, là một cấu trúc cân đối. Tôi ước anhthêm những bài được viết khác đi, chúng tạo nên những biến đổi.

Gà cùng một mẹ

Đá nhau đã đời

Người đọc muốn nhìn thấy anh đi lạc nhịp như thế nhiều hơn nữa. Trong vẻ ngoài lạnh lùng, kín đáo, thơ anh có ánh sáng và sức nóng, ánh sáng của sự thấu hiểu đối với bản thân và sức nóng của tình yêu dành cho người khác. Thơ làm cho con người sống đầy đủ hơn cuộc đời của họ, sống ý nghĩa hơn tình yêu của họ, nhớ lại một cách đau xót hơn, tủi nhục hơn, kiêu hãnh hơn, về những nhầm lẫn. Thơ Nghĩa ở những bài thành công có khả năng mang tới một nhận thức mới, mặc dù có thanh không có ý định ấy, nhờ sự kết hợp giữa tưởng tượng và quan sát. Thơ ấy mang chúng ta vào giữa đời sống, chứ không xa lánh nó, đánh thức bạn dậy, kêu gọi sự đọc lại, đi con đường cũ, nhưng trên con đường ấy bạn tìm ra hơi thở mới, nhịp điệu mới, sự thức tỉnh, dù muộn màng, nhưng thức tỉnh. Bạn xúc động trước những bài thơ gọn gàng, sâu thẳm, ít lời nhưng thân mật của anh. Có một thứ ánh sáng giữa các câu thơ được viết bởi một người đã đi tới tận cùng của một ngày, và đã trở lại, và ánh sáng ấy đôi khi hắt cái bóng của những chữ lên trên trang giấy.

Vancouver, September 2024

Chân dung Đỗ Quang Nghĩa

Đỗ Quang Nghĩa: Yêu như một kiếp nạn*

Lê Anh Hoài

Nghĩa làm thơ như ghi nhật ký. Tôi nói nhật ký với nghĩa những ghi chép của lòng mình, chỉ cho mình. Thơ của Nghĩa không nhằm để chiều người.

Qua vài ghi chú không liền lạc, có thể thấy đâu đó những ngày tháng, những sự kiện mà từ đó, Nghĩa bật thơ ra. Đây là sức bật của sự dồn nén. Còn lại, đa phần trong tập là những dòng thơ không ngày tháng lạc khoản, đầy ắp những cô đọng của một tâm hồn nhạy cảm, lặng lẽ quan sát và chiêm nghiệm. Thấy bóng dáng nhẫn nhịn, lầm lũi của người kiên trì ẩn dật nhưng trí tưởng đã hướng đến mức trí huệ - trong yên lặng.

Thủ thỉ, thơ Nghĩa như tiếng nói-tự-với-mìnhđối-thoại-câm với người mình yêu, với con, với đất nước thành phố quê hương bị lìa bỏ. Và với thế giới. Một thế giới đầy bất an phi lý bất công, nhưng đẫm thương xót và lòng trắc ẩn của nhà thơ.

“Những câu thơ buồn và lạnh

mang theo suốt cuộc hành trình

tôi sưởi ấm lòng mình

bằng những câu thơ buồn và lạnh”

Trong thơ Nghĩa, có nghẹn ngào nỗi nhớ đứa con xa, mong mỏi con sống trung thực. Có những suy tư về tiếng mẹ đẻ. Có những day dứt về nơi chốn. Có nỗi đau và sự bất lực. Và tình yêu trong rất nhiều dòng ghi. Nghĩa là người yêu chung thủy, yêu như một kiếp nạn. Và hạnh phúc trong kiếp nạn ấy.

Nghĩa làm thơ như thỏa mãn một nhu cầu tự thân. Nhưng ông ý thức đầy đủ về sự viết, với tư cách người sáng tạo.

 “Mỗi đi mỗi xóa lối sau lưng

nhưng không thể theo vết mòn người khác”

Tập thơ của Nghĩa được trình hiện trong sự nguyên sơ nhất có thể. Những ghi chép bằng thơ qua những tháng ngày ở nhiều vùng đất, được đặt nối tiếp nhau. Ranh giới các bài, các đoạn bị xóa nhòa. Thoạt trông, giống một trường ca. Tôi thấy tập thơ này có những yếu tính của trường ca. Nhưng tôi lại nghĩ đừng cao đàm khoát luận làm chi.

Đây là một bài thơ dài. Bài thơ không có kết thúc và thậm chí cũng không có khởi đầu. Nó chính là hình bóng tinh thần và tình cảm của một con người có tài mà không bao giờ định trở thành nhà thơ.

Người ấy có tên là Đỗ Quang Nghĩa.

26/9/2024, Hà Nội

* Tiêu đề do Văn Việt tạm đặt.

***

Chùm thơ Đỗ Quang Nghĩa

Lá đã thẫm

      che khuất những bố già đang làm vườn

Mây đã cao

      nhớ xưa thời thơ ấu.

Con chim nhỏ lại về

      ăn quả nhả hạt

Như những ngày chưa xa.

Có những ngày chưa bao giờ xa

Mùa theo hoa

     nở thầm ký ức

 

*.

Buổi sáng

Trong sương mù hiện ra những lá vàng non đầu tiên.

Em có nhớ tình thu ngày xưa?

Ta vẫn nhớ tình thu ngày xưa.

Không ai biết tình thu ngày sau.

Trong không khí, một chiếc lá vàng non nhói sáng.

 

*.

 

Tim ta đau vết thương gì không rõ

Nên cần chi trái gió với trở trời.

Nếu có thể vui được

Tôi đã không buồn thế này.

Ràng buộc với cái gì cũng sợ

Đành ràng buộc với tự do.

*.

Những mũi chông mang hình ngòi bút

Những đầu đạn mang hình măng tre

Những người thua nào không quên chiến tranh

Những kẻ thắng nào không quên trả oán

Bao nhiêu chấn song cũng tùy cửa sổ

Bao núi rừng, con sông quê hương

Nếu không ra đi không bao giờ thấy đủ.

*.

Cơn bão đã tàn

Trời cao lại xanh thắm.

Giông tố đã ngừng

Dòng sông lại phẳng lặng.

Ðâu rồi những cuồng điên, đam mê, gào thét,

Đâu rồi những vật vã chia ly, hoảng hốt, lo âu?

Ðâu rồi tất cả đâu rồi

       những ngày cháy khát bên nhau?

*.

Yêu em bao nhiêu cho vừa

Khi đời ta đang thanh xuân

Dù trời mưa phùn lầy lội,

Dù đêm gió bấc ngại ngùng

Khi đời ta đang thanh xuân

Yêu em bao nhiêu cho vừa

Những ngày thiếu ăn thiếu mặc

Đi qua tuổi trẻ chúng mình,

Những ngày tình yêu thắp sáng

Cháy lên tuổi trẻ chúng mình

Yêu em bao nhiêu cho vừa

Khi đời ta đang thanh xuân

Tặng em chùm hoa hồng dại

Thơm sâu trong những ngày mưa

Tặng em một chiều dâng nắng

Hàng cây ôm kín bóng người

Yêu em

Chọn đời - bên - em.

*.

Khi nghĩ về những ngày hoang dại,

ta biết

        sẽ không bao giờ ta quên người ấy.

Khi nghĩ về những ngày hoang dại,

ta biết

       người ấy,

          đã lâu rồi,

                    quên ta.

 

*.

Trở lại quá khứ gặp nhiều người quen hơn bây giờ

Những giai điệu từng cuốn ta mê đắm

Như chiếc cầu bắc ngang nước xanh

Giờ đây tất cả đều đã khác

Ta đã không thành đạt

Họ cũng đã quá già

Từng không biết sẽ bay cao tới đâu

Giờ không biết sẽ rơi sâu tới đâu

Trở lại quá khứ gặp nhiều người quen

Trên con đường đang theo không còn ai người cũ

Thế mà rồi vẫn đi.

 

*.

Vầng trăng nhỏ bé

      đêm ta về

          chìm dưới đáy sông sâu

                  lặng lẽ

Nước chảy

     theo thời gian

            và gương trăng khi mờ khi tỏ

Buồn hay vui

Ai có hỏi một lần

Này trăng

Người có quá khứ không?

 

*.

Vùi củ hoa tulip cuối thu

Chờ qua mùa đông và hoa khoe sắc

Trồng một nhành cây cho mùa sau

Gài một chùm hạt để chim mang về tổ

Gửi một hoàng hôn về phía chân trời.

Mùa sau có thể đến sau ta.

 

Trích từ tập Như những mùa thu