Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Bảy, 17 tháng 8, 2024

Quyển sách trĩu nặng trên tay

Tuệ Nhân

Cầm trên tay một quyển sách không dày nhưng trong ấy chất nặng những đau thương của đồng bào và chiến sĩ mình trong một cuộc chiến kéo dài mười năm ở biên giới phía Bắc.

Bìa cuốn sách "Những mảnh ký ức 1979 - 1989: Chuyện kể từ biên giới phía Bắc".

Sức nặng của hiện thực và sự hy sinh

"Những mảnh ký ức 1979 - 1989: Chuyện kể từ biên giới phía Bắc" là cuốn sách vừa mới ra đầu quý III/2024, đã được NXB Trẻ tái bản nhiều lần. Không chỉ là một quyển sách, đấy là một trời máu lửa và một núi xương thịt mà di chứng sẽ theo mãi với thời gian. Quan hệ hai nước đã bình thường hóa, nhắc lại không phải để khơi sâu hận thù, mà là để không lơi lỏng cảnh giác, để kiên định quyết tâm bảo vệ chủ quyền đất nước, để công bằng với lịch sử, với những người đã hy sinh để bảo vệ đất thiêng của Tổ quốc. Nhóm thực hiện gồm ba phóng viên Đào Thanh Huyền, Hà Hương, Phạm Hoài Thanh, cùng với sự hỗ trợ của nhiều người tâm huyết. Họ đã đi khắp các tỉnh thành, gặp gỡ và ghi lại hồi ức của gần 120 nhân chứng trong cuộc chiến tranh biên giới từ 1979 đến 1989. Người kể chuyện gồm từ vị phó tổng tham mưu trưởng cho đến anh lính nuôi quân, từ các sĩ quan chỉ huy cấp sư đoàn cho đến anh binh nhì vừa nhập ngũ. Các chiến sĩ bộ binh, pháo binh, trinh sát, thông tin, lái xe, bộ đội địa phương, dân quân, tự vệ… Lời kể của mỗi người có thể dài ngắn tùy theo, nhưng nhóm phóng viên đã chọn lọc chi tiết và cô đọng dung lượng để gây được hiệu quả cao nhất. Có lời kể chỉ một vài trang, có lời kể chỉ hơn 100 chữ mà gói ghém cả một số phận. Cuốn sách vì vậy gây được ấn tượng rất mạnh cho người đọc. Đó là một bức tranh toàn cảnh về cuộc chiến gần mười năm, trải dài 1.400km biên giới phía Bắc. Sách tái hiện cuộc chiến đấu trên các mặt trận, những trận thắng vang dội nhưng cũng có những điểm cao phải qua nhiều lần thất bại mới giành lại được. Để đi đến thắng lợi cuối cùng, quân và dân ta phải chịu rất nhiều tổn thất đau thương, không chỉ đối với người ở biên giới mà cả vợ con gia đình họ ở hậu phương.

Mỗi lời kể một góc chiến trường

Góc nhìn của cán bộ tuyên huấn quân sự Hà Tuyên: trước đó quan hệ với Trung Quốc đang bình thường, nên phải giữ ý từ câu nói, “gọi họ là ‘bộ đội Trung Quốc’, sau này mới gọi là ‘lính Tàu’, thậm chí đánh nhau rồi còn hỏi “nó đi vào đây rồi, giờ có đánh không?’ Không phải dễ đâu, tuy đã có nghị quyết của Bộ Chính trị trước đó, nhưng chỉ trên cán bộ được phổ biến, còn mâu thuẫn giữa ta với Trung Quốc có ai được giải thích đâu, nên lúc đánh nhau khó lắm mới bắn được nhau. Bộ đội địa phương mình khó lắm mới dám đánh, vì nó là bạn, hàng ngày gặp nhau, đi chợ gặp nhau, nhìn thấy mặt nhau, hôm trước hôm sau lại dẫn đầu một đoàn lính lên, hỏi thế có bắn không. Mãi sau khi chiến tranh vào sâu rồi, vào trận rồi thì lúc ấy địch-ta mới rõ ràng” (trang 72). Lời kể tiểu đoàn trưởng Nguyễn Xuân Thu ở Lạng Sơn: pháo đài Đồng Đăng bị đánh sập sáng 22/2/1979 “ước tính quân Trung Quốc dùng gần 1 tấn thuốc nổ TNT đánh sập cửa. Sau đó địch dùng súng phun lửa và phun hơi cay. Tôi nghĩ nó phun cả chất độc hóa học, nên người trong đấy chết hết”. Khoảng 80 cán bộ chiến sĩ và mấy trăm người dân bị chôn vùi trong pháo đài (trang 40). … Mục tiêu của Trung Quốc là ‘sáng ăn cơm ở thị trấn Đồng Đăng, tối ăn cơm ở thị xã Lạng Sơn, ba ngày sau thì có mặt ở Hà Nội’. Nhưng nó không làm được việc ấy, từ Hữu Nghị Quan vào đến thị xã Lạng Sơn khoảng 18 cây số mà phải 10 ngày sau địch mới vào được, mỗi ngày tiến được 1,8km. Như vậy để thấy sức chiến đấu của bộ đội ta lúc bấy giờ mạnh mẽ như thế nào” (trang 42). Sư đoàn phó kiêm tham mưu trưởng F313 Bùi Như Lạc: “Chiến thuật của Trung Quốc nằm trong điều lệnh chiến đấu: lấy 3 thắng 1, 6 thắng 1, 9 tháng 1. 3-6-9, tức là chiến tranh kiểu gì thì Trung Quốc cũng phải huy động quân gấp bội đối phương. Hỏa lực cũng nhiều hơn. Địa hình mà hiểm trở thì Trung Quốc lại càng huy động nhiều quân, vì hiểm trở thì quân chỉ lên theo một vài đường chứ không vây xung quanh được. ‘Biển người’ ở những nơi hiểm trở biến thành ‘đuôi dài’, họ trải ra để đánh liên tục, tấn công nhiều đợt, thời gian đánh kéo dài. Có những trận kèn thổi e e là quân nó lên kín luôn, mình bắn chết thằng này thì thằng khác lên, cứ ầm ầm nó lên, mà nó không lui đâu, nên nó chết nhiều” (trang 198). Chiến sĩ đại đội 17 súng cối ở Vị Xuyên 1985: “Đuốc đi xuống Hà Giang lấy lương thực thực phẩm về, qua chỗ hầm bọn tôi đang trực. Uống chưa hết ngụm trà, Đuốc nói: ‘Thôi em về nấu cơm cho anh em, không không kịp’. Chưa được 30 phút thì điện thoại của đơn vị điện sang, báo ‘Đuốc chết rồi’. Đồng chí ở hầm bên đấy nói Đuốc bị DKZ đuổi, tránh được 2 quả, vào tới cửa hầm thì dính quả thứ 3, nổ không còn một cái gì. Gom xác vào được một ký thịt” (trang 245). Chiến sĩ đồn biên phòng 207 Quảng Ninh kể về người bạn cùng quê: “Tôi về nghỉ phép, bố của Lin gửi cho cậu ấy hai cái quần đùi với hai tờ 5 nghìn đồng. Lin nhận quà, đưa cho tôi một cái quần đùi, bảo “tao một cái mày một cái”. Hôm 1-3 Lin hy sinh, bị súng bắn tỉa bắn thẳng vào mắt, đạn xuyên đằng sau, tôi úp cái mũ che mặt cho Lin rồi tiếp tục chiến đấu. Về sau, tôi là người lấy hài cốt, sang áo cho Lin, lúc bố của Lin lên. Lúc đó mới thấy Lin bị một mảnh pháo bằng hai đầu ngón tay phạt vào sọ. Trong túi Lin vẫn còn hai tờ 5 nghìn đồng, hơi ô ố tí thôi. Anh em mình chết khoảng chục ngày, khi chôn đều bọc hai ba lần bao tử sĩ, nên khi đào mộ thì đa số mới tiêu được phần đầu phần chân, còn phần ngực chúng tôi phải mang ra để đẽo” (trang 117). Tiểu đội trưởng trinh sát đồn biên phòng 207: “Trước khi rút quân, Trung Quốc gài rất nhiều mìn. Chúng gài khắp nơi, từ quả bí đỏ đến nhà vệ sinh… Thường khi gặp đồng đội nằm trên mặt đất, chúng tôi kéo xem địch có bẫy gì không, nhưng Kim Lập nằm sấp dưới giao thông hào, mấy anh em vừa nâng người Lập lên thì mìn do Trung Quốc cài nổ tung cả xác, có cậu trong nhóm chúng tôi bị thương vào bụng, quần áo dính bọ giòi” (trang 121). Đi thu dọn chiến trường “về sau nghĩ lại mới thấy kinh. Bộ quần áo mà dính giòi bọ thì không bao giờ hết được, có dùng xà phòng giặt cũng không ra hết, mà có nhiều quần áo để thay đâu nên phơi khô rồi vẫn mặc, lâu lâu còn cạy ra cả con sâu” (trang 122). Có những mặt trận, ta đã biết trước Tàu sẽ đánh sang, nhưng có nơi đã hạ mức cảnh báo nên bị bất ngờ. Vẫn có nơi xảy ra tình trạng không chủ động thế trận, không chủ động sơ tán dân từ trước, thiếu lương thực đạn dược… Một trợ lý quân khí kể: quá thiếu vũ khí, vũ khí chi viện gửi lên thì “để trong thùng gỗ, các đơn vị dưới xuôi bảo quản bằng cách đổ mỡ ngập đến khi nó đông cứng. Lúc đánh nhau không biết làm thế nào để thông hết mỡ ra khỏi súng. Tháng 2, Lạng Sơn rét lắm, dân đã chạy hết, may mà họ trữ lắm củi, mình vào nhà trống, kiếm cái vạc đổ nước đun, nước sôi thì thả cả khẩu súng vào để cho tan mỡ” (trang 65). Chiến tranh không chỉ ở trên các mặt trận. Nó là thảm họa trực tiếp với cả người dân. Có những lâm trường, trường học và làng bản bị quân Trung Quốc vào chém giết và tàn sát hàng loạt. Một chiến sĩ ở Cao Bằng đi thu gom liệt sĩ kể: “Có một người mẹ còn địu đứa con, Trung Quốc đập đầu người mẹ, đứa con không có vết thương gì, chứng tỏ nó đẩy cả mẹ cả con xuống giếng lúc đứa con còn sống” (trang 84). Nữ y tá trạm y tế Hoành Mô: đi sơ tán cùng một đoàn người dân, lưng địu con tám tháng, vai gánh đồ, bên hông đeo túi cấp cứu. Trong đoàn chạy giặc “ba chị đẻ ở sân kho hợp tác, tôi đỡ đẻ cho cả ba” (trang 125). Đang lúc chiến sự ở Vị Xuyên 1985, mười cô vợ lính từ Hà Nội lên thăm chồng. Trung đoàn trưởng Nguyễn Nhớ gọi cho trung đoàn phó: ‘Anh đừng cho các cô ấy vào, vào đấy là chết toi. Có những đứa nào? Tôi cho về phép’. Cũng liều thật đấy. Mấy thằng được ra làng Pinh gặp vợ, đi cắt tóc, tóc đứa nào cũng dài, như là khỉ ấy. Tôi cho chúng nó về phép 15 ngày, có xe đưa về Hà Nội đàng hoàng. Đợt đấy, mười đứa, đứa nào cũng có con” (trang 247). Ở hậu phương, tinh thần chiến đấu cũng dâng đầy khắp đất nước. Một nữ sinh lớp 9/10 ở Hà Nội, chủ nhật 18/2/1979 vẫn dẫn cả lớp đi chơi chùa Thầy như đã hẹn trước, khi về bị “kiểm điểm lên kiểm điểm xuống” trước trường và phụ huynh. Nữ sinh kể: “Khi chủ tịch Tôn Đức Thắng ra lời kêu gọi tổng động viên ngày 5/3/1979 cả lớp chúng tôi viết đơn xin ra trận, có 17 chữ ký và một lá đơn viết bằng máu” (trang 162). Cuốn sách cũng tái hiện một phần di chứng của chiến tranh qua số phận người lính và người thân của họ. Khẩu đội trưởng 12ly7 đồn biên phòng 207 bị cụt tay phải Bùi Văn Huy: “tháng 10-1979 được đi dự đại hội tuổi trẻ anh hùng bảo vệ Tổ quốc ở trên Hà Nội. Kết thúc đại hội, tất cả đứng dậy vỗ tay hát bài ‘Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng’, không còn tay nữa nên tôi mặc cảm, đi lùi lại đằng sau. Nghĩ cũng tủi thân, nghẹn hết cả cổ, chảy nước mắt, năm 1979 tôi mới 20 tuổi, nghĩ người ta có hai tay, hát, vỗ tay, mình thì không còn tay nữa… Về nhà, ông già cứ động viên bảo ‘thôi con ạ, trong cuộc chiến con còn may hơn những đồng đội của con, bạn bè của con giờ nằm lại trên đấy” (trang 120). Vợ liệt sĩ Lộc Viễn Tài, trưởng đồn công an vũ trang Lũng Làn: “Tôi với ông Tài cưới nhau năm 1964. Ông ấy đi bộ đội, không có nhà, người già đi hỏi vợ cho, chú em phải đóng vai chú rể hộ. Tôi lên thăm chồng được bốn lần ở Mèo Vạc. Lúc trước còn không nói tên nhau, xấu hổ mà. Ông ấy không ở nhà, cứ đi suốt đến lúc mất, thỉnh thoảng mới về mà về thì đi luôn. Người khác thì hôm nay về ngày mai mới đi, còn ông ấy đạp cái xe tạt qua nhà, gói cơm mang đi, ở nhà cũng không nói gì cả, ít nói lắm. Đầu 1979 ông ấy về một lần. Lúc ông ấy mất, nhà nước cho 1 tạ gạo và 2 cái chậu men” (trang 70). Sau gần mười năm, biên giới rồi cũng im tiếng súng. Ông chánh văn phòng UBND huyện Hải Ninh 1979 Bùi Hữu Thiềm kể: “Mùng 5/2/1989 là ngày 30 tết, tự dưng dân Trung Quốc ùa sang bên Việt Nam, gần đền Xã Tắc, thành phố Móng Cái. Phải vài trăm người đi qua sông, dày đặc. Trời thì lạnh mà người lội nước, người chèo đò, họ sang cùng ăn tết. Cũng có người bảo sao không bắn đi, vì khi thấy dân biên kia biên giới tràn sang lại tưởng là có biến, nhưng mà không, họ sang tìm người thân họ hàng. Nhiều gia đình bên mình mời vào ăn trưa, rồi cho bánh chưng, rồi trò chuyện, trao đổi với nhau. Những ngày sau đó, mùng 1 tết rồi mùng 2, mùng 3 tết… họ cứ thế sang đất mình. Coi như ngày 5/2/1989 ấy là mở đầu cho bình thường hóa quan hệ trong nhân dân. Ngày ấy cũng đáng được ghi vào lịch sử rằng mối quan hệ được bắt đầu từ nhân dân” (trang 276).

Cơ hội để lắng nghe từng nhân chứng

Kể từ ngày 17/2/1979 khi Trung Quốc tấn công các tỉnh biên giới Việt Nam, đã gần nửa thế kỷ trôi qua. Rất nhiều cán bộ chiến sĩ giờ đây đã cao tuổi. Nhờ tâm huyết và nỗ lực của nhóm phóng viên, lời kể của các nhân chứng mới được ghi lại kịp thời trước khi họ không còn cơ hội để hồi nhớ. Công trình này có thể là gợi ý cho chính nhóm tác giả và cả các phóng viên khác để sớm thực hiện tiếp công việc đầy ý nghĩa. Dù rất công phu, cuốn sách qua những lần tái bản sẽ còn được bổ sung một vài mặt trận còn thiếu ở bản in đầu, do chưa tiếp cận được các nhân chứng. Cuốn sách thực sự bổ ích, đặc biệt với thế hệ trẻ và với những người làm sử giáo khoa. Hãy đọc cùng nhau, ta sẽ gặp 120 nhân chứng trong số hàng nghìn người còn sống mà chưa có dịp kể lại. Chắc chắn sách cũng là nguồn tham khảo rất tốt cho những người nước ngoài nghiên cứu về Việt Nam học. Gần 300 trang sách khổ lớn, được minh họa bằng tranh ảnh, bằng những số liệu, bản đồ… dung lượng không nhiều mà ta không thể nào đọc được một mạch. Chỉ vài ba chục trang là phải bỏ xuống nghỉ, vì có rất nhiều trang làm thắt lòng người đọc.