Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Thứ Ba, 20 tháng 8, 2024

Làm u

Văn Giá "Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa"... (Nguyễn Duy)

Thế là hai mẹ con lại mặt nặng mày nhẹ với nhau. Đúng là mẹ chồng nàng dâu. Khổ ghê lắm cơ. Nào có chuyện gì ghê gớm đâu. Chỉ có mỗi chuyện cụ hay nói tục. Mỗi lần xem trên TV, thấy cái bọn nào leo lẻo ngoài mồm nói suông nói hão là cụ bảo: “Ỉa vào mồm ấy”. Mà bất kể vào lúc nào, cả cái lúc nhà đang ăn cơm cụ cũng không tha. Cô con dâu của cụ thì là cô giáo, cô giáo cấp ba hẳn hoi. Lại là cô giáo dạy văn. Các cháu cụ thì đang học cấp một cấp hai, chúng đang còn bé, đang cái tuổi học ăn học nói…

Hà nói như khóc: “Con đã nói với bà bao nhiêu lần rồi. Bà cứ nói tục như thế thì con làm sao dạy các cháu được”. “Tao cứ nói thế đấy. Thế mày bảo tao nói đúng hay là sai nào?”. “Đúng sai con không biết. Nhưng bà nói thế là nói tục, nói bậy”. “A, mày bảo tao nói bậy à. Tao thì ỉa vào mồm mày ấy chứ. Mày vào hùa chúng nó à. Mày tưởng mày hay hớm lắm đấy à. Mày đi dạy dỗ trẻ con, mày tưởng mày không nói điêu nói bậy a? Đừng khinh già này nhé. Già này biết cả đấy. Có muốn nói ra hay không thôi”. “Thôi, thôi, bà ơi…” Tuấn đang làm việc trên gác, nghe thấy mẹ con xô xát nhau, chạy xuống, lập uy với vợ cho phải phép: “Hà, im ngay, không được cãi bà”. “Bà về ở với bác cả thì về, con cũng không giữ nữa…” Hà nể chồng, tức tưởi, nói vớt một câu, rồi xì mũi, bê chậu quần áo bỏ vào máy giặt. Tuấn biết tính nết bà cụ lắm. Nếu cãi giả cụ thì cụ cứ gọi là làm cho lanh tanh bành lên. Lanh tanh bành xong cụ lại cho qua, lại quên hết, lại coi như không có chuyện gì. Tài thế. Nhưng có thật là coi như không có chuyện gì không, hay là cố làm ra vẻ vậy? Cứ xét như bản thân Tuấn. Sau khi có chuyện với ai, to tiếng với ai, Tuấn không thể lại coi như không có chuyện gì được. Mặt Tuấn cứ nặng chình chịch. Gặp giữa đường Tuấn cũng không thèm nhìn chứ đừng nói là chào. Tuấn không có cái kiểu đãi bôi… Bà cụ chả biết ngoài đời thế nào, chứ đối với con cái trong nhà, lắm khi cụ mắng như xúc đất đổ đi. Con cái chớ có cãi lại. Đứa nào im mồm thì cụ tha cho. Đứa nào cãi giả thì chết với cụ. Im mồm một lúc, chờ cụ hết cơn, rồi cụ lại tự bắt chuyện, lại đon đả như thường. Tuấn đã bảo vợ rồi. Thế mà Hà lắm khi vẫn không nhịn được. Hà bảo: “Tức lắm cơ. Em cứ phải cãi một câu, rồi muốn ra sao thì ra. Nhịn gì chứ đến nước ngồi trong bữa ăn, trước mặt các cháu, nói tục nói bậy là em không chịu được”. “Thôi, thôi” - Tuấn làm hòa theo cái cách chuyển sang vui đùa vẫn thường làm mỗi khi vợ giận - “Em xem, nói tục cũng là cách nói hiệu quả lắm đấy chứ chẳng chơi đâu. Ít ra thì cái tính khẳng định, phủ định nó cao lắm, quyết liệt lắm, mà diễn đạt thông thường không thể có được. Khi cụ nói cái chữ ấy, tuy nó không được nhã lắm, nhưng thái độ như thế là ghê gớm lắm đấy, cái sự khinh bỉ là tột cùng đấy”. “Ối dào, em không nghe cái thứ lý luận ma mị của anh. Tóm lại, anh có muốn cho con học nói tục như bà không?”. Tuấn cười trừ… Hà đi rồi, Tuấn mới lân la hỏi mẹ chuyện trên TV vừa rồi là thế nào. Bà bảo: “Mày tính, cái thằng Trương nhà ngoài đầu ngõ kia kìa, hôm nay nó trèo lên vô tuyến, nó leo lẻo về nghề giáo, về sự nghiệp trồng người. Rằng làm thầy phải chính trực, liêm khiết, tấm gương sáng cho học trò noi theo. Nào là… Cái gì, à, chống tiêu cực tiêu cò… Chó nó nghe, không biết ngượng mồm. Thế mày tính, ngộ nhỡ những cái đứa mọi khi cứ rồng rắn lên mây hết tốp này đến tốp khác chầu chực chờ vào nhà cái thằng đấy để nộp phong bì chạy điểm, nay chúng nó nghe thấy thì chúng nó nghĩ thế nào. Giáo với chả mác”. Tuấn bảo: “Thôi, bà kệ người ta. Mình biết thực hư thế nào mà bàn”. “Lại không nữa ư. Tao nói điêu cho người ta thì giời bắt tao méo mồm. Cả xóm này ai chả biết. Cái đám học trò, toàn lớn tướng cả rồi, lắm hôm đến đầu ngõ mới tập trung rủ nhau làm phong bì, cãi nhau ỏm tỏi, đứa thì bảo mỗi đứa trăm rưỡi, đứa thì bảo chỉ một trăm thôi. Các ông các bà trong xóm, ai mà chả nghe thấy. Ở bên cạnh cái loại giáo mác ấy, đến tao cũng ngượng lây”. “Thế mà người ta cứ lên vù vù đấy u ạ. Nghe đâu mới được cất nhắc chức phó phiếc gì đấy. Phó một trường đại học là to phe lắm chứ u tưởng”. “Phó gì loại ấy. Có mà phó cối”. Cả hai u con cùng cười… Tuấn nhớ ngay ra cái chuyện của thằng cu cháu họ đang là sinh viên trường đại học nọ. Nó bảo: “Trường cháu thi cử học hành cứ là tiền, tiền, tiền. Nó thành lệ thâm căn cố đế rồi”. Tuấn phản đối: “Nghề nào thì cũng có dăm bảy loại. Đâu phải tất cả các thầy cô đều thế?”. “Ơ, chú như người trên mây. Cháu đã có bảy kỳ thi rồi chú ạ. Kỳ nào cũng như kỳ nào. Cả lớp góp money vào, cử ban đại diện đến nhà thầy. Không có là ra bã ngay. Có ông còn gợi ý thẳng trên lớp ấy chứ chú tưởng”. “Thế thì dạy dỗ cái quái gì. Không biết ngượng mồm à?” Thằng bé cướp lời: “Ông ta đứng giữa lớp dõng dạc: Các anh chị nên nhớ, điểm mười phần trăm thì tôi cho 10 hết. Điểm hai mươi phần trăm, tôi sẽ nâng cho mỗi người một điểm. Còn điểm bẩy mươi phần trăm thì tôi sẽ cố gắng can thiệp”. Mặt Tuấn cứ ớ ra. Nó lại phải giải thích, điểm mười phần trăm là điểm tính vào cái sự chuyên cần, lên lớp có đủ giờ không, có dám cương mặt cãi giả thầy không. Điểm hai mươi phần trăm là điểm kiểm tra giữa học kỳ. Còn điểm bảy mươi phần trăm là cái điểm giết người nhất - điểm thi hết môn. Nó dài môi: “Tôi - sẽ - cố - gắng - can - thiệp” rồi phán một câu thẳng tưng: “Chú hiểu chưa. Cái thời chúng cháu đi học bây giờ còn nhục hơn chó, chứ đâu được sướng như cái thời các chú với bố mẹ cháu”. Tuấn im không nói gì… Mẹ Tuấn vốn là người nhà quê ra phố. Ban đầu bà đi buôn. Mà buôn gì ghê gớm lắm đâu. Bà đi buôn bột sắn dây. Bà có cái tay nghề (thời nay gọi là công nghệ) làm bột sắn dây công phu lắm. Bột của bà bao giờ cũng mịn màng, sờ mát lạnh tay. Khi hòa vào nước là tuyệt nhiên không có cặn ở đáy cốc. Mà bọc giấy để trong hũ sành có dễ đến chục năm cũng không mốc bao giờ. Ai muốn bà ướp hương bưởi thì bà ướp. Có người lại muốn để mộc. Mộc cũng có cái hay của mộc. Mỗi lần đi cùng với các bạn hàng khác, hàng của bà bao giờ cũng hết nhẵn, không có để mà rải đủ cho khách. Gớm, có bận hết hàng, còn mất lòng khách nữa chứ. Họ bảo bà: nhất bên trọng, nhất bên khinh. Cứ thế, uy tín của bà vang lừng khắp Hà thành. Bà có một tín niệm: thà có chết đói cũng không làm điêu. Nói điêu méo mồm. Thế là, hầu hết các cửa hàng ở hai phố Hàng Điếu và Hàng Than đều muốn có hàng của bà để bán. Ban đầu một mình bà làm không xuể. Rồi bà tập hợp chị em trong làng trong xã cùng làm. Bà dạy cho họ cách làm, yêu cầu làm thật chất lượng, bà chỉ nhận những hàng đúng ý. Bà lại trả cao hơn giá thường. Ai làm cho bà cũng hỉ hả. Bà giàu có lên từ đấy. Rồi bà mua nhà. Mua luôn nhà ở phố Hàng Rươi, phố cổ hẳn hoi. Xong, bà đưa cả ông, cả một lũ một lĩ con cái lít nhít từ quê lên. Cả nhà đình huỳnh giữa phố. Bà vẫn giữ nguyên nghề cũ. Các bạn hàng của bà ở quê, cứ thế mang hàng lên cho bà. Không ai dám làm điêu. Điêu một lần là chết với bà, bà cạch mặt ngay. Bà bảo: “Đứa nào làm ăn với tao, sau một thời gian cũng đều khấm khá lên, đều tử tế ra cả. Không đứa nào còn cái thói lươn lẹo, dối dá. Mà chúng nó trước sau như một lắm. Từ chỗ bạn hàng thành chỗ tình thân. Bây giờ u chúng mày về quê, u có ở cả năm cũng không hết chỗ mời”. Nói xong bà cười hí hách… “Nói điêu méo mồm”. Cái câu cửa miệng của bà được cả nhà nói theo, từ con giai con gái con dâu đến các cháu các chắt. Hễ thấy ai có hơi hướng nói quanh nói quẩn, giấu giấu giếm giếm là tất cả đồng thanh: “Nói điêu méo mồm”. Lắm lúc Tuấn nghĩ, mẹ Tuấn có cái cách dạy dỗ con cái thật lạ, chẳng giống một ai. Bố Tuấn mất sớm. Sáu anh chị em lớn lên nhờ vào mình mẹ. Trong nhà của Tuấn, quả thật chẳng mấy khi thấy ai điêu hớt. Tuấn đi vào đời cũng cứ thật như gói bột sắn dây của mẹ. Vợ Tuấn có lần bảo: “Anh đừng có tin người quá. Đừng có tốt quá với ai. Lắm khi lòng tốt của anh nhầm địa chỉ đấy”. Tuấn cãi. Vợ anh đưa ra mấy ví dụ. Tuấn đành im. Lúc sau, Tuấn vớt vát: “Có thể trong một lúc nào đó anh nhầm, anh chịu thiệt thòi thật đấy. Nhưng nhìn vào toàn bộ cuộc đời anh, chắc chắn là anh lãi. Lấy của đời, đời đòi lại bấy nhiêu. Cho đời, đời sẽ đền đáp lại. Cuộc đời cũng biết lập nghiêm lắm đấy em ạ. Đấy, rồi em xem”. “Ôi dào. Nói chuyện với anh mệt lắm!”. Vợ Tuấn hạ một câu bất lực rồi ngúng nguẩy bỏ ra chỗ khác… Cuộc đời mẹ Tuấn cũng lắm éo le. Năm bốn sáu bốn bẩy, cái năm tiêu thổ kháng chiến, lúc ấy bà có đến ba nhà ở cùng dãy phố Hàng Rươi. Bà có sáu đứa con, hai gái, bốn trai. Bà tính, đang lúc có tiền, cứ mua để đấy, sau này dựng vợ gả chồng cho con thì cũng có nhà cho chúng nó. Nhưng khi tiếp quản 1954, nghe theo lời “trên” vận động, bà hiến tặng nhà nước hai căn nhà. Còn một nhà giữ lại. Cán bộ “trên” từ chiến khu về đông lắm, ai cũng cần nhà ở. “Trên” kêu gọi tiếp, bà lại cho cán bộ ở nhờ gian ngoài, cả nhà bà xúm xít ở ngăn trong. Nhà ở phố là nhà hình ống. Một cái sân trời ở quá giữa. Đằng sau là bếp nước, nhà xí. Mỗi khi muốn ra phố, cả nhà bà lại phải đi qua gian nhà ngoài của ông cán bộ. Ông cán bộ người mạn trong, ở một thời gian, ông đưa cả vợ cùng bốn đứa con lau nhau đến ở cùng. Kể ra ở bên trong, mỗi lần ra vào thật bất tiện. Lắm hôm người ta đang ăn cơm, hoặc có khách, đi qua đến phiền. Bà tính, hay là cho gia đình nhà ấy ở nhờ trên gác phía gian trong. Bà gặp ông cán bộ, nói. Ông bảo: “Tôi ở ít bữa nữa rồi thì cũng trả bà thôi. Chuyển đi chuyển lại cũng lỉnh kỉnh. Thôi thì bà thông cảm cho. Ít tháng nữa tôi đi chỗ khác”. Được lời, bà cũng kệ. Ừ thì giúp người ta. Người ta ở mạn trong, xa nhà xa cửa. Làm phúc cho người ta vài ba tháng nữa, có thiệt hơn gì… Thế rồi, một hôm, Tuấn chạy về, băn khoăn hỏi mẹ: “U ơi, nhà bác Tính ở ngoài kia đi đâu rồi ấy. Bây giờ toàn người lạ hoắc lạ hơ thôi u ạ”. Bà chạy ra xem thực hư ra sao. Ông chủ mới râu ria, mặc com lê ca vát lịch sự, đeo kính trắng bảo bà: “Tôi đã mua ngôi nhà này. Có giấy chứng nhận của Sở Nhà đất đàng hoàng. Tôi định thư thả vào báo với bà. Dẫu sao cũng là hàng xóm láng giềng với nhau”. Bà nghe mà rụng rời chân tay. Bà kêu: “Không được. Không được. Nhà của tôi. Tôi cho mượn. Sao lại bán. Bán là thế nào?” Ông đeo kính trắng ôn tồn: “Thế nào là thế nào. Thuận mua vừa bán. Tôi trả tiền đàng hoàng. Tôi có ăn quỵt của người ta đâu”. Bà kêu lên: Ối giời đất ơi, sao lại thế này được. Sao lại thế này được hả giời. Tôi phải đi tìm nó. Ông nói cho tôi biết nó ở đâu?” Nó đây là người “trên” ở nhờ. “Tôi không biết ông ta ở đâu. Chim trời cá nước, tôi biết làm sao được”. “Tôi phải đi kiện. Tôi kiện. Tôi kiện tận củ chấy nhà chúng nó”… Kiện ư? Kiện củ khoai. Trong một trật tự mù mịt và hoang dã đang lần mò cách thức tổ chức đời sống này thì kiện, kiện cái gì. U ơi, u lẩm cẩm rồi. U để chúng con yên ổn làm ăn, học hành. Phố phường nó bảo u là cái mụ phản động đấy. Con cái khuyên can, bà không nghe. Tuấn, cái thằng con út học giỏi nhất nhà, bà cưng yêu nhất, bảo, bà cũng không nghe. Có hôm đang ngồi ăn cơm, bà quẳng bát cơm xuống, rồi lao vào buồng, bà khóc dấm dứt. Con cái đưa mắt liếc nhau, im lặng. Thôi, nhà mình đầu chày đít thớt. Giai cấp cần lao. Thấp cổ bé họng. Chẳng thằng nào có mẽ làm chức sắc. Toàn một lũ làm thợ. Không có thằng nào có tướng làm thầy. “Cử nhân cử nheo như chúng mày vứt hết. Chả có đứa nào mở mày mở mặt với thiên hạ cho u nhờ”. Bà bảo thế. Nhưng đừng tưởng bà chịu buông xuôi đâu nhé. Mấy anh em Tuấn kháo nhau bà có đến hàng trăm cây vàng để dành. Chắc chắn là thế. Chứng cớ là có hôm nghe bà than: “Bọn chó. Hôm nay phải đấm mõm nó hai triệu mà chắc gì đã xong việc. Chả biết nó có ký cót cho không?” Có hôm Tuấn thấy bà dấm dúi đưa cho anh cả một cái bọc, rồi bảo: “Mày mang ra ngoài hàng quy ra đô cho u. Rồi về ngay chở u đi nhé”. Tuấn không rõ bà chạy chọt thế nào, kiện cáo thế nào. Không ai nói cho Tuấn biết. Tuấn là con út trong nhà. Hỏi anh cả anh hai, bị lừ mắt, đe nẹt: “Việc của chú là học. Ra trường. Đi làm. Việc nhà đã có u với các anh, không cần phải chú lo”. Đã thế thì Tuấn mặc kệ. Tuổi anh đang là tuổi yêu. U với các anh không cho xía vào việc nhà thì Tuấn đứng sang bên. “Thỉnh thoảng u cho con đủ tiền mua sách vở, đủ tiền tiêu vặt là được rồi”. Mẹ Tuấn bảo thế. Tuấn cứ một lòng yên trí thế... Câu chuyện kiện cáo diễn ra dễ có đến hai ba chục năm. Hai ba chục năm? Chả thế ư? Chứng cớ là Tuấn đã tận mắt thấy lúc u cãi nhau với cái ông đeo kính từ khi Tuấn học lớp sáu lớp bảy gì đấy. Bây giờ Tuấn đã một vợ hai con. Bây giờ u đã già rồi. Lưng bà vẫn ngay, không còng. Bà vẫn ăn giầu thuốc. Nhưng giọng bà không còn vang như trước nữa. Bà cũng ít quát tháo hơn. Nhất thanh, nhì dáng. Giọng bà yểu rồi. Bà hay than thở hơn là quát tháo. Một hôm bà về, sai anh cả gọi thợ đến. Bà lại sai anh hai anh ba gọi bạn bè chiến hữu đầu gấu đầu bò đến. Bà gọi gạch, xi, cát về. Bà cho xây ngăn thành lối ngõ vào gian trong. Lúc bắt đầu xây, ông đeo kính nhà ngoài đứng lên chửi. Bà không nói gì. Bà cứ cho đặt gạch. Mấy anh của Tuấn cùng “đồng bọn” đeo kính đen lảng vảng xung quanh. Bà ra lệnh: “Đứa nào cản trở, các con không được đánh. Nếu nó nói láo, cứ nhét cứt vào mồm cho u. Cấm không được gây thương tích nhé”. Cuộc xây ngõ diễn ra trong một sự im lăng ngột ngạt. Sau hai ba tiếng đồng hồ, một cái ngõ được hình thành. Rộng 1 mét, sâu 7 mét, ăn vào lòng nhà của gian ngoài vị chi là 7 mét vuông. Bẩy mét vuông là một đống vàng. Tối hôm ấy, bà không ăn cơm. Bà lên thắp hương bàn thờ ông. Bà khóc lăn khóc lóc: “Ối ông ơi, tôi không giữ được nhà cho các con ông ơi. Ông tha tội cho tôi ông ơi. Hôm nay tôi xây thành cái ngõ riêng rồi ông ơi. Chỉ được có thế thôi ông ơi. Hơn ba chục năm giời đi khiếu đi kiện mới được thế đấy ông ơi. Ông hiểu cho lòng tôi ông ơi…”. Cứ thế, bà khóc như mưa như gió. Tuấn chạy lên. Anh cả túm áo lại: “Đừng lên. Để cho u khóc”…

Tuấn là đứa con út được cưng nhất nhà. Bà đã cho vàng mua nhà ở riêng rồi. Bà lo cho đâu vào đấy. Không một đứa con nào phải chịu thiệt hoặc dám suy bì. Giờ thì bà đã già. Các con muốn bà ở hẳn với một ai đó. Bà không chịu. Năm nay bà thấy yếu trong người. Bà gọi Tuấn vào bảo: “U muốn về ở với vợ chồng mày có được không?”. Tuấn hơi bất ngờ nên ngần ngừ chưa kịp trả lời. Bà liền bảo: “U còn mấy chục cây vàng phòng khi tuổi già. Tao về với chúng mày không phải về tay không đâu”. Tuấn khóc. Bà hiểu sai ý Tuấn. Tuấn bảo: “U về ở với chúng con thì nhất rồi. Nhưng con chỉ sợ bác cả tự ái. Nếu các anh các chị đồng ý thì con đón u về với chúng con ngay”… Cuối cùng thì bà về ở với vợ chồng Tuấn. Tuấn làm ở viện nghiên cứu Kiến trúc Đô thị. Vợ Tuấn là giáo viên văn cấp ba. Hai cậu con trai quý tử của Tuấn đứa đang cấp hai, đứa đang cấp một. Bà thì cứ hay nói tục. Mà cũng chẳng tục tĩu gì nhiều. Không như cái đám choai choai, mở mồm là đầy những cơ quan sinh dục đựơc gọi bằng các từ thuần Việt bắn ra như cơm vãi. Bà chỉ có mỗi một câu: “Ỉa vào mồm ấy”. Tuấn chịu. Vợ Tuấn cũng đành bất lực. Được lòng u thì lại mất lòng vợ, nhưng rồi thì đằng nào vợ cũng sẽ hiểu ra. Được lòng vợ mà mất lòng u, Tuấn không muốn. U già rồi. U sống được mấy năm nữa đâu. Thôi thì… Tuấn nhớ, một hôm Hà vắng nhà, bà gọi Tuấn vào phòng bà, vừa nhai giầu, bà vừa nói: “U định nói với mày chuyện này đã lâu, nhưng thấy mày công việc vất vả, cứ sấp sấp ngửa ngửa, lại thôi. Nay thì u nói. Vợ chồng cũng nên lựa lời mà nói với nhau. Mấy lần, tao thấy cái Hà nó nói chuyện với học sinh, chắc là cái lớp nó chủ nhiệm chủ nhiếc gì đấy, nó bảo: Cô thì cô không mở lớp dạy thêm. Nhưng mấy thày cô khác mở lớp tại nhà thì cô cấm không đứa nào được vắng mặt nhé. Vắng mặt mà sau này điểm chác thế nào là cô không cứu được đâu, rồi đừng có trách cô không nói trước. Mày bảo nói thế thì là thế nào. Có đời nhà ai nó không muốn học lại cứ lùa nó đi thì còn ra thể thống gì nữa. Học sinh, rồi phụ huynh, người ta khinh cho. Nhà mình từ ngày còn bố mày đến giờ, vẫn cứ nhất mực giấy rách phải giữ lấy lề con ạ”. Tuấn cũng chỉ biết khẽ “vâng” rồi lặng lẽ đứng dậy. Từ bấy, Tuấn cũng chưa có dịp nào nói với Hà về chuyện này. Một hôm đang bữa ăn tối vui vui, nhìn trên TV, nghe một ông trán bóng đang thao thao bất tuyệt về một dự án bốc giời nào đấy, tầm cỡ ngang ngang dự án nạo vét thay nước hồ, bà mẹ Tuấn chưa kịp nói gì, Tuấn không nhịn được buột miệng: “Ỉa vào mồm ý”. Cả nhà cười váng. Thằng cu lớn cười sặc cơm. Bà mẹ Tuấn móm mém: “Bố mày. Cũng nói tục như ranh chứ lại còn…”. Vợ Tuấn nhịn cười, lừ mắt nhìn Tuấn. Tuấn đỏ mặt ngượng nghịu. Thằng bé thứ hai đang học lớp một chỉ tay vào bố: “Ê ê, bố nói bậy nhé!”. Tuấn chống chế chữa ngượng: “Cái thằng ở trên TV vừa rồi là sếp của con đấy u ạ!”… Hà Nội, 2009