Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 5 tháng 5, 2018

Bắc/Nam

Will Nguyen, 30 tháng Tư, 2018, https://www.thevietnamese.org/2018/04/north-south/

Hiếu Tân dịch

Sài Gòn năm 1965. Một áp phích tuyên truyền ở trung tâm thành phố kêu gọi nhân dân “Đoàn kết, bảo vệ miền Nam, giải phóng miền Bắc”

Ảnh: Bộ sưu tập Warren G. Reed

Người Việt xin cảm ơn tác giả Will Nguyen đã cho phép chúng tôi đăng bài “Bắc/Nam” của ông. Bài báo đăng lần đầu trên New Naratif


Tôi thường rơi vào ý nghĩ về các đấu thủ – “cách biệt nhưng bình đẳng” – mượn một câu nói chính trị nguy hiểm. Khi còn bé tôi luôn đặc biệt yêu thích những bộ phim Thuyền trưởng Hành tinh, Thủy thủ Mặt Trăng, Năm Anh Em Siêu nhân, vì mỗi phim chứa một tình tiết hoặc một hành động trong những hoàn cảnh để những người hùng xuất hiện: Đội trưởng Ô nhiễm và biệt đội “người hành tinh” độc địa của gã, Bốn chị em của Trăng Đen, hoặc Những Biệt Kích Đen. Tôi thấy một cảm giác cân bằng cố hữu trong các đối thủ, cân bằng vô cùng mỹ mãn, như trong luật âm-dương vậy.


Khi tôi lớn lên, sự ham thích những mối tương quan này mở rộng ra nền chính trị quốc tế, đặc biệt những nước đối đầu về ý thức hệ, bị chia cắt dưới chỉ thị bên ngoài, như Nam-Bắc Triều Tiên, như Đông-Tây Đức...

Cái thời nước Việt Nam tồn tại như hai thực thể cách biệt đương nhiên có sức nặng đặc biệt trong tâm trí tôi, chắc nó cũng nặng nề trong tâm trí nhiều người Việt Nam hải ngoại. Dù sao, sự tồn tại song đôi này – hai bên chống đối nhau, một bên muốn tiêu diệt bên kia – một mình nó phải chịu trách nhiệm về việc người Việt tan tác khắp địa cầu, sự nổ tung những photon con người trong một trong những vụ đụng độ giữa chủ nghĩa cộng sản và chủ nghĩa chống cộng.

Tôi sinh ra ở Mỹ; vào thời ấy tôi không biết, tất cả những người Việt mà tôi từng gặp đều là cựu công dân của Việt nam Cộng hòa (tức là Nam Việt Nam) hoặc như tôi biết, Việt Nam. Không có sự lựa chọn, không có cái khác để lựa chọn. Lá cờ vàng với ba gạch đỏ có ở khắp nơi, và là đại diện duy nhất của Việt Nam mà tôi biết.

Quốc ca “đúng” và “sai”

Encarta Encyclopedia 97 cung cấp cho tôi gợi ý đầu tiên về một sự thật khác, một Việt Nam khác, một Việt Nam “xấu” mà tôi nhanh chóng học. Tôi nhớ hồi lớp năm đã làm một đồ án, nó yêu cầu chúng tôi tạo một “hồ sơ đất nước,” một nước mà chúng tôi tự chọn. Tôi tham khảo một đĩa CD-ROM bách khoa thư, và chẳng suy nghĩ nhiều, tôi copy một lá cờ đỏ với ngôi sao vàng, lá cờ chính thức được nêu trong mục về nước ấy.

Bà tôi là người đầu tiên “chỉnh” tôi, mắng tôi khi Encarta chơi “Tiến Quân Ca”, quốc ca của Bắc Việt Nam từ 1945-1975, và sau chiến tranh, là quốc ca chính thức của toàn Việt Nam. Bà tôi bảo đó không phải là quốc ca “thật.” Thông tin trong mục đó là “sai”. Khi tôi hỏi bà quốc ca “thật” là bài nào, bà âm ư “Tiếng Gọi Công Dân” quốc ca của Nam Việt Nam từ 1948–1975, một giai điệu mà tôi quen thuộc hơn nhiều.


Khi tôi hoàn thành đồ án, tôi yêu cầu má tôi xem qua công việc của tôi. Việc má tôi làm, không biết có ý định gì không, còn làm tôi sửng sốt đến tận hôm nay. Đáng lẽ bảo tôi bỏ cái hình vẽ cờ đỏ sao vàng ấy đi, thì bà bảo tôi vẽ thêm lá cờ vàng ba gạch đỏ của Nam Việt Nam vào bên cạnh nó, thể hiện hai lá cờ có giá trị pháp lí ngang nhau.

Tôi phải mất ít nhất hai thập niên để nhận ra điều ấy, nhưng cử chỉ đơn giản của má tôi vừa có tính giáo huấn cực kì mạnh mẽ, vừa là biểu hiện nỗi lo âu trí thức của tôi về căn cước Người Việt hải ngoại. Nó là nếm trải đầu tiên của tôi cái khái niệm về những chân lí mâu thuẫn nhưng cùng tồn tại. Lớn lên, tôi không nghĩ nhiều về đất nước Việt Nam xa xôi, cái khuôn khổ để suy nghĩ về nơi ấy và nhân dân của nó đã hình thành trong tôi rồi. Chúng tôi, (những người miền Nam), là những người tốt, họ (những người miền Bắc), là những người xấu. Mọi điều chúng tôi nói là thật, mọi điều họ nói là dối trá. Tôi chưa bao giờ tự hỏi tại sao chúng tôi lại phải sống trong một nước khác.

Một giáo sư Việt Nam tốt bụng, là đồng nghiệp và thành viên một hội sinh viên tích cực hoạt động, đã mở ra một kỉ nguyên mới trong kiến thức của tôi. Tôi bắt đầu đi những bước đầu tiên tiến đến cân bằng và những bước tiếp theo tiến đến sự thật... hay đúng hơn, những sự thật.

Bắc vào Nam

Ở Việt Nam, hai chữ “Nam tiến” có nghĩa đen là “tiến về phương Nam,” nói về sự bành trướng của miền Bắc về hướng Nam, từ châu thổ sông Hồng đến châu thổ sông Mekong. Hiện tượng này tạo thành những khuôn mẫu lâu dài của Việt Nam giữa người miền Bắc và người miền Nam. Trái với những người thích so sánh hình dạng Việt Nam với chiếc đòn gánh tre hoặc hình chữ “S”, tôi thích nghĩ về nước này bằng những thuật ngữ siêu hình hơn: một miền Bắc hướng về quá khứ chảy tràn xuống một miền Nam hướng tới tương lai.

Photo courtesy: Wikipedia.

Châu thổ sông Hồng được coi như “nơi sinh” của Việt Nam, địa điểm truyền thống về văn hóa và chính trị. Miền Bắc và cư dân của nó bị coi là bảo thủ, khổ hạnh, giỏi xoay sở và thiếu ăn. Cái này sinh ra một tính cách người Bắc đánh giá cao tính dẻo dai, thích giao tiếp gián tiếp, sĩ diện (gắn với quan niệm của người ta về danh dự và uy tín) và cách nấu ăn ít dùng thảo mộc và gia vị.

Khi nhà nước này tiến vào lãnh thổ của người Chăm và Khmer, một trung tâm quyền lực riêng biệt bắt đầu phát triển ở miền Nam, thu hút những người bị kéo tới một cuộc sống “biên cương” và một tồn tại đa văn hóa. Nhờ sự tự do lựa chọn, cuộc bành trướng về phía Nam của Việt Nam kéo theo tinh thần phóng túng, nhìn lên phía trước, tự do và đại đồng. Miền Nam phong phú lương thực và tài nguyên; Sài Gòn, trước đây được biết dưới tên Khmer ‘Prey Nokor’ và hiện nay được gọi bằng cái tên Hán Việt ‘Thành phố Hồ Chí Minh’ – thu hút khách thương từ khắp nơi trên thế giới, và cuộc sống mọi mặt ở đây dễ dàng hơn và giàu có hơn.

Những hoàn cảnh lịch sử này đã xac định là một người miền Nam có nghĩa là thế nào: chúng tôi nói dài giọng một cách thoải mái, và theo một phong thái thẳng thắn bộc trực, chúng tôi nấu những món ăn nhiều gia vị, tươi ngon và pha tạp, chúng tôi có một nhãn quan tiến bộ, cởi mở và thân thiết với mọi xu hướng của thế giới. Chẳng đáng ngạc nhiên rằng người Nam Việt Nam hồ hởi đón nhận cách ăn mặc, phong tục và văn hóa Mỹ trong những thập niên1950-1970.

Nhưng không phải chỉ có vấn đề các nét đặc thù về tính cách và cách nấu nướng; tư tưởng cục bộ ở dạng cực đoan của nó đã liên tục dẫn người Việt Nam đến chỗ giết người Việt Nam. Nhà sử học Huy Đức mô tả Việt Nam như một ngôi nhà mà “các bức tường xây bằng xương máu.” Đây không phải chỉ là một ẩn dụ.

Miền Bắc đấu với miền Nam

Cuộc nội chiến ở thế kỉ 17 hóa ra là một điềm báo đầy mê tín về những sự kiện xảy ra ba thế kỉ sau đó. Miền Bắc và miền Nam bị chia cắt thành hai chính thể tách biệt “Đàng Ngoài” và “Đàng Trong”. Các chúa Trịnh thống trị miền Bắc, các chúa Nguyễn, miền Nam. Năm 1802 các chúa Nguyễn miền Nam cuối cùng đã thắng các kẻ thù họ Trịnh ở miền Bắc, thống nhất đất nước dưới sự bảo trợ của miền Nam. Cái thời loạn đả ấy đến bây giờ vẫn còn in hằn trong ngôn ngữ của chúng ta: người Việt vẫn nói đi “ra Hà Nội” và “vào Sài Gòn.”

Cuộc nội chiến ở thế kỉ 20 giữa miền Bắc và miền Nam là một sự lặp lại đảo chiều. Hiệp định Geneva năm một lần nữa lại chia Việt Nam thành các đối thủ trực tiếp: một miền Bắc cộng sản đấu với một miền Nam dân chủ – với những cuộc tổng tuyển cử được sắp đặt để thống nhất đất nước trong thời gian hai năm. Người ta đoán là Hồ Chí Minh sẽ thắng. Biết điều ấy, Ngô Đình Diệm tuyên bố thành lập một nước cộng hoà miền Nam độc lập, vì nó không trực tiếp kí Hiệp định Geneva nên không bị ràng buộc. Hoa Kỳ ủng hộ chính phủ Nam Việt Nam không cộng sản, đổ viện trợ tài chính vào cho nó. Thắng lợi của miền Bắc năm 1975 trong Chiến tranh Việt Nam đã thống nhất đất nước một lần nữa, nhưng những quan điểm khác nhau vẫn tồn tại. Tùy theo bạn nói với ai, ngày 30 tháng Tư năm 1975 – ngày quân đội Nhân dân Việt Nam và Việt Cộng chiếm Sài Gòn, sẽ được gọi là giải phóng hay xâm lược.

Má tôi thường nhắc tôi rằng tôi là người miền Nam. Khi lần đầu tiên tôi vào học các khóa tiếng Việt tại trường đại học, và bắt đầu phát âm những “v” những “qu” và phụ âm cuối “n” má tôi và dì lớn của tôi trêu tôi “đã trở thành Bắc kì”. Trong lớp, tôi nhanh chóng biết rằng nhiều từ tiếng Việt tôi nói ở nhà mang nặng dấu ấn của từ vựng sử dụng tại miền Nam trước -75. Một số lượng lớn người Việt miền Nam di cư trong những năm 1970 và 80 đã tạo nên những cộng đồng về thực chất là những ‘kíp nổ sống’ (living time capsules).

Giọng miền Nam của tôi đến và đi tùy thuộc vào lúc tôi say hay tỉnh, nhưng sự hãnh diện là chắc chắn. Ngày đầu tiên tôi đến lớp tiếng Việt nâng cao, ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh năm 2012, giáo sư hỏi tôi đến từ đâu “Will là người gì?”.

Không cần nghĩ, tôi trả lời ngay “Will là người Nam.”

Hơi ngỡ ngàng nhưng ngạc nhiên thích thú, giáo sư nói trong hơn 30 năm giảng dạy bà chưa bao giờ nghe một câu trả lời như thế từ một người “sinh ở nước ngoài” tôi nhanh chóng chữa lại – “Will là người Mỹ gốc Việt” – nhưng sự mơ hồ về căn cước vẫn còn đó.

Những cuộc chuyện trò

Việc nghiên cứu của tôi về lịch sử giữa miền Bắc và miền Nam thường dẫn tới sự kích động những người bạn miền Nam bằng những đề tài nhạy cảm. Một lần, tôi hỏi giáo sư người Việt của tôi ở trường Đại học Hoa Kì về một trong những cái tên khác của chiến tranh Việt Nam, “Chiến tranh chống Mỹ cứu nước” nó ám chỉ nặng nề rằng những người Nam chúng ta là những người cộng tác với đế quốc. (Về phương diện này, Ngô Đình Diệm, tổng thống đầu tiên của Nam Việt nam, và em trai của ông là Ngô Đình Nhu, cả hai đã bị ám sát với sự ủng hộ ngầm của Mỹ vì họ đã không đủ phục tùng.) Lần đầu thấy những dòng chữ ấy trên các áp-phích tuyên truyền trên các đường phố Sài Gòn, với tôi, là một trải nghiệm choáng váng.

Tất nhiên tôi cũng đã nghiên cứu kĩ mặt kia, tôi đọc nhiều sách và xem vô số những cuộc phỏng vấn từ các cá nhân phía cộng sản, cả những người ở Hà Nội lẫn những người ẩn náu trong những khu rừng miền Nam.

Trong chuyến đi đầu tiên của tôi về Việt Nam vào mùa hè năm 2007, trong dự án nghiên cứu của tôi về văn hóa gay ở Sài Gòn, tôi tự mình đi hỏi những người địa phương tôi gặp ngẫu nhiên rằng họ nghĩ gì về cuộc chiến, về đời sống sau 1975, về chính phủ hiện nay của họ.


Một áp-phích tuyên truyền trưng ở Đà Nẵng. Những áp-phích tương tự có thể thấy ở và những thành phố khác của Việt Nam.

Ảnh: Dragfyre [CC BY-SA 3.0 (https://creativecommons.org/licenses/by-sa/3.0)], từ Wikimedia Commons

“Những biển quảng cáo lòe loẹt này, ở khắp mọi ngõ ngách… Trông quái lạ nhỉ?” Tôi mở đầu đề tài với những người chạy xe máy như thế. Tình cờ, bất chợt. Kết thúc lửng lơ. Những tấm biển tuyên truyền, với những hình tượng màu sắc liền mảng thô kệch theo kiểu Xô viết của chúng, thật sự khiến tôi tò mò. Đó là những tấm biển tuyên truyền chính trị công khai, được nhà nước phê duyệt, ca ngợi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, trong lịch sử, trong công cuộc “giải phóng” miền Nam, trong một nước Việt Nam “hiện đại”, văn minh. Và quả thật chúng có mặt khắp nơi. Khi chúng tôi chạy xe qua vô số những tấm biển như thế, rải rác khắp thành phố, tôi lợi dụng cơ hội này để hỏi những người chạy xe máy ý kiến của họ về hiện tình chính trị.

“Họ là một bọn dối trá.”

“Họ không thật sự quan tâm đến nhân dân.”

Khi một người chạy xe ôm phóng vọt qua trước một tòa nhà cực lớn, anh bảo tôi rằng đó là tòa nhà cúa một đảng viên cộng sản nổi tiếng. Có một ý nghĩa cay độc nhất quán trong những con người của giai cấp công nhân này.

Câu chuyện của một phụ nữ miền Nam luống tuổi đặc biệt thú vị, vì bà đủ già để có trải nghiệm về “giải phóng” và những năm sau đó. Tôi gặp bà qua một người bạn của má tôi, (má tôi hết sức lo sợ cho an toàn của tôi; tôi là thành viên đầu tiên của gia đình trở lại Việt Nam kể từ khi họ di tản, và tôi đi hoàn toàn một mình như đứa con của một gia đình “cộng tác.”)

Đến nhà, tôi hết sức ấn tượng với sự cao rộng và vẻ hiện đại của nó. Nó có quầy bếp bọc đá granite, sàn bằng gỗ cứng, và đồ đạc trong nhà cổ kính, uy nghi, bằng gỗ màu anh đào gây ấn tượng mạnh mẽ. Nhà này xa hoa theo tiêu chuẩn Việt Nam, trong sân để được ít nhất bốn chiếc xe máy, rõ ràng gia đình này tương đối khá giả.

Bà dì ngồi với tôi trong phòng khách, chuyện gẫu lan man về gia đình của chúng tôi, rồi câu chuyện quay sang đời sống những ngày liền sau 30 tháng Tư năm 1975.

Vào thời điểm đó, bà dậy đóng tất cả các cửa lớn cửa sổ, kéo rèm che. Phần sau cuộc nói chuyện bà nói thầm thì. Gia đình bà là doanh nhân thời chế độ cộng hoà, tích lũy được nhiều của cải. Sau khi cộng sản vào thành phố, các đảng viên địa phương, biết rõ gia đình này giàu có, kiếm cớ để tịch thu ngôi nhà. Không thể chống lại vụ này, nên gia đình đã quyết định làm việc trong chế độ mới, thiết lập đủ các mối quan hệ chính trị để cuối cùng đòi lại được ngôi nhà trong khoảng một thập niên. Trong câu chuyện của bà có một liều lượng mạnh sự khinh bỉ đối với những ông to bà lớn có quyền, nhưng chính sự dẻo dai, ngoan cường và tài xoay sở của gia đình bà che mờ tất cả những cái khác trong mắt tôi. Đó là một sự bất công được sửa chữa thông qua thủ đoạn gian xảo của một hệ thống chính trị xa lạ. Đến nỗi 20 năm sau bà vẫn còn bị hoang tưởng về bị nghe trộm khi nói về nhà nước theo dõi đàn áp tràn lan mà người việt Nam phải sống dưới nó.

Một cách nhìn khác đến dưới hình thức một chủ hiệu người Bắc tại một cửa hàng bán apphích tuyên truyền. Bà ấy nhận thấy tôi đến cửa hiệu nhiều lần, và hình dung tôi là một “Việt Kiều” bà chủ động bắt chuyện với tôi về lịch sử và chính trị.

Tôi hơi sửng sốt nhưng hào hứng với sự thân thiện của bà và sự hăng hái muốn tôi hiểu về Việt Nam. Bà ấy bảo tôi muốn hỏi gì cứ hỏi. Biết tôi ở trong một gia đình miền Nam đã vượt biên sau chiến tranh, bà biết tôi đã có một liều lượng nghi ngờ đủ mạnh về chủ nghĩa cộng sản và chế độ chính trị hiện thời và cố sức biện hộ cho phía bên kia. Bà bảo bà chuyển vào Thành phố Hồ Chí Minh sau khi nó được giải phóng.

Tôi đi thẳng vào những vấn đề gai góc. Tại sao có nhiều người miền Nam vượt biên đến thế? Các trại học tập cải tạo là thế nào? Sao những người trong chính quyền gọi chế độ hiện tại là “dân chủ” trong khi chỉ có một đảng duy nhất cầm quyền?

“Người ta vượt biên vì sợ bị trả thù,” bà nói. “Khi anh chống lại những người chiến thắng, tất nhiên anh phải hiểu khi nào họ đến.”

“Các trại cải tạo, bà tiếp tục, không phải tất cả đều xấu thế: trại mà tôi đến thăm thậm chí còn có cả những khu vườn đẹp, và những luống hoa. Và trong bất lì trường hợp nào, anh phải hiểu tình hình mà chính phú mới phải đối mặt. Anh có toàn bộ dân cư lớn lên dưới chế độ của kẻ thù. Khi anh lên nắm quyền, anh phải dám chắc nhóm này hợp tác, anh phải bảo đảm nhóm này được giáo dục theo cách của chế độ mới.”

Những câu trả lời của bà bắt đầu nao núng, khi động đến chế độ “dân chủ” hiện nay. “Chúng tôi có những cuộc bầu cử, chúng tôi có đi bầu. Chúng tôi có các đại biểu lập nên một quốc hội,” bà nói.

“Vâng, nhưng tất cả những cái đó không thật sự quan trọng khi bà chỉ có thể chọn những đại biểu từ một đảng,” tôi cãi lại. “Nếu mọi người bị bắt buộc phải theo cùng một ý thức hệ, cùng một tư tưởng, thì làm sao có lựa chọn. Một nền dân chủ thực sự đòi hỏi phải có nhiều đảng.” Bà ấy không đồng ý, khăng khăng nói rằng vì các cơ quan có tồn tại, nên nền dân chủ có tồn tại ở Việt Nam.

Niềm tin và dân chủ

Thật ra, chân lí là một đề tài nhạy cảm ở cả hai phía; tôi lớn lên được vây bọc trong phe chống cộng hơn là phe chống tư bản. Nhiều ý đồ khắc phục tình hình này đã dẫn đến một số thời khắc khá khó chịu. Tôi nhớ trong một cuộc nói chuyện giữa má tôi và dì tôi, má tôi nói rằng bà phải tín nhiệm chính phủ cộng sản vì đã thống nhất đất nước và phát triển kinh tế với một tốc độ nhanh chóng, nhưng dì tôi vặn lại ngay rằng cậu tôi – đã phục vụ trong quân đội miền Nam – chắc sẽ đánh má tôi thành thương tật nếu ông nghe bà nói như thế.

Đến nay tôi vẫn tìm một cách nhìn nhận ít cực đoan hơn, nhiều sắc thái hơn về cuộc chiến tranh và những ý hệ tranh chấp của nó hơn là [cách nhìn] mà má tôi thích. Trong một cuộc phỏng vấn của đài BBC, bà Nguyễn Thị Bình, một người miền Nam, cựu Bộ trưởng Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và một nhân vật cộng sản nổi tiếng tại Hội nghị Hoà bình Paris, được hỏi bà nghĩ gì về những người bất đồng chính kiến Việt Nam và mong muốn của họ về một đất nước tốt đẹp hơn. Bà vặn lại: “Họ khác tôi ở chỗ nào?”

Sự lưỡng phân “thiện - ác” đã hằn sâu vào những câu chuyện kể về miền Bắc và miền Nam đến nỗi trước khi tôi nghe lời bình luận ấy [của bà Bình] tôi chưa bao giờ thật sự nghĩ về nó theo cách ấy. Những con người ấy, những người Cộng sản, đã ngã xuống cho những lí tưởng của họ, cho đất nước họ, và có lẽ ý nghĩa nhất, cho đồng bào họ. Chúng ta có thể, hay có nên, tin tưởng một cách cay độc rằng những người đã chiến đấu cho phe miền Bắc đã hi sinh tuổi xuân của họ, và đôi khi cả cuộc đời họ, chỉ để giành quyền lực mà những đồng bào Việt Nam của họ phải trả giá?

Mặt khác, miền Nam chiến đấu cho cái gì? Lật qua những trang sách lịch sử Mỹ, người ta khó tìm ra một câu trả lời nào chân thật vượt ra khỏi “thuyết domino”, một lí thuyết cho rằng việc một nước rơi vào chủ nghĩa cộng sản sẽ dẫn đến hiệu ứng domino trong các nước lân cận. Đọc những tài liệu như thế, khó mà không chia sẽ ý tưởng (của Hà Nội) rằng Nam Việt Nam là do Mỹ dựng lên và chống đỡ. Thật ra, tôi càng nghiên cứu sâu thì càng nhận ra rằng chính cái cảm giác nửa thương nửa ghét sâu sắc trong cư dân miền Nam đã dẫn đến sự sụp đổ nhanh chóng trong bối rối của Nam Việt Nam.

Khi được hỏi tại sao họ chiến đấu và chiến đấu cho cái gì, binh lính miền Nam thường cho thấy hóa ra họ không tin tưởng vững chắc vào sự nghiệp của chính họ. Những đôi giày ủng, những bộ đồng phục bị những người lính trút bỏ tại chỗ vào ngày 30 tháng Tư năm 1975 chứng minh điều đó.

Dân chúng miền Nam trong thời gian chiến tranh có thể không có khả năng trả lời câu hỏi “chúng ta chiến đấu cho cái gì?”, nhưng mấy thập kỉ sau đó với nền kinh tế quản li tồi tệ và nền chính trị đàn áp sau thống nhất chắc đã cung cấp một câu trả lời vang dội, đặc biệt cho những ai không có khả năng thoát khỏi đất nước.

Vào đầu những năm 2010, sau gần một thập niên nghiên cứu và đọc, quan điểm của tôi đã chín từ chỗ “thừa nhận phía chúng ta có thể đã ‘sai’ và sau đó tìm ra điều gì đã xảy ra cho cả hai phía” để không bao giờ để lạc khỏi tầm mắt sự kiện là nền dân chủ mà miền Nam cố gắng gắn kết đã mở đường cho chủ nghĩa cộng sản toàn trị do miền Bắc áp dụng. Cả hai đều là những hệ tư tưởng ngoại lai, áp đặt, và sự kiện cái này thắng cái kia không mang lại hiệu quả đích thực. Như một tác giả, một nhà bất đồng chính kiến Việt Nam là Dương Thu Hương đã diễn tả một cách hùng hồn: “Cái đẹp không phải bao giờ cũng chiến thắng.”

Mặc dù phim ảnh và truyền thông bị người Bắc thống trị hoàn toàn, sự thách thức của miền Nam đang hiện lên bề mặt. “Chỉ đến khi ta mất một điều gì đó, thì ta mới biết trân trọng nó” đoạn quảng cáo phim Cô Ba Sài Gòn (Cô Thợ may) năm 2017 mở đầu như thế. Giọng thuyết minh miền Nam ngay lập tức được tiếp theo bằng cận cảnh tòa đô chánh Sài Gòn, ống kính máy quay chĩa thắng vào cột cờ – nơi lá cờ Nam Việt Nam tung bay. Nền vàng, ba gạch đỏ. Nó thật tinh vi, nhưng những ai đang mong chờ nó thì cảm nhận được.

Từ từ lùi ống kính ra xa, tiếp theo bằng những cảnh quay sự phồn vinh kinh tế và phô bày những áo dài truyền thống lay động để nhấn mạnh sự nở hoa của nền văn hóa Việt Nam dưới một chế độ “phát xít,” “bù nhìn.” Chính những cảnh này được đưa lên màn ảnh lớn đã trực tiếp xói mòn luận điệu của cộng sản rằng Sài Gòn cần được “giải phóng.” Một câu hỏi đặc biệt dễ thấy được hỏi trong số những người bất đồng chính kiến, cả trong và ngoài nước, là “ai giải phóng ai?” Có phải miền Bắc bần cùng đã giải phóng miền Nam giàu có? Hay là ngược lại? Hơn nữa, chính xác miền Nam cần được giải phóng khỏi cái gì? Khỏi một đời sống giàu có, tiện nghi, thanh bình à?

Phim cổ võ cho việc gìn giữ áo dài – trang phục truyền thống của Việt Nam – đối với thời trang phương Tây những năm 1960 ở Sài Gòn, nhưng thông điệp ngầm của nó, trong vỏ bọc của một phim vô hại về thời trang, là không thể lầm lẫn. Đốn với miền Nam, mất mát là về chính trị nhiều hơn về văn hóa: các công dân không còn có tự do, dân chủ, và một xã hội dân sự sống động nữa. Cho dù mới chỉ được thực hành chưa hoàn hảo ở miền Nam, sự tự do phát biểu lớn hơn đã mang lại phồn vinh và một xã hội có phẩm chất tốt đẹp hơn cái mà Việt Nam đang có hôm nay. Nhiều người Việt Nam, không thể biểu lộ sự bất mãn với hiện trạng bên thùng phiếu, đã bầu bằng đôi chân của mình. Rời bỏ đất nước là giấc mơ cho những ai có điều kiện làm điều đó, Hà Nội sẵn sàng thừa nhận rằng Việt Nam đang chịu cảnh chảy máu chất xám.

Cho dù như vậy, cũng phải thừa nhận rằng chiến tranh là sự biểu lộ cả Bắc và Nam đều muốn chọn điều tốt nhất cho dân tộc mình trong khi quyết liệt chọn những con đường khác nhau. Tin ngược lại điều ấy sẽ là sự yếm thế không thể tha thứ, khi nhìn một trong hai chính phủ như những thực thể nguyên khối không phải được làm bằng những cá nhân người Việt yêu đất nước mình. Cội rễ của xung đột bắt nguồn từ chỗ cả hai tranh đua để là tốt duy nhất. Cả Bắc và Nam đều có những sự nghiệp mà họ tin là chính nghĩa – một sự thật mà người Việt cả trong và ngoài nước vẫn chưa hoàn toàn chấp nhận.

Trên báo chí và trong giới ngoại giao, chỉ có một Việt Nam “thật.” Mặc dù Việt Nam Cộng hoà thôi tồn tại từ sau ngày 30 tháng Tư năm 1975, nó vẫn sống trong trái tim và trí óc của hàng triệu người Việt ghê tởm chế độ toàn trị cộng sản. Nó sống trong việc bị ép buộc phải vắng mặt trong diễn ngôn dân tộc của Việt Nam. Sự cấm đoán mặc nhiên, thầm lặng lá cờ vàng ba gạch đỏ, cấm bất kì sự nhắc nhở tích cực nào về Việt Nam Cộng hoà, về bất cứ cái gì dính dáng đến nhà nước đã từng tồn tại ấy, theo cách nào đó, đang làm cho Nam Việt Nam tồn tại mãi. Và nếu lịch sử có chỉ báo điều gì đó, Miền Nam sẽ nhớ.

Về tác giả:

WILL NGUYEN tự coi mình là một “Con mèo của Schrödinger” của Phương Đông và Phương Tây. Anh là người Việt hay người Mỹ, tùy thuộc vào ai đang nhìn. Will tốt nghiệp Đại học Yale năm 2008, Cử nhân khoa Đông Á. Hiện nay anh đang hoàn thành luận án Thạc sĩ về Chính sách công ở Trường Chính sách công Lee Kuan Yew (NUS), nơi anh theo đuổi những đề tài về văn hóa, chính trị và lịch sử Việt Nam.