Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 13 tháng 7, 2024

Lịch sử truyền giáo và chữ quốc ngữ (5)

Thụy Khuê

Chương 3

Cristoforo Borri

II

Minh Đức Vương Thái Phi và cơ sở đạo Chúa đầu tiên

clip_image002

 

Kỳ trước, chúng tôi đã trình bày Đời sống thế tục ở Đàng Trong theo sách Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri. Kỳ này, xin giới thiệu Đời sống tôn giáo ở Đàng Trong qua ngòi bút của Borri, về giai đoạn đầu tiên đạo Chúa được truyền vào nước ta, từ 1615 đến 1622, dưới thời chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên.

 

Cristoforo Borri xác định vai trò tiên phong của Dòng Tên

Cristoforo Borri xác định các giáo sĩ Dòng Tên đúng là những người đầu tiên đem đạo Chúa vào Đàng Trong, bằng cách chỉ trích sự bịa đặt trong cuốn sách của một giáo sĩ Y Pha Nho [Hordũnez de Zeballos] kể rằng ông ta đã đến Đàng Trong trước đó, đã rửa tội cho một bà công chúa và nhiều người trong hoàng tộc, mà Borri cho là hoàn toàn hoang tưởng.

- Trước hết, ông viết về “nguồn cội” việc Macao quyết định gửi giáo sĩ đi Đàng Trong:

"Trước khi các giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong, những người Bồ đến buôn bán ở Malacca, Macao, Castillans, Manille, có lệ đem theo một linh mục Tuyên uý để đọc kinh và làm lễ Thánh thể cho họ trong thời gian họ ở nước ngoài, trung bình mỗi năm 3, 4 tháng. Những vị Tuyên uý này chỉ là linh mục của người Bồ, không phải lo đến đời sống tâm linh của dân bản xứ, nên không phải học tiếng của họ[1] và cũng không cần phải soi tỏ ánh sáng Phúc Âm cho họ".

- Tiếp đó, ông nêu đích danh kẻ mạo nhận:

"Vậy mà đã có kẻ, trong cuốn sách tựa đề Viage del Mundo [ám chỉ Hordũnez de Zeballos] ở Y Pha Nho, dám bịa ra là đã giảng sách bổn [sách giáo lý] và đã rửa tội cho một cô công chúa Đàng Trong và nhiều bà quý tộc, mặc dù cho tới nay, chẳng hề có công chúa và bất kỳ ai trong hoàng tộc, ngỏ ý muốn theo đạo cả. Tuy nhiên, mỗi năm, chúng tôi đều đến hầu chúa và trò chuyện với tất cả các đức ông ở Triều đình, không hề thấy một đức ông, hay một cô công chúa nào, tỏ dấu hiệu, muốn theo đạo hoặc muốn biết gì về niềm tin Thiên Chúa giáo. Ta thấy y đã bịa đặt những chuyện hoang đường như thế trong cuốn sách của y, về cô công chúa, và y còn dám bịa rằng cô công chúa này muốn lấy y, một linh mục, và những chuyện khác tương tự.[2].

Sự thật thì chúng ta chỉ biết rằng có mấy cha dòng Saint François ở Manille, và một cha dòng Saint Augustin ở Macao, đã đến Đàng Trong để giảng đạo, nhưng gặp khó khăn mọi mặt, nên họ lại phải trở về xứ của họ. Thượng đế đã sắp đặt mọi bề, đã dành vùng đất này cho những đứa con của đức thánh cha Ignace [người sáng tạo ra Dòng Tên]. Sự tình diễn ra như thế này:

Một vài nhà buôn Bồ cấp dưỡng cho các Cha Bề trên của Dòng [Tên] ở Macao, mong mỏi họ có thể truyền đạo ở Đàng Trong, với điều kiện gửi những người lao công [của Chuá][3] gan dạ và hết lòng hy sinh dìu dắt những tâm hồn đến với Đức Chúa Trời. Đặc biệt có một viên thuyền trưởng[4] đã hết sức thuyết phục Cha Giám Tỉnh[5] đừng bỏ lỡ một vương quốc có thể khuyến giáo theo đạo Chúa. Lời thỉnh cầu này rất hợp với thiên chức của chúng tôi và để khỏi trì hoãn quyết định, Ngài chọn ngay cha Francesco Buzome [Buzomi] mà Ngài đã mời giảng dậy Thần học ở Macao, cha Buzome gốc ở tỉnh Gêne [Ý] nhưng được giáo dục và nhập dòng Tên tại Naples.

Cha Buzomi đi Ấn Độ [thực ra là Đàng Trong, Borri viết lầm] cùng với cha Diego Caravaglio, người Bồ, rồi cha Caravaglio sẽ từ Đàng Trong tìm đường đi Nhật. Tại Nhật, cha bị ném vào ao nước lạnh mùa đông, dầm gió tuyết, và trút hơi thở cuối cùng trong nước giá băng, hiến cuộc đời cho tình yêu Chúa Cứu Thế"[6].

Tóm lại, trong trích đoạn trên đây, Borri nói đến ba nguyên nhân dẫn tới việc Macao gửi giáo sĩ đi truyền đạo:

1- Cha Tuyên úy của người Bồ, không có nhiệm vụ truyền giáo.

2- Những nhà buôn Bồ trợ cấp cho giáo xứ Macao, muốn các cha Bề Trên gửi giáo sĩ đi truyền đạo.

3- Một viên thuyền trưởng [Ferdinand de Costa], sứ thần Bồ Đào Nha đầu tiên tại Đàng Trong đã thuyết phục Cha Giám Tỉnh chiếu cố đến một vương quốc có thể truyền đạo được.

Cha Giám Tỉnh bèn phái linh mục Buzomi cầm đầu đoàn truyền giáo đi Đàng Trong.

Ba điểm này không hiên hệ gì đến lý do chínhsâu xa, [nhưng bất lợi cho Giáo hội] là việc đạo Chúa bị cấm ở Nhật Bản nên các giáo sĩ phải tìm đường sang Đại Việt.

 

Francesco Buzomi xây dựng nền móng đạo Chúa

Francesco Buzomi (1576-1639), người Ý, giáo sư Thần học ở Macao, đến Đàng Trong năm 1615, ở tuổi 39. Ông ở lại Đàng Trong tất cả 24 năm và là người đầu tiên xây dựng nền móng đạo Chúa ở Việt Nam. Cha Buzomi đi cùng với cha Caravaglio và thầy giảng Antonio Dias,

Linh mục Caravaglio ở lại Đàng Trong một năm rồi về Macao, để đi Nhật (ông tử đạo sau đó), chỉ còn lại cha Buzomi ở Đà Nẵng với thầy trợ giảng người Bồ Antonio Dias[7].

Cristoforo Borri mô tả những khó khăn trong bước đầu của cha Buzomi:

"Cha Caravaglio đi rồi, một mình Cha Buzome [Buzomi] ở lại Đàng Trong với một thày trợ giảng [Antonio Dias]. Sôi nổi ước muốn cứu rỗi các tâm hồn, ông tìm hết cách để tiếp xúc [với người bản xứ], và ông bắt đầu nhiệm vụ ở Touron [tức Cửa Hàn hay Đà Nẵng] chưa biết tiếng, không có thông ngôn, không tìm được ai biết tiếng Bồ, trừ vài lời để mua, bán, hay vài câu mà người thông ngôn của cha Tuyên uý trên tầu thường dùng để hỏi người Đàng Trong có muốn vào đạo Chúa không?"[8]

Borri đề cao đức độ và sự tận tâm của cha Buzomi:

"Không chỉ ở Touron, nơi cha cư ngụ thường xuyên, mà còn ở các nơi khác, ông đã gieo tiếng thơm của lòng nhân đạo và nhiệt tâm cho những tâm hồn [ngoại đạo]. Ông cố gắng giáo hóa họ, đưa họ vào đạo, làm lễ rửa tội cho họ, với bao sốt sắng và ông đã thành công, nên chỉ trong ít ngày, những người mới theo đạo này đã dựng một nhà thờ rất lớn ở Touron, để công khai cử hành Thánh Lễ, giảng đạo và dạy giáo lý qua những người thông ngôn có trình độ. Quả vậy, tất cả mọi người đều quá yêu thương cha Francesco Buzome, ngoài ra, cha là người hiểu biết rộng và đạo đức lớn, sự mềm mỏng và bặt thiệp của cha đã thu phục được nhiều tâm hồn ngoại đạo, tất cả đều theo cha. Điều đặc biệt đó xẩy ra ở Cacciam [Kẻ Chàm hay Dinh Chàm], là thành trì chúa ở, cách Touron [Đà Nẵng] sáu, bẩy dặm nếu đi thuyền trên sông"[9].

Hai câu trích dẫn trên đây có vẻ mâu thuẫn, ở trang 339, Borri viết: “không có thông ngôn, không tìm được ai biết tiếng Bồ”, nhưng trang 341, lại ghi: “dạy giáo lý qua những người thông ngôn có trình độ”.

Tuy nhiên, Borri không lầm, ông muốn nói: Lúc đầu, năm 1615, ba giáo sĩ người Âu đến Đàng Trong chưa có thông ngôn, nhưng ít lâu sau Macao gửi sang hai thầy giảng người Nhật, tên thánh là Joseph Paul. Năm 1616, lại gửi thêm hai người Nhật nữa là Joseph và Paulus Saito. (xem chương 2). Đó là những người thông ngôn giỏi, biết tiếng Bồ và chữ La tinh, họ viết lời giảng (giáo lý) sang chữ Hán (cũng là chữ nôm Nhật), rồi thông ngôn người Việt sẽ dịch sang tiếng Việt và đọc cho giáo dân nghe. Đây là sự cộng tác đầu tiên để giảng đạo và cũng là đầu mối của việc sáng tạo chữ quốc ngữ: giáo sĩ người Âu phải nhờ đến các thầy giảng Nhật-Việt mới có thể hiểu tiếng Việt để sáng tạo chữ quốc ngữ. Nhưng họ không ghi tên người Việt.

Nhưng trước khi đi xa hơn, chúng tôi xin nói về sự sai lầm quan trọng của dịch giả Bonifacy, trong chú thích số 92, trang 341[10]; ông viết:

"Ta thấy vị chúa này chính là quan Trấn thủ Quảng Nam, tức Thế tử Kỳ, con cả của Sãi Vương đang trị vì lúc đó. Chính Nguyễn Hoàng, năm 1602, đã phong cho Sãi Vương tương lai làm Trấn thủ Quảng Nam; Sãi Vương khi lên kế vị cha, năm 1613, lại phong cho con cả là thế tử Kì làm Trấn thủ Quảng Nam. Kì sẽ là nhân vật được nói đến trong Ký sự này, chết năm 1632, trước cha."[11]

Chúng tôi không thể đồng ý với câu "Ta thấy vị chúa này chính là quan Trấn thủ Quảng Nam" của Bonifacy. Bởi vì vị chúa ở đây là chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên và Trấn thủ Quảng Nam là Thế tử Kỳ, Borri không hề lẫn lộn chúa Sãi với thế tử Kỳ, ông đã phân biệt rõ hai người, từ đầu sách, qua câu: "Đàng Trong chia làm 5 dinh; dinh đầu, tiếp giáp với Đàng Ngoài, nơi chúa ở, gọi là Sinuua [Thuận Hoá]. Dinh thứ nhì là Cacciam [Cổ Chiêm tức Quảng Nam] do Thế tử con chúa cai trị"[12]. Và trong Phần II, đoạn viết về nhật thực, nguyệt thực (chương VII), Borri lại phân biệt một lần nữa hai cha con chúa Sãi và Thế tử Kỳ: con đúng, cha sai, vì các nhà chiêm tinh của cha đoán sai ngày nhật thực.

Bonifacy dịch cả cuốn Ký sự Đàng Trong từ tiếng Ý sang tiếng Pháp, mà lại cho rằng: người mà Borri gọi là chúa, trong sách, từ đầu đến cuối, không phải chúa Sãi mà là thế tử Kỳ! Điều này thực lạ lùng. Bởi vì câu: "Cacciam là thành trì chúa ở", chỉ có nghiã là chúa Sãi hay ra Quảng Nam, và mỗi lần ra, ông ở trong hành cung của ông tại Dinh Chàm.

Borri không nói gì đến Quảng Trị, đến Trà Bát là kinh đô chính thức ở Quảng Trị. Chứng tỏ các giáo sĩ không ra đến Quảng Trị, họ chỉ ở trong vùng Quảng Nam.

Sở dĩ Borri viết nhiều về chúa (le roi), về những hoạt động quân sự của chúa, vì chúa Sãi thường vào Quảng Nam tập trận, thao luyện thủy binh và mỗi lần đến đây, ông ở tại hành cung Quảng Nam, tức là Dinh Chàm.

Trong Chương 1, chúng tôi đã xác định Dinh Chàm hay dinh Quảng Nam gồm hai phần:

Phần hành cung, xây trước, ở xã Cần Húc, huyện Duy Xuyên[13], cung điện, nơi chúa ở khi đi kinh lý. Phần thành trì, xây sau, tại xã Thanh Chiêm thuộc huyện Diên Phước, vững chãi và bề thế, có tính cách quân sự, nơi quan Trấn thủ ở thường trực. Quan trấn thủ Quảng Nam từ 1613 đến 1632 là hoàng tử trưởng Nguyễn Phước Kỳ.

Borri còn cho biết thêm về địa thế Dinh Chàm: là thành trì chúa ở, cách Đà Nẵng sáu, bẩy dặm [khoảng 9, 10 cây số][14] nếu đi thuyền trên sông.

Nhưng Buzomi không thể dựng một nhà thờ rất lớn ở Đà Nẵng, nếu không có sự bao che giúp đỡ của vị ân nhân quyền quý: Bà Giovanna Minh Đức Vương Thái Phi, bà phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng.

 

Minh Đức Vương Thái Phi

Cristoforo Borri viết:

"Cha Buzome [Buzomi] đã tạo được ảnh hưởng lớn trong Triều đình này, khiến ông được một mảnh đất để dựng nhà thờ, dựng nhanh lắm, tất cả đều góp phần vào, người góp công, người góp của. Cha cũng được trưng dụng một nơi làm nhà ở, tốt, sạch, để giáo huấn dân tộc này niềm tin thánh Chúa. Tất cả những việc này sở dĩ làm được là nhờ sự giúp đỡ của một bà quý tộc, bà đã rửa tội và lấy tên thánh là Giovanna. Không những bà bỏ tiền ra xây nhà thờ và nhà ở cho cha, mà bà còn dựng nhiều bệ thờ và phòng nguyện ngay trong dinh cơ của bà[15]. Bà không ngừng tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban ánh sáng, gọi bà đến với niềm tin thánh thiện. Chúa thiêng liêng đã sắp đặt tất cả trong vòng chỉ có một năm, qua trung gian của người hầu chúa là cha Buzome."[16]

Borri còn viết rõ về vị trí Dinh Chàm (ngày nay không còn dấu vết): Cacciam [Dinh Chàm] là thành trì chúa ở, cách Touron [Đà Nẵng] sáu, bẩy dặm nếu đi thuyền trên sông".

Chữ Triều đình này (cette Cour) trong câu: "Cha Buzome đã tạo được ảnh hưởng lớn trong Triều đình này" là để chỉ Triều đình chúa Sãi họp tại hành cung Dinh Chàm.

Vì “tạo được ảnh hưởng lớn trong Triều”, nên cha Buzomi được cấp một mảnh đất để xây nhà thờ. Và bà quý tộc đã bỏ tiền ra dựng nhà thờ lớn đầu tiên ở Đà Nẵng, bà có tên thánh là Giovanna, xuất hiện trong sử sách như ân nhân đầu tiên của đạo Chúa.

Không những bà bỏ tiền xây nhà thờ mà bà còn dựng nhiều bệ thờ và phòng nguyện ngay trong dinh cơ của bà.

Vậy bà Giovanna là ai?

Sự tranh công của giáo đoàn Pháp với giáo đoàn Bồ, Ý, qua việc đặt tên thánh cho bà quý tộc, ân nhân đầu tiên của đạo Chúa ở Việt Nam, bắt đầu từ đây. Và việc này là nguồn cội sự trá mạo lịch sử truyền giáo, như ta sẽ thấy ở dưới.

Giovanna là tiếng Ý, tiếng Pháp là Jeanne. Vì cha Buzomi người Ý nên khi rửa tội năm 1615, đã đặt tên thánh tiếng Ý cho bà. Việc bà được cha Buzomi rửa tội năm 1615, được xác định bằng câu: “Tất cả những việc này sở dĩ làm được là nhờ sự giúp đỡ của một bà quý tộc, bà đã rửa tội và lấy tên thánh là Giovanna.” Tức là sau khi rửa tội bà mới bắt tay vào việc giúp đỡ, xây dựng nhà thờ, v.v.

Alexandre Rhodes (đến Đàng Trong cuối năm 1624), lại đổi tên thánh của bà thành Marie-Madeleine (tiếng Pháp). Ông không giữ tên tiếng Ý cũng không dịch sang tiếng Pháp là Jeanne.

Ba thế kỷ sau, năm 1939, linh mục Pháp Léopold Cadière, chủ bút tập san Bulletin des Amis du Vieux Huế (BAVH) tức Đô Thành Hiếu Cổ, trong bài Une Princesse chrétienne à la Cour des Premiers Nguyễn: Madame Marie (Một vị Công nương theo đạo trong triều Nguyễn đầu tiên: Bà Marie)[17], đã chép lại tên bà, do Alexandre de Rhodes ghi trong sách Du hành và truyền giáo; nhưng bỏ chữ Madeleine đi, chỉ giữ chữ Marie. Tuy nhiên ai biết tiếng Pháp đều hiểu: Marie và Marie-Madeleine, là hai tên khác nhau. Phải chăng vì Cadière thấy de Rhodes “dịch” Giovanna thành Marie-Madeleine sai quá, nên đã viết ngắn thành Marie cho gọn, ít gây chú ý; nhưng vẫn chiếm được công “rửa tội cho bà quý tộc” về người Pháp.

Vậy việc Cadière không dùng những chi tiết của Cristoforo Borri in trong Ký sự Đàng Trong (1631) mà dùng những chi tiết của Alexandre de Rhodes ghi trong Du hành và truyền giáo (1652), là có chủ ý, chứ không phải vì ông không đọc cuốn sách của Borri. Chúng ta còn nhớ trong bài Tựa, giới thiệu bản dịch tiếng Pháp Ký sự Đàng Trong của Bonifacy, năm 1931, Cadière viết:

“Cristoforo Borri là người đầu tiên mô tả xứ Annam, với những sản phẩm, con người, chính thể, tín ngưỡng, phong tục. Ông đã mô tả rất đúng. Dù chỉ sống có 5 năm trong vùng Đà Nẵng và Quy Nhơn; nhưng đã đủ cho ông thấy một cách chính xác và gần như toàn diện.” (Xem chương 3, Borri, phần 1).

Chi tiết nhỏ nhoi này chứng tỏ sự tranh công mãnh liệt giữa các giáo sĩ Pháp và Bồ, Ý, trong lòng giáo hội, rất sâu xa và lâu dài. Đến nỗi Cadière đã phải di chuyển một sự kiện có tính cách lịch sử là việc cha Buzomi làm lễ rửa tội cho bà Minh Đức Vương Thái Phi năm 1615, thành ra bà được de Pina và de Rhodes rửa tội năm 1625, tức là 10 năm sau! Chúng tôi sẽ nói rõ hơn ở dưới.

Nhưng việc Cadière xác định được vị ân nhân này là Minh Đức Vương Thái Phi, phi tần của chúa Tiên Nguyễn Hoàng,là độc đáo, cần nêu lên trước:

Sở dĩ Cadière tìm được bà là ai, là nhờ lời các giáo sĩ bấy giờ, viết trong ký sự của họ, gọi bà là mẹ của chú chúa (la mère de l'oncle du roi) hoặc dì của chúa (la tante du roi). Mà chúa lúc đó là chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648) và chú của chúa, chính là ông hoàng Nguyễn Phước Khê, quyền uy rất lớn lúc bấy giờ. Một mặt khác, bản Gia phả nhà Nguyễn trước Gia Long của Tôn Thất Hân, cho biết:

"Khê [tức Nguyễn Phước Khê hay Tôn Thất Khê] - con thứ mười [của Nguyễn Hoàng], mẹ là hoàng hậu Minh Đức Vương Thái Phi"[18].

Nhờ vậy, linh mục Cadière đã xác định được tên vị ân nhân đầu tiên của đạo Chúa là bà Minh Đức Vương Thái Phi.

Nhưng công của Cadière dừng lại ở đấy. Vì để đề cao vai trò của Alexandre de Rhodes (tới Đàng Trong tháng 12-1624), Cadière đã “quên hẳn” công lao của những người Bồ, Ý tiên phong, đến Đàng Trong trước de Rhodes nhiều năm (từ 1615), và họ đã xây dựng nền móng đạo Chúa và chữ quốc ngữ:

1615: Francesco Buzomi (Ý), đến và ở lại Đàng Trong từ 1615 đến 1639, là cha Bề Trên đầu tiên, có công xây dựng nền móng đạo Chúa ở Đàng Trong.

Thầy giảng Antoine Diaz (Bồ), sống ở Đàng Trong từ 1615 đến 1639, cộng sự viên đắc lực của Buzomi, và là người có công trong việc thành lập chữ quốc ngữ.

Cha Diego Carvalho (Bồ), đến Đàng Trong cùng với Buzomi và Diaz, ở lại một năm xây dựng đạo Chúa. Năm 1616, ông trở về Nhật truyền đạo và tử đạo ngày 22-2-1624, tại Nhật.

Hai giáo sĩ Nhật Joseph Paul, đến Đàng Trong năm 1615, ở đến 1639, đã giúp các giáo sĩ trong việc giảng đạo.

1616: Macao gửi thêm hai thầy giảng Nhật: Joseph, ở tới 1639 và Paulus Saito, ở tới 1627. Tháng 5-1630, Saito được cử đi Đàng Ngoài cùng với Gaspar d'Amaral. Saito tử đạo ở Nhật năm 1633. Hai thầy giảng này có trình độ cao và chắc chắn đã góp phần không nhỏ trong việc sáng tạo ra chữ quốc ngữ cùng với de Pina, Borri và các thầy giảng Nhật, học giả Việt.

1617: Francesco de Pina (Bồ) đến Đà Nẵng năm 1617, người đầu tiên biết nói tiếng Việt, và cũng là người đầu tiên nghiên cứu sâu sắc và góp phần sáng tạo ra chữ quốc ngữ. De Pina chết đuối ngày 15-12-1625 tại vịnh Đà Nẵng.

1618: Cristoforo Borri (Ý) đến Đàng Trong năm 1618, cùng với Pedro Marques. Borri hợp tác với de Pina, và các giáo sĩ Nhật Việt, trong việc sáng lập chữ quốc ngữ và đã ghi lại 70 chữ quốc ngữ đầu tiên, trong sách Ký sự Đàng Trong.

Pedro Marques hay Marquez, sinh tại Nhật, cha Bồ, mẹ Nhật, đến Đàng Trong năm 1618 cùng với Borri. Pedro Marques hướng dẫn các “phái đoàn” đi, về Đàng Trong nhiều lần, từ 1618 đến 1670. Ông xây dựng cơ sở đạo chúa ở Hội An, từ 1618 với người Nhật và ông là cha Bề trên ở Hội An, từ 1620.

Tháng 12 năm 1624, Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong lần đầu cùng với phái đoàn tháp tùng linh mục Gabriel de Mattos đi kinh lý Đàng Trong, phái đoàn này cũng do Pedro Marques hướng dẫn.

Trên đây, chúng tôi tóm lược hành trình của những giáo sĩ Dòng Tên, người Âu và người Nhật đến Đàng Trong trước Alexandre de Rhodes khoảng tám, chín năm và họ đã thành lập nền móng đạo Chúa, theo những sự kiện được ghi trong Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri và một vài ký sự khác.

Sự trá mạo lịch sử truyền giáo của linh mục Leopold Cadière

Linh muc Léopold Cadière, trong bài Une Princesse chrétienne à la Cour des Premiers Nguyễn: Madame Marie (Một vị Công nương theo đạo trong triều Nguyễn đầu tiên: Bà Marie), viết về Minh Đức Vương Thái Phi, không hề nhắc đến Ký sự Đàng Trong của Borri, mặc dù sách này viết trước Du hành và truyền giáo của de Rhodes khoảng 20 năm, trong đó Borri kể lại vai trò tiên phong của Buzomi (đến Đàng Trong năm 1615, trước de Rhodes 9 năm), đã tạo được ảnh hưởng với Triều đình (tại Dinh Chàm), nên được cấp đất và bà Minh Đức Vương Thái Phi bỏ tiền ra dựng nhà thờ đầu tiên ở Đà Nẵng, khoảng 1615-1616, như ta đã thấy ở trên.

Linh mục Cadière, trong bài viết của ông, đã tạo ra một thoại khác. Ông dựa vào cuốn Du hành và truyền giáo và lời của Alexandre de Rhodes:

"Đàng Trong chia làm sáu dinh (provinces) mỗi dinh có một quan trấn thủ và một thẩm quyền công lý riêng; nơi chúa ở gọi là Kehue (Kẻ Huế), triều đình của chúa rất đẹp[19], nhiều quan lớn, y phục sang trọng, nhưng dinh thự của họ không tráng lệ vì làm bằng gỗ, đủ tiện nghi và khá đẹp, nhờ những cột đẽo gọt tuyệt kỹ"[20].

Khi Alexandre de Rhodes đến Đàng Trong lần đầu, tháng 12 năm 1624, chưa có Huế. Lúc đó, chúa Sãi vẫn còn đóng đô ở Trà Bát, Quảng Trị[21]. Vậy "nơi chúa ở", khi de Rhodes đến, cuối năm 1624, chỉ có thể là kinh đô, ở Trà Bát, Quảng Trị hoặc hành dinh Quảng Nam, nơi chúa ở, khi đi kinh lý. Cho đến khi de Rhodes bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Đàng Trong, năm 1645, vẫn chưa có kinh thành Huế. Mãi đến năm 1687, chúa Ngãi Nguyễn Phước Trăn (1687-1691) lên ngôi; mới dời đô [gọi là phủ] về làng Phú Xuân, đặt là Chính dinh, tức Huế bây giờ. (Huế là Hóa, từ chữ Thuận Hoá).

Vậy câu nơi chúa ở gọi là Kehue (Kẻ Huế), chép ở sách nào? Hay người sau sửa lại? Tiếp theo, de Rhodes viết:

"Tôi ở với cha François de Pina khả kính tại Quảng Nam, nơi có nhiều người mê muội thần thánh đã nhận lễ rửa tội. Từ đó chúng tôi tới triều đình, khi đi qua chúng tôi ở một thời gian tại dinh Hoâ, nơi mà một trong những bà lớn của vương quốc, có họ gần với chúa, đã từng mê muội thần thánh, nghe cha Pina giảng đạo, nhờ Thánh-Thần soi sáng, bỏ mọi lầm lẫn, nhận lễ rửa tội, được gọi là Marie-Madeleine, bà là chỗ tựa cho tất cả họ đạo mới này. Tấm gương và uy tín của bà đã giúp rất nhiều cho việc cải đạo những kẻ dị giáo, và bảo tồn lòng sùng đạo ở những kẻ đã được rửa tội.

Tôi được thấy bà trong suốt thời gian tôi ở xứ này, và tôi tin rằng bà vẫn bền chí trong hai mươi tám năm thực hành đạo đức thiên chúa; bà có trong cung một nhà nguyện rất đẹp, mà bà giữ vững được trong các cuộc đàn áp dữ dội nhất, ngày nào bà cũng cầu nguyện và đón giáo dân cả vùng."[22]

Đoạn văn trên, chứng tỏ câu chuyện Marie-Madeleine của de Rhodes chính là câu chuyện Giovanna của Borri, với tên thánh khác, và người rửa tội là cha Buzomi được thay bằng cha de Pina. Có thể vì de Rhodes chỉ được nghe kể lại câu chuyện này, mười năm sau, nên ông viết sai.

Borri viết Ký sự Đàng Trong khoảng 1620-1622, hẳn đã được nghe chính cha Buzomi kể lại chuyện này trong thời gian hai người ở chung tại Quy Nhơn (1619-1622).

Câu chuyện của de Rhodes, vì vậy, có ba điểm không ăn khớp:

1- De Rhodes đến Đà Nẵng lần đầu, tháng 12-1624, lúc đó chưa có Huế, như đã nói ở trên.

2- Trong câu: "Tôi ở với cha François de Pina khả kính tại Quảng Nam,[...] Từ đó chúng tôi tới triều đình [la cour] và khi đi qua chúng tôi ở một thời gian tại dinh Hoâ, nơi mà một trong những bà lớn của vương quốc, có họ gần với chúa... nhận lễ rửa tội, được gọi là Marie-Madeleine".

Câu này có hai chữ không ổn: la cour dinh Hoâ.

-Chữ la cour có ba nghiã: cái sân, pháp đìnhtriều đình. Hai nghiã đầu không thích hợp ở đây, chỉ còn nghiã thứ ba là triều đình.

Linh mục Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên[23], tìm cách chế biến, ông dịch la courphủ, và ông viết: "từ đó chúng tôi vào trong phủ, và khi đi qua chúng tôi ở lại ít bữa ở Huế"[24] ; làm cho người đọc tưởng hai giáo sĩ de Pina và de Rhodes đến phủ chúa, và họ ở lại Huế "ít bữa"... Như vậy, khỏi phải nói đến triều đình và cũng không cần biết phủ chúa ở đâu, tránh được những mâu thuẫn trong câu văn của de Rhodes. Đó cũng là cách dịch của Hồng Nhuệ: khi cần, có thể sửa hoặc bỏ hẳn những chữ, những đoạn, viết sai của tác giả; tuy nhiên vẫn còn sai, vì chữ Huế (thời kỳ ấy chưa có kinh đô Huế). Mà theo nghiã câu văn của de Rhodes đã trích dẫn ở trên, thì từ Quảng Nam, de Rhodes đi với de Pina tới "triều đình" (không nói rõ ở đâu) nhưng "khi đi qua" [đâu?] hai ông dừng lại một thời gian ở dinh Hoâ (province de Hoâ).

- Chữ dinh Hoâ, nguyên văn tiếng Pháp của de Rhodes là province de Hoâ (chữ province này de Rhodes dịch từ chữ dinh vì lúc đó chưa có tỉnh), tại đây ông gặp một trong những bà lớn, có họ gần với chúa. Vậy dinh Hoâ ở đâu? Có phải là Huế chăng? (lúc đó chưa có Huế). Thuận Hóa chăng? Thuận Hoá rộng lắm, bà lớn ở nơi nào trên đất Thuận Hoá? Vì de Rhodes không biết chúa Sãi đóng đô ở Trà Bát, Quảng Trị, cho nên ông viết bừa là [Thuận] Hóa (nhưng ông dùng chữ Huế là tiếng nôm của Hóa). Đó là sai lầm thứ hai.

3- Ở đoạn tiếp theo, ông viết: "Tôi được thấy bà trong suốt thời gian tôi ở xứ này". Nếu bà lớn ở Trà Bát, Quảng Trị và ông ở Quảng Nam, mà ông thấy bà trong suốt thời gian ông ở đây, thì rất lạ. Ta lại biết: de Rhodes và de Fontes là hai giáo sĩ khi đến Đà Nẵng được ở trong Dinh Chàm, học tiếng Việt với cha de Pina. Vậy de Rhodes chỉ có thể gặp bà lớn trong Dinh Chàm. Điều này phù hợp với việc bà Minh Đức xây dựng nhà thờ Đà Nẵng, ăn khớp với những gì Borri viết trong Ký sự Đàng Trong, đã được trích dẫn ở trên. Đó là sai lầm thứ ba.

Alexandre De Rhodes thường viết bừa bãi như thế, vì ông không biết triều đình chính thức của chúa Sãi ở đâu và cũng không rõ một số địa danh ở nước ta.

Một giáo sĩ như de Rhodes viết sai cũng không có gì đáng trách.

Đáng trách là vị linh mục học giả Cadière, ba trăm năm sau, đã dành nhiều trang để biện hộ cho sự viết sai này. Và còn tạo ra một thoại khác để đánh lừa độc giả.

Trước hết, Cadière viết chữ Pháp, không thể tránh được chữ la cour. Cho nên ông giải thích câu: "Từ đó chúng tôi tới triều đình, và khi đi qua chúng tôi ở một thời gian tại dinh Hoâ" bằng câu chuyện sau đây[25]:

Để tới triều đình, de Pina và de Rhodes phải ra Trà Bát ở Quảng Trị, cho nên Cadière "hình dung" một cuộc truyền giáo của hai giáo sĩ từ Quảng Nam ra Quảng Trị, như sau:

De Pina phải đợi tới giữa năm 1625, khi de Rhodes đã học thạo tiếng Việt, mới cùng nhau đi, và trên đường, họ phải đi qua Huế, tuy lúc đó chưa chính thức là Huế, nhưng theo Cadière, de Rhodes dùng chữ không đúng khi gọi Huế là Châu Hóa, và dịch là pronvince de Hoâ. Rồi ông lập luận tiếp: việc chúa Sãi dời đô tháng 4-1626, đã được trù liệu hàng năm trước, vì vậy bà Marie đã đến ở Phước Yên trước khi chúa rời đô, và chắc bà ở trong khu bình dân, thợ thuyền, lính tráng, buôn bán và quan chức nhỏ, tại Phước Yên, khu này được de Pina và de Rhodes để ý và đến truyền giáo, cho nên bà, được nghe cha Pina giảng đạo, nhờ Thánh-Thần soi sáng, bỏ mọi lầm lẫn, nhận lễ rửa tội, được gọi là Marie-Madeleine.[26]

Đúng là lập luận kiểu đẽo chân cho vừa giầy.

Vì Cadière muốn đề cao việc de Rhodes cùng với de Pina rửa tội cho Minh Đức Vương thái phi, nên học giả mới phải vất vả như thế.

Tiếc rằng de Rhodes không hề nói như vậy và cũng không thấy giáo sĩ nào ghi lại câu chuyện hấp dẫn hai giáo sĩ de Pina và de Rhodes cùng nhau đi giảng đạo và rửa tội cho bà Minh Đức, mà trên thực tế, rất khó xẩy ra: de Rhodes chỉ gặp de Pina đúng một năm (ông đến Đà Nẵng tháng 12-1624, de Pina chết đuối tháng 12-1625). Trong 12 tháng đó, de Rhodes phải học tiếng Việt trong sáu tháng, và de Pina là cha Bề trên ở Quảng Nam, phải điều hành cơ sở đạo Chúa ở Dinh Chàm; liệu ông có thể bỏ cơ sở để đi giảng đạo rong, ngoài giáo phận của mình với de Rhodes trong mấy tháng được chăng, với mục đích gì?

Tại sao học giả Léopold Cadière phải biạ ra câu chuyện này? Và di chuyển việc rửa tội cho bà Minh Đức từ năm 1615 đến năm 1625?

Bởi vì, đối với thực dân Pháp, việc đưa Alexandre de Rhodes vào vai trò tiên phong trong việc truyền giáo và thành lập chữ quốc ngữ là một sứ mệnh; cho nên Cadière đã phải sửa năm, để de Rhodes được tham dự vào việc rửa tội cho bà Minh Đức và gạt công lao của các giáo sĩ Ý, Bồ, Nhật, Việt trong 9 năm (họ đã xây dựng ba cơ sở đầu tiên của đạo Chúa ở Đàng Trong, là Hội An, Quy NhơnQuảng Nam, trước khi de Rhodes đến).

Việc “cướp công” này, cũng như việc tôn vinh de Rhodes là người sáng tạo ra chữ quốc ngữ, nằm trong “chiến thuật” của thực dân, lấy việc giáo hóa dân tộc Việt Nam làm chính nghiã, và linh mục Cadière là người được chỉ định để hướng dẫn chương trình.

Bởi vì ông là vị linh mục học giả, chủ bút tập san Đô thành Hiếu cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế), nên ông đã quy tụ những cây bút thực dân, với nhiệm vụ "sáng tạo" ra một lịch sử "khai hoá" dân tộc Annam bằng Phúc Âm và quốc ngữ, do người Pháp chủ trì.

Việc Cadière và Maybon sáng tạo ra “lịch sử chứng minh vua Gia Long phải nhờ đến người Pháp mới thống nhất được đất nước”, chúng tôi đã có dịp phản bác trong cuốn Vua Gia Long và người Pháp.

Trong chuyên luận này, chúng tôi chỉ muốn tìm lại lịch sử đích thực về việc truyền giáo và thành lập chữ quốc ngữ như đã xẩy ra, không thông qua ngòi bút thực dân.

Câu chuyện de Pina và de Rhodes rửa tội cho bà Marie, cũng như de Rhodes là người đầu tiên sáng tạo ra chữ quốc ngữ, được truyền tụng đến ngày nay.

Những gì Cadière viết về de Rhodes và Minh đức Vương Thái Phi, được người sau chép lại và thổi phồng thêm, đặc biệt Phạm Đình Khiêm trong cuốn Minh Đức Vương Thái Phi, (Nxb Tinh Việt, Sài Gòn, 1957) đã độc tôn hoá vai trò của de Rhodes, xoá hẳn công lao của các giáo sĩ Bồ, Ý, đã thành lập những cơ sở đầu tiên của đạo Chúa ở Đàng Trong, với sự bảo trợ của Minh Đức Vương Thái Phi, từ năm 1615, khi cha Buzomi mới đến Việt Nam.

Công nghiệp của Minh Đức Vương Thái Phi

Đức bà Giovanna, tức Minh Đức Vương thái phi, là bà Phi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng và là mẹ hoàng tôn Nguyễn Phước Khê (em chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên, chú chúa Thượng Nguyễn Phước Lan). Borri cho biết bà luôn luôn ở Quảng Nam. Vậy bà ở trong phần hành cung do chúa Tiên Nguyễn Hoàng xây dựng trong Dinh Chàm, khoảng 1600-1602.

Với quyền uy của mẹ ông hoàng Khê, em út chúa Sãi, bà đã làm những việc mà người khác không thể làm được: cho dựng hai nhà thờ, nhà thờ lớn ở Đà Nẵng và nhà thờ nhỏ trong Dinh Chàm.

Xin nhắc lại một lần nữa đoạn viết quan trọng của Borri về việc này:

"Không những bà bỏ tiền ra xây nhà thờ và nhà ở cho cha, mà bà còn dựng nhiều bệ thờ và phòng nguyện ngay trong dinh cơ của bà. Bà không ngừng tạ ơn Đức Chúa Trời đã ban ánh sáng, gọi bà đến với niềm tin thánh thiện. Chúa thiêng liêng đã sắp đặt tất cả trong vòng chỉ có một năm, qua trung gian của người hầu chúa là cha Buzomi".

Tổng Trấn Tường quận công Nguyễn Phước Khê, con bà, là ai? Xin vắn tắt vài hàng: Ông là đệ nhất công thần giữ vững nền móng nhà Nguyễn sau khi chúa Sãi qua đời. Là con thứ mười của chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Là người đảm lược, được chúa Sãi giao nhiệm vụ tổ chức lại nền hành chánh trong nước. Khi chúa Sãi mất, gọi em là Phước Khê và con là Phước Lan đến bên giường, chúa muốn trao quyền cho em, nhưng Phước Khê không nhận, nguyện một lòng trung thành làm bề tôi, giúp cháu dựng nghiệp. Ông đã giữ lời hứa, dẹp tan cuộc nội loạn, lật đổ triều đình do Phước Anh, em Phước Lan, gây ra[27]. Trong 40 năm tại chức, ông là cột trụ của hai triều: Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên và chúa Thượng Nguyễn Phước Lan. Ông mất năm 1646, 58 tuổi. Sau này, vua Minh Mạng thăng tước vương cho ông.

Vì Minh Đức Vương Thái Phi là mẹ của Tổng Trấn Tường Quận Công Nguyễn Phước Khê, nên trong tất cả các vụ nổi lên chống đạo, kể cả vụ bạo động đầu tiên năm 1618, đốt nhà thờ Đà Nẵng, không ai dám vào Dinh Chàm để phá nhà nguyện của bà, trừ khi chính con bà, Tổng Trấn Tường Quận Công ra lệnh phá nhà nguyện của mẹ để làm gương, năm 1643.

Cadière vì không đọc kỹ Borri, nên đặt câu hỏi: nhà thờ trong cung của bà lớn hay nhỏ? Vì có chỗ ghi oratoire tức là nhà nguyện, có nơi lại ghi église là nhà thờ lớn.

Thưa học giả, bà có cả hai: khi người ta nói nhà thờ lớn (église) là muốn chỉ nhà thờ Đà Nẵng, dựng năm 1615 hay 1616, đã bị đốt cháy năm 1618. Và khi nói nhà nguyện, là để chỉ nhà thờ nhỏ (chapelle) trong cung của bà, đến năm 1643, bị chính con bà, ông hoàng Khê phá hủy, vì lý do quốc sự.

Bà đã che chở và giúp đỡ cha Buzomi dựng nền móng đạo Chúa ở Đàng Trong từ những ngày đầu. Nhờ sự trợ giúp của bà, đạo Chúa mới có nhà thờ lớn Đà Nẵng trong thời điểm 1615-1616, khiến lời đồn về tới Macao, nên de Pina được gửi đến Đàng Trong cùng với một thầy giảng người Nhật để tăng cường phát triển. Borri viết tiếp:

"Tiếng đồn vang đến Macao, Cha Giám Tỉnh thấy cần phải gửi ngay một linh mục trẻ, và một thày trợ giảng, người Nhật, cùng đến, để sau khi học tiếng Việt, có thể giảng đạo không cần thông ngôn. Linh mục trẻ này là cha Francesco de Pina, người Ý, [Borri viết lầm, thục ra de Pina người Bồ] đã từng học Thần học với cha Buzome. Tuy năm thứ hai này không gặt hái được kết quả dồi dào bằng năm thứ nhất trong việc thu phục con chiên, nhưng kết quả cũng không nhỏ, bởi vì kẻ thù- không thể chấp nhận việc hạt giống Thánh nẩy mầm với bao hạnh phúc ở xứ này- nên đã cố gắng vùi dập, gây ra một cuộc đàn áp rất lớn, gieo rắc mối bất hoà, như sẽ nói ở chương sau"[28].

Francesco de Pina sinh năm 1585, tại Guarda, Bồ Đào Nha. Khi đến Cửa Hàn năm 1617, ông 32 tuổi. De Pina giỏi tiếng Nhật, là yếu tố quan trọng khiến Bề Trên chỉ định ông sang Đàng Trong cùng với một thầy giảng người Nhật, cấp tốc học tiếng Việt để giảng đạo thẳng bằng tiếng Việt. Việc gửi thầy giảng Nhật đi cùng với các giáo sĩ người Âu, từ đây, sẽ trở thành thông lệ của Macao. Và các giáo sĩ Nhật sẽ giữ vai trò quan trọng trong việc xây dựng đạo Chúa và thành lập chữ quốc ngữ ở Việt Nam.

Cuộc đàn áp đầu tiên

Trong chương II của Phần II Ký sự Đàng Trong, Borri mô tả cuộc đụng độ đầu tiên xẩy ra ở Đàng Trong, giữa các giáo sĩ và người ngoại đạo. Ông viết theo lời kể lại, vì lúc đó ông chưa đến Đàng Trong. Đoạn chúng tôi trích dẫn dưới đây, Borri viết về nguyên nhân cuộc khủng hoảng giữa đời và đạo như sau:

"Sự đán áp các cha bắt đầu bằng một tai nạn tức cười, nhìn qua chẳng có gì quan trọng cả, tuy cũng tốn nhiều nước mắt. Năm đó, hạn hán lớn trên khắp vương quốc, vì không có mưa thu, rất cần cho việc gieo mạ và nâng đỡ đời sống, như đã nói ở phần thứ I.

Những thầy tu, được gọi là onsaij [ông sãi], tổ chức cuộc họp bí mật rất lớn để tìm xem lý do gì đã khiến thánh thần nổi giận đến nỗi để cho người ta chết đói đầy đường mà không đoái hoài thương tiếc. Kết luận theo ý kiến của tất cả mọi người, không có gì xúc phạm đến thánh thần, bằng việc cho phép người ngoại quốc vào truyền bá tự do một cái đạo hoàn toàn trái ngược với đạo lý thánh hiền, vì thế các vị mới trừng phạt không cho mưa trên toàn xứ.[29]

Chữ onsaij [ông sãi], lần đầu tiên xuất hiện dưới dạng quốc ngữ còn viết dính liền. Và cũng là lần đầu tiên các nhà sư, được nhận diện như "thủ phạm" việc "cấm đạo", bằng cách tổ chức cuộc họp bí mật rất lớn, để điều tra lý do nào đã khiến "thần thánh" nổi giận, làm hạn hán.

Và kết quả cuộc "điều tra" này cho biết: vì đã cho người ngoại quốc truyền bá một cái đạo hoàn toàn trái ngược với đạo lý thánh hiền.

Bản cáo trạng trên có mấy điểm đáng chú ý:

- Việc đổ tội cho người ngoại quốc, là một thói lệ, có thể xẩy ra ở mọi nơi, bất cứ lúc nào, kể cả ngày nay, ở Pháp, nếu có một vụ ám sát khủng bố nhân danh Allãh, là cộng đồng Ả Rập tức khắc bị nhắm trong ống kính. Nếu có khó khăn kinh tế, là cộng đồng di dân da màu bị coi là thủ phạm ăn bám, cần phải loại trừ.

- Nhóm người cầm đầu việc vạch mặt chỉ tên để tố giác, luôn luôn là những phần tử cực đoan, kỳ thị, chỉ chờ sẵn cơ hội để đổ vạ và đuổi người ngoại quốc ra khỏi xứ. Ở Âu châu là những đảng cực hữu, nazi.

- Nhóm người này, không thể là các linh mục hay các nhà sư, bởi vì họ là những người tu hành, không tham gia chính trị.

- Sự chỉ định các onsaij "tổ chức hội họp bí mật" để buộc tội các giáo sĩ đã xúc phạm đến thánh thần, có phần khiên cưỡng, là sản phẩm của người Âu, vì người Việt ai cũng biết, các nhà sư (tu đạo Phật) không tin vào thần thánh. Thần thánh làm một niềm tin khác, sẽ nói đến sau.

- Nhưng chữ onsaij ở đây có giá trị ngữ học, là một trong những chữ quốc ngữ đầu tiên, viết theo kiểu Ý của Borri; còn João Roiz, người Bồ viết là unsai, kiểu Bồ. Vậy trong chữ quốc ngữ, ta cũng có thể tìm thấy nguồn gốc của người tạo dựng.

Borri không dừng lại ở những sai lầm đầu tiên này về onsaij, mà còn tiếp tục đi từ sai lầm này đến sai lầm khác, ông viết:

"Sự dốt nát của họ [onsaij] thể hiện trong lý do chắc nịch này, họ bèn đến gặp chúa và khẩn khoản cầu chúa đuổi ngay những kẻ đang giảng cái đạo mới trên vương quốc, vì đó là phương tiện duy nhất làm dịu cơn giận của thần thánh. Vị chúa uyên bác, cười trước những đề nghị này, biết đó là sự hão huyền của bọn thầy tu, nên ông chẳng để ý, nhất là ông lại rất kính trọng các linh mục và quý mến người Bồ Đào Nha. Nhưng lòng tốt của chúa cũng không làm chúng tôi tránh khỏi cơn điên dại của bọn tay sai quỷ, chúng kích động quần chúng kêu xin chúa đuổi những người truyền giảng Phúc âm ra khỏi vương quốc. Chúa không thể cưỡng lại vì sợ có loạn, bèn gọi các cha lại, và thành tâm nói với họ rằng ông biết rõ sự điên khùng của quần chúng, sự ngu muội của đám thầy tu, nhưng nếu ông chống lại bọn dân đen đã quyết chí là bất cẩn, bởi việc này liên quan đến sự xoa dịu nỗi khốn khổ chung cho mọi người, vậy các ông phải đi, rời đất nước này càng sớm càng tốt"[30].

Để tố giác onsaij, Borri chuyển dần sang những xác định vô căn cứ: mô tả các ông sãi "xuống đường", vào cung "chất vấn" chúa, đòi "quyền lợi" và đòi "đuổi các giáo sĩ ra khỏi xứ". Câu chuyện hấp dẫn, nhưng khó tin, bởi vì đạo Phật chủ trương bất bạo động, không tham gia vào đời sống thế tục, nên các nhà sư khó có thể trở thành "bọn tay sai quỷ, kích động quần chúng kêu xin chúa đuổi những người truyền giảng Phúc âm ra khỏi vương quốc".

Lý do bị đuổi nằm trong câu chữ của Borri: bởi vì người ngoại quốc vào truyền bá tự do một cái đạo hoàn toàn trái ngược với đạo lý thánh hiền.

Hoàn toàn trái ngược với đạo thành hiền là gì?

- cấm con chiên thờ cúng tổ tiênloại trừ tam giáo: Khổng, Lão, Phật (những vấn đề nảy sẽ nói đến sau). Đó mới là lý do đích thực.

Nỗi bất hạnh của các linh mục lên đến cực điểm:

"Các Cha nghe mà rơi nước mắt, thấy mình phải rời bỏ họ đạo như cây non mới trồng; tuy vậy, tuân theo ý nguyện của Đấng Thiêng liêng, họ cũng sửa soạn để lên tầu, làm theo lệnh chúa, nhưng không thể ra khỏi được bến cảng, vì gió thổi ngược, thứ gió này đã thổi từ ba bốn tháng nay, người Bồ gọi là mousson, tức gió mùa. Người Đàng Trong thấy thế, nhưng không cho họ trở lại thành phố, mà bắt họ ở lại trên bãi biển, mà không cứu trợ, để họ dầm dãi dưới cái nóng thiêu đốt của vùng này. Nhưng họ cũng được an ủi vì những con chiên mới nhập đạo không bỏ rơi thầy, đã đi theo, hết lòng chăm non săn sóc, cùng đi với họ trên đường hoạn nạn. Cha Buzome lại có dịp thể hiện đức độ của mình, nhưng những gian khổ của cuộc đời luôn căng thẳng, sau vài ngày, tụ lên thành một mụn nhọt ở ngực, máu mủ trào ra, làm ông đau đớn lắm".[31]

Tới đây, Borri đưa ra một nhân vật tồi tệ khác, cũng gọi là onsaij:

"Kẻ thù tàn bạo, chưa hài lòng với việc đầy đọa các nhà truyền Phúc âm đến độ khốn cùng này, lại một lần nữa, quyết tâm làm mất tín nhiệm vào giáo lý của đạo Chúa, bằng cách dùng một onsaij, sống cô độc, vì thế nổi tiếng là thánh. Kẻ này, một hôm ra khỏi cốc, rêu rao là có phép làm mưa bằng cách cầu đảo. Tức thì sau đó, được nhiều người hộ tống ông ta lên đỉnh núi, kêu gọi ma quỷ, thề thốt và dậm chân xuống đất ba lần. Chỉ trong chốc lát, mây phủ đầy trời, và một cơn mưa rào dội xuống đất. Cơn mưa không đủ nước cần thiết, nhưng cũng đủ đem lại tín nhiệm cho kẻ tay sai của quỷ, khinh bỉ niềm tin thần thánh của chúng ta, khiến tất cả mọi người đều nói chưa hề thấy các ông cha ngoại quốc xin được điều gì ở Thượng Đế mà họ phụng thờ. Điều đó khiến những người đã từng làm cho các cha phải khốn khổ, lại càng tức giận thêm"[32].

Borri đã lầm nhà sư với thầy phù thuỷ (Pháp gọi là sorcier) tại Âu châu, thời điểm ấy, bị lên giàn hỏa thiêu. Thầy phù thủy với những bùa phép mê tín dị đoan, ở ta, bị cấm, vua Gia Long có nói với cha Bá Đa Lộc về việc cấm đoán này. Borri còn dùng những "tin đồn" để tô điểm cho câu chuyện "ma muội" thêm, pha trộn sex và phép lạ:

"Tin đồn ông ongsaij cầu được mưa đến tai chúa, chúa cho gọi ngay y đến chầu và cho ở trong cung điện. Nhưng y lại quyến rũ, một trong những cung phi của vua, khá dễ dàng. Việc bại lộ, ở Đàng Trong đó là một tội nặng đáng chết, vì không ai được động đến một cung phi đã gần chúa dù chỉ một lần, nhưng nhân vật này được coi như thiêng liêng nên chúa miễn cho tội chết chỉ buộc ongsaij phải đi mất tích, không được đi về phiá Đông, lẫn phiá Tây, cũng không phía Nam, lẫn Bắc, hoặc bất cứ nơi nào trên vương quốc. Lệnh ban ra, onsaij biến mất với sự ô nhục của y và không bao giờ người ta còn thấy y xuất hiện trong xứ hay ngoài xứ.

Nhưng quỷ thần bị nhạo báng tức giận những người thờ phụng Thượng đế, xúi giục dân chúng đốt nhà thờ Turon [Đà nẵng] dưới con mắt tuyệt vọng của các cha, đứng nhìn từ bãi biển mà không làm gì được[33].

Vua làm lễ cầu mưa là có thật. Phù thủy là sự tin nhảm của dân gian. Việc đốt nhà thờ Đà Nẵng là hành động bạo lực của những kẻ cực đoan. Borri tròng tội này vào cổ các ongsaij, chứng tỏ ông không hiểu rõ đạo Phật và nguyên tắc bất bạo động của đạo Phật.

Việc thờ thần thánh – Giải thích những sự sai lầm của Borri

Hai chữ idole, idolâtrie, mà người Âu thường dùng để chỉ sự "mê muội", trong việc thờ thần thánh mà họ đồng hoá với ma quỷ (démon), được Borri và các giáo sĩ dùng để chỉ chung các thần thánh thờ trong đền, miếu và phật Thích Ca, trong chùa. Chứng tỏ họ không hiểu rõ đòi sống tâm linh của người Việt.

Người Việt có hai nơi thờ: Chùa là nơi thờ Phật, một tôn giáo lớn ở Á Châu. Đền là nơi thờ thánh, thờ thần. Không ai coi đềnchùa là một.

Phật Thích Ca thì ai cũng biết.

Còn thần thánh, là những thực thể hoàn toàn khác.

Định nghiã xa xưa nhất về thần thánh được Lý Tế Xuyên, một trong những sử gia đầu tiên đời Trần, tác giả Việt điện u linh, viết trong bài Tựa như sau:

"Thánh nhân đời trước đã nói: "Những bậc sáng suốt, ngay thẳng mới gọi là thần" không phải những loại dâm tà, yêu quái, ma quỷ cũng lạm gọi là thần được.

Nước Việt-nam ta xưa nay, các thần thờ tại đền miếu rất nhiều mà những bậc thần có công giúp nước cứu dân kể cũng không được mấy. Xét về phẩm loại các thần có khác nhau: hoặc có vị là tinh túy của sông núi, hoặc có vị là nhân vật thiêng liêng, khí thế lừng lẫy về trước, anh linh còn mãi về sau, nếu không theo sự tích chép ra, thì khó lòng nhận xét được rõ. Vậy xin lấy ý kiến hẹp hòi ghi qua truyện các thần đời trước, nếu được các bậc bác nhã phủ chính và bổ sung cho thì là một điều rất mong.

Năm Khai Hựu thứ 1

(1329, đời Trần Hiến Tông)

Lý Tế Xuyên kính tựa.[34]

Sách Việt điện u linh chép sự tích những vị thần đã được Lý Tế Xuyên chọn đưa vào quốc sử với những tên tuổi mà chúng ta đều biết: Bố Cái Đại Vương (Phùng Hưng), Triệu Việt Vương, Lý Nam Đế, Hai Bà Trưng, v.v... Về sau sẽ có Đức Thánh Trần (Trần Hưng Đạo).

Việc thờ thần ở nước Việt, có nguồn gốc như thế, tức là thờ anh hùng hoặc vĩ nhân của một miền hay của cả nước, tương tự như người Pháp thờ những vĩ nhân của họ trong điện Panthéon.

Nhưng Việt Nam còn có những vị thần khác, như thần núi Tản, ông Táo, Sơn tinh, Thủy tinh, v.v... thể hiện khía cạnh siêu hình của tín ngưỡng.

Riêng việc thờ cúng tổ tiên, nằm trong niềm tin con người có linh hồn sau khi chết, cũng là một quan niệm siêu hình, không thể nói là đúng hay sai, mà người Tây phương, đặc biệt Tòa thánh La Mã có thể gạt đi được.

Vậy, sự sai lầm đầu tiên của Borri là đã không nghiên cứu văn hóa Việt Nam, đã đánh đồng ba khái niệm: thờ Phật, một tôn giáo; thờ thần, là thờ các vĩ nhân; và thờ cúng tổ tiên, là gìn giữ ký ức về các tác giả đã sinh thành ra mình, với việc trừ tà ma quỷ dữ của các thầy cúng, thầy pháp, phát sinh từ lòng mê tín dị đoan của một nhóm người trong quần chúng. Ở châu Âu những mê tín tương tự, thời ấy, được quy vào tội phù thuỷ, bị xử tử, tuy nhiên thời nay vẫn còn tồn tại trong những lễ hội tế thần bí mật, đôi khi đi tới sát nhân vì mê tín và kỳ thị chủng tộc.

Những hình thức dị doan này sẽ được tô đậm và hiện thực hóa, khi Borri mô tả đám ma quan Khám lý Trần Đức Hoà ở Quy Nhơn, ông đã chập tất cả lại thành giáo lý đạo Phật qua hai chữ onsaij.

Vậy, sự xuyên tạc đạo Phật, việc thờ thần thánh và thờ cúng tổ tiên, đã có từ những ngày đầu truyền giáo, do một vị linh mục có trình độ bác học như Cristoforo Borri truyền đi, sách của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng, từ thế kỷ XVII, cho nên ảnh hưởng tai hại lan rộng.

Borri đã phạm sai lầm, khi viết về đời sống tri thức và tâm linh của dân tộc Việt Nam, vì vậy bản dịch tiếng Anh của Robert Ashley, và bản Đông Dương tạp chí, in ra, chỉ có Phần I[35], mà không in phần II.

Nhưng lạ lùng là thái độ của linh mục Cadière, trong bài Tựa tập Ký sự Đàng Trong, bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy, đã trách Đông Dương tạp chí như sau:

"Khi Đông Dương tạp chí in Ký sự Đàng Trong của Cristoforo Borri, họ đã lầm khi bỏ phần II đi: Phần này cho chúng ta thấy những tín ngưỡng, những tục lệ tôn giáo của người An Nam thời đó, với những chi tiết không tìm thấy ở đâu. Một đề tài nghiên cứu quý giá biết bao, một sự góp phần mạnh mẽ biết bao, vào việc nghiên cứu tín ngưỡng cổ truyền của người An Nam, khi ta đào xới công trình của các giáo sĩ và các nhà du hành xưa, để rút ra tất cả những gì liên hệ, hoặc với chính quyền, hoặc với phong tục và tập quán của người dân trong xứ này."[36]

Những lời trên đây cho thấy linh mục học giả Cadière, người chuyên nghiên cứu văn hoá Việt Nam, không những đồng ý mà còn ca ngợi sự xuyên tạc tín ngưỡng và phong tục Việt Nam của Borri. Điều này cho thấy, ba trăm năm sau, mọi sự vẫn như thế, nghiã là linh mục Cadière vẫn mượn lời Borri để "mô tả" hình ảnh tồi tệ của các nhà sư và sự dốt nát mê tín dị đoan của quần chúng Đàng Trong, để đề cao chính sách truyền giáo "khai hóa" của Tòa Thánh La Mã, và việc đánh chiếm thuộc địa -cũng để "khai hoá"- của chính quyền thực dân Pháp.

 

Petro Marques và Cristoforo Borri được gửi đến Đàng Trong

Tin nhà thờ Đà Nẵng bị đốt cháy, các giáo sĩ ở trong tình trạng tuyệt vọng truyền về Macao, Bề Trên quyết định gửi Petro Marques và Cristoforo Borri đi Đàng Trong:

"Sự thất sủng của giáo sĩ chẳng bao lâu loan truyền khắp vùng lân cận, đến Macao, khiến các cha xứ ở đây đau đớn cho số phận các thầy tu của họ, quyết định gửi người đến trợ giúp trên chiếc tầu Bồ Đào Nha sắp đi Đàng Trong. Các cha Bề Trên nghĩ rằng tốt hơn hết là gửi hai linh mục, một với danh nghiã là cha Tuyên úy của tầu Bồ và sẽ trở về cùng với tầu để người Đàng Trong không nghi ngại; người kia sẽ ở lại Đàng Trong ngụy trang và ẩn núp. Cha P. Piétro Marches [Pedro Marques] người Bồ, được chọn làm cha Tuyên úy, và tôi, nhờ vận may được đi cùng với ông, Thánh Lệnh an bài như thế. Tuy Đức Cha Cả (notre Père Général) lúc trước đã định cho tôi đi Trung Hoa, nhưng tôi cũng rất sung sướng được đi Đàng Trong phục vụ Chúa và mang niềm an ủi tới các cha đang khốn khổ, nhất là sự đàn áp đạo ở bên Tầu đang lên cao khiến tôi không thể vào đất Tầu được."[37]

Borri nói rõ vai trò của Pedro Marques: là cha Tuyên úy của người Bồ và Borri chỉ là người theo hầu. Pedro Marques sẽ quay trở lại Macao, còn Borri sẽ trốn ở lại Đàng Trong. Nhưng một cuộc bạo động bất ngờ xẩy ra, thay đổi cục diện:

"Tôi đi từ Macao cải trang làm người hầu, ít lâu sau tới Đàng Trong, đúng ngày lễ sinh nhật của tôi, ra đời có thể với một con đường hạnh phúc hơn; nhưng Thượng đế đã sắp đặt khác, hoặc vì tôi có tội nên không xứng đáng được hưởng ân huệ ấy, hay do một ý khác, bí ẩn không thể hiểu, nơi Người.

Khi con tầu -trên có nhiều người nhà quê- cập bến, thì hai người Bồ đánh lộn; một gã ngã lăn ra như chết, gã kia vội nhẩy xuống nước trốn, sợ bị đồng bọn của kẻ bị thương, đòi giết. Gã bơi được một lúc thì thấm mệt, bèn tìm cách bám vào thành tầu, nhưng không thể được vì những kẻ kia dùng lao, mác, kiếm, quyết giết hắn. Tôi thấy nguy quá, bèn tìm cách cứu hắn, mặc dù mặc quần áo tôi đòi, tôi xông vào đám họ, quát tên này, hét tên kia, giữ tay chúng lại, khiến chúng phải dãn ra.

Những người Đàng Trong trên tầu, nhìn bọn người Bồ, thấy một tên đầy tớ ra lệnh mà bọn chúng ngừng tay, họ tinh ý, ngờ ngay, bởi họ biết thừa là những người Bồ, khi đã lên cơn thì không ai can gián được trừ mấy ông thầy tu. Họ thầm bảo nhau: tay này không phải là con ở như quần áo y mặc đâu, mà y cũng không phải là con buôn, vậy chắc chắn hắn là thầy tu, mặc dầu có lệnh chúa cấm, vẫn lẩn vào nước ta. Vậy ta phải báo cho chúa biết để trừng phạt hắn cho xứng đáng. Tức khắc họ bao vây lấy tôi, mặc dù không hiểu gì hết, tôi cũng đoán là họ đang nghi ngờ, tuy tôi đã trá hình kỹ lưỡng để không bị bại lộ, tôi cũng không cản được việc họ bẩm báo với triều đình. Khi thấy hoàn toàn bị lộ, không thể thoát chết được nữa, tôi quyết định chết. Tôi mặc lại quần áo nhà dòng, quàng lễ phục trắng lên vai, đeo ngôi sao trên cổ, và bắt đầu giảng đạo, qua thông ngôn. Rồi, vì đã dựng bàn thánh lễ ở bãi biển, tôi cử hành Thánh lễ và làm lễ Thánh thể cho những người Bồ đã chuẩn bị xong.

Tôi muốn hiến đời tôi cho Đức Chúa Trời biết bao, nhưng Người lại không cho tôi ân huệ ấy. Trong khi tôi đang bị xử tội thì trời mưa tầm tã, ngày đêm, không ngừng, người ta lại quay đầu vào việc trồng cấy mùa màng. Họ bảo nhau, khi tôi đến, trời đã phú cho tất cả những gì mà họ mong đợi từ quá lâu, đó là điềm tốt, và họ kết luận rằng: không phải vì các thầy tu mà trời làm hạn hán. Họ hối hận việc đã làm, không bắt bớ chúng tôi nữa và họ để cho chúng tôi sống tự do trong vương quốc"[38].

Borri viết tiếp:

"Mọi sự lắng dịu đi như thế, tôi quyết định đi tìm cha Buzome và người phụ tá của ông, vì tôi đến đây vì việc ấy, nên tôi cấp tốc thăm dò tin tức. Tin tôi đến đây lan rộng trong thành phố, và tôi đã dễ dàng tìm được Đức bà Jeanne [Giovanna] mà tôi đã nói đến ở trên, tôi được bà cho biết, cha Francesco di Pina, với cha người Nhật, đã được những người Nhật có đạo bí mật dẫn về Faifo [Hải Phố tức Hội An], vì họ tưởng rằng các cha khác đã rời khỏi xứ rồi. Cha Pietro Marches, rất thạo tiếng Nhật [vì ông là người Bồ lai Nhật] muốn chúng tôi đi Faifo, ở đấy, chúng tôi gặp cha P. Francesco di Pina, vẫn sống giấu diếm, nhưng được những người Nhật mộ đạo trông nom rất tử tế và ông vẫn bí mật giảng đạo. Thật không thể tưởng tượng được sự hoan hỷ của chúng tôi khi được gặp nhau, bởi vì, ngoài niềm bác ái chung của những người có đạo, chúng tôi còn là bạn thân cùng đi một con đường, liên lạc mật thiết với nhau ở giáo đoàn Macao. Sự biệt đãi của người Nhật cũng là kỳ diệu: qua những dấu hiệu lạ thường của tình thương và niềm vui, trong mười lăm ngày, họ đã tiếp đãi chúng tôi một cách đế vương." [39]

Một lần nữa, Borri xác nhận vai trò của bà Jeanne tức Giovanna với các giáo sĩ, sau khi nhà thờ Đà Nẵng bị phá. De Pina và thầy giảng Nhật, được giáo dân Nhật đẫn về Hội An giấu diếm, tiếp tục bí mật giảng đạo. Pedro Marques, không trở lại Macao, mà muốn mọi người hội họp ở Hội An. vì Hội An là "đất" Nhật, có thể dựng cơ sở đầu tiên, nhờ cộng đồng người Nhật có lòng tốt che chở các giáo sĩ.

Cũng tại Hội An, Borri nhận được tin cha Bozomi:

"Và cũng ở đấy [Hội An], như một phép mầu của Thượng đế, tôi nghe tin cha Buzome được cứu nạn, như thể Đấng Chí Tôn đã muốn cứu nguy cho sứ mệnh truyền giáo này; bởi vì, trong khi cha đang bị khốn khổ trên bờ biển, với mụn nhọt ác tính trên ngực, thì quan Khám lý Pulucambi [Quy Nhơn] đến Cửa Hàn. Thấy người này đau đớm quá, trông như cái xác thoi thóp, ông động lòng thương cảm, hỏi người này là ai, vì sao lại rơi vào sự bất hạnh như thế. Người ta thuật lại cho ông tất cả tình huống đã xẩy ra, rằng, ông ta và những bạn đồng hành đã bị gán tội làm trời hạn hán, khiến họ bị chúa ra lệnh trục xuất. Quan Khám lý cười: Làm sao có thể gán cho vị thầy tu ngoại quốc khốn khổ này cái điều chẳng dính dáng gì đến ông ta? Và ông ra lệnh khiêng vị thầy tu xuống tầu, dẫn về vùng ông cai trị, cho ở trong tư thất và mời những thầy thuốc danh tiếng và giỏi giang nhất trong xứ đến chữa, lại sai các con trai ông tận tình chăm sóc trong vòng một năm, cho đến ngày khỏi bệnh. Mọi người đều kinh ngạc thấy một vị chức sắc quyền quý, vì lòng bác ái vị tha tự nhiên, đã xử sự cao đẹp như thế với một người ngoại quốc xa lạ."[40]

Sau đó Borri tóm tắt tình hình chung:

"Chúng tôi hội ngộ nhau tại Đàng Trong như thế, bốn tu sĩ dòng Tên, cha Buzome ở Pulucambi (Quy Nhơn), cách hải cảng Đà Nẵng một trăm năm mươi dặm [250km700][41], cha Marches sẽ ở lại Hội An làm Cha Bề trên, trợ giúp người Nhật, cùng với cha Francesco di Pina; còn về phần tôi, tôi trở lại Đà Nẵng để phục vụ những người Bồ, làm lễ, giảng đạo và nghe xưng tội.

Tôi cũng học tiếng Đàng Trong và tìm được cách, nhờ sự giúp đỡ của người thông ngôn, khuyến dụ thêm được một sồ tín đồ mới trong đám mấy nhà quí phái, và nhất là chấn chỉnh và củng cố niềm tin của những người đã rửa tội.[42]

Borri cho biết rõ sự phân công của các giáo sĩ trong giai đoạn thứ hai này, và vai trò quan trọng của Hội An mà ít ai nhắc đến: Hội An lúc đó có ba giáo sĩ phụ trách: Cha Pedro Marques người Bồ lai Nhật làm cha Bề Trên, cùng với cha de Pina người Bồ, giỏi tiếng Nhật, và thầy giảng người Nhật. Ba giáo sĩ này sẽ xây dựng lại nền móng đạo chúa đã bị phá vỡ với nhà thờ Đà Nẵng năm 1618, và lập nên Cở sở Hội An, đồng thời cộng tác với giáo sĩ Nhật, Việt để xây dựng chữ quốc ngữ.

 

Borri lập nghiã trang công giáo đầu tiên ở Đà Nẵng

Borri kể tiếp trường hợp nào ông thành lập ngôi mộ đầu tiên cho nghiã trang công giáo:

"Trong những bước đầu này có một trường hợp đáng kể ra: Tôi được gọi đến để rửa tội cho một đứa bé hấp hối: rửa tội xong đứa nhỏ tắt thở. Tôi băn khoăn vì không biết chôn bé ở đâu, và đã nghĩ đến việc làm một nghĩa địa riêng cho người công giáo. Tôi sai lấy cái cột tầu, dựng ở một góc gần đấy, để làm thành cây thánh giá đẹp. Xong, tôi mời tất cả những người Bồ và lính thủy, giúp đem cây thánh giá đến chỗ đã định, và tôi, với áo bào thánh lễ và ngôi sao, tôi làm bổn phận. Trong khi đang đào lỗ để trồng thánh giá, thì có một nhóm người [Việt] ở vùng lân cận, mang vũ khí, súng hoả mai, ập đến, dọa giết, tôi nhờ thông ngôn, giải thích ý định của chúng tôi. Họ trả lời rằng họ không muốn chúng tôi trồng cây thánh giá ở đấy, vị họ sợ quỷ thần sẽ trù ếm nhà họ. Tôi nhờ thông ngôn, giải thích rằng, ngược lại, bởi vì cây thánh giá có hiệu năng xua đuổi quỷ thần không cho phép bén mảng đến đây. Nghe xong họ hoàn toàn thoả mãn, xếp khí giới, vui vẻ ra phụ giúp chúng tôi, cây thánh giá hiển vinh được dựng lên và nghiã địa được thành lập".[43]

Borri làm xong nghiã địa Đà Nẵng (1619) thì quan Khám Lý Quy Nhơn đưa cha Buzomi, đã bình phục, trở lại Hội An:

"Quan Khám lý Quy Nhơn cũng đến trong thời điểm đó, mang theo cha Buzome, chúng tôi hội ngộ nhau ở Faifo, trong niềm vui không kể xiết, cả bốn tu sĩ của Dòng cùng với hai thầy giảng, một người Bồ [Antonio Dias], một người Nhật. Sau những chúc tụng ngắn ngủi, chúng tôi bắt đầu bàn đến những việc phải làm cho sứ mệnh truyền giáo này. Rồi cùng quyết định là cha Marques ở lại Faifo với thầy giảng Nhật để giảng đạo. Ba người kia và thầy giảng Bồ theo quan Khám lý về Quy Nhơn- vì ông khẩn khoản mời chúng tôi, và chúng tôi đã nghe theo, như sẽ nói trong chương tới"[44].

Họ sẽ lập được Cơ sở Nước Mặn [phiá bắc Quy Nhơn], là Cơ sở thứ hai của đạo Chúa ở Đàng Trong.

Từ 1619 đến 1620, de Pina và Borri, cùng sống tại Quy Nhơn, sẽ hợp tác để sáng tạo chữ quốc ngữ, cùng với các giáo sĩ Việt, Nhật. Đến năm 1620, de Pina trở về Đà Nẵng, được Thế tử Kỳ cho vào ở trong Dinh Chàm, ông xây dựng Cơ sở Quảng Nam, là cơ sở thứ ba của đạo Chúa ở Đàng Trong.

(Còn tiếp)


[1] Những chữ in đậm trong bài là do chúng tôi nhấn mạnh.

[2] Chú thích số 87, dịch giả Bonifacy ghi: "Người mà Hordũnez de Zeballos nói đến, không phải là công chúa Đàng Trong mà là chị (hay em) vua Lê Thế Tông [1573-1599]. Nhưng vị linh mục này lại không đặt chân lên đất Thanh Hóa, là nơi Hoàng gia nhà Lê ở, mà chỉ đến Quảng Yên. Những tỉnh ông ta kể ra trong sách: Picipuri, Quibenhu, đều ở trong vùng đất thuộc họ Mạc. Đúng là sau đó, ông ta khoe khoang rằng đã rửa tội cho một ông hoàng, và bảo đó là Nguyễn Hoàng, và đặt tên thánh là Grégoire, cùng con trai ông và nhiều cận thần (Xem cuốn Mes débuts du christianisme au Tonkin). Điều đáng kinh ngạc là những lời bịa đặt này lại thuyết phục được những người có chút kiến thức về lịch sử và địa lý Annam." (BAVH số 3-4, 1931, trang 338).

[3] Nguyên văn tiếng Pháp là ouvrier, chắc tiếng Ý cũng dùng chữ tương tự, ngụ ý các tu sĩ nói nhún, nhận mình là người thợ phục vụ đạo Chúa. Chúng tôi dịch chữ ouvrier này là lao công [của Chúa].

[4] Viên thuyền trưởng này là Fernando de Costa vị Sứ thần đầu tiên của Bồ Đào Nha ở Đàng Trong mà Borri đã nhắc tới trong phần I, chương VIII, trang 334 của tập Ký sự Đàng Trong.

[5] Cha Giám Tỉnh tiếng Pháp là Père Provincial, chủ trì một vùng, hay một nước, như Trung Hoa, Nhật Bản.

[6] Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 338-339.

[7] Xem Chương 2: Các giáo sĩ Dòng Tên đến Đàng Trong.

[8] Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 339.

[9] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, năm 1931, số 3-4, trang 340-341.

[10] Ký sự Đàng Trong, BAVH, năm 1931, số 3-4, trang 341.

[11] Nguyên văn tiếng Pháp chú thích số 92 của Bonifacy: "On voit que ce roi n'est autre que le gouverneur de la province de Quang-Nam, qui était le prince royal Kì, fils aîné de Sai-Vuong qui régnait alors. C'est Nguyen-Hoang qui, en 1602, avait envoyé le futur Sai-Vuong, son fils et son héritier présomtif, comme Tran-thu du Quang-Nam; Sai-Vuong qui remplaça son père en 1613, mit son fils aîné dans cette province. Kì, dont il sera souvent question dans la Relation, mourut avant son père, en 1632." (BAVH, 1931, số 3-4, trang 341).

[12] Borri, Ký sự Đàng Trong, (BAVH,1931, số 3-4, trang 287).

[13] Nay là xã Văn Đông, huyện Diên Phước, tiếp giáp xã Thanh Chiêm.

[14] Dặm (mille) mà Borri dùng ở đây chắc là dặm La Mã: 1km478. Vậy sáu, bẩy dặm tương đương với 8km868 và 10km346.

[15] Những chữ in đậm trong bài này là do chúng tôi muốn nhấn mạnh để lưu ý độc giả.

[16] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 341.

[17] Tập san Đô Thành Hiếu Cổ (Bulletin des Amis du Vieux Huế) (BAVH) 1939, tập 2, từ trang 63 đến 130.

[18] Nguyên bản chữ Hán, Bùi Thanh Vân, Trần Đình Nghi dịch sang tiếng Pháp (BAVH) 1920, tập 3, trang 316.

[19] Nguyên văn tiếng Pháp: la ville où le roi fait son séjour s'appelle Kehue, sa cour y est fort belle.

[20] Du hành và truyền giáo, Nxb Julien, Lanier et Cie, Paris, 1854, trang 77.

[21] Xin nhắc lại: Chúa Tiên Nguyễn Hoàng (1600-1613) đóng đô ở Ái Tử từ (1558-1570) và Trà Bát từ (1570-1613), thuộc Quảng Trị. Chúa Sãi Nguyễn Phước Nguyên (1613-1635) lên ngôi, đóng đô tiếp ở Trà Bát, đến năm 1626, mới dời đô về Phước Yên, thuộc Thừa Thiên. Năm 1636, chúa Thượng Nguyễn Phước Lan (1635-1648), dời đô xuống Kim Long, phiá nam thành Huế bây giờ, cũng thuộc Thừa Thiên. Chúa Hiền Nguyễn Phước Tần (1648-1687) lên ngôi, vẫn đóng đô ở Kim Long. Đến năm 1687, chúa Ngãi Nguyễn Phước Trăn (1687-1691) lên ngôi, mới dời đô (được gọi là phủ) về làng Phú Xuân, đặt là Chính dinh, tức Huế bây giờ. (Huế là Hóa, từ chữ Thuận Hoá).

[22] Nguyên văn tiếng Pháp: "J'étais avec l'admirable P. François de Pina dans la province de Cham, où grand nombre d'idolâtres reçut le baptême. De là nous allâmes à la cour, et en passant nous séjournâmes quelque temps en la province de Hoâ, où une des principales dames du royaume, proche parente du roi, et fort affectionnée aux idoles, ayant ouï prêcher le P. Pina, fut éclairée du Saint-Esprit, et renonça si bien à l'erreur, qu'après avoir été baptisée et appelée Marie-Madeleine, elle fut l'appui de toute cette nouvelle église. Son exemple et son crédit servirent merveilleusement à convertit les infidèles, et à maintenir dans la pitié ceux qui avait déjà reçu le baptême.

Je l'ai toujours vue pendant tout le temps que j'ai été dans ces pays, et crois qu'elle persévère encore depuis vingt-huit ans dans la pratique de toutes les vertus chrétiennes; elle a dans son palais une fort belle chapelle, qu'elle a toujours maintenue dans les plus rigoureuses persécutions, où elle fait tous les jours ses dévotions, et y donne entrée à tous les chrétiens de la provinceVoyages et Missions (Du hành và truyền giáo), Nxb Julien, Lanier et Cie, Paris, 1854, trang 90-91.

[23] Trong bản dịch cuốn Hành trình và truyền giáo, nxb Hồng Đức, 2020.

[24] Hành Trình và truyền giáo, Hồng Nhuệ dịch, nxb Hồng Đức, 2020, trang 87.

[25] Léopold Cadière, Une Princesse chrétienne à la Cour des Premiers Nguyễn: Madame Marie (Một vị Công nương theo đạo trong triều Nguyễn đầu tiên: Bà Marie), (BAVH) 1939, tập 2, từ trang 68 đến 70.

[26] Une Princesse chrétienne à la Cour des Premiers Nguyễn: Madame Marie, (BAVH) 1939, tập 2, trang 70.

[27] Nam Triều công nghiệp diễn chí, trang 193-199. Đại Nam Thực Lục chép lại.

[28] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 341.

[29] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 342.

[30] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931 số 3-4, trang 342.

[31] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 343.

[32] Ký sự Đàng Trong, BAVH 1931, số 3-4, trang 343.

[33] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 344.

[34] Lý Tế Xuyên, Việt Điện u linh, Đinh Gia Khánh dịch và chú giải, nxb Văn Hoá, Hà Nội, 1960, Sudestasie sao chụp, tái bản, Paris, 1979, trang 13.

[35] Maybon, Notice sur Cristoforo Borri et sur les éditions de sa Relation (Ghi chú về Cristoforo Borri và những ấn bản Ký sự của ông) (BAVH) 1931, số 3-4, trang 269-276.

[36] Cadière, Préface (Tựa) bản dịch của Bonifacy, (BAVH) 1931, số 3-4, trang 262.

[37] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931, số 3-4, trang 345.

[38] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 345-346.

[39] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 345-346.

[40] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 346-347.

[41] Dặm mà Borri dùng vẫn là đặm La Mã, tương đương 1478m, vậy 150 dặm tương đương với 250 km700.

[42] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 347.

[43] Borri, Ký sự Đàng Trong, BAVH số 3-4, 1931, trang 347-348.

[44] Ký sự Đàng Trong, BAVH, 1931 số 3-4, trang 348.