Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Tư, 23 tháng 10, 2024

Cảnh sát tư tưởng

Nguyễn Quang A

Nhân ba nhà khoa học Mỹ được giải Nobel kinh tế vì họ đã có công tìm ra nguyên nhân vì sao các quốc gia nghèo hay giàu: ở đâu có thể chế chính trị bao hàm (inclusive-dung nạp, bao gồm) dẫn đến có thể chế kinh tế bao hàm thì giàu; còn ngược lại nếu có thể chế kinh tế khai thác (extractive) thì nghèo. “Thể chế” là từ quan trọng ở đây và có vẻ nhạy cảm. Người ta bàn tán về cuốn “Tại sao các quốc gia thất bại” của hai trong ba tác giả đó được Nhà xuất bản Trẻ ấn hành 2013 và không còn được bán từ 2019. Có người nói, nó không được phép tái bản, thậm chí bị thu hồi. Không rõ thực hư ra sao, nhưng nếu đúng thế thì đó là biểu hiện về hành động của cảnh sát tư tưởng.

Ngày 18-10-2024 tờ Vnexpress có bài với tựa đề “Chủ nhân Nobel kinh tế 2024 dùng thể chế để giải thích chênh lệch giàu-nghèo” rồi sau một thời gian cắt luôn “dùng thể chế” trong tiêu đề. Có lẽ cũng có thể là biểu hiện về hành động của cảnh sát tư tưởng.

Đó chỉ là hai ví dụ cực nhẹ về nạn cảnh sát tư tưởng kiểm duyệt tinh vi ở Việt Nam, trường hợp nặng hơn thì cả bài biến luôn hay khi bấm vào chỉ thấy 404 thôi, nhưng hỏi thì không ai biết cớm kiểm duyệt ấy là ai, chỉ là lệnh miệng từ trên thôi.

Tuy nhiên, cảnh sát tư tưởng không chỉ liên quan đến kiểm duyệt, nó rộng hơn nhiều.

Cái tên cảnh sát tư tưởng (thinkpol) do nhà văn George Orwell đặt ra trong tiểu thuyết 1984 nổi tiếng, được xuất bản năm 1949, để phản ánh thực hành kiểm soát tư tưởng trong xã hội toàn trị.

Nhưng thực hành cảnh sát tư tưởng thì cổ lắm rồi: hãy chỉ nhớ đến các tòa dị giáo kết tội hỏa thiêu Giordano Bruno năm 1600 hay bỏ tù Galileo 33 năm sau đó chỉ vì “tư tưởng” của họ khác với “tư tưởng” của Giáo hội.

Tượng Giordano Bruno tại quảng trường Campo dei Fiore, Rome, ngay chỗ ông bị thiêu trước tòa Dị giáo

Đó là chưa nói đến tội “khi quân” (khinh vua) khá quen thuộc ở Trung Quốc và Việt Nam (và ở Thái Lan cho đến tận ngày nay). Bị coi là khinh vua (một câu nói, câu viết, hình vẽ,… được cảnh sát tư tưởng “thẩm định” và cho là “khi quân” thì) có thể khiến người đó mất mạng như chơi. Mà vua, dù là vua tập thể, cũng là con người và có thể sai, thậm chí đôi khi đáng khinh thật.

Cảnh sát tư tưởng cản trở khoa học, ý tưởng mới, và sự phát triển xã hội nói chung, nói chi đến vi phạm quyền tự do tư tưởng, quyền tự do biểu đạt và quyền tự do ngôn luận nói chung.

Nói đến cảnh sát tư tưởng người ta thường nghĩ đến cảnh sát mặc thường phục hay cảnh sát mật thuộc quân số của Bộ Công an. Họ đông hơn số cảnh sát thật đó rất nhiều và đôi khi là những người bề ngoài có vẻ, hay được cho là đáng kính: nhà thơ, nhà lý luận, nhà báo, và có khi dân thường nữa.

Tại Việt Nam nạn đốt sách (nghiền sách) vẫn còn! Ai ra lệnh? Có những người là quan to nhưng cũng là các nhà thơ nổi tiếng như Tố Hữu hay một ông thứ trưởng đã ký lệnh thủ tiêu Chuyện kể năm 2000 của nhà văn Bùi Ngọc Tấn. Vụ Nhân văn Giai phẩm nổi tiếng rồi vụ nhà thơ Hoàng Hưng do cầm bản thảo “Về Kinh Bắc” của thi sĩ Hoàng Cầm bị cảnh sát tư tưởng bắt bỏ tù nhiều năm chỉ là vài ví dụ.

Bao nhiêu sở Thông tin Truyền thông đã “thẩm định” câu nói, bài viết hay clip của ai đó rồi phán rằng họ vi phạm những điều luật hết sức mơ hồ của Bộ Luật hình sự (như điều 117, 331 chẳng hạn) nhưng tại tòa thì những người thẩm định này lặn mất tăm. Họ cũng thuộc về cảnh sát tư tưởng. Đó là chưa kể đến một số nhà báo tham gia tích cực vào các chiến dịch, các cuộc thi rầm rộ “Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.” Bảo vệ thì cứ nên bảo vệ nếu họ muốn, nhưng đừng buộc tội người khác và chia rẽ nhân dân thành địch-ta và làm cơ sở cho việc bắt bớ, bỏ tù họ.

Đấy là chỉ điểm qua vài biểu hiện của cảnh sát tư tưởng, bạn đọc có thể tự suy ngẫm và có thể nêu ra muôn vàn thí dụ khác. Ngay cả người dân khi không đồng ý với ý kiến của người khác thì không tranh luận, nêu ra lý lẽ của mình mà lại “yêu cầu” các cơ quan chức năng can thiệp; vô tình ủng hộ cảnh sát tư tưởng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: “Từ suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống dẫn tới ‘tự diễn biến’, ‘tự chuyển hoá’ chỉ là một bước ngắn, thậm chí rất ngắn, nguy hiểm khôn lường, có thể dẫn tới tiếp tay hoặc cấu kết với các thế lực xấu, thù địch, phản bội lại lý tưởng và sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc.” Và nhiều kẻ “tự diễn biến, tự chuyển hóa” đã phải vào tù hay thanh trừng vì chủ trương như vậy của ông trùm vua tập thể. Sự tự diễn biến, tự chuyển hóa không cần nói lại vì tôi đã bàn sơ về các khái niệm này rồi. Nhà lý luận, Gs. Ts. Nguyễn Phú Trọng đúng đã là tổng chỉ huy của lực lượng cảnh sát tư tưởng.

Cảnh sát thường (giao thông, hình sự) cung cấp một dịch vụ công quan trọng cho xã hội. Cảnh sát tư tưởng thì không mà chỉ làm hại: gây chia rẽ (dù luôn mồm nói đoàn kết); cản trở các ý tưởng mới, cản trở khoa học và phát triển và vi phạm các quyền tự do tư tưởng, biểu đạt và ngôn luận được Hiến pháp và Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị trân trọng. Khi các quyền đó bị vi phạm nghiêm trọng thì đừng mơ có sự phát triển bền vững, đừng mơ đến sự trỗi dậy của dân tộc Việt Nam.

Nếu ý tưởng, ý kiến của ai đó mà họ cho là có hại thì hãy tranh luận với những người đó cho ra nhẽ; nếu gây hại cho mình thì hãy kiện họ ra tòa dân sự và phải nêu rõ họ gây hại những gì trong một quá trình tố tụng dân sự công khai, minh bạch.

Trong kỷ nguyên mới phải xóa bỏ triệt để cảnh sát tư tưởng.