Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2024

Chia tay Hoài Phương

Ngô Thị Kim Cúc

Vậy là Phương đã đi về một thế giới khác, thế giới mà rồi ai trong chúng ta cũng sẽ phải đến. Phương không để lại gì nhiều, ngoài những ký ức trong lòng những người từng có cơ hội gặp cháu. Cô gái ấy nghĩ gì/giữ gì trong đầu, chúng ta không biết. Chỉ biết rằng, Phương không muốn lưu lại hình ảnh, không muốn bị để ý, không muốn được nhắc tới, đúng như một người chỉ có nhu cầu ẩn mình/trút bỏ, dù cháu không phải Phật tử, không biết tới những pháp môn Phật giáo.

Học giỏi nhưng không muốn vào đội tuyển, nghiên cứu giỏi nhưng không muốn làm luận án để lấy bằng cấp cao hơn, con của nhà văn nổi tiếng nhưng không chịu gắn tên mình vào tên của cha.

Có lần trò chuyện trên báo cùng nhà văn Nguyên Ngọc, tôi có câu hỏi: “Xin ông nói đôi điều về con gái mình”. Lập tức anh Nguyên Ngọc trả lời: “Phương không muốn, nên mình sẽ không nhắc tới cháu”.

Những lần gặp nhau, chúng tôi đều giữ ý, không bao giờ bộc lộ chủ kiến khi trò chuyện với cháu, bởi biết rõ cháu rất khó chấp nhận sự áp đặt tới từ bên ngoài. Cháu sống thu mình, và không muốn bất cứ ai xâm nhập vào không gian riêng của mình/của gia đình mình. Cháu là người bảo vệ cha cháu ở mức cao nhứt.

Có thể chọn lựa không muốn “nổi bật” của cháu khi trưởng thành đã tới từ chính bài học cay đắng về cuộc đời của cha cháu, khiến cháu luôn biết phải “ẩn mình”.

Trong những ngày tang lễ, chúng tôi cảm động thấy cô bạn chí thiết thuở cấp hai của Phương đã cùng chồng bay từ Hà Nội vào Hội An, dù đã nhiều chục năm họ không gặp nhau, ngay cả lúc hai cháu đang cùng sống ở Hà Nội. Qua Nguyễn Ngọc Bích, đang là một bác sĩ nha khoa, tôi nghe được những chuyện về Phương, từ khi còn nhỏ. Thông minh, học giỏi, và cực kỳ thẳng thắn là cá tính của Phương từ bé. Tôi hỏi: “Cháu cũng cá tính mới chơi được với Phương, sẽ rất dễ đụng chạm nhau, làm sao để giữ được tình bạn lâu dài như vậy?”. “Vì khi có cãi nhau, cháu là đứa nhượng bộ, sau đó, cháu mới tìm cách tranh-cãi-sau, không để căng thẳng ngay từ ban đầu”.

Ngọc Bích còn giữ những ảnh thời cấp 2, với gương mặt sáng trưng của lớp học trò thập niên 1980 đầy khó khăn của đất nước, nhưng gương mặt nào cũng tươi rói, đáng yêu. Cùng với ảnh, còn có ký ức từ một bạn học khác của Phương, trong inbox của Ngọc Bích:

“Em chào chị, em là bạn cấp 2 của Phương ạ.

Nghe tin bạn mất buồn quá, mình đã không gặp Phương từ hồi học lớp 8 nhưng vẫn nhớ Phương của lớp 4, lớp 5. Hồi đó đi bộ đi học, nhiều hôm ra đến đường Phan Đình Phùng là gặp Phương và Thuý từ Lý Nam Đế ra, mùa đông bên người Phương lúc nào cũng có túi tỏi, hồi đó Phương rất hay dùng để trêu mọi người. Mình còn nhớ cả hồi lớp 4, đi học cô Thanh, một nhóm trêu gọi Phương là công chúa hai ruồi làm Phương khóc, xong bị cô Thanh mắng, từ đấy ko ai dám trêu Phương nữa. Rồi còn nhớ có lần đến thăm Phương ốm, bạn kéo đàn violin rất rất là hay. Đấy cũng là lần đầu mình được biết về đàn violin. Hồi đó mình thật phục bạn, học giỏi Toán, giỏi Văn lại còn biết đánh đàn. Cầu mong bạn ra đi thanh thản và sớm siêu thoát”.

Tôi nhớ, những lần gọi điện cho anh Nguyên Ngọc, Phương luôn là người cầm máy trả lời, vì anh Nguyên Ngọc nặng tai, và tôi luôn trêu đùa cháu vài câu trước khi nói chuyện với anh Ngọc. Với người đã thân thiết, Phương bộc lộ một tính cách trẻ con, dễ gần, thích đùa vui.

Khi tôi “điều tra” về cuộc sống của hai cha con sau khi chị Tâm mất, việc cơm nước, chợ búa, chi tiêu thế nào, và biết Phương đã cắt đứt mọi liên quan với Hà Nội, tôi nói vậy là giờ cháu không có thu nhập, Phương trả lời: “Ông Ngọc trả lương cho cháu”. Giọng nói vui, miệng cười rất tự nhiên của cháu, thật khó quên.

Rất nhiều người, khi biết tin con gái nhà văn Nguyên Ngọc qua đời, đã chia buồn và tỏ lòng thương tiếc cô gái giỏi giang đã từ biệt cuộc sống này. Nhiều người thú nhận mình đã “rơi nước mắt” trước tin buồn.

“Trong bon chen, đố kỵ và bao giá trị xã hội đảo lộn – sẽ mãi nhớ về người con gái ấy – luôn giữ trong mình hệ quy chiếu là những đường thẳng, đường vuông góc và sự cân bằng, thành tâm đến nghiệt ngã...”. Là những câu chữ mà Lã Việt Khoa, chồng của Ngọc Bích viết về cô bạn chung của họ.

Còn chúng tôi, những đứa em/đồng nghiệp của nhà văn Nguyên Ngọc, chỉ có điều duy nhứt để nói với anh và với chính mình:

Dẫu sao, vẫn còn điều an ủi là anh Nguyên Ngọc đã có thể lo cho con gái chu toàn, thay vì có thể khi Hoài Phương ra đi, cháu chỉ còn lại một mình trên đời...

 

Bàn thờ Hoài Phương, không có ảnh, như cháu muốn.

 

Nhà văn Nguyên Ngọc niệm hương, chia tay con gái.

 

Cô Hoa, em gái út nhà văn Nguyên Ngọc 76 tuổi, bay về Hội An từ Sài Gòn, ở lại ba tuần bên Anh Hai.

 

Những người em của nhà văn Nguyên Ngọc thương tiếc cháu Hoài Phương.

 

Mọi người chỉ có thể đứng bên anh, để anh thấy mình không một-mình.

 

Ai cũng buồn, như mất người thân của chính mình.

 

Anh Chu Hảo, người đồng hành rất lâu năm với anh Nguyên Ngọc.

 

Anh Hoàng Xuân Phú đưa anh Nguyên Ngọc xem những lời chia buồn anh nhận được.

 

Nguyễn Ngọc Bích, bạn học thời cấp 2 của Hoài Phương trò chuyện với bác Ngọc.

 

Nguyễn Thị Khánh Trâm đưa anh Ngọc xem những chia buồn mình nhận được.

 

Dù đông người nhưng vẫn không thể san sẻ được nỗi buồn của anh Nguyên Ngọc.
Ý Nhi, Chu Hảo, Hoàng Xuân Phú, Nguyễn Ngọc Bích, Hồng Hạnh, Nguyễn Thị Khánh Trâm, Ngô Thị Kim Cúc , Nguyễn Thị Giáng Vân, Phương Bình.

 

Anh Nguyễn Bá Thâm, người của Văn Nghệ Khu 5 có mặt bên anh Nguyên Ngọc, lãnh đạo Văn Nghệ Khu 5 thời kháng chiến.

 

Bùi Minh Lâm, con trai nhà thơ Bùi Minh Quốc và chị Võ Thị Mai Nhung, thay cha mẹ vào thắp hương cho Hoài Phương.

 

Bên quan tài, trước khi di quan.
Hồng Hạnh, Ngô Thị Kim Cúc, Ý Nhi, Nguyễn Thị Giáng Vân.

Trong khi chờ di quan.
Trần Hải, Nguyễn Thị Giáng Vân, Nguyễn Thị Khánh Trâm, Ý Nhi, Khiếu Thị Hoài, Ngô Thị Kim Cúc, Dạ Ngân.

Di quan. Không có nhạc và những nghi thức thường thấy trong tang lễ ở Quảng Nam.

Anh Nguyên Ngọc được cháu bế vào xe để đưa con gái một đoạn đường.

Trò chuyện về những ngày tới của anh Nguyên Ngọc.
Đoàn Huy Giao, Ý Nhi, Nguyễn Sự.

Bàn thờ mới thiết của Hoài Phương.

Hai câu của nhà đòn rất cảm động:

"Con trẻ lìa trần một sớm tìm phương về lạc quốc

Cha già tại thế mỗi chiều tựa cửa ngóng chờ con".

Anh Nguyễn Sự đang dặn người nhà mua sắm những vật phẩm cần thiết cho bữa cúng đầu tiên.

Anh Nguyên Ngọc chào mọi người để vào nghỉ.
Chị Trung Yên, Lã Việt Khoa - chồng Ngọc Bích, Ý Nhi, Nguyễn Ngọc Bích, cháu anh Nguyên Ngọc.

 

Buổi trưa, mọi người rủ nhau ra cà phê.
Ý Nhi, Đoàn Huy Giao, Nguyễn Thị Khánh Trâm, Huỳnh Ngọc Chênh, Hoàng Xuân Phú.

 

Hoài Phương (giữa) và các bạn học thời cấp 2.

 

Hoài Phương (trái) và bạn thân thời cấp 2.

 

Hoài Phương (tóc cột) và các bạn thời cấp 2.

 

Hoài Phương (hàng thứ 2, với khăn quàng, ngồi bên phải thầy giáo) và các bạn cùng lớp.
Có cả "phụ huynh" Nguyên Ngọc đứng ngoài cùng bên trái.