Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 15 tháng 4, 2018

Văn Hải ngoại sau 1975 (kỳ 29): Nguyễn Tất Nhiên

Kết quả hình ảnh cho Nguyễn Tất Nhiên (1952 - 1992), tên thật là Nguyễn Hoàng Hải, là một nhà thơ nổi tiếng ở miền Nam Việt Nam trước 1975.

Năm 1980, anh sang định cư tại Pháp, rồi cuối cùng sang Mỹ sống ở Quận Cam. Năm 1987, anh gia nhập Hội Nhà Văn Việt Nam Lưu Vong. Sau anh lấy vợ có tên là Minh Thủy, rồi có với nhau hai đứa con trai.

Ngày 3 tháng 8 năm 1992, người ta thấy anh nằm chết trong một xe hơi cũ, đậu dưới bóng cây trong sân chùa tại California. Mộ Nguyễn Tất Nhiên nằm trong Vườn vĩnh cửu thuộc nghĩa trang Westminster phía tây Little Saigon (California), và thường được du khách Việt đến thăm viếng.

Tác phẩm đã in sau 1975:

· Thơ Nguyễn Tất Nhiên (thơ góp nhặt từ 1969-1980, nhà xuất bản Nam Á - Paris in lần đầu tiên năm 1980)

· Những năm tình lận đận (tập nhạc 1977-1984, nhà xuất bản Tiếng Hoài Nam, Hoa Kỳ 1984)

· Chuông mơ (Thơ từ năm 1972-1987, nhà xuất bản Văn Nghệ - California, 1987)

· Tâm Dung (thơ, Người Việt 1989)

· Tính tình con gái 3 miền (Thơ)

Theo Wikipedia

Hột mè

Cổng nhà chị Ninh được gài bằng hai cái ống khoá mắc chẹo vào với nhau. Tôi cố ý rú mạnh tay ga cho xe máy Honda nổ lớn, chị Ninh đã hay nhưng không thèm bước ra - sau cánh cửa khép hờ một phần tóc hơi lay động, tôi thấy. Tôi kiên nhẫn trong giây phút chờ đợi tuyệt vời. Hình như khói xe vừa làm đầy không khí, phải rồi, khói xe vừa làm đầy không khí bởi nắng chiều màu cam bỗng đục và uốn éo trông đẹp lạ lùng. Chị Ninh nhất định không chịu bước ra. Những mảng khói đang là là trườn khắp vuông sân, len lỏi quyện vương mấy nụ hoa “công chúa” trông rất tình. Và tiếng gió chiều vàng mơn lá xanh, âu yếm.

Chị Ninh đang bước trên con đường bông – mỗi nàng con gái có một đoạn đường bông trời dành - tôi muốn nói chị tôi đang tuổi mơ tuổi mộng, đang cầm trên tay con dao cùn ấn từ từ xuống từng trái tim bọn con trai, dĩ nhiên cái chết sẽ đau quằn đau quại! Tôi làm sao trách cứ được gì, bởi đó là nạn nhân chung nơi cõi trần bụi bặm này, bởi đó là thứ chiến bại nuôi lớn kinh nghiệm đời người… Gần chị, tôi xưng hô cứ ngượng ngập, tôi gọi chị bằng “chị” xưng “em”, một ông thầy học cũ bằng nụ cười khuyên tôi đừng nên dối lòng. Thầy chịu khó nghe tôi nói, cũng có thể có tình yêu mơ hồ phơ phất chung quanh, nhưng thưa thầy em sẽ cố giữ, nhưng dịp đưa nhau đi chơi em sẽ cố tạo không khí thân mật tự nhiên của gia đình, rồi mai, khi theo chồng, chị Ninh sẽ nhắc hoài kỷ niệm, vì con gái rất thích sống cho kỷ niệm. Thầy cười khà khà như cắt từng đoạn ánh mắt cương quyết của tôi lúc đó, ông chậm rãi châm điếu thuốc, nhả một hơi khói, nheo mắt nói, này, tôi vừa là thầy của cậu vùa là thầy của Ninh nữa đấy nhé, coi chừng! Tự nhiên tôi nghe hồi hộp, thứ hồi hộp thèn thẹn của lòng. Chị Ninh lớn hơn tôi hai tuổi, tôi năm nay mười tám, đôi nhân tình bằng tuổi nhau đối với tôi đã khó ăn khó nói rồi, đàng này “chàng” lại nhỏ hơn “nàng”! Tôi định hôn chị Ninh mấy lần, mà chưa hôn, sợ tội, chẳng biết tội gì!

Chút lâu thằng nhỏ nào đó trong nhà, chắc là đứa ở, chậm chạp bước ra mở khoá. Chị Ninh hơi ghé đầu nhìn tôi đẩy xe, tôi mỉm cười. Lúc dựng xe, chợt khựng, vì chị Ninh đang tiếp khách, là cô bé Thuỷ mà tôi thầm yêu sau lần tình cờ gặp gỡ đầu tiên cũng ở đây, lần ấy tôi hứa tặng cô bé quyển thơ của tôi vất cả chạy tiền in xong cách đây hơn nửa năm, cô bé bảo tôi gửi lại nhà chị Ninh và tôi tự nhủ bâng quơ, nếu hôm nay Thuỷ ghé lấy sách cùng ngày anh tới thăm chị Ninh, khiến xui mình được dịp gặp lại nhau, thì chắc là ‘nhân duyên”, anh sẽ không ngần ngại đuổi theo tình – hôm nay là “nhân duyên” đây chăng, trời ơi! Thuỷ nhìn tôi, gương mặt bầu bĩnh thật dễ thương, khẽ gọi anh Hải. Tôi hơi gật đầu cười. Chị Ninh chỉ tập thơ trên tay cô bé nói Thuỷ tới giờ mới đến lấy sách đó. Tôi tự kéo ghế ngồi, thấy trên bàn có dĩa kẹo mè xửng dở dang. Chị Ninh đi rót nước, dường như cố tình lắc đầu. Thuỷ cuối xuống mân mê những sợi tóc dài.

Chị Ninh đang bước trên con đường bông, đó là khoảng thời gian trời chuẩn bị đày đoạ mỗi nàng con gái, tôi muốn nói sau đoạn đời hoa gấm ấy chị Ninh khôgn khéo sẽ trở thành gái già nếu chị mãi lơ mơ chưa ưng ý về với ai - chắc chắn chẳng phải với tôi! Chị vẫn khoe bàn tay chị là bàn tay cầm quyền chồng, tôi ừ hử qua quít chứ trong bụng cười thầm, tôi lạ gì cái tính mềm yếu dễ rơi nước mắt của chị, cái tính vẩn vơ thương cảm chuyện đâu đâu ấy mà đòi cầm quyền được ai? Lúc nào tôi cũng tự hào mình là người duy nhất đủ khả năng dỗ chị Ninh thôi khóc.

Thuỷ hỏi anh Hải tới chơi, tôi trả lời từ Sài Gòn về chưa kịp ghé nhà đã tới thẳng đây, trong khi chị Ninh đặt ly nước ướp lạnh xuống bàn khua lách cách. Tôi theo dõi từng cử chỉ của chị Ninh bằng đôi mắt ái ngại, chị thản nhiên kéo ghế ngồi cạnh tôi như không có chuyện gì. Tôi mở lời, hôm qua… Chị vội cắt, thôi đừng nhắc tới nữa Hải. Nhưng em nghĩ chị đã buồn. Buồn chi cho mệt xác! - Chị đừng chối. - Đã bảo chị đừng nhắc tới nữa mà! Chị Ninh ôm đầu, mái tóc thả rơi xuống lưng ghế gỗ thảm não như bật thành tiếng rên, mái tóc từng bị chị nhiều bận chẳng nương tay xén ngọn bỏ dưới gốc cây mấy chậu kiểng để đánh dấu, để gọi là có thái độ cùng mỗi chuyện tình đau. Tôi đưa tay thật nhanh như động tác phản xạ, vuốt. Nhưng chị Ninh nhanh hơn, đã vội vàng vén mạnh, tôi hụt hẫng, tội nghiệp cho năm ngón tay que diêm lỡ trớn chạm vào mặt gỗ vô tri, tội nghiệp cho ánh mắt ngu ngơ lúc này hết biết để nơi đâu. Chị Ninh quay lại nhìn thẳng tôi, mặt chị điểm thêm vài hột mè.

Chị Ninh đang bước trên con đường bông, tôi khuyên chị từ nay nếu có người tình thì hãy cố mà tự chủ, cố mà biết cách lọc lừa, cố tạo quanh mình những huyễn hoặc, cố tàn nhẫn, nhất là phải biết coi chừng sự trả thù điên cuồng của con trai khi chúng thất vọng. Chị nghe chăm chỉ và ngây thơ. Tôi hỏi chị đã tặng ảnh cho ai chưa? Chị cúi đầu đáp trong miệng, có, tôi chắc lưỡi trách, chị nên biết mỗi cuộc tình là một chặng đường mưa mùa trơn trợt, chị sao quá dạn chân đến như vậy, chị sao nông nổi coi thường chứng tích để lại nơi tay người đến như vậy?! Chị Ninh ra vẻ sợ sệt nhìn tôi thì thầm, Ninh mới lỡ lần thứ nhất, chắc… cũng không đến nỗi… Tôi nhếch môi cười bằng tiếng thở khì phát ra hai lỗ mũi, thái độ kẻ cả khó ưa.

Thuỷ hỏi có chuyện chi đó anh Hải? - Hôm qua, anh đưa chị Ninh đến một hội quán ở Sài Gòn uống cà phê, anh quen thân với anh nhạc sĩ đảm trách chương trình văn nghệ, anh ta mời chị Ninh lên ngâm thơ làm một tiết mục bất ngờ, sau đó anh ta giới thiệu chị Ninh với các cô ca sĩ đang có mặt, anh ta tếu lắm, mấy cô ca sĩ cũng tếu khỏi chê, vô tình như thế làm chị Ninh nghĩ mình bị các cô ca sĩ xem thường, vậy thôi. -Vậy thôi à? Chị Ninh gắt. Tôi giả lả, ờ thì… tính con trai khác, tính con gái khác. Thuỷ liếc nhẹ, nói ngoe nguẩy, cha… bộ anh muốn nói con gái ti tiện hả? - Anh nói vậy hồi nào? Tôi bào chữa, anh chỉ muốn nói tính con gái hay giận hờn thôi. - Giận hờn cái gì, chị Ninh phân bua, Thuỷ coi, mình là khách, đáng lẽ chúng phải trọng mình chút chứ, phải chị sống hẳn với nghề ca hát cho cam… Nước mắt chị Ninh bắt đầu ứa ra trên khuôn mặt trái soan điểm hột mè. - Khổ thân em chưa! - Hải mà khổ gì - Khổ chứ chị! Nỗi khổ của tôi lồng trong nỗi tấm tức đang dày vò chị Ninh. Nỗi khổ của tôi là nỗi khổ của phạm tội lần đầu, vâng, lần đầu tôi làm chị Ninh tôi khóc. Và hình như nỗi khổ của tôi, bắt đầu len lỏi trong những đốt xương tay rụt rè muốn đưa lên lượm mấy hột mè đang làm vô duyên mặt chị.

Chị Ninh đang bước trên con đường bông, chị bảo ước mơ gần nhất của chị là được chung sống với một người chồng, ít ra, phải biết nhiều về tâm lý phụ nữ, như tôi. Chị vẫn tỏ ra thán phục tôi, khi tôi ngồi cà kê phân tích phản ứng tâm hồn của các cô con gái. Nhưng nếu chị hiểu rõ tôi chỉ là cái máy ma-nhê phát lại lời đấu hót của mấy con mọt sách bạn bè, tôi là thằng ba hoa chích choè, nói năng tía lia cái miệng, còn phần thực hành thì chỉ đạt tới vài phần ngàn là phúc đức lắm rồi, chắc chị sẽ não nề thất vọng.

Nắng xao xác ngoài sân, chợt mát, chợt loà, như lòng tôi xao xác. Tôi ưỡn ngực lên bạo dạn, tôi bị nhút nhát trấn áp, tôi bồn chồn, tôi ráng giữ thăng bằng nhịp đập trái tim, tôi…loạn! Cậu đừng nên dối lòng, ông thầy học cũ tôi bảo, coi chừng khổ sở cả hai người đấy nhé - có lẽ ông nói bằng kinh nghiệm, chắc ông nói đúng! Những đốt ngón tay tôi bây giờ sao nhột nhạt khó chịu lạ. - Thuỷ thấy mình bị coi thường vậy có tức không. Chị Ninh chợt hỏi . - Em đang tức giùm chị nãy giờ đây. - Chị thấy mình nên chịu đựng hết Thuỷ à, đời còn bao nhiêu thứ nữa đáng lưu tâm, quen chịu đựng là hơn. Thuỷ chớp mắt ngó chị Ninh cười khờ khạo. Tôi nhăn nhó, gì đâu mà phải chịu đựng chị? - Chịu đựng chứ! - Chuyện chút xíu… Tôi bỏ lửng câu, thở dài. - Ninh tự ái ghê lắm, với Hải thì chút xíu, chứ còn với Ninh thì sự việc ấy trở thành niềm bại trận lớn, nhưng dù sao cũng chẳng đáng lưu tâm, bọn người tầm thường ấy mà… - Thôi xin chị, tôi vừa khoa tay vừa quay sang Thuỷ cười cầu tài, Thuỷ làm ơn binh anh một chút đi. - Khỏi thèm, Thuỷ còn lâu mới binh anh. - Khổ thân tôi! - Ai biểu. - Biểu gì, anh nào có muốn rắc rối đâu. Tôi vói bóc miếng kẹo trên dĩa, mè rây lấm tấm hai đầu ngón tay.

Chị Ninh đang bước trên con đường bông, chị tìm cách ngồi lại đôi giờ để nhìn mây bay lãng đãng nhìn chim hót vu vơ nhưng thời gian cứ xô cứ đẩy. - Hải thấy Ninh bây giờ có khác xưa nhiều không, năm tháng có ghi lại dấu vết gì trên mặt Ninh không? - Không chị, nếu có chàng trai giang hồ lãng tử nào đó ba bốn năm trước bỏ xứ Biên Hoà này ra đi, ba bốn năm sau chàng ta trở về, gặp chị, hắn sẽ ngạc nhiên kêu lên: Ninh của ngày xưa đây rồi! - Hải không an ủi Ninh đấy chứ? - Chị hãy tin em! Đôi mắt chị Ninh bấy giờ, dưới ánh đèn lờ mờ quán tối, long lanh màu thuỷ tinh ươn ướt, muốn khóc, nỗi mừng pha lẫn niềm hãnh diện vừa tung tăng rơi xuống êm dịu, ngạt ngào. Bóng hình ai đó chắc cũng vừa hiển diện lung linh trong mắt chị, còn tôi trong giây phút này chắc đang tan loãng… Xin tội nghiệp cho những đứa con trai mới lớn, xin tội nghiệp cho những gì gọi là… cao thượng!

Tôi nhai kẹo qua loa, cố tìm mãi một câu duyên dáng momg vuốt ve an ủi chị, cuối cùng nín thinh, uống nước. Mùa thu miền Nam hanh từng cọng nắng trên tóc Thuỷ thắt bím cài nơ, tôi nhón khép cửa sổ cho có việc làm, cô bé cản, thôi anh Hải, coi chừng tối nhà. Tôi đành ngồi, những hột mè trên mặt chị Ninh còn khiêu khích lay theo xúc động da mặt, những ngón tay tôi còn bất lực rõ ràng. Hành động nhặt hột mè quá minh bạch, tại sao tôi không thể làm cử chỉ săn sóc này được? Hột mè, hột mè, lũ mi nghiễm nhiên trở thành gai chông rát mắt ta rồi! - Cũng may đêm ấy băng của cô Duyên không đi xem.

Chị Ninh lại nhắc đến Duyên. Tôi hỏi nếu băng của cô Duyên đi xem thì sao? - Quê chết! Các cô ấy sẽ kháo ầm lên. - Giỡn, các cô ấy mà làm vậy em sẽ táng trẹo hàm hết, tôi chợt nổi nóng nói không suy nghĩ. Duyên là cô bạn cùng lớp thuở mười lăm, hai đứa đều mười lăm, dĩ nhiên thằng con trai chậm lớn và khù khờ hơn cô con gái. Tôi yêu Duyên bằng khủng khiếp điên mê tình đầu. Nàng đáp lại một cách lơ tơ mơ kiểu ỡm ờ con gái Bắc - Duyên và chị Ninh là người Bắc, tôi người Nam - nàng vờn vẽ tôi quay quắt ngã quị xác xơ. Nàng có những ông anh kiêu ngạo. Ông anh kế nàng, tên Đống, chơi với tôi và luôn bỡn cợt tàn ác trên sự đau khổ của tôi chẳng chút xót thương. Khi chợt hay ra trái tìm mình tan nát trước sự thong dong của người tình, tôi oằn oại hờn căm. Tôi nguyền rủa anh em nàng không tiếc lời. Càng nguyền rủa, nhưng mảnh tim tôi càng nát vụn… Chị Ninh không ưa Đống vì vừa mới quen chị, mới lai rai tán tỉnh ít câu, Đống đã tuyên bố trêu tôi: “Tao cua con nào là dính con nấy”, tôi ứa gan đi học lại chị Ninh mong phá đám trả thù. Khi hay tin Đống thi rớt chứng chỉ thứ nhất khoa học cầm giấy gọi đi quân trường, tôi hả hê quá đỗi.

Thuỷ đang nhìn tôi như muốn nói, mà không nói. Tôi dịu lại khi chạm ánh mắt cô bé, ánh mắt ngây thơ hiền hoà, ánh mắt thể hiện một tâm hồn nhu mì và nhạy cảm. Thuỷ có đôi mắt rèm mi đông phương, như buồn buồn, như xa xa, như còn đâm đẫm lệ… Chị Ninh đưa khăn lên chặm nước mắt, tôi khuyên chị hãy khóc nhiều đi để rồi đêm nay ngủ ngon, chị Ninh ôm đầu mếu máo, Hải về đi, đừng nói nữa, để Ninh yên. - Chị đuổi em à? - Ừ đuổi đó, về đi! - Chị đuổi em, em không về. - Người ta bảo đi về, đồ… ngu! Tôi phá cười, dữ hôn, chờ chị chửi nãy giờ, chị cứ chửi tiếp, để rồi đêm nay ngủ ngon. - Trời ơi, lì, đã bảo đừng nói nữa mà! Hải khôgn chịu về thì Ninh đi vậy!

Còn tôi với Thuỷ ngồi nhìn nhau. Con gái mới lớn rất dễ xao động. Tôi muốn nói với cô bé bất cứ chuyện gì ngoài tình yêu, chuyện tình yêu nói lúc này sợ sớm, sợ mất khoảng thời gian yên lặng đậm đà. Ngọn gió tình cờ xô những sợi tóc mây cô bé bâng khuâng, thu miền Nam chỉ thế, cây không trút lá tận tình, sương không đủ mù giăng lối, gió không đủ tấu khúc tàn phai… - Sao anh làm chị Ninh buồn? Khổ quá, anh đã nói chuyện xui ai ngờ trước được. - Thuỷ thấy tội nghiệp chị Ninh quá… Thôi, tốp, chị Ninh kìa. Chị Ninh tươi tắn hỏi hai người đang nói lén gì đó, rồi quay sang Thuỷ, Thuỷ muốn về chưa, năm giờ rồi, chị đưa. - Chơi chút nữa chị. - Còn ông này, chịu về chưa? - Chừng nào chị đưa Thuỷ về thì em về. Chị Ninh ghé ngồi đối diện, tôi lại thấy hột mè lấm tấm.

Chị Ninh đang bước trên con đường bông, tôi thề có trời chẳng bao giờ làm chị thất vọng, dù thất vọng nhỏ nhoi. Nghe chị khoe có nhiều sinh viên kỹ sư Phú Thọ đeo đuổi, tôi cũng mừng giùm chị, cũng lo giùm chị: những tên dốc sức học hành nhiều quá đâm ngờ nghệch với tình yêu, đâm kiêu hãnh như trẻ con, chúng không biết rằng giá trị trí thức chẳng phải được thẩm định nơi mảnh bằng, hạnh phúc vợ chồng cũng chẳng phải do mảnh bằng mang lại. Tôi cố giữ vai trò người nô bộc chăm sóc khu vườn mơ mộng chị xanh tươi, tôi làm sao dám xen vào đời chị nhiều, ôi vai trò người nô bộc!

Hải chụp ảnh được không? - Thuộc hạng khá. - Tối nay đến nhà Ninh khoảng mười hai giờ chụp giùm mấy đoá hoa “công chúa” nhé, tối nay chúng nở đấy. Máy có đèn chứ? - Có…

Tôi thử giơ tay một lần, hai lần, ba lần… vẫn khó khăn kỳ cục, ngượng ngùng. Hột mè dính nơi trán chị vừa rơi xuống, uổng quá! Còn hai hột trên má, làm sao đây? Chúng thế nào rồi cũng rớt. Tim tôi đập mạnh, làm sao, làm sao đây? Chị Ninh lại ướt mắt, lại chặm khăn, tôi thót người. Mấy hôm trước trời hay mưa dầm, chiều nay mong ngóng hoài mà nắng vẫn nắng, lát nữa tôi phải về, làm sao đây? Tôi đưa tay lên thu hết máu liều làm việc làm minh bạch, nhưng vô hiệu. Sự có mặt Thuỷ phải chăng là nguyên do ngượng ngập trong tôi? Không, không phải, vì đây là việc làm có tính cách săn sóc giữa chị em đàng hoàng ngại chi người chứng kiến, tôi lý luận. Có tiếng mẹ chị Ninh từ trên gác vọng xuống hối chị đi chợ mua bánh trái về cúng rằm, tôi như kẻ vũng vẫy trước khi chìm sâu, càng chiến đấu càng sặc sụa. - Chờ con tí mẹ, lo cúng kiếng muộn một tí cũng chả sao, chị Ninh nói vói lên, hột mè run rẩy. - Năm giờ rưỡi Thuỷ về nghe chị. - Ừ, mới năm giờ mười lăm, Hải hôm nay trông hiền tệ, ăn chỉ mỗi miếng kẹo. - Chị sắp nói xấu gì em đây? Đâu dám. - Chị Ninh muốn nói anh thường ngày cố ăn đó Thuỷ, tôi gượng đùa với Thuỷ, cô bé mỉm cười theo. Trời vẫn chẳng đoái thương cho vài giọt mưa.

Chị Ninh đang bước trên con đường bông, mùa xuân đầy dưới gót, tôi âm thầm men theo nhặt từng kỷ niệm đời xanh xanh, nếu thời gian cứ xô đẩy chị ngả nghiêng, tôi xin thề làm kẻ nhặt từng chấm bụi hồng trên người chị đánh rơi mà chị không còn cách chi quay lưng bắt lại. Tôi chạnh lòng thương cho những người dì tự xưng là “gái già hippy” của tôi. Ngày xưa, các dì đẹp lắm, ngày xưa các dì thông minh lắm, ngày xưa, các dì kén lắm… để rồi các dì không hay mình đã hồi nào ra khỏi khu vườn thượng uyển cuộc đời, nuối tiếc nhiều chỉ đem lại nếp nhăn trên khoé mắt, khoé môi… Dưới ánh đèn lờ mờ quán tối, mắt chị Ninh long lanh màu thuỷ tinh đăm đăm vào tôi nhưng chẳng phải nhìn tôi, bọn học trò lêu lổng bàn bên cạnh thỉnh thoảng ngó chị Ninh tinh nghịch hít hà, có lẽ chúng đang chiêm ngưỡng cặp “nhân tình”!

Chị Ninh cảm động kể lể hết cho tôi nghe chuyện sóng gió kể từ năm chị học đệ ngũ bắt đầu nổi tiếng trong trường về tài ngâm thơ, những cậu tú say men bằng cấp, những ông giáo sư đa tình làm chị điêu đứng quá sớm với tình yêu, khóc ấm ức suốt năm này qua năm khác. Tôi vừa trả lời bằng những cái gật đầu vừa thưởng thức nhạc tình sầu phát thanh từ cuốn băng nhựa lăn đều nơi góc quán. Mười giờ. Chị Ninh sợ khuya, đòi về, tôi cố ngồi nán lại để nghe hết bản nhạc của tác giả nào đó đã viết một câu khó quên: “ta cảm ơn tình nhân đã dìu ta đến mộ phần…”

Tiếng mẹ chị Ninh lại vọng xuống hối chị đi mua bánh trái về cúng kẻo tối, chị Ninh hỏi mấy giờ rồi mẹ? - Năm giờ rưỡi rồi con. Thuỷ đứng lên, em về, anh Hải ở chơi. Tôi nghe từng thớ thịt đang chơi trò “u kéo mọi”. Hột mè trên mặt chị Ninh, trời ơi1 Chị đưa Thuỷ ra tới cửa, tôi còn ngồi. Thuỷ quay vô chào tôi lần cuối. Tôi vụt phóng ra, đưa tay hùng dũng nặt hột mè trên má chị Ninh, chị bình thản đứng yên, hai đầu ngón tay tôi dội mạnh…

Nắng chợt tắt, mây đen ùa tới, chuyển mưa to. Tôi đã nhặt hột mè cuối cùng trên mặt chị Ninh, trước khi chết sững…

Nguồn: Tuyển tập Làng Văn 1, 1986. Bản điện tử của Văn Việt.