Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Hai, 21 tháng 10, 2024

Một chỗ ngồi cho người không trí nhớ

Vũ Thành Sơn

Nếu cần một chỗ ngồi sạch sẽ tôi sẽ ngồi ở quán cà phê đối diện với cái nhà thờ xây bằng gạch đỏ, chọn cái bàn ngoài sân, sau một bụi cây. Rất nhiều khi tôi là người khách đến sớm nhất. Tôi thích ngắm nhìn thành phố vào lúc tinh mơ khi nó vừa vươn vai trở dậy và còn đang uể oải, ngái ngủ, đường phố vắng vẻ xe cộ, vỉa hè lác đác người đi bộ, công sở, biệt thự còn đóng cửa.

Nhà thờ đã bắt đầu lễ sớm. Những người xin lễ đứng tràn ra cả ngoài sân. Trên những ngọn cây bầy chim đang đánh thức chòm lá tối thẫm và chỉ một chút nữa chúng sẽ giăng lên một khoảng trời tấm lưới âm thanh rộn rã đầu ngày. Người giao báo trong bộ quần áo bạc màu quen thuộc vừa mới đi qua, chồng báo trên xe đã vơi quá nửa. Một ngày của người đàn ông ấy sắp kết thúc trong khi nhiều người còn chưa bắt đầu. Tôi hít đầy hai buồng phổi một hơi dài của ban mai tinh khôi. Không khí mát mẻ lẫn một chút se lạnh của cơn mưa hồi đêm.

Tôi tin mỗi thành phố đều có một mùi của nó. Paris có mùi hoài niệm. Roma mùi vĩnh cửu. Madrid mùi của tàn tạ. Hồi bé sống gần một khu chợ, tôi thường ngửi thấy mùi hoi, nồng của những cái quầy thịt và mùi mồ hôi của những con ngựa thồ gõ lọc cọc sáng chiều trên con đường còn lót đá. Chẳng mấy chốc con đường đã được tráng nhựa, những chiếc xe xích lô máy, xe lam thay thế cho những con ngựa lui về ngoại ô. Con đường chỉ còn giữ lại cái tên như một hoài niệm về chuyến đi không tới đích. Tiếng vó ngựa, mùi phân và hơi thở phì phì của nó không còn nữa, nhưng mùi hoi nồng của những cái quầy thịt vẫn còn mãi trong bầu khí quyển. Có gì dai dẳng và trung thành hơn mùi của cái chết? Mỗi lần đi qua một cái chợ với quầy thịt tôi lại nhớ đến con đường ấy và tôi nhận ra một điều: những người bán thịt, dù là người Pháp, Ba Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Tư hay Trung Quốc, đều có những nét, những cử chỉ, cách nói chuyện giống hệt nhau và đều mang một mùi giống hệt nhau. Ngay cả khi họ đã bỏ chiếc áo khoác màu trắng hay cái tạp dề trên người ra và lẫn lộn vào một đám đông, với những người đã từng có dịp quan sát, nếu tinh ý, vẫn có thể nhận ra họ, những người vốn luôn hít thở, ngập ngụa trong máu và thịt súc vật.

Ký ức về mùi là thứ bền chặt nhất so với ký ức âm thanh, màu sắc hay sự kiện; nó sinh ra cùng lúc với con người và cũng sẽ từ bỏ cuộc đời cùng lúc với con người. Xếp tàn y li để dành hơi. Albert Camus nói tuổi thơ ông sống trong sự nghèo khó nhưng ánh nắng mặt trời rực rỡ của Địa Trung Hải đã làm cho ông trở thành giàu có. Sự giàu có của tôi là mùi. Có thời gian tôi chỉ thích đi lại trên một con đường vì ở đó có một loại hoa tím cánh mỏng của hai hàng cổ thụ tỏa ra một mùi hương mát dịu, say đắm, nhất là sau mỗi cơn mưa. Một lần tôi hỏi cô bạn gái đi bên cạnh có ngửi thấy mùi gì không? Và tôi đã phải buồn hết sức khi cô tròn mắt nhìn tôi nói, không, không ngửi thấy mùi gì hết. Nghe nói hai hàng cây ấy bây giờ đã bị đốn hạ.

Nhắm mắt lại và đóng hết cửa sổ của não, của tai, để cho những mùi hương chung quanh dẫn đi là cách giản dị nhất mỗi lần tôi muốn tìm kiếm lại những gì quen thuộc đã mất mát. Quả thật, chúng ta luôn có một thời để sống và một thời để tưởng nhớ. Cái ranh giới đó nhiều khi quá mong manh tưởng chừng như không có thật.

Nhiều năm trước nhà tôi ở gần một nghĩa trang, chỉ chừng mười lăm phút đi bộ. Trong nghĩa trang có một nhà thờ. Tôi thường đến nhà thờ nghe hòa nhạc, nhất là những buổi tối cuối tuần. Đến muộn sẽ không còn một chỗ ngồi; ở đây người ta nghe hòa nhạc thành kính như đang hành lễ cho đến tận giây phút cuối. Có lần nhà thờ đã tổ chức một chương trình của Brahms cho một nghệ sĩ dương cầm mù. Nhưng tôi đến nghĩa trang này nhiều nhất là để đi dạo và ngồi chơi giữa những ngôi mộ. Ở đó tôi được sống với một thế giới khác, yên tĩnh, lặng lẽ tách biệt hẳn với xã hội đông đúc, ồn ào ngoài kia, cho dù nhiều khi chỉ cách nhau có một con phố nhỏ. Nhiều buổi chiều tôi ngồi nghe tiếng xào xạc của lá cây trong gió, tiếng chim hót và nhìn ngắm những ngôi mộ, đủ hình dáng, kích thước, mới cũ của những con người từ giàu có, danh tiếng đến những ngôi mộ của những người bình thường và những đứa bé. Trong cái bình yên sùng mộ của buổi chiều, nhất là vào những ngày tuyết đổ, tôi mới cảm nhận được hết sức nặng bởi sự hiện diện của những người đã chết trong đời sống của mình. Người chết và người đang sống bỗng chốc trở nên liên đới trong một mối giao cảm phi thời gian, cùng bình đẳng và giống nhau trong ý nghĩa rốt cuộc chỉ là những gợn sóng lao xao ngắn ngủi nhất thời trên bề mặt của một đại dương vĩnh viễn câm nín, bí mật. Tôi rất thích sự hiện diện của một nghĩa trang trong lòng thành phố; nó như là một bảo tàng ngoài trời, nhưng hơn cả một bảo tàng, nó còn khiến người ta phải suy tưởng thường trực về sự hữu hạn của kiếp người. Thật đáng tiếc ngày nay những người chết đã bị đẩy lùi vào một góc kín đáo, biệt lập của nhà thờ hay chùa chiền; họ bị nhốt lại, niêm phong, khằn kín để ngoài kia, trên đường phố, người ta hồn nhiên sắm vai những vị thần bất tử.

Tôi yêu thích chỗ ngồi này cũng vì mùi già nua của nó. Một con người già nua hay một món đồ cũ kỹ (một cái cặp da cũ, bàn ghế, cuốn sách, tờ thư cũ, một bình hoa tàn,…) đều toát ra một mùi già nua, mùi của thất bại. Đi bên cạnh một người già nua chúng ta dễ dàng bắt gặp cái mùi kín đáo đặc biệt đó; nó khơi dậy cảm xúc về sự cam chịu đáng kính trọng và sức mạnh tàn phá đáng sợ của thời gian.

Tôi yêu thích sự già nua của hàng cây, con đường, của màu gạch đỏ nhà thờ; tiếng chuông trong vắt ngân nga tưởng chừng như không dứt của nó vào lúc chín giờ trong ánh nắng ban mai rực rỡ ngập tràn bãi cỏ; đàn chim bồ câu giăng võng qua lại giữa gác chuông và những ngọn cây. Có những nơi chốn tôi đi qua hay ghé lại nhiều lần bởi vì ở đó, từ lâu, đã có một mối liên hệ lưu luyến đâm chồi, mọc rễ trong lòng: một ngõ nhỏ chen chúc những căn nhà hẹp đầy tiếng khóc trẻ con, mùa mưa nước ngập lên tới đầu gối, trôi lềnh bềnh rác thải và cả một mối tình; một khu vườn rào che bởi bụi dâm bụt; gian phòng với cái bàn làm việc bằng gỗ đã lên nước nhìn ra bến sông hay căn gác lót ván ọp ẹp… Ở những thành phố mới mẻ, hiện đại tôi thường đi lạc và vẫn thường đi lạc ngay trong chính thành phố của mình. Tôi đang đi trong ánh sáng mờ đục của quá khứ ở một thành phố bị trùm kín dưới tấm vải liệm của hiện tại để tìm lại tôi trong một phiên bản lỗi thời của đời sống cũ. Ánh sáng chói lòa dễ gây tổn thương cho đôi mắt hơn chính bóng tối. Nhưng ở đây, một chỗ ngồi khiêm tốn, tôi mới cảm thấy, một cách không thể giải thích, như thể bắt gặp được một phần vừa quen thuộc vừa xa lạ, đáng ngờ của chính mình.

Mỗi sáng chủ nhật tôi ngồi ở quán cà phê đối diện với cái nhà thờ xây bằng gạch đỏ để chiêm ngưỡng vẻ già nua của hàng cây, con đường và màu gạch của nhà thờ, chiêm ngưỡng trong sự lãng quên của một trí nhớ đã mất và bất chợt thấy mình đã già nua ngay từ khi mới lọt lòng. Lịch sử của một con người không phải chỉ hình thành từ lúc chào đời, mà thực sự nó đã bắt đầu sớm hơn, từ hàng trăm ngàn năm trước, cùng với tất cả di sản đau khổ, lầm lạc, ước mơ, ảo tưởng, thất vọng, dục vọng…, mà con người ấy phải gánh vác trong suốt cuộc hành trình của mình. Tôi chỉ là một giọt nước nhưng mang trong mình gánh nặng của một đại dương mênh mông. Đôi khi tôi có cảm tưởng như không thể cưỡng lại được cái ý muốn vượt qua lằn ranh, bước chân vào không gian chỉ cách chỗ ngồi một con đường nhỏ để tận tay sờ mó và hít thở trong không khí quá vãng lẻ loi của thế giới trước mặt, nhưng rồi cuối cùng chính sự do dự, ngờ vực đã chôn chân tôi một chỗ.

Quán mỗi lúc mỗi đông. Khách mới vào đứng nối đuôi nhau thành một hàng dài trước quầy. Chỗ ngồi đã không còn đủ. Tiếng ồn như mây đen phủ chụp xuống. Tôi biết mình phải đứng lên, mặc dù tôi còn muốn được nghe tiếng chuông của cái nhà thờ gạch đỏ đó vào lúc chín giờ.

Ai không một lần trong đời không nghe tiếng chuông rồi mới ra đi?

2019