Danh ngôn

Trong mọi cộng đồng, chúng ta cần một nhóm thiên thần gây rối.

We need, in every community, a group of angelic troublemakers.

(Bayard Rustin – trích bài phát biểu tại New York City 1963)

Trong mọi trường hợp, chắc chắn rằng sự thiếu hiểu biết, đi kèm với quyền lực, là kẻ thù tàn bạo nhất có thể có của công lý.

It is certain, in any case, that ignorance, allied with power, is the most ferocious enemy justice can have.

(James Baldwin - No Name in the Street 1972)

Các cuộc cách mạng và các cá nhân có thể bị giết hại, nhưng bạn không thể giết chết các ý tưởng.

While revolutionaries and individuals can be murdered, you cannot kill ideas.

(Thomas Sankara, một tuần trước khi bị ám sát, 1987)

Không có cảm giác nào cô đơn hơn việc bị chính đất nước mình trục xuất.

There's not a more lonely feeling than to be banished by my own country.

(Kiyo Sato – Kiyo’s Story 2009)

Ban Biên tập

Địa chỉ liên lạc:

1. Thơ

tho.vanviet.vd@gmail.com

2. Văn

vanviet.van14@gmail.com

3. Nghiên cứu Phê Bình

vanviet.ncpb@gmail.com

4. Vấn đề hôm nay

vanviet.vdhn1@gmail.com

5. Thư bạn đọc

vanviet.tbd14@gmail.com

6. Tư liệu

vanviet.tulieu@gmail.com

7. Văn học Miền Nam 54-75

vanhocmiennam5475@gmail.com

Tra cứu theo tên tác giả

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2024

Việt Nam – Huyền thoại và thực tế (kỳ 5)

Jörg WischermannGerhard Will (chủ biên)

Nhà xuất bản liên bang về Giáo dục chính trị công dân (Bundeszentrale für politische Bildung)

Văn Việt đăng tải với sự đồng ý của các chủ biên và nhà xuất bản.

clip_image002[4]
Jörg Wischermann

Chương 5 Việt Nam – Huyền thoại về phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức (1965-75)

Mở đầu

Tại cuộc Hội thảo do Viện Goethe Hà Nội và Đại học Quốc gia Việt nam cùng tổ chức vào năm 2010 ở Hà Nội, tôi đã bị thính giả phản đối mạnh mẽ, thậm chí đầy tức giận, khi tôi nêu ra luận đề cho rằng, mối quan tâm của các thành viên thuộc phong trào „năm 68“ cũng như phong trào phản kháng ngoài nghị viện, tập trung nhiều hơn, nếu không phải là chủ yếu, đến những thay đổi về cộng đồng, chính trị và xã hội văn hóa ngay chính trong đất nước họ, chứ họ không quan tâm bao nhiêu đến việc ủng hộ Mặt trận Dân tộc Giải phóng (MTDTGP) ở Miền Nam hay Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ở miền Bắc.

Đại biểu Việt Nam dự Hội thảo, đặc biệt là các đại biểu lớn tuổi, đều chỉ cho tôi thấy rằng, chính mắt họ – nhất là trong quá trình hội đàm hòa bình tại Paris – đã chứng kiến cảnh tượng người ta giơ cao những tấm áp phích gắn chân dung Hồ Chí Minh, hô to tên ông, lớn tiếng tuyên bố ủng hộ lập lại hòa bình ở Việt Nam và chống lại chủ nghĩa đế quốc Mĩ và các tội ác man rợ do nó gây ra trong „cuộc chiến tranh do Mĩ tiến hành“ (ở Đức người ta vẫn quen gọi đây là „chiến tranh Việt Nam“). Luận đề sai lạc của tôi sẽ không thể làm phai mờ các kỷ niệm như thế về phong trào đoàn kết rộng khắp thế giới dành cho cuộc chiến tranh giải phóng của họ.

Luận cứ đối lại của tôi là, tình đoàn kết chân thành và nỗi cảm thông thật sự dành cho nhân dân dân Việt Nam đang chịu đựng các tác động của chiến tranh, cũng như nỗi hổ thẹn và sự phẫn nộ đối với cuộc chiến tranh tàn bạo và không thể biện minh bằng bất cứ cách nào, một cuộc chiến do những kẻ nhân danh bảo vệ „thế giới tự do“ tiến hành, vẫn không loại trừ một sự thật là „Việt Nam“ và „chiến tranh Việt Nam“ chỉ là một nơi „đối chiếu“ mà thôi. Mà cụ thể, tôi dẫn lời của Peter Gäng1 – một chuyên gia về Việt Nam và cũng là đại diện của giới sinh viên hôm xưa từng xuống đường biểu tình ở Tây – Berlin – đó là nơi đối chiếu cho „tất cả những gì chúng ta hình dung về cách thức biến đổi thế giới nói chung và thế giới của chúng ta nói riêng“. Tôi còn bước một bước xa hơn và khẳng định rằng, thật ra, Việt Nam đã bị những người tham gia phong trào đoàn kết cũng như phản đối chiến tranh mượn làm công cụ cho công cuộc đấu tranh đòi thay đổi xã hội – mà trong đó, chính họ đang sống – ở Cộng hòa Liên bang Đức cũng như nền chính trị đang thống trị ở đó.

Sự căng thẳng tại cuộc hội thảo có nguy cơ gia tăng. Mãi đến lúc một người bạn và đồng nghiệp Việt Nam của tôi can thiệp bằng cách nhắc nhở mọi người rằng thỉnh thoảng cũng tồn tại hai quan điểm ít nhiều đều có cơ sở về một luận đề cần tranh cãi nào đó, thì cuộc thảo luận mới dần dần mang không khí hàn lâm trở lại.

Dưới đây, chúng tôi sẽ trình bày chi tiết luận đề cho thấy phong trào đoàn kết với Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức, thật ra, là một huyền thoại. Chúng tôi sẽ chứng minh rằng những nhân vật trong cuộc của phong trào này ở giai đoạn từ 1965 đến 1975, thật ra không quan tâm nhiều đến nhân dân Việt Nam và các nỗi đau thương họ phải chịu đựng, mà mối quan tâm của họ dành nhiều hơn, nếu không phải là chủ yếu, cho việc tạo ra các biến đổi căn bản trong đất nước của chính họ. Mặc dù đối với phong trào đoàn kết với Việt Nam, việc phản đối chiến tranh về mặt đạo lý có ý nghĩa trung tâm thật, nhưng đất nước vùng Đông nam Á cùng với cuộc chiến tranh đang diễn ra ở đó đồng thời cũng là nơi phản chiếu cho những quan điểm chính trị xa xôi hơn. Trong vai trò của một đối tượng tượng trưng chung, cuộc „cách mạng Việt Nam“ có ý nghĩa rất lớn về mặt chức năng, nếu không phải là một phương tiện hữu ích, khi xem xét các biến đổi chính trị và xã hội trong nước Đức mà các nhóm người khác nhau ở trong cuộc đang hướng tới. Chúng tôi cũng sẽ nêu ra các quan điểm tự phê phán của một số thành viên trước đây thuộc phong trào đoàn kết với Việt Nam đối với sự đồng nhất hóa và gắn bó của họ với „cách mạng Việt nam“, đặc biệt là đối với hậu quả của nó đối với phong trào đoàn kết với Việt nam. Cuối cùng, các luận cứ sẽ được tổng kết lần nữa theo quan điểm của đề tài nêu ra trong chuyên khảo này.

Nguồn động viên và sự phát triển của phong trào „đoàn kết với Việt Nam“: từ sự phẫn nộ mang tính đạo lí đến sự chức năng hóa về mặt chính trị
Sự hình thành của phong trào đoàn kết với Việt Nam

Sự phẫn nộ về đạo lí, chẳng riêng gì tại cuộc Hội thảo ở Hà Nội được nhắc tới ở trên, vốn bao giờ cũng là ngòi thuốc nổ đầy công dụng. Chính sự phẫn nộ về mặt đạo lí đó đã khơi ngòi, và về sau, luôn luôn sát cánh cùng phong trào đoàn kết với Việt Nam trong suốt những năm 1960 và 1970. Từ giữa những năm 1960, sự phẫn nộ ấy đã khiến dân chúng, không những ở Đức, mà khắp nơi tại châu Âu và ở Mĩ đổ xô đến các giảng đường hay nhiều nơi tụ họp khác để nghe các thuyết trình đầy tính phê phán về cuộc chiến tranh ở Việt Nam cũng như tham gia nhiều cuộc biểu tình đôi nơi rất rầm rộ ngoài đường phố. Những người phản đối, bằng nhiều hình thức, bày tỏ sự phản đối của mình chống lại cuộc chiến tranh mà trong đó một dân tộc nhỏ bé về dân số phải gánh chịu những nỗi đau thương ghê gớm. Mặt khác, dân tộc này cũng cho thấy người ta vẫn có thể chống chọi thành công với một kẻ địch dường như hùng mạnh vượt trội hơn mình mọi mặt như thế nào. Chính từ đây, rất có thể những người mang thiên hướng công giáo trong phong trào phản đối chiến tranh đã nảy ra ý tưởng so sánh cuộc đấu tranh đó với cuộc đọ sức giữa David với Goliath (“châu chấu đá voi“) vậy.

Sự phẫn nộ mang tính đạo lí tại Cộng hòa Liên bang Đức chắc chắn còn được bơm thổi thêm bởi một thực tế là Hoa Kỳ, nhất là từ khi nước này tham gia chống chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa phát xít, được xem là đại diện của các giá trị và lý tưởng tự do, đồng thời cũng là quốc gia thề thốt xây dựng nền kinh tế phồn vinh cho toàn thể loài người, dựa trên cơ sở của tự do, dân chủ và nhân quyền. Theo như hứa hẹn của Tổng thống Hoa Kỳ Truman đưa ra trong diễn văn nhậm chức nhiệm kỳ thứ 2 của ông ta vào tháng Giêng năm 1949, thì cả nhân dân các nước thuộc cái gọi là thế giới thứ ba, trong khuôn khổ công cuộc hiện đại hóa kế tiếp, cũng sẽ được hưởng những thành tựu đó. Nhưng, với cuộc chiến họ tiến hành tại Việt Nam, Mĩ rõ ràng đã chà đạp lên chính các giá trị đó.

Nhà hoạt động trong phong trào hòa bình, giải trừ quân bị và đoàn kết với Việt Nam, Klaus Vack, nhớ lại ý nghĩa đặc biệt của việc chính USA, chứ không phải quốc gia nào khác lại tiến hành một cuộc chiến tranh tàn bạo như thế chống lại nhân dân Việt Nam:

„Ta cũng không thể quên mối quan hệ của chúng ta với người Mĩ, những người mà chúng ta vẫn xem là đã giải phóng mình. Thì năm 1945 người Mỹ chả đến nước ta, tiến hành chính sách re-education (chương trình cải tạo của quân đội đồng minh sau chiến tranh thế giới II nhằm diệt trừ chủ nghĩa quốc xã và tiến hành dân chủ hóa nước Đức. -Chú thích của người dịch), thực hiện công cuộc giáo dục nền dân chủ cho dân chúng đấy thôi. Những gì được ghi trong tuyên ngôn độc lập của Mĩ, năm 1955 ta vẫn từng đọc cùng bạn bè trong hội „Naturfreunde“ (https://www.naturfreunde.de – Chú thích của người dịch) và chúng ta vẫn đinh ninh trong lòng, rằng ở Mĩ mọi sự đều y nguyên như trong tuyên ngôn đó. Thế mà tự dưng đất nước rộng lớn, giàu có và hùng cường ấy lại xông đến xứ sở đó và ra tay tàn sát một dân tộc nhỏ bé và nghèo nàn khốn khổ.“2

Cố nhiên, việc những người trẻ tuổi tham gia phong trào phản đối chiến tranh không muốn xử sự như đa phần cha ông họ dưới thời Quốc xã, nghĩa là lặng im đứng nhìn cảnh tượng tội ác đang diễn ra trước mắt mình, nếu không phải thậm chí còn tiếp tay cho bọn gây tội ác, cũng là việc đóng vai trò quan trọng quyết định hành động của họ. Ở đây, các cân nhắc mang tính đạo lí cũng góp phần đáng kể vậy.

Các phóng sự truyền thông về cuộc chiến đó cũng đóng vai trò quan trọng đối với phong trào đoàn kết với Việt Nam. Kể từ giữa những năm 1960, tối này qua tối khác, các phóng sự này được phát qua các buổi phát tin tức hay bình luận chính trị (ví dụ như „Panorama“) đến tận từng gia đình dân chúng Cộng hòa Liên bang Đức. Chương trình thời sự „Tagesschau“ chẳng hạn, hàng ngày vẫn chiếu cảnh tượng „body count“ (đếm xác), trong đó binh lính và sĩ quan quân đội Mĩ hãnh diện khoe khoang trước ống kính quay phim họ đã đạt được „định mức cho mỗi ngày“ về số địch quân (“Việt cộng“) – cả địch quân thật sự lẫn thường dân bị nghi là địch quân – bị họ tiêu diệt. Số là giới quân nhân muốn qua đó phô trương việc họ đã đạt được những tiến bộ nào trong cuộc chiến và làm chứng cho việc chiến thắng của họ đang đến gần như thế nào. Song, chính các phóng sự như thế càng đổ thêm dầu vào lửa cho sự phẫn nộ chung bốc cao lên.

Tham gia phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại Cộng hòa Liên bang Đức là các nam nữ sinh viên, học sinh phổ thông, học sinh học nghề và nhiều tầng lớn thanh thiếu niên khác. Ủng hộ họ là những người vào cuối những năm 1950 đầu 1960 từng tham gia đấu tranh vì hòa bình, giải trừ quân bị trên thế giới (như „phong trào chống bom nguyên tử“, ”diễu hành vào dịp Lễ Phục sinh“ chẳng hạn). Đối lập với họ, ít ra cũng xét về nhận thức chủ quan, là các Chính phủ Liên bang, các đảng phái có mặt trong Quốc hội, các Công đoàn chung, các hội đoàn quan trọng nhất trong nước, giới báo chí và một phần dư luận rộng rãi chịu tác động một chiều của truyền thông. Toàn bộ giới này, không ít thì nhiều, đều khăng khăng một quan điểm cho rằng quân đội Mĩ có mặt ở hạ nguồn Mê Kông là để bảo vệ tự do, không những của Tây Berlin, mà của toàn bộ thế giới tự do nói chung.3 Đáng chú ý về phương diện này là sự im lặng của Willy Brandt – người được Giải thưởng Nobel Hòa bình; cả trên cương vị Bộ trưởng Ngoại trưởng lẫn cương vị Thủ tướng Liên bang, ông chưa bao giờ phê phán sự tham chiến của Mĩ (tại Việt Nam) cả.

Việt Nam trong vai trò điểm xuất phát và trọng điểm, mô hình và chất xúc tác cho phong trào đối lập

Khác với phong trào đoàn kết ủng hộ Algerie, phong trào đoàn kết với Việt Nam, ít nhất là cũng trong một khoảng thời gian nhất định, là đề tài chính của phong trào sinh viên, học sinh, bảo vệ hòa bình cũng như của nhiều phong trào xã hội khác.4 Trong đó, ít nhất là đến năm 1968,

„mối quan tâm đến Việt Nam […] là bộ phận gắn liền – vâng, thậm chí là quyết định – đối với sự bột phát của một phong trào, mà xét về mục tiêu và các hoạt động của nó, là phong trào chống việc phục hồi sự thống trị của Nhà nước trong xã hội thời hậu chiến: chống lại những kẻ khoác „bộ áo choàng hàn lâm uế mốc“ tại các trường Đại học, chống lại sự „thao túng dư luận“ của giới báo chí thuộc hãng Springer, chống lại sự thối tha của „chiến tranh lạnh“ và quá khứ Quốc xã chưa bao giờ được xử lý tận gốc rễ, một quá khứ được biểu hiện qua khuôn mặt các nhân vật Tổng thống, Thủ tướng, các chủ hãng, quan tòa cũng như tướng lĩnh quân đội, những người đang phải đối đầu với „thế hệ Việt Nam“ hiện thời.“5

Phong trào đoàn kết với Việt Nam khởi đầu từ sự đối đầu đó và trở thành

„tâm điểm và điểm xuất phát của một phong trào đối lập mới […] Các mâu thuẫn chính trị – xã hội bị phơi bày mỗi ngày một nhiều, những mâu thuẫn không thể gán làm hậu quả của những quyết định chính trị sai lầm được nữa, mà ở mức độ nào đó, phải xem chúng chính là các mâu thuẫn về cơ cấu của hệ thống chính trị đã đổi thay của Cộng hòa Liên bang Đức cũng như của các mối quan hệ kinh tế-xã hội mới.“6

Hạt nhân của phong trào sinh viên phản kháng từ giữa những năm 1960 là Liên đoàn Sinh viên xã hội chủ nghĩa (SDS) và, đối với Liên đoàn này, Việt Nam đương nhiên có ý nghĩa công cụ: bởi thông qua việc phản đối chiến tranh Việt Nam, Liên đoàn có thể tranh thủ được thêm đồng minh cho các hoạt động phản đối khác (chẳng hạn chống các đạo luật ban hành tình trạng khẩn cấp). Kể từ năm 1966, „Huyền thoại Việt Nam“ đã bị các lãnh tụ sinh viên trong SDS lợi dụng làm „đầu tầu“ lôi kéo „mọi hoạt động khác“. Rõ ràng, nó đã trở thành „trọng tâm của phong trào đối lập“.7

Thế nhưng, Việt Nam và chiến tranh Việt Nam không những chỉ trở thành trọng tâm của phong trào đối lập mới mà thôi. Hơn thế nữa, theo hồi tưởng của nhiều thành viên SDS và các phong trào khác thời đó, Việt Nam còn trở thành kiểu mẫu cho tổ chức chính trị „cánh tả mới“ lúc ấy đang phát triển tại Cộng hòa Liên bang Đức:

„Cùng với mức độ [,] mà cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam […] khiến cho giới thanh niên trí thức-tư sản bắt đầu chính trị hóa, nó cũng khơi dậy niềm hy vọng trong cánh tả truyền thống, thiên về cách mạng vô sản – ít nhất cũng là trong nhận thức chứ không hẳn là trong nền tảng – rằng ở đâu đó, giấc mơ của con người về một xã hội không có áp bức, bình đẳng và không có bóc lột sẽ thành hiện thực. Song, ai có thể, hay ai cần phải ra tay phá bỏ sự xơ cứng của chủ nghĩa tư bản tại các thành trì kiên cố của nó? Ai là chủ thể cách mạng tại các quốc gia tư bản phát triển cao? Hẳn không thể là giai cấp công nhân […] nữa rồi. Sinh viên, trí thức và giới tiểu thị dân bất bình chỗ này chỗ kia, trong tư cách những nhóm nằm ngoài rìa xã hội cũng không thể đóng vai trò gì đáng kể. Trong tình huống đó, người ta đổ dồn sự chú ý đến phong trào giải phóng tại thế giới thứ ba. Những gì ta không làm nổi ở các thủ phủ, rất có thể ta sẽ khơi mào, tạo dựng nó từ bên ngoài. Cuộc đấu tranh kéo dài ba chục năm của nhân dân Việt Nam đã cho thấy sức mạnh của nhân dân dữ dội thế nào, một khi họ đã đứng lên đấu tranh vì lợi ích của chính mình, dù cho các điều kiện vật chất có khó khăn đến thế nào đi nữa và không thể xem sự hôn mê, lờ phờ là biểu tượng của những con người nghèo khổ, ít học và bị áp bức trong thế giới thứ ba được. Ở đó, dường như các chiến tuyến còn được phân định rõ ràng. Con người ta tranh đấu nhằm thỏa mãn các nhu cầu cơ bản và không bị trói buộc trong các cơ cấu đầy mâu thuẫn của một xã hội công nghiệp hóa cao. Có nghĩa là họ có thể tạo một bước khởi đầu. […] Nhìn về xã hội tương lai ấy, ta có thể thấy mọi mong ước hiện nay về một cuộc sống tốt đẹp, đơn giản, bằng hữu và tự do đều được thỏa mãn. Và, sự lý tưởng hóa cũng dễ thực hiến: phải rồi, Việt Nam! Đất nước ấy và cuộc chiến diễn ra ở đó thật xa vời. Ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng đó […] cũng không đòi hỏi chính chúng ta nhiều lắm. Bởi thế, người ta chẳng cần thay đổi cuộc sống của mình nhiều mà vẫn thấy mình đang tranh đấu cho một sự nghiệp chính nghĩa. Bức tranh đó chứa đựng niềm hy vọng và sự khẳng định mình gắn liền với một chủ thể cách mạng ở mãi tận chân trời xa. Điều đó rất quan trọng vậy.“8

Chưa kể đến ý nghĩa của đất nước này đối với „cánh tả mới“ và mặc dù các mối quan hệ cá nhân và văn hóa với nhân dân Việt nam vẫn còn ít ỏi, Việt Nam vẫn trở thành „chất xúc tác“ chính thức cho „việc hình thành ý thức chính trị ở mọi lĩnh vực trong những năm 60.“9. Eckard Siepmann đã mô tả thành công nhất ý nghĩa chất xúc tác đó của chiến tranh Việt Nam và phong trào đoàn kết với Việt Nam đối với quá trình thay đổi ý thức cũng như thái độ chính trị, không những chỉ của riêng thanh thiếu niên Cộng hòa Liên bang Đức mà thôi:

„Chất xúc tác là chất có tác dụng tăng tốc hay kìm hãm các quá trình hóa học. Cuộc cách mạng Việt Nam đã làm phân rã mọi quan điểm truyền thống về chính trị và đạo đức tại các thủ phủ của chủ nghĩa tư bản, khuấy động các mâu thuẫn thế hệ, phá vỡ tàn dư của lòng trung thành đối với nhà nước cầm quyền, buộc hàng chục ngàn người phải tìm kiếm cá tính chính trị của chính mình, ném bỏ toàn bộ kho tàng các tư tưởng chính danh hóa nền „tự do phương Tây“ vào sọt rác lịch sử. Cuộc nội chiến Tây Ban Nha hôm xưa đã có ý nghĩa thế nào với một bộ phận các bậc cha mẹ sáng suốt, thì hôm nay, cuộc đấu tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam cũng có ý nghĩa như thế đối với thế hệ con cái họ, đó là – một quá trình học hỏi và nhận thức phá bỏ tan tành mọi nền tảng của sự xã hội hóa. Thuyết domino của giới phản cách mạng Mĩ („nếu Việt Nam đổ, thì cả vùng Viễn Đông sẽ đổ“) đã trở thành sự thật trong nhận thức của giới thanh niên tại các thủ đô: Một khi niềm tin của cả một thế hệ vào chức năng giải phóng của cuộc chiến tranh bom napalm do Mĩ tiến hành đã sụp đổ, thì toàn bộ chiến lược xã hội hóa và hội nhập về mặt đạo đức, chính trị và văn hóa của „phương Tây tự do“ cũng sập đổ theo.“10

Sự cực đoan hóa trong phong trào sinh viên

Sự phát triển của phong trào sinh viên toàn Liên bang có thể lấy làm ví dụ điển hình cho thấy Việt Nam – trong vai trò chất xúc tác – đã đẩy mạnh quá trình cực đoan hóa trong hàng ngũ giới trẻ tham gia phản đối chiến tranh như thế nào. Trong tiến trình của cuộc đấu tranh nhằm đòi hỏi, chẳng hạn như “Hòa bình ở Việt Nam”, “Chấm dứt ném bom rải thảm của Mĩ” và “Rút quân đội Mĩ khỏi Việt Nam”, động lực đạo lý của phong trào phản kháng đã không mất đi, mà ngược lại: Phong trào sinh viên vốn dĩ, và vẫn tiếp tục là một phong trào mang tính “đạo lí cao”, cho dù xung quanh ý nghĩa của đạo đức và luân lí vẫn tồn tại khá nhiều tranh cãi.11 Song, trong nội bộ SDS, các tiếng nói phê phán bắt dầu cất lên, đòi phải vượt qua sự chống đối đơn thuần về mặt đạo lí để mở rộng thành phong trào chính trị “phản kháng chống lại một hệ thống chính trị”.

Dưới sự lãnh đạo của Rudi Dutschke, sự cực đoan hóa của SDS không những chỉ diễn ra ở các hình thúc hoạt động mà thôi. Cả về mặt nội dung – muộn nhất thì cũng kể từ mồng 2 tháng Sáu năm 1967 (là ngày Benno Ohnesorg bị giết) – phái những người “chống độc tài” (trong số đó có cả Dutschke, nếu không muốn xem anh là lãnh tụ đầy lôi cuốn của phái này) nổi lên nắm quyền lãnh đạo trong SDS và đôi lúc đã đẩy phái “những người truyền thống” vào thế thiểu số.12 Ngay từ mùa Đông năm 1966 và sau một loạt các hoạt động treo áp phích mà hồi đó có thể xem là rất khiêu khích chống chuyến viếng thăm của nhà độc tài Congo Tschombé tại Tây Berlin, cũng như sau khi cho đăng tải hàng loạt ấn phẩm (nhan đề “thông tin về Việt Nam và thế giới thứ ba”), trong đó họ nêu ra các vấn đề về tính hợp pháp của các hình thức phản đối, phái “chống độc tài” đã chuyển sang đòi hỏi “tích cực ủng hộ phong trào đấu tranh giải phóng ở Việt Nam và thế giới thứ ba bằng hành động”.13 Phong trào đoàn kết với thế giới thứ ba – phong trào mang tính hàn lâm và ít nhiều kiềm chế – (được đại diện trước hết bởi phái “truyền thống” tại đại học Marburg – một phái muốn giới hạn SDS vào các quan điểm khoa học-lý thuyết và xem chủ nghĩa xã hội là hệ thống xã hội tất yếu) đã nhường chỗ cho sự đồng nhất hóa mang tính đồng cảm với các phong trào giải phóng.”14 Thêm vào đó là luận cứ lý thuyết đặt nền móng cho sự đổi thay xã hội ở qui mô toàn cầu, trong đó động lực quyết định sẽ xuất phát từ các nước thuộc thế giới thứ ba, kể cả châu Mĩ La Tinh. Ở đây, người ta thường dẫn Che Guevara và bài viết của ông “Chúng ta hãy tạo nên hai, ba hay thật nhiều Việt Nam!” ra làm gương.

Bề ngoài, cũng có thể nhận thấy sự cực đoan hóa đó của SDS. Chẳng hạn tại các cuộc biểu tình trong tháng Ba năm 1967, cờ MTDTGP Miền Nam Việt Nam đã được phất lên khắp nơi, những lời kêu gọi binh sĩ Mĩ đào ngũ được phát ra, và “trong tháng Năm, người ta bắt đầu quyên tiền và thuốc men để chuyển cho MTDTGP”.15 “Như thế, đường lối chính trị của SDS – thông qua việc chuyển phong trào phản kháng mang tính đạo lí của sinh viên thành phong trào đoàn kết cụ thể dành cho MTDTGP đang tham chiến – đã chuyển sang một giai đoạn mới. Đó là giai đoạn đòi hỏi các “hoạt động” cá nhân cụ thể của từng người.”16 Người ta còn đi thêm một bước tại cuộc biểu tình ngày 21 tháng 10 năm 1967 tại Berlin: Tại đây,

“người ta bày tỏ sự gắn bó chặt chẽ của mình với các chiến sĩ cách mạng Việt Nam đang chiến đấu […]. Trong khi trước đây người ta chỉ vạch ra vai trò nạn nhân của nhân dân Việt Nam và lên án chủ nghĩa đế quốc cùng các hành động gây tội ác của nó, lần này và cũng như về sau, người ta nêu bật ngày càng nhiều tính chất cách mạng của cuộc chiến tranh nhân dân và sự gắn bó của mình với nhân dân đang chiến đấu cũng như với đảng Cộng sản Việt Nam và MTDTGP đang lãnh đạo cuộc đấu tranh đó. Kết thúc bài diễn văn, diễn giả Gollwitzer đã trích lời một sinh viên, khi trả lời câu hỏi – liệu anh có tin các hoạt động chống chiến tranh của anh sẽ làm thay đổi tình hình ở Việt Nam hay không – đã nói “Không, nhưng (sẽ thay đổi) ở đây!”17

Claudia Olejniczak kết luận (tạm thời) về giai đoạn những năm 60 của phong trào đoàn kết với Việt Nam như sau:

“Việc bày tỏ tình đoàn kết với phong trào giải phóng Miền Nam Việt Nam và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được cánh tả Tây Đức […] sử dụng trước hết làm nơi phản chiếu quá trình phát triển cách mạng của chính họ. Người ta nhận thấy mình đang đứng ở nơi khởi đầu một quá trình cách mạng toàn cầu, một quá trình xuất phát từ phong trào giải phóng ở thế giới thứ ba và sẽ chuyển đến các “thủ phủ”. Các thành viên cánh tả hy vọng sẽ nhận được động lực từ “vùng ngoại biên” cho các biến đổi xã hội ngay trên đất nước họ, nói cách khác là: Phong trào giải phóng tại thế giới thứ ba cần phải tạo ra các xung lực mới cho chủ nghĩa xã hội vậy.”18

“Hãy làm cách mạng tại đất nước mình!”

Sự cắt đứt với huyền thoại Việt Nam xảy ra vào ngày mồng 2 tháng 6 năm 1967. Nếu đến lúc đó, đối với những người tham gia phản kháng, Việt Nam là trọng tâm, là mô hình và “khuôn mẫu” cho mối quan hệ giữa các nước phương Tây với những nước thuộc thế giới thứ ba cũng như là chất xúc tác và nơi phản chiếu cho những biến đổi xã hội không thành ở trong nước, thì sau đó, Việt Nam “chỉ còn là Việt Nam nữa mà thôi”, nói theo lời hồi tưởng của Peter Gäng.19 Nguyên do của sự cắt đứt đó là việc viên cảnh sát Karrl-Heinz Kurras cố tình bắn chết anh sinh viên Benno Ohnesorg vào ngày mồng 2 tháng 6 năm 1967. “Nếu cho đến lúc đó, mối liên quan giữa các hệ thống cai trị trong thế giới thứ nhất và thứ ba chỉ được thiết lập về mặt lý thuyết là chính, thì, đối với nhiều sinh viên, thông qua các sự kiện xảy ra trong chuyến viếng thăm của Quốc vương (Ba tư), nó trở thành hiện thực rành rành ngay trước mắt!”20 Klaus Vack kể lại:

“Khi anh Benno Ohnesorg bị bắn tử thương trong cuộc biểu tình phản đối Quốc vương Ba Tư, thì sự phản đối và phẫn nộ mang tính đạo lí cũng như các tranh luận mang tính lý thuyết được bổ sung thêm mỗi lúc một mạnh bởi các vấn đề của đất nước chúng ta, tại Cộng hòa Liên bang Đức. […] phát súng bắn vào Benno Ohnesorg – mặc dù cuộc biểu tình phản đối nhằm vào Iran chứ không liên quan đến Việt Nam, nhưng trong đầu óc chúng ta lại chỉ là một – đã làm sáng rõ một điều là Cộng hòa Liên bang Đức, bằng vũ lực, thậm chí sẵn sàng sát hại con người, nó cũng bao che, ủng hộ chính sách đế quốc và đàn áp của Mĩ hay của những tên bạo chúa ở các quốc gia khác. […] Mặc dù các phản ứng thiên nhiều về tình cảm, nhưng sự kiện xảy ra trong ngày hôm đó cũng làm đầu óc chúng ta sáng ra về nhiều chuyện.”21

Peter Gäng cũng coi thời điểm đó là một bước ngoặt:

“Sau vụ án mạng đó, cũng như sau khi các phản ứng chống giới báo chí Springer bùng phát, thì thật ra, Việt Nam (trong phong trào sinh viên) không còn là một đề tài đáng kể nữa. Khẩu hiệu bây giờ, một khẩu hiệu mô tả điều đó một cách chính xác nhất, là “Chiến tranh nhân dân tất thắng – Đấu tranh giai cấp ngay trên đất nước mình!”. Đó là sự quay trở lại với các mối quan hệ chính trị trong nước và – từ thời điểm đó trở đi – phong trào đoàn kết cũng không còn là nơi đối chiếu nữa mà chỉ là một bộ phận đấu tranh chính trị như các bộ phận khác mà thôi. Nó không còn là chiếc xe, cũng không còn là động cơ của lịch sử nữa. Việt Nam không còn đại diện cho một cái gì hoàn toàn khác nữa.”22

Tuyên bố bế mạc của “Đại hội về Việt Nam” tại đại học Kỹ thuật Berlin tháng Hai năm 1968 là một biểu hiện cụ thể cho thấy “thông qua Việt Nam, phong trào đấu tranh triệt để chống lại các mối quan hệ (xã hội) tại Cộng hòa Liên bang Đức đã phát triển ra sao. Các xung đột chính trị chủ yếu từ nay được xem là các mối xung đột trong nước.”23 Quyết nghị của đại hội xác định rõ rằng chủ nghĩa đế quốc tìm cách đập tan phong trào giải phóng ở Việt Nam; rằng hệ thống đế quốc chủ nghĩa trên toàn thế giới là đồng nhất như nhau và đó là một bộ máy khủng bố chống lại công cuộc giải phóng con người. Song các điều kiện và hình thức đấu tranh chống lại bộ máy đó ở mỗi nước một khác: “Đối với chúng ta, đoàn kết với nhân dân Việt Nam có nghĩa là tiếp nhận lời Kêu gọi của Hồ Chí Minh gửi tới những người cộng sản Ý “Các đồng chí hãy làm cách mạng trên đất nước mình” và biến nó thành nhiệm vụ của mình.” Hiện nay, đoàn kết với MTDTGP Miền Nam Việt Nam có ý nghĩa cụ thể là đẩy mạnh đấu tranh phá vỡ chủ nghĩa đế quốc ngay tại các thủ phủ của nó và thực hiện việc làm hồi sinh “chủ nghĩa quốc tế xã hội chủ nghĩa” ở châu Âu.24 Vì thế trong tài liệu tiếp theo, Việt Nam không còn được nhắc đến nữa. Công việc quan trọng hơn là xem xét các khả năng đánh thẳng vào “hệ thống đế quốc chủ nghĩa” ngay trên đất Cộng hòa Liên bang Đức. Cũng chính vì vậy trong lời Tuyên bố bế mạc có ghi:

“Phong trào đối lập đang đứng ở bước chuyển tiếp từ giai đoạn (biểu tình) phản đối sang giai đoạn phản kháng về chính trị. […] Một mặt trận cách mạng thứ hai chống chủ nghĩa đế quốc ngay tại các thủ phủ của nó chỉ có thể được hình thành khi lực lượng đối lập chống đế quốc học được cách cập nhật các mâu thuẫn hậu tư bản và thực sự tiến hành đấu tranh thực hiện các giải pháp cách mạng trong nhà máy, công sở, trường đại học và trường phổ thông!”25

clip_image002 Biểu tình trong tiến trình „Đại hội về Việt Nam”, Tây Berlin 1968. © Klaus Rose

Đại hội về Việt Nam năm 1968 tại Berlin không những chỉ đánh dấu một đỉnh cao của chủ nghĩa quốc tế trong giới sinh viên, mà đồng thời, cũng đánh dấu cả điểm kết thúc của nó. Nhiều sự kiện và biến cố xảy ra trong năm 1968 đã góp phần dẫn đến sự tan vỡ của SDS cũng như sự lắng dịu của phong trào đoàn kết với Việt nam.26 Cả bên trong lẫn bên ngoài phong trào sinh viên tại CHLB Đức, thế vào chỗ của sự đồng nhất hóa với phong trào giải phóng ở thế giới thứ ba và với “cách mạng Việt Nam” là nhận thức lại và sự đồng nhất hóa với giai cấp công nhân thuộc thế giới thứ nhất. Những gì còn lưu sót lại từ Đại hội Berlin về Việt Nam “là hơi hướng của những quan điểm cách mạng không tưởng, vốn được hình thành và phát triển trong không gian xa rời thực tế của các trường đại học, một nơi mà cả thực tiễn xã hội lẫn các mối tương quan lực lượng về chính trị của thời kỳ đó đều không được đánh giá một cách đúng đắn.”27

Từ tổ chức SDS, vốn tự giải tán vào năm 1969, đã hình thành nhiều phân nhóm chính trị khác nhau. “Chủ nghĩa quốc tế của họ, tình đoàn kết với các nước thuộc thế giới thứ ba đã được công cụ hóa và biến đổi cho thích hợp với nhu cầu của họ. Thường thường, cái gọi là công tác quốc tế chủ nghĩa chẳng là cái gì khác ngoài sự tiếp nhận mù quáng các chính sách đối ngoại của một số nước, như Liên Xô, Trung Quốc hay Albani, hoặc thậm chí của một vào phe phái nhất định thuộc Đảng Cộng sản Trung Quốc mà thôi.”28

Sự lợi dụng Việt Nam của tổ chức “Sáng kiến quốc tế đoàn kết với Việt Nam”

Sau khi phong trào sinh viên tan rã và SDS giải tán vào cuối năm 1969, tổ chức “sáng kiến quốc tế đoàn kết với Việt Nam” (IIVS) nổi lên đứng đầu phong trào đoàn kết với Việt Nam tại CHLB Đức. Từ đó trở đi, phong trào đoàn kết với Việt Nam nằm gọn trong tay của phái những người gọi là cánh tả truyền thống cũng như trong tầm kiểm soát của các tổ chức do họ thành lập hay khống chế. Đó vốn là các lực lượng chính trị từng đặt hy vọng vào giai cấp công nhân và công đoàn cũng như toan tính thành lập mặt trận thống nhất với các đảng viên dân chủ xã hội hay các đảng viên cơ đốc giáo, hoặc đảng tự do “cởi mở”. Họ không có gì chung với phái những người “chống độc quyền” hay phi giáo điều như Rudi Dutschke – tất nhiên, ngoài những hình thức hoạt động nhất định trong phong trào đoàn kết với Việt Nam.

Tổ chức IIVS được thành lập vào tháng 10 năm 1969 và tiền thân của nó là “Chiến dịch ủng hộ giải trừ quân bị” (KfA, sau đổi thành “Chiến dịch ủng hộ dân chủ và giải trừ quân bị”, KfDA), hay còn được biết đến dưới tên “Phong trào tuần hành vào dịp Phục sinh”, một phong trào đã thành lập “Ủy ban Việt Nam” vào năm 1966. Ủy ban này hoạt động theo nguyên tắc “hoạt động có lựa chọn”, vốn đã là nguyên tắc tổ chức quan trọng nhất của phái “những người cánh tả truyền thống”. Trong các hoạt động có lựa chọn đó, họ đặt ra mục tiêu thu hút sự tham gia của “các lực lượng và phân nhóm thuộc Công đoàn, Dân chủ xã hội hay Nhà thờ”. Năm 1975, thành viên nổi tiếng của KfA, Frank Werkmeister, đã đánh giá thành công của tổ chức này là “một số người hòa bình chủ nghĩa tham gia phong trào diễu hành lễ Phục sinh (vì hòa bình) vào các năm 1960-61, sau này lại trở thành những người ủng hộ đấu tranh vũ trang nhằm giải phóng của các dân tộc bị áp bức, hoặc trở thành những người xã hội chủ nghĩa.”29

Sự hòa nhập vào phong trào quốc tế phản đối chiến tranh Việt Nam cũng như sự bắt nối của các lãnh tụ IIVS vào mạng lưới quốc tế đã đóng vai trò quan trọng đối với các thành công của tổ chức này trong việc tập hợp thành viên và gây ảnh hưởng với dư luận. Trước hết phải kể đến các mối quan hệ của họ với “Tòa án Russell”, là phiên tòa đã xem xét một cách phê phán các hành động chiến tranh của Mĩ và năm 1967 đã công bố nhiều kết quả của các phiên tòa đầu tiên.30 Một điểm móc nối quốc tế quan trọng nữa là “Đại hội quốc tế về Việt Nam” diễn ra tại Stockholm từ mồng 6 đến mồng 9 tháng 6 năm 1967. Tham dự đại hội này không những có các nhân vật nổi tiếng, mà còn có cả các nam nữ đại diện của nhiều tổ chức hòa bình, thanh niên, sinh viên, phụ nữ và công đoàn, các đoàn thể tôn giáo, tổ chức khoa học và luật gia cũng như nhiều tổ chức đoàn thể từ các nước xã hội chủ nghĩa (tổng cộng là 462 đại biểu từ 63 nước và hơn 200 tổ chức khác nhau).31 Theo Werkmeister, “vào những năm kế theo, sự hợp tác trong nội bộ những người và tổ chức tham Đại hội Stockholm càng ngày càng chặt chẽ, và chính Đại hội cũng càng ngày càng được thừa nhận và ủng hộ trong vai trò là nơi phối hợp quốc tế của phong trào phản đối chiến tranh”.32 Đại diện các phong trào đoàn kết cấp quốc gia được mời đến dự các cuộc họp của Ủy ban phối hợp – đại diện CHLB Đức chính là Frank Werkmeister đã được nhắc tới ở trên, một người về sau cũng đại diện cho IIVS trong Chủ tịch đoàn Đại hội hòa bình Stockholm.33

Không những chỉ các tổ chức và phân nhóm, vốn đến lúc đó vẫn chịu trách nhiệm chính cho các hoạt động của KfDA, mà cả các lực lượng mới như khối sinh viên theo đạo Tin lành, Ban chấp hành Thanh niên dân chủ toàn liên bang, Hội đồng Liên bang các trường đại học dân chủ xã hội, một số Bí thư công đoàn thanh niên, các chủ tịch của bốn đảng bộ Dân chủ xã hội trẻ và một đại biểu SPD của hội đồng dân cử Bang Nordrhein-Westfalen đã cùng ký tên và ủng hộ lời kêu gọi của nhóm tổ chức “Sáng kiến quốc tế tổ chức Ngày Việt Nam 15. 11. 1969”.34 Các cuộc biểu tình với hơn 40000 người tham gia trong tháng 11 năm 1969 có vẻ góp phần chứng tỏ rằng những người tổ chức đã có lý: “Sức mạnh của phong trào ủng hộ Việt Nam nằm ở sự phong phú của nó. Chúng ta hãy mở rộng các hoạt rộng trên càng nhiều mặt trận càng tốt!”35 Khẩu hiệu ghi trong lời kêu gọi này trở thành cơ sở cho một chiến dịch lâu dài về sau.

Phù hợp với nguyên tắc tổ chức nói trên, tổ chức IIVS hình thành như “một đơn vị hành động có lựa chọn của nhiều lực lượng khác nhau trong phong trào đoàn kết với nhân dân Việt Nam.”36 Nó tiếp thu đồng thời các quan điểm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (VNDCCH) ở miền Bắc Việt Nam, lẫn của MTDTGP Miền Nam Việt Nam, chẳng hạn, “theo mong muốn của nhiều tổ chức khác nhau, nêu khẩu hiệu ủng hộ Chương trình 10 điểm của MTDTGP”.37 Với tư cách “mặt trận nhân dân” của nhiều lực chính trị khác nhau, mối quan tâm của IIVS tập trung trước hết vào việc tổ chức ủng hộ “Hòa bình ở Việt Nam” mà vẫn giữ vai trò một liên minh hoạt động rộng rãi nhưng không ràng buộc nhau chặt chẽ. “Sự hợp tác, một mặt, dựa trên thái độ kiên quyết chống chính sách xâm lược của Mĩ và sự đồng tình của Chính phủ CHLB Đức đối với chính sách đó, mặt khác, dựa trên mối thiện cảm ngày càng mạnh đối với chính sách của Việt Nam DCCH và “Chính phủ Cách mạng lâm thời Miền Nam Việt Nam (CPCMLT)” và MTDTGP, cũng như đánh giá các yêu cầu và đề nghị của họ nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam là công bằng và hợp lý.”38 Ngay từ đầu, tổ chức này đã từ chối sự gia nhập của các đảng phái vào IIVS. Vì thế, các chính đảng như Đảng Cộng sản Đức (DKP, là đảng có quan hệ đặc biệt mật thiết với Đảng Lao động Việt Nam anh em ở VNDCCH và MTDTGP ở Miền Nam Việt Nam”)39 cũng như Liên đoàn hòa bình Đức chỉ có đại diện cá nhân trong IIVS mà thôi. Hình thức đại diện đặc biệt đó của các lực lượng xã hội chủ nghĩa và cộng sản trong IIVS có lợi ở chỗ họ tạo điều kiện hay thậm chí khuyến khích sự hợp tác của các thành viên Dân chủ xã hội, thanh niên XHCN, thanh niên dân chủ, đại diện công đoàn v.v., bởi vì các “tổ chức mẹ” của các thành phần này, có thời, từng hết sức thù địch với hai tổ chức nói trên.

Nguyên tắc hợp tác bình đẳng, cũng theo lời Werkmeister, có tác dụng ngăn chặn “sự tập trung cao độ vào một đa số nào đó”. Tổ chức IIVS về sau vẫn giữ tính chất một liên minh lỏng lẻo, ngay cả khi Hội đồng điều hành tối cao được thành lập, trong đó mỗi tổ chức thành viên là Chủ tịch đoàn Liên bang thanh niên dân chủ, Chủ tịch đoàn liên bang của SDAJ, chủ tịch đoàn thanh niên XHCN Nam Hessen (về sau là toàn liên bang) và KfDA đều có một đại diện tham gia. Nguyên tắc hoạt động của Hội đồng tối cao được chi phối bởi “mong muốn nhất trí cao […]. Không có điều lệ, thậm chí không có qui định cụ thể nào về tiêu chuẩn kết nạp hội viên. IIVS cũng không thể ra các quyết định mà các nhóm hay tổ chức thành viên có nghĩa vụ nghiêm chỉnh thi hành.”40 Frank Werkmeister trở thành phát ngôn viên của IIVS. Tính đến cuối năm 1969, ở CHLB Đức có cả thảy 80 Ủy ban lẫn nhóm hoạt động nằm trong IIVS. Từ đầu năm 1970, IIVS tăng cường các hoạt động đoàn kết và, đứng trước việc Mĩ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam sang Lào và Campuchia trong các năm 1970/71, họ đặt ra những mục tiêu đấu tranh mới, không những chỉ đòi hỏi việc rút vô điều kiện quân đội Mĩ khỏi Đông Dương mà còn đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết cuộc xung đột đó về mặt chính trị.

IIVS và các lực lượng chính trị thành viên coi “việc cung cấp thông tin trung thực và bao quát về nguyên nhân sâu xa của xung đột quân sự tại Đông Dương cũng như lợi ích của các bên tham chiến là điều kiện tiên quyết để động viên thêm những giới quần chúng mới ở CHLB Đức đấu tranh chống sự xâm lược của Mĩ.”41 Họ xuất bản nhiều tài liệu khác nhau và tổ chức nhiều buổi “Viet Nam-Hearing (Điều trần về Việt Nam)”. Mặt khác người ta cũng tổ chức nhiều buổi họp, tại đó nhiều “công dân CHLB Đức” từng được mời sang thăm VNDCCH (tức là Bắc Việt Nam) – như đại diện Đảng CS Đức, Đoàn thanh niên lao động XHCN Đức (SDAJ), Thanh niên XHCN, Thanh niên Dân chủ, tổ chức “Giúp đỡ Việt Nam” cùng nhiều hiệp hội nhân đạo, như Caritas và nhiều văn sĩ lẫn nhà báo nổi tiếng – tường thuật lại về chuyến đi thăm của họ.

Ngoài ra, các tổ chức này ở CHLB Đức còn hỗ trợ các sinh viên Nam Việt Nam bị chính quyền Sài Gòn sách nhiễu, tiến hành tuyên truyền vận động giải thích cho binh sĩ Mĩ đóng quân tại CHLB Đức, đồng thời vạch trần và phê phán các nỗ lực hỗ trợ về tài chính, chính trị và đạo lý mà Chính phủ liên minh hai đảng Dân chủ xã hội và Tự do do Thủ tướng Willy Brandt đứng đầu thường xuyên dành cho USA và cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Đặc biệt là họ luôn luôn tìm mọi cách cố gắng (vì khách mời thường bị từ chối cấp thị thực nhập cảnh) mời các đoàn đại biểu của VNDCCH và Chính phủ CM lâm thời MNVN đến CHLB Đức tham dự các cuộc tọa đàm hay mit tinh rộng rãi, nhằm tạo điều kiện cho các phái đoàn này trình bày các quan điểm của họ trước công chúng.

Đặc biệt quan trọng đối với IIVS là “việc quảng bá các sáng kiến hòa bình của Việt Nam DCCH và Chính phủ CM lâm thời MNVN nhằm chấm dứt chiến tranh”. Họ coi đó như chính là nhiệm vụ của mình vậy:

“Bởi vì IIVS hoàn toàn thống nhất với các sáng kiến hòa bình của VNDCCH hay Chính phủ CM lâm thời MNVN nhằm giải quyết vấn đề Việt Nam bằng chính trị, cho nên cũng là sự đương nhiên, khi họ không những chỉ tuyên bố ủng hộ các sáng kiến này, mà trong khuôn khổ các khả năng của mình, họ cũng đóng góp vào việc phổ biến rộng rãi nội dung các sáng kiến này tại CHLB Đức.”42

Đỉnh cao của quá trình này là việc phê phán chiến thuật kéo dài thời gian của Mĩ tại Hội nghị hòa bình Paris vào tháng 11 năm 1972. Trong việc này, như ông Werkmeister xác định một cách hài lòng, IIVS đã “chưa bao giờ ngả hẳn một cách rõ rệt như thế về phía các quan điểm của Chính phủ VNDCCH và Chính phủ CM lâm thời Miền Nam Việt Nam.”43

Một điều đáng chú ý nữa là giọng điệu nói năng của các thành viên tích cực trong IIVS cực đoan hóa và gần giống với cách nói năng của “Đảng Lao động Việt Nam” (tức là Đảng Cộng sản Bắc Việt Nam). Chẳng hạn, cuối năm 1972 họ đã kêu gọi sinh viên học sinh: “Hãy cất tiếng nói lên án sự khủng bố của chính quyền bù nhìn Sài Gòn […] Hãy đấu tranh đòi chấm dứt sự xâm lược của Mĩ!”44

Các mục tiêu chiến lược của IIVS và các đối tác của họ ở Việt Nam

Trong việc ủng hộ đòi hỏi “Hòa bình cho Việt Nam” (do Bắc Việt Nam, MTDTGP và Chính phủ CM lâm thời MNVN đưa ra) và vạch ranh giới với các nhóm khác trong phong trào đoàn kết với Việt Nam tại CHLB Đức (trước hết với là các phân nhóm Đảng Cộng sản tại CHLB Đức), khẩu hiệu “Chiến tranh nhân dân toàn thắng” cho thấy IIVS và đối tác thân cận của họ ở Việt Nam quan tâm trước hết đến điều gì: Hình thành và phát triển một phong trào đoàn kết theo kiểu mặt trận bình dân rộng rãi. Với các yêu cầu giống như các yêu cầu mà VNDCDH, MTDTGP Miền Nam Việt Nam và Chính phủ CM lâm thời Miền Nam Việt Nam đưa ra, tức là “Hòa bình ở Việt Nam!” và “Chấm dứt ném bom!”, cùng những lời kêu gọi Chính phủ Mĩ chấm dứt các hành dộng chiến tranh ở Đông Dương và kêu gọi ủng hộ các sáng kiến ngoại giao của VNDCCH và Chính phủ CM lâm thời MNVN, các tổ chức này mong muốn nhận được sự đồng tình của dân chúng (CHLB Đức). Họ cố gắng không làm những bộ phận dân chúng không tán thành và không ủng hộ các hoạt động quân sự của VNDCCH tức giận. Họ cũng không muốn gạt bỏ những người chỉ muốn giúp đỡ về “phương diện nhân đạo” mà thôi.

Để trả lời câu hỏi chiến lược mặt trận bình dân ở Miền Nam Việt Nam và CHLB Đức thật ra nhắm vào đâu, và rốt cuộc, mục tiêu cuối cùng của nó là gì, ta phải nhìn lại xa hơn về quá khứ và phác họa lại bối cảnh và cơ sở lý thuyết của chiến lược này, vốn là các yếu tố chính dẫn đến sự tập trung mọi yêu sách vào việc đòi thiết lập “Hòa bình ở Việt Nam”.

Bí thư thứ nhất Trung ương Đảng Lao động Viêt Nam Lê Duẩn là một trong những người đã phác họa ra cơ sở đó. Trong tác phẩm về Lịch sử cách mạng Việt Nam của ông (mà bản tiếng Đức đã được IIVS góp phần phổ biến ở CHLB Đức)45, ông đã trình bày rằng Cách mạng Việt Nam (một sự nghiệp mà theo quan điểm của ông là sự nghiệp giành độc lập dân tộc ở Miền Bắc Việt Nam và xây dựng chế độ xã hội chủ nghĩa ở đó với kiến trúc thượng tầng tương ứng về chính trị và tổ chức trong những năm 1950) diễn ra trên ba mặt trận: quân sự, chính trị và ngoại giao.46 Điều quan trọng về phương diện này là Lê Duẩn, cũng như vị đại diện của MTDTGP miền Nam Việt Nam, đồng thời cũng là phát ngôn viên của “Chính phủ CMN lâm thời miền Nam Việt Nam, Lý Văn Sáu, đều cùng nhấn mạnh quan điểm cho rằng sự nghiệp xây dựng Chủ nghĩa Xã hội ở miền Nam Việt Nam không nằm trong chương trình hành động của họ.47 Đòi hỏi này cũng không nằm trong Cương lĩnh của MTDTGP cũng như Chính phủ CM lâm thời MNVN. Quan trọng hơn là vấn đề “tạo tiền đề cho một cao trào mới trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa”.48 Và điều kiện cho công cuộc cách mạng đó đã tỏ ra chín muồi:

“Hiện nay, tại các nước tư bản chủ nghĩa, thông qua sự chuyển biến từ tư bản chủ nghĩa sang chủ nghĩa tư bản lũng đoạn nhà nước cũng như cũng sự gia tăng bóc lột và áp bức giai cấp công nhân và nhân dân lao động, mà các mâu thuẫn xã hội càng trở nên gay gắt. Tình hình đó cho phép giai cấp công nhân thống nhất hành động và dựa trên cơ sở này, thu hút và tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân lao động và các tầng lớp dân chủ khác vào một mặt trận thống nhất chống lại sự thống trị của bọn tư bản lũng đoạn nhà nước, chống lại sự thao túng mọi mặt của Mĩ, nhằm tới sự toàn thắng của nền dân chủ và tiến bộ xã hội, bảo vệ hòa bình và giành độc lập dân tộc. Như thế, các điều kiện tạo nên một cao trào mới trong cuộc đấu tranh giành thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa đã được tạo ra.”49 (Dịch từ bản tiếng Đức – Chú thích của người dịch)

Đoạn trích dẫn lời Lê Duẩn trên đây quan trọng ở chỗ, trong đó tác giả đã chỉ rõ rằng vấn đề không chỉ nằm ở việc giải phóng Việt Nam mà thôi. Ở đây, Lê Duẩn nêu rõ:

Mục tiêu cuối cùng của cuộc đấu tranh này là sự chiến thắng của chủ nghĩa xã hội, điều đó có nghĩa là sự nắm quyền lãnh đạo của Đảng Lao động và tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn cõi Việt Nam; ở đây, ông hoàn toàn thống nhất với quan điểm nổi tiếng do Hồ Chí Minh đưa ra: “Chỉ có chủ nghĩa xã hội, chỉ có chủ nghĩa cộng sản mới có khả năng giải phóng các dân tộc và nhân dân lao động trên toàn thế giới”;

Các giai đoạn quá độ của cuộc đấu tranh này, cụ thể là “sự chinh phục nền dân chủ và tiến bộ xã hội”;

Biện pháp chính trị nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là: “Mặt trận thống nhất” hay “Mặt trận nhân dân”;

Nội dung của cuộc đấu tranh “ai thắng ai”: Giai cấp công nhân và các tầng lớp liên minh chiến thắng bọn tư bản lũng đoạn nhà nước.

Theo quan điểm của nhà lãnh đạo này, một việc có ý nghĩa quyết định là việc trả lời cho câu hỏi khi nào và ở giai đoạn nào ta cần và có thể bước lên con đường được xem là mang tính qui luật dẫn đến chủ nghĩa xã hội đó. Ở đây, Lê Duẩn cũng nêu cao việc cần chống lại sự nôn nóng cách mạng:

“Song, sẽ là không đầy đủ, nếu chúng ta chỉ nhắm tới mục tiêu cuối cùng. Dựa trên cơ sở đánh giá chính xác các mục tiêu của cách mạng, thì nghệ thuật lãnh đạp cách mạng nằm ở chỗ ta phải biết cách chiến thắng từng bước một cách khéo léo, […] Biết cách chiến thắng từng bước có nghĩa là biết cách xác định các mục tiêu cụ thể và hợp lý cho từng giai đoạn cũng như từng hoàn cảnh.”50

Tuy nhiên, biện pháp “chiến thắng từng bước” phải được áp dụng tùy theo các điều kiện cụ thể của mỗi nước:

“Biện pháp này biến sự thống nhất giữa sự kiên nhẫn theo đuổi mục tiêu cuối cùng và tầm nhìn xa giúp ta bao quát được thực tiễn và sự biến chuyển của nó thành hiện thực. Đó là nghệ thuật kết hợp sự kiên định về nguyên tắc với sự mềm dẻo trong hành động một cách biện chứng, đó chính là nghệ thuật, trong khi lãnh đạo cách mạng phải biết áp dụng qui luật vận động, mà theo đó, các biến đổi không ngừng về lượng biến thành bước nhảy vọt về chất. Thực tiễn luôn luôn mở ra các bình diện, các cơ hội và khả năng mới mà chúng ta phải biết dựa vào […] Trong những điều kiện như thế chắc chắn chúng ta có thể tiếp tục phát triển cuộc đấu tranh, bằng cách tiến lên theo những bước kế tiếp nhau giữa chuyển đổi dần dần và nhảy vọt, bằng cách vừa nhắm trước hết vào các thành tựu nhỏ chuyển thành thành tựu lớn hơn, vừa dựa vào tương quan lực lượng sẵn có để tạo nên bước nhảy vọt quyết định để dẫn đến thắng lợi cuối cùng.”51

Lê Duẩn không mập mờ trong việc chỉ ra “thắng lợi cuối cùng” sẽ phải giành được như thế nào:

“Tình huống cách mạng nào cũng bao hàm vấn đề chuyển giao chính quyền. Việc chúng ta giành chính quyền bằng những phương tiện nào đều tùy thuộc vào điều kiện cụ thể ở mỗi nước. Song, ở mọi hoàn cảnh, con đường duy nhất để giành chính quyền là con đường cách mạng chứ không phải là con đường cải lương. Cách mạng là đỉnh cao của quá trình đấu tranh giai cấp, cuộc đấu tranh chỉ có thể được thực hiện bằng bạo lực của giai cấp bị trị chống lại giai cấp thống trị, để giải quyết vấn đề nắm chính quyền. … Cách mạng Việt Nam chứng minh rằng, để giành được thắng lợi chắc chắn, bên cạnh đấu tranh chính trị chúng ta cũng cần tiến hành đấu tranh vũ trang, và đấu tranh chính trị và đấu tranh vũ trang phải được áp dụng một cách đúng đắn tùy theo hoàn cảnh cụ thể ở từng nơi, từng lúc.”52

Xuất phát từ các lý luận cơ sở này của Lê Duẩn, có thể rút ra kết luận là các chiến lược gia cộng sản ở miền Bắc Việt Nam, rốt cuộc, chỉ luôn luôn nhằm vào việc giành quyền lãnh đạo chính trị ở miền Nam Việt Nam và xây dựng ở đó nền trật tự xã hội xã hội chủ nghĩa mà thôi. Để đi đến mục tiêu đó, cần trải qua nhiều gian đoạn chính trị, nhưng chung quy lại, tất cả vẫn chỉ phục vụ cho việc tạo ra những điều kiện thuận lợi nhằm đạt tới mục tiêu cuối cùng là giành “thắng lợi của cách mạng xã hội chủ nghĩa”. “Mặt trận nhân dân” chỉ là một công cụ hữu ích trên con đường đó mà thôi.

Xét về các mục tiêu của IIVS, ta có thể rút ra những kết luận phong phú từ chương cuối cuốn luận án của Werkmeister về phong trào đoàn kết với Việt Nam tại CHLB Đức. Trong đó, ông xác định rõ:

“Trong những năm 1965-1973, phong trào phản đối chiến tranh Việt Nam tại CHLB Đức đã phát triển ngày càng rõ rệt thành phong trào đoàn kết mang tính chính trị. Hầu như tất cả các thành viên của phong trào này, cũng như vô số công dân có cảm tình với phong trào, đều thông qua chiến tranh Việt Nam mà có cách nhìn nhận phê phán xã hội sâu sắc. Phong trào phản đối chiến tranh và đoàn kết với Việt Nam đã giúp cho đông đảo những người chống chiến tranh Việt Nam – những người lúc ban đầu vốn chỉ phẫn nộ về hậu quả do các hành động chiến tranh của Mĩ gây ra – nhận ra rằng không thể chấp nhận sự nghiệp bảo vệ “tự do” bằng bom napalm cũng như bằng các hành động diệt chủng được. Tính chính nghĩa về mặt đạo lí của “phương Tây”, đặc biệt là của Mĩ, vốn vẫn được thề thốt suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, ngày càng bị nghi ngờ: thông qua phong trào phản đối chiến tranh, nhiều người nhận rõ những yếu tố nguy hiểm trong chính sách đối ngoại của Mĩ.”53

“Sự ủng hộ vô điều kiện của các Chính phủ liên bang qua từng thời kỳ cũng như của các thế lực đứng đằng sau những chính phủ đó đối với chính sách chiến tranh của Mĩ tại Đông Dương đã làm thái độ phê phán của nhiều người đối với hệ thống xã hội ở CHLB Đức ngày một sâu sắc thêm […]. Số lượng những người tham gia hay cảm tình với phong trào đoàn kết với Việt Nam, những người mang quan điểm dân chủ cực đoan, chống tư bản chủ nghĩa, chống đế quốc, hay thậm chí xã hội chủ nghĩa, ngày càng tăng.”54

Hoạt động của IIVS là một thí dụ cho sự thành công của sự thống nhất hành động lâu dài và có lựa chọn giữa các lực lượng khác nhau như tự do, dân chủ xã hội, xã hội chủ nghĩa và cộng sản.55

Công cuộc giải phóng Miền Nam Việt Nam đóng góp vào việc “tăng cường lòng tự tin của các lực lượng dân chủ, xã hội chủ nghĩa cũng như tất cả các khuynh hướng chống đế quốc tại CHLB Đức”.56

Phong trào đoàn kết đã biết lợi dụng các tiêu chuẩn của nền dân chủ tư sản mà cả chính phủ Mĩ lẫn các chính phủ khác đều phải tuân thủ và thông qua việc động viên và tranh thủ sự ủng hộ của dư luận rộng rãi cũng như của các cơ quan nghị viện lập pháp để kiềm chế các cơ quan của chính phủ.57

Phong trào đoàn kết là một bộ phận của mặt trận nhân dân toàn thế giới, một mặt trận đã thành công trong việc hạn chế phạm vi các hoạt động quân sự của Mĩ.58

Tổng kết này do Werkmeister đưa ra vào năm 1975, không bao lâu sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam và “giải phóng” Miền Nam Việt Nam, là một tổng kết cho phép đi đến ba kết luận như sau:

Xuất phát từ nhận xét cho thấy giữa các nhân vật chủ chốt của phong trào đoàn kết trong giai đoạn này và các đối tác của họ ở Bắc và Nam Việt Nam từng tồn tại mối quan hệ cộng sinh,59 ta có cơ sở để cho rằng các đồng chí trong thế giới thứ nhất cũng như các đồng chí của họ trong thế giới thứ ba đều cùng theo đuổi một chiến lược như nhau. Hơn nữa, chiến lược này chắc hẳn đều phục vụ cho cùng một mục tiêu lâu dài là giành chính quyền và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Phong trào đoàn kết cũng như sự phát triển của phong trào đó, đối với họ, chỉ có ý nghĩa chức năng mà thôi. Xét về các yêu sách chính trị và ngoại giao của VNDCCH và của MTDTGP và chính phủ CM lâm thời, IIVS và các hoạt động của nó đóng vai trò loa phóng thanh và gây tiếng vang cho các chiến sĩ giải phóng ở Việt nam. Hai bên hầu như không phê phán lẫn nhau, thảng hoặc có xảy ra, thì sự phê phán đó không làm lay chuyển mối liên minh về nguyên tắc giữa họ với nhau.60 Các nhân vật thuộc thế giới thứ nhất và thế giới thứ ba, hay chí ít cũng là các nhân vật đứng đầu các hoạt động cho sự nghiệp “giải phóng” Việt Nam, đều có cùng một mục tiêu như nhau và đều tuân theo cùng một kịch bản nhằm đạt tới mục tiêu đó.

Xét về chiến lược, thì Werkmeister và các đồng chí của ông tại IIVS quan tâm trước hết đến việc tạo dựng các điều kiện cho hai cuộc cách mạng cùng được thực hiện đồng thời với nhau: cách mạng ở Miền Nam Việt Nam (vì ở Miền Bắc, theo cách hiểu của họ, cách mạng đã thành công), và cách mạng tại CHLB Đức.

Xét về chiến thuật, thì – trong cả hai trường hợp – phong trào đoàn kết quốc tế hoặc đã góp phần đạt tới một giai đoạn cách mạng quá độ ở mức quốc gia (như sự kiện “giải phóng” Miền Nam Việt Nam vào ngày 30. 4. 1975), hoặc đang trên đường đạt tới một giai đoạn như thế trong tương lai (có vẻ ở CHLB Đức).

Ở Miền Nam Việt Nam, Lê Duẩn và các đồng chí ở VNDCCH, với sức mạnh của quân đội thiện chiến cũng như sự hỗ trợ của một số ít cán bộ còn sống sót của MTDTGP, chẳng bao lâu sau đã cho thấy, rốt cuộc, các mục tiêu của đấu tranh “giải phóng”, thống nhất đất nước và của cái gọi là cuộc cách mạng dân tộc là gì: giành chính quyền vào tay những người cộng sản Bắc Việt Nam chiến thắng và xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc.61

Bởi vì, chỉ sau một thời gian chuyển tiếp ngắn, kéo dài chừng nửa năm, là thời gian mà các cán bộ miền Bắc – sau chiến thắng diễn ra nhanh chóng một cách bắt ngờ đánh bại quân đội Việt Nam Cộng hòa – còn phải thảo luận xem cần tiến hành những bước chính trị kinh tế tiếp theo nào, khoảng cuối năm 1975, người ta đã bắt đầu chụp hệ thống chính trị, kinh tế, xã hội của Miền Bắc lên Miền Nam ngay. Ngày mồng 2 tháng 7 năm 1976, nước Việt Nam chính thức tái thống nhất và nước Cộng hòa XHCN Việt Nam được thành lập. Ngay từ cuối năm 1975, Đảng “Nhân dân Cách Mạng Miền Nam Việt Nam” và Đảng Lao động Việt Nam đã sáp nhập vào nhau làm một. Tại Đại hội Đảng lần thứ 4 diễn ra vào năm 1976, Đảng đổi tên thành Đảng CS Việt Nam. Để giải thích việc đổi tên này, người ta tuyên bố, đó là việc cần thiết nhằm tăng cường chuyên chính vô sản và củng cố sự lãnh đạo của giai cấp công nhân và liên minh công nông. Các chủ trương mới nhằm xây dựng chủ nghĩa xã hội trên toàn quốc được công bố, kế hoạch năm năm lần thứ hai (1976-1981) được thông qua và hàng loạt thay đổi trong tổ chức Đảng được thực hiện.

Chẳng bao lâu sau sự kiện “Giải phóng” và Việt Nam Cộng hòa đầu hàng vào ngày 30. 4. 1975, ở cấp độ hành chính địa phương, người ta bắt đầu tiến hành việc thay thế cán bộ Miền Nam bằng cán bộ Miền Bắc.62 Những cán bộ của MTDTGP và Chính phủ CM lâm thời “chịu hòa nhập” được thu nhập vào hệ thống chính trị mới và về sau được giữ các chức vụ mang tính chất tượng trưng. Trong số này, có thể kể đến bà Nguyễn Thị Bình. Bà vốn là Bộ trưởng Bộ ngoại giao Chính phủ CM lâm thời và trở thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục, rồi năm 1992 là Phó Chủ tịch nước. Nhiều cán bộ khác, chẳng hạn bà Dương Quỳnh Hoa – nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế trong Chính phủ CM lâm thời – bị mất chức do thái độ phê phán của bà đối với các chủ trương của Đảng CS Việt nam. Sau đó, bà tiếp tục hành nghề bác sĩ, giữ chân Giám đốc Bệnh viện nhi đồng TP Hồ Chí Minh và không ngớt lớn tiếng phê phán tham vọng nắm toàn quyền lãnh đạo cũng như các chính sách cai trị phi dân chủ của Đảng CS Việt Nam.

Hậu quả của “bước nhảy vọt về chất” này sau khi thống nhất đất nước, bỏ qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa để chuyển ngay sang xây dựng xã hội chủ nghĩa là những hậu quả đã quá rõ ràng: Sau các cố gắng không thành nhằm hợp tác hóa nông nghiệp ở Miền Nam, những nạn đói đầu tiên đã diễn ra vào cuối những năm 1970, không những ở Miền Nam mà cả các nơi khác. Giới thương gia Miền Nam Việt Nam và nhiều giới khác bị đẩy ra rìa về mặt kinh tế, chính trị và xã hội – nếu không bị đẩy vào trại cải tạo – thì sau khi nhà nước tiến hành quốc hữu hóa nền kinh tế tư nhân, họ cũng kéo nhau lũ lượt rời quê hương ra đi, sang cả CHLB Đức trong tư cách “boat people (thuyền nhân)”. Sau những cải cách nửa vời vào 1981, tai họa về kinh tế lên đến đỉnh cao vào các năm 1985/86. Đảng CSVN buộc lòng phải nhượng bộ “các cải cách kinh tế từ dưới” vốn đã được thực hiện trái với ý muốn của nhà cầm quyền Hà Nội và chính thức cho phép kinh tế tư bản chủ nghĩa tiếp tục mở rộng và phát triển (xem thêm bài của Fforde về vấn đề này trong chuyên khảo). Như thế, Miền Nam Việt Nam tư bản chủ nghĩa, xét riêng về mặt kinh tế, đã chiến thắng, dù có chậm mất mười năm, nhưng về mặt chính trị, thì vẫn xa vời nền dân chủ mà trước đây nhiều người từng mong mỏi.

Đoàn kết, sự đồng nhất hóa và “mớ rác rưởi trong đầu”: Các đánh giá tự phê phán của đôi người trong cuộc

Vào cuối những năm 1970, trong khi nhiều thành phần của phong trào sinh viên và các nhóm sinh viên trong phong trào đoàn kết với Việt Nam bắt đầu tiến hành xem xét lại và tự phê phán sự gắn bó quá chặt chẽ của họ với công cuộc cách mạng Việt nam cũng như với các nhà cách mạng Việt Nam, thì trong nội bộ các Hội Hữu nghị với Việt Nam (FG Việt Nam) và Hội Đức Việt (DVG) ở CHLB Đức không có các hoạt động tự phê phán như thế. Trong thành phần hai Hội này, các thành viên trước đây của phong trào đoàn kết quốc tế với Việt Nam cũng có mặt và gây ảnh hưởng mạnh (xem trong khung kèm theo).

Các tổ chức thuộc phong trào đoàn kết với Việt Nam tại CHLB Đức Trong phong trào đoàn kết với Việt nam, nổi bật lên nhiều tổ chức từng đạt tới đỉnh cao trong những năm 1960-1970. Một số tổ chức đã giải thể, ví dụ như IIVS, thành lập năm 1965 và giải thể năm 1975, và “Hội tương trợ Việt Nam”, thành lập năm 1965, giải thể năm 1977, một số khác còn tồn tại đến nay (2018). Trong số này là “terre des hommes”, thành lập năm 1967, “Làng hòa bình quốc tế”, cũng thành lập năm 1967, “medico international”, thành lập năm 1968, Hội giúp đỡ trẻ em “Hyvong” (thành lập năm 1976), “Chợ đoàn kết Bremen”, thành lập năm 1966, và Hội hữu nghị giữa nhân dân CHLB Đức và CHXHCN Việt Nam”, ngắn gọn là “Hội Hữu nghị Việt Nam” hay “FG Viêt Nam”, thành lập năm 1976.63 Do các mâu thuẫn trong nội bộ “FG Việt Nam”, năm 1991 hội “Hữu nghị Đức Việt”64 ở Tây Đức được thành lập. Trái với mong muốn của FG Việt Nam, năm 1983, Hội Hữu nghị Tây Berlin với Cộng hòa XHCN Việt Nam được thành lập. Hội này giải thể vào năm 1991, nhập vào Hội Đức-Việt (1990-1997) ở Đông Đức.

Cho đến nay, ta vẫn chưa rõ sự thay đổi quan điểm của một nhân vật nổi bật trong phong trào đoàn kết với Việt Nam là Frank Werkmeister – sự thay đổi từ một môn đệ trung thành với chủ nghĩa xã hội chuyển thành người mở đường cho giới công nghiệp CHLB Đức vào Việt Nam và góp phần hỗ trợ các kế hoạch biến đất nước này thành “con hổ” tư bản chủ nghĩa mới đã diễn ra như thế nào. Người ta không biết gì đến những lời tự phê phán của ông.65 Ngược lại, những người từng trong cuộc như Klaus Vack và Andreas Buro – cũng giống như Werkmeister, cả hai đều xuất thân từ phong trào đòi giải trừ quân bị và dân chủ – đã cho xuất bản các đánh giá phê phán sự đồng nhất hóa của họ với “Cách mạng Việt Nam” cũng sự (không) hiểu biết của họ về sự phát triển ở Việt Nam.

Ở phần đầu, chúng tôi cũng đã trích dẫn những đánh giá mang tính tự phê phán của các cựu thành viên SDS như Peter Gäng. Cuối những năm 1970, Dietrich Wetzel cũng phát biểu tương tự như thế trong cuộc hội thảo của các “cựu binh” thuộc phong trào đoàn kết với Việt Nam: “Chúng tôi đã tỏ ra sẵn sàng gắn bó mà không suy nghĩ gì nhiều, không phân tích kỹ càng mọi sự.”66 Cả ông Daniel Cohn-Bendit – thành viên kỳ cựu của phong trào sinh viên CHLB Đức và Pháp đoàn kết với Việt Nam (1979), cựu lãnh tụ sinh viên ở CHLB Đức và ở Pháp, rồi về sau là đại biểu Quốc hội Châu Âu của Đảng Xanh tại Straßburg – cũng tự phê phán như sau vào cuối những năm 1970:

Lẽ ra, phong trào của chúng ta là phải là “Phong trào đoàn kết với nạn nhân của nạn diệt chủng do bọn đế quốc gây ra cho nhân dân Việt Nam … chứ không phải là đoàn kết với một phong trào chính trị kiểu như Việt Cộng. Chúng ta đã xem nhẹ tình đoàn kết với nạn nhân, hay nói cách khác, khi bày tỏ tình đoàn kết đó chúng ta cũng đồng thời quảng bá cho một hệ thống chính trị vậy.”67

Joschka Fischer, bạn ông, – vốn là một anh tài xế taxi và thành viên nhóm Sponti (Nhóm sinh viên thiên tả hoạt động trong thời gian 1970-1980, tự xem là những người kế tục phong trào đối lập ngoài nghị trường (APO) và “phong trào 68”, cho rằng “đấu tranh tự phát của quần chúng” mới là yếu tố cách mạng của lịch sử (Khác với “nhóm K” là nhóm theo đuổi quan điểm cách mạng của Lenin cho rằng Cách mạng phải do đảng tiên phong lãnh đạo.- Chú thích của người dịch) tại Frankfurt, sau này gia nhập đảng Xanh rồi trở thành Bộ trưởng Môi trường bang Hessen và Ngoại trưởng CHLB Đức, gần đây là GS thỉnh giảng tại Mĩ, đồng thời là người đồng sáng lập Thinktank „European Council on International Relation“ cũng như công ty tư vấn riêng – cũng tán thành với một đánh giá như thế:

„Xuất phát từ các nhu cầu của chính mình, chúng ta đã lựa chọn các huyền thoại cho mình rồi nhồi nhét, gắn chặt chúng vào đầu óc.“68 Tất cả những thứ chủ nghĩa quốc tế, chủ nghĩa xã hội và giấc mơ về một nền cộng hòa khác ấy đều là „mớ rác rưởi trong đầu“69 mà ông đã „sa vào“.70. Đó là sự đồng nhất hóa mình một cách hiển nhiên với chủ nghĩa cộng sản: „Một sự đồng nhất hóa […] mình với một phong trào đấu tranh thành công, mà nói cho cùng, là với một nhà nước xã hội chủ nghĩa!“71 Do đó mà việc tìm hiểu các quan điểm đối lập phi cộng sản không được ai để tâm: Bởi „Lúc nào chúng ta cũng chỉ thấy Việt cộng trước mắt mình mà thôi.“72

Gần mười năm sau (1988), nhà văn Peter Schneider và cũng là người tham gia phong trào đoàn kết „năm 68“ nêu một vấn đề đáng suy nghĩ là,

„Chủ nghĩa quốc tế mà trước đây chúng ta nhận thấy trong phong trào sinh viên […] đúng ra là một thứ chủ nghĩa quốc tế […], mà, đứng ở các đỉnh cao của nó mà xét, là sự bộc phát của cuộc khởi loạn. Một thứ chủ nghĩa quốc tế không còn thiết gì đến cuộc sống hàng ngày nữa. Hầu như không một ai trong chúng ta sang Việt Nam để tìm hiểu xem quyền tự quyết – hồi đó vốn là một yêu sách chính của phong trào phản đối chiến tranh – phải, quyền tự quyết của nhân dân Việt Nam ấy, có được thực hiện hay không và thực hiện như thế nào. […] trong đầu tôi nảy ra ý nghĩ, rằng thứ chủ nghĩa quốc tế đó, dù căn nguyên của nó có tuyệt vời thế nào đi nữa, dù nó có tác dụng giải phóng chúng ta khỏi „uế khí lẫn nỗi khốn khổ rất Đức ấy“ thế nào đi nữa, nó vẫn là một thứ chủ nghĩa quốc tế ích kỉ […] mà thôi, có nghĩa là, người ta chỉ nêu cao chủ nghĩa quốc tế đó đến khi nào nó còn phục vụ cho việc khẳng định các ý tưởng và hình dung của chính mình. Và người ta […] đâm ra thất vọng đến mức mù quáng và điếc đặc, nếu như thực tế diễn ra […] không long trọng, ít cách mạng hơn như người ta hình dung và mong ước.“73

Phong trào đoàn kết với Việt Nam – mối quan tâm nhằm trước hết vào việc tạo ra các thay đổi ngay trong nước mình

Các hoạt động của phong trào đoàn kết với Việt nam (1965-1975) tại CHLB Đức, xét về cốt lõi, ít nhằm vào việc ủng hộ „Việt Nam“ hay „nhân dân Việt Nam“, lại càng không nhằm trước hết vào việc ủng hộ tất cả các nạn nhân của cuộc chiến tranh đó. Điều đó không có nghĩa là những người tham gia vào phong trào đoàn kết với Việt Nam tại CHLB Đức dửng dưng trước số phận của nhân dân Việt Nam. Hoàn toàn không phải như vậy.

Thế nhưng, các mục tiêu chính của các hoạt động chính trị của sinh viên hay các thành viên khác đã nhằm trước hết vào việc làm thay đổi về chính trị, kinh tế và xã hội ngay tại CHLB Đức. Việt Nam đã nổi lên như một tấm màn phản chiếu, một phòng vọng âm cho các ước vọng và các nỗ lực toan làm thay đổi CHLB Đức – thay đổi tận gốc rễ hay từng bộ phận, từng phần hay từng bước. Hoặc, nói cách khác, mối quân tâm của họ còn lớn hơn „Việt Nam“, đó là ước vọng làm biến đổi đất nước của chính mình.

Việt Nam là một huyền thoại không những chỉ đối với phong trào sinh viên và phong trào „năm 68“, như Olejniczak viết mà thôi.74 „Huyền thoại Việt Nam“ ít ra cũng có chức năng ngầm đối với giới sinh viên – nhưng đối với những người kế tục họ trong các tổ chức kiểu như „IIVS“ lại là chức năng hiển hiện và minh bạch – và huyền thoại ấy biến thành một thứ công cụ để nhằm đạt tới mục tiêu. Do đó, người ta cũng không thể nhận định như Weitbrecht, cho rằng tình đoàn kết của phong trào sinh viên là tình đoàn kết „cách mạng trên thực tế“ – thứ tình đoàn kết tình nguyện của kẻ mạnh với kẻ yếu, không mang động cơ của lợi ích riêng nào.75 Tất nhiên, cả giới sinh viên và học sinh phổ thông lẫn học sinh học nghề cũng theo đuổi các lợi ích riêng tư trong phòng trào đoàn kết với Việt Nam.

Các thành viên phong trào đoàn kết với Việt Nam trong hàng ngũ IIVS còn theo đuổi lợi ích riêng một cách rõ rệt hơn dưới hình thức của những nỗ lực nhằm thay đổi đất nước mình. Mặc dù luôn luôn tuyên bố rằng việc xây dựng chủ nghĩa xã hội không nằm trong chương trình hoạt động của họ (bởi điều đó sẽ làm tổn hại đến chiến lược „Mặt trận nhân dân“), các nhân vật chính của Liên minh này luôn luôn ủng hộ và đồng nhất hóa mình một cách mạnh mẽ với thứ chủ nghĩa xã hội được thực thi tại VNDCCH, CHDC Đức, Liên Xô và sau này, tại CHXHCN Việt nam. Phong trào đoàn kết với Việt nam đối với họ là một công cụ nhằm „dân chủ hóa CHLB Đức“ theo những cách hình dung của riêng họ. Tiếp sau đó là gì, người ta chỉ có thể suy đoán, vì họ không công bố công khai các mục tiêu tiếp theo đó. Nhưng, nếu họ đi theo đề cương mà Bí thư thứ nhất của Trung ương Đảng Lao động Việt nam Lê Duẩn đã vạch ra – bản đề cương nhờ IIVS cũng được biên dịch sang tiếng Đức – thì có thể kết luận rằng nền dân chủ tư sản cũng chỉ được xem là bước quá độ và bước tiếp theo sẽ là bước giành chính quyền về tay Đảng Cộng sản và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Việc các nhóm sinh viên cũng như các nhóm thành viên phác của phong trào theo đuổi lợi ích riêng là việc không đáng ngạc nhiên và cũng không tạo ra cơ sở nào khiến người ta phải phẫn nộ về mặt chính trị và đạo lí. Bởi vì phong trào ủng hộ thế giới thứ ba cũng như phong trào đoàn kết với Việt Nam đều là những phong trào xã hội76, và trong vai trò đó, đó là những phong trào „động viên tập thể dựa vào tính liên tục trên cơ sở hợp nhất và ít phân chia các vai trò và thông qua các hình thức tổ chức và hoạt động khác nhau để theo đuổi mục tiêu tạo ra các biến chuyển sâu xa trong xã hội“.77 Phong trào đoàn kết với Việt Nam của sinh viên cũng như của IIVS đều nhằm mục tiêu đó. Điều đáng làm cho người ta phẫn nộ có lẽ là ở chỗ, khác với phong trào sinh viên, phong trào IIVS đã không công khai hóa mục tiêu „thật sự“ của nó là gì.

Song le, bất kể mục tiêu thật sự và cuối cùng của những người tích cực trong phong trào đoàn kết với Việt Nam là gì đi nữa, vẫn có thể thấy rõ rằng, Việt Nam vốn là „niềm hy vọng xa vời“ và vốn cũng là một huyền thoại và ít nhất là hồi đó, người ta không biết nhiều lắm (hay không muốn biết) về thực tế của chủ nghĩa xã hội trên đất nước ấy.

Chú thích

1

Twenty Years After. Chuyện trò với Peter Gäng, thành viên nhóm công tác Việt Nam của SDS 1964 và từ 1966 là Chủ tịch thứ hai của SDS, trong: Werner Balsen/Karl Rössel (biên tập): Hoch die internationale Solidarität: Zur Geschichte der Dritte-Welt-Bewegung in der Bundesrepublik, Köln 1986, tr. 255.

2

Klaus Vack, „Cùng với Việt Nam, đã có cái gì đó bùng nổ“, trong Balsen/Rössel (CT. 1), tr. 128.

3

Về mặt này, một câu hỏi thú vị có thể được đặt ra là: mọi sự sẽ diễn ra như thế nào, nếu chỉ cần một bộ phận công chúng, một đảng nào đó trong Quốc hội liên bang hay một bộ phận của chính phủ tỏ thái độ ủng hộ nguyện vọng nhất định nào đó (ví dụ „Hòa bình cho Việt Nam“) của những người đấu tranh: „Gía hồi ấy một phát ngôn viên của chính phủ đứng ra và tuyên bố ´Những gì các anh nói, nói chung là đúng và chúng tôi cũng không tán thành những gì đang diễn ra ở Việt Nam´ thì mọi sự đã dịu đi rồi. Thì chúng tôi đã gật gật đầu, một số trong chúng tôi có thể sẽ xin gia nhập SPD và có thể chúng đã có cảm giác đang sống trên một đất nước mà mình có thể ít nhiều đồng ý về lý tưởng“, nói theo lời cựu thành viên SDS và chuyên gia về Việt Nam Peter Gäng, xem thêm Twenty Years After (CT.1), tr. 252.

4

Claudia Oleiniczak, Die Dritte Welt-Bewegung in Deutschland. Konzeptionelle und organisatorische Strukturmerkmale einer neuen sozialen Bewegung, Wiesbaden 1999, tr. 97.

5

Balsen/Rössel (CT.1), tr. 143.

6

Claudia Olejniczak, Die Dritte Welt-Bewegung in Deutschland. Konzeptionelle und organisatorische Strukturmerkmale einer neuen sozialen Bewegung, Wiesbaden 1999, tr. 97

7

Dorothee Weitbrecht, Aufbruch in die Dritte Welt. Der Internationalismus der Studentenbewegung von 1968 in der Bundesrepublik Deutschland, Göttingen 2012, tr. 159.

8

Andreas Buro/Karl Grobe, Vietnam! Vietnam? Zur Entwicklung der Sozialistischen Republik Vietnam nach dem Fall Saigons, Frankfurt/M. 1984, tr. 9-10.

9

Balsen/Rössel (CT.1), tr. 142. Phong trào đoàn kết với Việt Nam khác biệt với các phong trào sinh viên đoàn kết khác ở chỗ „nó không có các mối quan hệ song phương. Do sự khác biệt về văn hóa và địa lý, hầu như đã không có sự tiếp xúc nào giữa (sinh viên, chú thích của J.W.) với nhân dân Việt Nam“, Weitbrecht (CT.6), tr. 160. Nhưng theo lời của Erik Nohara, cựu thành viên tích cực của SDS, đã có sự liên hệ tốt đẹp với Văn Phòng đại diện của MTDTGP Miền Nam Việt Nam tại Đông Berlin: „Sự hợp tác với MTDTGP đã diễn ra thuận lợi, không quan liêu; chúng tôi đã thường qua bên đó bàn bạc công việc với họ. Mối hợp tác này đã khiến cho các hoạt động vì Việt nam có thể diễn nhanh chóng và tốt đẹp hơn mức chúng tôi mong đợi.“ theo Balsen/Rössel, CT. 1, tr. 154. Ngoài giới sinh viên trong phong trào đoàn kết với Việt Nam cũng có các mối tiếp xúc khác của nhiều nhân vật khác thuộc phong trào với phía Việt nam. Song, trước hết là các tiếp xúc với một số chính khách hay tổ chức xã hội ở Nam và Bắc Việt Nam. Ông Werkmeister nhắc đến hàng loạt cuộc tiếp xúc diễn ra vào các năm 1968/69 giữa IIVS và đại diện của VNDCCH (tức Bắc Việt Nam), MTDTGP và Chính phủ CM lâm thời Miền Nam Việt Nam cũng như đến các chuyến viến thăm VNDCCH của IIVS. Các hoạt động tương trợ Việt Nam và nhiều cá nhân thuộc „cánh tả truyền thống“ và phái chủ trương hòa bình cũng đã có các mối liên lạc như thế với nhiều tổ chức chính trị xã hội của Bắc Việt nam và họ cũng đã từng thăm Việt Nam trước cả năm 1968. Xem: Frank Werkmeister, Die Protestbewegung gegen den Vietnamkrieg in der Bundesrepublik Deutschland 1965-1973, Luận án tiến sĩ ngành xã hội học thuộc Đại học Philipps, Marburg/Lahn, Marburg/Lahn 1975, tr. 42-43, 90-91., 108-114; 144-146.

10

Eckhard Siepmann, Vietnam der große Katalysator, in: CheSchahShit. Die Sechziger Jahre zwischen Cocktail und Molotow, Berlin, tr. 125.

11

Krippendorf cho rằng sự phẫn nộ về mặt đạo lí là yếu tố chính dẫn đến phong trào sinh viên: „ … cái quan trọng nhất … là sự tái đạo đức hóa nền chính trị thành sự phản kháng chống lại bất công xã hội, chống bạo lực quân sự và thể chế, một thứ bạo lực được đem ra nhằm ngăn cản các nước „thế giới thứ ba“ vừa thoát ách thực dân đi theo con đường phát triển riêng, phi tư bản chủ nghĩa“, Eckehart Krippendorf, »68« – Moral und Engagement, trong: Blätter für deutsche und internationale Politik, 7/2008, tr. 99.

12

„Ngoài sự khác biệt về ngôn từ chính trị, hai phe cũng khác nhau trong cách đánh giá về thế giới thứ ba. Trong khi quan điểm của những người truyền thống đối với thế giới thứ ba vẫn còn dựa vào các khuôn mẫu thực dân mang tính hướng Âu và đặt vấn đề về các hậu quả của những tổ hợp vấn đề này đối lý thuyết lẫn thực tiễn phong trào công nhân châu Âu, những người chống độc quyền đòi hỏi phải phát hiện ra các lực lượng đối kháng và đáng giá lại các nước thứ ba, hay diễn đạt theo thuật ngữ mác xít: xem họ là các chủ thể cách mạng. Nếu sự phê phán xã hội của các nhà truyền thống vẫn còn tập trung trong khuôn khổ quốc gia theo ý nghĩa truyền thống của lý thuyết mác xít về giai cấp, thì theo quan điểm các nhà chống độc quyền, giai cấp vô sản không còn vai trò cách mạng trong xã gội công nghiệp hiện đại nữa. Theo quan điểm của phát Tân tả, cần phải hiểu các mâu thuẫn xã hội ở qui mô quốc tế và như thế thế giới thứ ba phải đóng vai trò cách mạng trung tâm“; Weitbrecht (CT.7), tr. 136.

13

Weitbrecht (CT.7, tr. 186. Ở đây, Weitbrecht trích dẫn từ: »Vietnamkrieg und Theorie der Studentenbewegung «. Trích đoạn từ Manfred Buddeberg: Die konstitutive Funktion der -Bewegung für das Selbstverständnis der politischen Studentenbewegung in Westdeutschland, trong: Diskus. Frankfurter Studentenzeitung, Jahrgang 20, 27.11.1970, tr. 14.

14

Như trên, tr. 269.

15

Như trên.

16

Như trên. Ở đây Weitbrecht dẫn bức thư của SDS ngày 26. 6. 1967 và trong chú thích 1312 dẫn đến Lưu trữ Liên bang Koblenz: BAK, NL, Nr. 55-3.

17

Như trên, tr. 274. Weitbrecht trích dẫn bài phỏng vấn Jürgen Horlemann vào ngày 29. 12. 2969, trong Siegward Lönnendonker: Die Politik des Sozialistischen Studentenbundes (SDS), Landesverband Berlin. Versuch einer Rekonstruktion der Entwicklung vom Dezember 1964 bis zum April unter besonderer Berücksichtigung von Organisation, Strategie und Taktik, unveröffentlichte Diplomarbeit, FU Berlin, 1973. Trích dẫn của Gollwitzer nằm trong Helmut Gollwitzer, Vietnam 1967. Diến văn đọc tại biểu tình ưng hộ Việt Nam ngày 21.10.1967, trong: ders.: … dass Gerechtigkeit und Friede sich küssen. Aufsätze zur politischen Ethik, Andreas Pangritz chủ biên, München 1988, Bd. 2. (Helmut Gollwitzer: Ausgewählte Werke in 10 Bänden), tr. 166.

18

Olejniczak (CT.4), tr. 325.

19

Gäng (CT.1), tr. 256.

20

20 Balsen/Rössel (CT.1), tr. 178.

21

21 Klaus Vack: »Der Todesschuss auf Benno Ohnesorg war ein Auslöser«, trong Balsen/Rössel (CT.1), tr. 181.

22

22 Gäng (CT.1), tr. 256.

23

23 Balsen/Rössel (CT.1), tr. 199.

24

Hội nghị quốc tế về Việt Nam, 17. -18. 2. 1968 Tây Berlin. Tài liệu. Der Kampf des Vietnamesischen Volkes und die Globalstrategie des Imperialismus, chủ biên: SDS Westberlin und Internationales Nachrichten und Forschungs-Institut (INFI), Biên tập Sybille Plogstedt, Westberlin 1968, http://www.infopartisan.net/archive/1967/266789.html.

25

Tuyên bố kết thúc Hội nghi quốc tế về Việt Nam, 17./18. 2. Tại Tây Berlin, http://www.infopartisan.net/archive/1967/266763.html.

26

Ở đây cần nhắc đến việc thông qua Luật khẩn cấp (30. 5. 1968) và sự thất bại của các hoạt động nhằm ngăn cản luật này, việc đổ quân của Khối Warzawa vào Tiệp Khắc, tháng 8 năm 1968 (Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam ủng hộ hành động này) tình hình Mĩ (vụ ám sát Martin Luther King và Robert F. Kennedy), các vấn đề về quân sự và bạo lực tại các cuộc biểu tình ở CHLB Đức, và các quan điểm khác nhau trong phong trào đoàn kết đối với quá trình đàm phán hòa bình giữa Mĩ với VNDCCH, với sự tham gia của MTDTGP Miền Nam Việt Nam và chính phủ Việt Nam Cộng hòa.

27

Balsen/Rössel (CT.1) tr. 199.

28

Như trên, tr. 221.

29

Werkmeister (CT. 9), tr. 59.

30

Kết quả của phiên toà cũng được nhà xuất bản Rowohlt xuất bản với số lượng lớn.

31

„Ngoài việc thông qua „lời kêu gọi toàn thế giới vì Việt Nam“ Hội nghị còn ra một quyết định quan trọng đối với phong trào quốc tế đoàn kết với Việt Nam. Nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau cũng như thống nhất mục tiêu chung của Hội nghi Stockholm, một Ủy ban liên lạc quốc tế (International Liaison Committee) đã được thành lập, mới đầu bao gồm các thành viên của Ủy ban trù bị tổ chức Hội nghị. Tuy nhiên, mọi tổ chức muốn đóng góp cho các mục tiêu chung của Hội nghi đều có thể tham gia Ủy ban này.“ Werkmeister (CT. 9), tr. 70-71.

32

Werkmeister (CT. 9), tr. 71.

33

Như trên, tr. 71-72.

34

Như trên, tr. 94.

35

Truyền đơn „Lời kêu gọi hành động: Chấm dứt chiến tranh của Mĩ – Hòa bình cho Việt Nam ngay“, trích dẫn theo như trên.

36

Như trên, tr. 95.

37

Thông tư của KfDA ngày 24 tháng 11 năm 1969 „Gửi những người ký tên vào bản kêu gọi vì Việt Nam ngày 15. 11.“ Trích dẫn theo như trên, tr. 96.

38

Như trên, tr. 125.

39

Như trên, tr. 126.

40

Như trên, tr. 129.

41

Như trên, tr. 135.

42

Như trên, tr. 147. Những tuyên bố được lan truyền rộng rãi như thế (đã được nhắc tới trong CT. 37 về lời kêu gọi của IIVS) là „Chương trình 10 điểm nhằm giải quyefn vấn đề Miền Nam Việt Nam“ của MTDTGP ngày 8.5.1969, „chương trình 8 điểm“ của chính phủ CM lâm thời (CPCMLT) 17.9.1970, „chương trình 7 điểm“ của CPCMLT 1. 7. 1971 cũng như lời đáp của CPCMLT ngày 2.2.1972 đối với diễn văn 25.1.1972 của Tổng thống Nixon (như trên, tr, 148).

43

Như trên, tr. 204.

44

Lời nói đầu của IIVS cho cuốn „Miền Nam Việt Nam: Học sinh, sinh viên trong nhà lao. Tài liệu của Phong trào hòa bình Thiên chúa giáo, xuất bản tại Sài Gòn 1972, ed. IIVS, Frankfurt/M., trích theo như trên, tr. 155.

45

Le Duan, Die vietnamesische Revolution. Grundprobleme und Hauptaufgaben, ed. Günter Giesenfeld und Frank Werkmeister, Frankfurt/M. 1973.

46

Theo lời Günter Giesenfeld và Frank Werkmeister trong Lời nói đầu cho như trên, tr. 7.

47

„Khẩu hiệu xây dụng CNXH ở Miền Nam Việt Nam tương ứng rõ ràng với Chương trình của MTDTGP và CPCMLT. Điều này khẳng định thêm quan điểm của những ai xem MTDTGP và CPCMLT chỉ là các tổ chức cộng sản mà thôi“; Werkmeister (CT.9), tr. 246

48

Lê Duẩn (CT.45), tr. 146.

49

Như trên.

50

Như trên, tr. 35-37; nhấn mạnh trong nguyên bản.

51

Như trên, tr. 40-41.

52

Như trên, tr. 47, nhấn mạnh trong nguyên bản.

53

Werkmeister (CT.9), tr. 268.

54

Như trên., tr. 268.

55

Như trên, tr. 270.

56

Như trên. Về mặt này, Kraushaar và Kundnani nhấn mạnh rằng một vài người trong cuộc của phong trào đoàn kết với Việt Nam có lẽ đã nhìn thấy mối liên hệ giữa phong trào giải phóng dân tộc ở Miền Nam Việt Nam khỏi sự thống trị của Mĩ với phong trào đang lớn mạnh giải phóng nhằm giải phóng CHLB Đức khỏi sự thao túng của Mĩ. Song, dạo đó không ai công khai nói rõ điều này, có chăng ngoài Rudi Dutschke – là người ai cũng biết không thuộc vào khuynh hướng chính trị này. Xem Wolfgang Kraushaar, 1968 als Mythos, Chiffre und Zäsur, Hamburg 2000, S. 89-129; Hans Kundnani, Utopia or Auschwitz? Germany’s 1968 Generation and Holocaust, New York 2009, tr. 224-233.

57

Werkmeister (CT.9) tr. 272.

58

Như trên, tr. 271.

59

Tố Hữu, trong tư cách Ủy viên TƯ Đảng Lao động Việt Nam tham dự Đại hội Đảng CS Đức năm 1973 tại Hamburg, cũng nhấn mạnh điều này: „Tố Hữu nhấn mạnh nhiều lần trong thời gian lưu chân tại CHLB Đức rằng cuộc đấu tranh của Đảng CS Đức chống đại tư bản ở CHLB Đức cũng là hành động đoàn kết với nhân dân Việt Nam. ´Đảng CS Đức có thể khẳng định rằng họ là Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động tại CHLB Đức.´ Ông nhấn mạnh, Đảng Lao động Việt Nam „đứng về phía Đảng CS Đức một cách vô điều kiện“ và tuyên bố một cách thẳng thừng đối với phong trào đoàn kết: Các bạn hãy nói với những ai muốn đoàn kết với Việt Nam: nếu các bạn muốn giúp Việt Nam, các bạn phải thống nhất hành động với Đảng CS Đức, tạo thành mặt trận thống nhất“. Diễn văn của Tố Hữu, 6. 11. 1973 ở München, trong „Kommunist“ Extra, nhật báo của phân bộ Đản CS Đức ở trường ĐH München, trích theo Werkmeister (CT. 9), tr. 266.

60

„Nếu chúng ta thật sự muốn đoàn kết, thì chúng ta phải tôn trọng quyền của Việt Nam đi theo con đường mà chính phủ, đảng và nhân dân Việt Nam cùng nhau muốn đi. Quyền đó cũng bao hàm cả quyền mắc sai lầm. Ta phải phê phán các sai lầm đó, song chúng ta không được để tình đoàn kết của ta phụ thuộc vào sự phê phán ấy.“; Günter Giesenfeld Antiimperialistisches Informationsbulletin AIB/1/1985, Vietnam Kurier, 10 Jahre befreites Vietnam, ed. Hội hữu nghị giữa nhân dân CHLB Đức và nhân dân CHXHCN Việt Nam , trích dẫn theo Balsen/Rössel (CT. 1), tr. 248. Günter Gisenfeld vốn là Chủ tịch lâu năm của „Hội hữu nghị Việt Nam“ và cũng từng là cộng sự của Werkmeiter. Việc cả hai ông đều là cảm tình viên của Đảng CS Đức là việc khá hiển nhiên.

61

1975, do hậu quả của sự truy lùng và giết hại dã man do chính quyền VNCH và đồng minh Mĩ tiến hành, ở Sài Gòn còn sót lại khoảng 400 thành viên MTDTGP; toàn Miền Nam có ước chừng một phần trăm người theo MTDTGP, xem Gerhard Will, Vietnam 1975-1979: Von Krieg zu Krieg. Mitteilungen des Instituts für Asienkunde Hamburg, Hamburg 1987, tr. 15.

62

Walter Skrobanek, cựu nhân viên của „terre des hommes“, là một trong số ít người tình nguyện phương Tây ở lại Sài Gòn sau „Giải phóng“, đã theo dõi việc này hơn nửa năm trời và mô tả chi tiết trong nhật ký được xuất bản sau khi ông mất, xem Walter Skrobanek, Nach der Befreiung: damit ihr wisst, dass das Leben weitergeht. Tagebuch aus Vietnam 1975, Bonn 2008.

63

Xem thêm: https://www.tdh.de/, https://friedensdorf.de/2017/01/17/es-begann-in-vietnam/, https:// www. medico.de, http://www.kinderhilfe-vietnam.de, http://www.bremerfriedensforum.de/ 753/aktuelles/ Die-Solidaritaet-ist-unsere-Staerke/), http://www.fg-vietnam.de/.

64

Xem thêm http://www.vietnam-dvg.com.

65

Một trong những nhân vật của phong trào đoàn kết, Günther Giesenfeld, cho đến nay vẫn giữ quan điểm cũ, tuy có nhiều biến dạng, về tình đoàn kết, song ông cũng không tiếc lời phê phán sự phát triển của CNTB ở Việt Nam hiện nay. Xem thêm các báo cáo của Giesenfled trên trang web của FG Viêt Nam, http://www.fg.-vietnam.de/.

66

Dietrich Wetzel, trong: Daniel Cohn-Bendit/Joschka Fischer/Rupert von Plotnitz/Reimut Riche/Dietrich Wetzel, Kopfschrott oder Gefühlsheu? Eine Diskussion über Internationalismus, trong :Kursbuch 57, Berlin 1979, tr. 217.

67

Daniel Cohn-Bendit, trong: như trên, tr. 220.

68

Joschka Fischer, như trên, tr. 217.

69

Như trên, tr, 211.

70

Như trên, tr. 218.

71

Như trên, tr. 207.

72

Như trên.

73

Peter Schneider, Internationalismus als Realitätsflucht. Loại bài giảng 15. 6. 1988 cùng với Bahman Nirumand, Hansi Scharbach und Peter Schneider, chủ trì: Jochen Staadt, www.glasnost.de/hist/apo/apo888.html.

74

Olejniczak (CT. 6), tr.195

75

Weitbrecht (CT. 7), tr. 40f.: JW nhấn mạnh.

76

Dieter Rucht: Die Ereignisse von 1968 als soziale Bewegung: Methodologische Überlegungen und einige empirische Befunde, trong: Ingrid Gilcher-Holtey (ed.), 1968. Vom Ereignis zum Mythos, Frankfurt/M. 2008, tr. 153-171.

77

Joachim Raschke, Soziale Bewegungen. Ein historisch-systematischer Grundriß, Frankfurt/M. 1987, tr. 74.